Hội thi Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc 2024 diễn ra tại thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi với sự tham gia của 24 tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng văn hóa tiêu biểu trong cả nước. Hội thi nhằm tôn vinh, quảng bá, giới thiệu những nét đặc sắc, các giá trị văn hoá truyền thống, đặc trưng của các dân tộc, qua đó, góp phần gìn giữ, khích lệ đồng bào các dân tộc trong việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc đồng thời lan tỏa tình yêu di sản văn hóa trong nhân dân.
Tiết mục biểu diễn của Đoàn Quảng Nam
Hội tụ sắc màu không gian văn hóa các dân tộc
Với không gian văn hóa đầy màu sắc, sống động, Hội thi Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc năm 2024 là nơi hội tụ, lan tỏa bản sắc văn hóa các dân tộc. Các đoàn đã bám sát mục đích, yêu cầu quy chế của Ban Tổ chức đề ra để xây dựng chương trình, tiết mục tham dự đảm bảo về nội dung, phong phú về hình thức và chất lượng nghệ thuật. Kết cấu chương trình chặt chẽ, dàn dựng công phu, hoành tráng, sôi động nhưng vẫn giữ được bản sắc vùng miền, đảm bảo được tính nguyên gốc của các bài dân ca, nhạc cổ, nghi thức sinh hoạt văn hóa…
Chương trình của các đoàn nghệ nhân đến các tỉnh, thành phố đã đem đến những gam màu và hoa văn đặc sắc của 24 đơn vị tham gia, đại diện cho các vùng văn hóa tiêu biểu trong cả nước. Hội thi lần này đã chứng kiến sự hội tụ và lan tỏa nhiều tiết mục độc đáo mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc ở các địa phương. Nhiều tiết mục đã tái hiện lại những hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc, cộng đồng dân cư địa phương một cách nguyên bản.
Hoạt động liên hoan dân ca, dân vũ, nhạc cụ truyền thống có 108 tiết mục được trình diễn, trình diễn trang phục truyền thống đã mang đến hội thi 52 bộ trang phục truyền thống đặc sắc của các dân tộc. Phần thi trình diễn tái hiện các nghi lễ, tích trò đã giúp khán giả trải nghiệm về 24 lễ hội truyền thống mang ý nghĩa văn hóa, lịch sử sâu sắc của các địa phương, dân tộc. Phần thi ẩm thực của 20 đoàn tham gia tranh tài đã giới thiệu, quảng bá trên 100 món ăn độc đáo, gắn với đời sống tín ngưỡng của cộng đồng các dân tộc.
Nội dung trình diễn các nghi lễ truyền thống là hoạt động tái hiện các tích trò, lễ hội tiêu biểu của các địa phương như: Nghi lễ Ngọi đung – Mừng nhà mới dân tộc Pa Cô của tỉnh Thừa Thiên Huế, Lễ cưới truyền thống của đồng bào Chăm Islam ở tỉnh An Giang; Lễ ăn cơm mới của người Ê Đê ở tỉnh Đắk Lắk; Lễ ăn hỏi của người Thái ở tỉnh Điện Biên; Lễ cúng nhà rông của đồng bào Gia Rai, Bahnar ở tỉnh Gia Lai; Lễ khao thề lính Hoàng Sa của tỉnh Quảng Ngãi… Các nghi lễ đều mang đậm màu sắc tính ngưỡng, tâm linh, phản ánh đời sống tinh thần phong phú, tính thẩm mỹ cao với nhiều nghi thức, phong tục, điệu múa, bài dân ca truyền thống được lưu truyền từ nhiều đời nay và được tái hiện bởi các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên đại diện cho nhiều dân tộc của các địa phương.
Đánh giá chất lượng của Hội thi, ông Nguyễn Quốc Huy - Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cho biết, Hội thi đã đáp ứng về quy mô, chất lượng nghệ thuật và hiệu quả tuyên truyền. Qua đó, tích cực quảng bá các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, phong tục tập quán, lễ hội truyền thống, dân ca, dân vũ, trang phục, ẩm thực của các dân tộc trên toàn quốc.
Tiết mục biểu diễn của Đoàn Phú Yên
Lan tỏa tình yêu di sản trong cộng đồng
Trong khuôn khổ các hoạt động hội thi, các đoàn nghệ nhân đã trình diễn những chương trình, tiết mục nghệ thuật đặc sắc, tạo nên không gian văn hóa đa sắc màu, đem lại bầu không khí vui tươi, phấn khởi, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tới xem và cổ vũ. Khán giả đến xem các hoạt động tại Hội thi đã có cơ hội trải nghiệm những sắc màu, đặc trưng văn hóa, các nghi lễ, phong tục độc đáo của các địa phương, qua đó giúp cho việc phát huy giá trị di sản, bồi đắp tình cảm, niềm tự hào và khơi dậy ý thức trân trọng gìn giữ, bảo vệ di sản của dân tộc đối với các tầng lớp nhân dân.
Hội thi Diễn xướng dân gian văn hóa định kỳ 2 năm tổ chức một lần, là một hoạt động văn hóa ý nghĩa, quan trọng, thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy giá trị vốn có và giá trị tiêu biểu của các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc, các tích trò, lễ hội … của cộng đồng các dân tộc văn hóa Việt Nam. Đồng thời là cơ hội để sân khấu hóa, tập trung tôn vinh một số giá trị văn hóa tiêu biểu của vùng, miền, làm nổi bật văn hóa, nghệ thuật đỉnh cao, văn hóa có tính chiều sâu mà vào những ngày thường không thể tổ chức, vừa làm nhiệm vụ bảo tồn vừa phát huy những giá trị gốc được tái hiện trên sân khấu, đáp ứng yêu cầu phục vụ cuộc sống của thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập và phát triển.
Với phương châm tôn vinh, quảng bá, giới thiệu những nét tiêu biểu, giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của từng địa phương nói riêng và của cả nước nói chung, Hội thi nhằm nâng cao năng lực, trách nhiệm và ý thức bảo vệ, giữ gìn, chăm sóc, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản của các thế hệ trước để lại, đặc biệt là những di sản, di tích tại địa phương cho hệ thống cán bộ văn hóa tác nghiệp tại cơ sở, các nghệ nhân, diễn viên, công tác viên đang thực hành và trao truyền di sản. Tại Hội thi lần này chúng ta lại thấy được sự hồi sinh mạnh mẽ của các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc, các lễ hội, tích trò… trong các hoạt động văn hóa - xã hội và cả trong sinh hoạt thường nhật. Đặc biệt, đã phát hiện được nhiều gương mặt nhỏ tuổi tài năng, sở hữa chất giọng ngọt ngào, thể hiện nhuần nhuyễn các loại hình âm nhạc truyền thống. Đây là điều đáng mừng và đáng khích lệ đối với thế hệ trẻ say mê và yêu mến di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.
Chị Aren Thùy Linh đến từ Đoàn nghệ nhân tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ: Đây là lần thứ 2 em tham gia Hội thi, mỗi lần tham gia, chúng em đều kể câu chuyện văn hóa của dân tộc mình theo một phương thức khác, trên cơ sở tôn trọng các giá trị nguyên bản. Đến với Hội thi, Đoàn Thừa Thiên Huế đã trình diễn trích đoạn Lễ hội Ngọi Đung – Mừng nhà mới của dân tộc Pa Cô. Đây là một lễ hội quan trọng thể hiện sự kết nối giữa Giàng (thần linh), sự đoàn kết cộng đồng và tạ ơn mẹ thiên nhiên đã ban tặng nguyên vật liệu để làm nhà mới. Chúng em luôn yêu quý, tự hào về văn hóa truyền thống của dân tộc mình và luôn cố gắng gìn giữ những giá trị thiêng liêng ấy.
Theo đánh giá của Hội đồng chuyên môn, các đoàn đã có sự chuẩn bị chu đáo về ý tưởng, nội dung, cách thức xây dựng các chương trình nghệ thuật, tái hiện lại các nghi lễ truyền thống rất đặc sắc, độc đáo, mang dấu ấn riêng của từng dân tộc, địa phương. Qua đó, cho thấy các địa phương đã chú trọng bảo tồn, gìn giữ và phát huy tốt các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, phong tục tập quán, lễ hội truyền thống.
Có thể nói, Hội thi Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc là nơi hội tụ và tỏa sáng, khẳng định sự phong phú và đa dạng của các giá trị di sản văn hóa, đồng thời thể hiện sự gặp gỡ, giao thoa, gắn kết và lan tỏa của các loại hình nghệ thuật của các vùng, miền, địa phương. Với niềm tự hào di sản, các đoàn nghệ nhân đã giới thiệu những giá trị văn hóa đặc sắc, tiêu biểu tới đông đảo công chúng và du khách; tạo cơ hội để các Câu lạc bộ di sản, các nghệ nhân, diễn viên gặp gỡ giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn, sáng tạo trong lao động nghệ thuật, góp phần gìn giữ, phát huy và lan tỏa mạnh mẽ giá trị của di sản trong đời sống đương đại. Những nỗ lực của toàn ngành Văn hóa cùng với các địa phương đã “chắp cánh” cho di sản của ông cha lan tỏa trong đời sống văn hóa tinh thần hôm nay.
Phần thi ẩm thực của Đoàn Quảng Nam
HẰNG NGUYỄN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 579, tháng 8-2024