Xúc tiến quảng bá du lịch Vĩnh Phúc năm 2025 tại Đà Nẵng

Chiều ngày 11-4 tại thành phố Đà Nẵng, ngành Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức Hội nghị Xúc tiến quảng bá điểm đến năm 2025 với chủ đề: “Vĩnh Phúc – Trải nghiệm bốn mùa”

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Đình Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Vĩnh Phúc được đánh giá là "vùng đất vàng" cho phát triển du lịch. Nằm trọn trong vùng chuyển tiếp địa - văn hóa miền núi, trung du Tây Bắc xuống đồng bằng Đông Nam châu thổ sông Hồng, thiên nhiên ban tặng cho Vĩnh Phúc đủ 3 vùng cảnh quan: miền núi, trung du, đồng bằng. Địa hình như vậy tạo cho Vĩnh Phúc một miền sinh thái rất phong phú và đa dạng với nhiều cảnh quan hấp dẫn. Dãy Tam Đảo trấn giữ phía Đông Bắc tỉnh, nơi có Khu du lịch Tam Đảo - điểm nghỉ dưỡng với khí hậu và cảnh quan lý tưởng được ví như Đà Lạt của miền Bắc, cùng với Vườn Quốc gia Tam Đảo - điểm du lịch sinh thái tham quan, nghiên cứu hấp dẫn. Dòng sông Lô ôm vòng về phía Tây của tỉnh, biếc xanh huyền thoại một thời chống Pháp oai hùng, nhiều dấu tích tụ thủy xen lẫn gò đồi: Đầm Vạc, hồ Làng Hà, hồ Đại Lải, đầm Dưng,... Sáng Sơn, Thanh Lanh, Ngọc Bội, Thằn Lằn tạo nên cảnh trí non nước hữu tình. Thiên nhiên như thể đã tạo cho riêng Vĩnh Phúc một chỉnh thể "Núi bọc sông bao, sơn kỳ thủy tú".

Toàn cảnh hội nghị

Nằm ở trung tâm nhà nước Văn Lang xưa, mảnh đất giàu truyền thống lịch sử và là một chỉnh thể địa văn hóa đặc sắc, đến Vĩnh Phúc du khách không chỉ biết tới du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, mà còn được trải nghiệm, khám phá nét văn hóa đặc sắc. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có tổng số  hơn 1.400 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 521 di tích được xếp hạng các cấp: 6 di tích quốc gia đặc biệt (Khu di tích quốc gia đặc biệt Danh thắng Tây Thiên, Di tích quốc gia đặc biệt kiến trúc nghệ thuật tháp Bình Sơn, Di tích quốc gia đặc biệt đình Thổ Tang và 3 di tích quốc gia đặc biệt kiến trúc nghệ thuật đình Hương Canh, đình Ngọc Canh, đình Tiên Canh); 62 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 453 di tích xếp hạng cấp tỉnh. 

Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc còn nổi tiếng với các di sản văn hóa đặc sắc đã được cấp bằng  Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên, lễ hội Kéo song Hương Canh, lễ hội Rước nước đền Ngự Dội; các làn điệu dân ca, dân vũ độc đáo: hát Trống quân Đức Bác, hát Soọng cô. Vĩnh Phúc cũng là nơi lưu giữ Tháp Gốm Men Chùa Trò – một trong những bảo vật quốc gia quý giá nhất của Việt Nam được tạo ra từ thế kỷ XIV.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện có 19 làng nghề truyền thống với đa dạng các ngành nghề từ mây tre đan, gốm, chạm khắc đá, mộc…, một số sản phẩm được nhiều khách hàng ưa chuộng như Mây tre đan Triệu Đề (huyện Lập Thạch), gốm Hương Canh (Bình Xuyên), mật ong, ba kích (Tam Đảo), các sản phẩm từ rắn của Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường)…; các trò chơi dân gian cùng nhiều món ăn đặc sản mang đậm màu sắc địa phương như cá thính, su su, bánh hòn, cháo se… tạo sức hút rất lớn đối với du khách khi đến Vĩnh Phúc. 

Đặc biệt, ngày 25-1-2022, Vĩnh Phúc vinh dự được Bộ VHTTDL công nhận Tam Đảo là Khu Du lịch Quốc gia. Ngày 11-11-2022, tại Muscat, Oman, Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới đã vinh danh thị trấn Tam Đảo là “Thị trấn du lịch hàng đầu thế giới năm 2022”. Đây là lần đầu tiên thị trấn Tam Đảo được để cử và chính thức nhận giải thưởng danh giá của Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới - một tổ chức uy tín hàng đầu thế giới về du lịch. Đây là động lực để chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch tiếp tục phát huy những giá trị, vẻ đẹp vốn có, đem lại những trải nghiệm tuyệt vời cho du khách. Năm 2024, thị trấn Tam Đảo tiếp tục được nhận giải thưởng “Thị trấn điểm đến hàng đầu thế giới” và hệ thống sân golf Vĩnh Phúc được lọt top 5 - sân golf được yêu thích nhất, góp phần tiếp tục nâng cao vị thế của du lịch Vĩnh Phúc không chỉ trong khu vực mà trên phạm vi toàn cầu, thu hút đông đảo du khách quốc tế.

Các doanh nghiệp Đà Nẵng và Vĩnh Phúc ký kết hợp tác

Phó Chủ tịch Nguyễn Duy Hiếu nhấn mạnh: Phát huy những lợi thế sẵn có, song song với phát triển du lịch sinh thái và du lịch tâm linh, lễ hội. Vĩnh Phúc đầu tư mạnh loại hình du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch MICE và du lịch thể thao Golf nhằm hướng tới du khách có mức thu nhập và chi tiêu cao. Trong những năm gần đây, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch MICE, Du lịch golf đã có bước đột phá, mang về nguồn thu lớn cho ngành Du lịch Vĩnh Phúc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh… Đóng góp không nhỏ trong thị trường khách du lịch cao cấp đó là khách du lịch Golf, bên cạnh khả năng chi tiêu cao, khách du lịch Golf có tiềm năng du lịch lưu trú dài ngày. Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 sân golf lớn đó là: sân golf Tam Đảo, sân golf Thanh Lanh, sân golf Ngôi Sao Đại Lải, sân golf Đầm Vạc.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 563 cơ sở lưu trú du lịch với 9.973 buồng và 3.310 cán bộ công nhân viên. Trong đó có 4 khách sạn 5 sao; 2 khách sạn 4 sao; 9 khách sạn 3 sao; 44 khách sạn 2 sao; 16 khách sạn 1 sao. Vĩnh Phúc có 25 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh lữ hành, trong đó có 7 doanh nghiệp lữ hành quốc tế.

Phó Chủ tịch Nguyễn Khắc Hiếu chia sẻ: Hội nghị hôm nay là dịp để các đại biểu tìm hiểu rõ nét về văn hóa, con người, tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh Vĩnh Phúc; là cơ hội cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp lữ hành, câu lạc bộ golf trong nước gặp gỡ, trao đổi, hợp tác đầu tư, kết nối phát triển du lịch; là cầu nối thuận lợi để các doanh nghiệp du lịch Vĩnh Phúc giới thiệu sản phẩm, kết nối với các hãng lữ hành, câu lạc bộ golf và du khách miền Trung; là cơ hội để Vĩnh Phúc tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch. 

Nhân dịp này các doanh nghiệp Du lịch Đà Nẵng và Vĩnh Phúc đã ký kết hợp tác quảng bá và xây dựng nhiều tour tuyến đưa du khách Đà Nẵng và các tỉnh Miền Trung tham quan tại Vĩnh Phúc.

DIỆU VŨ

;