Bài viết nghiên cứu về sản phẩm du lịch xe đạp kết hợp gây quỹ từ thiện của các tổ chức phi Chính phủ tại Việt Nam từ tính pháp lý của du lịch xe đạp gây quỹ từ thiện, phân tích các nhân tố chính ảnh hưởng đến chương trình du lịch bằng xe đạp và xây dựng thang tiêu chuẩn đánh giá chương trình du lịch xe đạp kết hợp gây quỹ từ thiện của các tổ chức phi Chính phủ tại Việt Nam. Đồng thời, đề xuất giải pháp góp phần phát triển du lịch xe đạp kết hợp gây quỹ từ thiện của các tổ chức phi Chính phủ tại Việt Nam thành sản phẩm tiêu biểu, phát triển bền vững tại Việt Nam.
Chương trình đạp xe gây quỹ thường niên Charity Cycle Adventure (CCA) của Saigon Children’s Charity (saigonchildren) chào đón những người đam mê với bộ môn đạp xe từ khắp nơi - Ảnh: saigonchildren.com
1. Đặt vấn đề
Trong những năm gần đây, du lịch đã trở thành một trong những ngành kinh tế hàng đầu, đóng góp 10,4% vào GDP toàn cầu (theo WTO). Mỗi quốc gia đều nỗ lực thu hút khách du lịch dựa trên địa hình và tài nguyên tự nhiên, phát triển các tài nguyên nhân tạo để hấp dẫn du khách. Tính chất và lựa chọn loại hình du lịch thay đổi tùy theo vùng miền và quốc gia. Trong số các hoạt động du lịch mạo hiểm như khám phá hang động, lặn, leo núi, thì du lịch xe đạp được xem là nhẹ nhàng nhất, mang lại trải nghiệm gần gũi với thiên nhiên và văn hóa địa phương. Du lịch xe đạp đã phát triển mạnh mẽ ở các quốc gia phương Tây, với cuộc sống hiện đại và giao thông thuận lợi giúp du khách dễ dàng đến các điểm tham quan. Điều này, giúp du khách tương tác với cảnh đẹp, văn hóa địa phương và hít thở không khí trong lành. Do đó, du lịch xe đạp được dự đoán sẽ là một xu hướng du lịch mới, phát triển bền vững trong tương lai.
Từ cuối những năm 2000, nhiều công ty lữ hành tại Việt Nam đã phát triển các chương trình du lịch kết hợp với xe đạp. Những chương trình này được thiết kế với thời gian và địa điểm đa dạng, phù hợp với nhu cầu của du khách và khả năng tổ chức của các doanh nghiệp lữ hành. Các tour xe đạp qua thành phố, làng quê và làng nghề truyền thống kết hợp với cảnh quan đặc sắc của Việt Nam, tạo ra những chuyến du lịch xe đạp hấp dẫn. Từ năm 2010, các tour xe đạp xuyên Việt phát triển mạnh mẽ, với hơn 50 công ty tổ chức tour và hơn 10 tập đoàn đa quốc gia tham gia.
Ngày nay, du khách không chỉ muốn trải nghiệm mà còn mong muốn tham gia vào các hoạt động du lịch có trách nhiệm với cộng đồng địa phương. Một số doanh nghiệp đã phát triển các chương trình du lịch kết hợp gây quỹ từ thiện, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Việc kết hợp du lịch xe đạp và các tổ chức phi Chính phủ mở ra thị trường tiềm năng cho Việt Nam. Đây là sản phẩm du lịch đặc thù, đánh dấu bước tiến mới với sự hỗ trợ của các tổ chức phi Chính phủ và Đại sứ quán.
Các tổ chức phi Chính phủ tại Việt Nam, đặc biệt ở TP.HCM, thường xuyên hợp tác với các công ty nước ngoài và doanh nhân để tổ chức các chương trình gây quỹ hằng năm, sự kiện du lịch xe đạp và giao lưu. Các chương trình đã tổ chức như: Đạp xe đồng bằng sông Cửu Long, Chương trình Hội An - Huế, Chương trình Tây Nguyên và duyên hải Miền Trung, Hà Nội - Bakhan - Mai Châu - Pù Luông 2023, Phong Nha - Đông Hà - Huế - Đà Nẵng 2024. Những chương trình này không chỉ hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn và bảo trợ dự án cho trẻ em đi học, mà còn thu hút nhiều chuyên gia nước ngoài và các bạn trẻ làm việc tại tập đoàn đa quốc gia. Để thu hút du khách, cần tạo ra những điểm nhấn ấn tượng và kết hợp yếu tố thiện nguyện với trải nghiệm du lịch xe đạp tại Việt Nam. Tác giả đề xuất việc “Phát triển sản phẩm du lịch xe đạp kết hợp gây quỹ từ thiện của tổ chức phi Chính phủ tại Việt Nam” như một sản phẩm du lịch bền vững và một thị trường đặc thù trong lĩnh vực du lịch tại Việt Nam. Qua đó, góp phần chia sẻ góc nhìn mới và hướng đi mới cho các hoạt động du lịch mạo hiểm, đặc biệt là du lịch xe đạp tại Việt Nam.
2. Kết quả nghiên cứu
Tính pháp lý
Để thực hiện một chương trình du lịch xe đạp kết hợp gây quỹ từ thiện nhằm thu hút được số đông du khách tham gia và đóng góp cho hoạt động, chúng ta cần có những quy chuẩn và tính hợp pháp của chương trình. Các tổ chức muốn thực hiện các hoạt động chương trình gây quỹ từ thiện phải có giấy phép và được công nhận trên lãnh thổ Việt Nam được hoạt động theo pháp luật Việt Nam quy định (Nghị định 93/NĐ-CP 2019 về tổ chức, hoạt động của quỹ từ thiện).
Khi các tổ chức từ thiện đã có giấy phép hoạt động được thực hiện các hoạt động gây quỹ thường xuyên hoặc không thường xuyên nhằm vận động đóng góp quỹ của cá nhân, doanh nghiệp để thực hiện chương trình hoạt động của tổ chức.
Căn cứ vào Điều 31 Luật Du lịch 2017, muốn thực hiện chương trình du lịch các tổ chức cá nhân phải có giấy phép hoạt động lữ hành, giấy phép kinh doanh, và chương trình của tổ chức phi Chính phủ thành viên tham gia là đa quốc tịch. Do đó, đơn vị đứng ra phối hợp tổ chức chương trình du lịch bằng xe đạp phải có giấy phép kinh doanh và đơn vị có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế.
Do vậy, điều kiện cần và đủ để thực hiện một chương trình du lịch bằng xe đạp kết hợp gây quỹ từ thiện cần phải có: Tổ chức từ thiện hoặc quỹ từ thiện, văn phòng đại diện phải có giấy phép hoạt đông có trụ sở và được công nhận theo pháp luật Việt Nam; Công ty du lịch có giấy phép lữ hành quốc tế có kinh nghiệm tổ chức các chương trình du lịch bằng xe đạp; Tổ chức từ thiện và công ty du lịch có hợp đồng thực hiện chương trình cụ thể và các dịch vụ bao gồm trước khi thực hiện tour; Sự kiện tổ chức đạp xe gây quỹ từ thiện tại cung đường đoàn đi qua phải có văn bản thông báo với chính quyền địa phương và có công tác khảo sát phối hợp trước khi thực hiện, xin phép đặt các bảng chỉ dẫn, báo hiệu cho đoàn.
Các nhân tố chính ảnh hưởng đến chương trình du lịch bằng xe đạp
Tổng thể chương trình du lịch xe đạp có các nhân tố quan trọng tác động, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả của chuyến đi, xác định chỉ tiêu của các yếu tố. Theo mức độ quan trọng khác nhau, cho điểm mỗi bậc, xác định hệ số tính điểm cho mỗi bậc, tổng hợp các yếu tố lại và đưa ra kết luận hiệu quả của tour lựa chọn.
Sau khi thực hiện nghiên cứu và phỏng vấn chuyên gia trong lĩnh vực xe đạp, tham khảo các tiêu chí được đánh giá theo mức độ quan trọng và sự lựa chọn chương trình xe đạp cho hoạt động đạp xe kết hợp gây quỹ từ thiện như sau:
Độ dài của chương trình: Chương trình du lịch xe đạp kết hợp gây quỹ từ thiện kéo dài từ 1-4 ngày là hợp lý và thu hút nhiều người tham gia; các chương trình kéo dài 2 ngày vào cuối tuần phù hợp với nhân viên văn phòng và các công ty; những chuyến tour dài hơn (3-4 ngày) cũng nên tổ chức vào dịp cuối tuần để thuận tiện cho người tham gia và những người muốn đóng góp cho quỹ.
Độ dài hành trình hằng ngày: Độ dài hành trình đạp xe mỗi ngày cần được cân nhắc kỹ lưỡng; nhiều nhân viên văn phòng và nữ giới chưa quen với việc đạp xe ngoài trời. Do đó, việc đạp xe liên tục cả ngày sẽ là một trở ngại lớn. Ngược lại, những người đam mê xe đạp và có kinh nghiệm đạp xe lâu năm tại Việt Nam, với xe đạp riêng chất lượng tốt, sẽ thích hành trình mỗi ngày trên 100km. Vì vậy, chương trình nên có nhiều lựa chọn, từ hành trình ngắn cho người mới bắt đầu đến hành trình dài cho người chuyên nghiệp, kèm theo hỗ trợ dọc đường.
Độ dốc của cung đường: Việt Nam có nhiều cung đường đạp xe thú vị từ Bắc vào Nam; các cung đường phía Bắc với độ cao từ 800-1.000m so với mực nước biển có những đoạn dốc kéo dài từ 3-10km, lý tưởng cho người đạp xe chuyên nghiệp, nhưng là thử thách cho người mới; tuyến miền Trung có hai dạng địa hình: đường mòn Hồ Chí Minh và Tây Nguyên với các đèo không quá cao, và tuyến ven biển với các đèo như Hải Vân cao 467m; các tuyến miền Nam thuận tiện cho mọi đối tượng, nhưng có hệ thống giao thông phức tạp và nhiều ngã rẽ.
Độ hấp dẫn của cung đường: Cung đường đạp xe tại Việt Nam rất đa dạng về cảnh quan và di tích lịch sử; các tuyến đường miền Trung và phía Bắc nên được chọn vào thời điểm thích hợp để trải nghiệm cảnh quan đặc sắc và tham gia chợ phiên; miền Nam có cảnh quan trùng lặp hơn, nhưng có nhiều điểm nghỉ chân và người dân thân thiện.
Tính bền vững của cung đường: Với sự phát triển và đô thị hóa nhanh chóng, nhiều tuyến đường thích hợp cho xe đạp hiện nay có thể sẽ thay đổi, mất đi tính an toàn do việc mở rộng và xây dựng các công trình nhà ở gần đường.
Vị trí tiếp cận: Các cung đường chính của Việt Nam từ Bắc vào Nam có hệ thống đường xương cá cắt ngang, giúp dễ dàng tiếp cận và hỗ trợ đoàn khi có sự cố; hệ thống đường bộ hiện tại hoàn toàn đáp ứng được việc hỗ trợ nhanh chóng.
Chất lượng đường: Bề mặt cung đường rất quan trọng để đảm bảo an toàn cho người tham gia; các tuyến đường cấp 4, mặt nhựa hoặc bê tông là tốt nhất. Hiện nay, nhiều tuyến đường nông thôn đã được nâng cấp, đáp ứng nhu cầu này của du khách; những tuyến đường chưa ổn định có thể chấp nhận mức độ từ 20-30% là đường làng.
Cơ sở vật chất: Phát triển đô thị và sự hỗ trợ của người dân địa phương đã cải thiện chất lượng đường liên xã, liên huyện. Tuy nhiên, một số tuyến đường nông thôn còn hẹp và thiếu an toàn, các trung tâm đô thị có đầy đủ nhà nghỉ, khách sạn và quán ăn địa phương; đối với khách xe đạp, điều quan trọng là lực lượng tiếp tế phải đảm bảo cung cấp đủ nước và thực phẩm dọc đường.
Chất lượng xe đạp: Với điều kiện kinh tế hiện nay, người Việt Nam dễ dàng tiếp cận các dòng xe đạp cao cấp, khách du lịch xe đạp thường chọn xe chất lượng từ 400 USD trở lên; các dòng xe phổ biến bao gồm xe đua, xe thành thị, xe leo núi; mỗi loại xe có đặc điểm và ưu điểm riêng, phù hợp với từng đối tượng khách.
Nhà tổ chức: Chương trình đạp xe gây quỹ từ thiện luôn được sự ủng hộ của người dân và chính quyền địa phương; nhà tổ chức cần am hiểu cung đường và có mối quan hệ tốt với địa phương, đồng thời phải linh hoạt và giải quyết nhanh chóng các sự cố trong quá trình thực hiện tour.
Việc tổ chức các chương trình du lịch xe đạp kết hợp gây quỹ từ thiện tại Việt Nam yêu cầu sự phối hợp chặt chẽ và hiểu biết sâu sắc về các yếu tố trên để đảm bảo thành công và an toàn cho mọi người tham gia.
Thang tiêu chuẩn đánh giá chương trình du lịch xe đạp kết hợp gây quỹ từ thiện
Từ các phân tích và ý kiến của chuyên gia và các tour đã thực hiện từ 2016 đến nay, có thể xây dựng thang tiêu chuẩn đánh giá chương trình du lịch xe đạp kết hợp gây quỹ từ thiện để từ đó áp dụng cho các tour trong tương lai; việc đánh giá chương trình du lịch xe đạp kết hợp gây quỹ từ thiện của tổ chức Saigon Children Charity cụ thể có các thang đo mức độ, yếu tố đánh giá thích hợp, xác định các yếu tố thứ bậc theo 4 cấp khác nhau, có các chương trình đã thực hiện và có sự thành công nhất định nên tác giả không đánh giá mức độ yếu kém, mà tiêu chí thấp nhất là chấp nhận được; các tiêu chí đánh giá sẽ dựa trên 4 phân cấp (rất thành công, khá thành công, thành công, tạm chấp nhận).
Xác định tiêu chí của mỗi bậc cụ thể là rất cần thiết, có tính chất định lượng để so sánh các kết quả của từng chương trình cụ thể qua các lần tổ chức, việc xác định này được lựa chọn từ các chuyên gia và khách đã tham gia chương trình đạp xe gây quỹ từ thiện của tổ chức; điểm của từng lần và hệ số của các yếu tố để tính điểm đánh giá chương trình, trong đó thang đánh giá số điểm của mỗi bậc được tính từ cao xuống thấp mỗi bậc tính theo 4,3,2,1.
Điểm đánh giá cho chương trình đạp xe gây quỹ từ thiện được đánh giá riêng cho từng yếu tố qua các lần tổ chức và số điểm tổng hợp cho các tour đã thực hiện; điểm đánh giá riêng của từng yếu tố là số điểm của các bậc đánh giá nhân với hệ số của các yếu tố đó. Ví dụ: trong 1 chương trình đạp xe các yếu tố quan trọng được đánh giá theo hệ số 3 và bậc được chia làm 4 vậy điểm cao nhất của chương trình đó là 3 x 4 = 12 điểm và điểm thấp nhất là 1x1 = 1 điểm; điểm đánh giá tổng hợp là tổng các số điểm đánh giá riêng của các yếu tố. Tuy nhiên, một số chương trình thì tổng hợp các điểm này sẽ có kết quả phân biệt rõ rệt hơn, nhưng sẽ mất thời gian và phức tạp; việc đánh giá chương trình đạp xe có thể tiến hành từng chương trình cụ thể hoặc song song nhiều chương trình khác nhau khi sử dụng thang đo chuẩn cho mỗi chương trình có tính chất tương đồng.
3. Một số đề xuất
Để chương trình du lịch xe đạp gây quỹ từ thiện của các tổ chức phi Chính phủ tại Việt Nam trở thành sản phẩm du lịch đặc thù cho tương lai, chúng ta cần cải thiện các yếu tố:
Một là, xây dựng nội quy, quy chế cho các hoạt động du lịch đạp xe gây quỹ từ thiện, xây dựng quy chuẩn cho người tham gia đạp xe, sức khỏe, có các chương trình cụ thể phân loại khách tùy theo mức độ sức khỏe (cấp độ); loại hình xe đạp cho du khách như xe đường trường, xe leo núi, xe điện… Từ phân loại và có chuẩn sẽ đáp ứng thích hợp cho đối tượng khách; xây dựng bộ khung khi tham gia loại hình du lịch xe đạp để đảm bảo tính an toàn như nón bảo hiểm, huấn luyện kỹ năng, hiểu về xe đạp và khả năng sử dựng cơ bản, lựa chọn loại xe với chiều cao thích hợp tương ứng với du khách.
Hai là, cần có đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp, am hiểu về kỹ thuật và tầm nhìn quan sát về loại hình du lịch mạo hiểm… nhân viên kỹ thuật và trang thiết bị bảo hộ đúng tiêu chuẩn được huấn luyện, đội ngũ nhân viên phục vụ lái xe, xe tải… được huấn luyện và hiểu quy chuẩn về phục vụ cho đoàn khách chuyên xe đạp.
Ba là, công ty du lịch có tư cách pháp nhân và đáp ứng các nhu cầu phục vụ cho đoàn khách xe đạp, có kế hoạch tiền trạm, và phân định lộ trình rõ ràng, có sơ đồ, bản đồ cung đường và bố trí các vị trí tiếp nước được đánh dấu cho khách tham gia biết rõ; cần có lực lượng tình nguyện viên hướng dẫn hỗ trợ khách tại các chốt chặn ngã ba và có phương án dự bị tiếp cận khách nhanh chóng nhất khi có sự cố xảy ra trong quá trình đạp xe.
4. Kết luận
Bước vào TK XXI, với sự phát triển công nghệ và giao thông, thu nhập tăng, nhu cầu du lịch trở nên tất yếu; du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đặc biệt, ở các nước phát triển, người dân lại ưa chuộng du lịch gắn với thiên nhiên và du lịch xe đạp, mạo hiểm; du lịch xe đạp giúp du khách tiếp cận thiên nhiên, rèn luyện sức khỏe và tinh thần sau những ngày làm việc mệt mỏi. Sau đại dịch, loại hình này trở thành xu hướng mới vì kết hợp rèn luyện sức khỏe và tránh tập trung đông người.
Việt Nam có lợi thế với nhiều cung đường từ Bắc vào Nam, lý tưởng cho du lịch xe đạp; các tuyến Đông Tây Bắc, đường ven biển với làng chài, đồng bằng ven biển miền Trung, cánh đồng Nam Bộ và núi đồi Tây Nguyên đáp ứng mọi đối tượng du lịch xe đạp; xã hội phát triển và thu nhập tăng cao, con người muốn nâng cao giá trị bản thân qua hoạt động từ thiện, bảo vệ động vật và môi trường; các chương trình du lịch xe đạp hỗ trợ cộng đồng địa phương, tạo ấn tượng sâu sắc, khiến du khách muốn tiếp tục tham gia.
Du lịch xe đạp kết hợp gây quỹ từ thiện là loại hình du lịch mới tại thị trường Việt Nam, nhưng đầy tiềm năng khi các sản phẩm và chất lượng dịch vụ phục vụ cho tour tốt kết hợp cảnh quan thiên nhiên, con người mỗi vùng, miền; hoạt động từ thiện qua các tổ chức phi Chính phủ với báo cáo tài chính rõ ràng, sứ mạng và trách nhiệm với cộng đồng tạo niềm tin và là động lực giữ chân khách tham gia gắn bó lâu dài.
______________________
Tài liệu tham khảo
1. Alexandra Coghlan, An autoethnographic account of a cycling charity challenge event: Exploring manifest and latent aspects of the experience (Một báo cáo tự truyện về sự kiện thử thách từ thiện bằng xe đạp: Khám phá các khía cạnh hiển hiện và tiềm ẩn của trải nghiệm), Tạp chí Thể thao và Du lịch, 2012.
2. Đào Ngọc Cảnh, Nguyễn Kim Hồng, Sử dụng phương pháp thang điểm tổng hợp kết hợp với hệ thống thông tin địa lý (gis) để đánh giá tài nguyên du lịch tỉnh Kiên Giang, Tạp chí Khoa học Đại học Sư phạm TP.HCM, 80(2), 2016, tr.82-84.
3. Chính phủ, Nghị định 45/2010/NĐ-CP, Quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội, 2010.
4. Chính phủ, Nghị định 12/2012/NĐ-CP Về đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài tại Việt Nam, 2012.
5. Gazzola, Patrizia, Cycle tourism as a driver for the sustainable development of little-known or remote territories: The experience of the Apennine regions of northern Italy (Du lịch xe đạp như một động lực cho sự phát triển bền vững của các vùng lãnh thổ ít được biết đến hoặc xa xôi: Kinh nghiệm của các vùng Apennine ở miền Bắc nước Ý), Tạp chí Bền vững (Thụy Sĩ), 2018.
6. Ingrid rossi, Legal status of non-governmental organizations in international law (Tình trạng pháp lý của các tổ chức phi chính phủ trong luật quốc tế), Oxford Portland, 2010.
7. Lamont, M, Reinventing the Wheel: a definitional discussion of bicycle tourism (Tái tạo bánh xe: một cuộc thảo luận định nghĩa về du lịch xe đạp), Tạp chí Thể thao và Du lịch, 2009.
8. Phạm Trung Lương, Đặng Duy Lợi, Vũ Tuấn Cảnh, Nguyễn Ngọc Kháng, Đánh giá tài nguyên du lịch, Nxb Giáo dục, 2000.
9. Matthew Lamont, Cycling and tourism (Đạp xe và du lịch), Đại học Southern Cross, 2005.
10. Nenna Salokangas, Cycling tourism research-analyzing the bicycle touring segment (Nghiên cứu du lịch xe đạp - phân tích phân khúc du lịch xe đạp), Đại học KAMK, 2020.
11. Vũ Hồng Phong, Hoàng Anh Dũng, Nhận thức của người dân về hoạt động từ thiện và khả năng gây quỹ của các tổ chức phi Chính phủ Việt Nam, Nxb Giao thông Vận tải, 2015.
12. Quốc hội, Luật Du lịch Việt Nam, 2017.
13. Ritchie, Brent W, Bicycle tourism in the South Island of New Zealand: planning and management issues (Du lịch xe đạp ở Đảo Nam của New Zealand: Các vấn đề về quy hoạch và quản lý), Tạp chí Quản lý Du lịch, 1998, tr.567-582.
14. Sabri, N A M, A Systematic Review on Bicycle Tourism: Concept, Issues, and Future Directions (Một đánh giá hệ thống về Du lịch xe đạp: Khái niệm, Vấn đề và Hướng đi trong tương lai), Tạp chí Quản lý Khách sạn và Du lịch TEAM, 2019, tr.48-66.
15. Saigon Children Charity, Child protection policy (Chính sách bảo vệ trẻ em), Tập san Quỹ từ thiện trẻ em Sài Gòn, TP.HCM, số 1, tháng 4-2020, tr.10.
16. Nguyễn Minh Tuệ, Địa lý du lịch cơ sở lý luận và thực tiễn phát triển ở Việt Nam, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2017.
Ths NGUYỄN TẤN DANH - TS NGUYỄN PHƯỚC HIỀN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 578, tháng 8-2024