Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh - Sự hồi sinh ngoạn mục sau đại dịch COVID-19

Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh là một địa điểm tham quan có ý nghĩa lịch sử sâu sắc tại TP.HCM, lưu giữ nhiều bằng chứng hùng hồn của cuộc chiến tranh tàn khốc đã xảy ra ở Việt Nam và có vai trò quan trọng trong công tác giáo dục thế hệ trẻ về giá trị hòa bình. Đồng thời, thúc đẩy sự phát triển ngành Du lịch Việt Nam. Sau một thời gian đóng cửa các hoạt động tham quan, trình diễn do đại dịch COVID-19, Bảo tàng chứng tích Chiến tranh đã có những bước tiến “hồi sinh ngoạn mục”. Bài viết trình bày thực trạng “hồi sinh” của Bảo tàng sau đại dịch và đưa ra các giải pháp hữu hiệu nhằm tiếp tục lan tỏa, phát huy những giá trị văn hóa lịch sử đối với mỗi người dân Việt Nam qua các thế hệ và bạn bè quốc tế trong việc bảo tồn các giá trị di sản lịch sử và khai thác phát triển du lịch.

Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh (TP. HCM) - Ảnh: sggp.org.vn

1. Lịch sử hình thành và phát triển của Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh

Giai đoạn đầu thành lập

Năm 1975, ngay sau khi chiến tranh kết thúc, tại đây đã thành lập Nhà Trưng bày tội ác Mỹ - Ngụy. Mục tiêu ban đầu là trưng bày những bằng chứng về tội ác chiến tranh mà quân đội Mỹ và tay sai đã gây ra cho nhân dân Việt Nam; Năm 1990 được đổi tên thành Nhà Trưng bày Tội ác Chiến tranh xâm lược, mở rộng phạm vi trưng bày để bao quát hơn về các giai đoạn chiến tranh (1).

Trở thành Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh

Ngày 4-7-1995, Nhà trưng bày chính thức được đổi tên thành Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh. Sự thay đổi này đánh dấu một bước phát triển mới trong việc bảo tồn và trưng bày các hiện vật, tài liệu liên quan đến chiến tranh. Năm 2002, bảo tàng được đầu tư xây dựng lại với quy mô lớn hơn, hiện đại hơn, nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan ngày càng tăng và nâng cao chất lượng trưng bày (2).

Giai đoạn phát triển và mở rộng

Năm 2010, công trình xây dựng mới hoàn thành, mở ra một không gian trưng bày rộng lớn và hiện đại (3). Hiện nay, bảo tàng không ngừng được nâng cấp và mở rộng, với việc bổ sung nhiều hiện vật, tài liệu mới; đồng thời, tổ chức các hoạt động trưng bày lưu động, hội thảo, tọa đàm để giáo dục cộng đồng về lịch sử Việt Nam.

2. Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến hoạt động du lịch tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh

Trong những năm qua, đại dịch COVID-19 đã gây ra những tác động sâu sắc và lâu dài đến nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, trong đó có ngành Du lịch. Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh - một trong những điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước ở TP.HCM cũng không nằm ngoài vòng xoáy ảnh hưởng này.

Sự giảm sút lượng khách du lịch: Khách du lịch quốc tế sụt giảm mạnh do các biện pháp hạn chế đi lại, đóng cửa biên giới và lệnh phong tỏa đã khiến số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam giảm mạnh. Đây là đối tượng du khách quan trọng của bảo tàng. Lượng khách du lịch nội địa cũng giảm, mặc dù khách du lịch nội địa vẫn có nhu cầu tham quan, nhưng các biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế tụ tập đông người cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến lượng khách. Có những thời điểm, phải thực hiện theo chỉ đạo phòng chống dịch, bảo tàng đã phải tạm ngừng hoạt động để đảm bảo an toàn cho cộng đồng khi dịch bệnh diễn biến phức tạp tăng cao. Việc đóng cửa kéo dài này đã khiến cho bảo tàng mất đi một nguồn thu nhập ổn định từ vé tham quan và các dịch vụ khác.

Thay đổi hành vi của du khách: Bằng các biện pháp nhằm quan tâm đến công tác phòng dịch nghiêm ngặt, thành phố đã lựa chọn xu hướng hoạt động ngoài trời, tạo một không gian mở để tránh điểm đến đông người ở bảo tàng, từ đó du khách cũng trở nên thận trọng hơn và có khoảng cách. Điều này khiến cho Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh giảm đi lượng khách quốc tế cũng như trong nước với một con số đáng kể. Cụ thể, so sánh với năm 2019 đạt 1.008.363 lượt khách thì năm 2020 chỉ còn 211.773 lượt khách và 2021 là 1.872 lượt khách (4). Điều này đã hạn chế việc quảng bá, tiếp thị cho du lịch của thành phố cũng như của bảo tàng; Việc tiếp cận du khách thông qua các kênh truyền thông truyền thống và trực tuyến trở nên khó khăn hơn.

Ảnh hưởng đến hoạt động bảo tồn: Do giảm sút doanh thu, Bảo tàng đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì các hoạt động bảo tồn, bảo quản hiện vật… Những năm đại dịch COVID-19 đã gây ra những ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều hoạt động của bảo tàng. Tuy nhiên, trước những khó khăn và thách thức đó, bảo tàng đã không ngừng nỗ lực để phục hồi và thích nghi, nhằm đảm bảo vai trò của mình trong việc bảo tồn lịch sử và phục vụ cộng đồng.

Tăng cường các hoạt động trực tuyến: Bảo tàng đã tổ chức các buổi thuyết trình, tọa đàm trực tuyến bằng việc tận dụng các nền tảng trực tuyến như Zoom, Livestream… để tổ chức các buổi chia sẻ kiến thức, giao lưu với các chuyên gia, nhà nghiên cứu và công chúng về lịch sử chiến tranh, các hiện vật trưng bày; Xây dựng các tour tham quan ảo giúp du khách có thể khám phá bảo tàng từ xa, chiêm ngưỡng các hiện vật một cách sinh động và chân thực; Phát triển các kênh truyền thông xã hội nhằm tăng cường tương tác với khán giả thông qua các bài viết, hình ảnh, video về lịch sử, văn hóa và các hoạt động của bảo tàng.

Đảm bảo an toàn phòng, chống dịch: Thực hiện nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch như đo thân nhiệt, khử khuẩn, yêu cầu đeo khẩu trang... Hạn chế số lượng khách tham quan để đảm bảo khoảng cách an toàn giữa các cá nhân; Tăng cường vệ sinh khử khuẩn: Vệ sinh thường xuyên các khu vực trưng bày, nhà vệ sinh…

Bên cạnh đó, Ban quản lý Bảo tàng luôn bám sát thực hiện tốt các chủ trương của Nhà nước; đồng thời, thực hiện hiệu quả Kế hoạch 1749/KH-BVHTTDL, ngày 8-5-2020 của Bộ VHTTDL về việc “Phát động chương trình người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” thông qua nhiều nội dung trọng điểm như: Tiến hành kích cầu du lịch theo chủ đề Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn; tập trung vào đối tượng khách du lịch là người Việt Nam và người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam; khuyến khích hình thành các liên minh kích cầu dựa trên sản phẩm đáp ứng nhu cầu du lịch tham quan, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe và du lịch MICE; xây dựng những gói sản phẩm hấp dẫn về giá, đa dạng về chương trình, đảm bảo chất lượng, uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp du lịch, điểm tham quan, bảo tàng…; yêu cầu các doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng, khách sạn, điểm tham quan, bảo tàng, di tích… tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo an toàn cho khách du lịch và những người tham gia hoạt động du lịch; Đẩy mạnh truyền thông về du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn trên các kênh truyền thông trong cả nước nhằm xóa bỏ tâm lý e ngại đi du lịch khi vẫn chưa hoàn toàn hết dịch COVID-19 (5).

Những nỗ lực không ngừng giúp Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh vượt qua giai đoạn khó khăn của đại dịch và tiếp tục đóng góp vào việc bảo tồn di sản văn hóa, giáo dục thế hệ trẻ, phát triển du lịch địa phương và ngành Du lịch quốc gia.

3. Sự hồi sinh ngoạn mục sau đại dịch COVID-19

Để phục hồi và phát triển ngoạn mục như hiện nay, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể, đa dạng và sáng tạo phù hợp như:

Tăng cường hoạt động trực tuyến:

Tổ chức các tour tham quan ảo 360º giúp du khách khắp nơi trên thế giới có thể khám phá bảo tàng một cách chân thực và sinh động, đặc biệt là trong thời điểm di chuyển bị hạn chế; phát sóng trực tiếp các buổi nói chuyện, tọa đàm; mời các chuyên gia, nhà sử học chia sẻ những kiến thức sâu sắc về lịch sử chiến tranh, giúp khán giả hiểu rõ hơn về các hiện vật trưng bày; tạo ra các video ngắn, hấp dẫn để giới thiệu về các góc khuất của bảo tàng, những câu chuyện cảm động đằng sau các hiện vật, thu hút sự quan tâm của giới trẻ.

Tiếp tục tạo ra các sản phẩm du lịch

Đề ra những hoạt động, những chương trình mới như: tổ chức trưng bày chuyên đề Kỷ vật thời kháng chiếnKhát vọng sống, đem đến cho khách tham quan những cảm xúc đầy ấn tượng về các hiện vật được trưng bày tại bảo tàng; đưa các hoạt động triển lãm chuyên đề đến các trường học, trung tâm văn hóa và các bảo tàng khác trong và ngoài thành phố, điển hình như: Triển lãm lưu động tại thành phố Cần Thơ, tại Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế, tại Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt…

Kết quả đạt được sau đỉnh điểm của đại dịch COVID-19

Bảo tàng đã tiếp đón hàng ngàn lượt khách tham quan trong và ngoài nước. Trong đó, có các đoàn khách quan trọng như: Đoàn cán bộ cấp cao của Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel; Đoàn tham quan của Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ, Đoàn đại biểu cấp cao của Ủy ban Giám định Tư pháp Quốc gia Cộng hòa Belarus; Đoàn tham quan của Thủ tướng Đại Công quốc Luxembourg; Đoàn tham quan của 44 thí sinh vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam - Miss Grand Vietnam 2023.

Như vậy, lượng khách tham quan bảo tàng năm 2023 đã đạt được là 90,1% so với năm 2019 (thời điểm trước dịch COVID-19). Đặc biệt, số lượng khách tham quan là người Việt Nam đã đạt 165,9% so với 2019, một con số ấn tượng trong giai đoạn còn quá nhiều khó khăn cho ngành Du lịch. Điều này cho thấy số lượng du khách đến tham quan bảo tàng tăng đáng kể, đặc biệt là khách quốc tế: khi lượng khách du lịch quốc tế còn nhiều hạn chế so với thời điểm trước dịch thì Bảo tàng đã nhanh nhạy chọn hướng đi đúng đắn là đẩy mạnh thu hút khách tham quan nội địa, bao gồm cả khách là người Việt Nam và khách nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam. Hình ảnh bảo tàng được nâng cao, ngày càng được biết đến rộng rãi và trở thành một điểm đến không thể bỏ qua khi đến TP.HCM.

Thống kê so sánh số khách tham quan bảo tàng giai đoạn 2019-2023 (6) 

Từ những cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ, bảo tàng đã được ghi nhận và được vinh danh với những thành tích cho hoạt động của năm 2023, cụ thể là: Được bình chọn trong Top 10 Điểm tham quan thú vị trong khuôn khổ chương trình Thành phố Hồ Chí Minh - 100 điều thú vị 2023 do Sở Du lịch TP.HCM phát động vào cuối tháng 12-2022 nhằm mục đích đẩy mạnh quảng bá, kích cầu du lịch dịp cuối năm 2022 và trong năm 2023; Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh vinh dự đón nhận quyết định xếp Hạng I từ Bộ VHTTDL. Và mới đây, trong báo cáo tổng hợp từ trang TripAdvisor, Google Reviews Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh tại TP.HCM đứng thứ 61 trong danh sách 99 điểm đến hấp dẫn du khách nhất thế giới và là đại diện duy nhất của Việt Nam góp mặt trong danh sách này (7). Để có được những kết quả đó là nhờ vào những nỗ lực không ngừng của Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh. Điều đó chứng minh rằng, ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn, bảo tàng vẫn có thể “hồi sinh” và tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn di sản lịch sử và phát triển du lịch.

4. Một số giải pháp nâng cao chất lượng du lịch của Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh

Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh trở thành một điểm đến văn hóa hấp dẫn hơn, góp phần bảo tồn di sản lịch sử và giáo dục thế hệ trẻ, cần có những giải pháp tổng hợp và đa dạng. Để nâng cao chất lượng và giá trị hiện vật của Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, chúng ta cần có những giải pháp:

Thứ nhất, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cấp công tác bảo tồn và phát huy giá trị hiện vật. Đầu tư vào việc bảo quản, phục chế các hiện vật, tài liệu lịch sử; tận dụng tối đa không gian để trưng bày thêm nhiều hiện vật mới, tạo ra các góc triển lãm độc đáo.

Thứ hai, tăng cường quảng bá hình ảnh của bảo tàng trên các kênh truyền thông, mạng xã hội; tổ chức các chương trình giáo dục về lịch sử chiến tranh, các buổi tọa đàm, hội thảo với các nhà sử học, cựu chiến binh; truyền thông trực tuyến: tích cực sử dụng các nền tảng mạng xã hội để quảng bá hình ảnh bảo tàng và các hoạt động của bảo tàng.

Thứ ba, ứng dụng công nghệ hiện đại với hình thức thực tế ảo nhằm tạo ra các trải nghiệm tương tác độc đáo, sống động, giúp du khách hiểu sâu hơn về lịch sử dân tộc; tổ chức tour tham quan đa dạng bằng các hình thức truyền thống trực tiếp và hiện đại công nghệ số: tổ chức các tour tham quan theo chủ đề, phù hợp với từng đối tượng khách hàng, như tour dành cho học sinh, tour dành cho người cao tuổi, tour chuyên đề về một sự kiện lịch sử cụ thể; tương tác với hiện vật, cho phép khách tham quan tương tác với một số hiện vật an toàn, như nghe những đoạn ghi âm, xem các đoạn phim tài liệu; thường xuyên cập nhật và trình chiếu các bộ phim tài liệu về chiến tranh, về cuộc sống của người dân trong thời chiến; xây dựng các ấn phẩm: phát hành sách, báo, tạp chí, tài liệu tham khảo về lịch sử chiến tranh để phục vụ công tác nghiên cứu và giáo dục.

Thứ tư, hợp tác liên kết với các tổ chức xã hội, các hiệp hội cựu chiến binh để tổ chức các hoạt động chung; hợp tác với các cơ quan du lịch: xây dựng các tour du lịch kết hợp tham quan bảo tàng và các điểm du lịch khác; hợp tác liên kết với các trường học: tổ chức các chương trình ngoại khóa, các buổi tham quan thực tế cho học sinh, sinh viên đa ngành văn hóa, lịch sử, khoa học xã hội; hợp tác với các nhà tài trợ: thu hút nguồn vốn để thực hiện các dự án bảo tồn, phát triển.

Thứ năm, phát triển du lịch bền vững theo Kế hoạch 1749/KH-BVHTTDL, ngày 8-5-2020 của Bộ VHTTDL về việc “Phát động chương trình người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Thường xuyên đánh giá hiệu quả các hoạt động bằng việc thu thập ý kiến phản hồi của khách tham quan để cải tiến chất lượng dịch vụ. Điều chỉnh các chương trình, hoạt động để phù hợp với nhu cầu của khách hàng và xu hướng phát triển của xã hội.

Như vậy, bằng việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh không chỉ trở thành một điểm đến văn hóa hấp dẫn mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử, góp phần xây dựng một xã hội hòa bình, phát triển trên trường quốc tế và trở thành một biểu tượng lịch sử, văn hóa Việt Nam.

Kết luận

Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh là một thiết chế quý báu của nhân dân - dân tộc Việt Nam. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản của bảo tàng không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan quản lý mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân. Bằng cách đến thăm và chia sẻ về bảo tàng, chúng ta góp phần giữ gìn ký ức lịch sử và giáo dục tính đoàn kết chiến thắng và truyền cảm hứng yêu dân tộc cho các thế hệ mai sau. Bảo tàng luôn có những sự thể hiện tư duy đầy sáng tạo và năng động trong việc liên tục làm mới, nhằm tạo động lực hấp dẫn cho khách tham quan. Bên cạnh đó, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh luôn phát triển để đạt được những thành công vượt trội trong bối cảnh du lịch với các điểm tham quan, thưởng ngoạn hấp dẫn cho du khách trong nước và quốc tế.

___________________

1, 2, 3, 7. Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, baotangchungtichchientranh.vn, 2-5-2018.

4. Hùng Đạt, Nhìn lại tác động của dịch Covid-19 đối với du lịch Việt Nam và xu hướng phát triển năm 2021, Tạp chí Con số Sự kiện, 25-1-2021, tr.67.

5. Trung tâm thông tin du lịch, Ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến du lịch TP.HCM, vietnamtourism.gov.vn, 16-4-2020.

6. Phòng trưng bày Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, Tuyên truyền và Đối ngoại của Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, Tài liệu tác giả khảo sát, điều tra tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, tháng 5-2024, tr.25

Ths NGUYỄN NGỌC LÂM

Nguồn: Tạp chí VHNT số 581, tháng 9-2024

;