Xây dựng văn hóa trong sản xuất, kinh doanh đáp ứng yêu cầu phát triển một nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại và hội nhập quốc tế

Công ty CP Nông sản Hữu cơ Quảng Trị- tiên phong phát triển theo hướng xanh sạch, bảo vệ môi trường - Ảnh: congthuong.vn

Xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững với các sản phẩm xanh, sạch, thân thiện với môi trường là mục tiêu của nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay, không chỉ phù hợp với xu thế phát triển mà còn đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Để thực hiện, ngoài việc phát huy vai trò của các cấp, các ngành trong lãnh đạo, quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách; ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực thì việc xây dựng văn hóa trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp giữ vai trò cốt lõi. Đặc biệt, khi tình trạng sản xuất và kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp “bẩn” gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm và ô nhiễm môi trường đang diễn ra như hiện nay thì việc quan tâm hơn nữa đến xây dựng văn hóa lành mạnh, nâng cao ý thức cho người dân, trực tiếp là người sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp xanh, sạch, thân thiện với môi trường càng trở nên cấp thiết. Đây cũng là nội dung trong Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khi chủ trương xây dựng nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

1. Thực trạng văn hóa trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay

Văn hóa là động lực của phát triển, xây dựng văn hóa trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp chính là thúc đẩy sự phát triển tích cực trong kinh tế nông nghiệp. Do vậy, tạo dựng văn hóa lành mạnh trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp chính là xây dựng nền tảng vững chắc để thực hiện tốt việc sản xuất, kinh doanh theo hướng phát triển nông nghiệp sạch và bền vững, trong điều kiện hội nhập quốc tế.

Xây dựng văn hóa trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp là làm cho văn hóa kết tinh vào từng sản phẩm nông nghiệp, không chỉ là sản phẩm an toàn, chất lượng tốt, có sức cạnh tranh cao, được thị trường chấp nhận mà chính là văn hóa ứng xử của người tạo ra sản phẩm với thị trường, người tiêu dùng và môi trường thiên nhiên. Nói cụ thể hơn, xây dựng văn hóa trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp chính là làm cho người sản xuất, kinh doanh nông nghiệp có ý thức cao, tuân thủ các quy chuẩn an toàn trong quá trình sản xuất, kinh doanh để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp được đánh giá có chất lượng dinh dưỡng tốt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường sinh thái. Trong điều kiện hiện nay, việc nâng cao ý thức cho người dân trong việc tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, thân thiện với môi trường là tiêu chí quan trọng, phù hợp với xu thế chung của thế giới hướng đến một nền nông nghiệp xanh. Bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm giữ gìn, bảo vệ sức khỏe, giảm tỷ lệ mắc bệnh, duy trì và phát triển nòi giống, tăng cường sức lao động, học tập, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, văn hóa xã hội và thể hiện nếp sống văn minh.

Thực hiện mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững, trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và các bộ, ban, ngành đã triển khai nhiều nội dung, giải pháp đồng bộ, trong đó xây dựng văn hóa trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp đã được quan tâm đẩy mạnh. Thực tiễn đến nay có thể thấy, nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân về vệ sinh an toàn thực phẩm có chuyển biến tích cực; người dân đã quan tâm hơn các quy định, quy trình an toàn trong sản xuất; sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng, môi trường sinh thái ngày càng được quan tâm tốt hơn; hệ thống văn bản pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước và hội nhập quốc tế. Trên cả nước, đã hình thành ngày càng nhiều các sản phẩm sản xuất theo quy trình kỹ thuật an toàn như VietGAP, GlobalGAP. Các vùng nguyên liệu sạch và chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Bên cạnh kết quả đạt được, văn hóa trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Tình trạng người dân sử dụng các hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ vượt quá liều lượng đang diễn ra thường xuyên; việc lạm dụng kháng sinh, sử dụng chất cấm, chất kích thích tăng trưởng, hóa chất không rõ nguồn gốc trong chăn nuôi, chế biến, bảo quản nông thủy sản diễn biến phức tạp; việc khai thác tài nguyên nông nghiệp mang tính tàn phá, tận diệt đang diễn ra ở nhiều nơi; tình trạng xả thải bừa bãi ra môi trường các loại rác thải trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản chưa được kiểm soát. Tình trạng trên không chỉ làm mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe con người mà còn làm cạn kiệt tài nguyên nông thủy sản, gây ô nhiễm môi trường trực tiếp cản trở đến mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp xanh, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Điều này do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau, trong đó nguyên nhân quan trọng, gốc rễ là do văn hóa ứng xử, ý thức của người dân trong sản xuất, kinh doanh còn hạn chế. Chính vì vậy, để xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay thì việc đẩy mạnh xây dựng văn hóa trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp là việc làm quan trọng và cấp thiết.

2. Một số yêu cầu, giải pháp xây dựng văn hóa trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp

Văn hóa trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp là sản phẩm của những người trực tiếp sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, tuy nhiên sản phẩm đó lại được hình thành là do nhiều yếu tố, chủ thể khác nhau, tác động đan xen. Chính vì vậy, xây dựng văn hóa trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế hiện nay cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp đối với từng chủ thể, trước hết cần tập trung vào các giải pháp sau:

Một là, tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức, xây dựng văn hóa lành mạnh trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Thời gian qua, do một số cấp ủy, chính quyền, cán bộ, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nông nghiệp chưa thật sự nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng ý thức, văn hóa ứng xử lành mạnh trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, dẫn đến tình trạng cấp ủy, chính quyền thiếu quan tâm, buông lỏng trong chỉ đạo, quản lý; người sản xuất, kinh doanh vì kém hiểu biết hoặc vì lợi nhuận mà sản xuất, kinh doanh các sản phẩm kém chất lượng, sử dụng chất cấm, thuốc bảo vệ vượt quá tiêu chuẩn cho phép, không quan tâm đến bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, việc làm cần thiết hiện nay là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, kiến thức, hành động cho cấp ủy, chính quyền, cán bộ, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, nâng cao nhận thức được những tác động tiêu cực của việc buông lỏng quản lý, khai thác tận diệt, lạm dụng hóa chất, thuốc bảo vệ trong sản xuất, chế biến, bảo quản… không chỉ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người, đến sự phát triển của giống nòi dân tộc, gây ô nhiễm môi trường sống, mà còn trực tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bền vững, chất lượng, hiệu quả của chính quá trình sản xuất kinh doanh.

 Để nâng cao chất lượng, hiệu quả cần đa dạng hóa và đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền, giáo dục. Phát huy tốt vai trò của các tổ chức; tận dụng có hiệu quả nền tảng công nghệ số thông qua các cổng thông tin điện tử, mạng xã hội; đẩy mạnh gắn kết và lồng ghép với hoạt động tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới. Thông qua tổ chức các hoạt động lễ hội, du lịch nông nghiệp, nông thôn, hội chợ, thương mại để quảng bá, lan tỏa, khuyến khích sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ các sản phẩm xanh, sạch, thân thiện với môi trường.

Hai là, cần tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, phát huy tốt vai trò của các cơ quan chức năng, quản lý nhà nước trong quản lý, thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát. Trong thời gian qua, nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền về xây dựng văn hóa trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp đã có chuyển biến tích cực; sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng được quan tâm. Hệ thống văn bản pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, môi trường, phát triển bền vững cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, không ít trường hợp sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp bẩn, không an toàn, gây ô nhiễm môi trường xảy ra do công tác quản lý, thanh kiểm tra và phòng chống của các cơ quan hữu quan thiếu chặt chẽ, còn chồng chéo, bất cập, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe. Hệ thống văn bản pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về sản xuất, kinh doanh nông nghiệp xanh, sạch, an toàn vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển mới, thực tế còn thiếu và còn nhiều kẽ hở để các đối tượng xấu lợi dụng. Chính vì vậy, để xây dựng văn hóa trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp đáp ứng yêu cầu của nền nông nghiệp xanh, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước là hết sức cần thiết. Trước hết, Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu ban hành, hoàn thiện, bổ sung hệ thống văn bản pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về sản xuất, kinh doanh nông nghiệp xanh, sạch, an toàn, bền vững, chú ý các tiêu chí, quy chuẩn quốc tế, nhất là khi Việt Nam ngày càng tham gia sâu vào quá trình hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước cần tiếp tục bổ sung cơ chế, chính sách để hỗ trợ nông dân tiếp cận, đào tạo kiến thức, huấn luyện kỹ năng, cập nhật kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, trang bị kiến thức mới, khả năng làm chủ máy móc, thiết bị công nghệ, tạo môi trường, điều kiện tốt nhất cho sự gắn kết “bốn nhà”: nhà nông - nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp. Đồng thời tăng cường trang bị phương tiện vật chất kỹ thuật tiên tiến, hiện đại đi đôi với đào tạo nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, quản lý, chuyên môn nghiệp vụ.

Ba là, phát huy mạnh mẽ vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, các đơn vị sản xuất, kinh doanh và người nông dân.

Đối với Hội Nông dân: trong thời gian qua, Hội đã thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo lợi ích thiết thực, giải quyết những vấn đề đặt ra đối với hội viên, nông dân. Trung ương Hội cũng như hệ thống tổ chức hội ở các địa phương đã có nhiều việc làm cụ thể, thiết thực trong công tác tuyên truyền, xây dựng văn hóa tốt đẹp trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, góp phần xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững. Trong thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế với các sản phẩm xanh, sạch, Hội Nông dân cần tiếp tục phát huy tốt vai trò trung tâm của mình về xây dựng văn hóa trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Cần xác định, đây là một nội dung quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong xây dựng nền nông nghiệp xanh, hiện đại, hội nhập quốc tế hiện nay. Theo đó, bên cạnh việc xây dựng, củng cố tổ chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, cần tích cực đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, tập trung vào công tác tuyên truyền làm hội viên, nông dân nhận thức rõ mục tiêu, phương hướng xây dựng nền nghiệp sinh thái, nông dân văn minh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, khóa XIII Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cũng như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII (2023-2028); làm cho hội viên, nông dân nhận thức rõ hơn về vị trí, vai trò, sự cần thiết phải xây dựng văn hóa ứng xử tốt đẹp, cũng như tác hại của việc khai thác tận diệt, tàn phá môi trường, lạm dụng hóa chất, thuốc bảo vệ trong sản xuất, chế biến, bảo quản, kinh doanh nông nghiệp. Đặc biệt, tổ chức Hội các cấp phải thật sự là cầu nối, liên kết giữa nông dân với các doanh nghiệp, ngân hàng, hiệp hội khoa học để hỗ trợ nông dân về thông tin, khoa học kỹ thuật, vật tư đầu vào cho sản xuất và tiêu thụ nông sản, tổ chức đào tạo nghề, đào tạo nâng cao năng lực quản trị nông nghiệp, chuyển giao khoa học công nghệ của những mô hình sản xuất mới, tập trung vào sản phẩm, mô hình vừa có hiệu quả kinh tế cao vừa bảo đảm xanh, sạch, an toàn và bảo vệ môi trường.

Đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh nông nghiệp: các hợp tác xã nông nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp vừa là chủ thể quản lý vừa là chủ thể sản xuất, kinh doanh có vai trò quan trọng, quyết định trong việc xây dựng văn hóa trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Nói cách khác, chất lượng sản phẩm sản xuất, đưa ra thị trường có đảm an toàn hay không tùy thuộc lớn vào năng lực cũng như ý thức trách nhiệm của các đơn vị sản xuất, kinh doanh. Trong thực tế, do năng lực quản lý kém, do phương tiện kỹ thuật còn hạn chế, do chạy theo lợi nhuận mà không ít cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, lạm dụng chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, kích thích tăng trưởng gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và môi trường sống. Chính vì vậy, hiện nay các đơn vị sản xuất, kinh doanh nông nghiệp cần xác định rõ hơn trách nhiệm của mình, nâng cao ý thức, trách nhiệm trước xã hội; cần thiết phải xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, trong đó coi trọng đạo đức trong sản xuất, kinh doanh, trước hết là của người đứng đầu, nhận thức rõ đây là tiêu chí quan trọng trong xét công nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam”. Cùng với đó, cần tích cực hơn trong đầu tư cải tiến máy móc, trang thiết bị kỹ thuật, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bảo quản, chế biến để tạo ra nhiều mô hình sản phẩm hàng hóa có chất lượng tốt, an toàn, thân thiện với môi trường; quán triệt và tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật an toàn như VietGAP, GlobalGAP.

 Đối với người nông dân: là chủ thể, trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, người nông dân và hội viên, nhân viên trong các đơn vị sản xuất, kinh doanh giữ vai trò trực tiếp quyết định chất lượng sản phẩm. Thời gian qua, mặc dù Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách tích cực, các cấp bộ, ban ngành đã ban hành nhiều văn bản, quy định, hướng dẫn chặt chẽ về quy trình sản xuất, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường nhưng do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau mà người nông dân chưa nắm rõ hoặc cố tình bỏ qua, vi phạm các quy định về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, bảo quản, chế biến nông thủy sản, gây hậu quả nghiêm trọng cho con người và môi trường. Hiện nay, để góp phần xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, người nông dân cần nâng cao ý thức đạo đức, tính trung thực trong sản xuất, kinh doanh; chủ động học hỏi, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, cập nhật các vấn đề mới phát sinh trong sản xuất, kinh doanh; tích cực tham gia sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là sử dụng đất và nước tiết kiệm nhất, giám sát và kiến nghị xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường, ngăn chặn suy thoái tài nguyên và suy giảm đa dạng sinh học; quán triệt và chấp hành đúng các quy trình sản xuất an toàn, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng “đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp”.

3. Kết luận

Xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững với các sản phẩm, xanh, sạch, thân thiện với môi trường vừa là mục tiêu, vừa là yêu cầu phản ánh xu thế phát triển nông nghiệp hiện nay. Để thực hiện được mục tiêu quan trọng này, một trong những nội dung quan trọng là cần phải lựa chọn và tiến hành đồng bộ các giải pháp, trong đó không thể thiếu được yếu tố văn hóa làm chủ đạo. Xây dựng văn hóa trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp cần phát huy mạnh mẽ vai trò của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng, các đơn vị sản xuất, kinh doanh cũng như người nông dân và người tiêu dùng hướng tới việc triệt tiêu sản xuất, kinh doanh nông nghiệp bẩn, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm, chế biến, bảo quản, sản xuất nông nghiệp sạch và bền vững.

______________

Tài liệu tham khảo

1. Lương Quốc Đoàn, Xây dựng giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam vững mạnh, góp phần phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, tapchicongsan.org.vn, 24-12-2023.

2. Lê Minh Hoan, Tiếp tục thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhanh và bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong giai đoạn mới, tapchicongsan.org.vn, 1-12-2023.

3. Ngô Thái Hưng, Các yếu tố tác động đến việc người tiêu dùng chọn mua hàng thực phẩm Việt Nam, Tạp chí Khoa học, Trường Đại học An Giang, số 1, 48-56.

4. Nguyễn Thị Thu Hương, Xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 545, tháng 9-2023.

5. Nguyễn Tường Minh, Thực trạng và phương hướng phát triển của thị trường thực phẩm an toàn việt nam hiện nay, tapchicongthuong.vn, 15-2-2020.

6. Bùi Xuân Phong, Đạo đức kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp, Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2009.

7. Nguyễn Thế Trung, Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng giai cấp nông dân - Vận dụng vào công cuộc xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh ở Việt Nam hiện nay, tapchicongsan.org.vn, 18-8-2023.

8. Thào Xuân Sùng, Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo định hướng Đại hội XIII của Đảng, tapchicongsan.org.vn, 12-3-2022.

ĐẬU ĐỨC THIÊM

Nguồn: Tạp chí VHNT số 569, tháng 5-2024

;