Là đơn vị nghệ thuật của miền núi phía Bắc, Nhà hát Ca múa nhạc Sơn La trong nhiều năm qua đã có những thành tích nổi bật trong việc góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La – Tây Bắc. Góp chung trong các thành tựu đó là những cống hiến, nỗ lực của Giám đốc, NSƯT Đoàn Thế Hùng, anh cũng là một trong 78 gương điển hình sẽ được tuyên dương trong dịp kỷ niệm ngày truyền thống ngành Văn hóa (28/8/1945- 28/8/2023).
Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh Sơn La được thành lập ngày 12-7-1952, tại khu căn cứ thuộc tỉnh Thái Nguyên, với tên gọi ban đầu là Đội Văn công tuyên truyền khu Tây Bắc với 8 thành viên. Sau hơn 70 năm xây dựng và phát triển, Nhà hát hiện nay đã có 5 nghệ sĩ ưu tú, cùng nhiều thế hệ nghệ sĩ, diễn viên tài năng, tâm huyết với sự nghiệp phát triển nghệ thuật chuyên nghiệp. Nhà hát ca múa nhạc tỉnh Sơn La đã cho ra mắt hàng ngàn chương trình biểu diễn, phục vụ hàng triệu người xem. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ, nghệ sĩ nhà hát luôn tích cực hướng ứng phong trào thi đua yêu nước, cho ra đời nhiều tác phẩm mới, chỉnh lý nâng cao tác phẩm, không ngừng nâng cao chất lượng biểu diễn phục vụ khán giả tại địa phương và cả nước.
Giám đốc Nhà hát Ca Múa Nhạc tỉnh Sơn La, NSƯT Đoàn Thế Hùng
Có được những thành tựu đó là sự quyết tâm, đoàn kết và đồng lòng của đội ngũ lãnh đạo Nhà hát, trong đó có sự đóng góp của Giám đốc Nhà hát, NSƯT Đoàn Thế Hùng với phương pháp quản lý, xây dựng chương trình, tổ chức biểu diễn các chương trình thực hiện nhiệm vụ chính trị cũng như đáp ứng yêu cầu hưởng thụ nghệ thuật của khán giả địa phương.
"Để chương trình ngày càng được nâng cao, chúng tôi luôn chú trọng bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn cho đội ngũ nghệ sĩ diễn viên, thông qua việc mời các nhạc sĩ, biên đạo tài năng trong cả nước đến cộng tác, truyền đạt kinh nghiệm. Qua đó, giúp cho các nghệ sĩ nâng cao năng lực, góp phần xây dựng nhiều tác phẩm đặc sắc nhằm đoạt được các giải thưởng cao trong các cuộc thi, hội diễn chuyên nghiệp trong khu vực và toàn quốc” – NSƯT Đoàn Thế Hùng chia sẻ.
Để có các tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, mang đậm bản sắc của người dân vùng cao, hằng năm, đội ngũ cán bộ, nghệ sĩ của đơn vị đã kiên trì, đến với các bản làng đồng bào các dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh để nghiên cứu các lễ hội, sưu tầm dân ca, dân nhạc, dân vũ truyền thống dân gian của mỗi dân tộc. Cùng với đó, Nhà hát mời các nghệ nhân tiêu biểu của từng dân tộc với từng loại hình, thể loại để tổ chức truyền khẩu, truyền vai, truyền tay cho đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên nhằm nắm vững kỹ thuật, kỹ năng diễn tấu, trình tấu về dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống dân gian các dân tộc để vận dụng trong sáng tác, xây dựng, và biểu diễn. Thông qua các chuyến đi thực tế đó, các nghệ sĩ hiểu sâu sắc hơn về các loại hình nghệ thuật, bản sắc văn hóa của các dân tộc. Đồng thời góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa, cũng như tạo nên thương hiệu trong nghệ thuật biểu diễn của nhà hát.
Hằng năm, Nhà hát luôn dành khoảng thời gian trung bình từ 60 - 70 ngày/năm để tổ chức các đợt lưu diễn phục vụ đông đảo công chúng khán giả ở khắp các địa phương từ các huyện, các xã, các bản trong toàn tỉnh, đặc biệt chú trọng địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng di dân tái định cư, vùng cao biên giới nên đã góp phần không nhỏ kịp thời động viên, cải thiện đời sống tinh thần, nâng cao dân trí cho bà con nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Thông qua nội dung các chương trình nghệ thuật, đã góp phần tuyên truyền đến nhân dân và đồng bào các dân tộc hiểu rõ, tin tưởng vào mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giúp bà con có thêm tinh thần, nghị lực vượt qua nhiều khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống, hăng say lao động sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định xã hội, góp phần quan trọng đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Chương trình nghệ thuật do Nhà hát Ca Múa Nhạc tỉnh Sơn La thực hiện
Luôn bám sát kế hoạch và sự chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành và Bộ VHTTDL, Nhà hát chủ động xây dựng và tổ chức các chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng các ngày lễ, ngày kỷ niệm và các sự kiện trọng đại của tỉnh, của trung ương diễn ra trong tỉnh, ngoài tỉnh hay quốc tế (chủ yếu ở nước bạn Lào) và tổ chức các đợt, các buổi biểu diễn đột xuất không nằm trong chỉ tiêu kế hoạch hằng năm đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ và được các cấp lãnh đạo đánh giá cao cũng như được công chúng nồng nhiệt đón nhận.
Đặc biệt trong những năm gần đây, với chương trình nghệ thuật Trầm tích Đà Giang tham gia Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc năm 2021 (Đợt 1) tại thành phố Hải Phòng, Nhà hát đã đạt Huy chương Bạc cho cả chương trình; 2 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng cho các tiết mục; giải Xuất sắc đối với tập thể Đội múa và 1 giải Nhạc sĩ Xuất sắc. Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Thanh âm bản xa” tham gia Cuộc thi Độc tấu - Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2023 tại thành phố Hòa Bình đạt 1 giải Nhì về Độc tấu và 1 giải Nhì về Hòa tấu...
Với những cố gắng, nỗ lực cống hiến của đội ngũ cán bộ, nghệ sĩ, Nhà hát Ca Múa Nhạc tỉnh Sơn La đã được Nhà nước, tỉnh Sơn La, Bộ VHTTDL ghi nhận bằng nhiều Huân, Huy chương, danh hiệu cao quý, gần đây nhất là Huân chương Lao động Hạng Nhất năm 2022 do Chủ tịch nước trao tặng.
Chia sẻ về những thành tựu đã đạt được, Giám đốc Nhà hát Ca Múa Nhạc tỉnh Sơn La, NSƯT Thế Hùng cho biết: “Cùng với thế hệ nghệ sĩ lớp trước và lãnh đạo tiền nhiệm, tôi đã có thời gian gắn bó và trải qua thăng trầm cùng Nhà hát hiện nay và Đoàn ca múa dân tộc tỉnh trước kia. Hơn ai hết, tôi hiểu và sẽ đồng hành với các cán bộ, nghệ sĩ diễn viên, nhân viên của Nhà hát. Nhà hát có được sự vững mạnh ngày hôm nay, không thể không kể đến sự đóng góp, chung tay của cả một tập thể đoàn kết để có thể thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu hưởng thụ nghệ thuật của nhân dân các dân tộc trong tỉnh".
Các tiết mục của Nhà hát mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc tỉnh Sơn La
Mặc dù gặt hái nhiều thành công, nhưng Nhà hát vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, Giám đốc, NSƯT Đoàn Thế Hùng chia sẻ: Khó khăn hiện nay Nhà hát đang phải tháo gỡ đó là chế độ chính sách đối với đội ngũ nghệ sĩ, nhằm đảm bảo mức sống để họ tiếp tục bám trụ và cống hiến với nghề. Song song với đó, là áp lực về thực hiện quy định của việc tinh giảm biên chế theo chủ trương chung, nên đội ngũ nghệ sĩ bị thiếu, không đáp ứng được về số lượng để xây dựng các chương trình nghệ thuật. Và tình trạng Nhà hát của một tỉnh nhưng chưa có “nhà để hát” là một thực tế tại Sơn La, đây đồng thời là mong mỏi lớn nhất của toàn thể anh chị em nghệ sĩ, viên chức và người lao động của Nhà hát để vừa có thể tạo thêm nguồn thu, vừa có một nơi để biểu diễn phục vụ xứng tầm đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp tỉnh nhà. Cùng với đó là hệ thống cơ sở vật chất, trụ sở làm việc, nhà làm việc cho các bộ phận chuyên môn đặc thù, có công năng chuyên biệt xuống cấp hoặc chưa có; trang thiết bị kỹ thuật chuyên dụng thiếu thốn… đó là những vấn đề mà các thế hệ lãnh đạo Nhà hát đã trăn trở trong nhiều năm qua…”.
Với sự năng động, tâm huyết, sáng tạo, tin rằng, Giám đốc, NSƯT Đoàn Thế Hùng sẽ cùng với tập thể cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên sẽ đưa Nhà hát Ca Múa Nhạc tỉnh Sơn La tiếp tục vượt khó, đưa lời ca tiếng hát tiếp tục bay xa, lan tỏa những giá trị văn hóa đặc sắc đến với người xem trong tỉnh cũng như khán giả cả nước.
HƯƠNG GIANG