Văn hóa truyền thống của người Tày ở xã Bản Hồ (Lào Cai) với vai trò tự quản trong hoạt động kinh doanh homestay

Tự quản của người Tày trong kinh doanh homestay là các quyền và khả năng của họ trong giới hạn của luật quản lý, điều hành các hoạt động của homestay vì lợi ích của họ và các bên liên quan (Chính phủ và các cơ quan quản lý quốc tế về du lịch; chính quyền địa phương; các doanh nghiệp/ cơ sở kinh doanh du lịch, các tổ chức phi lợi nhuận; cộng đồng địa phương và khách du lịch). Nói cách khác, tự quản trong kinh doanh homestay là quyền độc lập tương đối (tự mình) của các hộ kinh doanh người Tày trong tổ chức quản lý, giải quyết công việc kinh doanh một cách chủ động và tự chịu trách nhiệm, nhằm phát huy tính sáng tạo, năng động dưới sự kiểm tra, giám sát của nhà nước.

Đến với xã Bản Hồ (Sa Pa), du khách sẽ được trải nghiệm văn hóa ẩm thực truyền thống của dân tộc Tày  - Ảnh: laocaitourism.vn

1. Vài nét về văn hóa của người Tày xã Bản Hồ

Bản Hồ là xã thuộc vùng III của thị xã Sa Pa (Lào Cai), cách trung tâm thị xã Sa Pa 24km về phía Đông Nam. Tuy không có được lợi thế gần trung tâm du lịch Sa Pa, nhưng Bản Hồ lại có khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ của suối Mường Hoa và La Ve, thác Cá Nhảy, suối nước nóng, ruộng bậc thang bao quanh những nếp nhà sàn… và đặc biệt Bản Hồ có nhiều di sản văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Xã Bản Hồ được chia thành 7 thôn: bản Dền, La Ve, Hoàng Liên, Ma Quái Hồ, Nậm Toóng, Séo Trung Hồ, Tả Trung Hồ. Nơi đây có 5 dân tộc anh em: Mông, Dao, Tày, Giáy và Nùng cùng chung sống, trong đó, dân tộc Tày chiếm đa số, khoảng 35,6%. Người Tày sống tập trung, nhà ở của họ là nhà sàn. Ngôi nhà sàn là không gian văn hóa, nơi lưu dấu ấn của nhiều phong tục, tập quán gia đình, dòng họ.

Ngoài việc trồng lúa nương, người Tày có truyền thống làm ruộng nước với việc sử dụng thành thục các biện pháp thủy lợi, ngoài ra, họ còn trồng rau quanh nhà; đan lát, đóng đồ gỗ. Trang phục của người Tày giản dị. Phụ nữ mặc áo dài làm từ vải bông, nhuộm chàm, ít họa tiết hoa văn, đầu đội khăn. Họ ít dùng đồ trang sức rườm rà. Người Tày xưa có truyền thống ăn đồ nếp. Ngày nay, người Tày thường ăn cơm tẻ. Lễ hội lớn và nổi tiếng nhất của người Tày là lễ hội Lồng Tồng (lễ hội xuống đồng). Đây là một sinh hoạt văn hóa dân gian mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện ước vọng của họ về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Bên cạnh các lễ hội, lễ cúng, người Tày còn có nhiều làn điệu dân ca nổi tiếng như: làn điệu lượn (lối hát giao duyên nam nữ trữ tình của người Tày) và các điệu múa sạp, múa xòe... Đàn tính là chiếc đàn đặc trưng của người Tày được làm từ quả bầu khô với những âm thanh trầm đục, thánh thót luôn là điều hấp dẫn đối với mỗi khách du lịch.

Các nghề thủ công truyền thống của người Tày Bản Hồ đã và đang được khôi phục và có xu hướng mở rộng. Nổi bật nhất là nghề trồng bông, trồng dâu nuôi tằm và dệt thổ cẩm. Thổ cẩm truyền thống của người Tày ở Bản Hồ không chỉ phục vụ cho các sinh hoạt của gia đình mà còn có thể tạo nên những món hàng lưu niệm độc đáo như: chăn, ga, gối, đệm... để du khách tham quan, chiêm ngưỡng.

2. Vai trò tự quản của người Tày tại xã Bản Hồ trong kinh doanh homestay

Trong du lịch cộng đồng nói chung, hoạt động kinh doanh homestay nói riêng, tự quản của các hộ gia đình làm kinh doanh đóng vai trò rất quan trọng. Tự quản theo nghĩa chung nhất là tự mình trông coi, quản lý công việc, không cần ai điều khiển hoặc là phương thức mở rộng quản lý dân chủ trên những mức độ khác nhau. Tự quản của người Tày trong kinh doanh homestay là các quyền và khả năng của họ trong giới hạn của luật quản lý, điều hành các hoạt động của homestay vì lợi ích của họ và các bên liên quan (Chính phủ và các cơ quan quản lý quốc tế về du lịch; chính quyền địa phương; các doanh nghiệp/ cơ sở kinh doanh du lịch; các tổ chức phi lợi nhuận; cộng đồng địa phương và khách du lịch). Nói cách khác, tự quản trong kinh doanh homestay là quyền độc lập tương đối (tự mình) của các hộ kinh doanh người Tày trong tổ chức quản lý, giải quyết công việc kinh doanh một cách chủ động và tự chịu trách nhiệm, nhằm phát huy tính sáng tạo, năng động dưới sự kiểm tra, giám sát của nhà nước.

Tự quản vốn là thể chế quản lý tự nguyện và phi chính thức của cá nhân hoặc tập thể. Với các hộ kinh doanh homestay người Tày ở xã Bản Hồ, hoạt động này có vai trò quan trọng. Nó không chỉ bổ sung cho các thể chế chính thức mà còn có vai trò cạnh tranh với các thể chế chính thức trong quản lý homestay.

Hiện nay, toàn xã Bản Hồ có khoảng 31 hộ kinh doanh homestay. Trong đó có 28 cơ sở là của người Tày. Họ tham gia vào các hoạt động kinh doanh homestay theo hình thức hộ gia đình với vai trò chủ thể, tự quản trong các hoạt động: xây dựng ý tưởng kinh doanh; xây dựng các sản phẩm/ dịch vụ du lịch (lưu trú, ẩm thực, khám phá, trải nghiệm văn hóa địa phương...); xúc tiến du lịch; đảm bảo an toàn và an ninh trật tự và quản lý nguồn vốn kinh doanh... Bài viết lựa chọn phân tích vai trò tự quản của người Tày trong hoạt động kinh doanh, xây dựng các sản phẩm/ dịch vụ du lịch (lưu trú, ẩm thực, khám phá, trải nghiệm văn hóa địa phương...).

Tự quản trong kinh doanh dịch vụ lưu trú

Kinh doanh dịch vụ homestay của người Tày ở xã Bản Hồ bao gồm kinh doanh dịch vụ lưu trú, ẩm thực, các hoạt động trải nghiệm văn hóa địa phương, thăm quan cảnh quan môi trường tự nhiên tại địa phương.

Dịch vụ lưu trú homestay của người Tày ở Bản Hồ khá đa dạng, họ hoàn toàn tự chủ trong việc lên ý tưởng thiết kế, đầu tư xây dựng cho các khu kinh doanh dịch vụ lưu trú. Nhà sàn truyền thống của người Tày là hình thức thiết kế các homestay phổ biến. Bên cạnh loại hình lưu trú cùng nhà với gia chủ, còn có các khu nhà lưu trú được xây dựng theo kiểu các villa, nhà chòi, bungalow mini, nhà nấm, nhà container, các chòi nhỏ có sàn, mái lợp lá cọ, có phòng vệ sinh khép kín. Điều độc đáo là dù các căn phòng lưu trú dưới hình thức nào cũng thấp thoáng bóng dáng kiến trúc của nhà sàn. Trang thiết bị sử dụng trong các phòng nghỉ (chăn ga, gối, đệm, các vật dụng sinh hoạt...) cũng được đầu tư theo phong cách văn hóa truyền thống của người Tày. Mặt khác, các khu nhà nghỉ dưỡng được thiết kế giống như không gian làng bản - nơi sinh sống của người Tày. Lưu trú tại các không gian nhà sàn thoáng mát, giúp du khách có thể tận hưởng kỳ nghỉ một cách thoải mái, đặc biệt ngồi trên lan can vây quanh sàn nhà, du khách có thể thoải mái ngắm nhìn cảnh núi rừng, con suối và hưởng những cơn gió mát lành từ những cánh đồng lúa bao quanh đưa tới. Các ý tưởng xây dựng khu vực lưu trú đều do các hộ gia đình học tập lẫn nhau và học cách làm từ các cộng đồng làm du lịch khác. Tùy vào địa hình không gian sinh sống, điều kiện kinh tế và ý tưởng riêng, mỗi gia đình tự lựa chọn thiết kế cho khu lưu trú của gia đình mình.

Mức chi trả cho dịch vụ lưu trú tại các homestay của người Tày cũng theo quy định chung và tùy thuộc vào các không gian, trang thiết bị, tiện nghi trong từng phòng và không vượt quá mức quy định chung của địa phương. Ví dụ: nếu ngủ cộng đồng thì có giá từ 80.000-100.000 đồng/ người/ đêm. Các phòng nghỉ riêng khép kín giá cả khoảng từ 250.000-500.000 đồng/ phòng/ đêm.

Quá trình xây dựng các khu lưu trú, bà con người Tày ở Bản Hồ thường xây dựng từng bước, từng công đoạn theo nhu cầu của du khách và khả năng kinh tế của gia đình, đồng thời đáp ứng các quy định tối thiểu về dịch vụ lưu trú theo Luật Du lịch và quy định của chính quyền địa phương. Do đó, các khu lưu trú sau khi hoàn thiện đều có khách du lịch tới lưu trú thường xuyên, đảm bảo duy trì các hoạt động tại homestay.

 Tự quản trong kinh doanh dịch vụ ẩm thực

Tại các homestay, người Tày ở Bàn Hồ thường thiết kế các dịch vụ ẩm thực theo phong cách văn hóa ẩm thực truyền thống của dân tộc Tày, với các món ăn như: trứng kiến vàng, nhộng ong, dế mèn, cá - rêu suối, rau rừng, măng, hoa chuối... Cách thức chế biến cũng thiên nhiều về những kiểu chế biến truyền thống của người Tày: nướng trên than hồng hay vùi tro bếp nóng, đồ trong chõ xôi hoặc trộn gỏi sống. Điều đặc biệt, người Tày không ưa dùng đồ nhiều mỡ, họ ưa gia giảm thêm các nguyên liệu khác, cùng gia vị để khiến món ăn trở nên thanh đạm, khiến du khách có thể ăn được nhiều. Bên cạnh đó, đồ ăn, các thức uống trong ẩm thực của người Tày ở Bản Hồ cũng rất độc đáo. Trong đó, phổ biến nhất vẫn là các loại nước uống được đun từ một số loại cây rừng, có tác dụng giải độc, mát gan, thanh lọc cơ thể. Với đồ uống là rượu, bên cạnh rượu cần, người Tày thường uống các loại rượu thuốc có tác dụng bổ dưỡng khai thác được lâm thổ sản trong rừng. Giá thành dịch vụ ẩm thực tại các homestay của người Tày dao động khoảng từ 800.000-1.200.000 đồng/ mâm cho 8 người ăn.

Chất lượng phục vụ và an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịch vụ ẩm thực của người Tày cũng được các hộ kinh doanh quan tâm thực hiện. Mỗi gia đình đều thực hiện các cam kết về an toàn vệ sinh thực phẩm với các cấp quản lý chuyên môn và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, do ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại khó khăn nên sự kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương và các cấp quản lý chuyên môn không được thực hiện thường xuyên, liên tục, vì thế vai trò tự quản và tinh thần trách nhiệm của các hộ gia đình người Tày làm homestay đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an toàn thực phẩm. Vì thế, khi có khách du lịch sử dụng ẩm thực, người Tày thường chú trọng lựa chọn nguồn nguyên liệu chế biến tươi sống, đa phần là nguồn nguyên liệu do gia đình tự nuôi trồng (vườn rau, ao cá, chăn nuôi lợn, gà, vịt...) hoặc tìm kiếm trong rừng nên rất an toàn. Quá trình chế biến thức ăn luôn đảm bảo vệ sinh, sạch sẽ, an toàn. Không chỉ cẩn trọng trong lựa chọn nguyên liệu, chế biến món ăn, mà người Tày ở Bản Hồ còn có tập quán cùng ăn với khách. Điều này giống như một sự đảm bảo tuyệt đối về độ an toàn thực phẩm mà chủ nhà đã gián tiếp khẳng định với khách, khiến khách có thể an tâm thưởng thức. Trong quá trình ăn uống, chủ nhà thường giới thiệu cho khách công dụng của các món ăn, độ ngon và sự đặc biệt của nó, từ đó, giúp khách du lịch tăng thêm hứng thú, ăn uống ngon miệng hơn.

Tự quản trong kinh doanh các dịch vụ khám phá văn hóa các dân tộc địa phương

Bằng kinh nghiệm qua nhiều năm kinh doanh homestay, người Tày ở Bản Hồ nhận thức rõ vai trò của văn hóa địa phương trong phát triển du lịch cộng đồng nói chung, kinh doanh homestay nói riêng. Vì vậy, họ đã tìm hiểu và giới thiệu cho khách du lịch những di sản văn hóa truyền thống của tộc người và các dân tộc khác cùng sinh sống ở địa phương để khách du lịch có thể tham quan, trải nghiệm khi họ đến lưu trú tại Bản Hồ. Ví dụ, với văn hóa của người Tày là: lễ hội Lồng Tồng, điệu dân ca lượn, đàn tính - một trong những nhạc cụ được khách du lịch đặc biệt quan tâm; Với văn hóa của người Dao: được các hộ kinh doanh homestay người Tày giới thiệu đến du khách về những tri thức dân gian trong việc chữa bệnh bằng thuốc nam. Ngoài ra, những lễ hội nổi tiếng như cấp sắc, Tết nhảy... cũng được giới thiệu và thu hút được sự quan tâm của khách du lịch. Với người Mông, di sản nghề thổ cẩm thêu hoa văn bằng sáp ong và nghề rèn sắt cũng là những di sản văn hóa độc đáo được các hộ gia đình kinh doanh homestay của người Tày giới thiệu cho khách du lịch. Các tiết mục văn nghệ của dân tộc này như múa khèn, múa ô, thổi sáo, thổi đàn môi cũng thu hút được sự chú ý của khách du lịch. Người Giáy giới thiệu cho khách du lịch là các loại bánh chế biến từ gạo, ngô, sắn và lễ hội Roóng Poọc - là lễ hội cầu mùa màng bội thu, người yên vật thịnh, mưa thuận gió hòa, được tổ chức thường niên vào tháng Giêng...

Quá trình tổ chức cho khách du lịch tham quan trải nghiệm các di sản văn hóa địa phương được tuân thủ theo nội quy, quy định của các dân tộc có di sản. Tùy vào thời điểm tổ chức các di sản và nguyện vọng của khách du lịch mà các hộ kinh doanh homestay người Tày thiết lập nên các tour du lịch tại địa phương và thực hiện vai trò hướng dẫn. Thông thường, giá cả cho các hướng dẫn viên cho các tour này được thỏa thuận, thống nhất giữa khách du lịch và chủ nhà. Mức thỏa thuận này sẽ không vượt quá cao so với ngày công lao động trong vùng. Thông thường là 300.000 - 500.000 đồng/ ngày cho 1 người hướng dẫn. Tuy nhiên, cũng có trường hợp chủ nhà sẽ không tính tiền hướng dẫn viên mà chỉ giúp khách du lịch có thêm trải nghiệm thú vị và tăng thời gian lưu trú tại homestay.

Trong xây dựng một số sản phẩm bổ sung khác

Để tăng doanh thu cho homestay, nhiều hộ gia đình người Tày còn bán thêm một số nông sản là đặc sản địa phương mà họ kiếm được, như: các loại thuốc nam, rau rừng, măng, mộc nhĩ, nấm hương… hoặc các vật nuôi là đặc sản địa phương như gà đen, lợn cắp nách... Họ cũng bán hoặc cho thuê các loại trang phục dân tộc địa phương. Trong hoạt động này, vai trò tự quản của các hộ kinh doanh homestay cũng được thể hiện khá rõ nét. Giá cả bán hoặc cho thuê được định giá theo thỏa thuận giữa chủ nhà với khách du lịch. Tuy nhiên, không chênh lệch quá lớn so với giá cả thị trường tại địa phương. Các quy định mua bán, cho thuê cũng được niêm yết công khai tại các quầy trưng bày. Trong một số trường hợp, chủ nhà có thể cho khách mượn trang phục để chụp ảnh, quay phim như một hình thức khuyến mại mà không tính tiền thuê.

3. Một số giải pháp tăng cường hiệu quả hoạt động tự quản trong kinh doanh homestay của người Tày ở Bản Hồ

Bổ sung hoàn thiện và văn bản hóa các mô hình tự quản hiệu quả trong kinh doanh homestay

Lựa chọn những mô hình tự quản có hiệu quả trong kinh doanh homestay của người Tày ở Bản Hồ để nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện và văn bản hóa các mô hình này làm tư liệu tham khảo cho các hộ kinh doanh homestay trên địa bàn.

Nhân rộng các mô hình tự quản hiệu quả trong kinh doanh homestay

Thúc đẩy công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, chính quyền cơ sở, hội đoàn, quần chúng thấy được sự cần thiết, tầm quan trọng, tính hiệu quả của mô hình; động viên tuyên truyền các hộ kinh doanh áp dụng mô hình tự quản hiệu quả vào kinh doanh homestay. Quá trình nhân rộng mô hình phải có chương trình, kế hoạch cụ thể gắn với nhu cầu kinh doanh từng homestay. Chính quyền địa phương cần tạo sự kết nối và hợp tác giữa các homestay để cùng thảo luận về các vấn đề tự quản trong quản lý homestay, tạo ra trải nghiệm du lịch độc đáo, hợp tác kinh doanh và quảng bá du lịch.

Thực hiện các đợt kiểm tra, giám sát các mô hình tự quản trong kinh doanh homestay

Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, rà soát, phân loại, rút kinh nghiệm trong việc xây dựng, nhân rộng mô hình tự quản trong kinh doanh homestay của người Tày ở Bản Hồ; tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, ban ngành, đoàn thể và các tổ chức xã hội; kết hợp, lồng ghép việc thực hiện với nội dung tự quản khác để tổ chức thực hiện tốt hơn việc tự quản trong kinh doanh homestay ở địa phương.

Xác định rõ vai trò của các bên liên quan

Xác định rõ vai trò của các bên liên quan (khách du lịch, nhà kinh doanh, cộng đồng địa phương, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý chuyên môn về du lịch, cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức phi chính phủ) trong thực hiện mô hình tự quản kinh doanh dịch vụ homestay của người Tày ở xã Bản Hồ. Từ đó làm rõ vai trò, nhiệm vụ của các bên trong quản lý, điều hành các hoạt động kinh doanh homestay.

Nâng cao hiểu biết của người dân và chính quyền địa phương xã Bản Hồ về các quy định của nhà nước về quản lý lưu trú nói chung, homestay nói riêng

Nâng cao hiểu biết của người dân và chính quyền địa phương xã Bản Hồ về các quy định của nhà nước về quản lý lưu trú nói chung, homestay nói riêng, từ đó, giúp họ có thể vận dụng hài hòa các quy định này để thực hiện tốt việc tự quản các hoạt động kinh doanh homestay.

4. Kết luận

Tự quản có vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh du lịch cộng đồng nói chung, kinh doanh homestay nói riêng. Vốn là thể thức quản lý mang tính chất tự phát và ảnh hưởng nhiều từ phong tục tập quán, lối sống của chủ thể kinh doanh. Vì thế, tự quản của các hộ kinh doanh homestay của người Tày chịu ảnh hưởng lớn từ văn hóa của tộc người trên nhiều phương diện. Từ xây dựng các sản phẩm lưu trú, ẩm thực, sản phẩm bổ sung, phương thức kinh doanh đến công tác đào tạo, tuyển dụng nguồn nhân lực, kiểm tra, giám sát...

Tự quản trong du lịch cộng đồng nói chung, kinh doanh homestay nói riêng không những giúp bổ sung cho các quy định về hoạt động du lịch của Đảng, Nhà nước mà còn giúp chính quyền địa phương quản lý hiệu quả các hoạt động du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời, tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc thiểu số chủ động, tích cực sáng tạo trong tổ chức, quản lý kinh doanh du lịch theo định hướng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

_______________

Tài liệu tham khảo

1. Đặng Thị Oanh, Nghiên cứu mô hình tự quản của đồng bào dân tộc thiểu số trong hoạt động du lịch cộng đồng tại thị xã Sa Pa tỉnh Lào Cai, đề tài cấp Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai, 2023.

2. Ngô Thị Hồng Phượng, Nghiên cứu dịch vụ lưu trú tại homestay thôn Bản Dền, xã Bản Hồ, thị xã Sa Pa phục vụ phát triển du lịch cộng đồng, đề tài cấp Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai, 2023.

3. UBND thị xã Sa Pa, Giải pháp bảo tồn và khai thác chợ tình Sa Pa thành sản phẩm du lịch, Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Sa Pa,

4-2024. 4. Bùi Thị Hải Yến (chủ biên), Du lịch cộng đồng, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2012.

ĐẶNG THỊ OANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 584, tháng 10-2024

;