Xã Thạnh An thuộc huyện Cần Giờ, TP.HCM là địa phương có nhiều tiềm năng để hình thành một điểm du lịch cộng đồng (DLCĐ) hấp dẫn đối với khách du lịch. Bài viết cung cấp các căn cứ khoa học và thực tiễn để đề xuất mô hình DLCĐ tại xã Thạnh An, căn cứ vào các yếu tố: chính sách phát triển của Trung ương và địa phương; tài nguyên DLCĐ; nhu cầu DLCĐ; năng lực và nguyện vọng của cộng đồng dân cư và các doanh nghiệp du lịch. Mô hình DLCĐ là “bộ khung” cho phát triển DLCĐ gồm: mục tiêu - tầm nhìn, phạm vi không gian, thành phần tham gia; cơ chế quản lý hoạt động DLCĐ.
Du khách đến với Thiềng Liềng (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP HCM) sẽ được tìm hiểu về nghề làm muối - Ảnh: hcmcpv.org.vn
Từ sau năm 2016, được cung cấp điện, nước sạch và cải thiện giao thông kết nối với đất liền nên khách du lịch bắt đầu đến xã Thạnh An. Tuy nhiên, phát triển du lịch ở Thạnh An mới chỉ trong giai đoạn đầu, vẫn còn mang tính khám phá và chưa được định hình rõ ràng. Một số vấn đề xuất hiện trong phát triển du lịch có nguy cơ tác động xấu đến phát triển bền vững; sự suy giảm tài nguyên DLCĐ; đầu tư hạn chế; phân chia lợi ích giữa các thành phần tham gia chưa hợp lý; hiệu quả kinh doanh du lịch chưa cao… Do vậy, việc xác lập mô hình DLCĐ là cấp bách và không thể thiếu được đối với phát triển DLCĐ tại Thạnh An.
1. Nhận thức về DLCĐ
Lịch sử phát triển một số cộng đồng dân cư đã tích tụ nhiều tiềm năng có giá trị thỏa mãn nhu cầu du lịch. Khu vực này không chỉ có di sản văn hóa tuyệt vời, mà còn có các điểm tham quan và tài nguyên du lịch làm cho điểm đến trở nên hấp dẫn. Từ thập niên 1970, dân cư nông thôn ở châu Âu đã tạo được thu nhập tăng thêm ngoài hoạt động sản xuất và thương mại truyền thống nhờ du khách đến tham quan, trải nghiệm tại địa bàn sinh sống của họ. Những cộng đồng dân cư nông thôn có di sản văn hóa và cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn đã trở thành điểm đến của khách du lịch vì chi phí đi lại, phí chỗ ở và giá đồ ăn, đồ uống cũng như các hoạt động giải trí khiêm tốn đã trở nên dễ tiếp cận hơn đối với nhiều người tiêu dùng. DLCĐ có mối liên hệ chặt chẽ với cộng đồng địa phương sẽ có khả năng kích thích những thay đổi về các mặt xã hội, văn hóa, môi trường và kinh tế. DLCĐ đang trở nên phổ biến và nó đang ngày càng được thúc đẩy như một phương tiện giảm nghèo và thúc đẩy phát triển cộng đồng địa phương.
Phát triển du lịch tại các cộng đồng trong nông thôn đã nảy sinh một số vấn đề tác động tiêu cực đối với phát triển du lịch nói riêng và phát triển kinh tế, xã hội. Thậm chí, sử dụng nguồn lực phát triển du lịch trong môi trường sở hữu cộng đồng sẽ gặp nhiều khó khăn do tính không công bằng. Nhận định của Suansri (2003), cho rằng: “Du lịch cộng đồng không phải là một phương pháp chữa bệnh thần kỳ, cũng không phải là một hiệp sĩ trong bộ áo giáp sáng chói sẽ phi nước đại vào giải cứu các cộng đồng khỏi mọi rắc rối của họ. Nếu áp dụng không cẩn thận, du lịch cộng đồng có thể tạo ra vấn đề và thậm chí mang lại tai họa cho cộng đồng” (1).
Theo Timothy, nguyên nhân dẫn đến những trở ngại đối với phát triển DLCĐ gồm: những hạn chế trong quy trình phát triển và sử dụng sản phẩm du lịch liên quan đến khả năng tiếp cận thị trường du lịch; những hạn chế về cơ cấu liên quan đến các yếu tố thể chế như cơ cấu quyền lực khu vực, cơ quan lập pháp và hệ thống kinh tế. Đây là những yếu tố liên quan trực tiếp đến phân phối lợi ích từ việc sử dụng vốn cộng đồng để phát triển du lịch; những hạn chế về văn hóa chủ yếu liên quan đến năng lực của người dân địa phương trong việc giải quyết các tác động liên quan đến phát triển du lịch.
Phát triển DLCĐ cần đáp ứng yêu cầu bền vững là mục đích của các địa phương. Hoạt động du lịch được thực hiện phải do cộng đồng sở hữu và điều hành, quản lý hoặc điều phối ở cấp cộng đồng nhằm góp phần mang lại hạnh phúc cho cộng đồng thông qua hỗ trợ sinh kế bền vững và bảo vệ truyền thống văn hóa xã hội có giá trị cũng như tài nguyên di sản văn hóa và thiên nhiên.
2. Căn cứ đề xuất mô hình DLCĐ tại xã Thạnh An
Chính sách phát triển du lịch của Trung ương và địa phương
Phát triển DLCĐ phải gắn với phát triển kinh tế, xã hội của cộng đồng dân cư bản địa. Điều 6, Luật Du lịch, phát triển DLCĐ phải hướng đến “Cộng đồng dân cư có quyền tham gia và hưởng lợi ích hợp pháp từ hoạt động du lịch; có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên du lịch, bản sắc văn hóa địa phương; giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường. Cộng đồng dân cư được tạo điều kiện để đầu tư phát triển du lịch, khôi phục và phát huy các loại hình văn hóa, nghệ thuật dân gian, ngành, nghề thủ công truyền thống” (2).
Phát triển DLCĐ tại Thạnh An là điểm du lịch của Khu Du lịch Cần Giờ. Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, đã xác định phát triển du lịch TP.HCM gắn với khu rừng Sác Cần Giờ và phát triển du lịch Cần Giờ thành khu du lịch quốc gia.
TP.HCM phát triển theo hướng trở thành “trung tâm du lịch và trung chuyển khách du lịch, phát triển các loại hình du lịch mua sắm, du lịch hội nghị, du lịch khám chữa bệnh, du lịch ẩm thực; đẩy mạnh phát triển du lịch nội địa” (3).
Theo tinh thần của quy hoạch tổng thể du lịch quốc gia và định hướng phát triển du lịch TP.HCM, đầu tư phát triển du lịch Cần Giờ để “trở thành khu du lịch trọng điểm quốc gia với những sản phẩm mang đặc trưng của thành phố biển, trong đó chú trọng phát triển du lịch sinh thái rừng, sinh thái nông nghiệp và sinh thái biển” (4).
Riêng đối với phát triển DLCĐ tại Thạnh An, Sở Du lịch và chính quyền địa phương đã có văn bản chỉ đạo cụ thể cho người dân và cán bộ. Phát triển DLCĐ tại Thạnh An nhằm “thiết lập một điểm đến mang tính du lịch cộng đồng”, “phát huy được các giá trị tài nguyên du lịch và giá trị bản địa thành một điểm nhấn thu hút khách du lịch đến khám phá trải nghiệm xã Thạnh An” (5).
Căn cứ vào kết quả phân tích, đánh giá tiềm năng phát triển du lịch tại xã Thạnh An
Tác giả đã sử dụng thang đo Likert với 5 mức độ cảm nhận sự hấp dẫn của 150 du khách đối với các loại tài nguyên du lịch tại xã Thạnh An: 1. Rất không đồng ý; 2. Không đồng ý; 3. Bình thường; 4. Đồng ý; 5. Rất đồng ý. Kết quả theo bảng sau
Bảng 1: Mức độ cảm nhận của du khách đối với các tài nguyên du lịch ở Thạnh An - Nguồn: Phạm Viết Hồng, 2021
Kết quả thống kê trung bình mức độ cảm nhận của du khách về các tài nguyên du lịch (bảng 1) cho thấy có 3 yếu tố đo được mức độ đánh giá trên mức “đồng ý” là bờ biển Thạnh An (4,1) tập quán văn hóa dân cư (4,3) và ẩm thực (4,6). Kết quả đánh giá này cũng được sự đồng thuận của cộng đồng dân cư và các nhà quản lý địa phương.
Đánh giá chung về tài nguyên du lịch ở xã Thạnh An
Các giá trị chủ yếu của tiềm năng tài nguyên du lịch
Tiềm năng tài nguyên du lịch có một số giá trị nổi trội, đặc trưng không bị trùng lặp với tiềm năng ở các địa phương khác của TP.HCM. Tính chất cửa sông, tính chất đảo, tập quán văn hóa dân cư, ẩm thực và nghề làm muối, nuôi hàu có sức hấp dẫn cao đối với nhu cầu du lịch. Giá trị của hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái cửa sông - đảo và hệ sinh thái dân cư biển - đảo có sức hấp dẫn lớn. Ưu thế này sẽ có cơ hội phát huy trong bối cảnh Thạnh An nằm gần trung tâm TP.HCM, nơi có nhu cầu du lịch sinh thái lớn do mức độ tập trung dân số đông và môi trường sống nhiều áp lực. Tiềm năng tài nguyên du lịch đa dạng và phân bố tập trung thành 2 khu vực chính là đảo Thạnh An và cù lao Thiềng Liềng. Mỗi khu vực đều có 4 đến 5 loại tài nguyên có tiềm năng phát triển thành điểm du lịch.
Sức chứa của tài nguyên du lịch nhỏ. Dọc bờ biển đảo Thạnh An và làng nghề làm muối ở ấp Thiềng Liềng có thể chứa tối đa cho khoảng 800-1.000 lượt khách. Còn lại hầu hết các tài nguyên du lịch khác đều có quy mô nhỏ, chỉ đảm bảo cho khoảng 100-200 lượt khách.
Các thách thức đối với bảo vệ tiềm năng tài nguyên du lịch
Tình trạng cư trú: Khu vực đảo Thạnh An có mật độ dân số cao khoảng 9.000 người/ km2 nên không gian trống trên đảo đang bị thu hẹp. Bộ phận nhà ở ven trục chính của đảo đã bị “đô thị hóa” làm phai mờ dấu vết của làng ngư. Không gian dành cho du lịch (nghỉ ngơi, trải nghiệm, giải trí…) đang thu hẹp.
Xu hướng thay đổi văn hóa: Xu thế hội nhập ngày càng tăng và sự tác động của lối sống vật chất đang làm suy giảm các quan hệ cộng đồng mang đặc trưng của văn hóa dân cư biển - đảo có giá trị cao đối với phát triển du lịch.
Vấn đề bảo vệ môi trường: Tình trạng chất thải sinh hoạt chưa được thu gom còn phổ biến. Đã xuất hiện các biểu hiện suy giảm hệ sinh thái rừng ngập mặn, ô nhiễm nguồn nước sông, biển do chất thải từ thượng nguồn hệ thống sông Đồng Nai.
Vấn đề giao thông và quá tải khách du lịch: Thực trạng vận chuyển đường thủy đến Thạnh An đang là thách thức lớn đối với phát triển du lịch. Thời gian di chuyển, chất lượng đi tàu và tính an toàn chưa thật sự tạo được cảm nhận tốt cho khách du lịch.
3. Đề xuất mô hình phát triển DLCĐ ở xã Thạnh An
Mục đích
Căn cứ tiềm năng, thực trạng và tầm nhìn, mục đích phát triển du lịch ở Thạnh An nhằm: Sử dụng hiệu quả tài nguyên du lịch và các nguồn lực lao động, cơ sở hạ tầng, vốn dân cư để tạo được sinh kế mới - dịch vụ du lịch nhằm tăng thu nhập, cải thiện đời sống dân cư xã đảo. Hình thành được cơ chế hoạt động giữa dân cư địa phương với các công ty du lịch nhằm đảm bảo chia sẻ lợi ích và chi phí một cách công bằng. Quản lý hoạt động du lịch đáp ứng được yêu cầu bảo vệ tài nguyên, môi trường. Duy trì và tăng giá trị bền vững các tài nguyên du lịch. Phát huy được hiệu ứng của phát triển du lịch đối với phát triển kinh tế, xã hội. Mở rộng các ngành nghề dịch vụ, giải quyết việc làm tại chỗ nhằm tăng thu nhập. Nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với tài nguyên môi trường, văn hóa truyền thống, giao tiếp xã hội. Đảm bảo trật tự trị an và an ninh quốc phòng vùng biên cương.
Phạm vi không gian DLCĐ
Không gian DLCĐ Thạnh An phân chia thành 2 khu vực:
Khu vực trải nghiệm nghề và hệ sinh thái rừng ngập mặn: Đây là khu vực nằm ở phía Bắc và chiếm 99,5% diện tích của xã Thạnh An - ấp Thiềng Liềng. Cộng đồng dân cư ở Thiềng Liềng gồm 261 hộ gia đình, trong đó 151 hộ làm muối, 2 hộ nuôi thủy sản, 1 hộ làm nghề dịch vụ lưu trú và 107 hộ làm nghề tự do. Ấp Thiềng Liềng là nơi tập trung chủ yếu diện tích rừng ngập mặn và mạng lưới sông rạch dày đặc còn bảo tồn được tính tự nhiên hoang sơ. Hoạt động sinh kế chủ yếu dựa vào làm muối và nuôi trồng, đánh bắt thủy sản truyền thống. Phong tục tập quán dân cư mang đậm đặc điểm văn hóa dân cư biển đảo. Do vậy, ấp Thiềng Liềng có tiềm năng lớn để phát triển loại hình du lịch khám phá hệ sinh thái ngập nước và du lịch trải nghiệm văn hóa biển đảo. Khách du lịch tham gia sinh hoạt, ẩm thực và làm muối, nuôi trồng thủy sản với các hộ gia đình để cảm nhận được văn hóa đặc thù của dân cư biển đảo Thạnh An.
Khu vực khám phá văn hóa biển đảo: Đây là hòn đảo nhỏ chỉ khoảng 0,7km2 nằm biệt lập giữa, gồm 2 ấp Thạnh Hòa và Thạnh Bình. Khu vực này có chức năng bổ trợ cho hoạt động trải nghiệm ở Thiềng Liềng. Hoạt động du lịch gồm khám phá, trải nghiệm tín ngưỡng tâm linh, phong tục tập quán sinh hoạt, thưởng thức ẩm thực, ngắm cảnh, nghỉ ngơi giải trí. Ngoài ra, còn hướng đến phục vụ nhóm khách du lịch trong ngày chỉ có nhu cầu tham quan khám phá văn hóa biển đảo.
Thành phần tham gia DLCĐ
Phát triển DLCĐ đạt hiệu quả cao, cần thiết phải có sự tham gia của cộng đồng bản địa, chính quyền và các doanh nghiệp du lịch.
Cộng đồng dân cư địa phương: Là thành phần chính của DLCĐ, gồm toàn bộ dân cư xã Thạnh An. Đây là thành phần sở hữu nguồn vốn xã hội đối với phát triển DLCĐ. Dân cư địa phương không chỉ là chủ thể hình thành nên tài nguyên du lịch mà còn có vai trò bảo tồn giá trị của tài nguyên và cung cấp dịch vụ du lịch. Sự tham gia của cộng đồng địa phương vào các hoạt động du lịch được coi là thành phần cơ bản. Cộng đồng dân cư tham gia DLCĐ thành 3 nhóm: các hộ gia đình có khả năng tiếp nhận khách du lịch trải nghiệm; các hộ gia đình và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bổ trợ khách du lịch; các hộ và doanh nghiệp có ngành nghề sản xuất kinh doanh liên quan đến tài nguyên và môi trường DLCĐ. Mỗi nhóm hộ có chức năng và quyền lợi sau:
Nhóm 1, gồm các hộ tham gia trực tiếp các dịch vụ du lịch: Homestay, ăn, ở, hướng dẫn du khách khám phá, trải nghiệm và tham gia các công đoạn sản xuất…
Nhóm 2, gồm các hộ sản xuất và kinh doanh dịch vụ hàng hóa. Thông qua việc trao đổi thương mại và dịch vụ để chuyển đến cho du khách giá trị văn hóa địa phương: thân thiện, tin cậy, giá cả hợp lý.
Nhóm 3, gồm các hộ dân cư và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khác. Hoạt động của nhóm này không liên quan trực tiếp đến hành vi của du khách, nhưng có vai trò rất quan trọng tạo nên môi trường DLCĐ. Các hoạt động kinh tế và hành vi giao tiếp không những tác động đến tài nguyên du lịch mà còn liên quan đến cảm nhận của du khách đối với tour du lịch.
Ban quản lý DLCĐ: Là một tổ chức do cộng đồng lập ra dưới sự bảo trợ của chính quyền hoặc có sự tham gia của chính quyền gồm: đại diện hộ gia đình có tham gia trực tiếp hoạt động du lịch; ban tế tự cơ sở tâm linh; chính quyền xã, các tổ chức xã hội. Chức năng của Ban quản lý: thực hiện các thỏa thuận với các công ty du lịch; quản lý hoạt động du lịch và nguồn thu tài chính chung; phát triển năng lực du lịch; giải quyết mâu thuẫn cộng đồng liên quan đến du lịch.
Các công ty du lịch: Là thành phần ngoài cộng đồng địa phương có chức năng chủ yếu là kết nối thị trường du lịch với cộng đồng. Mục đích tham gia của các công ty du lịch chủ yếu hướng đến hiệu quả kinh tế. Ngoài việc kết nối thị trường du lịch, các công ty còn có khả năng góp phần nâng cao trình độ lao động và thúc đẩy đầu tư ở địa phương.
Chính quyền địa phương: gồm UBND xã Thạnh An, UBND huyện Cần Giờ và Sở Du lịch TP.HCM.
Sở Du lịch TP.HCM: Quản lý chuyên môn và hỗ trợ việc bảo vệ tài nguyên du lịch, đào tạo nguồn nhân lực, hoàn thiện chất lượng và quy mô cơ sở vật chất kỹ thuật và xây dựng quy hoạch phát triển DLCĐ bền vững.
UBND huyện Cần Giờ: Ban hành các chính sách quản lý phát triển DLCĐ ở xã Thạnh An, xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối Thạnh An với hệ thống kinh tế, xã hội của huyện.
UBND xã Thạnh An: Có chức năng quản lý việc sử dụng, bảo vệ rừng ngập mặn, tài nguyên mặt nước, văn hóa địa phương… là các nguồn lực quan trọng đối với phát triển DLCĐ. Ngoài ra, chính quyền xã là cơ quan đảm bảo an ninh trật tự và bảo trợ các hoạt động hợp pháp phát triển du lịch của cộng đồng và thực thi các dự án phát triển cơ sở hạ tầng.
Sản phẩm DLCĐ
Khám phá và trải nghiệm tín ngưỡng tâm linh biển đảo Thạnh An
Địa điểm: Lăng ông Thủy Tướng, miếu Bà, chùa Hưng Lợi ở ấp Thạnh Hòa; đình Thần Thạnh An và Thánh thất Cao đài ở ấp Thạnh Bình. Giá trị du lịch theo chủ đề này gồm tham quan các hiện vật, nghe giới thiệu về các truyền thuyết, thực hiện các hành vi về tín ngưỡng (thắp hương, cầu nguyện...).
Khám phá văn hóa dân cư biển đảo
Địa điểm: Cộng đồng dân cư khu vực đảo Thạnh An và ấp Thiềng Liềng. Giá trị của hoạt động này giúp cho khách du lịch tiếp nhận các giá trị văn hóa bản địa thông qua quan sát cảnh quan cư trú, các hoạt động của nghề ngư, mua bán hàng hóa, giao tiếp để nghe dân cư kể chuyện và trải nghiệm ẩm thực hải sản.
Tham quan, khám phá cảnh quan thiên nhiên biển đảo và giải trí
Địa điểm: Khu vực cửa sông Lòng Tàu; tuyến đê kè chắn sóng Thạnh Bình - Thạnh Hòa; hệ thống kênh rạch và rừng ngập mặn Thiềng Liềng. Khách có được thêm kiến thức thú vị, độc đáo về tự nhiên khi tham gia khám phá cửa sông, biển, đảo hệ sinh thái rừng ngập mặn.
Trải nghiệm nghề muối, nuôi trồng thủy sản và giải trí với hệ sinh thái rừng ngập mặn
Du lịch trải nghiệm tại Thạnh An tập trung theo 2 hình thức: Trải nghiệm nghề ngư (làm muối, nuôi trồng thủy sản, săn bắt các loài thủy sản tự nhiên); trải nghiệm hệ sinh thái rừng ngập mặn; trải nghiệm nghề ngư, khách du lịch được cùng ăn, ở, tham gia các công việc hằng ngày với hộ gia đình diêm dân và ngư dân; trải nghiệm hệ sinh thái rừng ngập mặn nhằm khám phá khu rừng ngập, di chuyển chuyến du ngoạn bằng vỏ lãi trên kênh rạch xuyên qua rừng, câu cá để cảm nhận được phần nào cuộc sống nguyên sơ của người dân khi đến sinh sống ở vùng đất này.
Cơ chế quản lý DLCĐ ở Thạnh An
Mô hình DLCĐ ở Thạnh An cần phải xác lập được các tiêu chuẩn sau:
Tiêu chuẩn về quyền sở hữu và quản lý cộng đồng: Các nội dung cốt lõi của tiêu chuẩn này nhằm đảm bảo Ban quản lý DLCĐ được cộng đồng đồng thuận; được chính quyền chấp nhận ra quyết định thành lập; quy trình quản trị hoạt động của DLCĐ có hiệu quả và minh bạch; cơ chế đầu tư và phân chia lợi nhuận giữa các thành phần tham gia DLCĐ đảm bảo công bằng.
Tiêu chuẩn đóng góp cho phúc lợi xã hội: Các thành phần tham gia DLCĐ phải có trách nhiệm đóng góp một phần để bổ sung vào phúc lợi chung. Tiêu chuẩn đóng góp cho phúc lợi xã hội cần được quy định cụ thể cho phúc lợi dân cư và cho các hoạt động duy trì bảo tồn và làm giàu các truyền thống văn hóa có giá trị, bảo vệ môi trường du lịch.
Tiêu chuẩn bảo tồn và cải thiện môi trường: gồm các nội dung sau: Xác lập các tiêu chuẩn bảo vệ: hệ sinh thái rừng ngập mặn; di tích tín ngưỡng, các giá trị của phong tục tập quán đặc trưng văn hóa biển đảo. Xác lập các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường: thu gom và xử lý rác thải, tôn tạo cảnh quan; xây dựng nếp sống văn minh, đảm bảo trật tự trị an, ngăn chặn tình trạng “chặt chém” khách du lịch.
Các tiêu chuẩn để khuyến khích sự tương tác giữa cộng đồng địa phương và khách: gồm các nội dung sau: Tương tác ngẫu nhiên giữa khách du lịch với dân cư: Những điều cần làm là sự nhiệt tình vui vẻ khi được yêu cầu giúp đỡ, thân thiện, trung thực và tôn trọng sự khác biệt của khách khi giao tiếp. Những điều không nên làm là thiếu tôn trọng, gây ồn ào, lạm dụng khách du lịch.
Tương tác nghiệp vụ du lịch: Đối với các hộ gia đình, bộ phận nhân sự có các hoạt động liên quan đến DLCĐ cần đồng thuận các tiêu chuẩn dịch vụ du lịch. Các tiêu chuẩn được xác lập các quy định nhằm bảo tồn tài nguyên, vệ sinh môi trường, giá cả dịch vụ, thái độ tiếp xúc…; Tiêu chuẩn chất lượng tour du lịch và dịch vụ hướng dẫn; tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng và chuyên môn của hướng dẫn viên địa phương; tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng của các chuyến tham quan và hoạt động của khách du lịch.
Tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng dịch vụ ăn uống: Nội dung tiêu chuẩn gồm các quy định nhằm đảm bảo tính minh bạch về nguồn gốc nguyên liệu, chất phụ gia, hương vị, giá cả. Chất lượng lao động đảm bảo yêu cầu về chuyên môn, thái độ văn minh lịch sự, nhiệt tình, hiếu khách và có trình độ ngoại ngữ giao tiếp; cảnh quan môi trường đảm bảo vệ sinh, an ninh trật tự.
Các tiêu chuẩn để đảm bảo chỗ ở: Cơ sở vật chất kỹ thuật, quy mô diện tích tối thiểu; an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, giá cả, lao động dịch vụ. Quản trị minh bạch: Lập sổ sách quản lý, công khai các quy định lưu trú, khai báo tạm trú, tạm vắng…
Các tiêu chuẩn để đảm bảo có tính luật pháp về hoạt động của các Công ty Du lịch (CTDL) thân thiện với cộng đồng.
Nội dung của tiêu chuẩn này gồm:
Tiêu chuẩn cam kết của CTDL thân thiện đối với các tiêu chuẩn phát triển DLCĐ bền vững: Công ty phải có các chứng nhận về năng lực phát triển du lịch bền vững (du lịch sinh thái; du lịch xanh; điều hành tour; Bộ Quy tắc ứng xử của Nhà điều hành tour DLCĐ Trung tâm ASEAN). Nhân viên có kiến thức vững chắc về du lịch bền vững và cách cung cấp dịch vụ tour du lịch chất lượng liên quan đến trải nghiệm môi trường, văn hóa và sinh kế địa phương. Đồng thuận với cộng đồng địa phương về tạo cơ hội an toàn cho du khách trải nghiệm cuộc sống cộng đồng và trao đổi kiến thức giữa chủ nhà và du khách.
Tiêu chuẩn về đóng góp của quỹ cho cộng đồng và bảo vệ thiên nhiên: CTDL phải ký kết thỏa thuận về mức đóng góp thu nhập đối với cộng đồng địa phương.
Các tiêu chuẩn về chức năng cung cấp trải nghiệm hài lòng và an toàn cho khách du lịch và cộng đồng: Thực thi dịch vụ đảm bảo đúng theo cam kết với khách du lịch.
4. Kết luận
Tiềm năng du lịch xã Thạnh An có mức độ hấp dẫn cao đối với thị trường du lịch ngắn ngày tại TP.HCM. Đây là điểm du lịch có quy mô trung bình với sức chứa phù hợp cho khoảng 500 lượt khách/điểm. Hiện trạng phát triển DLCĐ tại Thạnh An đang trong giai đoạn khởi đầu. Mô hình DLCĐ tại Thạnh An theo hướng bền vững cần đảm bảo: dân cư trong cộng đồng đạt được sự đồng thuận cao về sử dụng, bảo vệ tài nguyên rừng ngập mặn, giá trị văn hóa truyền thống và lợi ích họ nhận được từ DLCĐ. Các CTDL và cộng đồng địa phương cùng được hưởng lợi từ hoạt động du lịch và có trách nhiệm đối với các yêu cầu phát triển DLCĐ Thạnh An bền vững. Sở Du lịch TP.HCM, UBND huyện Cần Giờ, UBND xã Thạnh An xác lập được cơ chế hỗ trợ, giám sát các thỏa thuận giữa các thành phần tham gia DLCĐ Thạnh An.
__________________
1. Suansri. P, Sổ tay du lịch cộng đồng, Tour du lịch xã hội sinh thái có trách nhiệm (REST), Bangkok, 2003.
2. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật số 09/2017/QH14, ngày 19 -6-2017
3. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định: Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025, Quyết định số 2631/QĐ-TTg, ngày 31-12-2013.
4. Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Nghị quyết về định hướng phát triển huyện cần giờ đến năm 2030, Số: 12-NQ/TU, TP.HCM, ngày 26-9-2022.
5. UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Du lịch, Kế hoạch xây dựng và phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại xã Thạnh An, huyện Cần Giờ năm 2019, số 1299 SDL-QH, ngày 18- 9-2019.
Tài liệu tham khảo
1. ASEAN, ASEAN Community Based Tourism Standard (Tiêu chuẩn du lịch cộng đồng ASEAN), Ban thư ký ASEAN Jakarta, tháng 1- 2016.
2. Jane L, Brass và các cộng sự, Community Tourism Assessment Handbook (Cẩm nang Đánh giá Du lịch Cộng đồng), Nxb Đại học Bang Oregon, 1996.
3. K. F. Mearns & S. E. Lukhele, Addressing the operational challenges of community-based tourism in Swaziland (Xử lý những thách thức hoạt động của du lịch cộng đồng tại Swaziland), Tạp chí Khách sạn, Du lịch và Giải trí Châu Phi, 4 (1), 2015, tr.1-13.
4. Monika Nova, Community tourism - Development of rural areas in developing countries (Du lịch cộng đồng - Phát triển các vùng nông thôn ở các nước đang phát triển), Toàn cầu hóa và hậu quả kinh tế xã hội của nó 2020, SHS Web of Conferences 92, 07043 (2021).
5. Mtapuri, O. & Giampiccoli, A, Towards a comprehensive model of community-based tourism development (Hướng tới một mô hình phát triển du lịch dựa vào cộng đồng toàn diện), Tạp chí Địa lý Nam Phi, 98(1), 2016.
6. Xem thêm Phạm Viết Hồng, Đánh giá tiềm năng tài nguyên du lịch tại xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, Tạp chí Khoa học Đại học Sài Gòn, số 74, 2021.
7. P. Robinson, P. Wiltshier, Community tourism (Du lịch cộng đồng), Chủ đề nghiên cứu về du lịch, 87-99, 2011.
8. Timothy, D.J, Participatory planning: a view of tourism in Indonesia (Lập kế hoạch có sự tham gia: quan điểm về du lịch ở Indonesia), Biên niên sử nghiên cứu du lịch, 26 (2), 2009, tr.371-391.
9. Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam, Tài liệu hướng dẫn phát triển du lịch cộng đồng, Hà Nội, 2012.
PGS, TS PHẠM VIẾT HỒNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 581, tháng 9-2024