Nguồn lực ẩm thực trong phát triển du lịch nông thôn ở Phú Yên

Phú Yên là một tỉnh Nam Trung Bộ có vị trí chiến lược trong chiều dài lịch sử dân tộc, nơi giao thoa của các nền văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa và văn hóa Việt. Sự pha trộn với người Hoa sau này cùng với một số tộc người miền thượng đã tạo nên nơi đây một sắc thái riêng biệt trong đó có nền văn hóa ẩm thực đặc sắc. Bài viết phân tích sự phát triển của ngành Du lịch Phú Yên từ góc nhìn văn hóa ẩm thực, những thuận lợi, khó khăn trong hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn. Từ đó đưa ra những nhận xét, góp ý để ngành Du lịch Phú Yên được khai thác một cách tốt nhất

Giới thiệu ẩm thực địa phương tại Lễ hội Trống đôi, cồng ba, chiêng năm ở thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân - Ảnh: tuyengiao.phuyen.gov.vn

1. Đặt vấn đề

Phú Yên nằm giữa Bình Định và Khánh Hòa nên dường như chưa được đề cập đến nhiều trong bản đồ du lịch bởi hai địa phương đang nổi trong phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch. Địa hình của Phú Yên có hầu hết các kiểu địa hình của Việt Nam, có núi, sông, hồ, cánh đồng, ven biển, đầm, phá, vũng, vịnh và hải đảo. Chính vì vậy, thiên nhiên đã tạo ra cho nơi đây những cảnh quan đặc biệt, nên thơ mà hùng vĩ: núi Nhạn, sông Ba, đầm Ô Loan, vịnh Xuân Đài, gành Đá Đĩa, bãi Môn - Mũi Điện... Phú Yên có đầy đủ các yếu tố để phát triển du lịch với các loại hình du lịch nông nghiệp nông thôn, sinh thái, cộng đồng nhằm phát huy tốt nhất các sản phẩm du lịch, đặc biệt là ẩm thực. Tìm hiểu về ẩm thực Phú Yên và mối liên hệ với sự phát triển của du lịch nông nghiệp, nông thôn là một chủ đề cần được nghiên cứu nghiêm túc.

Đã có nhiều tài liệu đã đề cập đến Phú Yên như Địa chí Phú Yên của Nguyễn Chí Bền (2003), tài liệu cung cấp những thông tin đặc sắc về các lĩnh vực của Phú Yên từ lịch sử, địa lý, kinh tế đến văn hóa xã hội; Non nước Phú Yên của Nguyễn Đình Tư (1965); Huyền thoại Phú Yên của Đoàn Việt Hùng (2006). Một số tập tài liệu của tác giả Trần Huiền Ân viết về vùng đất Phú Yên như: Phú Yên miền đất ước vọng (2004); Phú Yên - Đất và người (2019) là những tài liệu giới thiệu về lịch sử, tự nhiên, văn hóa, danh thắng, các làng nghề thủ công truyền thống của địa phương. Nguyễn Danh Hạnh cho người đọc biết những thông tin về các Di tích và danh thắng tiêu biểu của Phú Yên (2016). Những giá trị mà di sản văn hóa của người xưa để lại là nguồn tài nguyên giúp cho việc phát triển du lịch như đàn đá hay kèn đá...

Những tài liệu đề cập đến ẩm thực, văn hóa ẩm thực và du lịch Phú Yên có thể kể đến như: Trần Sĩ Huệ với Chất biển trong văn hóa ẩm thực Phú Yên (2014) hay Nghề làm bánh tráng ở Phú Yên (2015) đã đem đến cho người đọc một thế giới của ẩm thực đất Phú Yên, thật phong phú và dồi dào. Tài liệu Văn hóa ẩm thực huyện Đồng Xuân (Nguyễn Văn Hiền, 2011) là tập hợp bài viết về quê hương tác giả, đặc biệt đề cập đến ẩm thực; Du lịch nông thôn từ lý luận đến thực tiễn (Đào Thị Hoàng Mai, 2015)... cũng là các tài liệu quý về du lịch địa phương.

Các tài liệu phần nhiều giới thiệu về lịch sử, địa lý, văn hóa của địa phương, những thế mạnh, tài nguyên mà du khách có thể đến để thưởng lãm, cảm nhận mà chưa được đầu tư bài bản hơn với những nghiên cứu thực tiễn nhằm thu hút du khách đến với Phú Yên nhiều hơn nữa. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính, thao tác phân tích, tổng hợp tài liệu của các học giả đi trước, cùng với việc vận dụng các kiến thức và sự trải nghiêm thực tế, từ đó đưa ra các vấn đề về ẩm thực và việc phát triển du lịch nông nghiệp ở Phú Yên, giúp việc quảng bá du lịch, ẩm thực của địa phương được tốt hơn.

Du lịch nông thôn có phạm vi rộng hơn nông nghiệp, tuy nhiên, không phải nông thôn nào cũng làm nông nghiệp mà có nhiều địa phương nông thôn chỉ sản xuất hàng hóa, nghề thủ công... Chính vì vậy, du lịch nông thôn được hiểu là loại hình du lịch diễn ra ở nông thôn, gắn với không gian mở, được tiếp xúc và hòa mình vào thiên nhiên, đồng ruộng. Đồng thời, du khách có thể sống với những phong tục, tập quán, lễ hội ở làng xã truyền thống và cảm nhận sự khác biệt so với địa phương của mình hoặc nơi mình đã từng đi qua. Đào Thị Hoàng Mai cho rằng: “Du lịch nông thôn là các hoạt động du lịch diễn ra ở nông thôn, do dân cư nông thôn tổ chức và điều hành, thông qua đó, giới thiệu về cuộc sống nông thôn cùng các giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương” (1). Du lịch nông nghiệp nông thôn được xếp vào 3 loại hình cơ bản: du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và du lịch canh nông.

2. Tài nguyên ẩm thực trong phát triển du lịch

Vai trò của địa hình trong việc hình thành nguồn nguyên liệu ẩm thực

Địa hình Phú Yên đa dạng dẫn đến đa dạng nguồn ẩm thực và loại hình ẩm thực trong du lịch nông thôn, nông nghiệp.

Địa hình miền núi: phía Tây Phú Yên là khu vực miền núi, với địa hình khá hiểm trở, núi cao và có nhiều suối, sông. Ba mặt của địa phương là núi, dãy Đèo Cù Mông ở phía Bắc, dãy Đèo Cả ở phía Nam và dãy núi Trường Sơn ở phía Tây chạy dài đã dẫn tới việc địa hình dốc, núi ăn ra đến biển. Trong năm, có nhiều cơn lũ lụt xảy ra. Đặc biệt các đợt lũ quét, lũ ống (tức là nước ở trên núi qua các con suối, sông nhỏ tràn về và dâng lên rất nhanh). Đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, lương thực luôn phải có sự tích trữ khi cần. Chính vì vậy, ẩm thực cũng phải theo dòng của thời tiết, khí hậu và địa hình ở đây.

Địa hình đồng bằng: sông Ba (sông Đà Rằng), sông Kỳ Lộ (sông Cái), sông Bàn Thạch cung cấp lượng phù sa lớn cho đồng bằng Tuy Hòa, được coi là vựa lúa của khu vực Nam Trung Bộ. Ba dòng sông này không những kiến tạo cho Phú Yên vùng đồng bằng trồng lúa rộng lớn, mà còn tạo ra cảnh quan thơ mộng giúp cho mỗi du khách khi đến đây đều cảm thấy vừa thân quen (dòng sông quê hương), vừa xa lạ. Dòng sông cung cấp nước cho đồng bằng, đồng thời đổ ra đầm Ô Loan, ra biển tạo ra nguồn nước lợ và thủy sản nước lợ đặc biệt cùng với thủy sản nước ngọt và hải sản.

Địa hình ven biển: đặc sản Phú Yên chính là các ngôi làng chài ven biển, nằm gần với các đầm, vũng, vịnh, gành, ghềnh. Vũng Dông, vũng Lắm, vũng Chào/ Vũng La, vũng Sứ, chỗ nào cũng thương (ca dao). Những câu ca dao đã nói lên địa hình của Phú Yên với các vũng, đầm, phá, vịnh cửa sông, cửa biển… Các hình thái địa hình này dẫn đến việc sản sinh ra các loại động thực vật đặc hữu, chỉ ở khu vực này mới có hoặc mới là đặc biệt nhất. Được thiên nhiên ưu đãi những vẻ đẹp hoang sơ cho đến nay vẫn là tiềm năng để Phú Yên khai thác trong lĩnh vực du lịch.

Đặc trưng ẩm thực Phú Yên trong phát triển du lịch nông thôn, nông nghiệp

Ẩm thực du lịch nông thôn miền núi: Lễ mừng lúa mới là nghi lễ lớn nhất trong năm của bà con dân tộc Ê Đê ở một số địa phương trong huyện Sông Hinh và Sơn Hòa. Lễ hội diễn ra từ tháng Chạp đến tháng Giêng. Trong lễ hội du khách được trải nghiệm nghi lễ cúng tạ thần linh đã cho bà con một mùa lúa bội thu để no cái bụng, cuộc sống ổn định và có sản phẩm đổi lấy đồ dùng cho gia đình. Khách mời tham gia lễ hội được ngồi trong nhà dài, uống rượu cần, thưởng thức bà con tấu cồng ba, cồng năm, cùng hát hò. Đặc biệt, lễ cúng không diễn ra hàng loạt, mà ở các gia đình có sự thỏa thuận với nhau, để có thể tham dự được hết các gia đình tổ chức lễ hội.

Đặc sản ẩm thực ở đây là các loại rượu cần, thịt ngựa, thịt dê, chim mía hay gà nướng, cơm lam. Canh bồi (cháo nấu với nhiều loại rau), nấm khoang nấu ớt hiểm rừng hay canh đọt sắn nấu cá khô, ớt hiểm rừng. Ngoài ra còn có các món như muối trứng kiến vàng, thịt bò gác bếp, bò một nắng, cà sóc với nội tạng bò, vị đặc biệt của món bóp thấu này chính là vị đắng của huyết bò và mật bò tưới vào ở khâu cuối cùng trước khi thưởng thức.

Ẩm thực du lịch vùng nông thôn đồng bằng: Chủ yếu người dân canh tác trồng lúa và hoa màu và trồng hoa: đặc điểm của các ngôi làng này là giáp với thành phố Tuy Hòa. Thôn Ngọc Lãng, xã Bình Nhật chủ yếu trồng rau và hoa. Làng Đông Hòa, phường 9 nổi tiếng với nghề trồng hoa và cây cảnh. Trồng rau và trồng cây hoa cảnh là hoạt động quanh năm. Đây cũng là điều kiện để cho việc xây dựng các chương trình tham quan, trải nghiệm nông nghiệp được liên tục trong một năm dành cho du khách.

Du khách sẽ được trải nghiệm hoạt động làm bánh tráng thủ công ở Đông Bình, Hòa Đa. Làng có hơn 400 năm tuổi với nghề truyền thống làm bánh tráng. Nhiều loại bánh đa được người dân sáng tạo dùng trong ngày hoặc để lâu dài (bánh ướt, bánh khô, bánh đa dày, mỏng…) và hoàn toàn làm khô bằng phơi nắng tự nhiên. Những ngày mưa, hoặc mùa đông, bánh sẽ được sấy bằng than. Ngoài ra, bánh căn, bánh xèo tôm nhảy cũng là món ăn được nhiều du khách thưởng thức, dễ làm, dân dã và đúng chất quê.

Ẩm thực du lịch nông thôn miền biển: đầm, phá là loại hình thủy vực ven bờ nước lợ, mặn hoặc siêu mặn được ngăn với biển bởi một bờ cát, có cửa và ăn thông với biển phía ngoài. Sò huyết đầm Ô Loan với đặc trưng là to, màu huyết rất đậm, khác lạ với các loại sò huyết ở các địa phương khác do sinh sống ở vùng nước đầm có độ mặn rất cao. Chính vì vậy, được trải nghiệm đi trên đầm đánh bắt sò và được thưởng thức sản phẩm do mình làm ra sẽ tạo ra cảm xúc vô cùng thú vị.

Ẩm thực biển như các loại hàu, mực, cá thu, sứa, tôm, cua ốc... phong phú và tươi ngon. Hiện nay, món mắt cá ngừ đại dương cũng đang phổ biến trong ẩm thực Phú Yên. Ngoài ra, người dân còn làm mắm (loại thủy hải sản nhỏ hoặc được lóc thịt ra rồi ủ thành mắm, có loại lên men), mặn (các loại cá lớn ở biển, ướp muối mặn, khi dùng đều phải nấu, nướng, chiên... lên mới dùng được) và khô (là các thủy hải sản được làm sạch và phơi khô, cũng nhằm mục đích dùng lâu dài). Các làng nghề làm muối, mắm nổi tiếng cũng là một phần tạo ra vị của ẩm thực Phú Yên.

Sự phát triển của du lịch Phú Yên

Những thuận lợi trong phát triển du lịch

Vị trí địa lý của Phú Yên với nhiều đặc điểm địa hình, từ núi cao, rừng, đến trung du, đồng bằng ven biển và hải đảo, giúp cho du lịch địa phương có thể khai thác ở nhiều loại hình một cách tốt nhất.

Chính quyền địa phương và cơ quan chủ quản trong lĩnh vực văn hóa du lịch đã và đang có những chính sách hỗ trợ, giúp quảng bá du lịch Phú Yên đạt hiệu quả, thu hút du khách đến với xứ sở hoa vàng cỏ xanh. Chính sự mộc mạc của Phú Yên mà chưa có sự phát triển cơ học về dân số, đô thị là một điểm cộng để có thể phát triển loại hình du lịch nông thôn, nông nghiệp (chủ yếu là du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và du lịch canh nông).

Nguồn thực phẩm phục vụ trong ẩm thực du lịch phong phú, đa dạng và đặc sắc, từ đồ rừng núi, sông, suối đến đồng bằng ven biển với nguồn tài nguyên thủy hải sản đặc sắc để lại ấn tượng khó phai.

Con người Phú Yên thật thà, chất phác dễ mến là một ưu điểm giúp cho du khách có ấn tượng tốt, đặc biệt du khách ở thành phố lớn khi đến đây.

Phú Yên là một Việt Nam thu nhỏ, có rừng núi - đồng bằng - sông ngòi - biển cả; cùng với đó là hệ thống di sản văn hóa với chiều sâu trầm tích quý giá; nền kinh tế chủ đạo vẫn là nông nghiệp, dân số nông thôn chiếm 67,3%… Ðó chính là tiềm năng, thế mạnh, là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn (2).

Những thách thức trong phát triển du lịch

Chưa được chính quyền địa phương đầu tư cho xứng tầm với tiềm năng sẵn có, chủ yếu vẫn là người dân tự phát, chính vì vậy sẽ khó giúp cho du lịch phát triển.

Quảng bá quy mô tầm quốc gia, tỉnh cho địa phương còn quá ít như các địa phương khác, hiện nay chủ yếu từ các kênh truyền thông của các cá nhân.

Cơ sở hạ tầng chưa giúp cho Phú Yên có được lợi thế như các địa phương láng giềng. Điện, đường giao thông, đặc biệt sân bay chưa có cũng là trở ngại cho du lịch.

Nhiều làng nghề đã bị thất truyền, xưa kia nổi tiếng khắp vùng như: làng cốm chợ Đèo, làng trồng dâu nuôi tằm An Định, làng bún bắp Bình Hòa, làng gốm Quảng Đức, Phú Mỹ, Trường Định; phường lụa Ngân Sơn; làng đan thúng chai Tiên Châu.

3. Một số gợi ý nhằm phát triển du lịch nông thôn trong khai thác ẩm thực Phú Yên

Du lịch nông nghiệp, nông thôn có thể xếp vào 3 loại hình cơ bản là: du lịch cộng đồng, du lịch canh nông và du lịch sinh thái. Với Phú Yên, việc phát triển mạnh 3 loại hình này là một việc làm cần thiết.

Đối với loại hình du lịch cộng đồng: Phú Yên tận dụng các tài nguyên du lịch với thành phần đa dạng tộc người, đa dạng văn hóa và đa dạng địa hình. Địa phương đã có sự đầu tư các chương trình để du khách có thể cảm nhận và đăng ký các chương trình du lịch cộng đồng, đến với đồng bào miền núi vừa giao lưu, tìm hiểu văn hóa, đặc biệt ẩm thực đồng bào. Đồng thời cũng hiểu được đời sống của đồng bào hơn, rút ngắn khoảng cách phát triển của miền xuôi và miền ngược trong cùng địa bàn tỉnh. Từ đó, giúp chính quyền địa phương phát triển kinh tế du lịch một cách hiệu quả hơn.

Đối với các làng nghề đã bị thất truyền, hoặc không phát triển, cần sự đầu tư nghiên cứu để đưa ra giải pháp khôi phục. Rất cần các chính sách của Nhà nước, đầu tư của tỉnh nhằm giúp người dân khôi phục lại nghề truyền thống của cha ông, vừa phát triển kinh tế, vừa phát triển du lịch sẽ là một cú hích cho du lịch nông thôn (làng nghề) phát triển nhiều sản phẩm du lịch hơn nữa.

Đối với loại hình du lịch canh nông: là loại hình du lịch cần sự đầu tư của các cấp các ngành, cần được canh tác theo một quy trình nhất định. Du khách tham gia vào các hoạt động trải nghiệm tại trang trại trồng trọt hoặc chăn nuôi và thưởng thức các sản phẩm do chính mình làm ra để cảm nhận thành quả đó. Xây dựng mô hình này, du khách phải được lưu trú tại nơi mình trải nghiệm để có được những kiến thức nhất định từ chuyến đi. Ví dụ: Đối với nghề làm bánh tráng, khi du khách trải nghiệm thì người nông dân phải giúp đỡ du khách, quy trình làm ra một chiếc bánh đa, phơi sương, phơi nắng... như thế nào để có thể có được thành quả. Địa phương cần chú trọng phát triển 4 yếu tố của du lịch nông nghiệp: đường giao thông đi lại (từ thành phố), nơi trải nghiệm (làng nghề), thực phẩm để du khách thưởng thức ẩm thực, nơi lưu trú để du khách nghỉ lại, cuối cùng là đồ để cho du khách mang về.

Đối với loại hình du lịch sinh thái: Sự kết hợp 3 loại hình này để tạo ra một loại hình lớn hơn đó là du lịch nông nghiệp, nông thôn. Một số gợi ý cho hoạt động du lịch này:

Chương trình du lịch tham gia lễ hội cầu ngư của bà con làng biển với các hoạt động: múa siêu, nghinh thần, rước sắc phong, đọc văn tế và các trò chơi diễn xướng như hát bá trạo, đua thuyền, lắc thúng và hát bộ. Đây là lễ hội cầu mong của cư dân làm nghề đi biển, cầu trời yên, biển lặng, lưới nặng, cá đầy, niềm vui trọn vẹn của ngư phủ. Tham dự lễ hội du lịch này, du khách vừa cảm nhận được văn hóa của người dân vạn chài, được xem, được nghe, thưởng thức các món ẩm thực miền biển chỉ có ở nơi đây, tham dự và đem về sản vật từ biển (đồ tươi, đồ khô).

Chương trình tham quan làng trồng hoa, trồng rau, các farmstay dành cho các em học sinh tìm hiểu về nông nghiệp và nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản.

Chương trình tham quan trải nghiệm làng làm bánh đa, từ khâu chuẩn bị đến khâu thưởng thức và sản phẩm đem về làm quà cho bạn bè, người thân.

Chương trình tham dự lễ mừng lúa mới của bà con miền Tây Phú Yên để hiểu hơn văn hóa đồng bào, cuộc sống và nhận thức cũng như sự giao lưu văn hóa, rút ngắn chênh lệch phát triển giữa đồng bằng và miền núi.

Phát triển du lịch nông nghiệp được Cục Du lịch quốc gia Việt Nam xác định nằm trong chiến lược phát triển của ngành công nghiệp văn hóa lĩnh vực du lịch văn hóa. Thế mạnh của du lịch Phú Yên là biển đảo, là nông thôn, nông nghiệp. Xác định đúng tiềm năng giúp thúc đẩy việc xây dựng nông thôn mới bền vững đa dạng, chất lượng, ổn định của điểm đến du lịch Phú Yên. Phát triển du lịch nông nghiệp hiệu quả sẽ góp phần thực hiện đồng thời hai mục tiêu là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đạt mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững.

____________________

1. Đào Thị Hoàng Mai, Du lịch nông thôn từ lý luận đến thực tiễn, Nxb Khoa học xã hội, 2015, tr.17.

2. Quỳnh Mai, Du lịch nông nghiệp - nông thôn: Sức sống của cộng đồng, bản sắc văn hóa dân tộc, svhttdl.phuyen.gov.vn, 24-3-2024.

Tài liệu tham khảo

1. Trần Huiền Ân, Phú Yên miền đất ước vọng, Nxb Trẻ, 2004.

2. Trần Huiền Ân, Phú Yên - Đất và người, Nxb Văn hóa văn nghệ, 2019.

3. Nguyễn Chí Bền, Địa chí Phú Yên, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2003.

4. Nguyễn Danh Hạnh, Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh tiêu biểu ở Phú Yên, Nxb Thông tin và Truyền thông, 2016.

5. Nguyễn Văn Hiền, Văn hóa ẩm thực huyện Đồng Xuân, Nxb Thanh Niên, 2011.

6. Đoàn Việt Hùng, Huyền thoại Phú Yên, Hội Văn nghệ Dân gian tỉnh Phú Yên, 2006.

7. Trần Sĩ Huệ, Chất biển trong văn hóa ẩm thực Phú Yên, Nxb Văn hóa - Thông tin, 2014.

8. Trần Sĩ Huệ, Nghề làm bánh tráng ở Phú Yên, Nxb Khoa học xã hội, 2015.

9. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, Luật Du lịch, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2017.

10. Nguyễn Hoài Sơn (chủ biên), Di sản văn hóa đá ở Phú Yên, Nxb Khoa học xã hội, 2011.

Ths VŨ NHẬT TÂN - Ths VŨ THỊ THU HƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 587, tháng 11-2024

;