Nguyễn Trãi và những vấn đề của bi kịch lịch sử

Nguyễn Trãi đã đi vào lịch sử và lòng dân tộc như một anh hùng cứu nước vĩ đại, một danh nhân văn hóa kiệt xuất. Ông là một nhà chính trị, nhà tư tưởng, nhà chiến lược quân sự, nhà thơ, nhà văn, nhà sử học… Ông đã đem tất cả tài năng đó phục vụ cho công cuộc giải phóng dân tộc, cùng với Lê Lợi lập nên thắng lợi của sự nghiệp Bình Ngô. Tuy nhiên, cuộc đời ông đã kết thúc bằng một bi kịch được đánh giá là bí ẩn nhất trong lịch sử dân tộc. Ông đã bị “tru di tam tộc” trong vụ án Lệ Chi viên. Bài viết chủ yếu khái quát về sự đóng góp của Nguyễn Trãi trong các thời đại khác nhau của lịch sử dân tộc. Bên cạnh đó, cũng tái hiện, lý giải nguyên nhân dẫn đến bi kịch của Nguyễn Trãi và những bài học, ý nghĩa giáo dục của nó trong đời sống xã hội ngày nay.

Tượng đài Nguyễn Trãi tại Công viên Hà Đông, Hà Nội - Ảnh: daibieunhandan.vn

Gần 600 năm qua, vụ án Lệ Chi viên với án oan ngút trời giết vua, cùng bản án thảm khốc “tru di tam tộc” nhằm vào anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi cùng vợ ông - lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ vẫn còn là một ẩn số. Dù cuối cùng, cuộc đời kết thúc bằng một bi kịch đau xót, nhưng Nguyễn Trãi đã để lại cho lịch sử và hậu thế một tấm gương sáng về phẩm giá một người trí thức trọn đời vì nước, vì dân, đấu tranh không biết mệt mỏi cho độc lập dân tộc và hòa hiếu với lân bang, cho một đất nước giàu mạnh có vua sáng tôi hiền, người dân ấm no và một sự nghiệp văn hóa đồ sộ với biết bao tác phẩm trên nhiều lĩnh vực phản chiếu lẽ sống, nhân cách và tài năng sáng tạo của ông. Ngày nay, tên tuổi và sự nghiệp của Nguyễn Trãi còn tỏa sáng vượt khỏi biên giới quốc gia, được UNESCO công nhận là Danh nhân văn hóa thế giới. Nguyễn Trãi là một trong những con người tiêu biểu ở đỉnh cao nhất tâm hồn và trí tuệ của dân tộc, tài năng và phẩm giá của con người Việt Nam được nhân loại trân trọng.

1. Nguyễn Trãi - tấm gương sáng của một người trí thức trọn đời vì nước, vì dân

Ngày 16-8 năm Nhâm Tuất, tức ngày 19-9-1442, cách đây 582 năm vào một ngày mùa Thu định mệnh, Nguyễn Trãi cùng vợ và rất nhiều người trong gia đình ông đã bị tru di tại pháp trường Thăng Long vì cái chết không rõ nguyên nhân của vị vua trẻ tuổi Lê Thái Tông. Vua Lê Thái Tông khi đi Kinh lý ở Đông Bắc, duyệt binh ở Chí Linh và vào Côn Sơn ghé thăm người phụ tá của mình là Nguyễn Trãi. Khi Vua Lê Thái Tông trở về đến Lệ Chi viên thì đột ngột qua đời. Nguyễn Trãi đã bị luật pháp thời nhà Lê kết tội phản nghịch, giết vua và ngay lập tức hành hình cả ba họ. Cái chết của Nguyễn Trãi là một nghi án lớn nhất trong lịch sử Đại Việt trước đó và cho đến tận hôm nay. Nhân dân đương thời thương tiếc ông, lịch sử mãi mãi khắc ghi cái chết oan nghiệt của ông. Thế giới tôn vinh ông là danh nhân văn hóa. Năm 1980, nhân kỷ niệm 600 năm ngày sinh của ông, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã biểu dương ông là một nhân cách “có một cuộc sống cao thượng và trong sáng lạ lùng”. Nhân dân ta và nhân loại yêu hòa bình đã hiểu rõ những cống hiến to lớn của ông cho dân tộc Việt Nam, cho hòa bình và tình yêu con người nên đã tôn vinh ông là người Anh hùng của dân tộc Việt Nam, Tổ chức UNESCO tôn vinh ông là Danh nhân văn hóa.

Yêu nước đến nồng cháy, thương dân đến xót xa, căm thù giặc bầm gan, tím ruột, Nguyễn Trãi đã cùng Lê Lợi nằm gai, nếm mật, vượt muôn trùng gian khó quyết tâm đánh đuổi giặc Minh cứu nước. Trở thành người cộng sự, một mưu sĩ trong nghìn quân của Lê Lợi, ông đã dâng nhiều kế sách quan trọng diệt giặc. Các kế sách đó ông đã ghi lại trong Quân trung từ mệnh tập, trong đó có kế sách nội công, ngoại kích, tâm công và nhất là triết lý về thời cơ mà ông đã đúc kết từ kinh dịch. Triết lý ấy đã trở thành binh pháp Lê Lợi suốt 10 năm trường kỳ kháng chiến đi tới những trận quyết chiến vang dội như Tốt Động, Xương Giang, Hàm Tử, Đông Quan… mà Cáo Bình Ngô đã thông báo trong toàn quân và trước toàn dân sau ngày đại thắng quân Minh năm 1427 với một khí phách kiêu hùng: “Đánh một trận sạch không kình ngạc - Đánh hai trận tan tác chim muông…”.

Sau khi diệt sạch quân Minh trên đất Đại Việt, đất nước chưa bình yên sau ngày hậu chiến với việc chia quả thực và bàn về kế sách giữ nước cũng như dựng nước. Việc chia quả thực thì tất nhiên những tướng tài, binh giỏi đều tự nhận thức công lao của mình và chính Nguyễn Trãi - mưu sĩ của Lê Lợi cũng đã được vua Lê ban thưởng. Nhưng lòng tham của con người thì không đáy và khát vọng quyền lực của mỗi người cũng vô biên. Tính tự cao, tự mãn, ích kỷ của một số gian thần đã khuynh đảo triều đình. Việc kế sách giữ nước thì năm phe bảy phái. Có người đặt vấn đề giữ nước bằng quyền lực, bằng bạo lực, có người thì đặt vấn đề giữ nước bằng đạo đức, bằng nhân nghĩa. Tâm điểm lớn nhất là vấn đề dân tộc tiếp tục con đường đổi mới của Hồ Quý Ly hay trở lại con đường Hán hóa theo thuyết Khổng -Mạnh. Từ đó, các tư tưởng chính trị đã đối thoại và phân hóa quyết liệt tạo nên phe phái tranh giành lẫn nhau và có đầu rơi máu chảy của nhiều danh tướng, danh thần.

Nguyễn Trãi đã trung thành với học thuyết nhân nghĩa cốt ở yên dân, yêu thương dân phải trừ tận gốc bọn xâm lăng và những con sâu mọt đục khoét dân. Còn vấn đề dân tộc, Nguyễn Trãi đã trung thành với quan điểm sáng tạo về độc lập dân tộc đã viết trong Cáo Bình Ngô về sự thống nhất quốc gia bởi năm yếu tố: văn hiến, lãnh thổ, phong tục, văn hóa, chính quyền. Nước Đại Việt ngang hàng với các nước khác hùng cứ một phương, phong tục tập quán khác hẳn dân tộc khác, không những thế mà văn trị, giáo hóa đã được hiến định từ ngàn năm trước, có nền văn hóa bản địa đặc sắc mà lịch sử đã thừa nhận.

Tâm điểm của hai vấn đề lớn của thời hậu chiến sau năm 1427 của Đại Việt là hòa bình, là khoan sức dân, là bình đẳng dân tộc. Cuộc chiến tranh chống quân Minh thắng lợi không chỉ có lực lượng quân sự mà là sức mạnh toàn dân. Mùa Xuân năm 1429, sau khi nhân dân Đại Việt chiến thắng quân Minh, Vua Lê Thái Tổ đã hạ chiếu chia lại ruộng đất cho người có công và chỉ định “các đại thần cần bàn định số ruộng cấp cho quan lại, quân nhân và dân chúng từ đại thần trở xuống, dưới đến người già yếu, mồ côi, giá chồng, đàn ông, đàn bà trở lên, loại nào được cấp bao nhiêu tâu” (1). Bọn quan tham cho đó là mưu kế Nguyễn Trãi, quan điểm nhân dân của Nguyễn Trãi đã chạm đến quyền lợi của nhiều kẻ tham quyền cố vị sau ngày đất nước được giải phóng khỏi giặc Minh. Nhiều người nhìn Nguyễn Trãi bằng con mắt thù hằn và hiểm độc. Ông bị coi là lực cản danh vọng của một số quan tham.

Trung thành với quan điểm nhân nghĩa để yên dân và quan điểm muốn yên dân phải trừ bạo tặc không chỉ là lực lượng bên ngoài xâm lược mà còn là bọn quan tham, đè nén dân, cướp bóc của dân. Nguyễn Trãi mong nền thái bình muôn thuở cho đất nước cũng không chỉ là mong diệt hết giặc ngoại xâm, mầm mống bất ổn thường trực quấy nhiễu, trù dập nhân dân. Khi ông viết: “Phàm mưu việc lớn phải lấy nhân nghĩa làm gốc, nên công to phải lấy nhân nghĩa làm đầu” đã chạm vào tận tâm can của bọn muốn đè đầu cưỡi cổ dân. Ông không phải không hiểu điều đó khi nêu lên thuyết nhân nghĩa, vì ông là mưu thần xuất sắc nhất của Lê Lợi. Ông đã bộc bạch lòng trung thành đối với lý tưởng nhân nghĩa trong lúc ông biết rất rõ: “cửa quyền nhiều hiểm hóc, danh lợi cực quanh co”.

Khi đặt vấn đề nhân nghĩa cốt ở yên dân, quân điếu phạt trước lo trừ bạo, ông đã hiểu mọi việc ở bên ngoài thì thông thoáng nhưng không gì có thể đo lòng hiểm độc của con người. Ông tận trung phục vụ nhà vua chống lại mọi thói đạo đức giả dối trong triều đình.

Sau ngày Nguyễn Trãi về hưởng cảnh thanh bình ở Côn Sơn để nghe tiếng gió thổi, tiếng suối róc rách chảy, tiếng chim hót, lòng ông lại dày vò trăm mối. Đất nước còn ngổn ngang việc lớn, bọn gian thần hoành hành ngang ngược. Ở Côn Sơn, ông không chỉ nuôi chí anh hùng, hồi tưởng những người anh hùng quá khứ mà còn đàm đạo với các tướng lĩnh trước kia đã qua trận mạc ghé thăm ông.

2. Bi kịch Nguyễn Trãi và giá trị giáo dục đối với đời sống xã hội

Ba năm tuy sức tuổi già rong ruổi trên Đông Bắc thỏa chí bình sinh và tưởng chừng con đường quan lộ sắp hạ cánh an toàn. Nhưng khi Nguyễn Trãi tràn đầy niềm vui trong ánh sáng thì trong bóng tối nhiều kẻ ghen ghét, căm tức bày mưu tính kế.

Ngờ đâu cái câu thơ mà ông luôn cảnh giác: “Họa phúc hữu môn phi nhất nhất/ Anh hùng chi hận kỷ thiên niên” (Họa phúc có nguồn đâu phải một ngày/ Anh hùng để hận lại đến mấy ngàn năm) lại trùm lên số phận của ông. Giữa cái ánh sáng rực rỡ của buổi ban mai, ông đã được Vua đến thăm tràn đầy hạnh phúc ở tận vùng Đông Bắc xa xôi. Đón tiếp Vua quang minh, chính đại với tấm lòng trung thành, trung thực và thanh liêm, ông đã mất cảnh giác, không chú ý đến hàng loạt mưu đồ trong bóng tối muốn hãm hại mình.

Nhà Vua trẻ tuổi đã chào ông vui vẻ trở về hoàng cung, nhưng nào ngờ chưa kịp trở về kinh đô, đã đột ngột qua đời tại Lệ Chi viên. Nhà Vua yêu quý người kèm cặp mình từ năm 10 tuổi và đã ban cho ông nhiều bổng lộc. Một mũi tên xuyên suốt hàng loạt các chướng ngại. Lê Thái Tông băng hà, người được vua Lê yêu quý cũng chết. Lê Thái Tông băng hà kéo theo cả ba họ người mà ông ban bổng lộc cùng đi theo. Rõ ràng đây là một âm mưu không chỉ xóa sổ một ông vua mà còn xóa sổ cả một dòng họ, nhiều dòng họ người mà vua ưu ái. Cái chết kinh thiên động địa của Vua Lê Thái Tông và người anh hùng Nguyễn Trãi như một tiếng sấm lớn rền vang nhiều năm giữa TK XV và để lại một bi kịch lịch sử có một không hai trong chế độ phong kiến ở Việt Nam. Và bi kịch này “di hận kỷ thiên niên” (di hận đến cả nghìn năm sau).

Sau khi Nguyễn Trãi và ba họ đã bị tru di vào buổi sáng ngày 19-9-1442, những tiếng vang vọng lịch sử dồn nén và dâng trào những vấn đề xã hội đã xảy ra chung quanh cái bi kịch đó. Nhân kỷ niệm 520 năm ngày Nguyễn Trãi mất, nguyên cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khóc ông rằng: “Đối với triều đình nhà Lê, lúc bấy giờ, sau khi “bốn biển đã yên lặng”, Nguyễn Trãi nhân nghĩa quá, trung thực quá, thanh liêm quá. Nguồn gốc sâu xa của thảm án vô cùng đau thương của Nguyễn Trãi bị tru di ba họ là ở chỗ đó” (2).

Tại sao trong cái xã hội thông thoáng bên ngoài, con người trung thực thanh liêm là đối tượng phải tiêu diệt? Tại sao bốn biển đã yên lặng mà những người tốt, người lương thiện lại là đối tượng bị tiêu diệt? Rõ ràng là các vấn đề xung đột kịch tính trong lĩnh vực chính trị luôn sôi động và quyết liệt, con người không thể mất cảnh giác.

Lê Nhân Tông - người kế nghiệp Lê Thái Tông ngay lập tức đã tìm cách minh oan cho Nguyễn Trãi và lên án thảm kịch này đối với trung thần của vua Lê. Ông đã khẳng định Nguyễn Trãi - người trung thành giúp Đức Thái Tổ dẹp yên giặc loạn, giúp Đức Thánh Tông sửa sang thái bình và khẳng định thêm rằng, các danh tướng của bản triều nhà Lê lúc đó không ai bằng Nguyễn Trãi. Lời minh oan và lời khẳng định vào thời điểm đó rõ ràng rất bất lợi cho việc trả lại danh dự cho Nguyễn Trãi. Lời khẳng định đó vào lúc Lệ Chi viên đang ồn ào cho nên không những không giúp ích gì cho việc minh oan cho Nguyễn Trãi mà còn chạm vào nọc rắn của bọn gian thần tự mãn, tự kiêu vu oan. Lời khẳng định ấy của một nhà vua lúc này vẫn như một hòn đá ném xuống nước, mặt nước vẫn lại phẳng lặng và cái chết của Nguyễn Trãi vẫn không được minh oan, vẫn là một bí ẩn. Mãi cho đến đời Vua Lê Thánh Tông, một vị vua tài năng kiệt xuất và thông tuệ của triều Lê mới xuống chỉ minh oan cho Nguyễn Trãi, phục hồi phẩm giá cho ông và phong cho ông 7 chữ vàng: “Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo”.

Nghi án của Nguyễn Trãi giết vua mới được minh oan nhưng không ai bị trừng trị. Tấm lòng của Nguyễn Trãi sáng mãi nhưng cái chết của Nguyễn Trãi lại là một bi kịch lịch sử. Trước hết, Nguyễn Trãi trở thành một nhân vật bi kịch lịch sử vì nhân cách của ông là một nhân cách cao cả. Tinh thần yêu nước thương dân, khí phách kiên cường, lý tưởng chống áp bức bóc lột, ý chí gìn giữ phẩm giá dân tộc ở ông có một ý nghĩa thời đại rất sâu sắc. Ông đã thực hiện lý tưởng tiên tiến và bảo vệ nhân phẩm đến phút cuối cùng. Những nhân phẩm thấp hèn, những con người yếu đuối, những cá nhân ích kỷ không bao giờ trở thành một hiện tượng bi kịch của lịch sử được.

Những bi kịch của lịch sử phải là những con người đẹp, người anh hùng trong cuộc chiến đấu quyết liệt với cái xấu, cái ác vì quyền lợi cao quý của nhân dân, của dân tộc, nhưng họ bị thất bại vì đã cố gắng hết sức mà vẫn không vượt qua được. Nguyễn Trãi là một người như vậy. Ông không chỉ có đức tính khiêm tốn, giản dị, tình cảm nhân hậu, lòng yêu cái thiện, chống cái ác, mà còn là một danh nhân văn hóa đầy trí tuệ phi thường. Những tác phẩm Quân trung từ mệnh tập, Ức Trai thi tập, Bình Ngô đại cáo, Dư địa chí…. của ông là những kiệt tác văn hóa, chứa đựng những tri thức sâu rộng và tình cảm yêu nước nồng nàn. Ông qua đời lúc sức sáng tạo còn tràn đầy. Cái chết như vậy tạo nên sự đồng cảm, đồng khổ to lớn trong nhiều thế hệ của tiến trình lịch sử.

Nguyễn Trãi đã chết trong lúc ông đang đóng góp nhiều công sức cho Tổ quốc. Nguyễn Trãi đã chết trong cuộc chiến đấu với cái xấu và cái ác. Nguyễn Trãi đã thanh liêm quá, đã trung thực quá, đã mất cảnh giác và bị cái xấu nham hiểm tấn công. Cái chết như vậy là cái chết bất ngờ của cái đẹp và cũng là sự thất bại của cái tốt, cái mới đáng lý ra ông phải được tôn vinh, được hưởng hạnh phúc. Cái chết như vậy có một ý nghĩa xã hội to lớn, tố cáo những lực lượng hèn nhát, kêu gọi đoàn kết cộng đồng để tiêu diệt nguyên nhân gây nên cái chết đó. Bản chất thẩm mỹ cái bi kịch lịch sử của vĩ nhân Nguyễn Trãi là cái cao cả, cái đẹp, cái mới tràn đầy lòng yêu dân, yêu nước, yêu hòa bình trong cuộc đối đầu với cái xấu, cái ác vì mất cảnh giác nên đã thất bại, đã bị hy sinh. Cái chết của ông mang ý nghĩa xã hội sâu rộng, kêu gọi mọi người hãy cảnh giác. Cái chết của ông được nhiều thế hệ con người trong dân tộc và nhân loại đồng cảm, tôn vinh, kính trọng, kính nể và có một ý nghĩa giáo dục xã hội rất tích cực.

Một trong những điều bí ẩn lớn lao trong bi kịch lịch sử của Nguyễn Trãi là nỗi đau biến thành niềm tin, tình yêu cái đẹp, cái cao cả, cái anh hùng ở ông và sự hy sinh của Nguyễn Trãi tạo nên làn sóng căm giận, ý chí cảnh giác đối với cái xấu lan truyền đến mọi người, thức tỉnh con người trong quá trình vươn lên để khẳng định cái đẹp thì hãy cảnh giác.

Bi kịch lịch sử của nhân vật Nguyễn Trãi có ý nghĩa giáo dục xã hội to lớn bởi mọi người kính phục, biết ơn và luôn luôn muốn noi theo chủ nghĩa yêu nước vĩ đại, tình cảm đạo đức thương dân, nhân nghĩa, lòng yêu hòa bình và khả năng đấu tranh bảo vệ cái đúng, cái tốt, cái đẹp ở ông. Ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong bi kịch của Nguyễn Trãi còn thôi thúc nhiều thế hệ hôm qua, hôm nay và ngày mai dũng cảm, đoàn kết chiến đấu để tiêu diệt cái xấu, cái ác. Hơn thế, ý nghĩa giáo dục xã hội từ trong bi kịch ở Nguyễn Trãi là làm cho dân tộc Việt Nam cao đẹp hơn và nó đã truyền đến mọi người lòng tự hào không chỉ đất nước mà còn lòng tự hào vì đất nước Việt Nam đã sinh ra người anh hùng, nhà văn hóa lớn của dân tộc và nhân loại. Ức trai thi tập, Quốc Ân thi tập, Chí Linh sơn phú đặc biệt là Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi đã làm vẻ vang dân tộc Việt Nam và nâng tầm Nguyễn Trãi lên thành một con người cao thượng, trong sáng lạ thường như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết.

Trong lễ kỷ niệm 600 năm ngày sinh của người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói rằng: “Nguyễn Trãi là một bài học lớn vô cùng quý báu đối với chúng ta hôm nay”, bởi vì “Nguyễn Trãi là một tiêu biểu rất đẹp của thiên tài Việt Nam, tiêu biểu về sự nghiệp giữ nước và dựng nước, về xây dựng cuộc sống với những tình cảm cao đẹp để giữa người và người, thiên tài lộng gió bốn phương và vẫn giữ nguyên vẹn toàn vẹn bản lĩnh và tinh hoa của dân tộc, kiên trì phấn đấu vì sự nghiệp cao quý của mình cùng với sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân thế giới” (3).

3. Kết luận

Bi kịch của người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi là một đề tài luôn luôn có tính thời sự. Nó trở thành đối tượng phản ánh của rất nhiều tác phẩm nghệ thuật có chất lượng thẩm mỹ cao như kịch, thơ ca, văn chương, hội họa và điêu khắc, điện ảnh. Bi kịch lịch sử của nhân vật Nguyễn Trãi đang đặt ra trước chúng ta rất nhiều bài học về ý chí và quyết tâm, tình thương yêu, lòng dũng cảm trong sự nghiệp giải phóng, tình cảm khoan dung, hòa bình và hữu nghị. Tính chất giáo dục xã hội trong cái chết bi hùng của Nguyễn Trãi chứa đựng rất nhiều tiềm năng giáo dục xã hội mà nhiều thế hệ sau cần khai thác.

Ngôi sao sáng Nguyễn Trãi lấp lánh trên bầu trời Việt đã soi sáng cho biết bao nhiêu thế hệ người noi theo tình yêu dân yêu nước, đạo đức trong sáng ở ông. Tiếng kêu thống thiết của Nguyễn Trãi “Anh hùng di hận kỷ thiên niên” thôi thúc mọi người hãy trả mối hận này cho lịch sử và vươn lên cái cao thượng. Cao thượng và trong sáng là phẩm giá nhân cách Nguyễn Trãi, là một trong những đặc trưng tuyệt vời mà Nguyễn Trãi đã ghi vào trong bảng giá trị của văn hóa Việt Nam.

____________________

1. Đỗ Huy, Công bằng xã hội ở Việt Nam: Nhận diện và giải pháp, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 31, 2008, tr.22.

2, 3. Phạm Văn Đồng, Tổ quốc ta, nhân dân ta, sự nghiệp ta và người nghệ sĩ, Nxb Văn học, 1983, tr.401, 411.

Tài liệu tham khảo

1. Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993.

2. Nguyễn Trãi toàn tập, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978.

TS NGUYỄN DUY CƯỜNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 575, tháng 7 - 2024

;