Môn học về màu sắc và hình tự nhiên đóng vai trò quan trọng trong việc áp dụng vào chuyên ngành Thiết kế đồ họa. Các yếu tố màu sắc và hình tự nhiên tạo ra ảnh hưởng mạnh mẽ đến cảm xúc và trải nghiệm của người sử dụng, đặc biệt là trong hoạt động của ngành Thiết kế đồ họa như hiện nay. Vì vậy, trong môn học này, sinh viên/ người học nghề sẽ được giới thiệu các khái niệm cơ bản về màu sắc và hình tự nhiên, bao gồm cả lý thuyết và phương pháp thực hành để tìm hiểu vai trò, ý nghĩa của hình dạng, màu sắc, tỷ lệ, nhịp điệu… nhằm nắm bắt những vẻ đẹp trong tự nhiên, sau đó cảm nhận và đưa vào các thiết kế ứng dụng.
Sinh viên học và nghiên cứu môn Màu sắc và hình tự nhiên, sẽ được tìm hiểu, phân loại hình và màu trong quá trình tạo hình, nhằm nắm được vai trò và sự tác động của nó lên tâm trạng người dùng. Việc thiết kế và sử dụng các yếu tố tạo hình đó cũng sẽ tạo ra các hiệu ứng cân bằng, hài hòa hoặc tương phản trong từng hình mẫu sử dụng. Ngoài ra, giúp cho sinh viên biết phát triển khả năng phân tích, tổ chức màu sắc và hình từ tự nhiên đến quy trình biến thể theo yêu cầu các dự án thiết kế, từ đó tạo ra sự tinh tế, phù hợp trong mọi biểu hiện về những thông điệp giá trị nội dung của thương hiệu sản phẩm. Áp dụng môn học này vào chuyên ngành Thiết kế đồ họa giúp sinh viên trở thành những nhà thiết kế sáng tạo, chuyên nghiệp, có khả năng tạo ra các mẫu mã hấp dẫn, thu hút khách hàng và có tầm quan trọng ảnh hưởng đến thương hiệu sản phẩm. Việc hiểu và áp dụng môn học đúng cách sẽ tạo ra những tác phẩm đồ họa độc đáo. Vì vậy, trước tiên, sinh viên cần nắm rõ quy trình đặc trưng của đối tượng hình và màu trong tự nhiên.
1. Phương pháp tiếp cận nghiên cứu hình và màu trong tự nhiên của bộ môn
Hình thể và màu sắc trong tự nhiên là một thực thể hữu cơ, chứa đựng bản chất của tự nhiên, “tự nhiên là người thày” - là sự chân thành, thân thiện với con người và con người biết chung sống hài hòa. Mọi sự vật hiện tượng trong tự nhiên được quan sát, tìm hiểu và nhận diện về hình dạng, kết cấu, màu sắc… là vẻ bề ngoài của vật thể/ đối tượng; độ to, nhỏ, dài, rộng… là để chỉ kích thước và tất cả đều có ảnh hưởng khác nhau về các khía cạnh như văn hóa, xã hội, xu hướng thị trường… mà con người phải biết tận dụng khai thác nó. Thông qua kênh thị giác, con người ghi lại cấu trúc hình thể hữu cơ đó bằng việc tìm hiểu, quan sát và nghiên cứu cụ thể, đồng thời, lấy cảm hứng từ tự nhiên để làm ý tưởng sáng tạo, nâng cao tính thẩm mỹ và ứng dụng vào mọi hoạt động mỹ thuật thiết kế.
Trong quá trình nghiên cứu hình trong tự nhiên, một nghiên cứu đã chỉ ra: “cấu trúc hình thể trong tự nhiên được chia làm 2 dạng: dạng khung xương (có 2 loại: nhánh khung xương và dạng kiểu tuyến mạng) và dạng mảng khối (dạng khối đặc và khối rỗng)… Ở các dạng cấu trúc hình thể này thường được sử dụng trong loại hình nghệ thuật tạo hình thiết kế trong điêu khắc hoặc kiến trúc, vì nó thường xuất hiện các hình khối âm, khối rỗng, khối thủng hoặc trong thiết kế đồ họa công nghệ trên mặt phẳng… (1). Điều đó tùy thuộc vào mục đích ứng dụng và ý đồ sáng tác trong các tác phẩm 3D - hình ảnh động, hoặc trong sản phẩm in ấn 3D trên mặt phẳng. Hoặc trong một nghiên cứu khác, đối tượng nghiên cứu từ trong thiên nhiên được định dạng bằng các hình học cơ bản, dựa trên đặc điểm cấu tạo sinh thái tự nhiên của các đối tượng như cái cây, bông hoa, nhành cỏ, côn trùng, động vật, đồ vật, kiến trúc, công nghệ… có đường nét cân đối, hài hòa vững chắc. Các dạng cấu trúc đó thường có hình dạng hình vuông, chữ nhật, tròn, tam giác cân… là những hình có tâm đối xứng, cân bằng. Ở các đối tượng này, khi nghiên cứu và tìm ra các dạng hình sẽ được sử dụng trong các lĩnh vực sáng tạo như thiết kế đồ họa, hội họa, thiết kế sản phẩm ứng dụng...
Màu sắc cũng vậy, màu sắc là thuộc tính của từng vật thể và có trong ánh sáng. Khi ánh sáng tự nhiên chiếu vào, các vật thể hiện lên các sắc màu quang phổ, đồng thời nó cũng được bắt nguồn từ mắt hoặc não của người quan sát. Nói cách khác, màu sắc có từ sự kết hợp của ba yếu tố nguồn sáng, vật thể và mắt người quan sát. Từ đó, chúng ta nhìn thấy vô số sắc màu trong tự nhiên: xanh, đỏ, tím, vàng, lục, lam, chàm… như trong hiện tượng sắc cầu vồng và con người đã biết nghiên cứu khai thác vận dụng nó cho cuộc sống. Trong các nguyên lý màu sắc, khi các nhà khoa học tự nhiên, xã hội, vật lý học đã nghiên cứu và tìm ra được những nguyên lý thì màu sắc đã trở nên có “quyền lực” để nói lên ý nghĩa, quan niệm của người sử dụng.
Có thể thấy, màu sắc trong thiết kế cũng rất đa dạng, màu được phát triển với sự tưởng tượng và sáng tạo của người họa sĩ. Nó có thể ảnh hưởng đến người này ở khía cạnh này, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến người đối diện với một khía cạnh hoàn toàn ngược lại. Đôi khi sự ảnh hưởng của màu sắc cũng do sở thích quan niệm cá nhân hoặc văn hóa vùng miền, quốc gia trên thế giới. Ví dụ, Trung Quốc, màu đỏ được quan niệm là màu của sự thịnh vượng, may mắn; Việt Nam cũng quan niệm, màu đỏ là màu của sự vui nhộn, hứng khởi tượng trưng cho hạnh phúc và thường được đặt vào không gian đám cưới, lễ vu quy… nhưng ở Nam Phi thì màu đỏ ngược lại, là màu buồn… hoặc trong tư duy hoạt động thiết kế, màu đỏ lại được sử dụng như một màu để nhấn mạnh đường nét và tạo ra các hiệu ứng động mà vốn thuộc tính nguyên thủy của màu đỏ (primary red) có, nhằm thể hiện sự đam mê, sức mạnh thu hút, chú ý về nội dung của vấn đề hay một sự kiện được sử dụng căn bản trong thiết kế đồ họa đó. Màu đỏ và các màu khác như màu vàng, nâu, cam… là các màu gây cảm giác nóng, ấm màu của lửa, được sử dụng với ý nghĩa mạnh mẽ, sống động, vui vẻ, hạnh phúc, là các màu có sắc đỏ (màu hướng tâm) diễn tả các không gian gần.
Ngược lại, thuộc tính nóng, thì có các màu lạnh. Màu lạnh là các màu có cảm giác mát mẻ, lạnh lùng, là các màu có sắc xanh (màu ly tâm) diễn tả các không gian xa. Xanh có trong tự nhiên như xanh lam - màu của trời, của nước biển, xanh lục - màu của lá cây mang chất diệp lục… và khi quan sát ở các chiều hướng, góc độ khác, ta thấy màu xanh và vô số các màu khác đều có cung bậc sắc độ khác nhau và mỗi sắc màu cách nhau một bước sóng, ngoài ra, có các màu trung tính, như: đen, trắng. Vì vậy, khi nói đến lý thuyết màu sắc chính là một môn khoa học trừu tượng. Trong học tập nghiên cứu và sử dụng màu sắc, cho thấy sự ảnh hưởng của nó có thể ảnh hưởng chính đến sự nghiệp của nhà thiết kế đó, nếu muốn thay đổi sắc độ của màu hay độ bão hòa của một màu, người ta vẫn có thể pha trộn, sắp đặt các màu đứng cạnh nhau để tạo nên những cảm xúc khác nhau. Mỗi màu sắc thương hiệu sẽ mang đến cho người xem những giá trị khác nhau cho sản phẩm và việc sử dụng một màu sắc cụ thể sẽ giúp doanh nghiệp truyền tải thông điệp giá trị đến khách hàng của mình tốt hơn và tạo sự gắn kết bền vững giữa hai bên.
Vì vậy, quá trình phát triển ý tưởng cần có các bước như sau: thứ nhất, chọn đối tượng theo nội dung chủ đề và lên ý tưởng sơ bộ: dựa trên thông tin thu thập được, nghĩa là vẽ nguyên hình mẫu của đối tượng, bước này nhà thiết kế bắt đầu hình thành ý tưởng cho sản phẩm; thứ hai, vẽ phác thảo: thể hiện ý tưởng dưới dạng vẽ hình ảnh đơn giản - trực quan hóa đối tượng của sản phẩm - bước này sẽ dễ dàng chỉnh sửa theo xu hướng ý nghĩa nội dung của ấn phẩm/ sản phẩm; thứ ba, tạo moodboard: sắp xếp chi tiết, bộ phận đối tương, hình ảnh, màu sắc và kết hợp cả phần chữ - chữ kiểu … liên quan đến nội dung, chủ đề để có được một đối tượng thành ấn phẩm/ sản phẩm thiết kế hoàn thiện và được sử dụng theo dự án yêu cầu. Quy trình đó sẽ đảm bảo cho bản mẫu trong thiết kế ứng dụng của một thương hiệu theo mẫu thiết kế yêu cầu.
Như vậy, việc học tập nghiên cứu từ thiên nhiên luôn là đề tài cảm hứng vô tận cho các nhà thiết kế hiểu và nhận thức được rằng: thiên nhiên mãi là bậc thầy vĩ đại cần được nghiên cứu và khai thác và áp dụng trong mọi thiết kế ứng dụng như mỹ thuật ngày nay. Điều đó cho thấy, từ hình trong nghiên cứu cho đến hình trong sáng sáng tạo là vô cùng quan trọng trong quá trình thiết kế đồ họa, là cầu nối giữa hai giai đoạn có trong tự nhiên và sáng tạo.
2. Đặc trưng ý nghĩa của hình và màu sắc trong chuyên ngành thiết kế đồ họa
Đặc trưng trong mối quan hệ giữa hình và màu sắc trong tự nhiên được áp dụng cho các hoạt động chuyên ngành thiết kế đồ họa luôn đóng vai trò quan trọng trong các ảnh hưởng đến trải nghiệm thị giác và cảm xúc của người sử dụng. Qua một số nghiên cứu, đã xác định được tác động tâm lý của hình và màu sắc đến người xem và cách sử dụng các yếu tố hình và màu sắc một cách hiệu quả trong thiết kế đồ họa.
Màu sắc được coi là một yếu tố quan trọng, đặc biệt trong thiết kế đồ họa, vì nó có thể tạo ra ấn tượng mạnh mẽ và truyền tải thông điệp tốt hơn thông qua các nguyên tắc cơ bản trong thiết kế. Yếu tố màu sắc được ví như một loại công cụ quyền lực giúp nhà thiết kế đồ họa khắc họa chủ đề, truyền tải thông điệp thị giác qua điểm nhìn, ánh sáng, chiều sâu nhằm mang tới cảm xúc cũng như thúc đẩy hành vi người xem. Trong quảng cáo, với mục đích truyền tải năng lượng tích cực, các bản vẽ phải tạo được sự chú ý về hình và màu sắc cũng phải mang đến sự thích thú, bắt mắt cho đối tượng khách hàng. Các nhà thiết kế phải nắm được các nguyên lý tạo hình thiết kế bằng việc áp dụng bánh xe màu để có phương pháp pha trộn màu sắc và phối hợp các màu nhằm tạo ra những bảng màu khác nhau. Trong cách pha màu, người họa sĩ chỉ cần một chút màu này pha với màu khác sẽ làm thay đổi về sắc độ và tông màu, cũng có thể tạo nên những bản thiết kế riêng biệt, đa dạng cho thương hiệu của doanh nghiệp.
Chính vì vậy, trong nghiên cứu về mối quan hệ giữa các yếu tố tạo hình như hình và màu trong chuyên ngành thiết kế đồ họa đã đóng góp quan trọng trong việc hiểu và ứng dụng màu sắc một cách hiệu quả trong thiết kế đồ họa. Sự hiểu biết về màu sắc và cách nó ảnh hưởng đến trải nghiệm thị giác và cảm xúc của người xem là một yếu tố quan trọng trong việc tạo ra các ấn phẩm đồ họa hấp dẫn và hiệu quả.
Thông qua việc nghiên cứu thực nghiệm và sử dụng các thí nghiệm hoặc trong các khảo sát trên thực hành các bản thiết kế cho thấy, những cảm xúc và phản ứng của người dùng về các hình ảnh và các màu sắc khác nhau trong thiết kế đồ họa đã mang lại những hiệu quả bất ngờ và rất mới cho thị giác.
3. Mối quan hệ của màu sắc và chuyên ngành thiết kế đồ họa
Mối quan hệ của hình, màu sắc với chuyên ngành thiết kế đồ họa rất quan trọng và thú vị trong lĩnh vực thiết kế. Các yếu tố tạo hình đã có tác động mạnh mẽ đến trải nghiệm thị giác và cảm xúc của người sử dụng, nó có thể được sử dụng để tạo ra những mẫu mã hấp dẫn thu hút người dùng như:
Tạo sự tương phản và nổi bật
Hình và màu sắc có thể được sử dụng để tạo ra sự tương phản và nổi bật trong thiết kế đồ họa. Sự tương phản giữa các màu sắc khác nhau có thể giúp tách biệt các yếu tố quan trọng, tạo ra sự cân bằng và sự chú ý trong thiết kế. Sự lựa chọn đường nét, mảng hình, màu sắc thông minh có thể giúp các yếu tố quan trọng như tiêu đề, biểu đồ, hoặc hình ảnh nổi bật hơn và thu hút sự chú ý của người xem.
Truyền tải thông điệp và ý nghĩa
Hình và màu sắc sử dụng để truyền tải thông điệp và ý nghĩa trong thiết kế đồ họa có ý nghĩa và cảm xúc rất riêng, trong đó việc chọn màu sắc phù hợp có thể tương thích với thông điệp và giá trị của dự án. Ví dụ, màu xanh lá cây thường liên quan đến sự tươi mới và tự nhiên, trong khi màu vàng có thể tượng trưng cho niềm vui và sự sáng tạo. Người thiết kế đồ họa có thể sử dụng những ý nghĩa này để tạo ra một trải nghiệm thị giác phù hợp và tạo sự kết nối với người xem.
Tạo không gian và sự phân cấp
Hình và màu sắc có thể được sử dụng để tạo ra không gian và sự phân cấp trong thiết kế đồ họa. Sử dụng màu sắc khác nhau và hình mảng, bố cục được sắp xếp một cách hợp lý có thể tạo ra chiều sâu và các lớp đặt trong thiết kế; các màu sắc nhạt và tối có thể tạo ra sự hiệu ứng 3D và làm cho các chi tiết hình ảnh biểu trưng trông rõ ràng. Đồng thời, bố cục không gian đồ họa có thể giúp tạo ra trải nghiệm mở rộng và hấp dẫn cho người xem.
Tương thích với thương hiệu và ngữ cảnh
Màu sắc cũng cần tương thích với thương hiệu và ngữ cảnh của dự án thiết kế. Màu sắc được sử dụng trong thiết kế đồ họa nên phản ánh giá trị và ý nghĩa của thương hiệu. Nếu màu sắc không phù hợp với thương hiệu hoặc không phù hợp với ngữ cảnh của dự án, nó có thể gây ra sự nhầm lẫn và khó hiểu đối với người xem. Do đó, việc lựa chọn màu sắc phải được thực hiện cẩn thận để đảm bảo tính nhất quán và sự tương thích với thương hiệu và mục tiêu của dự án.
Hiệu ứng tâm lý và cảm xúc
Hình và màu sắc có tác dụng tạo ra hiệu ứng tâm lý và cảm xúc đối với người xem. Chọn đường nét mảng hình thích hợp sẽ kích thích sự hứng thú, tạo ra sự cân bằng thoải mái, hay thậm chí gợi lên cảm xúc mạnh mẽ. Chọn màu sắc phù hợp sẽ tạo ra các trạng thái tâm lý cụ thể. Việc hiểu và sử dụng màu sắc này trong thiết kế đồ họa có thể tạo ra một trải nghiệm thị giác và cảm xúc tốt hơn.
Tuy nhiên, ở mỗi dự án thiết kế đồ họa sẽ có nhưng nội dung chủ đề khác nhau, vì thế cần có nét độc đáo, mới lạ và yêu cầu riêng. Hình mảng và màu sắc là các yếu tố quan trọng để tạo nên các yếu tố khác như hình khối, hình thức, cấu trúc, không gian, lớp kết cấu; ngoài ra, chữ, văn bản, nghệ thuật sử dụng chữ… để tạo cho người sử dụng có niềm tin về chất lượng của sản phẩm thương hiệu. Sự hiểu biết và sáng tạo của người thiết kế đồ họa đòi hỏi phải có năng lực, kỹ năng sử dụng các phần mềm công nghệ như Adobe Photoshop, Adobe Ilustrator, Adobe Indesign, CorelDraw, Sketchup, 3dsMax, Blender, Autocad để có được những mẫu mã ấn phẩm đẹp.
4. Kết quả nghiên cứu áp dụng hình, màu trong tự nhiên để sáng tạo trong chuyên ngành thiết kế đồ họa
Thứ nhất, hình và màu sắc ảnh hưởng đến khả năng đọc hiểu và nhận thức của người xem. Sự tương phản phù hợp giữa màu chữ và nền là một yếu tố quan trọng để đảm bảo khả năng đọc, hiểu thông điệp. Thứ hai, hình và màu sắc có vai trò quan trọng trong việc xây dựng và truyền tải thông điệp của một thương hiệu. Sử dụng màu sắc hợp lý và phù hợp với giá trị và ý nghĩa của thương hiệu có thể tạo ra sự nhận diện và gắn kết với khách hàng. Thứ ba, tầm quan trọng văn hóa của màu sắc: Màu sắc có ý nghĩa văn hóa và tầm quan trọng khác nhau trong các nền văn hóa khác nhau. Màu sắc có thể được hiểu và đánh giá khác nhau dựa trên ngữ cảnh văn hóa và sự hiểu biết của người xem. Nghiên cứu đã khám phá sự khác biệt về ý nghĩa và đánh giá màu sắc trong các quốc gia và văn hóa khác nhau. Thứ tư, hình và màu sắc có thể ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng và khả năng tương tác. Trong đó, màu sắc được sử dụng để tạo ra sự dễ nhìn, phân biệt các phần tử và hướng dẫn người dùng trong quá trình sử dụng. Các nghiên cứu về mối quan hệ của hình và màu sắc trong chuyên ngành thiết kế đồ họa đã đóng góp quan trọng cho việc hiểu và áp dụng trong thiết kế đồ họa một cách hiệu quả. Có thể thấy, hai thành tố này được kết hợp đúng và đẹp theo nguyên lý tạo hình ứng dụng trong thiết kế đồ họa sẽ mang lại những giá trị lớn cho thương hiệu và người tiêu dùng.
Kết luận
Trong chuyên ngành Thiết kế đồ họa, hình và màu sắc trong tự nhiên là một điều kiện tiên quyết có sức mạnh đáng kể trong việc tạo ra các hình tượng biểu trưng nhằm truyền tải thông điệp và ý nghĩa cho nội dung chất lượng của sản phẩm. Vì vậy, sinh viên ra trường, khi trở thành các nhà thiết kế, cần hiểu về sự tác động của các yếu tố tạo hình và biết cách sử dụng chúng một cách sáng tạo và hợp lý. Việc nghiên cứu lựa chọn các đối tượng có hình và màu sắc cho nội dung sản phẩm phải được thực hiện đúng để đảm bảo tính nhất quán, tương thích với thương hiệu và mục tiêu của dự án, đồng thời, phải tạo ra kênh thị giác và cảm xúc tốt cho người xem, người sử dụng.
Hình và màu sắc là hai thành tố cơ bản trong nghệ thuật thiết kế đồ họa. Bên cạnh đó còn được kết hợp với các yếu tố khác như cấu trúc, hình ảnh, văn bản và không gian để tạo ra một thiết kế đồ họa toàn diện và tương tác tốt với người sử dụng. Sự hiểu biết và sáng tạo của người thiết kế đồ họa cũng rất quan trọng để áp dụng và tạo ra các sản phẩm phù hợp và hiệu quả cho thương hiệu yêu cầu. Vì vậy, người thiết kế phải hiểu biết về các nguyên lý trong thiết kế ứng dụng, phải có kiến thức chuyên ngành về hội họa, đồ họa và cả về kỹ năng công nghệ với các phần mềm hiện đại nhất để tạo nên những sản phẩm thiết kế độc đáo, tương thích với thương hiệu và ngữ cảnh, tạo cảm xúc cho người xem.
_____________
1. Đỗ Trọng Hưng, Ứng dụng hình thể của cấu trúc tự nhiên trong tạo hình kiến trúc, Tạp chí Khoa học công nghệ xây dựng, số 26, 11-2015, tr.109-112.
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Thị Anh Đào, Màu sắc trong thiết kế đồ họa, Nxb Nghệ thuật, 2010.
2. Lê Thị Hồng Phượng, Màu sắc trong thiết kế đồ họa, Nxb Mỹ thuật, 2013.
3. Nguyễn Thị Kim Oanh, Nghệ thuật sử dụng màu sắc trong thiết kế đồ họa, Nxb Văn hóa - Văn nghệ, 2015.
4. Trần Văn Long, Màu sắc và thiết kế đồ họa, Nxb Giáo dục, 2017.
5. Lê Quốc Hùng, Nguyễn Thị Thùy Dung, Màu sắc và tạo hình trong thiết kế đồ họa, Nxb Khoa học xã hội, 2019.
Ths NGUYỄN THU TRANG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 575, tháng 7 - 2024