Tại nhiều quốc gia trên thế giới, công nghiệp giải trí là một ngành kinh tế quan trọng, vừa đóng góp lớn vào tổng thu nhập quốc dân, đem lại việc làm cho nhiều người, vừa đáp ứng các nhu cầu giải trí chính đáng cho người dân. Hiện nay, già hóa đang trở thành một trong những xu hướng dân số quan trọng nhất trên toàn cầu và việc đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi (NCT), đặc biệt là về tình cảm và giải trí, đã trở thành một thách thức nhưng cũng là một cơ hội với nhiều nước. Tuy nhiên, công nghiệp giải trí trên thế giới nói chung, tại Việt Nam nói riêng chưa chú trọng nhiều tới NCT; vẫn còn bỏ ngỏ thị trường này. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã mở ra cơ hội ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ để phát triển các sản phẩm giải trí cho NCT trong bối cảnh hiện nay.
1. Tính cấp thiết của việc ứng dụng công nghệ trong phát triển sản phẩm giải trí cho NCT
Trong những thập kỷ qua, nhờ vào thành tựu phát triển kinh tế, xã hội, điều kiện sống, dinh dưỡng, chăm sóc y tế của người dân được cải thiện; sức khỏe và tuổi thọ bình quân được nâng cao kết hợp với tỷ lệ sinh giảm ở nhiều quốc gia đã dẫn tới tình trạng già hóa dân số. Một mặt, già hóa dân số đặt ra nhiều thách thức đối với các quốc gia trong quá trình chăm sóc sức khỏe cho NCT, gây áp lực lên hệ thống y tế và ngân sách quốc gia, gây nguy cơ đứt gãy trong truyền tiếp văn hóa, ảnh hưởng tới an ninh quốc phòng… Mặt khác, già hóa dân số dân số lại đem lại nhiều cơ hội để các quốc gia khai thác “thị trường bạc” đầy tiềm năng, tạo điều kiện phát triển các ngành nghề, dịch vụ khác nhau đáp ứng nhu cầu của nhóm dân số ngày càng tăng cao này trong xã hội.
Theo A.Maslow, nhu cầu của con người gồm nhiều loại khác nhau được sắp xếp theo thứ tự từ thấp đến cao, gồm 5 dạng cơ bản (nhu cầu sinh học; nhu cầu an toàn, an ninh; nhu cầu xã hội; nhu cầu được đánh giá, tôn trọng và nhu cầu về sự hoàn thiện) (1). Đối với NCT, một số nhu cầu nổi bật bao gồm: nhu cầu được sống khỏe mạnh, được chăm sóc sức khỏe, giao tiếp xã hội, truyền thụ kinh nghiệm, kiến thức và nhu cầu giải trí. So với các nhóm tuổi khác, NCT có nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ giải trí bởi họ có nhiều thời gian rỗi, kinh tế ổn định hơn và ít bị ràng buộc bởi các nghĩa vụ xã hội.
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, công nghiệp giải trí là một ngành kinh tế quan trọng, vừa đóng góp lớn vào tổng thu nhập quốc dân, đem lại việc làm cho nhiều người, vừa đáp ứng các nhu cầu giải trí chính đáng cho người dân. Theo thống kê của UNESCO, hằng năm, doanh thu toàn cầu của các ngành công nghiệp văn hóa vào khoảng 2.250 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu hơn 250 tỷ USD. Tại Hàn Quốc, doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đạt khoảng 120 tỷ USD/năm. Tại Nhật Bản, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp doanh thu khoảng 7% tổng sản phẩm quốc nội, thu hút 5% nhân công lao động hằng năm (2). Tuy nhiên, công nghiệp giải trí trên thế giới nói chung, tại Việt Nam nói riêng chưa chú trọng nhiều tới NCT do các nguyên nhân sau: Thứ nhất, định kiến xã hội về NCT, cho rằng họ là những đối tượng yếu thế, hết thời, sống phụ thuộc, cần được quan tâm chăm sóc đặc biệt về y tế, là gánh nặng cho xã hội nên các sản phẩm dành cho NCT chủ yếu tập trung theo hướng chăm sóc sức khỏe, y tế, an sinh xã hội... Thứ hai, bản thân NCT do những hạn chế trong nhận thức, suy giảm về thể chất nên cũng ít năng động trong việc thực hiện các hoạt động và tiêu dùng các sản phẩm giải trí. Họ chủ yếu sử dụng các sản phẩm giải trí mang tính thụ động, được cung cấp miễn phí tới tận gia đình như các chương trình phát thanh, truyền hình hoặc tham gia vào các chương trình, các hoạt động của hội, nhóm tại nơi cư trú... Thứ ba, nhận thức của các doanh nghiệp về sản phẩm giải trí dành cho NCT còn hạn chế, các doanh nghiệp chưa coi trọng nghiên cứu, đầu tư, khai thác thị trường này mà chủ yếu tập trung vào thị trường trẻ tuổi. Thiếu các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện từ chính quyền các nước đối với sản phẩm giải trí đặc thù dành cho NCT nên các doanh nghiệp còn e dè trong việc đầu tư vào thị trường này.
2. Ứng dụng công nghệ trong phát triển sản phẩm giải trí cho NCT trên thế giới
Trên thế giới, xu hướng già hóa dân số đã bắt đầu xuất hiện từ thập niên 50 của TK XX. Tại các nước phát triển, ngay sau khi nhận thức được tầm quan trọng của xu hướng già hóa dân số, các chính phủ đã sớm ban hành nhiều chính sách để thích ứng với xu thế này. Ban đầu, các quốc gia chủ yếu tập trung vào việc chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội của NCT. Sau đó, lĩnh vực đời sống tinh thần của NCT dần được quan tâm, đáp ứng tốt các nhu cầu tinh thần, xã hội, giải trí của NCT, góp phần vào việc cải thiện “sức khỏe đa chiều”, đảm bảo già hóa dân số khỏe mạnh và chủ động, góp phần vào sự phát triển bền vững của quốc gia.
Tại châu Âu, theo ước tính, đến năm 2050, đây sẽ là khu vực có tỷ lệ NCT cao nhất thế giới. Năm 2022, 20% dân số của khu vực châu Âu đang ở độ tuổi trên 65; đến năm 2070, dự báo con số này sẽ đạt 30%. Đồng thời, tỷ lệ người trên 80 tuổi dự kiến cũng sẽ tăng hơn gấp đôi, đạt 13% tổng dân số vào năm 2070 (3). Chương trình hỗ trợ môi trường xung quanh (AAL programme) được thành lập từ đầu TK XXI, được đồng tài trợ bởi Ủy ban châu Âu (EC) và 17 quốc gia với ngân sách xấp xỉ 700 triệu euro với mục tiêu tạo ra chất lượng cuộc sống tốt hơn cho NCT và tăng cường các cơ hội công nghiệp trong lĩnh vực đổi mới và công nghệ lão hóa lành mạnh. Kể từ năm 2008 đến nay, AAL đã tài trợ cho hơn 300 dự án nhằm tạo ra các sản phẩm và dịch vụ dành cho NCT. Dự án Senior Channel được AAL tài trợ với ngân sách 4,329 triệu euro (4). Đây là dự án kéo dài 3 năm do phòng thí nghiệm phần mềm Indra và 11 đối tác và nhà thầu phụ đến từ 5 quốc gia châu Âu khác nhau sáng lập. Mục tiêu của dự án Senior Channel là tích hợp nội dung thông qua công nghệ tiên tiến nhằm mang đến cho NCT cơ hội và chia sẻ kiến thức, ý kiến cũng như nguyện vọng của họ để có được niềm vui từ trải nghiệm. Senior Channel đã phát triển kênh truyền hình thực tế tương tác cung cấp cho NCT phương pháp và phương tiện độc đáo để tiếp cận các hoạt động đa dạng trong cộng đồng, bao gồm cơ hội chia sẻ và trải nghiệm, khả năng tham gia vào các cuộc thảo luận, các hoạt động giải trí trực tuyến bất kể vị trí địa lý của họ. Senior Channel tích hợp công nghệ giúp NCT tương tác với thế giới thông qua ti vi kỹ thuật số. Chỉ cần sử dụng thiết bị điều khiển từ xa Set Top Box, NCT có thể truy cập vào nhiều dịch vụ tương tác như thông tin dự báo thời tiết, dịch vụ trò chuyện, giải trí...
Dự án OLDES phát triển một nền tảng giải trí và chăm sóc sức khỏe có chi phí thấp và dễ sử dụng, được thiết kế riêng để tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống của NCT. Nền tảng này chạy trên một máy tính cá nhân với mô hình thiết bị trị giá khoảng 100 euro. Sau thời gian triển khai thử nghiệm tại Bologna (Italia) và Praha (Cộng hòa Séc), dự án đã chứng minh tính hiệu quả và được chính quyền thành phố Bologna đặt mục tiêu cung cấp toàn bộ hệ thống cho người trên 75 tuổi và thiết lập trung tâm theo dõi và phân tích nhu cầu của NCT. Chính quyền thành phố Praha dự kiến sẽ áp dụng OLDES, trước mắt là cho nhóm bệnh nhân tiểu đường (5).
Tại Eindhoven, Hà Lan, căn hộ công nghệ cao CareLab đã được thành lập tạo khu công nghệ cao Philips. Căn hộ có một phòng ngủ, được trang bị vô số cảm biến và thiết bị để nghiên cứu các tình huống, bối cảnh khác nhau, trong đó NCT có thể dễ dàng sử dụng một số ứng dụng liên quan tới sức khỏe và tinh thần, giải trí của họ.
Tại Mỹ, robot ElliQ có giọng nữ, là một sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) được thiết kế đặc biệt để giảm bớt sự cô đơn cho NCT. ElliQ có thể kể chuyện cười, chơi nhạc và đưa những lời khuyên cho người dùng. Nó có màn hình video cung cấp thông tin về các chương trình du lịch đến các thành phố và bảo tàng. ElliQ còn có khả năng ghi nhớ sở thích của người dùng, hỏi thăm sức khỏe, nhắc nhở uống thuốc, uống nước và hướng dẫn các bài tập thể dục cho NCT. Đồng thời, nó cũng là phương tiện để NCT liên lạc với người thân, bạn bè hoặc bác sĩ trong trường hợp khẩn cấp. Trung bình người dùng tương tác với ElliQ hơn 30 lần mỗi ngày. Sau 6 tháng sử dụng, hơn 90% NCT cho biết họ cảm thấy vơi bớt cô đơn (6).
Tại Trung Quốc, việc ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin thế hệ mới như internet, di động và dữ liệu lớn đã tạo động lực mới cho việc đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của Trung Quốc về dịch vụ chăm sóc NCT. Thực tế ảo (Virtual Reality - VR) mang đến những cơ hội trong việc cung cấp dịch vụ, sản phẩm giải trí cho NCT. Ví dụ: NCT có thể tham quan các danh lam thắng cảnh trong VR và có cảm giác như đang ở đó mà không cần trải qua quá trình di chuyển mệt mỏi. NCT có thể thay đổi cảnh quan trong VR một cách tự do và tương tác với nhau. Các trò chơi trong VR có thể giúp NCT thực hiện các bài tập thể chất chính xác và mang lại cho NCT cảm giác đạt được thành tích. Ứng dụng này được triển khai thí điểm trên một nhóm NCT tại Bắc Kinh. Kết quả cho thấy, sử dụng các ứng dụng VR làm tăng hưng phấn đáng kể ở NCT; các ứng dụng về du lịch và trò chơi mang lại trạng thái cảm xúc tốt hơn và sự hài lòng cho họ.
Tại Nhật Bản, Viện dưỡng lão The Harmony ở tỉnh Fukuoka đã áp dụng AI để giúp NCT giảm bớt lo lắng và điều trị chứng mất trí nhớ. Robot Dai-chan sử dụng AI để điều khiển cuộc trò chuyện thay vì tuân theo một kịch bản có sẵn. Thiết bị này sẽ liên tiếp đặt các câu hỏi một chủ đề nếu người nghe hứng thú. Khi người nghe không còn hoặc giảm hứng thú, chúng sẽ tự động chuyển đề tài. Robot Dai-chan hỗ trợ nhân viên tại viện dưỡng lão rất hiệu quả trong quá trình chăm sóc người già. Trước đó năm 2019, một công ty tại Nhật Bản cũng chế tạo robot mini tên Charlie có thể trò chuyện, hát giúp người dân bớt cô đơn trong thời gian dài làm việc tại nhà vì COVID-19. Hãng Sharp cũng đã đưa robot Robohon ra thị trường để phục vụ nhu cầu giải trí của người già và trẻ nhỏ. Robohon có thể nói, nhảy, đồng thời là một chiếc điện thoại. Dù giá bán không rẻ (từ 820-2250 USD/ robot), sản phẩm này cũng giúp doanh thu của hãng Sharp tăng 30% trong khoảng từ tháng 6 đến tháng 9-2020 so với năm 2019 (7).
3. Một số gợi mở cho Việt Nam
Tính đến ngày 9-2-2023, dân số Việt Nam đạt 104,065 triệu người, trong đó có 16,179 triệu NCT từ 60 tuổi trở lên, chiếm 15,54% dân số (8). Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Dự báo đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%; đến năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già” (9). Ngày 20-01-2021, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 403/QĐ-BYT ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình Chăm sóc sức khỏe NCT đến năm 2030. Kế hoạch đã khẳng định: “Thế kỷ XXI được gọi là thế kỷ già hóa dân số” và “…tuổi thọ tăng là một trong những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế, xã hội nói chung và chăm sóc sức khỏe nói riêng. Tuy nhiên, già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh đặt ra những thách thức rất lớn về sự cần thiết phải thay đổi hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, giao thông, vui chơi giải trí... đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở nước ta” (10).
Xét từ góc độ thị trường, với mức thu nhập ngày càng tăng và kinh tế ngày càng phát triển, những thách thức cho hệ thống lại cũng chính là những cơ hội cho việc phát triển các dịch vụ, sản phẩm dành cho NCT tại Việt Nam. Nhu cầu cho thị trường dịch vụ, sản phẩm cho NCT tại Việt Nam, trong đó có nhu cầu về các sản phẩm, dịch vụ giải trí, rất triển vọng với 20 triệu “khách hàng tiềm năng” vào năm 2035. Đây chính là nguồn lực quan trọng góp phần phát triển đất nước, bởi NCT vừa là một nguồn lực lao động vô cùng quý giá với nhiều kinh nghiệm, đồng thời là lực lượng tiêu dùng rất lớn, tạo động lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ta cũng nhấn mạnh một trong những nội dung phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của nước ta là: “Bảo đảm quyền hưởng thụ, tự do sáng tạo trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật của mỗi người dân và cộng đồng. Hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp văn hóa; phát triển những sản phẩm, loại hình văn hóa độc đáo, sáng tạo…” (11); đồng thời, “Nâng cao chất lượng dân số, sức khỏe người dân cả về thể chất, tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ cũng như chất lượng cuộc sống” (12), “thích ứng với quá trình già hóa dân số, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe NCT” (13). Do đó, phát triển các sản phẩm, dịch vụ giải trí dành cho NCT vừa đáp ứng nhu cầu thể chất và tinh thần của NCT, vừa góp phần phát triển kinh tế, khai thác “thị trường tóc xám” trong nước đầy tiềm năng, vừa hiện thực hóa nội dung phát triển văn hóa, xã hội mà Đảng ta đã đề ra.
Ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng 4.0 là yêu cầu bức thiết, tất yếu đối với mọi ngành, mọi lĩnh vực trong xã hội, trong đó có phát triển các sản phẩm, dịch vụ giải trí cho NCT ở nước ta. Từ kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, Việt Nam muốn ứng dụng công nghệ vào phát triển các sản phẩm, dịch vụ giải trí cho NCT cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Thứ nhất, Nhà nước cần có các chính sách định hướng, xây dựng ngành “kinh tế bạc” để chủ động thích ứng với xu thế già hóa dân số hiện nay ở nước ta. Cần ban hành các chính sách ưu đãi đối với lĩnh vực sản xuất sản phẩm, dịch vụ cho NCT, trong đó có công nghiệp giải trí dành cho NCT. Cần có các cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân; khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp tích cực tham gia vào quá trình sản xuất các sản phẩm, dịch vụ giải trí nói riêng, sản phẩm, dịch vụ dành cho NCT nói chung; giảm gánh nặng cho các cấp chính quyền và ngân sách của Nhà nước trong việc chăm sóc NCT cả về thể chất và tinh thần.
Thứ hai, cần thay đổi định kiến xã hội về NCT; tránh coi họ là đối tượng yếu thế, hết thời, cần được chăm sóc. Cần nhận thấy rõ nhu cầu giải trí là nhu cầu cơ bản, thiết yếu trong đời sống của NCT; đáp ứng tốt nhu cầu giải trí của NCT là góp phần nâng cao “sức khỏe đa chiều” cho nhóm cư dân này. Bên cạnh đó, phải nhìn nhận họ như nguồn khách hàng tiềm năng cho thị trường cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho NCT trong tương lai, trong đó có sản phẩm, dịch vụ giải trí. Bản thân NCT cần chủ động, tích cực đóng góp ý kiến, tham gia vào quá trình sáng tạo các sản phẩm giải trí đáp ứng yêu cầu của chính mình.
Thứ ba, cần nghiên cứu nhu cầu giải trí và hành vi tiêu dùng của NCT một cách có hệ thống, khách quan, khoa học để làm cơ sở hoạch định các chính sách về NCT. Học tập kinh nghiệm các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, các nước châu Âu... trong việc phát triển sản phẩm, dịch vụ cho NCT nói chung và sản phẩm giải trí cho NCT nói riêng nhằm sáng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ giải trí phù hợp với nhu cầu, đặc điểm của NCT và văn hóa truyền thống của Việt Nam.
Thứ tư, ứng dụng các công nghệ mới nhất để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ giải trí thân thiện với NCT. Các sản phẩm này phải có chức năng đáp ứng những nhu cầu giải trí cơ bản của NCT cả về thể chất và tinh thần; giúp họ duy trì giao tiếp xã hội; cung cấp kiến thức; đem lại cảm giác thỏa mãn khi sử dụng. Tích cực ứng dụng các công nghệ hiện đại (AI, blockchain, thực tế ảo...) để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ giải trí số dành riêng cho NCT. Các sản phẩm, dịch vụ này cần có chất lượng thông tin tốt, đảm bảo cung cấp thông tin đa dạng trên các lĩnh vực mà NCT quan tâm (sức khỏe, an sinh xã hội, chính trị, an ninh quốc gia, truyền thống văn hóa, lịch sử của đất nước...). Thiết kế sản phẩm cần ưu tiên ứng dụng công nghệ hiện đại để tối ưu hóa trải nghiệm giải trí của người dùng, đem lại cảm xúc tích cực cho họ trong quá trình sử dụng; đồng thời củng cố ý định và hành vi sử dụng liên tục đối với sản phẩm, dịch vụ đó. Bên cạnh đó, các sản phẩm giải trí số cần có thiết kế (giao diện thiết kế, màu sắc, kích thước chữ/ hình ảnh, tốc độ chuyển động...) phù hợp với đặc điểm sinh học của NCT để họ có thể dễ dàng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ này. Nhà nước nên có chính sách trợ giá ban đầu để các sản phẩm, dịch vụ giải trí này có giá thành phù hợp với thu nhập của phần đông NCT, đảm bảo cơ hội tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ giải trí công nghệ cao của NCT ở các vùng, miền của đất nước. Cần xây dựng hạ tầng cơ sở số tốt để đảm bảo các sản phẩm, dịch vụ giải trí trực tuyến của NCT được vận hành thông suốt, dễ dàng.
_______________________
1. McLeod, Saul, Maslow’s Hierachy of needs (Tháp nhu cầu của Maslow), Simply Psychology, simplypsychology.org, 2007
2. Linh Chi, Sức mạnh tỷ đô từ công nghiệp văn hóa châu Á, baophapluat.vn, 14-1-2024.
3. Minh Đức, Hệ thống an sinh xã hội châu Âu nỗ lực ứng phó với già hóa dân số, tapchibaohiemxahoi.gov.vn, 20-4-2022.
4. Ana Hernadez, Francisco Ibanez, Nephtis Atallah, SENIORCHANNEL An Interactive Digital Television Channel for Promoting Entertainment and Social Interaction amongst Elderly People (SENIORCHANNEL Kênh truyền hình kỹ thuật số tương tác nhằm thúc đẩy giải trí và tương tác xã hội giữa người cao tuổi), link.springer.com, 2011.
5. Masimo Busuoli, Teresa Galleli, Martin Haluzik, Vratislab Fabian, Entertainment and Ambient: A New OLDES’ View (Giải trí và Môi trường xung quanh: Một góc nhìn mới của OLDES), researchgate.net, 2014.
6. Thiết bị AI trò chuyện với người già cô đơn, vov2.vov.vn, 25-1-2024.
7. Minh Phương, Viện dưỡng lão cho AI trò chuyện với người già, vnexpress.net, 22-6-2023.
8. Bộ Công an, Công văn số 644/BCA-C06 về việc phân tích dữ liệu người cao tuổi, 7-3-2023.
9. Nguyễn Thanh Bình, Già hóa dân số nhanh ở Việt Nam và khuyến nghị chính sách, nhandan.vn, 2023.
10. Bộ Y tế, Quyết định số 403/QĐ-BYT ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030, thuvienphapluat.vn, 20-1-2021.
11, 12, 13. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.263-264, 265, 266.
Tài liệu tham khảo
1. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Báo cáo nghiên cứu thị trường các sản phẩm, dịch vụ chăm sóc người cao tuổi ở Việt Nam, TP.HCM, 2021.
Ths HÀ ĐỖ QUYÊN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 572, tháng 6-2024