Ngày 3-4-2025, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL tổ chức Hội thảo quốc tế “Đẩy mạnh hội nhập quốc tế về văn hóa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” và xin ý kiến các chuyên gia xây dựng Đề án “Quốc tế hóa văn hóa Việt Nam và Việt Nam hóa văn hóa quốc tế”. Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ VHTTDL Lê Hải Bình chủ trì hội thảo.
Thứ trưởng Thường trực Bộ VHTTDL Lê Hải Bình phát biểu khai mạc hội thảo - Ảnh: Liên Hương
Cùng chủ trì hội thảo có Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Jonathan Wallace Baker; TS Nguyễn Phương Hòa- Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế; PTS, TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam. Tham dự hội thảo có các lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL, đại diện các Đại sứ quán tại Việt Nam, các cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia văn hóa, nghệ sĩ và người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, sáng tạo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Thường trực Bộ VHTTDL Lê Hải Bình nhấn mạnh, hội thảo diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới, với khát vọng vươn lên mạnh mẽ, khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Văn hóa đóng vai trò quan trọng, vừa là nguồn sức mạnh nội sinh cho sự phát triển bền vững của đất nước, vừa là cầu nối hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Toàn cảnh hội thảo - Ảnh: Nam Nguyễn
Thứ trưởng Thường trực Bộ VHTTDL Lê Hải Bình chia sẻ: “Văn hóa đã đồng hành cùng dân tộc, góp phần đưa Việt Nam hội nhập sâu, rộng vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu, nền văn minh nhân loại, đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế, phát huy vai trò tích cực, có trách nhiệm trong nhiều tổ chức, diễn đàn đa phương quan trọng, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: “Chưa bao giờ đất nước Việt Nam hội nhập sâu rộng, có đóng góp tích cực vào nền chính trị thế giới, kinh tế toàn cầu và văn minh nhân loại như hiện nay”. Việt Nam trong nhóm 40 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài; có quan hệ ngoại giao với 193 nước là thành viên Liên hợp Quốc; xây dựng các mối quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với tất cả các cường quốc trên thế giới và khu vực. Những thành tựu nổi bật của đất nước, của dân tộc, đặc biệt trong 40 năm đổi mới vừa qua, với vai trò không thể thiếu của văn hóa, là nền tảng và điều kiện quan trọng để Việt Nam hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược, bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại”.
Các đại biểu tham dự Hội thảo - Ảnh: Nam Nguyễn
Có thể thấy, trong thời đại ngày nay, sức mạnh văn hóa được ví như “quyền lực mềm” được nhiều quốc gia sử dụng thành công để truyền bá hình ảnh của mình ra thế giới, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Việt Nam là đất nước có nền văn hóa, văn hiến lâu đời, có bề dày truyền thống hàng nghìn năm. Nền văn hóa đó có hệ giá trị và bản sắc riêng và không bị đồng hóa bởi bất kỳ thế lực ngoại xâm nào. Hệ giá trị và bản sắc đó, cùng với sự tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới đã tạo nên sức mạnh mềm của Việt Nam.
TS Nguyễn Phương Hòa - Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL) cho rằng, quốc tế hóa văn hóa Việt Nam và Việt Nam hóa văn hóa quốc tế nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh phát triển đất nước nhanh và bền vững; nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế; góp phần tích cực giúp Việt Nam thể hiện vai trò, vị trí quan trọng trong nền văn minh của nhân loại. Đề án cũng kỳ vọng sẽ chiếm lĩnh đỉnh cao mới trong sáng tạo nghệ thuật, tạo ra các tác phẩm đẳng cấp thế giới; hình thành các sản phẩm, thương hiệu văn hóa có chất lượng và năng lực cạnh tranh toàn cầu, tiếp cận thị trường quốc tế, xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ văn hóa ra nước ngoài. Đồng thời, xây dựng Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các sự kiện văn hóa, nghệ thuật tầm cỡ quốc tế; xây dựng văn hóa số phù hợp với kinh tế số, xã hội số và công dân số.
TS Nguyễn Phương Hòa - Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế trình bày báo cáo đề dẫn - Ảnh: Liên Hương
Hội thảo đã lắng nghe những kinh nghiệm quốc tế và gợi mở những giải pháp cho Việt Nam được chia sẻ từ nhiều chuyên gia nước ngoài. Ông Hình Cửu Cường - Tham tán văn hóa, Đại sứ quán Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam với chủ đề bài phát biểu: “Thực hiện Sáng kiến Văn minh Toàn cầu, thúc đẩy các nền văn minh giao lưu học hỏi lẫn nhau”. Ông Choi Seung Jin - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam cũng đã nhấn mạnh đến sự tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc và vai trò của ngành công nghiệp văn hóa Hàn Quốc.
Hội thảo cũng nhận được sự chia sẻ những kinh nghiệm quý báu từ bà Courtney A.Beale - Phó Đại sứ, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, bà Sophie Maysonnave - Viện trưởng Viện Pháp tại Việt Nam, ông Yoshioka Norihiko - Giám đốc Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam, ông Oliver Brandt - Viện trưởng Viện Goethe tại Việt Nam, bà Nguyễn Phương Thảo - Giám đốc các chương trình Nghệ thuật và Công nghiệp sáng tạo Hội đồng Anh tại Việt Nam…
Ông Hình Cửu Cường – Tham tán văn hóa, Đại sứ quán Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam phát biểu- Ảnh: Liên Hương
Ông Choi Seung Jin – Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam phát biểu- Ảnh: Liên Hương
Ông Oliver Brandt - Viện trưởng Viện Goethe tại Việt Nam phát biểu- Ảnh: Liên Hương
Tại hội thảo, PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam cho rằng, để phát huy được sức hấp dẫn, lôi cuốn, thuyết phục của văn hóa Việt Nam ra thế giới và thu hút thế giới đến với Việt Nam, rất cần có sự phối hợp đồng bộ giữa ngoại giao văn hóa, công nghiệp văn hóa và các kênh truyền thông.
PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam phát biểu- Ảnh: Liên Hương
Các chuyên gia như: GS, TS Từ Thị Loan - nguyên Quyền Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam; TS Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam; TS Nguyễn Văn Tình - Nguyên Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL); ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Truyền thông Lê Bros; chuyên gia Trương Uyên Ly – Nhà sáng lập “Thị trấn sáng tạo Ly&Lim” đã đóng góp những ý kiến thiết thực cho đề án, đề xuất nhiệm vụ và giải pháp nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trở thành sức mạnh nội sinh phát triển đất nước nhanh và bền vững, nâng cao vị thế trên trường quốc tế.
TS Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam chia sẻ những kỳ vọng để nền điện ảnh Việt Nam hội nhập với thế giới - Ảnh: Liên Hương
LIÊN HƯƠNG