Sáng 9-4, tại Bảo tàng Hà Nội, Sở VHTT Hà Nội tổ chức chương trình tọa đàm, gặp mặt nhân chứng lịch sử với chủ đề “Hà Nội - Ý chí và niềm tin quyết thắng”. Đây là hoạt động hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Tham dự buổi tọa đàm có: Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Bạch Liên Hương; cùng sự góp mặt của các Anh hùng LLVT, cựu chiến binh, nhân chứng lịch sử và các nhà nghiên cứu lịch sử.
Các nhân chứng lịch sử chia sẻ tại Tọa đàm
Phát biểu tại chương trình, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết, chương trình tọa đàm “Hà Nội - Ý chí và niềm tin quyết thắng” là dịp để ôn lại những ký ức hào hùng và bày tỏ lòng biết ơn đối với các thế hệ cha anh đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đồng thời giúp cho thế hệ trẻ, hiểu hơn về truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh kiên trung, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng thông qua những chia sẻ sống động của các nhân chứng lịch sử.
Chương trình cũng là lời tri ân của thế hệ hôm nay đối với thế hệ cha, anh đã có một thời oanh liệt, hào hùng, không tiếc tuổi xuân, hy sinh xương máu cho nền độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân. Sự kiện trở nên đặc biệt thiêng liêng khi trong những ngày tháng 4 lịch sử, cả nước hân hoan hướng về cột mốc lịch sử trọng đại 50 năm giải phóng miền Nam, giang sơn thu về một dải.
“Thủ đô Hà Nội - trái tim của cả nước mang trong mình trọng trách lớn đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, luôn là điểm tựa, là niềm tin, là hậu phương vững chắc, luôn hướng về miền Nam với tình cảm thân thương nhất với tinh thần "tất cả vì miền Nam ruột thịt"; hết lòng, hết sức cùng cả nước động viên, cổ vũ cuộc đấu tranh kiên cường của đồng bào, chiến sĩ miền Nam, chi viện sức người, sức của cho miền Nam đi đến thắng lợi cuối cùng”, bà Bạch Liên Hương chia sẻ.
Chương trình tọa đàm “Hà Nội - Ý chí và niềm tin quyết thắng" có nội dung lịch sử xuyên suốt từ năm 1954 đến năm 1975 với 3 chủ đề: Miền Bắc - hậu phương vững chắc; Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không năm 1972 và Đại thắng mùa Xuân năm 1975 - thống nhất đất nước.
Tại tọa đàm, khán giả cùng được trải qua những câu chuyện xúc động, chân thực của các nhân chứng lịch sử về một thời đạn bom. Trong đó là câu chuyện của bà Đặng Thị Ty, nguyên Trung đội trưởng Trung đội Pháo cao xạ 12ly7, tham gia phong trào “Ba đảm đang” với trận chiến bảo vệ đập Đáy. Bà cho biết: “Tôi tham gia đội dân quân bảo vệ đập Đáy, 19 tuổi bắt đầu tập bắn pháo cao xạ. Đập Đáy (Đan Phượng) là công trình điều tiết nước cho thành phố Hà Nội mỗi khi lũ lớn trên sông Đáy dâng cao. Đây là công trình thủy lợi quốc gia, có ý nghĩa quan trọng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, đập Đáy trở thành mục tiêu bắn phá trọng điểm của đế quốc Mỹ với âm mưu: phá hủy đập gây úng lụt cho thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận, phá hoại sản xuất nông nghiệp để miền Bắc giảm sức chi viện cho tiền tuyến miền Nam”.
Những ngày tháng hòa mình trong phong trào “Ba đảm đang” của địa phương là quãng thời gian không thể nào quên trong cuộc đời bà Đặng Thị Ty. Tháng 2-1965, trong số 12 chị em phụ nữ độ tuổi mười tám, đôi mươi, trong đó có bà được kết nạp Đảng, phân công làm nhiệm vụ trực chiến tại đập Đáy với khẩu súng 12ly7. Trong 3 nhiệm vụ của phong trào “Ba đảm đang”, nhiệm vụ thứ 3 cần sức khỏe. Nhưng với khẩu hiệu “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, chị em chúng tôi quyết tâm, ngày làm cỏ, cấy lúa, nuôi bèo hoa dâu, đêm đi đào mương và sẵn sàng chiến đấu…” – Bà Ty chia sẻ.
Ông Nguyễn Tài Triệu chia sẻ câu chuyện xúc động về bức thư được viết bằng máu
Hay câu chuyện của bà Nguyễn Thị Sang, nguyên Trưởng tàu, phụ trách Tổ tàu “Ba đảm đang” của ngành Đường sắt Việt Nam. Khi ở độ tuổi 20, bà được giao nhiệm vụ phụ trách những đoàn tàu quân sự chở bộ đội vào Nam tiếp viện cho Chiến dịch Mậu Thân năm 1968.
“Tôi tốt nghiệp trường Giao thông vận tải, khi cả nước đang sục sôi chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Tôi vinh dự được nhận nhiệm vụ Trưởng tàu, phụ trách Tổ tàu “Ba đảm đang”. Tổ tàu chỉ có 8 thành viên là nữ, phục vụ 13 đến 15 toa, vì là tàu chiến nên chỉ chạy vào ban đêm để tránh mục tiêu đánh phá của đế quốc Mỹ. Thời kỳ đó, Mỹ đặc biệt đánh phá vận tải đường sắt của chúng ta, mà khu vực Thanh Hóa và ga Vinh, khu vực cầu Cấm là những mục tiêu bị đánh phá ác liệt. Để đảm bảo an toàn cho các chiến sĩ và đoàn tàu, chị em chúng tôi luôn nêu cao cảnh giác, khi có máy bay địch đánh phá, thành viên tổ tàu phải phát tín hiệu cho tàu dừng kịp thời” - bà Nguyễn Thị Sang kể lại.
Câu chuyện xúc động khi viết bằng máu để xung phong vào Nam chiến đấu của ông Nguyễn Tài Triệu, sinh năm 1947 tại phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội đã mang đến nhiều cảm xúc cho khán giả. Năm 1965, Thành đoàn Hà Nội phát động phong trào “Ba sẵn sàng”, ông đã viết đơn bằng máu để được vào chiến trường. Ông chia sẻ: “Khi đó tôi mới 16 tuổi, hòa vào phong trào “Ba sẵn sàng” – sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng nhập ngũ, sẵn sàng đi bất cứ đâu khi Tổ quốc cần do Thành đoàn Hà Nội phát động. Vào thời điểm đó, đối với chúng tôi không chỉ là phong trào, mà còn là lẽ sống của thanh niên. Tham gia phong trào, xin nhập ngũ nhưng quân đội không nhận vì chưa đủ tuổi, nên chúng tôi rủ nhau viết đơn bằng máu. Trong thời điểm đó, việc viết đơn bằng máu là chuyện bình thường, là biểu thị tấm lòng yêu nước và ủng hộ phong trào “Ba sẵn sàng”…”. Tham gia chiến trường miền Nam, ông bị địch bắt, bị thương hai chân và bị đày đi trại giam Phú Quốc.
Ông Nguyễn Văn Tập, người lái chiếc xe tăng 390 xúc động chia sẻ câu chuyện hào hùng vào thời khắc xe tăng húc đổ cánh cổng Dinh Độc lập
Tại tọa đàm, khán giả còn được nghe chia sẻ về những câu chuyện hào hùng vào thời khắc xe tăng 390 húc đổ cánh cổng Dinh Độc lập, làm nên giây phút lịch sử, đánh dấu sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ông Nguyễn Văn Tập, người lái chiếc xe tăng 390 xúc động chia sẻ: “Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, chúng tôi đã phải trải qua rất nhiều cuộc chiến, đi trên nhiều con đường quanh co, ác liệt, nhưng có lẽ khúc cua đưa xe tăng 390 húc đổ cánh cổng Dinh Độc lập vào trưa 30-4-1975 là khúc cua đẹp nhất của đời tôi…”.
Bên cạnh đó, khán giả còn được nghe những câu chuyện lịch sử về một thời oanh liệt của các nhân chứng: Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đinh Thế Văn; Đại úy Vũ Đăng Toàn; NSƯT, đạo diễn Phạm Việt Tùng; ông Nguyễn Xuân Thuần; ông Phạm Duy Đô; Trung sĩ Ngô Sỹ Nguyên…
Không gian trưng bày triển lãm
Trong khuôn khổ chương trình, Bảo tàng Hà Nội trưng bày triển lãm giới thiệu những tài liệu, hiện vật quý giá, phản ánh sự kiên cường, bền bỉ và niềm tin bất diệt của người dân Hà Nội trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước giai đoạn 1954-1975. Mỗi bức ảnh, hiện vật được giới thiệu giúp cho người xem hiểu hơn về sự đấu tranh bền bỉ, ý chí kiên cường của thế hệ đi trước, dù trong bom đạn, gian khó, họ vẫn giữ vững tinh thần “chân trần, chí thép”, tinh thần lạc quan, hào hoa của người Hà Nội, đóng góp vào chiến thắng chung của dân tộc.
Nhân dịp này, Bảo tàng Hà Nội còn tiếp nhận tài liệu, hiện vật của các tổ chức, cá nhân hiến tặng. Đó là những đồ dùng, trang thiết bị quân sự, thư từ, hình ảnh, tài liệu hành chính, nhật ký, và các kỷ vật khác từ thời kỳ chiến tranh…
Bài, ảnh: NGỌC BÍCH