Khi nói đến tranh vẽ về đề tài Hà Nội, không thể không nhắc đến tên tuổi họa sĩ Bùi Xuân Phái. Bởi lẽ, phố cổ Hà Nội, đối với ông không phải chỉ là nơi để đi, nơi để sống... mà nó đã trở thành người bạn tri kỷ. Hà Nội với những ngõ nhỏ, phố nhỏ, những ô cửa sổ cũ, mái nhà rêu phong cổ kính… hiện lên trong tranh ông thật gần gũi, mộc mạc, chất cảm và sâu lắng.
Phố Nguyễn Khuyến, sơn dầu trên vải - Nguồn: Hội họa Bùi Xuân Phái và tôi
1. Cuộc đời hoạt động nghệ thuật của họa sĩ Bùi Xuân Phái
Họa sĩ Bùi Xuân Phái sinh năm 1920 tại làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Tây (nay là Hà Nội). Sinh ra và trưởng thành từ cái nôi của nghề chạm khắc gỗ dân gian, có lẽ vì vậy nên ông được tiếp xúc nhiều với nghệ thuật và sớm thể hiện tài năng hội họa của mình. Năm 1941, thi đỗ vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, ông được nuôi dưỡng, đào tạo trở thành biểu tượng của nền hội họa Việt Nam. Cùng thời với các bạn đồng môn như các họa sĩ Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên… ông đã góp phần không nhỏ tới sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam hiện đại.
Năm 1945, ông tốt nghiệp ra trường, tham gia kháng chiến và tham dự triển lãm nhiều nơi trong và ngoài nước như triển lãm ở Tokyo Nhật Bản, triễn lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1946, trưng bày tại các triển lãm tập thể với nhiều tác phẩm ghi chép về hình ảnh cuộc sống kháng chiến, về con người trong chiến tranh nhằm phục vụ cho mục đích tiền tuyến, cổ vũ tinh thần kháng chiến và các tác phẩm nhận được nhiều giải thưởng và sự yêu mến của công chúng đến xem. Trong thời gian tham gia giảng dạy tại Trường Mỹ thuật Hà Nội (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam), ông vẽ nhiều và thành công nhiều, với các sáng tác về chân dung, phong cảnh miền núi, nông thôn, khỏa thân, tĩnh vật và chèo... trong đó, ông vẽ rất nhiều về “phố” và được mệnh danh là “nhà thơ của phố cổ”.
Phố Hàng Giày (năm 1996) - Nguồn: Hội họa Bùi Xuân Phái và tôi
Họa sĩ Bùi Xuân Phái chuyên về chất liệu sơn dầu thế nhưng các chất liệu như màu nước, phấn màu, chì than, bút chì cũng được ông thể hiện trong không ít tác phẩm của mình. Trong cuốn Bùi Xuân Phái con đường hội họa, các tác giả có viết: “Với ông, vẽ là cuộc sống và để tự biểu hiện mình. Vẽ đã như hơi thở và nhu cầu ăn uống hàng ngày. Có sơn dầu vẽ sơn dầu, có bột màu vẽ bột màu. Giấy to vẽ to, giấy bé vẽ bé...” (1). Thậm chí khi điều kiện kinh tế khó khăn không có đủ nguyên liệu, ông vẽ trên chất liệu có thể như vải, giấy, bảng gỗ, thậm chí cả trên giấy báo… và ông đã thành công với nhiều tác phẩm có kích cỡ to, nhỏ khác nhau, như: tác phẩm Phố Hàng Thiếc (sơn dầu, 1952); Phố cổ Hà Nội (sơn dầu, 1972), Phố Hàng Mắm, Phố Chợ Gạo, Phố Mã Mây, Hà Nội chiến thắng (sơn dầu, 1966), Phố vắng (sơn dầu, 1981)… với nhiều giải thưởng như: Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật năm 1996; Giải thưởng triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1946; Giải thưởng triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1980; Giải thưởng đồ họa Leipzig (Đức); Giải thưởng Mỹ thuật Thủ đô các năm 1969, 1981, 1983, 1984; Tặng thưởng: Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam 1997.
2. Giá trị đặc trưng nghệ thuật tạo hình trong tranh “phố” của Bùi Xuân Phái
Thứ nhất, hồn cốt Hà Nội cổ kính
Bùi Xuân Phái gắn bó với Hà Nội, ông vẫn thường xuyên rẻo bước trên mọi con phố và ghi chép lại những khoảnh khắc thoáng qua chứa đầy cảm xúc của phố - xá. Đối với ông, Hà Nội đã quá thân thuộc. Ông mang tâm trí về Hà Nội xưa với những âm thanh xe cộ, tàu điện, tiếng rao hàng đêm của những người gánh hàng bán rong, những cây bàng cuối đông đứng đầu ngõ xao động bởi làn gió nhè nhẹ, mùi hoa sữa thơm nồng nàn ở mỗi con phố Hà Nội, cùng cả những ngôi nhà cổ kính, những con phố nhỏ, ngóc ngách người ra vào cho đến những hoạt động sinh hoạt của con người… đã được ông ghi chép và tái hiện lại vào trong tranh của mình. Tất cả như một cuốn phim quay chậm, hiện lên bình dị đời thường của Hà Nội xưa trong không gian tranh đến chân thực và sống động.
Qua cảm xúc ấy của Bùi Xuân Phái, mỗi bức tranh “phố”, lại gợi lên cho người xem những nét đẹp văn hóa đặc trưng của người Hà Nội trong những thập niên cuối TK XX: thanh lịch, giản dị và ấm áp đã được thể hiện theo phong cách thuần túy mà sâu đậm, sống động mà sâu sắc. Trong mỗi bức tranh “Phố Phái”, ta lại cảm nhận được nỗi nhớ da diết của tác giả về một Hà Nội đã qua. Đó là nỗi nhớ về những kỷ niệm tuổi thơ, những người xung quanh và cả những hội hè, câu chuyện… in sâu vào tâm trí của ông. Ông đã dành cho Hà Nội cổ kính một tình yêu qua từng nét vẽ, từng mảng màu.
Theo quan điểm của Bùi Xuân Phái, quá trình sáng tạo của người họa sĩ không phải là ghi chép, họa sĩ cần phải dùng lý trí và cảm xúc từ góc nhìn của mình để phân tích thực tế thông qua trí tưởng tượng và chuyển hóa thành tác phẩm tạo hình. Nếu quá nặng về ghi chép cho đúng với hiện thực thì tác phẩm sẽ mang ít tính chất nghệ thuật mà thiên về nhiếp ảnh. Cái đẹp của tranh, phần cốt yếu là phần sáng tạo và xúc cảm của người họa sĩ.
Thứ hai, nổi bật trong kỹ thuật vẽ của họa sĩ Bùi Xuân Phái
Bùi Xuân Phái là người luôn có những nguyên tắc rất riêng của người làm nghệ thuật. Đối với ông, tranh vẽ chính là đứa con tinh thần của một họa sĩ nên đã vẽ thì phải thực sự dụng tâm. Có lẽ vì vậy nên ông luôn tuân theo những lề lối và quy tắc riêng của chính mình để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật có sức lan tỏa rộng rãi.
Khi vẽ về phố cổ Hà Nội, ông luôn xem “phố” là hình tượng chính, chủ đạo trong tranh. Những con phố tưởng chừng như giống nhau, từng ngôi nhà san sát, từng quán cóc ven đường… nơi mà những người không quen với phố cổ có cảm giác sẽ đi lạc, nhưng với Bùi Xuân Phái, mỗi góc nhìn đều mang lại cảm giác gần gũi, mỗi con đường, mỗi góc phố lại là một tâm trạng, một cảm xúc, một câu chuyện khác nhau. Điểm xuyết đâu đó trong tranh là lác đác hình ảnh con người sinh hoạt, qua lại. Và hình ảnh con người xuất hiện trong tranh “Phố Phái” chỉ làm sinh động thêm cho nội dung chính trong tranh.
Thứ ba, phong cách tạo hình bố cục
Trong tranh của Bùi Xuân Phái, các hình tượng nghệ thuật thường cân đối: để tạo sự bất ngờ thú vị cho thị giác, tạo một cảm giác hài hòa thư thái nhưng cũng rất chặt chẽ bởi những ngôi nhà cổ xếp san sát nhau; hoặc có tính mở, bởi sự kết hợp sắp xếp bố cục của các dãy phố xòe rộng theo phối cảnh, diện tích khoảng trống trong tranh, với ý tứ của luật phối cảnh xa - gần: xa nhỏ/ gần to... tạo cảm giác một không gian rộng lớn thoáng đãng. Lối bố cục này đã được ông nghiên cứu kỹ lưỡng từ cấu trúc phố cho đến các khoảng rộng trong thực tế mà ông vẫn bắt gặp. Phố đối với ông rất gần gũi như chính hơi thở vậy. Những hành lang đầu ve được bo tròn, những cây cột điện, song cửa sổ, những bạt che trước cửa là dấu hiệu nhận biết đặc trưng của phố cổ Hà Nội được ông ghi lại trong tầm mắt và vẫn giữ lại trong tranh của ông - không bị thô cứng. Ở giai đoạn đầu, ông thường vẽ bố cục phố với những dãy nhà xếp ngang, cái trước cái sau, trước mặt là con đường, vỉa hè, những mái nhà xô lệch, bầu trời thu hẹp dần lên phía trên, cho thấy mỗi lần đi ngang qua các con phố, dãy nhà, ông đã phải rất chú ý và ngước nhìn lên, vì vậy, các hình dạng các vật, mũi đao... được chấm tròn và ít khi chau chuốt về hình thức. Sau này, ông vẽ phố có chiều sâu hun hút theo những con đường, điểm xuyết, như hình ảnh thiếu nữ Hà thành với tà áo dài trắng đi vội, đâu đó ông đồ già ngồi góc phố cho chữ...
Thứ tư, nghệ thuật đường nét và cách thể hiện cảm xúc
Đường nét trong tranh ông rất đặc trưng với nét khỏe khoắn, dường như ông sử dụng các đường nét đen to, khỏe để bo hình, giúp cho các khối rõ ràng sống động. Điều này cũng tạo nên không gian ổn định và có chiều sâu trong tranh. Ông sử dụng nhiều loại nét khác nhau, từ nét mảnh mai đến nét đậm để tạo nên sự phong phú và đa dạng cho tranh. Ngoài ra, còn là những loại nét gợi tả, không chỉ đơn thuần là viền mà còn nhấn nhá tạo những cảm xúc, tạo sự chuyển động và sự sống động cho các vật thể. Ví dụ như vẽ cây, lá cây đang bay trong gió, những nét loang lổ của những bức tường rêu phong cũ kỹ, những đường nét này mỏng mảnh, mềm mại, nhưng cũng rất tinh tế để tạo tính động trong tranh của ông.
Thứ năm, độc đáo trong cách sử dụng màu sắc trong tranh “phố”
Bùi Xuân Phái là một bậc thày trong việc sử dụng màu sắc, đường nét và cảm xúc để tạo nên không gian sống động và đầy hồn cốt trong tranh sơn dầu. Ông luôn sáng tạo và không ngừng sáng tạo để đổi mới trong cách sử dụng màu sắc được kết hợp với đường nét và bố cục để có được một phong cách riêng, góp phần tạo nên nét độc đáo và nhận diện ngay trong tác phẩm của ông. Do đó, trong các tác phẩm Phố Nguyễn Khuyến, Phố Hàng Mắm, Phố Chợ Gạo… là những con phố, cảnh phố mà dường như cũng không phải phố. Phố cổ Hà Nội ở đó không ồn ào người qua lại, không sôi động sầm uất mà giản dị được biểu hiện bới các gam màu nóng ấm, nâu tram; những ngôi nhà cũ kỹ với mái ngói rêu phong, một vài gánh hàng rong, hàng nước quạnh hiu... gợi lên nhiều xúc cảm thân quen bởi gam màu trầm ấm ông tạo nên. Đặc biệt hơn nữa, trong phong cách vẽ của Bùi Xuân Phái, ông không sao chép hoàn toàn đời thực mà chỉ mô phỏng lại những chi tiết trong tâm trí. Bởi vì, theo quan niệm của người nghệ sĩ ấy, việc miêu tả cặn kẽ sẽ làm mất đi những rung cảm nguyên sơ nhất của mỗi người trước một sự vật, việc hiện tượng. Không những thế, để tạo nên một tuyệt phẩm hoàn hảo sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức và đòi hỏi sự tỉ mỉ đến từng chi tiết bởi các nét vẽ đa dạng, màu sắc ấm áp.
Ngắm Hà Nội trong tranh của Bùi Xuân Phái, nhất là khi Hà Nội vào thu, sẽ thấy được vẻ đẹp của ánh sáng xen qua từng kẽ lá, ánh lên qua từng vật phản tạo nên sự huyền ảo bởi cách sử dụng màu tài tình, mang lại cảm giác chuyển động, như trong bức Phố Hàng Giày là một dải màu xanh lạnh, điểm xuyết dáng người đỏ tươi đã tạo ra cảm giác con đường rất xa và dài. Phải chăng, do phố cổ Hà Nội nhỏ, nhà cửa và hàng quán san sát nhau nên nó trở nên bí ẩn, quyến rũ và rất thân thương. Sống trong lòng khu phố cổ, vì thế không lạ khi trong tranh của ông, Hà Nội hiện ra ở các góc phố xưa, ô cửa cũ. Tranh phố cổ Bùi Xuân Phái dù có xuất hiện con người hay không đều có một không gian đặc biệt, không gian ấy có khi tĩnh lặng cùng thời gian, có khi lại như đang chuyển động. Từng góc phố, từng hàng cây tưởng như rất đỗi quen thuộc mà vẫn lạ lẫm, xa vời. Cảnh vật phố cổ Hà Nội tưởng như có thể hiện hữu ngay đấy, nhưng cũng lại có thể thuộc về một thế giới khác - thế giới tâm hồn Bùi Xuân Phái. “Phố Phái” hiện lên thực mà hư, hư mà thực, đa cách nhìn, nhiều cảm xúc.
Tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái hầu hết được vẽ bằng chất liệu sơn dầu - chất liệu đến từ phương Tây, nhưng toát ra từ những bức tranh ấy là đậm chất hồn Việt. Chuỗi tranh “Phố Phái” nổi tiếng được nhiều người biến đến như bức Phố Hàng Giày, Hà Nội kháng chiến, Phố Hàng Thiếc, Phố vắng... Tranh của Bùi Xuân Phái không sử dụng quá nhiều màu sắc tươi sáng mà thay vào đó là từng mảng màu trầm buồn như nâu sậm, xanh xám. Phải chăng chính những gam màu trầm, buồn, đơn sắc ấy khiến người xem khi ngắm tranh phố cổ Hà Nội của Bùi Xuân Phái cảm nhận thấy họa sĩ đã gửi gắm những kỷ niệm, những hoài cảm cùng nỗi buồn man mác, tiếc nuối bâng khuâng trên từng nét vẽ. Bên cạnh những góc phố buồn với gam màu xám nâu, thì cũng có những bức tranh bừng sáng hơn với gam màu cam - lam, cặp màu bổ túc làm cho không khí trong tranh rộn ràng hơn, tươi vui hơn. Có lẽ vì những hiểu biết như thuộc lòng về Hà Nội nên tranh của ông đặc biệt hơn tất thảy những nghệ sĩ khác khi vẽ về nơi đây, ông gửi vào từng nét họa của mình không chỉ hình hài của phố cổ mà còn gửi cả những kiến thức đã tìm hiểu được, những trải nghiệm được tích lũy qua hàng chục năm ròng.
Như vậy, trong kỹ thuật vẽ sơn dầu, Bùi Xuân Phái luôn có ý kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa cái tôi của người nghệ sĩ và cái “hồn cốt” của Hà Nội. Chính vì thế, tranh của ông luôn có súc hút đặc biệt và trở thành một di sản văn hóa quý báu của Việt Nam, như trong Bùi Xuân Phái hội họa của tâm cảm Việt có nói: “Sự quyến rũ của “Phố Phái” không phụ thuộc vào kỹ thuật vẽ, sự cách tân hay những phân tích lý tính. Dường như có một sức hút bí ẩn hòa quyện trong những hình khối nhấp nhô, những mảng màu nâu trầm, vàng đất, xanh lam, xám nhạt...” (2). Sự gắn bó máu thịt ấy với Hà Nội từ thời thơ ấu đến tận những năm tháng cuối đời của ông, hẳn không tránh khỏi những suy tư khi chứng kiến sự thay đổi của nơi đây. Ông vẽ về phố cổ với tất cả tình yêu quê hương máu thịt của mình. Những tác phẩm tranh là những kỉ niệm, những hoài cảm về con phố, mái nhà, bóng dáng con người đều mang hồn phách xưa cũ. Điều này đã mang lại cho người xem một cảm giác hoài niệm cùng sự nhung nhớ về một thời quá khứ đã xa của Hà Nội và dường như Bùi Xuân Phái muối níu giữ thời gian, níu giữ những giá trị đẹp đẽ mà với tâm hồn nhạy cảm của người nghệ sĩ khi ông biết chắc rằng một ngày nào đó sẽ phôi pha trong thế giới cảnh vật ngoài kia.
3. Kết luận
Bùi Xuân Phái là một trong những họa sĩ nổi tiếng và được yêu thích của hội họa Việt Nam. Ông được biết đến là người đã vẽ lên những bức tranh đậm chất phố xưa của Thủ đô, đặc biệt là những góc phố cổ và con người Hà Nội. Với phong cách vẽ tranh độc đáo, ông đã vẽ nhiều tác phẩm nghệ thuật đẹp và gần gũi với cuộc sống thường nhật của người dân Hà Nội. Những giá trị về nghệ thuật trong các tác phẩm “phố” được vẽ bằng chất liệu sơn dầu đã tạo sự đa dạng trong phong cách và chủ đề, khiến cho tác phẩm của ông trở thành một phần không thể thiếu trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Ngôn ngữ hội họa trong tranh “phố” của Bùi Xuân Phái đã tạo nên cảm xúc, nỗi niềm nhung nhớ và sự hoài niệm của người Việt với một Hà Nội xưa cũ - cổ kính mà hào hùng. Và chắc chắn, câu chuyện về cuộc đời và những bức tranh họa sĩ Bùi Xuân Phái đã thổi vào đó linh hồn Hà Nội cổ kính, trầm lặng và sống mãi với thời gian.
_____________________
1. Bùi Thanh Phương, Trần Hậu Tuấn, Bùi Xuân Phái - con đường hội họa, Nxb Mỹ thuật, 2008, tr.8.
2, 3. Nhiều tác giả, Bùi Xuân Phái - hội họa của tâm cảm Việt, Nxb Mỹ thuật, 2011, tr.5.
Tài liệu tham khảo
1. Nhiều tác giả, Bùi Xuân Phái con mắt của trái tim, Nxb Trẻ, 2022.
2. Trần Hậu Tuấn, Hội họa Bùi Xuân Phái và tôi, Nxb Trẻ, 2022.
Ths LÊ THỊ THANH XUÂN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 584, tháng 10-2024