Di sản văn hóa không chỉ thể hiện ở những nét tinh hoa giữa cộng đồng dân tộc này với cộng đồng dân tộc khác, mà còn là nguồn lực to lớn để phát triển kinh tế, xã hội ở mỗi quốc gia. Nhiều địa phương đã đi tắt, đón đầu trong việc ứng dụng khoa học công nghệ, cũng như đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, việc không nhận diện hệ giá trị văn hóa bản địa để khai thác hợp lý nguồn tài nguyên này sẽ dẫn đến những hệ lụy tiêu cực. Trường hợp người Dao Đỏ ở Tả Phìn, Sa Pa, tỉnh Lào Cai trong là một minh chứng rõ nét về hoạt động phát triển du lịch cần được điều tiết hợp lý để tránh nguy cơ phai nhạt, biến dạng văn hóa truyền thống vốn được gìn giữ, lưu truyền từ bao đời nay.
Lễ hội Pút tồng năm 2024 tại xã Tả Phìn - Ảnh: baolaocai.vn
1. Nhận thức chung về du lịch bền vững
Thuật ngữ “du lịch bền vững” thường được sử dụng để chỉ các hoạt động du lịch gắn với gìn giữ môi trường sinh thái, bảo tồn những giá trị văn hóa của cộng đồng, tộc người trước những tác động ngược từ hoạt động du lịch đem lại. Trong Chương trình nghị sự về công nghiệp du lịch và lữ hành hướng tới sự phát triển môi trường bền vững của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) và Hội đồng Thế giới (World Council) đưa ra quy định về sản phẩm du lịch bền vững phải được xây dựng phù hợp với môi trường, cộng đồng, các giá trị văn hóa truyền thống và mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng dân cư địa phương.
Ngày nay, phát triển du lịch bền vững đã được nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đặc biệt quan tâm với mục tiêu nhằm bảo vệ sự toàn vẹn của môi trường sinh thái và những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc ít người. Hoạt động du lịch bền vững luôn phải tôn trọng những nguyên tắc cơ bản như: giáo dục cho chính quyền và cộng đồng nâng cao nhận thức bảo vệ, gìn giữ và phát huy những giá trị của di sản văn hóa của dân tộc mình; giới thiệu và quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống của mỗi cộng đồng, tộc người đến với khách du lịch; các sản phẩm du lịch đem lại sự hài lòng và thỏa mãn nhu cầu của du khách; bảo vệ môi trường, hạn chế tối thiểu tác động đến hệ sinh thái; đảm bảo sự tham gia của mọi thành phần kinh tế, mọi tầng lớp dân cư địa phương trong phát triển du lịch; phát triển du lịch bền vững, theo quy hoạch, kế hoạch, bảo đảm hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường; bảo đảm lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng, lợi ích chính đáng và an ninh, an toàn cho khách du lịch, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch.
2. Đặc điểm văn hóa người Dao Đỏ ở Tả Phìn
Thống kê năm 2019 về người Dao ở Lào Cai có tổng 108.326 người, chiếm 14,4% dân số (1). Tính riêng ở Tả Phìn, người Dao Đỏ có 1.106 nhân khẩu, chiếm 39,98%, hầu hết những hộ gia đình người Dao có điều kiện kinh tế khó khăn, thuộc diện nằm trong chương trình 135 của Chính phủ (2). Đặc điểm dễ nhận biết của người Dao Đỏ ở Tả Phìn là họ sinh sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp trong đó canh tác trên ruộng bậc thang là hệ canh tác truyền thống, ngoài sản xuất nông nghiệp họ còn có các nghề dệt, thêu và may hàng thổ cẩm, làm rèn, trạm bạc, làm trống và đặc biệt là thu hái cây thuốc làm dược liệu và các bài thuốc tắm.
Người Dao ở Tả Phìn thường cư trú ở lưng chừng núi, nhưng cũng có một số nhóm người Dao thích ở thung lũng như Dao Quần Trắng, hoặc trên núi cao như Dao Đỏ. Nhà ở của người Dao có thể là nhà sàn, nhà nửa sàn nửa đất hoặc nhà trệt (nhà đất), xung quanh nhà thường có cây rừng hoặc cây gỗ lớn. Hầu hết thể hệ trẻ người Dao Đỏ sử dụng chữ quốc ngữ, những người am hiểu chữ Hán - Nôm Dao còn rất ít, chủ yếu là thày cúng sử dụng để đọc sách cúng, hoặc các luật tục, cúng lễ, kiêng kỵ.
Điều đặc biệt là người Dao Đỏ ở Tả Phìn vẫn còn gìn giữ và thực hành nhiều nghi lễ truyền thống như: Tục thờ cúng Bàn Vương - Bàn Hồ; lễ cúng Miếu/ cúng Xịa Ông (thần linh thổ địa/ thần đất) cai quản khu đất của xã Tả Phìn; lễ cúng các linh hồn lang thang; nghi lễ cúng Thần Cây; lễ cấp sắc hay lễ thắp đèn rất được coi trọng để công nhận con trai 13-14 tuổi trưởng thành; lễ Tết nhảy, tục cúng miếu Chìa Ông (Xìa Ông). Với những giá trị tín ngưỡng thông qua các nghi lễ, người Dao Đỏ muốn đề cao hành vi ứng xử giữa cá nhân với gia đình, cộng động và môi trường thiên nhiên.
3. Hoạt động du lịch và những ảnh hưởng đến giá trị văn hóa truyền thống của người Dao Đỏ ở Tả Phìn
Vừa qua, tỉnh Lào Cai đang trong quá trình xây dựng, thẩm định Đề án Quy hoạch chung xây dựng khu du lịch quốc gia Sa Pa - thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai đến năm 2040 (3), bao gồm trung tâm là khu vực đô thị Sa Pa; các phân khu du lịch Ngũ Chỉ Sơn, bản Khoang - Tả Phìn; Tả Phìn; Tả Van - Séo Mý Tỷ và Thanh Bình. Trên cơ sở đề án quy hoạch, tỉnh Lào Cai đã hỗ trợ ngân sách nhà nước triển khai một số chương trình, dự án đầu tư xây dựng nhà cộng đồng tại trung tâm bản Tả Phìn để phục vụ các hoạt động văn hóa; hỗ trợ phát triển các ngành nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, làm rèn, trạm bạc, làm trống và các bài thuốc tắm dân gian để phục vụ phát triển du lịch. Nhờ được đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, lượng du khách trong và ngoài nước đến Tả Phìn ngày một tăng, và trở thành điểm đến không thể thiếu trong các tour du lịch tại Sa Pa. Tuy nhiên, sự phát triển hoạt động du lịch cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến cảnh quan môi trường thiên nhiên, các luật tục và hệ giá trị văn hóa truyền thống trên của người Đao Đỏ ở Tả Phìn trên những phương diện như sau:
Biến đổi tập quán cư trú và tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên
Tập quán cư ngụ được chắt lọc, thích nghi và được quy định từ đời này sang đời khác. Sự phát triển thương mại dịch vụ, cùng với quá trình giao thoa văn hóa từ các hoạt động du lịch đem lại đã làm thay đổi nhận thức về tập quán cư ngụ của người Dao Đỏ. Chẳng hạn trước đây họ thường sinh sống trên núi cao, ở trong những ngôi nhà được xây dựng theo lối kiến trúc nhà sàn, hoặc nhà nửa sàn nửa đất thì ngày nay bị thay thế bởi các công trình hiện đại, hình thành nên tư duy cư ngụ bám mặt đường. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh và hoạt động du lịch chưa nghiên cứu kỹ những nét văn hóa truyền thống và các luật tục, đã tạo nên nguy cơ môi trường bị ô nhiễm các dòng suối, khu dân cư ở trung tâm xã.
Các hoạt động phát triển du lịch không chỉ làm thay đổi tập quán cư trú mà nó còn làm mai một nhiều luật tục truyền thống. Cụ thể, trước đây người Dao Đỏ ở Tả Phìn không khai thác, chặt cây ở rừng đầu nguồn, dẫn nước sinh hoạt bằng ống thủ công từ suối về từng nhà, thì hiện nay hầu hết các hộ gia đình đều sử dụng đường ống dẫn nước bằng nhựa, sẵn sàng khai thác cây đầu nguồn để làm nhà, hay các vật dụng trong gia đình.
Mai một/ biến mất một số luật tục truyền thống
Sự phát triển các hoạt động du lịch làm gia tăng lượng khách đến Tả Phìn, cùng với đó là quá trình giao thoa các dòng văn hóa ngoại lai với văn hóa bản địa đã làm biến đổi, hoặc thay đổi văn hóa truyền thống vốn được gìn giữ từ bao đời nay. Chẳng hạn trước đây người Dao Đỏ thường tổ chức cúng hồn cây, hồn sâu bệnh thì hiện nay nhiều hộ gia đình canh tác nhiều loại cây trồng ăn quả, làm dược liệu, làm thuốc tắm có sử dụng thuốc nên nghi lễ này đã bị mai một. Xưa kia tục cúng thần suối/ mua nước vào dịp Tết để cầu mong thần linh ngăn chặn hạn hán, dân bản đủ nước cày cấy và dùng trong sinh hoạt, nhưng đến nay do chuyển đổi mô hình sản xuất liên quan đến hoạt động du lịch nên tín ngưỡng trên không còn thực hiện nữa. Do nhu cầu tìm kiếm nguồn dược liệu để làm thuốc tắm phục vụ du lịch nên những quy định về khai thác lá thuốc theo luật tục như phải lấy đúng cách, phải trồng lại cây thuốc để bảo tồn loài cây đó ít được người dân thực hiện.
Biến đổi những giá trị văn hóa truyền thống
Văn hóa truyền thống bao gồm những giá trị vật chất và giá trị tinh thần bởi con người tương tác với nhau thông qua văn hóa. Như vậy, giá trị văn hóa truyền thống được thể hiện ở trạng phục truyền thống, nghệ thuật dân gian, nghề thủ công truyền thống và những ứng xử của mỗi cá nhân với gia đình, cộng đồng và môi trường tự nhiên. Ông Lý Pù Kin ở thôn Sà Sẻng cho rằng, sự gia tăng các hoạt động du lịch trong thời gian qua đã tác động không nhỏ đến giá trị văn hóa của người Dao Đỏ ở Tả Phìn. Chẳng hạn, trang phục truyền thống chỉ được phụ nữ cao tuổi, hoặc trung niên sử dụng trong sinh hoạt gia đình, cũng như lao động sản xuất. Còn đối với các bạn trẻ thì không mấy quan tâm đến trang phục truyền thống, nữ giới chỉ mặc vào ngày lễ tết của dân tộc còn ngày thường chủ yếu ăn mặc như người Kinh (4).
Nhìn chung, cách thiết kế trang phục truyền thống của người Dao Đỏ có phần thay đổi, lai tạp với trang phục của dân tộc khác, hoặc được thiết kế cách tân để phù hợp với hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống. Hoạt động thương mại du lịch cũng tác động không nhỏ đến nghề dệt thổ cẩm, nghề khảm bạc, nghề rèn đúc, nghề làm trống do sự xâm nhập các sản phẩm công nghiệp, hiện đại và có giá thành rẻ. Vì vậy, để tồn tại và phát triển, đòi hỏi phải thay đổi mẫu mã, hoặc áp dụng những công nghệ mới thay cho phương pháp thủ công truyền thống.
Những năm gần đây những loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian của người Dao Đỏ ở Tả Phìn được truyền dạy để phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, việc thương mại hóa nghệ thuật trình diễn dân gian dùng trong nghi lễ để phục vụ du khách đã và đang làm mất những giá trị đích thực bởi sự pha tạp, hoặc lai căng với nghệ thuật trình diễn dân gian của dân tộc khác. Quá trình này diễn ra thường xuyên, nếu không có biện pháp điều chỉnh sẽ làm mai một, hoặc biến dạng nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống.
Ngoài ra, sự tác động của kinh tế thị trường và hoạt động du lịch đã làm biến đổi mối quan hệ gia đình, dòng họ của người Dao Đỏ ở Tả Phìn. Nhiều hộ gia đình trẻ đã tiếp cận các nghề xe ôm, hướng dẫn khách du lịch, hoặc bán hàng lưu niệm. Mối quan hệ và cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ ngày một xa cách bởi sự ảnh hưởng, tiếp thu, giao thoa với các luồng văn hóa ngoại lai. Sự chênh lệch về thu nhập tạo nên cách biệt về kinh tế, lối sống giữa các thành viên trong gia đình và dòng họ ngày càng lớn đã làm suy giảm tính cố kết cộng đồng, dẫn đến nguy cơ mai một, biến đổi nhiều luật tục và tập quán truyền thống vốn được gìn giữ lâu đời từ thế hệ này sang thế hệ khác.
4. Cần có giải pháp đồng bộ mang tính bền vững
Việc triển khai một số dự án phát triển du lịch ở Tả Phìn cho thấy còn nhiều vấn đề bất cập giữa bảo tồn và khai thác, dẫn đến nguy cơ mai một, biến dạng hệ giá trị văn hóa truyền thống người Dao Đỏ vốn được gìn giữ, lưu truyền từ bao đời nay. Thực tế trên đòi hỏi các cấp chính quyền địa phương cần xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách và những giải pháp như sau.
Bảo tồn, gìn giữ kiến trúc nhà ở và cảnh quan, không gian văn hóa làng bản truyền thống trong phát triển du lịch
Lập quy hoạch cơ sở hạ tầng khu vực sinh sống người Dao Đỏ ở Tả Phìn bao gồm: kiến trúc, mặt bằng, không gian nhà ở truyền thống, các thiết chế văn hóa cộng đồng để khai thác phát triển du lịch. Mục đích của việc lập quy hoạch là nhằm bảo tồn kiến trúc nhà truyền thống, đồng thời hạn chế những công trình xây dựng phá vỡ cảnh quan, không gian văn hóa làng bản truyền thống. Các điểm phát triển du lịch phải tôn trọng địa hình và cảnh quan, hạn chế san gạt tránh tác động lớn làm biến dạng đặc điểm tự nhiên.
Khu chức năng xây dựng mới phải hòa nhập với đặc trưng cảnh quan tự nhiên của xã Tả Phìn được tạo bởi địa hình núi, các đường phân thủy, thung lũng và thảm thực vật. Việc xây dựng các công trình nhà ở, cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế, xã hội, các thiết chế sinh hoạt văn hóa cộng đồng… phải có sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố sinh thái tự nhiên với sinh thái nhân văn nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị đặc trưng văn hóa truyền thống của người Dao Đỏ trong phát triển các loại hình du lịch bền vững.
Xây dựng hương ước và tuyên truyền cho người dân nghiêm túc thực hiện sử dụng hợp lý tài nguyên nước, tài nguyên rừng nhằm hạn chế những tác động tiêu cực do nhu cầu khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên trong quá trình phát triển cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch. Đây là nhân tố quan trọng hình thành nên luật tục, tập quán văn hóa truyền thống của người Dao Đỏ vốn được gìn giữ từ đời này sang đời khác. Vì vậy, phát triển du lịch bền vững cần phải chú trọng đến bảo vệ, gìn giữ môi trường văn hóa và môi trường thiên nhiên trong mối quan hệ hữu cơ và không thể tách rời.
Ban hành cơ chế, chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống
Ban hành cơ chế, chính sách thoả đáng hỗ trợ nghệ nhân dân gian, những người am hiểu về luật tục và có trách nhiệm thực hành các nghi lễ trong cộng đồng. Hỗ trợ kinh phí hằng năm để tổ chức nghi lễ Tết nhảy, lễ cấp sắc, phục dựng những nghi lễ tiêu biểu đã bị mai một. Hỗ trợ kinh phí cho Đội văn nghệ Tả Phìn duy trì hoạt động thường xuyên, khuyến khích thành lập các câu lạc bộ nghệ thuật dân gian để truyền dạy, lưu giữ các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc của người Dao Đỏ có nguy cơ bị mai một, thất truyền.
Ban hành cơ chế, chính sách quản lý, khai thác hoạt động du lịch tại xã Tả Phìn nhằm thu hút các thành phần kinh tế, cộng đồng tại địa phương có quyền bỉnh đẳng tham gia các hoạt động dịch vụ du lịch trên cơ sở giải quyết thoả đáng quyền lợi giữa nhà nước - doanh nghiệp - cộng đồng. Hỗ trợ các ngành nghề thủ công truyền thống như dệt thổ cẩm, nghề khảm bạc, nghề rèn đúc, nghề làm trống, nghề làm các bài thuộc tắm trong các khâu sản xuất, quảng bá sản phẩm đến với du khách trong nước và quốc tế.
Xây dựng kế hoạch thống kê, lập hồ sơ các di sản văn hóa vật thể và phi của người Dao Đỏ, đi đôi với ngăn chặn nguy cơ làm mai một, sai lệch hoặc thất truyền các luật tục, tập quán văn hóa truyền thống tốt đẹp. Lồng ghép các chương trình đầu tư vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn vào việc hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa để nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho người dân ở xã Tả Phìn.
Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực quản lý
Đối với cấp xã: xây dựng kế hoạch đề xuất với cơ quan quản lý cấp trên cử cán bộ phụ trách văn hóa - xã hội, địa chính, đoàn thanh niên, hội phụ nữ… tập huấn các văn bản quản lý nhà nước về di sản văn hóa, du lịch và các kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Phát triển văn hóa, du lịch tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020-2035 và Đề án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Sa Pa đến năm 2040.
Đối với cấp thôn: phối hợp mở các tập huấn về di sản, kỹ năng thực hành di sản, nghiệp vụ quảng bá giới thiệu các sản phẩm du lịch cho các đối tượng là trưởng thôn, các nghệ nhân, hộ gia đình sản xuất nghề thủ công truyền thống, hoặc kinh doanh dịch vụ homestay, hướng dẫn khách du lịch, dịch vụ ăn uống.
Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng
Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và đoàn thể xã Tả Phìn thực hiện Đề án phát triển văn hóa, du lịch của tỉnh và quy hoạch chung xây dựng khu du lịch quốc gia Sa Pa. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương trong thời gian tới để Tả Phìn trở thành điểm du lịch hấp dẫn của Sa Pa.
Tăng cường hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân Tả Phìn tự hào và trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình trong đời sống xây dựng nông thôn mới. Xây dựng và thực hiện hương ước trên cơ sở luật tục, tập quán, văn hóa truyền thống… được coi là những yếu tố quan trọng để xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa.
5. Thay lời kết
Đề án phát triển văn hóa, du lịch tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020-2035 là văn bản pháp lý để triển khai các chương trình, dự án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung, người Dao Đỏ ở Tả Phìn nói riêng. Tuy nhiên, việc khai thác tài nguyên văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số như thế nào cho hiệu quả đang là vấn đề đặt ra đối với các cấp, các ngành, nhằm xử lý hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, đem lại lợi ích kinh tế cho người dân gắn với phát triển bền vững, từng bước xây dựng hình ảnh xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn ở trong và ngoài nước.
__________________
1. Kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019, Nxb Thống kê, 2019.
2, 4. Trung tâm tư vấn quản lý bền vững tài nguyên và phát triển văn hóa cộng đồng Đông Nam Á, Báo cáo kết quả nghiên cứu người Dao ở xã Tả Phìn, huyện Sa pa, tỉnh Lào Cai và người Thái ở xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, 2011.
3. Đề án số 03-ĐA/TU của Tỉnh ủy Lào Cai, Phát triển văn hóa, du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020-2025, 11-12-2020.
Tài liệu tham khảo
1. Bế Viết Đẳng và các tác giả, Người Dao ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội,1971.
2. Phạm Trung Lương, Bảo vệ môi trường du lịch; phát triển du lịch bền vững từ góc độ văn hóa và môi trường tự nhiên; phát triển du lịch bền vững những vấn đề đặt ra; tài nguyên du lịch, Tài liệu lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về du lịch, 2008.
Ths ĐẶNG THỊ KIM THOA
Nguồn: Tạp chí VHNT số 584, tháng 10-2024