Bảo hộ bản quyền trên không gian mạng trong tiến trình Việt Nam hội nhập quốc tế

3. Việt Nam hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo hộ bản quyền trên không gian mạng

Trong tiến trình hội nhập quốc tế, vấn đề bảo hộ quyền tác giả ngày càng được quan tâm, chú trọng. Việc thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan có hiệu quả sẽ góp phần quan trọng vào việc khuyến khích sáng tạo, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của quốc gia. Để có được kết quả này, hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ là một trong những yếu tố quan trọng đầu tiên.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV thông qua tại Kỳ hợp thứ 3, ngày 16-6-2022. Luật sửa đổi, bổ sung 104 điều trên tổng số 222 điều của Luật Sở hữu trí tuệ, trong đó 12 điều chỉ sửa đổi, bổ sung về kỹ thuật, bãi bỏ một số quy định tại 5 điều. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giá, Luật Hải quan, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Với nội dung về quyền tác giả, quyền liên quan sửa đổi, bổ sung 32 điều, trong đó sửa đổi 27 điều bổ sung 5 điều với 5 nhóm nội dung sửa đổi, bổ sung về quyền tác giả, quyền liên quan.

Các nội dung sửa đổi bổ sung về quyền tác giả, quyền liên quan trong Dự án Luật tập trung vào 6 trong 7 nhóm chính sách, đó là: Đảm bảo quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan; Tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan; Đảm bảo mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; Tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về sở hữu trí tuệ; Nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; Bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập.

Đối với nhóm quyền tác giả, quyền liên quan, có một số sửa đổi bổ sung quan trọng như:

Sửa đổi, bổ sung Điều 20 (Quyền tài sản): làm rõ nội dung các quyền làm tác phẩm phái sinh, quyền biểu diễn, quyền sao chép, quyền phân phối, nhập khẩu để phân phối, quyền phát sóng, truyền đạt đến công chúng, quyền cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính; bổ sung quy định trường hợp làm tác phẩm phái sinh mà ảnh hưởng đến quyền nhân thân quy định tại khoản 4 Điều 19 của Luật SHTT còn phải được sự đồng ý bằng văn bản của tác giả; bổ sung quy định về các trường hợp mà chủ sở hữu quyền tác giả không có quyền ngăn cấm tổ chức, cá nhân khác thực hiện (cạn quyền).

Sửa đổi, bổ sung Điều 29 (Quyền của người biểu diễn): tương tự Điều 19, 20, sửa đổi quy định người biểu diễn có các quyền nhân thân và quyền tài sản đối với cuộc biểu diễn; sửa đổi quy định về quyền bảo vệ sự toàn vẹn của hình tượng biểu diễn không cho người khác xuyên tạc, không cho người khác sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của người biểu diễn; làm rõ nội dung các quyền tài sản bao gồm quyền sao chép, quyền phát sóng, truyền đạt đến công chúng, quyền phân phối, nhập khẩu để phân phối, quyền cho thuê thương mại; bổ sung quy định về các trường hợp mà chủ sở hữu quyền đối với cuộc biểu diễn không có quyền ngăn cấm tổ chức, cá nhân khác thực hiện.

Sửa đổi, bổ sung Điều 30 (Quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình): tương tự Điều 20, làm rõ nội dung các quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình bao gồm quyền sao chép, quyền phân phối, nhập khẩu để phân phối, quyền cho thuê thương mại, quyền phát sóng, truyền đạt đến công chúng; bổ sung quy định về các trường hợp mà chủ sở hữu quyền đối với bản ghi âm, ghi hình không có quyền ngăn cấm tổ chức, cá nhân khác thực hiện.

Sửa đổi, bổ sung Điều 31 (Quyền của tổ chức phát sóng): tương tự Điều 20, làm rõ nội dung các quyền của tổ chức phát sóng bao gồm quyền sao chép, quyền phân phối, nhập khẩu để phân phối; bổ sung quy định về các trường hợp mà chủ sở hữu quyền đối với chương trình phát sóng không có quyền ngăn cấm tổ chức, cá nhân khác thực hiện.

Đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, Luật đã sửa đổi bổ sung điều 28 và 35 theo hướng: sửa đổi, bổ sung quy định hành vi xâm phạm theo các quyền quy định tại các Điều 19, 20, 25, 25a, 26, 29, 30, 31 của Luật và các hành vi xâm phạm khác liên quan tới biện pháp công nghệ bảo vệ quyền, thông tin quản lý quyền, trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian... phù hợp với quy định tại Hiệp định CPTPP, EVFTA.

Đối với việc thực thi bản quyền trên không gian mạng, Luật đã có những sửa đổi, bổ sung tại điều 198 - quyền tự bảo vệ, bổ sung quy định nội dung liên quan đến biện pháp công nghệ bảo vệ quyền và thông tin quản lý quyền, yêu cầu gỡ và xóa bỏ nội dung vi phạm trên môi trường mạng viễn thông và mạng internet; luật hóa quy định về ủy quyền áp dụng các biện pháp tự bảo vệ; bổ sung quy định quyền yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền nhân thân của tổ chức, cá nhân được thừa kế quyền tác giả, quyền của người biểu diễn. Bổ sung Điều 198a (Giả định về quyền tác giả, quyền liên quan): quy định rõ trường hợp được coi là chủ thể quyền đối với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng; luật hóa quy định làm rõ về nêu tên theo cách thông thường.

Đặc biệt, tại Luật này đã bổ sung Điều 198b (Trách nhiệm pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian): bổ sung quy định giải thích về doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, quy định rõ các trường hợp miễn trừ trách nhiệm pháp lý đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan; quy định trách nhiệm của doanh nghiệp này trong thực thi các biện pháp bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan.

Ngày 26-4-2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả quyền liên quan, với 7 chương, 116 điều, 3 phụ lục. Nghị định 17/2023/NĐ-CP đã dành 1 chương quy định về bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan. Mục 8 chương VI quy định về doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, trong đó: định danh về các dịch vụ trung gian, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian (ISP) (Điều 110); Trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong việc bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng viễn thông và mạng internet (điều 111); Trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan (Điều 112); Quy trình gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian khi nhận được yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Điều 113); Quy trình gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian khi nhận được yêu cầu của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan (Điều 114).

Bất cứ bên nào có hành vi cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh sai sự thật xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của bên liên quan khác thì phải chịu trách nhiệm pháp lý tương ứng theo quy định của pháp luật.

Các chủ thể QTG có quyền áp dụng các biện pháp sau đây để bảo vệ các quyền của họ: áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm các quyền của mình; yêu cầu các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm bản quyền của họ chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại; yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm các quyền của mình theo quy định của Luật SHTT và các quy định pháp luật khác có liên quan; khởi kiện tại tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Hiện nay, Chính phủ giao Bộ VHTTDL xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan (thay thế Nghị định số 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan).

4. Một số thuận lợi, khó khăn trong công tác bảo hộ bản quyền trên không gian mạng

Về thuận lợi

Công tác bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan nhận được sự ủng hộ, quan tâm chỉ đạo của các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Hệ thống văn bản pháp luật về bảo hộ, quản lý và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan tương đối đồng bộ là công cụ hữu hiệu giúp cho công tác quản lý, thực thi hiệu quả hơn. Các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan về cơ bản đã đi vào cuộc sống, đóng vai trò tích cực thúc đẩy sáng tạo văn học, nghệ thuật và khoa học, bảo vệ lợi ích của người sáng tạo, tổ chức, cá nhân sử dụng và công chúng; các quyền nhân thân và tài sản của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan được tôn trọng. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan ngày càng được chú trọng triển khai. Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan của các tổ chức/ cá nhân có bước chuyển biến rõ rệt, thể hiện qua thái độ ứng xử văn minh, tôn trọng đối với một loại tài sản đặc biệt của nhân loại - tài sản trí tuệ. Các cơ quan quản lý và thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan được hình thành từ Trung ương đến địa phương có hoạt động đạt kết quả đáng khích lệ, từng bước đưa pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan được thi hành trong đời sống. Các cá nhân, cơ quan, tổ chức đã từng bước triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Tồn tại, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân

Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, hoạt động bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan vẫn còn một số vấn đề tồn tại, khó khăn, vướng mắc cần sớm được giải quyết, khắc phục trong thời gian tới, cụ thể như sau:

Thứ nhất, sự thay đổi, phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, sự tiến bộ về công nghệ kỹ thuật và việc thực thi cam kết nghĩa vụ tại các Hiệp định thương mại tự do như Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA đặt ra yêu cầu tiếp tục hoàn thiện pháp luật và tăng cường thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan.

Thứ hai, dù đã có nhiều nỗ lực từ phía các cơ quan quản lý, thực thi, nhưng tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường kỹ thuật số vẫn đang diễn ra ngày càng phức tạp; vẫn còn tình trạng những người sáng tạo vi phạm bản quyền của nhau;

Thứ ba, công tác bảo hộ bản quyền nói chung và trên không gian mạng nói riêng còn chưa đáp ứng yêu cầu. Đầu tư về nguồn nhân lực tại trung ương và địa phương, đầu tư nguồn lực về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và thực thi, đấu tranh phòng ngừa và chống hành vi xâm phạm bản quyền trên không gian mạng chưa tương xứng với yêu cầu trong tình hình mới.

Nguyên nhân

Thứ nhất, vẫn còn nhận thức chưa đầy đủ của các cấp, các ngành và của công dân về vai trò của quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt là ý thức chấp hành pháp luật chưa cao của không ít cơ quan, tổ chức và cá nhân. Vẫn còn nhiều đối tượng vì lợi ích cá nhân mà xâm hại tới quyền lợi hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền.

Thứ hai, một số tác giả, chủ sở hữu quyền chưa nắm vững các quy định pháp luật, chưa chủ động áp dụng các biện pháp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Việc xử lý hành vi xâm phạm về quyền tác giả, quyền liên quan còn hạn chế, chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa.

Thứ ba, sự bùng phát của đại dịch COVID-19 tác động trực tiếp đến các hoạt động của ngành Văn hóa Việt Nam cũng như thế giới. Các hoạt động trực tiếp như: chiếu phim tại rạp, triển lãm, hội chợ, biểu diễn trực tiếp... bị cắt giảm, đình trệ; thay vào đó là các hoạt động trực tuyến diễn ra đa dạng dưới nhiều hình thức, cách thức, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu đề ra của ngành và khó khăn cho công tác thực thi bảo hộ bản quyền trên không gian mạng.

5. Một số giải pháp thúc đẩy bảo hộ bản quyền trên không gian mạng

Để thúc đẩy bảo hộ bản quyền trên không gian mạng, cần tiến hành đồng bộ một số giải pháp sau:

Một là, các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt là quy định về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường kỹ thuật số, hướng tới xây dựng Luật Bản quyền tác giả độc lập.

Hai là, đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan trong nước và quốc tế, đồng thời tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan của các nhóm đối tượng trong toàn xã hội (người sáng tạo, người khai thác, sử dụng và công chúng). Để chống xâm phạm bản quyền - Bảo hộ quyền tác giả trên không gian mạng, cần phải nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, cảnh báo các doanh nghiệp không nên mua quảng cáo ở những trang web hoặc mạng xã hội vi phạm bản quyền.

Ba là, tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý, thực thi quyền tác giả, quyền liên quan; đầu tư cơ sở vất chất, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc trong việc phát hiện, ngăn ngừa, xử lý các hành vi xâm phạm quyền tác giả trên môi trường kỹ thuật số; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian (ISPs) trong việc thực thi quyền tác giả trên môi trường kỹ thuật số.

Bốn là, phát huy vai trò, tính chủ động của các hội/ hiệp hội/ tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ trong việc thực thi, bảo vệ QTG, QLQ; các chủ thể quyền chủ động áp dụng các biện pháp công nghệ để bảo vệ quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số theo quy định pháp luật, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc xử lý các hành vi xâm phạm quyền tác giả.

Năm là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tăng cường trao đổi, phối kết hợp cùng các nước để chống lại những hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng.

Sáu là, Nhà nước cần có các chính sách tổng thể để tạo thị trường, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa mà Việt Nam có thế mạnh.

Thời gian tới, tiếp tục tổ chức thực hiện Quyết định số 88/QĐ-TTg ngày 20-1-2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tăng cường năng lực quản lý và thực thi có hiệu quả pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; trong đó tập trung quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan; Tiếp tục tổ chức thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

6. Kết luận

Trong tiến trình hội nhập quốc tế, vấn đề bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan ngày càng được quan tâm, chú trọng. Việc thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt là trên không gian mạng hiệu quả sẽ góp phần quan trọng vào việc khuyến khích sáng tạo, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của quốc gia, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.

(tiếp theo số 563 và hết)

Ths PHẠM THỊ KIM OANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 566, tháng 4-2024

;