Bài viết giới thiệu tổng quan về đào tạo sau đại học ngành Du lịch tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (NTTU), cung cấp cho người đọc một bức tranh tổng thể liên quan đến quá trình đào tạo, bối cảnh đào tạo cũng như phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến cơ hội và thách thức trong quá trình đào tạo. Đồng thời, đề xuất các giải pháp phù hợp để tận dụng cơ hội và vượt qua các thách thức để thúc đẩy sự phát triển đào tạo sau đại học ngành Du lịch tại Nhà trường nói riêng và là bài học tham khảo cho các trường đại học khác có cùng chương trình đào tạo sau đại học ngành Du lịch trong cả nước nói chung.
Ảnh: ntt.edu.vn
1. Đặt vấn đề
NTTU là một trường đại học tư thục đa ngành, đa bậc học và đa cơ sở đào tạo, được thành lập từ Trung tâm đào tạo nghề may của Công ty Cổ phần Dệt may Sài Gòn vào năm 1999. Sau 25 năm phát triển, trường đã trở thành NTTU theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2011.
Khoa Du lịch tại NTTU được thành lập theo quyết định số 127/QĐ-NTT của Hiệu trưởng vào ngày 26-3-2013. Ban đầu, Khoa tập trung vào 4 chuyên ngành đào tạo cho các cấp bậc trung cấp, cao đẳng và cao đẳng nghề, bao gồm: Việt Nam học, Quản trị nhà hàng, Quản trị Khách sạn và Quản trị Lữ hành.
Trong quá trình phát triển, Khoa đã mở rộng danh sách ngành đào tạo. Năm 2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức cho phép Khoa đào tạo ngành Quản trị Khách sạn bậc đại học. Năm 2015, Khoa tiếp tục mở hai ngành Quản trị Nhà hàng và Dịch vụ ăn uống cùng với ngành Việt Nam học. Năm 2019, Khoa được phép mở rộng thêm các ngành như: Du lịch, Quan hệ công chúng và Tâm lý. Đặc biệt, sau khi đánh giá thành công chương trình đào tạo Quản trị Khách sạn, Khoa đã được phép đào tạo hệ thạc sĩ chuyên ngành Du lịch. Năm 2021, Khoa thành lập bộ môn Quan hệ Quốc tế. Đến năm 2023, với nỗ lực không ngừng của Ban chủ nhiệm Khoa, cùng đội ngũ giảng viên và tập thể Nhà trường, Khoa Du lịch đã mở chương trình đào tạo sau đại học ngành Du lịch bậc tiến sĩ.
Trong quá trình đào tạo, việc xác định và đảm bảo chất lượng đào tạo là rất quan trọng, đóng vai trò then chốt trong việc tạo ra lực lượng lao động có chất lượng cho xã hội. Khoa Du lịch luôn tập trung vào việc cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Do đó, công tác cập nhật, phát triển và đánh giá chương trình đào tạo của ngành Du lịch luôn được Khoa quan tâm hàng đầu. Đặc biệt, với chương trình đào tạo ngành Du lịch hệ sau đại học, việc liên tục cải tiến và điều chỉnh chương trình đào tạo là rất cần thiết để đáp ứng sự phát triển của nền khoa học và công nghệ, nhu cầu thực tiễn của xã hội, cũng như những tiến bộ mới trong ngành.
Tính đến tháng 5-2024, việc đào tạo sau đại học chuyên ngành Du lịch đã được phát triển mạnh mẽ tại nhiều trường đại học trên khắp cả nước. Ở miền Bắc, đáng chú ý phải kể đến các trường như: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân... Ở miền Trung, có sự đóng góp quan trọng từ Trường Đại học Duy Tân, Trường Đại học Nha Trang... Miền Nam nổi bật với nhiều trường đại học như: Trường NTTU, Trường Đại học Công nghệ TP.HCM, Trường Đại học Hoa Sen, Trường Đại học Văn Lang, Trường Đại học Văn Hiến, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), Trường Đại học Tây Đô… Tuy nhiên, khi nói đến đào tạo sau đại học bậc tiến sĩ chuyên ngành Du lịch, hiện nay chỉ có Khoa Du lịch, NTTU ở phía Nam (cùng với Trường Du lịch Huế ở miền Trung và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội ở miền Bắc là các cơ sở đào tạo bậc này.
Trong bối cảnh phát triển của hệ thống giáo dục đào tạo sau đại học chuyên ngành Du lịch tại Việt Nam, việc nghiên cứu và đánh giá những điểm tương đồng, khác biệt cũng như phân tích cơ hội và thách thức trong quá trình đào tạo là cần thiết. Mục tiêu của việc này là phục vụ tốt nhất nhu cầu của người học cũng như đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.
Để thực hiện nghiên cứu, nhóm tác giả đã tiến hành thu thập dữ liệu thứ cấp liên quan đến đào tạo sau đại học tại Khoa Du lịch, NTTU. Nhóm tác giả đã thu thập và phân tích thống kê mô tả trước khi tiến hành phân tích theo mô hình PESTEL (Political - chính trị, Economic - kinh tế, Social - xã hội, Technological - công nghệ, Environmental - môi trường, Legal - pháp lý). Cụ thể, số liệu về đào tạo sau đại học hệ cao học chủ yếu tập trung vào phân tích các chỉ số như tỷ lệ nhập học (đầu vào), tỷ lệ tốt nghiệp (đầu ra) và tỷ lệ người học hiện tại. Riêng với số liệu về đào tạo nghiên cứu sinh, tác giả chỉ phân tích đặc điểm nhân khẩu học của người học, vì hệ đào tạo này mới chính thức triển khai từ năm 2023 cho tới nay, tức là chưa có dữ liệu về tỷ lệ tốt nghiệp. Mô hình PESTEL được nhóm tác giả sử dụng để phân tích theo 6 yếu tố, nhằm chỉ ra các cơ hội và thách thức trong quá trình đào tạo, đảm bảo chất lượng đào tạo, cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.
Từ những kết quả thu được, nghiên cứu đã giới thiệu tổng quan về đào tạo sau đại học ngành Du lịch, phân tích những cơ hội và thách thức trong quá trình đào tạo sau đại học ngành Du lịch tại NTTU với mong muốn hoàn thiện chương trình đào tạo, từ đó đáp ứng tốt nhất nhu cầu của xã hội trong thời gian sắp tới.
2. Giới thiệu về mô hình PESTEL
Tác giả đã tiến hành thu thập dữ liệu thứ cấp một cách có hệ thống và áp dụng mô hình PESTEL để tiến hành phân tích các yếu tố tác động đến hoạt động đào tạo để từ đó thảo luận các cơ hội và thách thức cần phải vượt qua trong quá trình đào tạo.
Mô hình PESTEL ra đời từ năm 1967, là phương pháp để xác định và phân tích các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến hoạt động và khả năng tham gia vào thị trường của doanh nghiệp. Mặc dù mô hình PESTEL ban đầu được phát triển cho doanh nghiệp, nhưng trong thời đại ngày nay, các cơ sở đào tạo đều cần phải đáp ứng nhu cầu của thị trường (xã hội). Do đó, mô hình này cũng có thể áp dụng cho các trường đại học, đặc biệt là các trường đại học tư thục.
Mô hình PESTEL bao gồm 6 yếu tố chính: 1) Yếu tố chính trị (Politics): bao gồm luật pháp, chính sách, quy định, cơ quan quản lý, các vấn đề chính trị, chính sách thuế, và các biến đổi liên quan đến quy định; 2) Yếu tố kinh tế (Economics): bao gồm môi trường kinh tế chung, thuế, tỷ lệ lạm phát, sự thay đổi trong chi tiêu của người tiêu dùng, chuỗi cung ứng, đường cầu và tình hình kinh tế toàn cầu; 3) Yếu tố xã hội (Social): bao gồm nhân khẩu học, thái độ và ý kiến của người tiêu dùng, tỷ lệ tăng dân số, thay đổi văn hóa - xã hội, xu hướng sắc tộc, tôn giáo, tiêu chuẩn sống, giáo dục và phương tiện truyền thông; 4) Yếu tố công nghệ (Technology): bao gồm các thay đổi công nghệ như AI, AR, VR, tiền điện tử, công nghệ làm việc tại nhà, phát triển của AI và lo ngại về an ninh mạng; 5) Yếu tố môi trường (Environment): bao gồm thời tiết, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, sự nóng lên toàn cầu, hiệu ứng nhà kính và các vấn đề môi trường khác; 6) Yếu tố pháp lý (Legal): tập trung vào các luật mà doanh nghiệp trực tiếp sử dụng trong các hoạt động kinh doanh.
3. Kết quả phân tích PESTEL và thảo luận
Bảng 1: Kết quả phân tích PESTEL gắn với ngành Du lịch và đào tạo du lịch
Qua phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến ngành Du lịch nói chung và đào tạo du lịch nói riêng (Bảng 1), nhóm tác giả đã rút ra được những cơ hội và thách thức sau:
Cơ hội
Trước hết, các chính sách hỗ trợ từ chính phủ như Nghị quyết số 08-NQ/TW, Luật Du lịch 2017 và Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ngành Du lịch Việt Nam. Sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024 cũng đang được dự báo tăng lên, tạo điều kiện thuận lợi cho người học ngành Du lịch. Ngoài ra, sự đa dạng trong chuỗi cung ứng đào tạo từ các cơ sở đào tạo du lịch cũng mở ra nhiều lựa chọn cho người học, giúp họ có thể lựa chọn chương trình phù hợp với nhu cầu và sở thích của mình. Sự phát triển của công nghệ 4.0 cũng tạo ra cơ hội cho người học được trang bị với kiến thức và kỹ năng mới nhất về công nghệ trong du lịch.
Thách thức
Tình hình dịch bệnh COVID-19 đã gây ảnh hưởng lớn đến ngành Du lịch trên thế giới và Việt Nam, gây khó khăn cho việc tìm kiếm cơ hội thực tập và việc làm cho người học ngành Du lịch. Ngoài ra, các thách thức khác như chính sách visa chưa linh hoạt, tình hình an ninh chính trị thế giới còn bất ổn, cũng như sự cạnh tranh khốc liệt giữa các cơ sở đào tạo cũng là những thách thức đối với người học và các cơ sở đào tạo ngành Du lịch. Sự chuyển đổi số trong du lịch đòi hỏi sự nắm bắt và áp dụng công nghệ mới, điều này có thể là thách thức đối với người học và đội ngũ giảng dạy, quản lý không có kiến thức và kỹ năng về công nghệ. Cuối cùng, yêu cầu về nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng thực tiễn của giảng viên và người làm trong ngành Du lịch cũng đang tăng lên, đặt ra thách thức trong việc đảm bảo chất lượng đào tạo.
4. Kết luận
Bài viết đã cung cấp những thông tin tổng quan về quá trình đào tạo sau đại học ngành Du lịch tại NTTU, bao gồm bối cảnh đào tạo, các thông tin về đào tạo cả 2 bậc thạc sĩ và tiến sĩ du lịch. Tác giả đã sử dụng mô hình PESTEL để phân tích yếu tố ảnh hưởng, cũng như các cơ hội và thách thức mà quá trình đào tạo này đối diện. Đồng thời, đã chỉ ra những cơ hội từ chính sách phát triển du lịch của Nhà nước và chiến lược phát triển ngành Du lịch của trường, còn có những thách thức mà NTTU cần phải vượt qua, chẳng hạn như vấn đề đảm bảo chất lượng đào tạo, vấn đề nguồn nhân lực giảng dạy cần đáp ứng nhu cầu đào tạo của ngành và vấn đề cạnh tranh với các cơ sở đào tạo khác. Kết quả phân tích này đặt ra các giải pháp mà NTTU cần thực hiện nhằm tận dụng cơ hội và vượt qua các thách thức, từ đó, thúc đẩy sự phát triển của chương trình đào tạo sau đại học ngành Du lịch tại NTTU cũng như đóng góp kinh nghiệm cho các trường đại học khác có cùng chương trình đào tạo trong cả nước.
_______________
Tài liệu tham khảo
1. Tổng cục Thống kê, Tổng quan dự báo tình hình kinh tế thế giới quý I và cả năm 2024, gso.gov.vn, 29-3-2024.
2. Viện đào tạo Sau đại học, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (Tác giả tự liên lạc trực tiếp để thu thập nguồn số liệu này), Số liệu thống kê người học bậc thạc sĩ và tiến sĩ, 2024.
3. Yüksel, I., Developing a multi-criteria decision making model for PESTEL analysis (Phát triển mô hình ra quyết định đa tiêu chí cho phân tích PESTEL), International Journal of Business and Management (Tạp chí quốc tế về Kinh doanh và Quản lý), 7(24), 52, 2012.
TS NGUYỄN VĂN HOÀNG - TS HÁN DƯƠNG HẢI ĐĂNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 581, tháng 9-2024