Tỉnh Sơn La là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị và mở ra nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư. Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch luôn được lãnh đạo các cấp, các ngành tỉnh Sơn La quan tâm, định hướng phát triển. Trong đó, tập trung phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, di tích lịch sử, sản vật địa phương hấp dẫn tạo liên kết khai thác phát triển các tour, tuyến du lịch mới liên kết với các tỉnh trong khu vực Tây Bắc và các địa phương trong cả nước.
Khai mạc Ngày hội Du lịch Văn hóa tỉnh Sơn La - Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới năm 2023 tại Khu du lịch quốc gia Mộc Châu - Ảnh: baosonla.org.vn
1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh Sơn La về phát triển văn hóa và du lịch
Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch, lãnh đạo tỉnh Sơn La và các sở, ngành, đơn vị, UBND các huyện, thành phố đã tổ chức triển khai thực hiện các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và địa phương trên lĩnh vực văn hóa và du lịch, góp phần tích cực vào quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo tồn giá trị văn hóa và phát triển du lịch trong việc giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội và thúc đẩy kinh tế phát triển. Nhiều hoạt động văn hóa và du lịch tiêu biểu của tỉnh đã có sức lan tỏa trong xã hội, khơi dậy niềm tự hào về bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị gắn với phát triển du lịch. Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND tỉnh tham mưu xây dựng, ban hành các văn bản về phát triển văn hóa và du lịch như: Kết luận số 335-KL/TU ngày 26-7-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc phê duyệt Đề án Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Sơn La đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 41/2022/NQ-HĐND ngày 31-8-2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2022-2026; Phê duyệt 3 đề án phát triển du lịch bao gồm: Phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu đủ điều kiện được công nhận vào năm 2025; Định hướng phát triển vùng lòng hồ thủy điện Sơn La trở thành khu du lịch quốc gia, giai đoạn 2022-2030; Phát triển du lịch huyện Quỳnh Nhai trở thành khu du lịch cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 (1).
Bên cạnh đó, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện thành phố ban hành kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện và tạo sự thống nhất, đồng bộ trong triển khai thực hiện từ tỉnh đến cơ sở. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan thông tin, báo chí trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phát huy tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết và Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh để phát triển văn hóa và du lịch.
2. Thực trạng bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống
Trong những năm qua, công tác khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể rất được quan tâm. Đến nay, tỉnh Sơn La có 95 di tích lịch sử văn hóa - danh lam thắng cảnh được phê duyệt đưa vào danh mục, gồm 2 di tích quốc gia đặc biệt, 16 di tích quốc gia, 45 di tích cấp tỉnh, 32 di tích trong danh mục. Nhiều di tích đang được bảo tồn và khai thác hiệu quả, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, học tập và nghiên cứu, góp phần vào việc giáo dục truyền thống, ý thức phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các tầng lớp nhân dân, như: di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La, di tích văn bia Quế Lâm ngự chế - đền thờ Vua Lê Thái Tông, di tích lịch sử Trung đoàn Tây Tiến, di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi; di tích lịch sử khu rừng bản Nhọt...
Bên cạnh đó, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể tiếp tục được quan tâm với nhiều chương trình, dự án cụ thể. Tỉnh Sơn La đã kiểm kê và lập 17 hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể của 9 dân tộc: Thái, Mông, Dao, Mường, Xinh Mun, Khơ Mú, La Ha, Lào, Kháng và theo 7 loại hình gồm: tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội; nghề thủ công truyền thống; lễ hội truyền thống; tri thức dân gian. Đến nay, toàn tỉnh đã có 15 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó nghệ thuật xòe Thái đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; hoàn thiện hồ sơ Mo Mường đệ trình UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Đồng thời, tỉnh Sơn La cũng tập trung nguồn lực để đầu tư tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, danh thắng gắn với phát triển du lịch như: tu bổ tôn tạo di tích lịch sử văn hóa đền thờ Hai Bà Trưng tại xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã; hang mộ Tạng Mè, xã Suối Bàng huyện Bắc Yên; thác Tạt Nàng, suối nước nóng, xã Chiềng Yên; thác Nàng Tiên, xã Chiềng Khoa huyện Vân Hồ; di tích Đồn Mộc Lỵ, Mộc Châu; hoàn thành Khu di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi, huyện Mai Sơn...
Ngoài ra, tỉnh cũng đã tổ chức 222 cuộc giáo dục truyền thống tại cơ sở, xây dựng 2 nội dung chuyên đề giáo dục truyền thống tại cơ sở, phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình phát sóng 14 chuyên mục Di sản văn hóa, tổ chức 11 hoạt động giáo dục trải nghiệm, bảo quản 17.218 tư liệu và hiện vật tại các điểm bảo tàng tỉnh quản lý, trưng bày 19 triển lãm phục vụ nhiệm vụ chính trị, sưu tầm 915 tư liệu và hiện vật, kiểm kê 1.500 hiện vật, tư liệu hóa và số hóa 1.145 hiện vật, lập hồ sơ khoa học xếp hạng cấp quốc gia 1 di tích, tu bổ và tôn tạo 1 di tích đã xếp hạng trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Để bảo tồn, lưu giữ và trao truyền các giá trị văn hóa, lãnh đạo và các cấp, ngành tỉnh Sơn La cũng thường xuyên quan tâm đến sự phát triển của đội ngũ văn nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian. Hiện nay, tỉnh Sơn La có 21 nghệ sĩ được công nhận danh hiệu thuộc các chuyên ngành Nghệ thuật, gồm: 1 nghệ sĩ nhân dân và 20 nghệ sĩ ưu tú; 36 nghệ nhân dân gian được công nhận danh hiệu nghệ nhân, gồm: 2 nghệ nhân nhân dân và 34 nghệ nhân ưu tú. Đây là lực lượng nòng cốt đã và đang có nhiều cống hiến quan trọng trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, tích cực động viên con cháu trong gia đình nâng cao nhận thức, trình độ dân trí cùng với cộng đồng sáng tạo những giá trị mới trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, góp phần làm phong phú hơn văn hóa từng dân tộc.
Để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trong Dự án 6 về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, tỉnh Sơn La đã tổ chức triển khai 5 lớp tập huấn, truyền dạy về di sản văn hóa phi vật thể bao gồm: dân ca của người Kháng huyện Quỳnh Nhai; dân vũ của người Thái huyện Yên Châu; cách trang trí hoa văn trên trang phục của người Dao tiền huyện Mộc Châu; tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tổ chức một số hoạt động khảo sát tại một số huyện như khảo sát lễ hội Mợi tại huyện Phù Yên...
3. Thực trạng phát triển du lịch tỉnh Sơn La
Để nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về phát triển du lịch, các cấp ủy, chính quyền thường xuyên quan tâm và lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về du lịch, đặc biệt là cụ thể hóa việc triển khai thực hiện Kết luận số 94-KL/TU ngày 23-1-2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Sơn La đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Công tác quảng bá truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch được triển khai hiệu quả trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, ấn phẩm, các cuộc thi, các cuộc khảo sát đánh giá sản phẩm du lịch, chương trình xúc tiến quảng bá, đặc biệt là chuyển đổi số và thông qua các sự kiện, lễ hội du lịch văn hóa thường niên, ngày hội văn hóa nhằm thu hút khách du lịch được triển khai có quy mô, nội dung phong phú, đặc sắc... Công tác tuyên truyền phát triển du lịch đã được triển khai hiệu quả trên các kênh truyền thông như: VTV1, VTV5, vov.vn, Báo Chính phủ, Báo Nhân dân, Tạp chí Vietnam Traveller, Đài Phát Thanh - Truyền hình tỉnh Sơn La, Cổng thông tin điện tử tỉnh Sơn La... góp phần thu hút sự quan tâm và đầu tư triển khai dự án của các nhà đầu tư; số lượng khách du lịch đến với Sơn La ngày càng tăng cao và ngành Du lịch của tỉnh đang từng bước trở thành ngành kinh tế tổng hợp tạo động lực cho các ngành khác phát triển; góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và nâng cao đời sống của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa; nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người dân trong việc bảo vệ tài nguyên du lịch, giữ gìn vệ sinh môi trường và bảo đảm an ninh trật tự tại các điểm du lịch.
Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, đề án, dự án phát triển du lịch được xây dựng và triển khai thực hiện như: Quy hoạch tổng thể và quy hoạch chung Khu du lịch quốc gia Mộc Châu; Quy hoạch phân khu khu bảo tồn hệ sinh thái nông nghiệp đặc trưng huyện Mộc Châu; Quy hoạch phát triển du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Tà Xùa và các vùng phụ cận; Quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch đèo Pha Đin; Quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết cửa khẩu quốc tế Lóng Sập; Quy hoạch vùng liên huyện dọc quốc lộ 6; Quy hoạch vùng dọc lòng hồ sông Đà. Đề xuất đưa vùng lòng hồ thủy điện Sơn La vào quy hoạch hệ thống du lịch quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050... Bên cạnh đó, các sở ngành, địa phương cũng đã tập trung khảo sát, đánh giá tài nguyên, tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch đưa các nội dung cốt lõi mang tầm chiến lược vào Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (2).
Đồng thời, tỉnh Sơn La đã tổ chức nhiều sự kiện du lịch lớn, có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, đối ngoại và thu hút đầu tư như: Sự kiện du lịch Sắc màu Sơn La - Tây Bắc tại thành phố Hà Nội; Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bản tình ca Sơn La - Luông Pha Bang tại tỉnh Luông Pha Băng, nước CHDCND Lào; các hoạt động trong khuôn khổ Chung kết cuộc thi Hoa hậu Du lịch Thế giới năm 2022 tại tỉnh Sơn La; Ngày hội Du lịch Văn hóa tỉnh Sơn La Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới năm 2023 tại Khu du lịch quốc gia Mộc Châu...
Lãnh đạo tỉnh Sơn La cũng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sản phẩm du lịch, nhiều sản phẩm du lịch tiêu biểu được hình thành, đã và đang tạo sức hấp dẫn thu hút khách du lịch đến với Sơn La như: cầu kính Bạch Long Mộc Châu; chợ đêm Mộc Châu; du lịch nông nghiệp tại thung lũng mận Nà Ka, thị trấn Nông trường Mộc Châu; du lịch cộng đồng bản Tà Số, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu; du lịch cộng đồng xã Ngọc Chiến, huyện Mường La; du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, địa bàn huyện Quỳnh Nhai; khu du lịch Tà Xùa, Bắc Yên... Đến nay, tỉnh đã có 1 khu du lịch cấp tỉnh và 6 điểm du lịch được công nhận đảm bảo các điều kiện, tiêu chí theo quy định của Luật Du lịch gồm: Khu du lịch rừng thông bản Áng, huyện Mộc Châu; Điểm du lịch thác Dải Yếm, huyện Mộc Châu; Điểm du lịch đền Hang Miếng; Điểm du lịch bản Chiềng Đi 1, huyện Vân Hồ; Điểm du lịch Pha Đin top, huyện Thuận Châu; Điểm du lịch Rừng Vàng, thành phố Sơn La. Ngoài ra, tỉnh cũng đã tổ chức khảo sát, đánh giá tiềm năng, thế mạnh và nguồn lực văn hóa để tập trung xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng xây dựng đội văn nghệ dân gian biểu diễn hát dân ca, múa dân gian, nhạc cụ dân tộc tại điểm du lịch; tổ chức phục dựng trích đoạn các lễ hội truyền thống để phục vụ nhu cầu thưởng thức, nghiên cứu và trải nghiệm của khách du lịch... đầu tư nguồn lực xây dựng mô hình phát triển du lịch xanh tại 1 bản dân tộc Thái, 1 bản dân tộc Mông thuộc khu du lịch quốc gia Mộc Châu; triển khai thực hiện Dự án Xây dựng mô hình cải thiện sinh kế thông qua hoạt động giới thiệu du lịch nông nghiệp đến các bản dân tộc thiểu số ở vùng đồi núi Việt Nam; phối hợp với Dự án GREAT xây dựng thành công mô hình du lịch cộng đồng bản Tà Số, bản Vặt, quản lý điểm đến và tổ chức tập huấn kỹ năng phát triển du lịch cho phụ nữ là người dân tộc thiểu số (3). Đồng thời, tỉnh cũng tiến hành rà soát, đánh giá hiện trạng và nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022-2025 gắn với phát triển du lịch; tiếp tục triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm OCOP”. Đến nay, tỉnh đã có 3 sản phẩm du lịch đạt 4 sao gồm: du lịch Pha Đin top, du lịch cộng đồng Ngọc Chiến, du lịch sinh thái thác Dải Yếm, Mộc Châu; hoàn thành hồ sơ và công nhận 4 vùng công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hình thành các sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp như: phát triển 261 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn, cấp 281 mã số vùng trồng và 34 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu... (4).
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch nói riêng, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 21-1-2021 về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 41/2022/NQ-HĐND ngày 31-8-2022 quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, trong đó quy định rõ nhóm chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực du lịch. Trong thời gian qua, tỉnh đã tổ chức 40 lớp tập huấn bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ du lịch, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch với gần 1.400 học viên tham gia. Đến nay, tổng số lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch ước đạt 5.100 người, trong đó số lao động qua đào tạo ước đạt khoảng 55%; số lượng hướng dẫn viên du lịch tăng cả về số lượng và chất lượng (5). Đồng thời, công tác quản lý Nhà nước về du lịch cũng được tăng cường, đặc biệt là quản lý quy hoạch; đất đai, trật tự xây dựng liên quan đến quy hoạch, đầu tư các dự án, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch; quản lý đảm bảo nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn và xử lý vi phạm trong lĩnh vực du lịch được đẩy mạnh, đảm bảo chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động du lịch, nâng cao nhận thức và hiệu quả thực thi pháp luật, kịp thời chấn chỉnh, đưa các hoạt động kinh doanh du lịch đi vào nề nếp, ổn định và phát triển, góp phần xây dựng du lịch Sơn La là điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện. Do đó, tổng lượng khách du lịch đến Sơn La từ năm 2021 đến tháng 9-2023 đạt hơn 8 triệu lượt; doanh thu từ hoạt động du lịch đạt trên 8 nghìn tỷ đồng. Có thể thấy, trong những năm qua ngành Du lịch Sơn La phát triển nhanh, hiệu quả và vị thế của ngành Du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được nâng cao; các quy hoạch phát triển du lịch được lập và triển khai phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; hạ tầng du lịch được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ; thu hút đầu tư được đẩy mạnh; nhiều sản phẩm du lịch tiêu biểu được hình thành; chất lượng nguồn nhân lực du lịch, dịch vụ du lịch từng bước được nâng cao; truyền thông quảng bá, xúc tiến du lịch đã có bước đột phá, tạo hiệu quả cao cho phát triển du lịch. Sự tăng trưởng của ngành Du lịch đã tác động lan tỏa đến nhiều ngành, lĩnh vực khác; tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân; từng bước xây dựng tỉnh Sơn La trở thành trung tâm du lịch của vùng Tây Bắc.
Tuy nhiên, ngành Du lịch tỉnh Sơn La vẫn chưa phát triển tương xứng với vị trí, tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về tầm quan trọng của phát triển du lịch trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh có nơi chưa được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm đúng mức. Công tác quản lý nhà nước về du lịch có mặt còn hạn chế, bất cập và thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành trong việc quản lý, cấp phép hoạt động du lịch liên quan quản lý đất đai, trật tự xây dựng. Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng du lịch vẫn còn thiếu đồng bộ, giao thông đầu nối từ quốc lộ, tỉnh lộ, nội huyện vào khu, điểm du lịch còn nhiều khó khăn. Công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao đất cho các khu, điểm du lịch, dự án, nhà hàng, khách sạn còn có những vướng mắc. Chất lượng, hiệu quả trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch chưa cao. Dịch vụ du lịch còn thiếu và yếu, quy mô nhỏ, chất lượng dịch vụ còn hạn chế, chưa đa dạng về loại hình, dịch vụ, chưa chuyên nghiệp. Công tác xây dựng tuyến du lịch giữa các điểm du lịch và các tour chưa chặt chẽ, thiếu sự liên kết giữa các khu, điểm du lịch dẫn đến hiệu quả chưa cao. Vẫn còn thiếu những sản phẩm du lịch đặc sắc, chưa có bản du lịch cộng đồng đủ điều kiện được công nhận điểm du lịch và sản phẩm quà lưu niệm du lịch chưa đa dạng, chưa gắn với đặc trưng văn hóa của tỉnh Sơn La.
Để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch bền vững, ngành Du lịch tỉnh Sơn La cần thiết phải thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân về vị trí, vai trò của phát triển du lịch trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân; Đổi mới tư duy phát triển du lịch, nâng cao nhận thức của xã hội, cộng đồng về trách nhiệm bảo vệ môi trường du lịch; Ý thức người dân, doanh nghiệp, cộng đồng trong ứng xử lịch sự, văn minh, thân thiện với khách du lịch; Thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, phát triển du lịch đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh; Ưu tiên nguồn lực thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng du lịch thông minh phục vụ hiệu quả công tác quản lý, tuyên truyền, quảng bá, phát phát triển du lịch; Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu, hình ảnh du lịch Sơn La; Tổ chức các sự kiện văn hóa du lịch trong và ngoài tỉnh, các sự kiện thể thao tạo điểm nhấn cho truyền thông, quảng bá, thu hút khách du lịch; Phát triển sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, hấp dẫn để phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc, như: du lịch nông nghiệp; du lịch thái nông nghiệp, du lịch cộng đồng... nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững; Phát triển thị trường du lịch trong nước và quốc tế theo hướng chuyên nghiệp và toàn diện.
__________________________
1. Sở VHTTDL tỉnh Sơn La, Báo cáo số 680/BC-SVHTTDL ngày 27-12-2022 về kết quả công tác phát triển du lịch tỉnh Sơn La năm 2022.
2, 4, 5. Tỉnh ủy Sơn La, Báo cáo số 461-BC/TU ngày 12-6-2023 về tình hình, kết quả thực hiện Kết luận số 94-KL/TU ngày 23-1-2021 của ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La về phát triển du lịch tỉnh Sơn La đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
3. UBND tỉnh Sơn La, Báo cáo số 196/BC-TCT491 ngày 22-12-2022 về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022, nhiệm vụ trọng tâm 2023 về thực hiện Kết luận số 94-KL/TU ngày 23-1-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Sơn la đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
NGUYỄN THỊ KHÁNH LY
Nguồn: Tạp chí VHNT số 566, tháng 4-2024