Nghệ thuật điêu khắc hoành tráng giữ vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và tôn vinh các giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất Nam Bộ. Tuy nhiên, sự phát triển của loại hình nghệ thuật này đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, bao gồm hạn chế về nguồn nhân lực, công nghệ lạc hậu, kết nối yếu kém với nghệ thuật quốc tế. Bài viết phân tích các yếu tố cản trở sự phát triển của nghệ thuật điêu khắc hoành tráng tại Nam Bộ, đồng thời đề xuất những giải pháp cụ thể nhằm nâng cao giá trị và tầm vóc của loại hình nghệ thuật này ở khu vực Nam Bộ trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.
Tượng đài Chiến thắng Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung (2000) ở huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, tác giả: Phạm Mười, Nguyễn Xuân Tiên, chất liệu: Bê tông giả đá - Nguồn ảnh: Tác giả chụp năm 2024
1. Tổng quan về nghệ thuật điêu khắc hoành tráng tại Nam Bộ
Lịch sử và sự phát triển của nghệ thuật điêu khắc hoành tráng
Điêu khắc hoành tráng có một lịch sử lâu đời, khởi nguồn từ những nền văn minh cổ đại, khi con người bắt đầu sử dụng nghệ thuật để ghi dấu và tôn vinh các vị vua, anh hùng và các vị thần. Những công trình này không chỉ là biểu tượng của quyền lực vì “Public monuments are about power” (Các tượng đài công cộng liên quan đến quyền lực) mà còn là công cụ để củng cố lòng trung thành và lòng tự hào dân tộc. Trong thời kỳ hiện đại, điêu khắc hoành tráng tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc kỷ niệm các sự kiện lịch sử và tôn vinh các giá trị quốc gia. Ở Việt Nam, loại hình nghệ thuật này đã phát triển mạnh mẽ từ những năm 1960, với sự xuất hiện của các công trình điêu khắc nhằm tôn vinh các chiến công và anh hùng dân tộc như tượng đài Nam Ngạn - Hàm Rồng chiến thắng của nhà điêu khắc Quang Bửu, do nhà điêu khắc Nguyễn Phước Sanh chỉ đạo thi công vào năm 1965, tại cầu Hàm Rồng, Thanh Hóa; tượng đài Chiến thắng Kép của nhà điêu khắc Nguyễn Hải cùng tập thể sinh viên Trường Mỹ thuật công nghiệp xây dựng ở thị trấn Kép, tỉnh Bắc Giang, năm 1968; công trình Ba thế mạnh Công - Nông - Ngư nghiệp, ở cửa ngõ thành phố biển Hải Phòng năm 1973, của nhà điêu khắc Lê Thược… Sau khi đất nước thống nhất, đặc biệt từ năm 2000 đến nay, nghệ thuật điêu khắc hoành tráng Nam Bộ phát triển mạnh mẽ, với nhiều công trình có quy mô lớn đã được xây dựng, góp phần quan trọng vào việc định hình bản sắc văn hóa và ghi dấu ấn lịch sử của vùng đất này.
Yếu tố then chốt trong quá trình phát triển nghệ thuật điêu khắc hoành tráng Nam Bộ là việc kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, thể hiện qua hình thức, chất liệu cũng như nội dung. Những tác phẩm này không chỉ phản ánh giá trị lịch sử, văn hóa dân tộc, mà còn ghi đậm dấu ấn cá nhân của các nghệ sĩ, tạo nên nét độc đáo riêng. Chính điều đó đã giúp điêu khắc hoành tráng Nam Bộ tiếp tục duy trì vai trò quan trọng trong không gian công cộng và đời sống văn hóa cộng đồng, vừa kế thừa di sản văn hóa, vừa phù hợp với xu hướng nghệ thuật đương đại.
Đặc trưng của nghệ thuật điêu khắc hoành tráng tại Nam Bộ
Nghệ thuật điêu khắc hoành tráng tại Nam Bộ mang trong mình những nét độc đáo, đặc trưng riêng biệt, phản ánh sâu sắc văn hóa, lịch sử và bản sắc của vùng đất này. Các công trình điêu khắc tại đây thường tập trung vào việc tôn vinh các nhân vật lịch sử, sự kiện cách mạng hoặc những giá trị văn hóa truyền thống. Hình thức thể hiện rất đa dạng, phong phú, từ các tượng đài với hình khối mạnh mẽ, phù điêu mô tả các sự kiện lịch sử đến những công trình biểu tượng kiến trúc có quy mô lớn.
Chất liệu được sử dụng trong các công trình điêu khắc hoành tráng Nam Bộ chủ yếu là đá, đồng, inox và bê tông, những vật liệu này có khả năng chống chọi với thời gian và các yếu tố thời tiết khắc nghiệt. Sự kết hợp tinh tế giữa hình thức và chất liệu không chỉ tạo nên giá trị thẩm mỹ cao cho các công trình, mà còn thể hiện sức mạnh và tinh thần kiên cường của người dân Nam Bộ. Những tác phẩm này góp phần khắc họa đậm nét các câu chuyện lịch sử và khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong lòng người thưởng thức.
Các công trình điêu khắc hoành tráng tiêu biểu tại Nam Bộ
Từ năm 2000 đến nay, khu vực Nam Bộ đã xây dựng nhiều công trình điêu khắc hoành tráng, mỗi công trình đều gắn liền với một sự kiện lịch sử và mang thông điệp riêng. Những tác phẩm này không chỉ là biểu tượng văn hóa mà còn là những dấu ấn lịch sử quan trọng, góp phần tôn vinh và bảo tồn các giá trị văn hóa của vùng đất giàu truyền thống cách mạng.
Một số công trình tiêu biểu bao gồm Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặt trước trụ sở UBND thành phố, trên quảng trường đi bộ Nguyễn Huệ, tại TP.HCM, một công trình nổi bật và mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc. Tượng đài này đã trở thành biểu tượng văn hóa, gắn liền với sự phát triển của thành phố, thể hiện lòng biết ơn và kính trọng đối với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Ngoài ra, các công trình như: Tượng đài Chiến thắng Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung, xây dựng tại huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, năm 2000; Phù điêu Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968, xây dựng tại huyện Bình Chánh, TP.HCM, năm 2022, ghi dấu ấn những chiến công vang dội của quân và dân Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc, là minh chứng hùng hồn cho tinh thần đấu tranh quật cường của người dân Nam Bộ. Tượng đài và phù điêu kỷ niệm Sự kiện Tập kết 1954 xây dựng tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp năm 2019, nơi xảy ra sự kiện điểm tập kết chuyển quân ra Bắc trong 100 ngày của Quân đội Nhân dân Việt Nam năm 1954 ở thị trấn Cao Lãnh, tỉnh Long Châu Sa (nay là thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). Tượng đài Tiểu đoàn 445 Anh hùng thuộc dự án công viên Chiến thắng thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, năm 2024, tác phẩm có chiều cao 25m, là công trình tượng đài thực hiện bằng đá granite lớn nhất khu vực Nam Bộ. Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phù điêu xây dựng tại thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang năm 2024, tượng đài với tổng chiều cao là 20,7m, trong đó, chiều cao tượng Bác là 18m, bằng chất liệu đồng, phù điêu bằng đá dài 63m, cao 10,8m, đây cũng là tác phẩm về hình tượng Bác Hồ bằng đồng lớn nhất Việt Nam.
Tượng đài Nguyễn Tất Thành tại Bến Nhà Rồng, Quận 1, TP.HCM, được xây dựng vào năm 2003. Tượng đài này không chỉ là tác phẩm nghệ thuật có giá trị thẩm mỹ cao mà còn là một biểu tượng quan trọng, ghi dấu sự kiện Nguyễn Tất Thành rời Bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Đây là một điểm nhấn trong không gian văn hóa lịch sử của TP.HCM, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan và tìm hiểu.
Những tác phẩm trên đã góp phần tạo nên một bức tranh toàn cảnh về nghệ thuật điêu khắc hoành tráng tại Nam Bộ, khẳng định vai trò của điêu khắc hoành tráng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc. Không chỉ là những tác phẩm nghệ thuật có giá trị thẩm mỹ cao, mà còn là những biểu tượng của tinh thần yêu nước, đoàn kết và quyết tâm của nhân dân Việt Nam trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
2. Thách thức và hạn chế hiện tại
Thiếu thốn về nguồn lực và công nghệ
Nghệ thuật điêu khắc hoành tráng Nam Bộ hiện đang đối mặt với những thách thức đáng kể, trong đó, nổi bật là thiếu hụt nguồn lực và công nghệ. Các công trình điêu khắc hiện nay phần lớn được thực hiện bằng các phương pháp truyền thống, sử dụng các chất liệu như đá, đồng, bê tông. Dù bền, việc thi công và bảo dưỡng chất liệu đá, đồng, bê tông đang gặp rất nhiều khó khăn do thiếu công nghệ hiện đại, dẫn đến chi phí cao, thời gian kéo dài, giảm chất lượng tuổi thọ công trình.
Bên cạnh đó, vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là một rào cản lớn. Nhiều nghệ sĩ trẻ chưa được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết để đảm nhận các dự án điêu khắc hoành tráng. Việc đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu trong lĩnh vực này vẫn còn hạn chế, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân tài có thể đáp ứng được các yêu cầu khắt khe mà loại hình nghệ thuật điêu khắc hoành tráng đòi hỏi. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng của các tác phẩm mà còn cản trở khả năng sáng tạo và đổi mới, khiến cho nghệ thuật điêu khắc Nam Bộ khó phát huy hết tiềm năng trong bối cảnh hiện tại.
Vấn đề bảo tồn và duy trì tác phẩm
Bảo tồn các công trình điêu khắc hoành tráng Nam Bộ là một nhiệm vụ đầy thách thức, đặc biệt là trong điều kiện khí hậu nhiệt đới khắc nghiệt. Nhiều công trình đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các yếu tố môi trường như độ ẩm cao, nhiệt độ thay đổi đột ngột và sự tấn công của côn trùng... Các biện pháp bảo dưỡng truyền thống thường không đủ hiệu quả để bảo vệ các tác phẩm khỏi sự xuống cấp theo thời gian.
Thiếu hụt về công nghệ bảo tồn hiện đại làm gia tăng nguy cơ hư hỏng vĩnh viễn nhiều công trình quan trọng. Không chỉ làm giảm giá trị thẩm mỹ, sự xuống cấp của các tác phẩm ảnh hưởng sâu sắc đến giá trị văn hóa và lịch sử mà chúng đại diện. Để bảo tồn duy trì các công trình điêu khắc hoành tráng một cách hiệu quả, cần thiết phải áp dụng các công nghệ tiên tiến. Phát triển các chính sách bảo tồn hợp lý, nhằm bảo vệ những di sản văn hóa quý giá này trước sự bào mòn của thời gian.
Thiếu sự kết nối với nghệ thuật quốc tế
Mặc dù nghệ thuật điêu khắc hoành tráng Nam Bộ đã đạt được những thành tựu đáng kể, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế trong việc kết nối với các xu hướng nghệ thuật quốc tế. Việc thiếu kết nối này dẫn đến tính sáng tạo và đổi mới trong các tác phẩm chưa cao, làm giảm sức hấp dẫn của loại hình đầy sức biểu cảm này trên trường quốc tế.
Thiếu liên kết với các nghệ sĩ và tổ chức nghệ thuật trên thế giới cũng khiến các nhà điêu khắc gặp khó khăn trong tiếp cận và áp dụng các kỹ thuật, công nghệ tiên tiến. Điều này không chỉ cản trở sự phát triển của nghệ thuật điêu khắc hoành tráng mà còn giới hạn khả năng vươn tầm quốc tế của nó. Để vượt qua thách thức trên, cần thúc đẩy hợp tác quốc tế, các nhà điêu khắc cần tích cực tham gia vào các sự kiện nghệ thuật toàn cầu là rất cần thiết.
3. Giải pháp nâng tầm giá trị nghệ thuật điêu khắc hoành tráng tại Nam Bộ
Hoàn thiện cơ chế quản lý
Quản lý nhà nước trong lĩnh vực mỹ thuật nói chung và nghệ thuật điêu khắc hoành tráng nói riêng là việc cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và quản lý mọi hoạt động có liên quan đến mỹ thuật cũng như nghệ thuật điêu khắc hoành tráng. Mặt khác, muốn quản lý được lĩnh vực mỹ thuật nói chung và nghệ thuật điêu khắc hoành tráng nói riêng, đòi hỏi những người tham gia quản lý nhà nước phải am hiểu về lĩnh vực này.
Các cơ quan chức năng ở Trung ương và các địa phương cần quan tâm sâu sắc hơn đến các quy chế xây dựng công trình nghệ thuật hoành tráng. Điều này giúp kịp thời hỗ trợ và tư vấn cho lãnh đạo địa phương trong từng công trình, vụ việc cụ thể... đặc biệt “Quy chế quản lý xây dựng tượng đài tranh hoành tráng” của Bộ VHTTDL đã ban hành, cần được hoàn thiện cụ thể hơn và được thực thi theo cấp độ quốc gia, áp dụng đầy đủ, đúng ở các ngành, các địa phương chứ không chỉ áp dụng có hiệu quả trong ngành VHTTDL.
Tăng cường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyên ngành
Để nâng cao giá trị nghệ thuật điêu khắc hoành tráng tại Nam Bộ, việc đầu tư vào đào tạo và phát triển nguồn nhân lực rất quan trọng. Các chương trình đào tạo chuyên sâu về nghệ thuật điêu khắc là điều cần thiết, bởi vì, hiện nay chương trình giảng dạy về điêu khắc hoành tráng tại các trường đại học mỹ thuật trên cả nước còn mang tính khái quát. Các bài giảng về tượng đài, tượng trang trí ngoài trời hiện ở mức độ giới thiệu, chưa chuyên sâu. Vì vậy, về lâu dài, các trường nên nghiên cứu xây dựng lớp chuyên về điêu khắc hoành tráng, tranh hoành tráng kết hợp với việc ứng dụng công nghệ hiện đại, nhằm giúp các nhà điêu khắc có được những kỹ năng cần thiết để tạo ra những tác phẩm chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Hợp tác giữa Trường Đại học Mỹ thuật, Hội Mỹ thuật, các tổ chức văn hóa và doanh nghiệp sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển của nguồn nhân lực. Đẩy mạnh chương trình giao lưu trao đổi học thuật quốc tế, hội thảo chuyên đề về lĩnh vực điêu khắc hoành tráng mang tính ứng dụng và khoa học để đưa ra giải pháp chống xuống cấp, cải tạo lại những công trình kém chất lượng... đưa một số nhà điêu khắc trẻ có tâm huyết và tài năng đi đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực điêu khắc hoành tráng ở một số nước tiên tiến trên thế giới có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng công trình nghệ thuật hoành tráng. Mời một số thày giỏi ở những quốc gia có ngành điêu khắc hoành tráng phát triển đến dạy một số môn cần thiết cho sinh viên trong nước. Các khóa học ngắn hạn về kỹ thuật chất liệu... sẽ cung cấp cho nhà điêu khắc cơ hội học hỏi và nâng cao trình độ, từ đó tạo ra tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao, phù hợp với tiêu chuẩn thẩm mỹ đương đại.
Phối hợp đồng bộ giữa điêu khắc, kiến trúc, cảnh quan môi trường
Điêu khắc hoành tráng là tác phẩm hiện diện trong không gian công cộng có sự gắn kết, tương tác song hành với kiến trúc, cảnh quan (vườn hoa, công viên, quảng trường…) và được đặt ngoài trời. Vì vậy, điêu khắc và kiến trúc từ trước đến nay luôn được xem là hai lĩnh vực nghệ thuật liên kết chặt chẽ, bất kỳ một tác phẩm nào có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa điêu khắc - không gian môi trường kiến trúc thường là tác phẩm thành công về mặt thẩm mỹ đô thị. Kiến trúc và điêu khắc luôn hóa thân, hòa quyện vào nhau để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật vĩ đại. Theo kiến trúc sư Ngô Huy Giao, “Tượng đài là tiêu điểm, điểm nhấn trong không gian cảnh quan đô thị. Chiếm lĩnh không gian bằng hình khối và chất liệu bản thân tượng đài” (1). Kiến trúc sư Hoàng Đạo Cung từng nhận định: “Thành công của tượng đài bao gồm 50% ở không gian xung quanh, 25% ở khối hình tượng đài, và 25% ở chất liệu của hình khối điêu khắc” (2). Điều này đã được chứng minh từ các công trình nghệ thuật cổ Ai Cập, Hy La, Lưỡng Hà, Ấn Độ, Trung Hoa… nghệ thuật cận hiện đại của Pháp, Ý, Nga, Đức cùng nhiều tác phẩm nghệ thuật hoành tráng hiện đại ngày nay và đó là “những công trình nghệ thuật hoành tráng, kỳ vĩ, đẹp và trường tồn đều có hiện diện và gắn kết chặt chẽ giữa kiến trúc, điêu khắc và hội họa... Điêu khắc ngoài trời là một thành tố không thể thiếu trong không gian kiến trúc đô thị” (3). Như vậy, kiến trúc, điêu khắc là hai nghệ thuật hình khối trong không gian: Kiến trúc là sắp xếp, gắn kết những hình khối mảng miếng rời rạc thì điêu khắc lại tước bỏ những gì dư thừa không cần thiết của khối vật chất, từ đó chắt lọc để tạo thành tác phẩm.
Ứng dụng công nghệ hiện đại trong sáng tác và bảo tồn
Ứng dụng công nghệ hiện đại vào quá trình sáng tác và bảo tồn là một giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng và giá trị của nghệ thuật điêu khắc hoành tráng tại Nam Bộ. Công nghệ in 3D, mô hình hóa kỹ thuật số, và thực tế ảo (VR) có thể được áp dụng để tạo ra các mô hình phác thảo chi tiết trước khi thi công, mang lại khả năng điều chỉnh linh hoạt giúp nhà điêu khắc hình dung và hoàn thiện tác phẩm của mình một cách hiệu quả hơn. Những công nghệ này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí mà còn mở ra nhiều cơ hội sáng tạo mới, góp phần tạo nên những tác phẩm có chất lượng cao.
Trong lĩnh vực bảo tồn, các công nghệ hiện đại như hệ thống giám sát tự động, vật liệu chống thấm và chống ăn mòn tiên tiến có thể giúp bảo vệ các tác phẩm khỏi sự hư hại do tác động của môi trường và thời gian. Áp dụng các công nghệ này không chỉ kéo dài tuổi thọ của các công trình điêu khắc mà còn duy trì được giá trị văn hóa và lịch sử mà chúng đại diện.
Tăng cường kết nối với nghệ thuật quốc tế
Kết nối với nghệ thuật quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao giá trị của nghệ thuật điêu khắc hoành tráng tại Nam Bộ. Hợp tác với các bảo tàng, phòng trưng bày và tổ chức nghệ thuật quốc tế không chỉ giúp quảng bá các tác phẩm điêu khắc Nam Bộ ra toàn cầu, mà còn mang lại cơ hội quý báu để các nhà điêu khắc Việt Nam học hỏi kinh nghiệm từ các nghệ sĩ danh tiếng, từ đó mở rộng tầm nhìn và nâng cao tay nghề.
Bên cạnh đó, tổ chức các trại sáng tác điêu khắc quốc tế thường xuyên và mời các nghệ sĩ, nhà phê bình nổi tiếng đến Nam Bộ để giao lưu và làm việc là một cách hiệu quả để nâng cao nhận thức về nghệ thuật điêu khắc tại địa phương. Điều này không chỉ giúp các tác phẩm của Nam Bộ được giới thiệu rộng rãi trên trường quốc tế, mà còn tạo cơ hội cho các nhà điêu khắc trong nước đổi mới tư duy và phát triển kỹ năng sáng tạo.
Phát triển các dự án nghệ thuật cộng đồng
Nghệ thuật điêu khắc hoành tráng không chỉ là một phần của nghệ thuật công cộng mà còn đóng vai trò quan trọng trong kết nối nghệ thuật với đời sống cộng đồng. Phát triển các dự án nghệ thuật cộng đồng, trong đó nghệ thuật điêu khắc đóng vai trò trung tâm, sẽ giúp tăng cường kết nối giữa nghệ thuật và xã hội, đồng thời tạo ra các giá trị văn hóa bền vững.
Các dự án nghệ thuật cộng đồng có thể bao gồm việc xây dựng công trình điêu khắc tại các không gian công cộng, tổ chức hoạt động nghệ thuật, và thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong quá trình sáng tạo nghệ thuật. Những dự án này không chỉ giúp nâng cao giá trị thẩm mỹ mà còn mang lại lợi ích xã hội và kinh tế cho cộng đồng, khuyến khích người dân tham gia vào việc bảo vệ và phát triển nghệ thuật điêu khắc hoành tráng.
Bảo tồn và phát triển bền vững các công trình điêu khắc hoành tráng
Trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, mỹ thuật được xác định giữ vai trò quan trọng, đặt yêu cầu phải xây dựng các công trình mỹ thuật công cộng, phục vụ dân sinh, cảnh quan kiến trúc có giá trị thẩm mỹ và bản sắc dân tộc, vì vậy, việc bảo tồn và phát triển bền vững các công trình điêu khắc hoành tráng là yếu tố thiết yếu nhằm đảm bảo các tác phẩm này tiếp tục tồn tại và phát huy vai trò trong xã hội. Bảo tồn cần được thực hiện một cách toàn diện, bao gồm việc duy trì chất lượng của tác phẩm, bảo vệ chúng khỏi sự hư hại, đảm bảo các công trình điêu khắc hoành tráng vẫn giữ được giá trị thẩm mỹ và lịch sử, tiếp tục được đánh giá cao và tôn vinh trong cộng đồng.
Phát triển bền vững không chỉ giới hạn ở việc bảo tồn, duy trì những công trình hiện hữu, mà còn khuyến khích xây dựng các công trình điêu khắc hoành tráng mới với chất lượng cao, mang dấu ấn của thời đại. Những công trình này cần kết hợp hài hòa giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, giữa nghệ thuật và công nghệ, cũng như gắn kết chặt chẽ với cộng đồng. Thông qua cách tiếp cận này, điêu khắc hoành tráng Nam Bộ không chỉ tiếp tục phát triển mà còn khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế, góp phần làm nổi bật bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng đất này trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Kết luận
Nghệ thuật điêu khắc hoành tráng Nam Bộ đóng vai trò quan trọng và không thể thay thế trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của Việt Nam. Thông qua các công trình tiêu biểu, loại hình nghệ thuật này không chỉ ghi lại những khoảnh khắc lịch sử đáng nhớ mà còn tôn vinh tinh thần yêu nước và ý chí kiên cường của người dân Việt. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện đại, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và xu hướng toàn cầu hóa, điêu khắc hoành tráng Nam Bộ đang đối mặt với nhiều thách thức lớn.
Những khó khăn về nguồn lực, công nghệ, kết nối yếu kém với nghệ thuật quốc tế đã tạo ra những rào cản đáng kể cho sự phát triển bền vững của điêu khắc hoành tráng.
Vậy, để nâng cao giá trị nghệ thuật điêu khắc hoành tráng Nam Bộ, cần thực hiện tốt các giải pháp quan trọng trên và đồng thời là “nỗ lực của bản thân mỗi nhà điêu khắc cùng sự tiếp biến không ngừng của nguồn lực nội - ngoại sinh, chúng ta tin rằng, trong tương lai Nam Bộ sẽ có nhiều tác phẩm điêu khắc hoành tráng đẹp, xứng tầm vóc dân tộc và hòa nhập chung vào dòng nghệ thuật hiện đại của khu vực” (4). Điều này, không chỉ nhằm bảo tồn và phát triển nghệ thuật điêu khắc hoành tráng tại Nam Bộ mà còn khẳng định vị thế của nghệ thuật Việt Nam trên bản đồ văn hóa thế giới. Thông qua việc thực hiện các giải pháp này, nghệ thuật điêu khắc hoành tráng Nam Bộ hy vọng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, trở thành một phần quan trọng của “công nghiệp văn hóa”, góp phần giữ gìn và lan tỏa những giá trị văn hóa đặc sắc của nghệ thuật điêu khắc hoành tráng Việt Nam ra toàn cầu.
_____________________
1, 2. Ngô Huy Giao, Kiến trúc, điêu khắc và tượng đài Hà Nội, Kỷ yếu hội thảo Điêu khắc ngoài trời Việt Nam hiện đại, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2006, tr.69, 69.
3. Võ Thị Thu Thủy, Điêu khắc trong môi trường kiến trúc tại Thành phố Hồ Chí Minh, Kỷ yếu hội thảo Điêu khắc với sự phát triển của không gian đô thị, 2022, tr.17.
4, Xem thêm Nguyễn Hồng Dương, Vài nét về nghệ thuật điêu khắc hoành tráng ở Nam Bộ, Tạp chí Văn hóa học, số 1 (71), tr.91-98, 2024.
Tài liệu tham khảo
1. Erin L. Thompson, Smashing Statues: The Rise and Fall of America’s Public Monuments (Phá hủy tượng đài: Sự trỗi dậy và sự sụp đổ của các tượng đài công cộng của Mỹ), Nxb W. W. Norton & Company, 2022.
NGUYỄN HỒNG DƯƠNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 587, tháng 11-2024