NNƯT Lò Hải Vân – người truyền "lửa" văn hóa dân gian

Ở độ tuổi hơn 70 và 44 năm tuổi đảng, nghệ nhân Lò Hải Vân vẫn đang tiếp tục truyền lửa đam mê đến với thế hệ trẻ và những người yêu dân ca, nhạc cụ dân tộc. Ông là một trong những nghệ nhân ưu tú (NNƯT) đang nỗ lực góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của các đồng bào dân tộc tỉnh Điện Biên.

Gìn giữ và truyền lửa đam mê

Nghệ nhân Lò Hải Vân sinh năm 1953, từ khi còn nhỏ, ông đã có sự yêu thích đối với âm nhạc dân gian. "Từ khi mới 7 đến 8 tuổi, tôi đã bị những điệu múa, âm nhạc dân tộc cuốn hút. Là người có khả năng cảm thụ âm nhạc nhanh, đồng thời yêu thích nghệ thuật, nên trong các buổi biểu diễn dân ca, dân vũ ở làng, tôi luôn có mặt. Vì thế, Sau mỗi buổi diễn, tôi lại tranh thủ tìm đến các cô, chú nghệ nhân để tìm tòi, hỏi han, tranh thủ học cách sử dụng các nhạc cụ" - Ông bồi hồi nhớ lại.

Nghệ nhân Lò Hải Vân đứng lớp, truyền dạy nhạc cụ Tính tẩu

Với năng khiếu sẵn có và sự đam mê, những làn điệu quê hương đã thấm dần vào con người nghệ nhân Hải Vân và gắn bó với ông trong suốt chặng đường tuổi thơ đến bây giờ. “Say mê âm nhạc, yêu các loại nhạc cụ, vì thế, đến khi trưởng thành và làm việc xa nhà, nhưng tôi vẫn tranh thủ tiếp tục học hỏi các nghệ nhân về những loại đàn, sáo… mỗi khi trở về” – NNƯT Lò Hải Vân chia sẻ.

Là người dân tộc Thái, được sinh ra tại xã Mường Chiêng, tỉnh Sơn La, năm 1975 nghệ nhân Lò Hải Vân làm việc trong đội ngũ lực lượng vũ trang tại khu vực Tây Bắc, tỉnh Lai Châu, trong vai trò thành viên của đoàn văn nghệ. Nhiều năm làm việc, gắn bó, ông đã quyết định trở thành người con của mảnh đất Lai Châu (sau quá trình chia tách tỉnh, nay thuộc tỉnh Điện Biên).

“Ở Tây Bắc thì đâu cũng là quê hương, nên tôi quyết định sống tại thành phố Điện Biên Phủ vì đây là vùng đất mang dấu ấn lịch sử, anh hùng. Ở thành phố này, tôi cũng đang tham gia lớp dạy nhạc cụ dân tộc. Các nghệ nhân chúng tôi mong muốn không chỉ gìn giữ bản sắc văn hóa, mà còn lan tỏa vẻ đẹp đó đến với người dân Điện Biên, cũng như du khách đến với vùng đất này” – NNƯT Hải Vân bày tỏ.  

Cùng với các nghệ nhân, NNƯT Lò Hải Vân sử dụng đàn Nhị tham gia biểu diễn trong các chương trình văn nghệ

Nghệ nhân Hải Vân cũng cho biết, một trong những lý do quan trọng đã khiến ông chọn nơi đây để gắn bó lâu dài đó là, năm 1978, đội văn nghệ bản Mường Pồn vinh dự được biểu diễn khi đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm Điện Biên. Ông cho biết, “Khi đó, tôi đã sử dụng nhạc cụ dân tộc píp pặp, khèn bè, tính tẩu trình diễn. Sau mỗi màn biểu diễn, tôi được Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các đồng chí lãnh đạo trung ương, địa phương, cùng mọi người dành cho nhiều tràng vỗ tay và khen ngợi. Điều đó làm cho tôi cảm thấy rất vui, tự hào, và trở thành sự cổ vũ, khuyến khích, để tôi hết lòng cống hiến cho âm nhạc. Chính vì thế, tôi nguyện góp công sức nhỏ bé của mình vào công tác bảo tồn văn hóa, xây dựng quê hương”.

Mặc dù có thể sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ: nhị, pí pặp một của người Thái Đen, pí pặp đôi của người Thái trắng, tính tẩu, sáo Mông, khèn bè, nhưng nghệ nhân Hải Vân vẫn không ngừng trau dồi học tập, lưu giữ, nghiên cứu. Đồng thời, ông còn phát triển thêm về tiết tấu để các bản nhạc, để giai điệu hay và phù hợp với hiện tại nhằm truyền lại cho các bạn trẻ, cũng như người dân yêu văn nghệ dân gian. Ngoài ra, ông còn tham gia biểu diễn trong các ngày lễ ở bản, huyện, tỉnh, các địa phương, cũng như là trình diễn giao lưu trong Ngày hội của đồng bào dân tộc do các cơ quan Trung ương tổ chức.

Ông cho biết, “hiện nay tôi đang tham gia các lớp truyền dạy âm nhạc dân tộc cho các bạn trẻ. Bản, xã nào cần tôi đến tận nơi hướng dẫn truyền dạy các nhạc cụ dân tộc. Bản thân yêu nghệ thuật nên nhạc cụ nào tôi cũng thích, nên thấy nghệ nhân nào giỏi là tìm đến để học hỏi thêm kinh nghiệm. Được đi nhiều nơi, được giao lưu với nhiều đồng bào dân tộc, tôi cảm thấy rất yêu quê hương mình”.

NNƯT Lò Hải Vân trong một tiết mục âm nhạc dân tộc

Tôi hỏi ông, điều gì đã khiến ông tìm hiểu, học hỏi về nhiều loại nhạc cụ đến vậy. Ông trầm ngâm trả lời, âm thanh, giai điệu dân ca đã gắn bó cuộc sống của người dân bản, làng và không thể thiếu đối với đồng bào chúng tôi. Pí pặp là nhạc cụ kết tinh của tình yêu, là linh hồn trong âm nhạc dân ca, dân vũ, biểu tượng văn hóa tinh thần độc đáo riêng của đồng bào dân tộc Thái. Với nhạc cụ này, cộng đồng chúng tôi gửi gắm vào đó tinh thần lạc quan, những triết lý sống của dân tộc mình; hay với đàn tính tẩu có thể chơi độc tấu, hợp xướng và được dùng khi hát giao duyên, hát múa dân gian vào các ngày vui, lễ lớn và hội xuân của bản mường… Đây cũng chính là cái hồn, nét đặc sắc của dân tộc chúng tôi. Vì thế, tôi muốn lưu giữ, truyền lại, để không bị phai mờ, mất đi bản sắc văn hóa của dân tộc”.

Cùng với việc phát triển, lan tỏa văn hóa dân gian ở nhiều bản, xã, NNƯT Lò Hải Vân cũng là gương mặt quen thuộc trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ của tổ dân phố. Ông không chỉ là nhạc công trong nhiều tiết mục văn nghệ, mà còn là tác giả của nhiều bài hát ngợi ca đất nước quê hương như: Âm vang Mường Thanh - Điện Biên Phủ; Hương lúa Điện Biên được viết cả tiếng phổ thông và dân tộc Thái; Đường lên biên giới - tác phẩm viết về đề tài bảo vệ an ninh gìn giữ trong xã và ngoài biên giới…

Người đảng viên mẫn cán tích cực lan tỏa văn hóa truyền thống

Không chỉ là một nghệ nhân dân gian, NNƯT Lò Hải Vân còn là một đảng viên, Bí thư Chi bộ mẫu mực. Hơn 70 tuổi đời, 44 năm tuổi đảng, nghệ nhân Hải Vân vẫn tận tâm, gắn bó với nhạc cụ dân tộc. Sự chân thành và lòng nhiệt huyết của ông không chỉ được bà con đồng bào dân tộc quý mến, mà còn được người dân tại tổ dân phố 15, phường Him Lam, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên trân trọng và thân thiết.

Gương mẫu, chỉn chu thực hiện tốt trách nhiệm do chính quyền địa phương giao, Bí thư Lò Hải Vân vẫn tiếp tục nêu cao tinh thần của một người đảng viên trong công tác gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Đó là hành trình ông đã vượt qua những khó khăn, trở ngại, mang tiếng khèn, tiếng sáo… đến với bà con nơi các bản, xã thuộc tỉnh Điện Biên. Trong đó, có xã Hua Thanh – là một trong những nơi ông và các nghệ nhân đã dành nhiều công sức, thời gian để phục hồi, phát huy và lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc.

Hua Thanh là một xã có biên giới giáp Lào, cách thành phố Điện Biên Phủ - nơi ông sinh sống gần 20km, đây cũng là nơi đã trở thành vùng đất có nhiều dấu ấn, kỷ niệm đối với ông và đội ngũ nghệ nhân truyền dạy. Ông giãi bày, “Chúng tôi đã nhiều năm dạy cách sử dụng nhạc cụ, hát dân ca, cho bà con dân tộc Thái xã Hua Thanh. Việc mở lớp dạy chỉ được thực hiện vào buổi tối, vì ban ngày bà con phải đi làm. Trước đây, chúng tôi phải đạp xe tới đó để dạy, nhiều khi, thời tiết không thuận lợi, mưa to, gió lớn, chúng tôi vẫn phải lên đường vì đã có kế hoạch, giờ thì thuận thiện hơn vì đã có xe máy. Có những người học với chúng tôi khi còn trẻ, giờ đây đã vào tuổi trung niên và con của họ cũng tiếp tục đến với lớp. Không chỉ truyền dạy, chúng tôi còn giúp xã thành lập các câu lạc bộ dân ca, dân vũ. Hiện nay, Hua Thanh là một trong những xã có phong trào văn nghệ dân gian khá mạnh, đi biểu diễn ở nhiều nơi. Gần đây nhất, câu lạc bộ của xã Hua Thanh còn được Sở VHTTDL tỉnh Điện Biên đưa đi phục vụ tuyên truyền kỷ niệm 70 Chiến thắng Điện Biên Phủ tại Thanh Hóa”.

Nghệ nhân Lò Hải Vân trình diễn với cây sáo Mông tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập xã Hua Thanh

Nói về những đóng góp của NNƯT Lò Hải Vân, ông Bùi Quốc Tuấn (68 tuổi), là tổ trưởng Tổ dân phố 15, phường Him Lam, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên cho biết, “Đồng chí Hải Vân hiện là Bí thư Chi bộ tổ dân phố 15, là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trước khi về hưu, ông là cán bộ thuộc lực lượng vũ trang. Đối với công tác tại khu dân cư, ông luôn nhiệt tình, và tích cực trong hoạt động văn hóa văn nghệ. Tổ dân phố chúng tôi có truyền thống về hoạt động văn nghệ quần chúng. Vì thế, chi bộ cũng như ban công tác mặt trận, chính quyền của Tổ dân phố 15 đã xây dựng được một tổ văn nghệ, trong đó đồng chí Hải Vân là người “đầu tàu”. Đồng chí luôn giúp đỡ, hướng dẫn cho các hội viên trong đội. UBND phường đánh giá rất cao đối với bản thân đồng chí Vân, cũng như đội văn nghệ khi tích cực tham gia các hoạt động trong các ngày lễ, ngày hội…”.

Những nỗ lực của nghệ nhân Lò Hải Vân không chỉ được bà con trong tổ dân phố, ở bản, làng tin yêu, mà còn được các cấp, ngành đánh giá cao. Năm 2022, ông đã vinh dự được Chủ tịch nước  trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong việc đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

NGỌC BÍCH

;