Bình đẳng giới là một trong những chỉ số đánh giá quan trọng về phát triển bền vững toàn cầu và khu vực. Là một ngành kinh tế quan trọng trên phạm vi toàn cầu, mối liên hệ giữa du lịch với vấn đề giới luôn là tâm điểm của cộng đồng khoa học. Bằng chứng về tác động tích cực của du lịch đối với bình đẳng giới đã được đưa ra trong nhiều nghiên cứu trường hợp vi mô. Trên cơ sở phân tích và tổng luận tài liệu thứ cấp trong nước và quốc tế, bài viết đề cập đến một số chiều cạnh giới trong ngành Du lịch, đến lực lượng lao động nữ trong ngành Du lịch; sự khác biệt và bất bình đẳng giới trong lĩnh vực du lịch và thúc đẩy bình đẳng giới trong du lịch.
Phụ nữ người dân tộc Giáy ở Sa Pa thay đổi nếp nghĩ cách làm để phát triển kinh tế du lịch - Ảnh: hoilhpn.org.vn
1. Sơ lược khái niệm
Khái niệm giới tính (Sex) đề cập đến những khác biệt về mặt sinh học, nhấn mạnh đến khác biệt về chức năng sinh sản giữa nam và nữ. Còn khái niệm giới (Gender) lại nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa nam và nữ được hình thành thông qua quá trình giáo dục, xã hội hóa và các yếu tố khác như phong tục, tập quán. Khái niệm giới đề cập đến mối quan hệ xã hội giữa nam và nữ, trong mối quan hệ này có sự phân biệt về vai trò, trách nhiệm, hành vi xã hội mà mỗi xã hội cụ thể quy định cho nam và nữ, phù hợp với những đặc điểm văn hóa, chính trị, kinh tế, tôn giáo. Do vậy, nên giới khác biệt theo không gian và thay đổi theo thời gian, đi cùng với khái niệm giới là nam tính (nam giới) và nữ tính (nữ giới). Nam tính và nữ tính luôn là hai phạm trù trong mọi tầng lớp xã hội, chủng tộc và văn hóa theo nghĩa là trải nghiệm, mong muốn và sở thích của nữ giới và nam giới khác nhau trong mọi tầng lớp xã hội, chủng tộc và văn hóa. Vì giới gắn liền với các khía cạnh cá nhân, tương tác và thể chế của xã hội, nữ giới và nam giới tham gia và trải nghiệm du lịch một cách khác nhau với tư cách vừa là người tiêu dùng, vừa là nhà sản xuất.
2. Chiều cạnh giới trong du lịch
Vấn đề giới trong du lịch thu hút sự quan tâm của cộng đồng khoa học. Năm 2017, Elsevier đã xuất bản một báo cáo về giới trong bối cảnh nghiên cứu toàn cầu, sử dụng các phương pháp và phân tích thư mục (rút ra từ cơ sở dữ liệu trích dẫn và tóm tắt Scopus) để so sánh nghiên cứu về giới trong 27 lĩnh vực chủ đề, trên 12 quốc gia và khu vực trong hai thập kỷ từ năm 1996 và 2015. Hơn 62 triệu tài liệu về khoa học thể chất, sức khỏe, đời sống và xã hội đã được phân tích. Một số phát hiện nổi lên từ nghiên cứu này bao gồm nghiên cứu về giới đang phát triển cả về quy mô lẫn độ phức tạp và ngày càng có nhiều bài báo được xuất bản về các chủ đề như nữ quyền, khuôn mẫu giới và phân loại và nhận dạng giới. Điều thú vị là, một quan sát từ nghiên cứu này là tốc độ phát triển tương đối nhanh của nghiên cứu về giới đã vượt xa tốc độ phát triển của toàn bộ tài liệu học thuật trong cùng khoảng thời gian. Trong phần này, bài viết đề cập đến một vài chiều cạnh giới trong ngành Du lịch.
Nữ giới chiếm số đông lao động trong ngành Du lịch
Năm 1990, ILO yêu cầu nghiên cứu về tình hình của nữ giới trong ngành Khách sạn, Dịch vụ ăn uống và Du lịch, nhưng phải đến năm 2013, tổ chức này mới ủy quyền cho Thomas Baum đưa ra báo cáo chính thức đầu tiên về tình hình của nữ giới trong khách sạn, thương mại, ăn uống và du lịch. Nghiên cứu này cho thấy, ở cấp độ toàn cầu, nữ giới chiếm 55,5% lực lượng lao động (55,9% ở Tây Ban Nha, 58,5% ở Mexico, 65% ở Thái Lan, 76,3% ở Peru và 85,6% ở Lithuania). Trên toàn thế giới, du lịch là lĩnh vực đặc biệt quan trọng đối với nữ giới, những người chiếm tới 46% lực lượng lao động trong ngành Du lịch. Tỷ lệ này cao hơn so với lực lượng lao động nói chung, với từ 34-40% là nữ giới. Số lượng nữ giới làm việc trong ngành Du lịch rất khác nhau giữa các quốc gia, từ 2% đến hơn 80%. Ở những quốc gia mà du lịch là ngành phát triển hơn, tỷ lệ tham gia của nữ giới là khoảng 50%.
Khảo sát 65 quốc gia cho thấy, các quốc gia có tỷ lệ nữ tham gia vào công việc du lịch thấp nhất nằm ở Bắc Phi hoặc Trung Đông. Các khía cạnh văn hóa và tôn giáo ảnh hưởng mạnh mẽ đến khả năng tiếp cận việc làm nói chung, điều này cũng được phản ánh ở cấp độ ngành. Trên toàn cầu, tỷ lệ tổng thể nữ giới tham gia vào lực lượng lao động du lịch là 55,5%. So với những con số được ILO báo cáo trước đây và những con số trong khu vực có thể lên tới 70%. Còn theo khảo sát lực lượng lao động Eurostat, trong nền kinh tế tổng thể của EU, tỷ lệ nam 55% và nữ 45%, trong việc làm; trong khi ở lĩnh vực lưu trú và nhà hàng thì ngược lại, nam khoảng 45% và nữ 55%. Ở Thụy Sĩ và Na Uy, sự phân bố theo giới cho thấy nữ giới chiếm tỷ lệ cao trong ngành Khách sạn, Dịch vụ ăn uống và Du lịch: ở 2 quốc gia này, tỷ lệ này là khoảng 40 - 60%. Riêng Thổ Nhĩ Kỳ là trường hợp đặc biệt với khoảng 85% lao động du lịch là nam giới và 15% nữ giới, ở nhóm tuổi trẻ nhất, tỷ lệ nữ giới là thấp nhất.
Báo cáo toàn cầu về phụ nữ trong du lịch (2019) cho thấy 54% số người làm việc trong ngành Du lịch trên toàn thế giới là nữ giới. Trong số các quốc gia được chọn để đưa vào báo cáo này, ILO lưu giữ dữ liệu phân tách theo giới tính của 117 quốc gia. Trong số các quốc gia còn lại được chọn để đưa vào, ILO cung cấp ước tính theo mô hình cho 41 quốc gia được sử dụng để hoàn thiện bộ dữ liệu. Dựa trên những số liệu này, tổng lực lượng lao động nữ của 157 quốc gia này là 54%.
Bảng 1: Số lượng và tỷ lệ người làm việc theo giới tính trong các hoạt động dịch vụ lưu trú và ăn uống, 2009-2018 - Nguồn: ILOSTAT, 2018
Nghiên cứu của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cho thấy, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ nữ giới làm việc trong ngành Du lịch cao nhất trong các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, với 70% lao động trong ngành Du lịch là nữ giới (bảng 2).
Bảng 2: Nữ giới trong lực lượng lao động, Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (%) - Nguồn: ADB, 2009, dẫn theo Baum, T., 2013
Ngành Du lịch Việt Nam có đặc thù là tỷ lệ lao động nữ chiếm đa số. Hiện tại, ngành Du lịch có trên 235.000 lao động làm việc trực tiếp, trong đó lao động nữ chiếm 58%, tương đương trên 136.300 người và số lượng lao động gián tiếp trên 600.000 người. Với những số liệu từ các nghiên cứu khác nhau trên thế giới, có thể thấy nữ giới chiếm tỷ lệ áp đảo trong ngành Du lịch. Nói cách khác, nếu thiếu nữ giới, ngành Du lịch sẽ gặp nhiều thách thức trong quá trình phát triển.
Du lịch và tác động đến bình đẳng giới
Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới, so với các ngành kinh tế, du lịch sử dụng nhiều nữ giới hơn (54% so với 39%); và 23,7% Bộ trưởng Bộ Du lịch là nữ giới, trong tổng số 20,7% Bộ trưởng nữ trong Chính phủ. Báo cáo Toàn cầu về nữ giới trong du lịch năm 2010 cho thấy 21% các quốc gia có Bộ trưởng Bộ Du lịch là nữ, so với 17% Bộ trưởng nữ nói chung. Châu Phi có tỷ lệ cao nhất, vì 1/3 số Bộ trưởng Bộ Du lịch là nữ giới, trong khi châu Mỹ Latinh có tỷ lệ thấp nhất, chỉ có 6% vị trí Bộ trưởng Bộ Du lịch do nữ giới nắm giữ. Báo cáo này cho thấy 23% Bộ trưởng Du lịch trên toàn thế giới là nữ giới. Con số này cao hơn tỷ lệ đại diện trung bình của nữ giới trong các vị trí cấp bộ trên toàn thế giới. Tính đến tháng 1-2019, chỉ có 20,7% Bộ trưởng trong Chính phủ là nữ giới; thường là các vấn đề xã hội, gia đình, trẻ em, thanh niên, người già và người khuyết tật.
Bảng 3. Tỷ lệ nữ giới làm Bộ trưởng Bộ Du lịch (%) - Nguồn: UNWTO, 2019
Năm 2010, 20% Giám đốc điều hành (CEO) doanh nghiệp du lịch và 24% Chủ tịch Hiệp hội Du lịch là nữ giới. Năm 2013, nữ giới chỉ chiếm 15,2% thành viên Hội đồng quản trị; năm 2018, con số này đã tăng lên 23%.
Việc tham gia vào các doanh nghiệp du lịch không chỉ góp phần giảm nghèo cá nhân và hộ gia đình, mà còn điều chỉnh cơ cấu công việc theo giới và quá trình ra quyết định trong cộng đồng. Do đó, nếu như trước đây, nữ giới cảm thấy mình không có địa vị và quyền lực, nay họ sẽ có được vị thế và sự tôn trọng cao hơn trong xã hội. Điều này thách thức các vai trò, khuôn mẫu truyền thống trong lực lượng lao động và tạo điều kiện trao quyền cho nữ giới. Đồng thời, thúc đẩy việc áp dụng các tiêu chí về giới trong các tiêu chuẩn chứng nhận cho ngành Du lịch (ví dụ: thù lao giống nhau cho công việc giống nhau, cơ hội công bằng cho nữ giới kinh doanh, phát triển các tổ chức nữ giới sản xuất gắn liền với du lịch). Nó cung cấp thông tin liên quan đến sự tham gia của cả nữ giới và nam giới trong khu vực chính thức và khu vực phi chính thức.
Du lịch ảnh hưởng đến cuộc sống của nữ giới sống tại các điểm du lịch, cho dù họ có phải là nhân viên du lịch hay không. Trong nhiều trường hợp, du lịch tác động căn bản đến mối quan hệ giới ở các quốc gia điểm đến. Công việc du lịch có thể mang lại lợi ích cho lao động nữ, ví dụ như khi nữ giới tự mình hành động, vì chính họ, để yêu cầu được đối xử công bằng hơn ở nơi làm việc, trong gia đình và ngoài xã hội. Công việc du lịch có thể dẫn đến địa vị cao hơn trong gia đình và xã hội. Bên cạnh những tác động tích cực, vẫn còn những biểu hiện bất bình đẳng giới trong ngành Du lịch.
Trước hết, đó là sự khác biệt về vị trí việc làm giữa nam và nữ: theo chiều ngang, nữ giới và nam giới được bố trí làm những công việc khác nhau - nữ giới được tuyển dụng làm hầu bàn, hầu phòng, người dọn dẹp, nhân viên bán hàng của đại lý du lịch, tiếp viên hàng không (90% số người làm những công việc này là nữ giới), trong khi nam giới được tuyển dụng làm nhân viên pha chế, người làm vườn, công nhân xây dựng, lái xe, phi công… Theo chiều dọc, “kim tự tháp giới” điển hình đang phổ biến - cấp bậc và nghề nghiệp thấp hơn, có ít cơ hội phát triển nghề nghiệp do nữ giới thống trị và các vị trí quản lý chủ chốt do nam giới thống trị. Việc làm trong ngành Du lịch giống như một kim tự tháp, với nhiều nữ giới làm các công việc thời vụ và bán thời gian ở các vị trí thấp hơn, nhưng rất ít phụ nữ đạt được vị trí quản lý ở cấp cao nhất.
Thứ hai, nghiên cứu cũng cho thấy, nữ giới chiếm số đông trong các công việc tạm thời của ngành Du lịch. Dữ liệu của Eurostat cho thấy thời gian làm việc và tác động của nó đối với tỷ lệ việc làm của nữ giới và nam giới. Dữ liệu được phân chia về thời gian phục vụ dưới ba tháng và ba tháng trở lên. Tuy nhiên, có thể phát hiện một xu hướng chung, theo đó số lượng nữ giới phục vụ trong thời gian làm việc dưới ba tháng tương đối nhiều hơn nam giới. Trong EU-27, giai đoạn 2008-2010 ở nhóm “dưới ba tháng” có tỷ lệ nữ nhiều hơn nam giới từ 23-29%, trong khi ở nhóm “ba tháng trở lên”, sự khác biệt tương đối nhỏ hơn nữ giới nhiều hơn nam giới từ 17-19%. Xu hướng tương tự cũng áp dụng cho toàn bộ nền kinh tế. Lý do của điều này rất khó phát hiện, nhưng mô hình chung là nữ giới thường xuyên làm việc theo hợp đồng tạm thời hơn có thể liên quan đến việc làm cho cùng một người chủ trong thời gian ngắn hơn.
Trong các ngành Khách sạn, Dịch vụ ăn uống và Du lịch, số lượng nữ giới được tuyển dụng tạm thời nhiều hơn so với toàn bộ nền kinh tế. Một phần điều này phản ánh tính thời vụ của việc làm trong ngành Du lịch. Nó áp dụng cho EU-27, EU-15 và Thụy Sĩ, nơi sự phân bổ lao động tạm thời theo giới tính trong toàn bộ nền kinh tế với tỷ lệ là gần 50-50. Khoảng 60% nhân viên tạm thời là nữ giới. Khi so sánh số lượng nhân viên tạm thời với tất cả nhân viên ở ngành Khách sạn, Dịch vụ ăn uống và Du lịch, một lần nữa, nữ giới thường được tuyển dụng tạm thời nhiều hơn nam giới. Tỷ lệ trung bình của nam và nữ lao động theo hợp đồng tạm thời ở EU-27 và EU-15 là khoảng 18%, trong khi đối với nam là khoảng 16% và đối với nữ là khoảng 19%. Theo Thomas Baum (2013), lao động nữ phải đối mặt với hàng loạt vấn đề bổ sung và những thách thức cụ thể phụ thuộc vào chu kỳ nhu cầu du lịch, vốn rất thay đổi và áp đặt giờ làm việc không thể đoán trước, nói cách khác, nữ giới thường làm những công việc có tính chất không ổn định, bấp bênh. Công việc bấp bênh về cơ bản có bốn khía cạnh chính: Tính tạm thời (sự không an toàn của mối quan hệ việc làm); Tính dễ bị tổn thương (suy thoái điều kiện làm việc); Lương không đủ (mức lương dưới mức tối thiểu cần thiết để đáp ứng nhu cầu cơ bản); Thiếu sự bảo vệ việc làm (giảm phúc lợi an sinh xã hội). Nữ giới thường tập trung vào những công việc trình độ thấp, lương thấp và bấp bênh trong ngành Du lịch. Nữ giới trong ngành Du lịch có thu nhập thấp hơn nam giới 14,7% và con số này trong nền kinh tế chung là 16,8%.
Thứ ba, mặc dù du lịch với tư cách là một ngành mang lại cho nữ giới những lựa chọn đáng kể để khởi nghiệp mà không cần nguồn tài chính khởi nghiệp lớn. Tuy nhiên, thách thức vẫn đặt ra do nữ giới bị hạn chế hoặc không có khả năng tiếp cận tài sản thế chấp, tài chính và thị trường để bắt đầu hoặc phát triển một doanh nghiệp du lịch. Tinh thần khởi nghiệp du lịch của nữ giới cũng bị cản trở do thiếu khả năng tiếp cận công nghệ, thông tin, kỹ năng kinh doanh, giáo dục và đào tạo. Sự bất bình đẳng trong khởi nghiệp du lịch càng rõ rệt hơn khi các vấn đề như chủng tộc, dân tộc và di cư được xem xét, dựa trên sự bất bình đẳng giữa các nhóm mà người di cư và nữ giới thuộc các nhóm kinh tế, xã hội bị thiệt thòi phải đối mặt.
Thứ tư, một trong những tác động tiêu cực của du lịch là làm trầm trọng thêm các vấn đề xã hội như mại dâm, nghiện ma túy và bóc lột tình dục trẻ em. Ngoài ra, với nhiều doanh nghiệp du lịch, việc “khiêu dâm hóa lao động” khi yêu cầu nhân viên, đặc biệt nhân viên nữ phải mặc trang phục nhạy cảm, hở hang, phản cảm trong quá trình làm việc trong ngành Du lịch. Nữ giới được yêu cầu phải ăn mặc “hấp dẫn”, trông xinh đẹp và “làm theo” hành vi quấy rối tình dục của khách hàng.
Du lịch và cộng đồng LGBT
Du lịch LGBT đề cập đến việc phát triển và tiếp thị các sản phẩm, dịch vụ du lịch cho người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính hoặc chuyển giới. Một số sản phẩm và dịch vụ được thiết kế dành riêng cho khách du lịch LGBT, ví dụ như tuần trăng mật và lễ cưới dành cho các cặp đôi đồng giới hoặc chỗ ở hoặc chuyến du lịch được thiết kế dành riêng cho nhóm đồng tính nam hoặc đồng tính nữ. Trong các trường hợp khác, điểm đến hoặc nhà cung cấp dịch vụ du lịch (ví dụ: hãng hàng không, chuỗi khách sạn) tìm cách đảm bảo với người tiêu dùng LGBT rằng khi đến điểm đến hoặc mua sản phẩm hoặc dịch vụ của họ, họ sẽ được chào đón và tôn trọng.
Quá trình thực hiện nghiên cứu về người tiêu dùng LGBT được hỗ trợ bởi số lượng người LGBT sẵn sàng tự nhận mình thuộc nhóm LGBT ngày càng tăng. Hầu hết các tổ chức nghiên cứu thị trường đều giả định tỷ lệ từ 3-7% dân số sẵn sàng xác định là LGBT. Nếu cách áp dụng ước tính thận trọng về dân số LGBT là 3%, thì với số liệu về lượng khách du lịch quốc tế năm 2023 theo UNWTO với 1,286 triệu người, thì điều này có thể ước đoán khoảng 38,8 triệu du khách qua đêm đã đến các điểm đến quốc tế trên khắp thế giới vào năm ngoái là thuộc cộng đồng LGBT.
Theo dữ liệu từ Nghiên cứu Du lịch & Khách sạn Trung Quốc của CMI, 30% nữ giới đồng tính và lưỡng tính đã thực hiện ít nhất một chuyến đi giải trí bên ngoài Trung Quốc đại lục so với 22% nam giới đồng tính và lưỡng tính. Ngoài ra, nữ giới có nhiều khả năng được xác định là khách du lịch tầm trung hơn nam giới (39% so với 20%); nam giới có nhiều khả năng được xác định là người không đi du lịch và du lịch tiết kiệm.
Có thể thấy, thị trường du lịch đối với cộng đồng LGBT rất tiềm năng, tuy nhiên vẫn còn hơn 70 quốc gia trên thế giới coi đồng tính luyến ái là bất hợp pháp, đồng thời cộng đồng LGBT chưa thật sự được các công ty du lịch, lữ hành quan tâm, chưa kể còn có sự thiếu cảm thông đối với họ.
3. Bàn luận
Trong du lịch, chủ đề về giới và đặc biệt là nữ giới trong du lịch đã nhận được sự quan tâm đáng kể. Vì giới gắn liền với các khía cạnh cá nhân, tương tác và thể chế của xã hội, nữ giới và nam giới tham gia và trải nghiệm du lịch một cách khác nhau với tư cách vừa là người tiêu dùng, vừa là nhà sản xuất. Du lịch mang lại cho nữ giới một con đường để hoạt động tích cực và lãnh đạo trong đời sống chính trị và cộng đồng, đồng thời cung cấp các cơ hội việc làm và kinh doanh quan trọng, để 2/3 lực lượng lao động du lịch trên thế giới là nữ và họ có khả năng trở thành người sử dụng lao động trong ngành Du lịch cao gần gấp đôi so với các ngành công nghiệp khác.
Vấn đề phát triển du lịch và bình đẳng giới mang tính đa chiều. Nó bao gồm từ vấn đề thường xuyên xảy ra và dai dẳng về trách nhiệm không cân xứng trong tái sản xuất và quản lý tài nguyên cộng đồng giữa nam giới và nữ giới; bản chất khác biệt và dựa trên giới tính cũng như hậu quả của việc tiếp cận các nguồn lực kinh tế và xã hội; sự phụ thuộc vào lao động nữ giới trong lĩnh vực khách sạn; và các vấn đề nổi bật về du lịch tình dục và HIV/AIDS.
Sự quan tâm đến du lịch bền vững và du lịch sinh thái đã tăng lên do những lời chỉ trích về việc du lịch đại chúng hủy hoại môi trường. Việc phủ xanh du lịch này đã làm tăng tầm quan trọng của nó ở các vùng nông thôn bị thiệt thòi về mặt kinh tế. Nền kinh tế của những khu vực này được đặc trưng bởi các doanh nghiệp quy mô nhỏ, linh hoạt dựa trên lao động gia đình. Nữ giới thường có vai trò quan trọng trong các doanh nghiệp lao động gia đình và do đó, du lịch bền vững sẽ tăng cơ hội cho nữ giới tự chủ về kinh tế. Do quy mô, tốc độ tăng trưởng nhanh chóng và tính chất cực kỳ đa dạng và năng động, ngành Du lịch có tính linh hoạt rất lớn. Điều này có thể cho phép doanh nghiệp du lịch phát triển các sáng kiến quan trọng vì sự tiến bộ của nữ giới, đóng vai trò là hình mẫu cho các ngành đang phát triển khác. Nó tạo ra nhận thức ở nhiều bên liên quan (nhà cung cấp, người tiêu dùng) về thực tế phân biệt giới tính trong thị trường việc làm và thúc đẩy các nỗ lực hợp tác để giải quyết và ưu tiên các vấn đề có vấn đề. Nữ giới cần được khuyến khích tham gia vào các sáng kiến du lịch độc lập dựa vào cộng đồng, thông qua việc thúc đẩy các cơ hội, tư vấn chuyên môn, liên hệ và mạng lưới, đào tạo và giáo dục cũng như sẵn sàng tiếp cận thông tin tín dụng. Các chương trình đào tạo và giáo dục thường thúc đẩy nữ giới chuyển sang các ngành nghề phi truyền thống, cung cấp cho họ những kỹ năng mới và khuyến khích nữ giới ứng tuyển vào các vị trí quản lý chủ chốt.
Du lịch mang lại cho phụ nữ một phương thức để hoạt động tích cực và lãnh đạo trong đời sống chính trị và cộng đồng, đồng thời cung cấp các cơ hội việc làm và kinh doanh quan trọng, để 2/3 lực lượng lao động du lịch trên thế giới là nữ và họ có khả năng trở thành người sử dụng lao động trong ngành du lịch cao gần gấp đôi so với các ngành công nghiệp khác. Tuy nhiên, du lịch đồng thời thúc đẩy sự bóc lột kinh tế và tình dục của phụ nữ thông qua các hành vi lạm dụng việc làm làm tăng tính dễ bị tổn thương của những người lao động bấp bênh, trong khi luận điệu tiếp thị về giới của ngành đã được ghi chép rõ ràng.
Mặc dù, nữ giới là những người tiêu dùng và nhà sản xuất quan trọng của các sản phẩm và trải nghiệm du lịch, nhưng việc tìm hiểu về du lịch lại thiếu nhạy cảm về giới. Bình đẳng giới cần phải được đưa vào chính sách du lịch một cách có kế hoạch. Giống như tất cả các chính sách bình đẳng giới nói chung, chiến lược bình đẳng giới trong lĩnh vực du lịch rất dễ bị tổn thương trước những thay đổi của các cấp chính quyền. Vì vậy, điều quan trọng là phải nỗ lực thể chế hóa quan điểm giới trong du lịch thông qua lồng ghép giới, thay vì chỉ tập trung vào phát triển chính sách. Trừ khi quan điểm về giới được thể chế hóa, nếu không mỗi “thời điểm thay đổi chính trị” đều đòi hỏi những nỗ lực mới để thu hút sự chú ý của các nhà hoạch định chính sách du lịch đối với việc lồng ghép giới. Thay vì điều chỉnh bình đẳng giới trong lĩnh vực du lịch, các chiến lược du lịch và bình đẳng giới sẽ phát huy tác dụng tốt nhất khi chúng tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch từ cách tiếp cận có sự nhạy cảm giới.
Để có thể thúc đẩy bình đẳng giới trong du lịch, các công ty du lịch, lữ hành, nhà hàng, khách sạn cần đào tạo nhân viên, cán bộ quản lý có hiểu biết về bình đẳng giới trong nghề nghiệp. Đồng thời, các cơ sở giáo dục đại học cần lồng ghép giới trong chương trình đào tạo của mình. Từ thực tiễn kiểm định chất lượng giáo dục một số chương trình đào tạo trình độ đại học về Du lịch, Quản trị du lịch và lữ hành, Quản trị nhà hàng, khách sạn, cũng như quan sát, tìm hiểu các chương trình đào tạo ở các trường đại học hàng đầu ở Việt Nam có đào tạo về du lịch, lữ hành, chúng tôi thấy không có học phần nào về giới và du lịch, cũng không có nội dung nào về giới trong các học phần của chương trình đào tạo liên quan đến du lịch. Để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu của Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị (khóa XII) về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, theo chúng tôi chương trình đào tạo cử nhân du lịch rất cần có lồng ghép giới trong kiến thức chuyên ngành.
_________________
Tài liệu tham khảo
1. Baum, T., Quan điểm quốc tế về phụ nữ và công việc trong khách sạn, dịch vụ ăn uống và Du lịch, Tổ chức Lao động quốc tế, 2013.
2. Bình đẳng giới, Mặt trời, cát và trần nhà: Phụ nữ trong phòng họp trong ngành Du lịch, Bình đẳng trong du lịch, equalityintourism.org, London, 2013.
3. Bình đẳng giới, Nắng, Cát và Trần: Phụ nữ trong du lịch và khách sạn; Phòng Hội đồng 2018, Bình đẳng trong du lịch, equalityintourism.org, London, 2018.
4. Hoàng Bá Thịnh, Giáo trình Xã hội học về Giới, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2008.
5. Hoàng Bá Thịnh, Giáo trình Xã hội học về Giới, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2014.
6. Đánh giá Maureen Vargas và Lorena Aguilar, Du lịch: Giới tính tạo nên sự khác biệt.
7. UNWTO, Báo cáo toàn cầu về phụ nữ trong du lịch (ấn bản thứ hai), 2019.
8. Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới WTTC, Bình đẳng giới và việc làm cho thanh niên: Du lịch & Lữ hành với tư cách là nhà tuyển dụng chính của phụ nữ và thanh niên, London, 2014.
9. Dữ liệu dựa trên khảo sát lực lượng lao động châu Âu (LFS), Phụ lục I và II.
10. laborsta.ilo.org
TS PHAN THỊ NGÀN - GS, TS HOÀNG BÁ THỊNH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 578, tháng 8-2024