• Thông tin tư liệu > Tư liệu trong nước

Trường Cán bộ quản lý văn hóa, thể thao và du lịch - Một chặng đường vẻ vang

Trường Cán bộ quản lý văn hóa, thể thao và du lịch là đơn vị duy nhất của Bộ VHTTDL có chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của ngành VHTTDL, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong công cuộc hiện đại hóa đất nước và thời kỳ hội nhập quốc tế. Trong gần 50 năm qua (1977-2024), với cơ sở vật chất khang trang, hiện đại và một đội ngũ cán bộ, giảng viên, người lao động tràn đầy nhiệt huyết, nhà trường đã nỗ lực trên con đường phát triển. Sau nhiều lần đổi tên, ngày 3-9-2013, Bộ trưởng Bộ VHTTDL ký Quyết định số 2995/QĐ-BVHTTDL đổi tên Trường Bồi dưỡng cán bộ quản lý, văn hóa, thể thao và du lịch thành Trường Cán bộ quản lý văn hóa, thể thao và du lịch. Cùng với tên gọi mới, nhà trường được giao thêm nhiều nhiệm vụ mới quan trọng, một trang sử mới được mở ra với chức năng, nhiệm vụ rộng hơn, lớn hơn. Năm 2024, nhà trường được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.

Một số giải pháp xây dựng môi trường văn hóa quân sự của Bộ đội Đặc công trong tình hình mới

Môi trường văn hóa quân sự và việc xây dựng môi trường văn hóa quân sự lành mạnh có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng các yếu tố của chính trị - tinh thần của bộ đội nói chung và Bộ đội Đặc công nói riêng. Tuy nhiên, môi trường văn hóa quân sự ở các đơn vị cơ sở của Bộ đội Đặc công vẫn còn những hạn chế nhất định, cần được khắc phục kịp thời. Bài viết đề xuất một số biện pháp nhằm xây dựng môi trường văn hóa quân sự Bộ đội Đặc công thực sự lành mạnh, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng chính trị - tinh thần cho mọi cán bộ, chiến sĩ đặc công.

Nét đẹp truyền thống trong sự nghiệp đào tạo: Từ Trường Vẽ Gia Định đến Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh

Thời Pháp thuộc tại Việt Nam (giai đoạn 1884-1945), nhà cầm quyền Pháp đã nhận thấy nghệ nhân Việt Nam rất khéo tay và thông minh, có thể làm ra nhiều vật dụng với những kiểu mẫu đẹp nên đã lập ra một số trường mỹ thuật thực hành (nghệ thuật ứng dụng) ở Nam Kỳ vào những năm đầu TK XX như Trường Bá nghệ ở Thủ Dầu Một (Bình Dương) vào năm 1901; Trường Mỹ nghệ bản xứ Biên Hòa (Đồng Nai) vào năm 1903 và Trường Vẽ Gia Định năm 1913 để truyền đạt có hệ thống chuẩn mực kiến thức trang trí mỹ nghệ thực hành. Bài viết đề cập đến những thành tựu trong công tác đào tạo và phát triển của Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM).

Nhận diện giá trị di sản chạm khắc đá cổ tại xóm Chum (Hòa Bình)

Chạm khắc đá cổ là một trong những loại hình di sản sớm nhất, đặc biệt nhất và lưu giữ ký ức lịch sử - văn hóa vô giá trong quá trình phát triển của loài người. Các di sản chạm khắc đá cổ gồm hình chạm khắc, vật mang hình chạm khắc là những khối đá, địa điểm di sản, khu vực di sản là những mảnh ruộng, khu vườn, khoảnh rừng, vùng đất và môi trường cảnh quan tự nhiên, hữu hình, mang tính vật chất cụ thể. Bài viết tập trung nhận diện giá trị cảnh quan, lịch sử và văn hóa di sản chạm khắc đá cổ ở xóm Chum, xã Mỹ Thành, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình để góp phần vun đắp bản sắc dân tộc từ giá trị di sản văn hóa, đặc biệt là những di sản mà tiền nhân để lại trên khu vực đá cổ.

Khung phân loại thập phân Dewey, ấn bản 23 tiếng Việt với công tác biên mục trên xuất bản phẩm tại Thư viện Quốc gia Việt Nam

Khung phân loại thập phân Dewey (DDC) là công cụ phân loại tài liệu được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới. Cho đến nay, có hơn 140 quốc gia sử dụng DDC. Là thư viện trung tâm của cả nước, định hướng phát triển của Thư viện Quốc gia Việt Nam (TVQG) không nằm ngoài xu thế phát triển chung của khu vực và thế giới. Với mục tiêu “thống nhất, chuẩn hóa, chia sẻ, hội nhập”, tháng 1-2014, TVQG đã ứng dụng Khung phân loại thập phân Dewey Ấn bản tiếng Việt (DDC 23) vào công tác biên mục nói chung và công tác Biên mục trên xuất bản phẩm (Cataloging in Publication - CIP) (1) nói riêng. Sau 10 năm ứng dụng DDC 23, công tác Biên mục trên xuất bản phẩm ở TVQG đã có chuyển biến tích cực, song vẫn còn một số hạn chế. Bài viết nêu thực trạng ứng dụng trong 10 năm qua và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả ứng dụng Khung phân loại thập phân Dewey 23, Ấn bản tiếng Việt trong công tác Biên mục trên xuất bản phẩm tại TVQG.

Sáng tạo nội dung nhân văn trên mạng xã hội TikTok

Mạng xã hội (MXH) ngày nay được xem là kênh thông tin quan trọng, một phần thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày của đại đa số người dân Việt Nam. Facebook, Instagram, Twitter, TikTok và nhiều nền tảng khác đã trở thành công cụ quan trọng để truyền thông, quảng bá, giải trí. Theo một cuộc khảo sát được thực hiện giữa những người dùng internet tại Việt Nam do Decision Lab thực hiện vào quý 2 năm 2023, tỷ lệ người dùng MXH TikTok thuộc thế hệ Z đạt 81%. Trên nền tảng TikTok, nội dung thông điệp được thể hiện qua video ngắn. Người sáng tạo nội dung có thể tận dụng sự tiện ích của nền tảng này để tự do sáng tạo, kích thích sự tò mò của công chúng và thành công trong việc xây dựng nội dung thu hút công chúng. Nội dung video trên MXH TikTok là một sản phẩm của nền văn hóa số. Có nhiều xu hướng sáng tạo nội dung video nhưng nội dung về chủ đề nhân văn có tác dụng giải trí, giáo dục nhận thức và lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp góp phần thúc đẩy hành động và xây dựng cộng đồng tử tế, văn minh.

Nâng cao hiệu quả quản lý di tích lịch sử - văn hóa ở huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình hiện nay

Huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình là địa bàn có số lượng di tích lịch sử - văn hóa (DTLSVH) đa dạng và phong phú. Trong thời gian qua, công tác quản lý các DTLSVH trên địa bàn huyện đã được sự quan tâm của các cấp, các ngành, góp phần vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị của hệ thống các di tích trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, trong công tác quản lý di tích cũng đang đặt ra nhiều vấn đề từ thực tiễn đòi hỏi cần phải nghiên cứu để đưa ra các giải pháp hợp lý nhằm nâng cao hiệu quả của công tác quản lý DTLSVH trên địa bàn huyện Thái Thụy. Trong bài viết này, tác giả tập trung vào các vấn đề: khái quát hệ thống, thực trạng quản lý, các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý DTLSVH ở huyện Thái Thụy.

Những vấn đề đổi mới trong đào tạo giáo viên Mỹ thuật đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới

Mỹ thuật trong Chương trình giáo dục phổ thông mới là sự cụ thể hóa mục tiêu giáo dục chung đã nêu trong chương trình tổng thể: giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông, hình thành, phát triển năng lực mỹ thuật dựa trên kiến thức và kỹ năng mỹ thuật; nhận thức được mối quan hệ giữa mỹ thuật với đời sống, xã hội và các loại hình nghệ thuật khác; đồng thời, người học có ý thức trân trọng di sản văn hóa, nghệ thuật và khả năng ứng dụng kiến thức, kỹ năng mỹ thuật vào đời sống. Vì vậy, nhà trường sư phạm - nơi đào tạo giáo viên mỹ thuật cần phải nắm vững về thực tế giáo dục phổ thông, làm sao để các sinh viên mỹ thuật sau khi ra trường về các trường phổ thông công tác có trình độ chuyên môn tốt, có khả năng hiểu biết về giáo dục và tay nghề sư phạm vững vàng.

Giải pháp cơ bản phát huy vai trò nhân tố chủ quan trong tự học của sinh viên ở Học viện Phụ nữ Việt Nam hiện nay

Phát huy tối đa tính chủ quan trong tự học của sinh viên nói chung và sinh viên ở Học viện Phụ nữ Việt Nam (HVPNVN) nói riêng có vai trò hết sức quan trọng, chi phối toàn bộ các yếu tố tri thức, tình cảm, ý chí, động cơ, thái độ và năng lực hoạt động thực tiễn trong quá trình học tập của sinh viên. Bên cạnh đó, phát huy tính chủ quan trong tự học còn huy động vào quá trình khám phá, phát hiện, giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn nảy sinh trong quá trình học tập, rèn luyện nhằm đáp ứng với mục tiêu, yêu cầu đào tạo của HVPNVN. Bài viết phân tích, làm rõ một số giải pháp cơ bản nhằm phát huy nhân tố chủ quan của sinh viên HVPNVN trong quá trình học tập, nghiên cứu khoa học.

Trương Vĩnh Ký - Người khởi đầu cho quảng cáo trên báo chí quốc ngữ Nam Bộ

Bài viết chứng minh một đóng góp quan trọng nhưng ít được biết đến của Trương Vĩnh Ký với vai trò tiên phong trong việc đưa quảng cáo lên báo chí quốc ngữ Nam Bộ thông qua tờ Gia Định Báo. Qua việc phân tích các số báo Gia Định Báo dưới thời Trương Vĩnh Ký làm Chánh tổng tài (1869-1871), tác giả đã chỉ ra ngay từ thời khởi đầu của quảng cáo báo chí, Trương Vĩnh Ký đã khuyến khích và tạo điều kiện cho việc đăng tải các lời rao (quảng cáo) trên báo chí. Ông đã nhận thức rõ về tiềm năng của quảng cáo báo chí góp phần phổ biến, phát triển chữ quốc ngữ; tạo ra nguồn thu cho báo; đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng và thúc đẩy tiêu dùng trong đời sống văn hóa Nam Bộ.

Một số vấn đề đặt ra đối với văn hóa tiêu dùng của thanh niên ở Hà Nội hiện nay

Đời sống thanh niên đô thị ngày càng nhộn nhịp hơn với các hoạt động tiêu dùng diễn ra trên nhiều phương diện của cuộc sống, từ đi lại, học hành, ăn mặc, vui chơi giải trí cho đến các nhu cầu phát triển cá nhân. Dưới sự tác động của nhiều yếu tố chủ quan lẫn khách quan, văn hóa tiêu dùng của thanh niên ở Hà Nội hiện nay có những biến đổi nhất định, chứa đựng nhiều giá trị tốt đẹp, văn minh; song, cũng tồn tại những hạn chế nhất định trong thực tiễn.

Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh - Sự hồi sinh ngoạn mục sau đại dịch COVID-19

Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh là một địa điểm tham quan có ý nghĩa lịch sử sâu sắc tại TP.HCM, lưu giữ nhiều bằng chứng hùng hồn của cuộc chiến tranh tàn khốc đã xảy ra ở Việt Nam và có vai trò quan trọng trong công tác giáo dục thế hệ trẻ về giá trị hòa bình. Đồng thời, thúc đẩy sự phát triển ngành Du lịch Việt Nam. Sau một thời gian đóng cửa các hoạt động tham quan, trình diễn do đại dịch COVID-19, Bảo tàng chứng tích Chiến tranh đã có những bước tiến “hồi sinh ngoạn mục”. Bài viết trình bày thực trạng “hồi sinh” của Bảo tàng sau đại dịch và đưa ra các giải pháp hữu hiệu nhằm tiếp tục lan tỏa, phát huy những giá trị văn hóa lịch sử đối với mỗi người dân Việt Nam qua các thế hệ và bạn bè quốc tế trong việc bảo tồn các giá trị di sản lịch sử và khai thác phát triển du lịch.