Phát huy giá trị hệ thống di tích tại địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế gắn với phát triển du lịch tỉnh Bắc Giang

Cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế do Hoàng Hoa Thám (Đề Thám) lãnh đạo chống thực dân Pháp xâm lược diễn ra từ năm 1884-1913. Trong ba thập niên kháng chiến, để lại cho vùng đất Yên Thế, tỉnh Bắc Giang một hệ thống di sản văn hóa (DSVH) trên hai phương diện: DSVH vật thể và DSVH phi vật thể có ý nghĩa sâu sắc trong đời sống xã hội, đó chính là những di tích gốc, những lễ hội đình, chùa đã gắn bó mật thiết với nghĩa quân Đề Thám. Bài viết đã khái quát hệ thống di tích tại địa điểm khởi nghĩa Yên Thế, từ đó phân tích những giá trị của di tích trên 3 phương diện: lịch sử; khoa học, nghệ thuật quân sự, văn hóa. Đồng thời, tác giả đề xuất các giải pháp để phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch bền vững trong thời gian tới.

Đồn Phồn Xương, nằm ở trung tâm khu di tích khởi nghĩa thuộc thị trấn Cầu Gồ. huyện Yên Thế - Ảnh: dulichbacgiang.gov.vn

1. Khái quát về hệ thống di tích - Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế

Hệ thống di tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa Yên Thế, được phân bố trên một địa bàn rộng lớn trải dài 4 huyện/ thị xã của tỉnh Bắc Giang (Yên Thế, Tân Yên, Yên Dũng và thị xã Việt Yên) bao gồm những công trình kiến trúc cổ liên quan đến hoạt động của nghĩa quân, có niên đại khởi dựng vào thời Lê Trung Hưng (TK XVII-XVIII) và thời Nguyễn (TK XIX đến đầu TK XX) cùng các địa điểm, đồn lũy tạo thành một hệ thống di tích liên hoàn của vùng quê vốn có lịch sử lâu đời và nổi tiếng về truyền thống thượng võ. Đây là những di tích gốc có giá trị đặc biệt, được nhìn nhận như một trong những dòng chủ lưu dẫn tới bước chuyển biến quan trọng trong lịch sử dân tộc ta từ nửa đầu TK XX. Hiện tại, hệ thống di tích này có 23 điểm đã được Nhà nước xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt, phản ánh sinh động quá trình xây dựng lực lượng, tổ chức chiến đấu của nghĩa quân từ những ngày đầu tiên, tới những ngày cuối cùng. Vùng đất này là nơi nuôi dưỡng, bao bọc, che chở cho cuộc khởi nghĩa bền bỉ nhất, tiêu biểu nhất cho sức chiến đấu, tinh thần bất khuất của nhân dân Bắc Giang, cũng như cả dân tộc Việt Nam trong thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược trước khi có Đảng lãnh đạo, để nay có nhiều điểm đến.

Một là, các di tích trên địa bàn huyện Yên Thế gồm 9 điểm: đồn Phồn Xương, đền Thề, đồn Hố Chuối, chùa Lèo, đình Dĩnh Thép, đồn Hom, chùa Thông, động Thiên Thai, đền Cầu Khoai.

Hai là, các di tích trên địa bàn huyện Tân Yên gồm 12 cụm di tích: khu lưu niệm danh nhân Hoàng Hoa Thám; cụm di tích Cầu Vồng; đình, chùa, như chùa Hả, đình Dương Lâm, đình Cao Thượng, đình Nội, đình làng Chuông, chùa Phố; đền Gốc Khế, đền thờ Cả Trọng; ao Chấn Ký; nghĩa địa Pháp (đồi Phủ).

Ba là, di tích trên địa bàn thị xã Việt Yên có 1 điểm: đình Đông; huyện Yên Dũng có 1 điểm: chùa Kem.

Trong thời gian qua, những di tích về cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế luôn được chính quyền các cấp quan tâm, đầu tư tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị. Tuy nhiên, đến nay nhiều di tích thuộc hệ thống di tích khởi nghĩa Yên Thế bị xuống cấp nghiêm trọng; có di tích chỉ còn lại dấu tích hoặc địa điểm, nền móng và có không ít di tích đã trở thành phế tích; cảnh quan di tích đang bị biến đổi mạnh mẽ do sự phát triển kinh tế, rừng bị phá, hệ cây rừng bị thay đổi; sự lấn chiếm, xây dựng các công trình không theo quy hoạch cũng tác động đến sự biến đổi của di tích; chưa phát huy được việc tu bổ, tôn tạo di tích gắn với phát triển du lịch bền vững.

2. Giá trị tiêu biểu của di tích

Giá trị lịch sử

Phong trào khởi nghĩa Yên Thế chống thực dân Pháp xâm lược dưới sự lãnh đạo của Đề Thám cùng những chiến công vang dội đã trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của ông cha ta, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc về truyền thống yêu nước, cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Từ một phong trào nông dân yêu nước mang tính tự phát, cuộc khởi nghĩa Yên Thế đã nhanh chóng chuyển hóa thành phong trào yêu nước mang tính giải phóng dân tộc, do đó, đã thu hút đông đảo các tầng lớp trong xã hội Việt Nam tham gia vào sự nghiệp đánh đuổi thực dân Pháp. Đây là phong trào đấu tranh vũ trang lớn, kiên trì và bền bỉ nhất trong lịch sử cận đại Việt Nam, thể hiện sức chiến đấu, tinh thần bất khuất của nhân dân Bắc Giang nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung trong công cuộc đánh đuổi thực dân xâm lược.

Qua quá trình khảo sát, điền dã thực địa và tìm hiểu nhiều nguồn tư liệu lịch sử trong và ngoài nước, bài viết, bài tham luận của các giáo sư, tiến sĩ, những nhà nghiên cứu trong các hội thảo về khởi nghĩa Yên Thế, cùng những DSVH liên quan cho thấy: Các di tích về cuộc khởi nghĩa là những địa điểm đánh dấu bước chuyển biến đặc biệt quan trọng trong lịch sử cận đại Việt Nam gắn liền với tên tuổi, cuộc đời anh hùng Hoàng Hoa Thám - người có ảnh hưởng to lớn đối với tiến trình lịch sử dân tộc. Suốt từ năm 1913 trở đi, hình ảnh Đề Thám luôn hiện ra với cái tên “Hùm thiêng Yên Thế”. Hình ảnh những tướng lĩnh của phong trào còn sống mãi trong lòng nhân dân các làng xã ở Yên Thế, Tân Yên, Việt Yên (Bắc Giang)... tất cả những diễn biến ấy đã làm cho tinh thần của cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế đời đời bất diệt.

Ngót 30 năm chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược, cuộc khởi nghĩa Yên Thế đã ghi dấu ấn trong lịch sử dân tộc. Đây là cuộc khởi nghĩa nông dân lớn nhất, kéo dài nhất trong lịch sử Việt Nam, là phong trào yêu nước tiêu biểu nhất vào cuối TK XIX, đầu TK XX đã được Đảng ta đúc kết, rút thành bài học kinh nghiệm tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi.

Giá trị khoa học và nghệ thuật quân sự

Từ sau năm 1975, Bảo tàng tỉnh Bắc Giang phối hợp với Viện Khảo cổ học đã có một số cuộc khảo sát tại Yên Thế, bước đầu phát hiện nhiều di vật, di tích khảo cổ học liên quan đến cuộc khởi nghĩa và thủ lĩnh Đề Thám. Loại hình di tích này khá phong phú, bao gồm đồn, lũy của nghĩa quân, đồn bốt của Pháp, di tích mộ táng, các công trình kiến trúc tín ngưỡng, tôn giáo. Mặc dù khảo cổ học Yên Thế mới chỉ dừng lại ở những cuộc điều tra, khảo sát điền dã nhằm quan sát, phát hiện, biên chép và khảo tả những di vật được nhân dân phát hiện, những di tích kiến trúc hiện còn lại trên mặt đất... Tuy vậy, với những nguồn tài liệu thu được cho thấy, đó là những di tích và tài liệu có giá trị lịch sử, văn hóa, góp phần tìm hiểu về lịch sử mảnh đất, con người nơi đây, đặc biệt là cuộc khởi nghĩa Yên Thế cùng vị thủ lĩnh nông dân Đề Thám.

Hơn 100 năm đã đi qua, những dấu tích lịch sử về phong trào khởi nghĩa Yên Thế vẫn còn lưu lại trên quê hương Bắc Giang khá đậm nét, tạo thành một hệ thống di tích dày đặc. Những năm gần đây, ngành Văn hóa tỉnh Bắc Giang đã xây dựng nội dung, kịch bản chi tiết phần lễ hội tại các điểm di tích, phối hợp Viện Khảo cổ học tổ chức thăm dò, khai quật một số địa điểm: đồn Hố Chuối, đồn Hom, đền Quan Lớn… và thu được nhiều hiện vật có giá trị lớn về mặt lịch sử, văn hóa. Ngoài ra, có kế hoạch thu hút nguồn lực xã hội hóa trong việc bảo tồn, tôn tạo một số điểm di tích trọng điểm: đồn Phồn Xương, đồn Hố Chuối, đồn Hom… để các nơi này trở thành những điểm du lịch văn hóa, tâm linh hấp dẫn, góp phần giáo dục thế hệ trẻ hôm nay về tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm bất khuất của cha ông ta.

Giá trị văn hóa

Những di tích về cuộc khởi nghĩa Yên Thế không chỉ bảo lưu được nhiều giá trị văn hóa vật thể, mà còn là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử gắn liền với quá trình đấu tranh đòi quyền tự do của nhân dân ta ở thời Lê - Mạc và thời Nguyễn. Đặc biệt, đó còn là nơi ghi dấu sự kiện lịch sử gắn liền với cuộc khởi nghĩa của những người nông dân ở Yên Thế ngay từ buổi ban đầu. Đề Thám và các tướng tài của ông đã biến căn cứ Yên Thế thành một pháo đài bất khả xâm phạm trong gần 30 năm (1884-1913).

Gần ba thập kỷ chống thực dân Pháp xâm lược, phong trào khởi nghĩa Yên Thế do Đề Thám lãnh đạo đã ghi vào sử sách như một nét son sáng ngời về chủ nghĩa yêu nước, tinh thần xả thân vì độc lập tự do của dân tộc. Sự nghiệp và địa bàn hoạt động của nghĩa quân đã để lại một hệ thống di tích, là vốn quý của nền DSVH nước nhà, đây cũng là nguồn nội lực to lớn của nhân dân Bắc Giang trong sự nghiệp xây dựng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Những năm qua ngành Văn hóa, các địa phương có di tích liên quan đến khởi nghĩa Yên Thế đã quan tâm, từng bước tu bổ, tôn tạo chống xuống cấp hàng chục di tích, bảo tồn lễ hội tại các điểm di tích với những phong tục, trò chơi dân gian truyền thống mang nhiều nét văn hóa đặc sắc: thả diều, cưỡi ngựa bắn cung, tái hiện lễ tế cờ...

Hệ thống di tích liên quan tới cuộc khởi nghĩa tiếp tục tồn tại và phát huy những giá trị đặc trưng của chúng cho mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, làm giàu bản sắc văn hóa, tôn vinh người anh hùng áo nâu Hoàng Hoa Thám cùng các tướng lĩnh đã đứng lên chống kẻ thù xâm lược, nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần ngày càng cao của nhân dân, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước trong việc bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống văn hóa dân tộc.

3. Giải pháp phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch bền vững

Nhằm thúc đẩy và phát huy có hiệu quả giá trị hệ thống di tích Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế vì mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và du lịch bền vững, góp phần thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết 40-NQ/HĐND ngày 8-12-2017 của HĐND tỉnh về Quy hoạch phát triển VHTTDL tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh theo hướng hiện đại trên cơ sở phát triển du lịch lịch sử, văn hóa, sinh thái và du lịch cộng đồng, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, quảng bá di tích và quản lý du lịch: Ban Quản lý di tích Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế cần củng cố, kiện toàn, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, phong cách giao tiếp của cán bộ thuyết minh, hoạt động hướng dẫn khách tham quan, xây dựng nội dung thuyết minh chuẩn và lựa chọn hình thức thuyết minh sao cho phù hợp với từng đối tượng du khách. Cần có biện pháp quản lý, thống kê cụ thể số lượng, phân luồng khách đến tham quan để đối chiếu, đánh giá kết quả hoạt động xúc tiến du lịch và nghiên cứu định hướng quy mô, kết cấu khách du lịch nhằm xây dựng lộ trình và các chương trình giáo dục lịch sử địa phương tại di tích cho phù hợp.

Nâng cao vai trò quản lý của chính quyền địa phương trong việc quản lý các hoạt động du lịch tại di tích. Vận động tuyên truyền cán bộ, quần chúng nhân dân nâng cao nhận thức, tích cực tham gia phong trào ứng xử văn minh, giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường. Các lực lượng chức năng cần làm tốt công tác thanh kiểm tra, có biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động du lịch, gây phiền hà cho du khách, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của địa phương.

Thứ hai, phát triển, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch dựa trên lợi thế của địa phương. Xây dựng hoàn thiện những sản phẩm du lịch chất lượng mang tính đặc trưng của di tích và đặc trưng vùng miền... gắn với loại hình du lịch cộng đồng theo hướng du lịch xanh, bền vững, có trách nhiệm với môi trường và xã hội. Tập trung tạo dựng sản phẩm hoàn chỉnh, khai thác giá trị một cách hiệu quả ở những điểm di tích gắn với phong trào khởi nghĩa Yên Thế (đền Thề, đồn Phồn Xương, khu Trưng bày về cuộc khởi nghĩa)... tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động văn hóa du lịch trong quần thể di tích.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế kết hợp phát triển du lịch cộng đồng tại bản Ven (xã Xuân Lương, Yên Thế)… tạo thành điểm du lịch hấp dẫn thu hút du khách. Cải tiến sản phẩm lưu niệm đặc trưng gắn với các di tích; xây dựng quy hoạch phát triển du lịch văn hóa tâm linh, sinh thái gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di tích cũng như cần có những đảm bảo triển khai được quy hoạch này. Đồng thời tập trung xây dựng, thực hiện quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch bền vững. Coi trọng gắn kết chặt chẽ hoạt động phát triển du lịch với bảo tồn và phát huy di sản để thu hút khách tham quan. Tổ chức quản lý chặt chẽ các cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch trên địa bàn có di tích. Cần ưu tiên đầu tư cho bảo tồn di tích trước khi tiến hành khai thác phục vụ du lịch. Các di tích phải được bảo tồn, tôn tạo đảm bảo tối đa tính nguyên gốc, quy hoạch không gian di tích… Đồng thời, công tác quản lý hoạt động du lịch cũng cần được coi trọng, theo đó, cần tăng cường quản lý những vấn đề về an ninh, an toàn cho khách tham quan cũng như các sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho du khách; quản lý nguồn nhân lực phục vụ du lịch (bao gồm cán bộ làm quản lý nhà nước, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ…), đào tạo nghiệp vụ du lịch cho người dân địa phương trong hoạt động phục vụ dịch vụ du lịch, qua đó phát huy giá trị di tích được tốt hơn.

Thứ tư, áp dụng phương thức công nghệ mới trong hoạt động tuyên truyền, giáo dục tại di tích: Xây dựng ý tưởng dùng giải pháp công nghệ như thuyết minh tự động, phim tài liệu, sách 3D… tái hiện lại những câu chuyện lịch sử; tận dụng mạng xã hội, đẩy mạnh truyền thông trên các trang thông tin điện tử (thành lập trang web, trang Facebook…) để vừa giới thiệu, quảng bá về di tích và các hoạt động sinh hoạt văn hóa tại đây, vừa chia sẻ thông tin, vừa là nơi giữ liên lạc thường xuyên, lắng nghe, tạo mối quan hệ tương tác với công chúng; thiết kế các mẫu tờ gấp, catalogue giới thiệu về di tích, cung cấp cho các công ty du lịch, lữ hành trên địa bàn tỉnh; biên soạn in ấn sách hướng dẫn tham quan cho du khách... phục vụ phát triển du lịch bền vững.

Thứ năm, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác giáo dục, hoạt động trải nghiệm gắn với trường học tại các điểm di tích nhằm đẩy mạnh hoạt động tham quan du lịch gắn với nghiên cứu lịch sử địa phương. Học sinh đến với khu di tích Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế có thể học hỏi được nhiều khía cạnh về lịch sử, truyền thống đấu tranh bất khuất, tinh thần thượng võ của các nghĩa binh Yên Thế năm xưa.

Thứ sáu, cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành xây dựng những tour du lịch mới nhằm thu hút khách tham quan. Tập trung đẩy mạnh đầu tư các tuyến đường nối những điểm du lịch trong khu di tích với những tuyến, điểm du lịch chính của cả vùng để hình thành các chương trình du lịch liên vùng. Bên cạnh đó, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp du lịch và cộng đồng địa phương làm du lịch. Khuyến khích doanh nghiệp du lịch đầu tư trực tiếp vào các điểm di tích hoặc khu vực lân cận để phát triển du lịch văn hóa tâm linh cũng như các loại hình du lịch khác. Xây dựng quy chế cụ thể khai thác du lịch gắn với bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch. Gắn kết phát triển du lịch với nhiệm vụ đảm bảo trật tự an ninh, khai thác bền vững tiềm năng du lịch của vùng.

Kết luận

Như vậy, hệ thống di tích về cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế đã tạo thành một quần thể di tích lịch sử có giá trị to lớn được chính quyền và cộng đồng địa phương trân trọng, gìn giữ. Đây là những bằng chứng thuyết phục cho tinh thần quả cảm, bất chấp hy sinh, gian khổ của nghĩa quân Đề Thám nhằm giành lại độc lập, tự do cho nhân dân. Trong bối cảnh phát triển như hiện nay, nhiều nền văn hóa nước ngoài du nhập vào Việt Nam và trở nên phổ quát, thì việc gìn giữ những nét văn hóa riêng biệt, nhất là những di tích hữu hình càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, hệ thống di tích Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế sẽ phát huy được những giá trị tiêu biểu của chúng, tạo ra sản phẩm du lịch mang đặc trưng lịch sử và văn hóa của núi rừng Yên Thế có sức hấp dẫn và tính cạnh tranh cao, góp phần đưa Bắc Giang từng bước trở thành một trong những trung tâm du lịch trọng điểm với loại hình du lịch văn hóa - tâm linh, du lịch lịch sử - văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trong khu vực, sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Bắc Giang.

______________

Tài liệu tham khảo

1. Ban Quản lý Di tích tỉnh Bắc Giang, Hồ sơ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế, Tài liệu lưu tại Bảo tàng tỉnh Bắc Giang, 2011.

2. Nguyễn Văn Kiệm, Phong trào nông dân Yên Thế chống thực dân Pháp xâm lược (1884-1913), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001.

3. Đinh Xuân Lâm, Nguyễn Văn Sự, Trần Hồng Việt, Hoàng Hoa Thám và phong trào Khởi nghĩa Yên Thế, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 1958.

4. Đinh Xuân Lâm, Vai trò của phong trào Khởi nghĩa Yên Thế đối với lịch sử dân tộc Việt Nam, Bài viết tham luận tại hội thảo khoa học Bảo tồn và khai thác các giá trị di sản văn hóa về phong trào Khởi nghĩa Yên Thế, UBND tỉnh Bắc Giang và Hội khoa học lịch sử Việt Nam, 2009.

5. Viện Lịch sử Quân sự, Lịch sử Quân sự Việt Nam, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1999.

Ths NGÔ THỊ THU HƯỜNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 578, tháng 8-2024

;