Khái niệm năng lực thông tin bắt nguồn từ sự bùng nổ của công nghệ thông tin vào đầu những năm 1970, từ đó không ngừng phát triển để trở thành một kỹ năng không thể thiếu trong TK XXI. Theo UNESCO, năng lực thông tin là “kiến thức về mối quan tâm và nhu cầu thông tin của một người cũng như khả năng xác định, định vị, đánh giá, tổ chức và tạo, sử dụng và truyền đạt thông tin một cách hiệu quả để giải quyết các vấn đề trước mắt” (1). Bài báo này tập trung vào tầm quan trọng của việc phát triển năng lực thông tin cho trẻ vị thành niên, giúp họ xử lý và đánh giá thông tin từ nhiều nguồn một cách chính xác và có đạo đức. Trang bị năng lực này không chỉ hỗ trợ học tập và phát triển cá nhân mà còn chuẩn bị cho trẻ vị thành niên trở thành công dân toàn cầu có khả năng học tập liên tục, đóng vai trò thiết yếu để thích nghi và thành công trong xã hội hiện đại.
1. Tầm quan trọng của năng lực thông tin
Năng lực thông tin đóng vai trò quan trọng trong quá trình học tập và phát triển cá nhân của trẻ vị thành niên, là nền tảng cho khả năng học tập suốt đời và phát triển tư duy phản biện. Khi trẻ vị thành niên phát triển năng lực thông tin, trẻ học được cách tự học, tự tìm kiếm và đánh giá thông tin, qua đó thúc đẩy sự tự chủ và trách nhiệm trong việc học và quyết định cá nhân và xã hội. Điều này không chỉ giúp họ trở thành công dân có trách nhiệm mà còn chuẩn bị cho họ kỹ năng cần thiết để thành công trong TK XXI. CILIP năm 2018 cũng chỉ ra rằng, năng lực thông tin giúp học sinh phát triển tư duy phản biện, một kỹ năng quan trọng giúp họ không chỉ hiểu sâu về thông tin mà còn biết cách áp dụng nó một cách có trách nhiệm và sáng tạo.
Năng lực thông tin không chỉ trang bị cho trẻ vị thành niên kỹ năng cần thiết để đối mặt với thách thức và nắm bắt cơ hội trong tương lai mà còn hỗ trợ họ trong cuộc sống hằng ngày. Năng lực này còn góp phần vào việc phát triển kỹ năng xã hội và giao tiếp, giúp trẻ học cách trình bày ý kiến, chia sẻ thông tin và tham gia vào cuộc trao đổi ý kiến một cách có trách nhiệm và tôn trọng. Điều này biến năng lực thông tin thành một yếu tố quan trọng trong việc hình thành nhân cách và kỹ năng sống, giúp trẻ thành công trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Năng lực thông tin có tầm quan trọng trong việc phát triển một nền văn hóa, kinh tế và dân chủ thịnh vượng, trao quyền cho cá nhân và cộng đồng để tạo ra và sử dụng thông tin hiệu quả. Như vậy, năng lực thông tin không chỉ là một công cụ học tập mà còn là một phần không thể thiếu trong việc định hình tương lai của trẻ vị thành niên, giúp họ phát triển thành công dân toàn cầu có trách nhiệm và có khả năng đóng góp vào xã hội.
2. Đặc điểm của trẻ vị thành niên liên quan đến năng lực thông tin
Đặc điểm hành vi thông tin của trẻ vị thành niên
Trẻ vị thành niên có những đặc điểm năng lực thông tin độc đáo, phản ánh nhu cầu và phương thức họ tìm kiếm và xử lý thông tin. Trẻ thường tìm kiếm thông tin một cách tự nhiên, sử dụng các nền tảng trực tuyến và mạng xã hội như nguồn thông tin chính. Dù sự tiện lợi của các công cụ trực tuyến là không thể phủ nhận, song, khả năng của trẻ vị thành niên trong việc đánh giá tính xác thực và độ tin cậy của thông tin thường bị hạn chế do sự thiếu hụt trong kinh nghiệm và kiến thức. Việc dễ dàng tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin có thể dẫn đến việc trẻ chấp nhận thông tin không chính xác hoặc thiên lệch. Tuy nhiên, giai đoạn này cũng là thời điểm phát triển nhanh chóng về kỹ năng tư duy phê phán, mở ra cơ hội để trẻ học hỏi và cải thiện năng lực thông tin của mình.
Trong quá trình này, trẻ vị thành niên không chỉ tìm kiếm thông tin để đáp ứng nhu cầu cá nhân như giải trí hay tìm hiểu về các sở thích, mà còn sử dụng thông tin trên mạng xã hội và các nền tảng khác cho mục đích học tập, chẳng hạn như tìm kiếm thông tin cho bài tập về nhà. Nhưng việc tiếp xúc với lượng lớn thông tin từ nhiều nguồn khác nhau đòi hỏi trẻ phải được trang bị kỹ năng đánh giá thông tin một cách kỹ lưỡng, đặc biệt là thông tin từ mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến. Để hỗ trợ trẻ vị thành niên phát triển năng lực thông tin một cách toàn diện, cần có sự hướng dẫn từ người lớn, giáo dục và các chương trình đào tạo về kỹ năng thông tin.
Thách thức và cơ hội trong việc phát triển năng lực thông tin cho trẻ vị thành niên
Trong thế giới thông tin số hiện nay, trẻ vị thành niên đối mặt với thách thức quá tải thông tin, khiến việc đánh giá thông tin chính xác trở nên khó khăn. Trẻ vị thành niên nhận thức được sự thiếu hụt kỹ năng của mình trong việc điều chỉnh các thuật ngữ tìm kiếm, dẫn đến sự thất vọng khi tìm kiếm trên internet. Sự phụ thuộc quá mức vào công nghệ và mạng xã hội không chỉ giới hạn khả năng tìm kiếm và đánh giá thông tin một cách độc lập của trẻ mà còn ảnh hưởng đến khả năng tư duy phản biện của chúng. Tuy nhiên, công nghệ thông tin cũng mở ra cánh cửa cho trẻ vị thành niên tiếp cận thông tin rộng lớn, học hỏi cách thức sử dụng thông tin một cách sáng tạo và phản biện.
Để trẻ vị thành niên phát triển tư duy phản biện, không chỉ cần thiết trong môi trường học thuật mà còn trong việc xử lý thông tin hằng ngày, việc đưa vào chương trình giáo dục những bài học về kỹ năng thông tin là rất quan trọng. Qua đó, trẻ có thể được học cách tìm kiếm, đánh giá và sử dụng thông tin một cách chọn lọc và có tư duy. Giáo viên, với kiến thức và kỹ năng của mình, giữ vai trò thiết yếu trong việc hướng dẫn và hỗ trợ trẻ vị thành niên. Họ không chỉ cung cấp kiến thức cần thiết mà còn tạo điều kiện cho trẻ thực hành và phát triển kỹ năng, từ đó giúp trẻ trở thành công dân thông tin có trách nhiệm, sẵn sàng đối mặt và đóng góp vào thế giới đa thông tin của TK XXI.
3. Các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực thông tin của trẻ vị thành niên
Năng lực thông tin của trẻ vị thành niên được hình thành và phát triển thông qua sự tương tác với nhiều yếu tố xung quanh, đặc biệt là môi trường gia đình, trường học, xã hội và ảnh hưởng từ công nghệ thông tin và truyền thông.
Gia đình là yếu tố đóng vai trò cốt lõi trong việc phát triển năng lực thông tin ở trẻ vị thành niên. Thái độ, cách thức cha mẹ tìm kiếm, đánh giá, và chia sẻ thông tin ảnh hưởng đáng kể đến cách trẻ tiếp cận và xử lý thông tin. Nghiên cứu của Di Wu và cộng sự đã phân loại cha mẹ dựa vào mức độ sử dụng công nghệ thông tin và kết luận rằng trẻ em có cha mẹ sử dụng công nghệ thông tin tích cực có năng lực thông tin cao hơn. Vélez và cộng sự cũng chỉ ra rằng thái độ sử dụng internet của phụ huynh có tác động tích cực đến khả năng đọc hiểu thông tin của học sinh. Những nghiên cứu này cho thấy sự hỗ trợ và khuyến khích từ gia đình không chỉ giúp trẻ phát triển kỹ năng thông tin mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện của trẻ trong thế giới thông tin ngày nay.
Bên cạnh gia đình, trường học đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp và nâng cao năng lực thông tin cho trẻ vị thành niên. Giáo viên và nhân viên thư viện đóng vai trò trung tâm trong việc hướng dẫn trẻ tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn thông tin. Họ không chỉ giới thiệu cho trẻ các nguồn thông tin đáng tin cậy mà còn dạy cho trẻ các phương pháp đánh giá và xử lý thông tin. Bằng cách này, trẻ học được cách phân biệt thông tin chính xác và không chính xác, phát triển kỹ năng phê phán và tư duy phản biện. Nhân viên thư viện, với nguồn lực và kiến thức chuyên môn, không chỉ hỗ trợ học sinh truy cập các nguồn thông tin mà còn hỗ trợ họ bằng cách hướng dẫn phát triển kỹ năng xử lý thông tin một cách chủ động. Trong khi đó, giáo viên phát triển khả năng đánh giá thông tin số của học sinh bằng cách giúp họ không chỉ tiếp nhận mà còn phân tích và đánh giá thông tin một cách có phản biện.
Công nghệ thông tin và truyền thông cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển năng lực thông tin của trẻ vị thành niên. Sự dễ dàng và tốc độ tiếp cận thông tin qua internet nhanh chóng và các thiết bị di động như máy tính xách tay, điện thoại thông minh, máy tính bảng đã mở ra cơ hội không giới hạn để trẻ mở rộng kiến thức và kỹ năng của mình. Sự tự tin vào năng lực thông tin của học sinh tăng lên khi họ sử dụng internet và công nghệ trong cuộc sống hằng ngày. Môi trường trực tuyến cung cấp một loạt công cụ để hỗ trợ việc tìm kiếm, sàng lọc và đánh giá thông tin, từ các công cụ tìm kiếm đến các cơ sở dữ liệu và khóa học trực tuyến, giúp học sinh tiếp cận thông tin chất lượng và đáng tin cậy. Mặc dù vậy, việc giáo dục tại trường học vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ học sinh phát triển kỹ năng thông tin một cách đồng bộ và toàn diện. Vì vậy, trong khi công nghệ thông tin và truyền thông cung cấp những công cụ mạnh mẽ cho việc học tập và phát triển năng lực thông tin, sự hướng dẫn và giáo dục sử dụng những công cụ này một cách có hệ thống là điều cần thiết để trẻ phát triển khả năng sử dụng thông tin một cách hiệu quả và an toàn trong môi trường số ngày nay.
4. Giải pháp nâng cao năng lực thông tin cho trẻ vị thành niên
Tăng cường các chương trình và hoạt động giáo dục năng lực thông tin trong nhà trường
Để nâng cao năng lực thông tin cho trẻ vị thành niên, cần phát triển các chương trình giáo dục năng lực thông tin do giáo viên và nhân viên thư viện cùng xây dựng. Chương trình này nên khai thác hiệu quả công nghệ hiện đại và biến thư viện thành một trung tâm học tập sôi động, nơi học sinh có thể tương tác và khám phá kiến thức một cách chủ động. Sự hợp tác giữa giáo viên và nhân viên thư viện trong việc thiết kế và thực hiện chương trình phát triển năng lực thông tin không chỉ đem lại trải nghiệm học tập tích cực mà còn đảm bảo chương trình phù hợp với nhu cầu và khả năng của học sinh, qua đó nâng cao năng lực tìm kiếm, phân tích và truyền đạt thông tin cho học sinh. Ngoài ra, việc thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số và đảm bảo cơ hội tiếp cận công nghệ thông tin cho tất cả học sinh là yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy công bằng giáo dục. Đào tạo liên tục cho giáo viên và nhân viên thư viện không chỉ giúp họ cập nhật kiến thức và phát triển kỹ năng mới mà còn đảm bảo rằng họ có khả năng hỗ trợ học sinh một cách hiệu quả trong quá trình học tập và nghiên cứu, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục năng lực thông tin.
Tăng cường vai trò của gia đình và cộng đồng trong việc hỗ trợ trẻ phát triển năng lực thông tin
Gia đình và cộng đồng có ảnh hưởng đáng kể đến quá trình hình thành và phát triển các kỹ năng thông tin ở trẻ vị thành niên. Từ phía gia đình, sự hỗ trợ và việc tạo ra một môi trường học thuận lợi tại nhà của cha mẹ đóng một vai trò cốt yếu, khích lệ trẻ phát triển năng lực thông tin của mình. Cha mẹ không chỉ giúp định hình kỹ năng tìm kiếm và đánh giá thông tin cho trẻ, mà còn đóng vai trò là đối tác thảo luận, qua đó giúp trẻ hiểu rõ hơn về giá trị và tầm quan trọng của việc sử dụng thông tin một cách có trách nhiệm và đạo đức. Kong và Li đề xuất một mô hình hợp tác giữa nhà trường và gia đình để thúc đẩy năng lực thông tin, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết của việc hợp tác này trong việc mở rộng môi trường học tập có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin tại nhà, giúp trẻ không chỉ học ở trường mà còn phát triển các kỹ năng tại nhà.
Về phía cộng đồng, việc tổ chức các chương trình, hội thảo và sự kiện nhằm cung cấp kiến thức và kỹ năng thông tin cho trẻ là sự hỗ trợ phát triển năng lực thông tin cho trẻ vị thành nhiên. Cụ thể, các chương trình giáo dục cung cấp một nền tảng kiến thức vững chắc cho trẻ, giúp trẻ hiểu rõ về cách thông tin được tạo ra, phân phối, và sử dụng trong xã hội hiện đại. Các sự kiện như cuộc thi tìm kiếm thông tin hay sáng tạo nội dung số không chỉ tạo ra một môi trường học tập thú vị và tương tác mà còn khuyến khích trẻ áp dụng kiến thức và kỹ năng đã học vào thực tiễn, từ đó củng cố và mở rộng sự hiểu biết của bản thân. Sự tham gia của cộng đồng cũng giúp tạo nên một mạng lưới hỗ trợ, nơi trẻ có thể chia sẻ và học hỏi từ nhau, qua đó phát triển kỹ năng xã hội cùng với năng lực thông tin. Qua việc tổ chức các hoạt động này, cộng đồng không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn thể hiện sự quan tâm và cam kết đối với sự phát triển toàn diện của trẻ, giúp chúng trở thành những công dân số tự tin, có khả năng tìm kiếm, phân tích và đánh giá thông tin một cách chủ động và có trách nhiệm.
Sử dụng công nghệ một cách hiệu quả và an toàn
Sử dụng công nghệ hiệu quả và an toàn đã trở thành vấn đề không thể thiếu trong nền giáo dục hiện đại. Nghiên cứu từ Montreal, Canada, đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc dạy trẻ em cách sử dụng và đánh giá thông tin một cách chính xác từ các công cụ tìm kiếm, đặc biệt trong thời đại thông tin bùng nổ hiện nay. Điều này không chỉ giúp trẻ em tiếp cận thông tin một cách chọn lọc mà còn học được cách phân biệt thông tin đáng tin cậy và không đáng tin cậy. Bên cạnh đó, giáo dục về an toàn thông tin cũng là một yếu tố quan trọng nhằm đảm bảo sự an toàn cho trẻ em trong môi trường số, nơi rủi ro và nguy cơ có thể xuất hiện mọi lúc. Nâng cao nhận thức và kỹ năng về an toàn thông tin cho trẻ không chỉ giúp chúng bảo vệ bản thân khỏi những mối đe dọa trực tuyến, mà còn giáo dục chúng về cách sử dụng internet một cách có trách nhiệm. Hơn nữa, việc tích hợp công nghệ thông tin và truyền thông vào quá trình giáo dục đã chứng minh làm tăng hiệu quả học tập và nâng cao năng lực thông tin của học sinh. Quá trình hòa nhập này không chỉ cung cấp cho trẻ cơ hội để học cách sử dụng công nghệ một cách sáng tạo và hiệu quả, mà còn thúc đẩy sự phát triển của tư duy phê phán và kỹ năng sống cần thiết, giúp trẻ trang bị đủ năng lực để thích ứng và thành công trong môi trường kỹ thuật số ngày càng phức tạp.
Có thể nói, việc nâng cao năng lực thông tin cho trẻ vị thành niên đòi hỏi sự phối hợp giữa giáo dục học đường, sự hỗ trợ từ gia đình và cộng đồng, và việc sử dụng công nghệ một cách hiệu quả và an toàn. Qua đó, trẻ không chỉ học cách tìm kiếm và đánh giá thông tin một cách tự chủ mà còn phát triển được tư duy phê phán và kỹ năng sử dụng thông tin một cách có trách nhiệm, chuẩn bị cho những kỹ năng cần thiết để thành công trong thế giới thông tin ngày nay.
5. Kết luận
Phát triển năng lực thông tin cho trẻ vị thành niên không chỉ là một yêu cầu cần thiết trong thế giới hiện đại mà còn là một nền tảng vững chắc giúp trẻ trở thành công dân toàn cầu có trách nhiệm và có khả năng học tập suốt đời. Sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng trong việc hỗ trợ, phát triển năng lực thông tin cho trẻ là rất quan trọng. Cần có một chiến lược giáo dục toàn diện, kết hợp chặt chẽ giữa việc học trong nhà trường và học môi trường xã hội, đồng thời tận dụng hiệu quả công nghệ thông tin để tối ưu hóa quá trình học tập và phát triển kỹ năng. Việc trang bị và nâng cao năng lực thông tin cho trẻ vị thành niên không chỉ giúp họ tự tin và chủ động trong việc tiếp cận, sử dụng và truyền đạt thông tin, mà còn hỗ trợ họ trong việc phát triển tư duy phản biện, khả năng giải quyết vấn đề và kỹ năng sống cần thiết cho sự phát triển cá nhân và sự thành công trong tương lai. Do đó, việc đầu tư vào giáo dục và phát triển năng lực thông tin cho trẻ vị thành niên là một quyết định chiến lược, đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội, tạo ra một thế hệ trẻ thông tin, có khả năng thích nghi và đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng và xã hội trong kỷ nguyên số.
_____________________________
1. UNESCO, The Prague Declaration: towards an information literate society (Tuyên ngôn Prague: hướng tới một xã hội thông tin), 2024, tr.1.
Tài liệu tham khảo
1. CILIP, CILIP definition of information literacy 2018 (Định nghĩa CILIP về năng lực thông tin 2018), 2023.
2. Australian Library and Information Association, Statement on information literacy for all Australians (Tuyên bố về kiến thức thông tin cho người dân Úc), Australia, 2001.
3. Nurul Naimah Rose, Aida Shakila Ishak, Nor Hafizan Habib Sultan, Fauziah Ismail và Adi Fahrudin, Effect of Digital Technology on Adolescents (Ảnh hưởng của công nghệ số tới trẻ vị thành niên), 2022.
4. Marian Smith và Mark Hepworth, An investigation of factors that may demotivate secondary school students undertaking project work Implications for learning information literacy (Một cuộc điều tra về các yếu tố có thể làm giảm động lực của học sinh trung học khi thực hiện dự án: Hàm ý của việc học năng lực thông tin), Tạp chí Thư viện và Khoa học Thông tin, tập 39, số 1, 2007.
5. Rüstem Kalaycı và Necmi Eşgi, Development of the 21st century information literacy skills scale, validity, and reliability study (Phát triển thang đo năng lực thông tin thế kỷ 21, nghiên cứu tính hợp lệ và độ tin cậy), Tạp chí Nghiên cứu giáo dục châu Âu, tập 11, số 3, 2024.
6. Di Wu, Liqin Yu, Harrison Hao Yang, Sha Zhu, Chin-Chung Tsai, Parents’ profiles concerning ICT proficiency and their relation to adolescents’ information literacy: A latent profile analysis approach (Hồ sơ về trình độ công nghệ thông tin của cha mẹ và mối liên quan đến năng lực thông tin của trẻ vị thành niên: Một phương pháp phân tích hồ sơ tiềm ẩn), Tạp chí Công nghệ Giáo dục Anh, tập 51, số 6, 2020.
7. Alicia Peñalva Vélez, Juan José Leiva Olivencia, Itziar Irazabal Zuazua, The Role of Adults in Children Digital Literacy (Vai trò của người lớn trong Năng lực kỹ thuật số của trẻ), Tạp chí Procedia - Khoa học Xã hội và Hành vi, vol 237, ngày 21-2-2017.
8. Ross Todd và Carol C Kuhlthau, Student Learning Through Ohio School Libraries, Part 1: How Effective School Libraries Help Students (Việc học tập của học sinh thông qua thư viện trường học Ohio, Phần 1: Làm thế nào thư viện trường học giúp học sinh có hiệu quả), Tạp chí Thư viện trường học toàn thế giới, tập 11, số 1, 2005.
9. Noa Aharony và Tali Gazit, Factors affecting students’ information literacy self-efficacy (Những yếu tố ảnh hưởng đến sự tự tin về năng lực thông tin của học sinh), Tạp chí Thư viện Hi Tech, tập 37, số 2, 2019.
10. Anna Yevelson-Shorsher và Jenny Bronstein, Three Perspectives on Information Literacy in Academia: Talking to Librarians, Faculty, and Students (Ba góc nhìn về năng lực thông tin trong học thuật: Nói chuyện với thủ thư, giảng viên và sinh viên), Tạp chí Thư viện đại học và Nghiên cứu, tập 79, số 4, 2018.
11. McNee Darcy và Elaine Radmer, Librarians and Learning: The Impact of Collaboration (Thủ thư và học tập: tác động của sự hợp tác), Tạp chí Lãnh đạo tiếng Anh, tập 40, số 1, 2017.
12. Siu Cheung Kong và Kai Ming Li, Collaboration between school and parents to foster information literacy: Learning in the information society (Hợp tác giữa nhà trường và phụ huynh trong thúc đẩy năng lực thông tin: Học tập trong xã hội thông tin), Tạp chí Máy tính và Giáo dục, tập 52, số 2, 2009.
13. Leanne. Bowler, A taxonomy of adolescent metacognitive knowledge during the information search process (Phân loại kiến thức siêu nhận thức của trẻ vị thành niên trong quá trình tìm kiếm thông tin), Tạp chí Thư viện và Nghiên cứu khoa học thông tin, tập 32, số 1, 2010.
14. H. Maleki, A. Majidi, F. Haddadian, A. M. Rezai, V. Alipour, Effect of Applying Informantion and Communication Technology (ICT) on Learning Level and Information Literacy of Students (Ảnh hưởng của việc áp dụng Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) đến trình độ học tập và năng lực thông tin của học sinh), Tạp chí Procedia - Khoa học Xã hội và Hành vi, tập 46, 2012.
TS BÙI THANH THỦY - TRƯƠNG THỊ THU TRANG - NGUYỄN PHƯƠNG TÚ
Nguồn: Tạp chí VHNT số 569, tháng 5-2024