Trong giai đoạn hiện nay, Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21-5-2018 của Trung ương Đảng, khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp đang được Chính phủ và các cấp Bộ, ngành khẩn trương triển khai, thực hiện. Theo đó, từ năm 2024, tiền lương sẽ được trả theo vị trí việc làm. Có một thực tế là, qua khảo sát, hầu hết các trường đại học công lập trên cả nước đã xây dựng danh mục vị trí việc làm cho viên chức, người lao động, nhưng rất nhiều trong số đó chỉ có vị trí việc làm là thư viện hoặc thư viện viên. Bên cạnh đó, theo yêu cầu của Nghị định 60 về cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập, khi Nghị quyết 27 nêu trên được thực hiện thì các trường đại học tự bảo đảm chi thường xuyên ở mức 2 và mức 1 phải thực hiện cơ chế tự chủ tiền trả lương theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp (Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hạng I và hạng II), quyết định mức lương chi trả cho viên chức, người lao động, chi tiền công theo hợp đồng vụ việc (nếu có).
Việc nghiên cứu xây dựng cơ chế trả lương theo doanh nghiệp trong thời điểm nhiều trường đại học (ĐH) đã, đang thực hiện đề án tự chủ chi thường xuyên và thời điểm thực hiện Nghị quyết 27 đang đến gần sẽ dẫn đến bất cập trong việc thực hiện chế độ chính sách tiền lương cho người lao động. Dự báo, các trường ĐH tự bảo đảm chi thường xuyên sẽ thực hiện việc trả lương cho người lao động theo vị trí việc làm trong một giai đoạn nhất định.
Trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến một số vấn đề về vị trí việc làm trong thư viện các trường ĐH công lập trong bối cảnh hiện nay với một số đề xuất nhằm góp phần tháo gỡ những khó khăn trong thời gian tới.
1. Một số nội dung trong việc thực hiện Nghị quyết 27 của Trung ương Đảng về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp
Như chúng ta đã biết, mục tiêu cụ thể của Nghị quyết 27, đối với khu vực công, từ năm 2021 đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030: áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị; tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp (năm 2021), cao hơn vào năm 2025.
Về nội dung cải cách, đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công):
a) Thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).
b) Xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng, trong đó bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo; mỗi ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức có nhiều bậc lương theo nguyên tắc: cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương như nhau; điều kiện lao động cao hơn bình thường và ưu đãi nghề thì thực hiện bằng chế độ phụ cấp theo nghề; sắp xếp lại nhóm ngạch và số bậc trong các ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức, khuyến khích công chức, viên chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Việc bổ nhiệm vào ngạch công chức hoặc chức danh nghề nghiệp viên chức phải gắn với vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức do cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý công chức, viên chức thực hiện.
2. Về vị trí việc làm ở các trường ĐH công lập ở Việt Nam
Hầu hết các trường ĐH công lập trên cả nước đã xây dựng danh mục vị trí việc làm cho viên chức, người lao động, nhưng chỉ có vị trí việc làm là thư viện hoặc thư viện viên.
Bảng 1 dưới đây thể hiện tên vị trí việc làm và đặc điểm chung nhiệm vụ của vị trí việc làm thư viện trong 10 trường ĐH, trong số này có tới 9 trường sử dụng tên gọi vị trí việc làm là thư viện, 1 trường sử dụng tên gọi thư viện viên.
Tên vị trí việc làm thư viện tại một số trường ĐH - Nguồn: trang web của các trường ĐH
3. Về vấn đề danh mục vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập
Theo Thông tư số 12/2022/TT-BNV ngày 17-2-2023 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về vị trí việc làm công chức lãnh đạo, quản lý; nghiệp vụ chuyên môn dùng chung; hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan, tổ chức hành chính và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung; hỗ trợ, phục vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập thì danh mục vị trí việc làm về cơ bản bao gồm các vị trí như sau: Hợp tác quốc tế, pháp chế; Tổng hợp, hành chính văn phòng; Truyền thông; Quản trị công sở; Văn thư viên, lưu trữ; Kế hoạch đầu tư, thống kê; Tài chính, kế toán trưởng, kế toán viên, thủ quỹ; Nhân viên kỹ thuật; Y tế, phục vụ, lễ tân, bảo vệ, lái xe, cấp dưỡng; Thủy thủ, thợ máy, thuyền trưởng, máy trưởng, máy phó, đại phó, sĩ quan boong, sĩ quan máy, người lái phương tiện, phó hai, phó ba, thợ kỹ thuật điện, bếp trưởng, cấp dưỡng, máy hai, nhân viên lái tàu, ca nô xuồng…; Nhân viên bảo vệ kho bạc nhà nước, nhân viên lái xe chuyên dùng chở tiền.
Theo khoản 5, Điều 3 (Nguyên tắc xác định vị trí việc làm và số lượng người làm việc) Nghị định 106/2020/NĐ-CP ngày 10-9-2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng viên chức thì cần bảo đảm cơ cấu hợp lý, trong đó số lượng người làm việc tại các vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung chiếm tỷ lệ tối thiểu 65% tổng số lượng người làm việc của đơn vị sự nghiệp công lập.
Như vậy, theo cách “vận hành truyền thống” thì tại các thư viện ĐH công lập, ngoài vị trí việc làm là Thư viện và có thể là Công nghệ thông tin thì có thể sử dụng 2 vị trí việc làm dùng chung theo quy định của Nhà nước là Truyền thông và Quản trị công sở.
4. Thực tiễn cơ cấu tổ chức của một số Thư viện ĐH
Theo kết quả nghiên cứu trong luận án của tác giả Nguyễn Văn Thiên (2016), 66 thư viện trong số 72 được khảo sát đã có các phòng ban, bộ phận trực thuộc. Theo đó, 87% thư viện có phòng dịch vụ thông tin và phòng biên mục tài liệu, 86% thư viện có phòng bổ sung tài liệu, 47% có bộ phận hoặc phòng hành chính (tập trung chủ yếu tại các thư viện công cộng và một số thư viện ĐH lớn, trung tâm học liệu đã được tự chủ về tài chính), 81% thư viện có phòng hoặc bộ phận về công nghệ thông tin. Theo chúng tôi, tình hình này hoàn toàn phù hợp với đặc điểm mang tính truyền thống của các thư viện nói chung. Và cũng theo kết quả trong luận án của tác giả Nguyễn Văn Thiên, các bộ phận mới trong cơ cấu tổ chức của một số thư viện gồm Phát triển tài nguyên số, Thông tin Nghiệp vụ, Đào tạo, Nghiên cứu khoa học, Marketing, Hợp tác quốc tế, Quản lý dự án.
Như vậy, ngoài vị trí việc làm Công nghệ thông tin mà trường ĐH nào cũng công bố, nếu chỉ sử dụng vị trí việc làm chính là Thư viện thì sẽ có nhiều khó khăn.
5. Kinh nghiệm của Thái Lan về vị trí việc làm Thư viện
Theo Ủy ban Công vụ Thái Lan, ngoài vị trí việc làm là Thư viện viên thì trong lĩnh vực Giáo dục đào tạo còn có vị trí việc làm là Nhân viên thư viện. Đây là vị trí việc làm với các nội dung công việc được phân theo các khía cạnh:
Khía cạnh vận hành thư viện: Kiểm soát việc đăng ký tài nguyên thông tin, chuẩn bị sắp xếp sách; Hỗ trợ thủ thư về nhiều công việc khác nhau, chẳng hạn như tập hợp, lựa chọn và phân loại danh mục, lập danh sách các nguồn thông tin… và nhập dữ liệu vào hệ thống; Đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người sử dụng dịch vụ; Kiểm soát, chăm sóc, bảo quản, sửa chữa sổ, sách đảm bảo tình trạng sẵn sàng phục vụ; Kiểm soát và bảo trì các tòa nhà và địa điểm, cơ sở vật chất, trang thiết bị thư viện để thư viện có bầu không khí tốt, cảnh quan thân thiện.
Khía cạnh quản trị: Tham gia giám sát, và tư vấn về hiệu quả công việc cho cán bộ; Tuân thủ đúng kế hoạch và mục tiêu đề ra.
Khía cạnh dịch vụ: Cung cấp dịch vụ giới thiệu nguồn thông tin và phương pháp sử dụng thư viện cho cá nhân, tổ chức; Tổ chức các hoạt động và phổ biến thông tin tới bạn đọc; Thúc đẩy bạn đọc sử dụng dịch vụ thư viện.
Như vậy, có thể thấy rằng vị trí việc làm Nhân viên thư viện này có nội dung công việc là sự kết hợp giữa Quản trị công sở, Dịch vụ thư viện và Hỗ trợ thư viện viên.
6. Vị trí việc làm thư viện đại học tại Mỹ
Tại Mỹ, vị trí việc làm trong thư viện ĐH phong phú và đa dạng hơn. Các vị trí việc làm này được chia thành 3 nhóm:
Dịch vụ điện tử (Electronic Services), bao gồm: Số hóa (Digital); Tài nguyên điện tử (Electronic resources); Giao tiếp học thuật (Scholarly communication); Dịch vụ web (Web services).
Dịch vụ công cộng (Public Services), bao gồm: Dịch vụ truy cập (Access services); Đánh giá (Assessment); Thủ thư tổng hợp (General librarian); Liên kết (Liaison); Phổ biến, tiếp cận đối tượng (Outreach).
Dịch vụ kỹ thuật (Technical Services), bao gồm: Người bảo quản/ bảo tàng viên (Archivist/ curator); Dữ liệu mô tả tài nguyên điện tử (Electronic resources Metadata); Bộ sưu tập đặc biệt (Special collections).
Như vậy, các vị trí việc làm trong các thư viện học thuật tại Mỹ là rất đa dạng, thể hiện mức độ chuyên biệt cao trong công việc.
Trong bối cảnh trả lương theo vị trí việc làm theo tinh thần Nghị quyết 27 của Trung ương Đảng, tự chủ chi thường xuyên của các trường ĐH, quy định về cơ chế trả lương với các đơn vị mức 2 và 1 theo Nghị định 60, trên cơ sở tham khảo danh mục vị trí việc làm Thư viện tại Thái Lan và Mỹ, chúng tôi đề xuất một số điểm sau đây: Nên chăng thay đổi quan điểm về việc chỉ sử dụng một vị trí việc làm là Thư viện trong danh mục vị trí việc làm của các trường ĐH công lập? Sự “thay đổi quan điểm truyền thống” về khía cạnh này có thể sẽ giúp các nhà quản lý giải quyết dễ dàng hơn việc chuyển đổi và bố trí việc làm cho người lao động từ mô hình chức nghiệp sang vị trí việc làm. Đề nghị Nhà nước cho phép các trường ĐH khi tự chủ trong năm 2024 được trả lương theo vị trí việc làm. Hy vọng rằng, sẽ phần nào tháo gỡ được những khó khăn gặp phải trong quá trình triển khai áp dụng vị trí việc làm tại các Thư viện ĐH công lập.
________________
Tài liệu tham khảo
1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết số 27-NQ/TW Về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, 2018.
2. Bộ Nội vụ, Thông tư số 12/2022/TT-BNV Hướng dẫn về vị trí việc làm công chức lãnh đạo, quản lý; nghiệp vụ chuyên môn dùng chung; hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan, tổ chức hành chính và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung; hỗ trợ, phục vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập, 2022.
3. Chính phủ, Nghị định 106/2020/NĐ-CP của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập, 2020.
4. Nguyễn Văn Thiên, Quản lý Thư viện hiện đại tại Việt Nam, Luận án Tiến sĩ, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, 2016.
5. ocsc.go.th.
6. Therese F. Triumph, Penny M. Beile, The Trending Academic Library Job Market: An Analysis of Library Position Announcements from 2011 with Comparisons to 1996 and 1988 (Xu hướng thị trường việc làm trong các thư viện học thuật: Phân tích các thông báo tuyển dụng việc làm thư viện từ năm 2011 có so sánh với các thời điểm trước 1996 và 1988), Tạp chí Thư viện Đại học và Nghiên cứu, tập 76, tháng 9, 2015.
NGUYỄN MẠNH HÙNG - NGUYỄN THANH THỦY
Nguồn: Tạp chí VHNT số 563, tháng 3-2024