Du lịch cộng đồng (DLCĐ) đóng vai trò quan trọng trong phát triển đời sống sinh kế cũng như bảo tồn văn hóa và sinh thái của cộng đồng địa phương. Nghiên cứu này tập trung vào khám phá các tiềm năng cơ bản và đánh giá thực trạng của DLCĐ tỉnh Quảng Ngãi. Tác giả đã tiến hành thực địa và phỏng vấn sâu với 16 doanh nghiệp, cộng đồng, chính quyền địa phương và người dân địa phương. Kết quả cho thấy, du lịch nói chung và DLCĐ ở địa phương nói riêng còn rất sơ khởi và chưa thật sự phát triển dù có tiềm năng và bản sắc đặc sắc. Do đó, nghiên cứu này đề xuất một số giải pháp cho phát triển mô hình DLCĐ cho địa phương.
Làng nghề thổ cẩm Làng Teng, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi - Ảnh: baoquangngai.vn
Đặt vấn đề
Quảng Ngãi là một tỉnh ven biển tại miền Trung Việt Nam, thuộc vùng kinh tế trọng điểm Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Bình Định. Nơi đây nổi tiếng với nghề trồng mía đường truyền thống. Địa hình tỉnh gồm núi non trùng điệp của dãy Trường Sơn, đồng bằng ven biển và bờ biển dài. Vị trí địa lý thuận lợi, cách Hà Nội khoảng 883km về phía Bắc và cách TP.HCM 838km về hướng Nam.
Quảng Ngãi có đường bờ biển dài, vùng lãnh hải rộng lớn với 6 cửa biển và nhiều bãi biển đẹp. Đây là lợi thế to lớn để phát triển kinh tế biển và du lịch biển đảo. Tỉnh Quảng Ngãi cũng nằm trong khu vực động lực Nam Trung Bộ, nơi đặt nhà máy lọc dầu Dung Quất - nhà máy lọc dầu đầu tiên của cả nước.
Quảng Ngãi có bề dày lịch sử, văn hóa đa dạng từ Champa, Sa Huỳnh đến Đại Việt. Hiện nay, có 31 di tích quốc gia, 108 di tích cấp tỉnh được trùng tu, tôn tạo. Nhiều di tích được khai thác phục vụ du lịch như Trường Lũy, khảo cổ Sa Huỳnh. Bên cạnh đó là các cảnh quan, danh lam thắng cảnh hấp dẫn du khách.
Quảng Ngãi cũng là vùng đất có làng nghề truyền thống đa dạng như dệt thổ cẩm, chiếu cói, chằm nón lá, chế biến mắm, gốm sứ. Ẩm thực địa phương nổi tiếng với nhiều món hải sản, đặc sản tỏi đảo Lý Sơn.
Quảng Ngãi là một địa phương giàu tiềm năng để phát triển đa dạng các loại hình du lịch. Với đường bờ biển dài 105km từ An Tân đến Sa Huỳnh, sở hữu nhiều bãi biển đẹp như Mỹ Khê, Khe Hai, thích hợp cho hoạt động du lịch nghỉ dưỡng và tắm biển. Bên cạnh đó, Quảng Ngãi cũng nổi bật với các di tích văn hóa đặc sắc như di chỉ khảo cổ Sa Huỳnh, chùa Ông có sự kết hợp kiến trúc Trung Hoa và Việt Nam, chùa Thiên Ấn và di sản Champa với thành cổ Châu Sa. Đặc biệt, các di tích lịch sử cách mạng như Ba Tơ, Trà Bồng, Ba Gia, Vạn Tường, khu di tích Sơn Mỹ đã để lại dấu ấn sâu đậm qua hai cuộc kháng chiến, tạo tiềm năng cho du lịch tâm linh, lịch sử, văn hóa, nghiên cứu và giáo dục.
Với nguồn tài nguyên và di sản văn hóa phong phú, Quảng Ngãi có nhiều tiềm năng phát triển DLCĐ. Tuy nhiên, hoạt động khai thác du lịch tại các làng nghề, cộng đồng vẫn còn khá khiêm tốn. Cần có những đánh giá, quy hoạch và giải pháp phát triển hợp lý để khai thác hiệu quả tiềm năng này, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững cho tỉnh.
Nhận diện hoạt động phát triển DLCĐ tại tỉnh Quảng Ngãi
Tác giả khảo sát 2 mô hình ở làng nghề thổ cẩm Làng Teng và làng cổ Gò Cỏ.
Làng nghề thổ cẩm Làng Teng
Làng Teng nằm cạnh quốc lộ 24, thuộc xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi và cách thành phố Quảng Ngãi 53km về phía Bắc. Là một huyện miền núi ở phía Tây và Tây Nam, có độ cao từ 300-1.800m so với mặt nước biển. Nơi đây có nhiều núi hiểm trở, làng nằm cạnh sông Liêng chảy theo hướng Tây Nam - Đông Bắc. Hiện làng có khoảng hơn 200 hộ, đa số là người dân tộc H’rê, với diện tích là 1,48ha.
Làng Teng là khu bảo tồn và gìn giữ giá trị văn hóa của dân tộc người H’rê và là làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Nghề dệt truyền thống này được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Làng Teng là ngôi làng duy nhất có nghề trồng bông, dệt thổ cẩm và cung cấp trang phục thổ cẩm cho phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số tại vùng này, hay bán các mặt hàng thổ cẩm... Bên cạnh đó, còn có các mặt hàng khác gắn liền với đời sống dân tộc H’rê như: nỏ, chiêng, gùi tre hay kiềng đồng - một loại trang sức của người đồng bào. Ngoài ra, Làng Teng còn có Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ.
Nhà văn hóa của Làng Teng trưng bày các vật dụng sưu tầm, phục hồi nghề chế tạo các công cụ sinh hoạt và lao động sản xuất cổ truyền của người dân trong làng, bên cạnh đó tại nhà văn hóa còn tổ chức các hoạt động truyền dạy nghề dệt thổ cẩm, dân ca, dân nhạc… Làn điệu Ka-choi và Ka-lêu là làn điệu dân ca đặc trưng của người dân tộc H’rê mà khi đến Làng Teng, du khách có thể thưởng thức. Văn hóa cồng chiêng vẫn được Làng Teng giữ gìn và phát huy. Những nghi lễ truyền thống của Làng Teng mang lại đậm chất văn hóa của người H’rê như lễ cúng trâu - còn được gọi là lễ ăn trâu, lễ hội mừng lúa mới.
Món ăn đặc trưng của Làng Teng được chế biến theo ẩm thực miền núi như: cá niêng nướng, ốc đá nấu rau ranh, heo ky, gà re và các loại rau rừng, kèm theo đó là hương vị rượu cần truyền thống. Vào dịp Tết, có bánh lá dong được làm bằng nếp trồng trên rẫy. Cùng với bánh lá dong, rượu cần là một loại thức uống truyền thống hấp dẫn, không thể thiếu.
Hiện nay, Làng Teng có rất nhiều hoạt động DLCĐ, người dân trong làng đã phục dựng lại nhiều phong tục truyền thống như dạy đánh cồng chiêng, dạy làm các loại bánh và ẩm thực H’rê, thưởng thức rượu cần, dạy dệt vải và các hoạt động khác nhằm bảo tồn những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể.
Mùa cao điểm tại làng từ cuối tháng 3 đến tháng 8 vì thời tiết khô ráo, còn lại mùa thấp điểm là từ cuối tháng 8 đầu tháng 9 đến tháng 3 năm sau, vì khoảng thời gian này có mưa bão. Làng Teng khai thác được một số loại hình du lịch: DLCĐ, du lịch tham quan, tìm hiểu văn hóa lịch sử... Tại làng hầu như chưa có đơn vị nào kinh doanh du lịch, hầu hết khách du lịch đến với làng theo hình thức tự tổ chức hoặc là thông qua các công ty du lịch khác. Nguồn nhân lực tại Làng Teng là người dân của làng, kể cả nhân viên tại Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ; những người trẻ tại làng học ở nơi khác rồi về công tác tại địa phương; vẫn còn khá ít hướng dẫn viên có chuyên môn tại điểm đến.
Vào giai đoạn 2016-2019, lượng khách đến với Quảng Ngãi thu hút hơn 3,6 triệu lượt. Trong đó, khách quốc tế đạt 315.000 lượt. Vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, năm 2020 lượng khách đến với Quảng Ngãi có chiều hướng giảm mạnh. Nên lượng khách đến các điểm du lịch trong tỉnh có xu hướng giảm, trong đó Làng Teng bị ảnh hưởng mạnh. Nguồn khách chủ yếu đến với Làng Teng là từ những tỉnh, thành phố lân cận hoặc người dân tại trung tâm thành phố Quảng Ngãi muốn trải nghiệm DLCĐ và một số khách nước ngoài muốn trải nghiệm loại hình du lịch này.
Hiện tại, Làng Teng chỉ là một điểm tham quan dừng chân trong chuyến du lịch của du khách. Du khách chủ yếu muốn tìm hiểu về làng nghề truyền thống chứ chưa có cơ sở lưu trú để khách có thể lưu trú. Tuy chưa có cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống tại làng, nhưng vẫn có một vài hộ gia đình tự phát cung cấp dịch vụ này với quy mô nhỏ và khá đơn xơ.
Thực hiện Dự án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thôn Làng Teng triển khai xây dựng trên diện tích 1,48ha. Đây là dự án gồm các công trình hạng mục: không gian sinh hoạt, nhà văn hóa, phục dựng 3 nhà truyền thống, kho lúa, chuồng trâu, cây nêu ngày Tết và các hạng mục khác… giúp cho du lịch tại thôn Làng Teng phát triển, thu hút du khách và giúp cho du khách hiểu rõ hơn về văn hóa sinh hoạt của người dân.
Thanh niên Làng Teng cũng thực hiện loại hình du lịch thanh niên với nhiều chương trình như: giới thiệu đời sống văn hóa của người dân tộc H’rê; phục dựng và tái hiện lại đời sống của người dân Làng Teng; tổ chức các hoạt động ca múa, hát, trình diễn các âm điệu bản sắc từ xa xưa của đồng bào dân tộc H’rê... phát huy, quảng bá được hình ảnh, văn hóa của đồng bào H’rê đến với người dân, du khách gần xa, thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương.
Làng cổ Gò Cỏ
Làng Gò Cỏ nằm cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi khoảng 45km về phía Nam, nằm sát bên đầm An Khê và bờ biển Sa Huỳnh. Làng Gò Cỏ là ngôi làng cổ xưa, được đánh giá là một di sản nghìn năm, hội tụ tinh hoa của 3 nền văn hóa Sa Huỳnh, Champa và Đại Việt. Nơi đây không bị bão hòa bởi sự đô thị hóa mà vẫn giữ cho mình một nét hoang sơ, chân chất hiếm có. Đặc biệt, người dân nơi đây lại chính là những hậu duệ tiếp theo của nền văn hóa cổ đại Sa Huỳnh, rất thật thà, chất phát, yêu ca hát, những làn điệu dân ca sinh ra từ lao động. Ghé lại một xóm nhỏ uống nước dừa, hướng tầm mắt ra biển, dễ nhận thấy đá là đặc trưng tiêu biểu của người Champa và nghe như đá đang “kể chuyện” nghìn năm. Người trong làng thường dùng các vật dụng đan lát bằng tre như nong, nia, rổ, thúng, kể cả những chiếc mũ cũng đan bằng lá dừa rất thú vị. Đó đều là những sản phẩm thân thiện với môi trường.
Làng Gò Cỏ có tài nguyên du lịch biển rất phong phú. Đứng từ trên cao nhìn xuống, bãi biển Gò Cỏ như một điểm nổi bật làm sáng lên bức tranh làng Gò Cỏ. Biển Gò Cỏ là một trong số ít những bãi biển dọc khắp dải miền Trung còn giữ được sự hoang sơ của thảm thực vật tự nhiên ven bờ, một vài loài cây nổi bật như dứa rừng, ô rô gai, chà là, cam đường, bàng, phong ba, lưỡi hùm, chà vọng.
Làng Gò Cỏ có các công trình kiến trúc bằng đá, được xem là dấu tích về sự tồn tại của người Champa cổ đại, đá được hiện diện ở khắp mọi nơi trong làng. Đá là chất liệu để hình thành nên các công trình gắn liền với cuộc sống sinh hoạt của người dân như bờ rào, giếng cổ, bờ suối, đường đá cổ... Những công trình này, cùng nhiều dấu tích khác bằng đá còn sót lại trên khắp dải đất Sa Huỳnh như bia ký, cầu đá, giếng Chăm vuông là minh chứng cho sự tồn tại của người Champa, lớp người đã sinh sống trên dải đất Sa Huỳnh trước khi người Việt di cư tới. Ngoài ra, dấu tích được người Champa để lại tại làng Gò Cỏ còn có những giếng cổ. Hiện còn tồn tại 12 giếng cổ được phân bố rải rác trong phạm vi Công viên di sản làng Gò Cỏ. Đặc điểm chung của các giếng là thành giếng được tạo bởi đá granite xếp tầng một cách tự nhiên. Giếng được xây trên nền đá cứng, trên miệng các mạch nước ngầm và bên các con suối nhỏ chảy từ vùng gò cao. Trong 12 giếng cổ, một vài giếng được hình thành từ thời kỳ người Champa còn sinh sống tại làng (khoảng từ TK VII-XV). Trước khi tổ tiên của người dân Gò Cỏ tới sinh sống tại làng, họ đã thấy sự tồn tại của những chiếc giếng này, đó là các giếng: giếng bà Thướng, giếng bà Mia, giếng ông Lịch… Các giếng được gọi theo tên của người chủ vùng đất mà giếng đặt tại đó. Còn lại là các giếng do người Việt đào, kế thừa lối kiến trúc của giếng Chăm, tức là kiến trúc đá xếp tầng với vị trí giếng trên các mạch nước ngầm. Có thể kể đến một số giếng đẹp như: giếng ông Đường, giếng ông Quảng, giếng Bồ Đề, giếng ông Liên, giếng ông Tích…
Nếu trên thế giới có công viên địa chất toàn cầu - danh hiệu được vinh danh bởi UNESCO, thì làng Gò Cỏ như một công viên địa chất thu nhỏ. Ngôi làng nằm trong phạm vi Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh của Quảng Ngãi. Đồng thời, nó tích hợp tất cả các giá trị di sản địa chất, địa mạo, cảnh quan, văn hóa, đa dạng sinh học… theo các tiêu chí công viên địa chất ở quy mô của một ngôi làng. Hơn thế, ở đây còn có giá trị con người nhân bản và một mô hình phát triển kinh tế cộng đồng chưa từng xuất hiện ở bất cứ nơi đâu. Ngoài ra, trong một chuyến khảo sát, TS Guy Martini, Tổng thư ký Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu của UNESCO, đã đánh giá: “Gò Cỏ là báu vật của tỉnh Quảng Ngãi”. Nơi đây hội đủ điều kiện văn hóa, địa chất để trở thành một thực thể sống động của không gian văn hóa Sa Huỳnh. Chính ông đã “chấp bút” thảo dự án kêu gọi cộng đồng chung tay gìn giữ và phát huy các giá trị di sản Gò Cỏ. Lời kêu gọi đã được Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương (Pacific Environment) hưởng ứng. Tổ chức này đã tài trợ 10.000 USD cho dự án quản lý rác thải để bảo vệ môi trường tại nơi đây.
Công viên di sản làng Gò Cỏ đã xây dựng mô hình hợp tác xã cộng đồng nhằm hình thành tổ chức điều phối kinh tế cộng đồng một cách văn minh. Sứ mệnh của hợp tác xã DLCĐ làng Gò Cỏ là tổ chức, điều phối các hoạt động bảo tồn, nhằm nâng cao năng lực người dân bản địa. Làng Gò Cỏ hướng tới mục tiêu “Làng du lịch không rác” để gây ấn tượng và níu chân du khách. Ngày nay, mỗi nhà đều có ý thức phân loại rác, sử dụng các thùng riêng để đựng các loại rác khác nhau. Khắp đường làng sạch sẽ, không rác thải, được đánh giá là một điểm cộng của điểm đến. Kế hoạch này được thực hiện theo Dự án Quản lý rác thải làng Gò Cỏ do Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương tài trợ để làng Gò Cỏ xứng đáng với danh hiệu “Làng du lịch không rác”.
Tại làng Gò Cổ, người dân tập làm DLCĐ, có 10 hộ gia đình bắt đầu làm homestay. Từ năm 2019, khách được ở cùng với người dân Gò Cỏ, được dạy cách làm bún, đan lát, vá lưới, chèo thuyền, trồng đậu, trồng khoai, tự chế biến món ăn, tổ chức tiệc theo nhóm nhỏ tại không gian của homestay. Sau những giờ lao động, khách được nghe những giọng hát mộc mạc, các làn điệu bài chòi, hát đố, hát đối của người dân trong làng.
Về hoạt động du lịch biển, phát triển tour du lịch chèo thuyền nan ngắm vẻ đẹp của gành đá. Đây là một trong những dịch vụ cộng đồng tại Công viên di sản làng Gò Cỏ, được thảo luận và xây dựng bởi chính các ngư dân - thành viên trong Hợp tác xã DLCĐ làng Gò Cỏ. Các ngư dân chở khách lênh đênh trên chiếc thuyền nan truyền thống đi ngắm gành đá hàng trăm triệu năm, nghe những câu chuyện về các hang đá tự nhiên - nơi trú ẩn an toàn cho dân làng Gò Cỏ trong những năm chiến tranh. Ngoài ra, du khách còn có thể ra khơi cùng các ngư dân để trải nghiệm bủa lưới vào khoảng 3 giờ sáng, sau đó lên thuyền đi ngắm ghềnh đá và trở lại làng bằng con đường trekking qua vùng đồi ven biển. Ngoài ra, nhóm du khách có thể đi thuyền tham quan trên đầm nước mặn gần làng Gò Cỏ. Đây là nơi có cánh đồng muối Sa Huỳnh thu hút nhiều khách du lịch và các nhiếp ảnh gia khi đến Quảng Ngãi; tham quan Nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh, cách làng Gò Cỏ khoảng 4km, đây là địa điểm check-in lý tưởng cho khách du lịch...
Nhận xét thực trạng DLCĐ tại tỉnh Quảng Ngãi
Qua phân tích thực trạng phát triển DLCĐ của 2 làng Gò Cỏ và Làng Teng, có thể thấy tỉnh Quảng Ngãi chưa có chính sách phát triển cụ thể. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ngãi còn có những khu DLCĐ khác được chính quyền quan tâm đến như huyện đảo Lý Sơn đã có nhiều mô hình DLCĐ, với khoảng 10 cơ sở kinh doanh. Nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn vay vốn đầu tư mua sắm trang thiết bị, xe máy... phục vụ khách du lịch. Năm 2019, có khoảng 53.000 lượt khách sử dụng loại hình DLCĐ khi đến tham quan huyện Lý Sơn; huyện Nghĩa Hành cũng có DLCĐ phát triển với mô hình miệt vườn, tham quan các vườn cây ăn quả, thưởng thức ẩm thực với các món ăn dân dã đồng quê, tham quan làng nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm, tắm suối nước nóng tự nhiên...; huyện Bình Sơn với mô hình du lịch tham quan tại Thọ An, điểm du lịch Gành Yến, Bầu Cá Cái... thu hút hàng chục nghìn lượt khách mỗi năm... Tuy nhiên, DLCĐ trên địa bàn tỉnh còn hạn chế và đa số là các mô hình đều theo tính tự phát. Các tuyến đường dẫn lên các điểm tham quan chưa được đầu tư một cách bài bản. Các homestay, cơ sở lưu trú tại các điểm tham quan còn hạn chế, cơ sở vật chất còn tạm bợ chưa đáp ứng đủ nhu cầu của khách du lịch; phục vụ khách du lịch chưa chuyên nghiệp và chưa đạt chuẩn. Các cơ sở ăn uống đa số đều mang tính tự phát với quy mô nhỏ, chất lượng sản phẩm, dịch vụ còn nhiều hạn chế...
Phương án cải thiện DLCĐ tại Quảng Ngãi
Nâng cao, mở rộng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất
Tỉnh Quảng Ngãi cần kết hợp với các sở, ban, ngành có liên quan để nâng cao cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất tại các điểm DLCĐ. Các tuyến đường đến với các điểm du lịch cũng cần được đầu tư và mở rộng một cách bài bản. Đầu tư, nâng cấp và mở rộng các cơ sở lưu trú trên địa bàn với quy mô lớn hơn để đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách du lịch. Mở rộng thêm các cơ sở kinh doanh ăn uống.
Nâng cao ý thức người dân và đào tạo nguồn nhân lực
Cần phải tuyên truyền để người dân địa phương hiểu được lợi ích của du lịch mang đến cho họ, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và các tài nguyên du lịch một cách bền vững, phát triển du lịch một cách lâu dài.
Các dịch vụ du lịch như homestay, ăn uống và nguồn nhân lực tại điểm đến chủ yếu được người dân địa phương tự kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ, chưa được qua trường lớp đào tạo bài bản dẫn đến việc khá sơ sài, chưa được chuyên nghiệp để có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ của khách du lịch đến tham quan. Vì vậy, tỉnh Quảng Ngãi cần phải mở những lớp đào tạo chuyên môn cho người dân địa phương để có thể nâng cao về ý thức bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên và nâng cao kiến thức về du lịch và chất lượng phục vụ được tốt hơn.
Chính sách quảng bá du lịch
Tăng cường quảng bá DLCĐ tại tỉnh Quảng Ngãi thông qua những trang web của Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi; UBND tỉnh Quảng Ngãi… liên kết với các công ty du lịch tổ chức nhiều tour kết hợp với các khu DLCĐ tại địa phương; kết hợp với các Travel Vlogger, KOLs quảng bá các mô hình DLCĐ tại tỉnh để thu hút nhiều lượt khách du lịch tại tỉnh.
Thiết kế, xây dựng các tờ rơi, áp phích, bảng quảng cáo, quay phim (đĩa DVD), chụp ảnh... phát cho các công ty du lịch, du khách trong và ngoài nước. Tổ chức tuyến du lịch thử nghiệm để các công ty lữ hành tham gia đóng góp ý kiến, kết nối cộng đồng và xây dựng các tour trong tương lai; quay phóng sự về DLCĐ phát trên truyền hình.
Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với các điểm DLCĐ tại địa phương
Nhà nước cần quan tâm và phát huy tối đa chức năng của mình để phát triển mô hình DLCĐ tại địa bàn. Tuyên truyền và triển khai các quy định về hoạt động du lịch. Tăng cường bảo vệ an ninh tại các điểm đến để tránh các tệ nạn xã hội và những hình ảnh phản cảm tại điểm du lịch. Quản lý sâu và chặt chẽ đối với các hoạt động kinh doanh du lịch.
Kết luận
DLCĐ tại Quảng Ngãi có nhiều tiềm năng cần đầu tư và phát triển, để thực hiện được điều này cần có sự kết hợp nhiều biện pháp từ các sở, ban, ngành, cơ quan chức năng và cộng đồng địa phương. Trong đó, đặc biệt lưu ý đảm bảo sự phát triển bền vững, đảm bảo mối quan hệ giữa phát triển du lịch với cộng đồng người dân tại nơi đó, thực hiện tốt những điều này thì DLCĐ sẽ là một nguồn thu lớn cho du lịch tỉnh Quảng Ngãi.
Để du lịch ngày càng phát triển là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và cộng đồng người dân chứ không phải riêng ngành nào. Trong đó, về ứng xử du lịch lẫn phát triển DLCĐ bản địa, người dân Quảng Ngãi cần phải xây dựng hình ảnh văn minh, lịch sự, thân thiện, gần gũi, mến khách. Các ban lãnh đạo Quảng Ngãi cần tạo mọi điều kiện thông thoáng về thủ tục hành chính, tạo điều kiện thu hút, kêu gọi doanh nghiệp đủ năng lực để đầu tư phát triển du lịch, đưa Quảng Ngãi trở thành điểm đến an toàn và thân thiện.
____________________
Tài liệu tham khảo
1. ASEAN, Tiêu chuẩn du lịch dựa vào cộng đồng ASEAN, Ban Thư ký ASEAN, 2016.
2. Blackstock, K., Một cái nhìn phê phán về du lịch dựa vào cộng đồng, Tạp chí Phát triển Cộng đồng, 40 (1), 2005.
3. Goodwin, H., Suy ngẫm về 10 năm du lịch vì người nghèo, Tạp chí Nghiên cứu Chính sách về Du lịch, Giải trí và Sự kiện, 1 (1), 2009.
4. Mayaka, M., Croy, G., & Cox, J. W., Sự tham gia như mô típ trong du lịch dựa vào cộng đồng: Một quan điểm thực tiễn, Tạp chí Du lịch bền vững, 25 (12), 2017.
5. Nguyễn Công Thảo, Nguyễn Thị Thanh Bình, Du lịch cộng đồng trên thế giới: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Tạp chí Dân tộc học, 5 (5), 2019.
6. Quỹ Châu Á & Viện Nghiên cứu phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam, Tài liệu hướng dẫn phát triển du lịch cộng đồng, Hà Nội, 2012.
7. Tosun, C., Những hạn chế đối với sự tham gia của cộng đồng vào quá trình phát triển du lịch ở các nước đang phát triển, Quản lý Du lịch, 21 (6), 2000.
8. Tosun, C., Bản chất mong đợi của sự tham gia của cộng đồng trong phát triển du lịch, Quản lý Du lịch, 27 (3), 2006.
NGUYỄN ĐÌNH THỌ
Nguồn: Tạp chí VHNT số 578, tháng 8-2024