“GenZ dệt ZènG” là dự án truyền thông và sáng tạo nghệ thuật, được thực hiện bởi nhóm sinh viên Chuyên ngành Quản trị Truyền thông Đa phương tiện, Trường Đại học FPT TP.HCM, được ra mắt vào ngày 18-5 tại TP.HCM. Với thông điệp “Từ sợi dệt đến vệt số”, dự án hướng tới mục tiêu hỗ trợ bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Tà Ôi tỉnh Thừa Thiên Huế.
Nghề dệt Zèng của A Lưới đã được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, tuy nhiên chưa được nhiều người trẻ quan tâm và biết đến, có thể đối mặt với nguy cơ bị mai một trong tương lai. Mong muốn lan tỏa niềm yêu nghề đến với các bạn sinh viên, anh Ra Pát Ngọc Hà - người dân Tà Ôi cho biết: “Tôi muốn nghề dệt này sẽ lan tỏa đến các thế hệ trẻ, để nghề dệt phát triển mãi mãi. Bởi vì, lớp trẻ sẽ là những người kế thừa, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa mà ông cha đã để lại”.
Đội ngũ dự án “GenZ dệt ZènG” là một trong những nhóm sinh viên GenZ tiên phong bảo tồn, lưu giữ, phát triển văn hóa dệt Zèng của dân tộc Tà Ôi thông qua ứng dụng công nghệ số và các phương tiện truyền thông. Dự án “GenZ dệt ZènG” được triển khai với mục đích lưu trữ di sản văn hóa và làm tăng nhận thức của người trẻ về Zèng. Bên cạnh đó, cùng với nhiều hoạt động nổi bật, dự án sẽ hướng tới việc khuyến khích thế hệ trẻ tìm hiểu về văn hóa Zèng nói riêng và di sản văn hóa Việt Nam nói chung.
Với thông điệp chính “Từ sợi dệt đến vệt số”, dự án gồm 3 giai đoạn chính: GenZ tả ZènG, GenZ dệt ZènG và GenZ tỏa ZènG. Mở đầu cho dự án là những câu chuyện “tả” Zèng được khai thác qua lời kể của người dân địa phương cùng nhiều thông tin giá trị, thú vị xoay quanh văn hóa dệt truyền thống này. Qua đó, thể hiện được sứ mệnh và mục tiêu của dự án, tăng mức độ nhận biết và thu hút sự chú ý của những người trẻ.
Nằm trong chuỗi hoạt động chính của dự án là triển lãm số “GenZ dệt ZènG”. Tại triển lãm sẽ trưng bày các họa tiết hoa văn trên Zèng được số hóa thông qua những hình thức khác nhau, mang lại trải nghiệm nghệ thuật chân thực cho người xem.
Và tại giai đoạn cuối “GenZ tỏa Zèng”, trại sáng tạo số được tổ chức nhằm khuyến khích, thúc đẩy người trẻ lưu trữ và lan tỏa văn hóa, thông qua các hành động nghiên cứu, ứng dụng số hóa hoa văn. Trại sáng tạo nội dung là cơ hội để các bạn yêu sáng tạo, văn hóa, nghệ thuật có thể trải nghiệm số hóa văn hóa thông qua các học phần số hóa và ứng dụng vào nhận diện thương hiệu bằng hình thức online. Từ đó, có thể ứng dụng thực tế, đóng góp vào sứ mệnh bảo tồn văn hóa thông qua các sản phẩm mà các bạn hoàn thành.
Các sinh viên trong dự án trải nghiệm thực địa di sản văn hóa Zèng tại A Lưới, Thừa Thiên Huế
Đến từ Ethnicity – dự án nghệ thuật về bảo tồn - quảng bá - phát triển các hoa văn thổ cẩm của Việt Nam, Hoàng Trần Thảo Vy, chuyên viên hoạch định chiến lược của Ethnicity cho biết: “Tôi chọn là người đồng hành với dự án cộng đồng “GenZ dệt ZènG” vì nhận ra đây là nhóm các bạn trẻ thế hệ gen Z kế cận đủ đầy “chất”. Trong khi Ethnicity thực sự mong muốn chia sẻ ngọn lửa đam mê của mình trong lĩnh vực số hóa và truyền thông lưu trữ dữ liệu hoa văn, để giúp các bạn hiểu về sự kết nối và lan tỏa các giá trị được học nơi cộng đồng dân tộc địa phương như Ethnicity đã có được. Dự án của các bạn rất có ý nghĩa, cho thấy một thế hệ trẻ tiếp nối biết cho đi, sẵn lòng học hỏi, đón nhận và chọn đi con đường gập ghềnh nhưng hạnh phúc, đó là được góp phần mình cho một xã hội thăng tiến, tôn trọng bản sắc dân tộc, nâng cao vai trò cộng đồng địa phương và luôn năng động, sáng tạo, thích ứng để đưa những tri thức bản địa xưa cũ trở nên gần gũi và trở thành tri thức, chất liệu sáng tạo của người trẻ ngày nay”.
Không chỉ truyền tải những câu chuyện nhân văn, dự án cộng đồng “GenZ dệt ZènG” hứa hẹn sẽ mang đến những trải nghiệm sáng tạo, đa giác quan khi sử dụng công nghệ số trong không gian thực. “GenZ dệt ZènG” mong muốn sẽ trở thành nguồn cảm hứng tích cực để các bạn trẻ có thêm động lực cùng nhau lưu trữ và bảo tồn văn hóa Việt Nam, chung tay phát triển di sản dân tộc. Hãy cùng “GenZ dệt ZènG” dệt một bước số hóa để góp phần lưu giữ bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.
AN NGỌC