Nâng cao văn hóa quản lý cho cán bộ quản lý đơn vị học viên ở các nhà trường quân đội hiện nay

Văn hóa quản lý là một bộ phận quan trọng của văn hóa, là hệ thống những giá trị, chuẩn mực tạo nên phong cách quản lý khoa học của người cán bộ, đặc biệt là cán bộ quản lý ở các nhà trường quân đội, ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức, hành động, phẩm chất, đạo đức, lối sống của người học viên. Vì vậy, nâng cao văn hóa quản lý cho cán bộ quản lý đơn vị học viên ở các nhà trường quân đội là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Quan tâm đến văn hóa quản lý là quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý về đạo đức, năng lực, phong cách lãnh đạo, cách ứng xử… Qua đó, góp phần thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, khắc phục quan liêu, phòng chống tham nhũng, góp phần lan tỏa những giá trị sống đẹp trong xã hội, củng cố niềm tin của xã hội vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Văn hóa quản lý là vấn đề được Đảng ta hết sức coi trọng. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Xây dựng và thực hiện các chuẩn mực văn hóa trong lãnh đạo, quản lý” (1). Do đó, nâng cao văn hóa quản lý cho cán bộ quản lý đơn vị học viên ở các nhà trường quân đội là yêu cầu quan trọng, cần thiết để xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, “mẫu mực, tiêu biểu”.

1. Những biểu hiện về văn hóa quản lý của cán bộ quản lý đơn vị học viên ở các nhà trường quân đội

Cán bộ quản lý đơn vị học viên ở các nhà trường quân đội là những sĩ quan được điều động, bổ nhiệm giữ các chức vụ chỉ huy, trợ lý; hoạt động dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, thực hiện theo chức trách, nhiệm vụ được phân công; quản lý đơn vị thực hiện thắng lợi các mục tiêu, yêu cầu giáo dục, đào tạo, góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực tiêu biểu”, các tổ chức quần chúng vững mạnh xuất sắc. Những năm qua, văn hóa quản lý của cán bộ quản lý đơn vị học viên ở các nhà trường quân đội luôn được phát huy trên tất cả các mặt công tác, biểu hiện cụ thể như sau:

Về hệ thống tri thức: lực lượng cán bộ quản lý đơn vị học viên thể hiện sự hiểu biết sâu rộng về khoa học cơ bản, khoa học nghệ thuật quân sự, khoa học xã hội và nhân văn quân sự; khoa học giáo dục, quản lý giáo dục; văn hóa, chính trị, đạo đức, pháp luật. Đồng thời, cán bộ quản lý đơn vị học viên có kiến thức toàn diện, có khả năng lĩnh hội kiến thức mới và tự bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ quản lý, trình độ văn hóa quản lý.

Về phẩm chất chính trị, đạo đức: thể hiện ở “tầm - tâm” của nhà quản lý, có trình độ cao về nhận thức chính trị, vững vàng, tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước. Luôn đề cao ý thức chính trị, tích cực rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống; kiên quyết chống các biểu hiện lệch lạc, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; đề cao trách nhiệm, thường xuyên tu dưỡng phấn đấu trở thành người cán bộ quản lý giỏi.

Về năng lực quản lý: biểu hiện ở khả năng, trình độ nắm bắt tri thức và cập nhật cái mới. Có kỹ năng nghề nghiệp, chuyên môn quân sự; kỹ năng nghiệp vụ quản lý giỏi; vận dụng linh hoạt các hình thức, phương pháp quản lý, giải quyết tốt các mối quan hệ; nhạy bén nắm bắt tâm lý học viên, tạo động lực cho học viên phấn đấu trong học tập, công tác, rèn luyện.

Về phong cách quản lý: thể hiện sự mẫu mực nhân cách của người sĩ quan quân đội, là tấm gương sáng cho học viên và đơn vị noi theo; có phong cách làm việc khoa học, nâng cao tính đảng, tính nguyên tắc; chủ động, sáng tạo, quyết đoán, có tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức, kỷ luật cao; thực sự gần gũi, tin tưởng vào học viên; hành động mẫu mực, nói đi đôi với làm; cụ thể, tỉ mỉ, chu đáo, luôn sâu sát đơn vị trong các nhiệm vụ.

Bốn biểu hiện về văn hóa quản lý của cán bộ quản lý đơn vị học viên ở các nhà trường quân đội có mối liên hệ mật thiết, tác động chặt chẽ với nhau trong một chỉnh thể thống nhất. Thực tế những năm qua cho thấy, yếu tố văn hóa quản lý có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ quản lý đơn vị học viên, trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học của các nhà trường quân đội. Cấp ủy, chỉ huy các cấp đã tập trung nâng cao hệ thống những chuẩn mực đạo đức, trình độ kiến thức, phẩm chất, năng lực, phương pháp, phong cách quản lý, nhất là phong cách “khoa học, dân chủ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, gương mẫu, nói đi đôi với làm” cho lực lượng cán bộ quản lý học viên. Nhờ đó, đại đa số cán bộ quản lý có nhận thức đúng về văn hóa quản lý; chủ động lĩnh hội tri thức, kinh nghiệm quản lý; tích cực tu dưỡng, rèn luyện, hoàn thiện phẩm chất, năng lực theo yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng nhà trường quân đội trong tình hình mới. Bên cạnh đó, một số cán bộ quản lý đơn vị học viên nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa quản lý; tri thức, phương pháp quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, làm ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị. Vì vậy, việc nâng cao văn hóa quản lý cho cán bộ quản lý đơn vị học viên là vấn đề cần thiết hiện nay.

2. Một số giải pháp nâng cao văn hóa quản lý cho cán bộ quản lý đơn vị học viên ở các nhà trường quân đội hiện nay

Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của các lực lượng trực tiếp nâng cao văn hóa quản lý cho cán bộ quản lý đơn vị học viên ở các nhà trường quân đội

Giải pháp này rất quan trọng, quyết định đến kết quả quá trình nâng cao văn hóa quản lý cho cán bộ quản lý đơn vị học viên. Bởi vì, văn hóa quản lý góp phần xây dựng, hoàn thiện nhân cách, phẩm chất, năng lực, phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ quản lý đơn vị học viên, nhất là vai trò tiên phong, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác giáo dục, đào tạo, công tác cán bộ, từ đó xây dựng, hoàn thiện tiêu chí về phẩm chất, năng lực cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo trong giai đoạn mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của các lực lượng trong nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các biện pháp nâng cao văn hóa quản lý cho cán bộ quản lý đơn vị học viên phù hợp với đặc thù của nhà trường, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo cán bộ quân đội. Theo đó, chú trọng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các lực lượng trong quán triệt quan điểm phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý đào tạo theo Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4-11-2013, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Quyết định số 89/QĐ-TTg, ngày 18-1-2019, của Thủ tướng Chính phủ, Phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2030; Kết luận số 16-KL/TW, ngày 7-7-2017, của Bộ Chính trị, Về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam đến năm 2021 và những năm tiếp theo; Nghị quyết 769-NQ/QUTW, ngày 21-12-2012, của Quân ủy Trung ương Về xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội giai đoạn 2013-2020 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 109-NQ/QUTW, ngày 11-2-2019, của Quân ủy Trung ương, Về xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội, nhất là cấp chiến dịch, chiến lược đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; Đề án Kiện toàn, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2018-2025 và định hướng những năm tiếp theo... Trên cơ sở đó, hoàn thiện mục tiêu, phương hướng xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý đơn vị học viên bảo đảm về chất lượng, hợp lý về cơ cấu, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học của các nhà trường quân đội.

Nêu cao tính tích cực, chủ động của cán bộ quản lý đơn vị học viên trong tự tu dưỡng, tự rèn luyện văn hóa quản lý

Cán bộ quản lý đơn vị học viên là khách thể của quá trình trang bị kiến thức, đồng thời là chủ thể tiếp cận những dữ liệu, thông tin cần thiết để tiếp thu, lĩnh hội, chuyển hóa thành kiến thức, năng lực của chính mình. Mọi hoạt động nâng cao văn hóa quản lý của họ chỉ chuyển hóa thành hiện thực và có hiệu quả thông qua quá trình tự tu dưỡng, tự rèn luyện. Do vậy, mỗi cán bộ quản lý đơn vị học viên phải thấm nhuần quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy “tự học” làm cốt, từ đó luôn có khát vọng vươn lên, ra sức tự học tập lĩnh hội tri thức về văn hóa quản lý; chủ động, tích cực, tự giác trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phương pháp, tác phong quản lý. Cấp ủy, chỉ huy các cấp chú trọng bồi dưỡng cho cán bộ quản lý đơn vị học viên phương pháp tự học, tự nghiên cứu, tự rèn luyện là chính, để phát huy được nhân tố chủ quan của họ trong các hoạt động học tập, tự học, thực hiện mục tiêu biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo. Mỗi cán bộ quản lý học viên phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện để nâng cao uy tín trước học viên, luôn nghiêm khắc với bản thân, thực hiện tự phê bình nghiêm túc. Hằng tháng, hằng quý, cán bộ lãnh đạo quản lý học viên phải tự xem xét, đánh giá kết quả thực hiện trách nhiệm nêu gương trên các mặt trước tập thể chi bộ, đảng bộ, đề ra các biện pháp khắc phục khuyết điểm kịp thời. Bên cạnh đó, cán bộ quản lý học viên cần xây dựng và quyết tâm thực hiện kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện thông qua các bản cam kết, chương trình hành động, bản đăng ký thực hiện trách nhiệm nêu gương, khắc phục tình trạng nêu gương bằng báo cáo, giấy tờ, hình thức, khẩu hiệu, cán bộ quản lý đơn vị học viên cần nêu cao quyết tâm thực hiện trách nhiệm nêu gương, phải xác định rõ nội dung, biện pháp thực hiện.

Xây dựng môi trường văn hóa quản lý học viên ở các nhà trường quân đội lành mạnh

Môi trường văn hóa quản lý bao gồm các quan hệ văn hóa, các giá trị văn hóa quản lý, văn hóa quân nhân, tình cảm “cán - binh” và phẩm chất văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ”; các thiết chế văn hóa, hành vi văn hóa, tạo thành một chỉnh thể thống nhất tác động trực tiếp đến sự phát triển nhân cách của cán bộ quản lý học viên. Đây là nội dung, giải pháp quan trọng để nâng cao văn hóa quản lý cho cán bộ quản lý đơn vị học viên. Do đó, lãnh đạo, chỉ huy các cấp ở các nhà trường quân đội cần quán triệt sâu sắc quan điểm: “Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa công sở lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, nhân văn; đẩy lùi bệnh quan liêu, bè phái, mất đoàn kết, chủ nghĩa cơ hội và thực dụng”, tập trung xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, kiên quyết khắc phục bệnh thành tích, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các tiêu cực trong giáo dục, đào tạo. Vì vậy, cần coi trọng xây dựng quan hệ văn hóa quân nhân thông qua các thiết chế văn hóa, nhằm cụ thể hóa các chuẩn mực, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới. Đề cao tính tiên phong, gương mẫu trong văn hóa ứng xử của cán bộ, đảng viên ở đơn vị; mỗi cán bộ quản lý đơn vị học viên phải thực sự là tấm gương lan truyền cảm hứng, những thông điệp nhân văn, lan tỏa những giá trị cao đẹp cho học viên noi theo.

3. Kết luận

Văn hóa quản lý là tổng hòa những dấu ấn sáng tạo và nhân văn nảy sinh từ chủ thể tổ chức và hoạt động quản lý của cơ quan, đơn vị, phản ánh trình độ trong lĩnh vực quản lý của cán bộ quản lý học viên ở các nhà trường quân đội, góp phần hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, “mẫu mực, tiêu biểu”. Vì vậy, các trường quân đội cần quan tâm đúng mức đến xây dựng văn hóa quản lý cho đội ngũ cán bộ quản lý đơn vị học viên với tư cách là chủ thể của mọi hoạt động quản lý, lực lượng có ý nghĩa quyết định chất lượng, hiệu quả của hoạt động quản lý, giáo dục, rèn luyện học viên.

____________________

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.144.

Tài liệu tham khảo

1. Chỉ thị số 79/CT-BQP ngày 22-7-2022 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu” trong toàn quân.

2. Công văn số 256/CT-TH ngày 26-2-2019 của Tổng cục Chính trị về việc triển khai thực hiện Đề án Văn hóa công vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

3. Đề án Kiện toàn, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2018-2025 và định hướng những năm tiếp theo.

4. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011.

5. Kết luận số 16-KL/TW, ngày 7-7-2017, của Bộ Chính trị, về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam đến năm 2021 và những năm tiếp theo.

6. Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4-11-2013, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

7. Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW ngày 20-12-2022 của Quân ủy Trung ương về đổi mới công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới.

8. Nghị quyết 769-NQ/QUTW, ngày 21-2-2012 của Quân ủy Trung ương, về xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội giai đoạn 2013-2020 và những năm tiếp theo.

9. Nghị quyết số 109-NQ/QUTW, ngày 11-2-2019, của Quân ủy Trung ương, về xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội, nhất là cấp chiến dịch, chiến lược đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

10. Quyết định số 89/QĐ-TTg, ngày 18-1-2019, của Thủ tướng Chính phủ, Phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2030.

HOÀNG THANH DƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 563, tháng 3-2024

;