Gia Bình là vùng đất có nhiều di tích lịch sử, hệ thống các hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc của vùng đất Kinh Bắc. Những kết quả đạt được của Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Gia Bình (Trung tâm) đã góp phần không nhỏ thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của huyện, tỉnh và đất nước; được các cấp, các ngành ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, trong xu hướng tự chủ tài chính, sáp nhập các đơn vị sự nghiệp, tinh giảm bộ máy tổ chức và sự phát triển không ngừng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, việc quản lý và tổ chức các hoạt động tại đơn vị còn bộc lộ nhiều hạn chế. Nâng cao chất lượng hoạt động là vấn đề quan trọng và trọng tâm của công tác quản lý các hoạt động văn hóa tại Trung tâm, quyết định sự phát triển của Trung tâm trong giai đoạn tiếp theo.
Phong trào thể dục, thể thao quần chúng của huyện Gia Bình (Bắc Ninh) luôn thu hút đông đảo mọi người tham gia - Ảnh: bacninh.dangcongsan.vn
1. Chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm
Trung tâm là một thiết chế văn hóa đặc thù, nơi tổ chức các sự kiện, các hoạt động mang ý nghĩa chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của huyện Gia Bình. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, trong những năm qua, Trung tâm đã và đang quản lý các hoạt động, trực tiếp giám sát tổ chức các hoạt động nghiệp vụ, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của huyện, là một trung tâm sinh hoạt chính trị, văn hóa của quần chúng nhân dân trên địa bàn huyện và địa bàn xung quanh. Nhiều năm qua, Trung tâm đã xây dựng, hoàn thiện, củng cố hệ thống, chú trọng đổi mới nội dung hoạt động của hệ thống nhà văn hóa, phục vụ tốt nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân với tinh thần cao đẹp hơn, nâng cao tri thức, giao lưu và học hỏi lẫn nhau, phục vụ đắc lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tuy nhiên, trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường như hiện nay, rất nhiều hình thức văn hóa giải trí mới ra đời, phát triển cả về quy mô và chất lượng dẫn đến việc thực hiện các chức năng nhiệm vụ của Trung tâm trở nên khó khăn. Để nâng cao công tác quản lý, tổ chức các hoạt động được hiệu quả hơn, nhiệm vụ cấp thiết đặt ra là phải nhanh chóng đổi mới phương thức hoạt động để thu hút được quần chúng nhân dân đến với các hoạt động văn hóa lành mạnh.
2. Thực trạng hoạt động quản lý của Trung tâm
Công tác lập kế hoạch quản lý
Công tác lập kế hoạch quản lý tại Trung tâm tập trung chủ yếu trong nhiệm vụ của Ban Giám đốc Trung tâm (giám đốc và 2 phó giám đốc). Giám đốc điều hành các hoạt động của Trung tâm và phụ trách những công tác trọng tâm. Các phó giám đốc phụ trách những lĩnh vực công tác được giám đốc phân công, trực tiếp giải quyết các công việc phát sinh. Giám đốc Trung tâm chịu trách nhiệm trước UBND huyện Gia Bình và pháp luật của Nhà nước về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan và các công việc được cấp trên giao. Việc quản lý Trung tâm muốn đạt được kết quả tốt, quy trình triển khai phải được thực hiện khoa học từ việc lập kế hoạch là việc hoạch định những gì cần làm và cách thức tiến hành các hoạt động cho phù hợp với nội dung cần thực hiện.
Những năm qua, Trung tâm đã lập ra nhiều kế hoạch để thực hiện các nhiệm vụ. Cụ thể: Kế hoạch trang trí, tuyên truyền mừng Đảng, mừng Xuân dịp Tết Nguyên đán; Kế hoạch, chương trình tổ chức các giải thể thao chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Kế hoạch tổ chức các lớp năng khiếu, thể dục, thể thao hè năm 2020; Tổ chức khai giảng 2 lớp năng khiếu bóng đá; 3 lớp năng khiếu vật; Kế hoạch trang trí, tuyên truyền cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; Kế hoạch tham gia Hội thi hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh Xuân Tân Sửu 2021; Kế hoạch tham dự Hội thi tuyên truyền lưu động tỉnh lần thứ XXI năm 2021…
Triển khai thực hiện các văn bản quản lý
Công tác triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương của Đảng, Nhà nước được Ban Giám đốc Trung tâm thực hiện nghiêm túc như: Nghị quyết Trung ương 9, khóa XI về văn hóa, con người; Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII về nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập (2017); Trung tâm phối hợp với phòng, ban, đơn vị của huyện nghiêm túc triển khai những kế hoạch của UBND huyện, HĐND huyện Gia Bình; Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2012-2020 gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được mở rộng, thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng, góp phần nâng cao sức khỏe, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh ở cơ sở. Để triển khai các phong trào trên, Trung tâm đã lên kế hoạch tiến độ thời gian cho hoạt động và thực hiện kế hoạch chính xác và khoa học.
Quản lý nhân lực
Cán bộ, nhân viên Trung tâm được sắp xếp tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, trao đổi kỹ năng nghiệp vụ do tỉnh Bắc Ninh tổ chức. Qua các đợt tập huấn, mỗi cán bộ, viên chức, người lao động đã xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc thực hiện tốt các nội quy, quy chế, các nhiệm vụ chính trị, không ngừng nâng cao chất lượng, bồi dưỡng trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, viên chức Trung tâm.
Quản lý tài chính và cơ sở vật chất
Hằng năm, Trung tâm lập kế hoạch kinh phí hoạt động, trình UBND huyện phê duyệt. Nguồn tài chính của Trung tâm bao gồm các nguồn từ ngân sách nhà nước. Mỗi năm, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn ngân sách nhà nước từ 1-2 tỷ đồng. Trung tâm đã bám sát các nghị quyết, quan điểm của Đảng để tham mưu tăng cường quản lý tổ chức các hoạt động. Từ đó, trên địa bàn huyện Gia Bình có sự chuyển biến mạnh mẽ từ cơ chế quản lý mệnh lệnh, hành chính sang cơ chế quản lý bằng luật pháp, nhằm xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Các chính sách được ban hành đã có tác động thúc đẩy các hoạt động từng bước thích ứng với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thoát dần tư duy bao cấp, hành chính hóa. Có thể khẳng định, các lĩnh vực chủ yếu của hoạt động văn hóa trên địa bàn đã được quản lý bằng các văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách, tạo hành lang pháp lý phù hợp và thông thoáng cho hoạt động và sáng tạo văn hóa, đúng đường lối phát triển văn hóa của Đảng, Nhà nước và của địa phương.
Trong các hoạt động, những yếu tố cơ sở vật chất chi phối trực tiếp hiệu quả trong lĩnh vực văn hóa, thể thao được thể hiện rõ hơn. Lãnh đạo Trung tâm chịu trách nhiệm quản lý chung toàn bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài sản được trang bị và giao trách nhiệm quản lý sử dụng đến từng cán bộ theo chức năng, nhiệm vụ.
Quản lý các hoạt động chuyên môn
Công tác tuyên truyền trực quan được chỉ đạo, xây dựng kế hoạch triển khai thông suốt từ trung tâm huyện đến cơ sở, hình thức tuyên truyền ngày càng được mở rộng từ các hội nghị triển khai quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến các phương tiện thông tin đại chúng, cổ động trực quan bằng pa nô, băng rôn, khẩu hiệu... Nội dung tuyên truyền khá toàn diện và phong phú. Nhiều chương trình nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị của UBND huyện đã được dàn dựng…
Hoạt động thư viện
Những năm qua, dưới sự quản lý của Trung tâm, các hoạt động của thư viện luôn gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị, kinh tế, khoa học, văn hóa và xã hội. Hiện nay, Thư viện Trung tâm có 1 cán bộ phụ trách kiêm nhiệm hành chính, nhưng vẫn cố gắng duy trì tốt các nội dung công việc. Thư viện huyện hiện có 5.000 đầu sách các loại, với nhiều loại sách khác nhau như sách thiếu nhi, sách khoa học, sách lịch sử, sách chính trị, truyện ngắn, tiểu thuyết... được phân loại theo từng môn loại. Hằng năm, Thư viện phục vụ được khoảng hơn 200 độc giả đến Thư viện; tổ chức các đợt luân chuyển sách xuống các tủ sách, thư viện cơ sở. Trong 5 năm, Thư viện đã luân chuyển được 30 lượt xuống các thư viện trường học, giúp các em học sinh có nhiều đầu sách hay để đọc và tham khảo.
Có thể nói, bằng nhiều cách làm phù hợp với thực tiễn, Trung tâm VHTT huyện Gia Bình đang ngày càng khẳng định được bản sắc văn hóa của miền quê quan họ. Nhiều giá trị văn hóa và lễ hội truyền thống được phục dựng, chương trình văn hóa nghệ thuật chất lượng cao, đậm đà bản sắc được chuẩn bị công phu, huy động được nhiều diễn viên, nghệ nhân tiêu biểu xuất sắc và đã để lại những ấn tượng tốt đẹp cho Lãnh đạo Trung ương, địa phương và du khách bốn phương khi về tham quan du lịch.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những mặt còn hạn chế trong quá trình quản lý hoạt động văn hóa tại Trung tâm cần phải khắc phục như sau:
Về cơ chế chính sách và đầu tư: Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân tới hưởng thụ văn hóa. Cơ sở vật chất của Trung tâm bước đầu còn thiếu, thiết bị kỹ thuật chưa được đầu tư theo kịp công nghệ hiện đại, không đồng bộ nên tổ chức hội nghị còn gặp khó khăn, dịch vụ công chưa đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng.
Về công tác quản lý: Một số lãnh đạo các phòng chức năng chưa thực sự trách nhiệm, đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, một số cán bộ viên chức trình độ chuyên môn chưa theo kịp yêu cầu phát triển, chưa được đào tạo lại hoặc bồi dưỡng kỹ năng tác nghiệp, nghiệp vụ còn thiếu và yếu. Chưa khai thác hết chức năng nhiệm vụ, chưa có nhiều ý tưởng hay, sáng kiến cải tiến quy trình, chất lượng chương trình nghệ thuật chưa cao.
Về tổ chức các hoạt động: Nhiều hoạt động hiệu quả mang lại chưa cao, các hoạt động được tổ chức chủ yếu phục vụ cho mục đích chính trị, các sự kiện lớn của huyện và tỉnh. Bên cạnh đó, hoạt động văn hóa thường lặp đi, lặp lại qua các năm, phần lớn các hoạt động căn cứ vào chương trình kế hoạch hoạt động cấp trên, chưa có sự chủ động đa dạng hóa các hoạt động phù hợp nhu cầu thị hiếu nhân dân.
Chất lượng các lớp tập huấn, bồi dưỡng cán bộ chưa cao, nội dung phương pháp truyền đạt lạc hậu, vẫn giữ mô hình tập huấn là triệu tập các đối tượng đến hội trường để nghe các nội dung theo cách truyền thống, thiếu tính thực tiễn, mô hình trực quan.
Các hoạt động dịch vụ công, xã hội hóa chưa được quan tâm chú trọng và chưa mang lại được hiệu quả tối ưu. Công tác giới thiệu về các hoạt động dịch vụ của Trung tâm gần như không có... Trung tâm chưa huy động các nguồn lực và sức mạnh của cộng đồng vào tham gia công tác quản lý và tổ chức các hoạt động của thiết chế văn hóa ở huyện. Do vậy, Trung tâm chưa phát huy hết được công năng của mình và hạn chế trong việc thu hút đông đảo nhân dân hưởng ứng và tham gia các hoạt động.
3. Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm
Nâng cao chất lượng tổ chức bộ máy
Số lượng cán bộ của Trung tâm tương đối ít, một số cán bộ trẻ trình độ chuyên môn còn hạn chế đã đặt ra nhiều thách thức cho Ban Giám đốc. Các giải pháp nâng cao chất lượng tổ chức bộ máy nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế của đội ngũ cán bộ ở Trung tâm, đồng thời nâng cao năng lực để họ có thể đóng góp tốt hơn cho công việc, tạo môi trường thuận lợi, mở ra những cơ hội, điều kiện tốt để mỗi cán bộ văn hóa tự phát huy những năng lực tiềm ẩn của mình, yên tâm công tác, tự giác cống hiến sức mình cho công việc.
Xây dựng nguồn nhân lực
Tăng cường đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ nghiệp vụ của Trung tâm, lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung cán bộ theo tiêu chuẩn chức danh do Nhà nước quy định. Xây dựng đội ngũ cán bộ nghiệp vụ có tri thức, tinh thông nghề nghiệp, có chuyên môn giỏi, vững vàng về tư tưởng chính trị. Tăng cường bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và tổ chức các hoạt động văn hóa cơ sở cho cán bộ VHTTDL ở cơ sở. Đồng thời, Trung tâm cần cử cán bộ đi học nâng cao trình độ ở các trường đại học, cao đẳng đào tạo về văn hóa nghệ thuật... Bên cạnh đó, qua các phong trào văn nghệ quần chúng tại địa phương tìm ra các hạt nhân văn nghệ, có chính sách đào tạo chuyên môn cho các hạt nhân này, ký hợp đồng làm cộng tác viên để khai thác tài năng văn nghệ của địa phương.
Hoạt động thông tin tuyên truyền
UBND huyện Gia Bình cần thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động và chất lượng công tác tuyên truyền; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm trong lực lượng cán bộ chuyên trách sau mỗi đợt tuyên truyền theo chủ đề, chủ điểm, trong đó có khen thưởng, động viên các tổ chức, cá nhân làm tốt tại thời điểm tổ chức đợt tuyên truyền; chú trọng, tập trung vào những phong trào trọng điểm như: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa… và các phong trào thi đua khác ở địa phương, cơ sở; tăng cường chất lượng thông tin theo hướng nâng cao tính thời sự, tính tư tưởng, tính chiến đấu, tính khoa học và tính thiết thực của các nội dung tuyên truyền, đẩy mạnh thông tin hai chiều theo hướng dân chủ hóa và tăng cường đối thoại. Thông qua trao đổi và thông tin phản hồi để nắm bắt tình hình tư tưởng của đối tượng và dư luận xã hội.
Hoạt động văn nghệ quần chúng
Trung tâm cần định hướng các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng một cách kịp thời và phù hợp với từng giai đoạn, thời kỳ phát triển kinh tế, đặc biệt trong cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhân dân tham gia các hoạt động của Trung tâm, phát huy quyền được hoạt động sáng tạo và quyền hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật do bản thân và cộng đồng xã hội làm ra. Khuyến khích, tài trợ, khen thưởng đúng mức cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng. Hằng năm hoặc định kỳ, tổ chức lập danh sách đề nghị xét tặng, truy tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú, nghệ sĩ và các hình thức ghi nhận công lao khác cho các cá nhân có đóng góp tài năng, sức lực, kinh phí của cho phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng. Củng cố, nâng cao chất lượng các đội văn nghệ quần chúng từ huyện đến các xã, thị trấn, làm nòng cốt để gây dựng phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng các xã, thị trấn; khai thác các làn điệu dân ca như quan họ, chèo, các sinh hoạt văn hóa truyền thống của bà con nhân dân trong huyện và đưa chương trình nghệ thuật quần chúng phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật tại cơ sở.
Hoạt động thư viện
Để nâng cao chất lượng hoạt động thư viện, Trung tâm phải nhanh chóng đẩy nhanh tốc độ phát triển vốn tài liệu; chú trọng thu thập, bổ sung tài liệu địa chí, những tài liệu của địa phương và nói về địa phương. Cùng với việc bổ sung sách báo mới thường xuyên, Thư viện huyện cần tăng cường đổi mới nguồn lực sách báo bằng cách cùng chia sẻ nguồn lực, cùng sử dụng sách báo của các thư viện huyện và các thư viện chuyên ngành khác trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Cán bộ thư viện phải trang bị kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ và ý thức trách nhiệm nghề nghiệp đối với công việc, hiểu được tầm quan trọng của hoạt động thư viện. Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu sách báo và vận động cán bộ, nhân dân đến sử dụng sách báo đạt kết quả tốt.
Tổ chức hoạt động của các câu lạc bộ
Trung tâm cần mở rộng và đa dạng hóa đối tượng tham gia hoạt động câu lạc bộ, tạo điều kiện thuận lợi để hội viên ở mọi thành phần kinh tế khác nhau, lứa tuổi, nghề nghiệp khác nhau đều có thể tham gia vào các hoạt động hưởng thụ và sáng tạo văn hóa theo sở thích của mình. Song, các câu lạc bộ phải quan tâm tới chất lượng chuyên môn. Đối với các câu lạc bộ hoạt động sáng tác như: quan họ, hát văn, hát chầu văn, thơ, múa, yoga, âm nhạc, mỹ thuật... cần tổ chức những buổi tọa đàm, mời các chuyên gia trong lĩnh vực chuyên môn về nói chuyện, diễn giảng, trao đổi nghiệp vụ, học hỏi những kinh nghiệm sáng tác. Tổ chức các cuộc thi sáng tác cho hội viên các câu lạc bộ thơ, văn, âm nhạc, mỹ thuật.
Kết luận
Các thiết chế văn hóa cơ sở là một cơ quan giáo dục ngoài nhà trường, là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, truyền tải những giá trị, tinh hoa văn hóa nghệ thuật của dân tộc và nhân loại về cho quần chúng nhân dân hưởng thụ, đồng thời tạo mọi điều kiện để quần chúng nhân dân sáng tạo ra những giá trị văn hóa, để gìn giữ, bảo lưu và xây dựng nền văn hóa mới, đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu tinh thần của nhân dân trong thời gian rảnh rỗi.
________________
Tài liệu tham khảo
1. Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, Báo cáo thành tích hoạt động Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, 2020 và 2021.
2. Bộ VHTTDL, Thông tư số 01/2010/TT- BVHTTDL ban hành về Quy chế tổ chức và hoạt động của tổ chức sự nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa văn hóa, thể thao và du lịch quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 2010.
3. Bộ VHTTDL, Thông tư số 11/2010/TT- BVHTTDL về Quy định tiêu chí của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Du lịch quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, 2010.
4. Bộ VHTTDL, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, 2021.
Ths DƯƠNG HÀ MY
Nguồn: Tạp chí VHNT số 575, tháng 7 - 2024