Với quyết tâm chính trị cao cùng sự đồng lòng của Nhân dân các dân tộc, huyện Bát Xát đang nỗ lực phát triển kinh tế du lịch với mục tiêu đưa du lịch trở thành lĩnh vực đột phá; xây dựng Y Tý thành trung tâm du lịch mới của tỉnh Lào Cai; tập trung phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và tài nguyên cảnh quan thiên nhiên, di tích danh thắng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Homestay mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Hà Nhì - Ảnh: Hoàng Mạnh Linh
“Bát Xát - Huyền thoại các vị thần”
Huyện Bát Xát - nơi hội tụ của 23 dân tộc, nổi tiếng với nhiều phong cảnh núi non hùng vỹ, khí hậu trong lành, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp với nhiều địa danh nổi tiếng như Cột cờ Lũng Pô - “Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”; Y Tý nơi thiên nhiên còn nguyên sơ, được ví như “viên ngọc của các vị thần”; những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ ở Sàng Ma Sáo, Dền Sáng, A Lù; điểm Ngải Thầu Thượng (xã A Lù) - một trong những điểm “săn mây” lý tưởng nhất Việt Nam; nhiều bản làng với các giá trị di sản văn hóa truyền thống của dân tộc Hà Nhì, Mông, Dao, Giáy còn được bảo tồn… thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách tìm hiểu, khám phá bản sắc văn hóa độc đáo.
Bát Xát xác định phát triển kinh tế du lịch là một trong 3 lĩnh vực đột phá, trong đó Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 29-3-2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã xác định mục tiêu đến năm 2030 xây dựng Y Tý trở thành khu du lịch đặc sắc hướng tới trở thành khu du lịch quốc gia; tập trung phát triển du lịch sinh thái gắn với gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.
Y Tý trong mây - Ảnh: Hoàng Mạnh Linh
Với nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của Nhân dân các dân tộc, trong năm 2023, du lịch Bát Xát đã đón trên 180.000 lượt khách; tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 266,76 tỷ đồng; tạo việc làm cho trên 1.500 lao động trong lĩnh vực du lịch.
Quyết tâm từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế đột phá
Bám sát các chủ trương, định hướng của Trung ương cũng như của tỉnh Lào Cai, huyện Bát Xát đã và đang cụ thể hóa quyết tâm chính trị bằng những đề án, kế hoạch, những nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể:
Tiếp tục đề xuất với tỉnh Lào Cai ưu tiên nguồn lực, đầu tư hạ tầng giao thông kết nối, đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trọng điểm đang thực hiện (nhất là kết nối với Y Tý) nhằm kết nối hiệu quả với khu du lịch quốc gia Sa Pa và thành phố Lào Cai, góp phần thu hút, kích cầu cho du lịch Bát Xát.
Thác Xanh, xã Y Tý - Ảnh: Hoàng Mạnh Linh
Tăng cường quảng bá, thu hút đầu tư, trong đó tập trung cho các dự án du lịch nghỉ dưỡng cấp cao tại các vùng trọng điểm du lịch của huyện: Y Tý, A Lù; các sản phẩm du lịch độc đáo, riêng có tại các xã Sàng Ma Sáo, Trịnh Tường, Mường Hum... để thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư tới để phát triển các sản phẩm du lịch mới đặc sắc theo quy hoạch. Tập trung phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, trong đó quan tâm tới các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp; sản phẩm du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng gắn với các danh thắng, di sản văn hóa đã được công nhận như: di tích danh thắng cấp quốc gia Ruộng bậc thang Thề Pả; di tích danh thắng cấp tỉnh đường đá cổ Pavie; các sản phẩm chinh phục đỉnh cao (đỉnh Pu Ta Leng 3.049m, Kỳ Quan San 3.046m, Nhìu Cồ San 2.965m, Lảo Thẩn 2.860m...); chợ phiên vùng cao Mường Hum, Y Tý; Chương trình du lịch tâm linh dọc sông Hồng gắn với Di tích Đền Mẫu Trịnh Tường và Cột cờ Lũng Pô. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các lễ hội truyền thống: lễ hội xuống đồng; lễ hội Pút Tồng; lễ cúng rừng (Gạ Ma Gio), lễ hội Khô Già Già…
Từng bước hình thành chuỗi sản phẩm được công nhận OCOP hỗ trợ du lịch phát triển như gạo Séng Cù, rượu thóc, miến đao sâm, chè cổ thụ, các sản phẩm chế biến từ củ Hoàng Sin Cô... sản phẩm của làng nghề chạm bạc tiên nữ của người Dao (thôn Séo Pờ Hồ, Mường Hum); nghề đan lát mây, tre đan người Hà Nhì.
Hoạt động dù lượn được tổ chức tại Bát Xát - Ảnh: Hoàng Mạnh Linh
Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về du lịch. Nâng cao chất lượng hoạt động quản lý tại các điểm du lịch; phát huy vai trò các tổ quản lý du lịch tạm thời tại các tài nguyên du lịch trên địa bàn huyện; chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái; tăng cường công tác đào tạo, nâng cao năng lực quản lý du lịch từ cấp huyện tới cấp cơ sở; bồi dưỡng kỹ năng làm du lịch cộng đồng cho người dân tại điểm du lịch; tuyên truyền nâng cao ý thức về bảo tồn bản sắc văn hóa, môi trường; giữ gìn cảnh quan, trồng và phát triển các loại cây, hoa bản địa… tạo sản phẩm du lịch mới hấp dẫn du khách. Đầu tư hệ thống biển chỉ dẫn, nội quy, cảnh báo và công bố đường dây nóng tại tất cả các điểm, tài nguyên du lịch để kịp thời hỗ trợ, tiếp nhận thông tin của du khách.
Tiếp tục đề xuất cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi đối với khách nước ngoài vào khu vực biên giới; phối hợp tham mưu đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật về quản lý du khách khu vực biên giới, phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn quản lý du khách khu vực biên giới theo đúng quy định.
Du khách thích thú ngắm mây trên tuyến leo núi Lảo Thẩn - Ảnh: Hoàng Mạnh Linh
Thực hiện lồng ghép hiệu quả các nguồn lực ngân sách Trung ương từ Chương trình mục tiêu quốc gia; ngân sách tỉnh; ngân sách địa phương để đẩy nhanh hoàn thiện cơ sở hạ tầng, giao thông và phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù mang thế mạnh của địa phương.
Đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch của huyện Bát Xát, quảng bá vẻ đẹp thiên nhiên và bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc trên địa bàn; xây dựng bộ công cụ nhận diện thương hiệu cho du lịch Bát Xát và du lịch Y Tý... Quảng bá vẻ đẹp hấp dẫn của thiên nhiên, cảnh quan và bản sắc văn hóa độc đáo của Bát Xát đến đông đảo du khách trong và ngoài nước tới tham quan, trải nghiệm.
BÀN THANH THẢO
Nguồn: Tạp chí VHNT số 560, tháng 2-2024