Đặc trưng chất liệu trong hội họa

Hội họa là một trong các thể loại nghệ thuật tạo hình được gia công bởi các chất liệu đặc trưng như sơn dầu, sơn mài, màu nước, acrylic, pastel, mực, chất liệu tổng hợp… Việc gia công chất liệu đó được gắn với quá trình sáng tác và các kỹ thuật tạo hình. Hơn thế, ở các chất liệu nghệ thuật hội họa luôn có sự khác biệt bởi tính chất kỹ thuật tạo hình và cho ra những hiệu quả chất cảm khác nhau; tuy nhiên, các chất liệu đó cũng đồng thời có sự thống nhất giữa chức năng, kỹ thuật và vật liệu thể hiện rõ rệt trên mỗi tác phẩm.

Phố Hàng Mắm, 1986, tranh sơn dầu của Bùi Xuân Phái - Nguồn: Sưu tập Trần Hậu Tuấn, Nxb Hội Nhà văn, 2019

1. Tầm quan trọng của chất liệu trong hội họa

Trong hội họa, việc tìm ra những chất liệu mới, gồm cả chất liệu mặt phẳng lẫn chất liệu thể hiện là cuộc cách mạng về chất lượng nghệ thuật. Từ những tác phẩm hội họa đầu tiên trên hang động cho đến những tác phẩm hội họa đương đại đều được thể hiện sự đa dạng về chất liệu. Ngày nay, các thể loại như các chất liệu sơn dầu, sơn mài, thuốc nước, acrylic, pastel, mực, chất liệu tổng hợp… cũng đã trải qua nhiều tìm tòi, nghiên cứu và được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Với nghệ thuật tạo hình, giá trị của các vật liệu đặc biệt quan trọng. Trên các mặt phẳng, những vật liệu đó chấp nhận “bám lấy” và thích hợp với từng loại mặt phẳng khác nhau. Đó là sự tích hợp giữa chất liệu và mặt phẳng. Cho nên từ lâu, sự chọn lựa giữa chất liệu với mặt phẳng luôn là một sự khám phá đầy thú vị.

Một bức vẽ hình thành bởi những tương quan hợp lý giữa các tổ hợp đường nét, màu sắc, sắc độ… Cũng như ngôi nhà được xây dựng bằng các vật liệu, kiến trúc theo một đồ án thiết kế. Dù mang đặc tính gì, các yếu tố vật chất đó cũng chỉ là phương tiện cho mục đích cần đạt tới hiệu quả nghệ thuật của bức vẽ, cũng như công dụng chính của ngôi nhà. Tuy nhiên, khi phân tích và đánh giá một bức tranh, người ta thường tập trung chú ý vào các yếu tố cụ thể như hình, nét, màu sắc… mà ít nói đến chất liệu; vốn chỉ là hiệu quả, nhưng lại là một trong những nhân tố đem lại hiệu quả nghệ thuật của tác phẩm. Như đã nói ở trên, sự cảm nhận các chất thể của sự vật là kết quả phối hợp xúc giác và thị giác, nhưng khi tái hiện lên mặt phẳng thì mọi thứ đều là ảo tưởng, chỉ có tác dụng đối với con mắt. Nghiên cứu chất liệu dựa vào sự phân tích bề mặt với các hiệu ứng thị giác, cũng là phân tích cảm giác từ bề mặt bức họa. Dù là hội họa (màu) hay đồ họa (nét) hay điêu khắc khối thì tất cả các loại hình này đều phải rung cảm về chất, sau đó yếu tố tạo hình mới làm tôn cái chất đó lên.

Ví dụ như tượng Milo, người ta phải cảm nhận về chất trước rồi mới đến khối. Và chạm đến cảm hứng của họa sĩ trước hết phải là chất, đây là yếu tố chủ đạo. Hội họa là nghệ thuật thị giác, đồng thời cũng là nghệ thuật mặt phẳng, bởi mọi sự kiến tạo của nghệ thuật đều được thực hiện trên mặt phẳng và được truyền qua thị giác. Khi làm việc, họa sĩ thường tìm đề tài, sau đó thực hiện trên mặt phẳng, nhưng cũng nhiều trường hợp, một tấm voan trắng lại gợi mở một ý tưởng làm việc. Họa sĩ thường làm chủ cảm xúc, làm chủ kỹ thuật, chất liệu và đối thoại cùng mặt phẳng để đưa ngôn ngữ của mình lên mặt phẳng và ngôn ngữ của mặt phẳng hội họa sẽ cất tiếng nói của họa sĩ. Có vô vàn mặt phẳng hiện hữu quanh ta, từ mặt đất rộng lớn, mặt biển xanh cho tới cồn cát trắng chạy dài cũng là mặt phẳng khổng lồ. Dãy núi gồ ghề hiểm trở chỉ là một mặt phẳng in hình cuối trời. Đó là mặt phẳng tự nhiên, tự thân chúng đã mang vẻ đẹp huyền bí mà con người muốn giao hòa cùng. Không cần sờ vào một tấm gỗ ta có thể biết tấm gỗ này sần sùi hay được bào nhãn. Những cảm giác, xúc giác hoàn toàn có thể nhận biết qua thị giác. Sự tinh tế của thị giác có thế phát hiện rất nhiều trạng thái vật chất khác nhau. Và từ đó, con người tái tạo mặt phẳng tự nhiên một cách có ý thức hơn. Đầu tiên, hội họa được biết đến như những nét vẽ trên vách hang động Gum ở Pháp. Sau đó, mặt phẳng trong hội họa được biết đến với các chất liệu như mặt giấy, mặt vải, mặt gỗ hay tường để diễn đạt ý tưởng không gian phong phú hơn. Chất cảm chính là đặc điểm bề mặt, là sự thay đổi của bề mặt chất liệu trên bề mặt của tác phẩm thông qua sự rung động và tái tạo của cá nhân mỗi nghệ sĩ.

2. Chất cảm trong hội họa

Chất cảm trong hội họa là khái niệm liên quan đến cách mà một tác phẩm nghệ thuật gây ấn tượng và tạo ra cảm xúc mạnh mẽ cho người xem. Nó bao gồm những yếu tố như màu sắc, ánh sáng, hình khối, kỹ thuật vẽ và chất liệu đóng một vai trò không nhỏ trong việc quyết định cảm xúc của nghệ sĩ. Chất vừa là một khái niệm cụ thể, vừa là một khái niệm trừu tượng. Cụ thể, ta hiểu chất là chất liệu, là cái hữu hình, cái có thể sờ được, thấy được. Khi chất là trừu tượng khi chất là cảm nhận về sự vật, là cái vô hình. Mỗi họa sĩ có cảm nhận riêng và tự tìm ra phương pháp riêng để tái hiện sự vật đã ghi nhận được bằng những thủ pháp, có thể là mô phỏng, diễn tả lại hoặc tạo ra những hình ảnh như thật. Vẻ đẹp của thiên nhiên và con người luôn là một chủ đề hấp dẫn các họa sĩ. Họ dùng mọi phương pháp tái hiện nó theo cách của họ. Người thích vẽ sần sùi thô ráp, người thích cái lồi lõm, người lại đi vào cái tinh vi tỉ mỉ, chi tiết. Từ đó, họ khai thác, phát triển để diễn tả ý tưởng. Người thiên về mảng nét, người thiên về hình khối, người lại dùng chấm để diễn tả các chất đó theo cách cảm nhận, tố chất, tình cảm của họa sĩ đối với sự vật.

Tả chất nói một cách khác chính là khả năng bắt chước sự vật một cách tinh tế, phân tích phần ngoài của ánh sáng và chất, cho cảm giác về vật liệu rõ, từ đó gợi sự thấu hiểu nhiều hơn cảm xúc. Qua tả chất, sự phong phú của tự nhiên với cái nhìn, sự cảm thụ tinh tế của người nghệ sĩ mang lại giá trị thẩm mỹ cao cho tác phẩm. Diễn chất, thực chất là biểu lộ sự sáng tạo giữa tự nhiên và thể chất thông qua cách vẽ nhằm diễn đạt trạng thái nội tâm và bộc lộ khí chất của người họa sĩ. Điều này giúp các họa sĩ không cần phải mượn hình tượng mà cảm xúc luôn trào qua nét bút trong từng khoảnh khắc, nghệ thuật không thể hiện cái nhìn thấy, ngược lại, phải làm cho người ta thấy cái không nhìn thấy được. Trong sáng tạo nghệ thuật, nhân tố khí chất của nghệ sĩ và thái độ riêng tư của họ đối với cuộc sống có ý nghĩa rất quan trọng, thậm chí quyết định mức độ thành công của tác phẩm. Khí chất chính là năng lực biểu hiện tính cách, là tính khí mang bản chất con người có môi trường hình thành, nuôi dưỡng và phát triển. Trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật, khí chất là yếu tố quyết định phong cách của họa sĩ và phân biệt họ với người khác.

Diễn chất cũng là diễn tả, biểu diễn, gây cho người xem sự liên tưởng về một chất nào đó như mưa, hơi nước, mây, gợi sự cảm nhận thì gọi là diễn. Trong nghệ thuật đồ họa, việc diễn chất càng đòi hỏi cao hơn và tinh tế hơn rất nhiều. Diễn chất cho thấy cảm thiên về chuyển động của thủ pháp như đường xúc của dao, sự linh động của mũi dao trong khắc gỗ, thấy cả tốc độ, nhịp điệu, sự ngừng nghỉ của công việc khắc, vẽ nó, chính là đường bút hay bút pháp. Như vậy, việc dùng nét để diễn tả và nắm bắt được những đặc điểm nào đó thì đó chính là diễn chất.

Tạo chất là quá trình lấy một chất khác đưa vào bề mặt tác phẩm để gây một ấn tượng mới, là sự kết hợp nhiều chất liệu trên bề mặt tranh nhằm phát huy khả năng biểu đạt. Trong tranh sơn mài Việt Nam, nếu chất để tạo chất là vàng, bạc, vỏ trứng thì trong nghệ thuật đồ họa đó là điệp trong tranh dân gian Đông Hồ, là những chất đắp sần hoặc nhẵn gắn trên mặt tranh đồ họa của họa sĩ Lê Bá Đản. Khi phối hợp nhiều vật liệu trên bề mặt tranh, tạo chất cũng nhằm giải phóng khả năng cho sáng tạo nghệ thuật. Mỗi một tác phẩm có đời sống riêng, độc lập và nó khẳng định sức sáng tạo của họa sĩ.

Chất liệu sơn dầu

Sơn dầu có thể vẽ trên gần như bất cứ vật liệu nào như vải bố, gỗ, giấy, nhựa, miễn là vật liệu ấy không chứa độ dầu cao hơn là độ dầu chứa trong sơn dùng để vẽ. Tuy nhiên, khi chọn bề mặt để vẽ, cần lưu ý bề mặt có thể biến dạng theo thời gian. Dù sơn dầu khá chắc và có độ co dãn nào đó sau khi khô, nhưng nếu bề mặt bên dưới biến dạng nhiều sẽ làm hư lớp sơn vẽ nằm bên trên. Bề mặt càng ít biến dạng thì càng có giá trị bảo trì cao.

Sơn dầu có khả năng biểu đạt vô tận. Đặc thù kỹ thuật của sơn dầu là có thể đè chồng màu một cách dễ dàng, rất dễ xóa lúc còn đang ướt. Có thể vẽ từ mịn màng đến gồ ghề, sần sùi thậm chí đắp như phù điêu thì khi khô sơn dầu vẫn giữ nguyên trạng thái của bút pháp. Những vệt sơn vẫn nguyên hình dạng như khi gạt bay, tút tát, hay cào xước… Sơn dầu giữ được độ bóng nhờ tính chất ngậm dầu của nó. Tranh sơn dầu để nhiều năm trông vẫn như mới. Độ đậm không bị bạc như bột màu; đặc biệt, có thể pha hòa vào nhau trong lúc trộn màu hoặc hoặc pha trực tiếp trong khi vẽ trên mặt toan, hoặc lúc day lúc gạt lên trên nhau… tạo những hiệu quả rất đặc biệt. Đây cũng chính là kỹ năng của mỗi họa sĩ. Nếu sơn mài và lụa có cái độc đáo không gì so sánh được, thì chính cái độc đáo đó, cái chất sơn mài hay lụa đó lại làm cho ngôn ngữ hẹp lại. Ngược lại, sơn dầu lại có khả năng tạo ra những sắc độ tinh tế nhất, sự chuyển đổi màu sắc tinh vi nhất. Trong một centimet vuông trên tranh của những họa sĩ bậc thầy thế giới, ta đều thấy vô số màu sắc, thấy các sắc độ thật tinh vi.

Mặt khác, bảng màu của sơn dầu so với các chất liệu khác giống như những phím đen trắng phong phú của cây dương cầm so với sáo. Sơn dầu có 7 màu chính; tuy nhiên, những hộp sơn dầu bán ngoài thị trường thường có tới 24 màu, có khi tới 36 màu khác nhau. Do đặc tính hóa học nên màu dầu ướt và có thể pha vào nhau, quện vào nhau và tùy theo tỷ lệ pha mà có những màu khác nhau. Vì vậy, đối với mỗi họa sĩ do cách sử dụng, bảng màu có thể mở ra vô cùng các sắc màu và những nét kỳ lạ, riêng biệt. Sự phong phú của bảng màu là cơ sở vật chất để các họa sĩ ấn tượng tạo nên một cuộc “cách mạng” về màu sắc trong hội họa vào cuối thế kỷ trước - TK XIX. Các màu sắc trong các tác phẩm tươi tắn, rực rỡ, ngập nắng và không khí có hơi nước. Ở các họa sĩ Pháp, họ đã khai thác độ rực của màu, vẻ óng ả trên bề mặt tranh như có độ tan chảy vào nhau của các màu, cũng như chiều sâu của chúng. Đặc biệt, Manet, Monet, Renoir… đã tạo nên sự tươi mát lạ lùng của người và cảnh vật trong tranh, bởi lối vẽ trực tiếp ngoài trời bằng nhát bút có phong cách trát màu dày lên, đã cho ta cảm giác tưởng như hít thở được cái không khí dịu mát, thấy hơi sương ấm lên tràn da khi xem các phong cảnh của những họa sĩ Ấn tượng.

Để giữ lại cảm xúc trực tiếp trước đối tượng, khi ngồi trước mẫu hay trước một chiếc lọ hoa, hay một phong cảnh không gì thuận lợi hơn bằng sơn dầu. Ưu điểm nữa là sơn dầu tiện dụng đối với mọi người khi vẽ sơn dầu hiểu theo nghĩa kỹ thuật thì đơn giản hơn sơn mài, lụa hay khắc gỗ nhiều. Do đó, quá trình gia công chất liệu có nhiều chất phóng túng của nghệ sĩ, ít vẻ thủ công mỹ nghệ. Màu sơn dầu do có khả năng pha trộn khá tự do, vẽ đậm hay vẽ nhạt, dày tới vài centimet hay vẽ loãng như thuốc nước đều được cả. Nó có thể kết hợp với hầu hết các loại như tempera hay bột màu, với cả tranh cắt dán hay ghép ảnh… một cách khá tự do. Hiện nay, các kỹ thuật màu dầu với các màu khác rất được yêu chuộng. Các họa sĩ như Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Tiến Chung, Bùi Xuân Phái… cũng đã tìm ra tiếng nói và phong cách sơn dầu riêng cho mình.

Có thể lấy ví dụ về chất liệu màu nước. Nếu vẽ theo truyền thống màu nước cổ điển, tức là theo kỹ thuật chồng màu, thì nên bắt đầu từ những sắc sáng nhất rồi dần dần phủ lên chúng những sắc mạnh. Khi đã đặt xong màu cho những bộ phận được chiếu sáng ở đối tượng rồi, người vẽ chuyển qua các độ trung gian, thì một lần nữa lại không được quên tính hoàn chỉnh của sự cảm thụ, cần so sánh các độ trung gian với nhau, ấm với ấm, lạnh với lạnh. Phải nắm vững phương pháp pha trộn màu nước cổ điển, như sắc này chồng lên sắc khác sẽ sáng hơn. Có thể vẽ bằng cọ đẫm màu hoặc vẽ bằng nhát cọ hơi khô khiến cho kỹ thuật của người vẽ được phong phú hơn. Nếu vẽ bằng kỹ thuật pha màu ngay, có thể bắt đầu từ những chỗ đậm nhất. Kỹ năng để sử dụng những khả năng của nhát cọ và những mảng lớn: dùng những lớp màu nước đơn sắc làm cho mặt giấy có dạng hạt chiếu xuyên qua những lớp đó, chia nhỏ các nhát cọ trong những trường hợp này, kết chúng lại trong những trường hợp khác…

Trong bài vẽ, những chỗ có vệt sáng là do mặt giấy trắng để lại, những chỗ có vệt ánh mờ có thể dùng dao cạo nạo giấy đi. Khi đặt một lớp màu trong suốt lên một lớp màu trong suốt khác, để cho lớp dưới không bị nhòe, phải để cho nó khô đi trước khi phủ lên một lớp khác. Phương pháp này dựa vào quy luật cộng màu quang học. Phương pháp vẽ chồng màu có những giới hạn của nó. Phương pháp vẽ chồng màu đòi hỏi phải xác định những ranh giới chính xác của mỗi lớp màu được phủ lên. Khi có nhiều lớp màu, mỗi lớp phải đủ mỏng và trong suốt để cho ánh sáng phản xạ xuyên qua được. Nền trắng trên giấy cũng đóng vai trò màu trắng, khi cần phải giữ lại một vài chỗ giấy trắng. Giấy trắng sáng có thể dội lên như một màu sắc có sắc thái ấm hoặc lạnh, thích hợp trong sự tương phản với xung quanh. Thường ta dùng những loại cọ có lông cứng phối hợp với những loại cọ lông điêu. Cần giữ gìn cọ trong thời gian vẽ cũng như cần giấy thấm để sửa nếu thừa màu. Để sửa bức vẽ, phải chùi hẳn từng bộ phận và dùng dao cạo. Cọ vẽ màu nước thường mềm mại, tinh tế và có khả năng mao dẫn tốt. Với cách vẽ này tranh màu nước có độ phong phú về màu sắc, các chất màu trong veo sáng lên như một hòa sắc trang trọng đầy lãng mạn đầy chất cảm.

3. Kết luận

Do đặc điểm nghệ thuật tạo hình, từ khía cạnh chất liệu, cho thấy các đặc trưng của chất liệu hội họa được thông qua cách biểu hiện của mỗi họa sĩ sẽ đem lại những hiệu quả nhất định. Ở Việt Nam, chất liệu màu truyền thống đã và đang được sử dụng triệt để và ngày một phát triển ở nhiều nghệ thuật tạo hình. Khai thác các giá trị truyền thống luôn là một vấn đề cần phát huy và bảo tồn. Việc kết hợp những chất liệu mới cho thấy sự phát triển và khả năng sáng tạo của những người làm nghề. Chất cảm trong mỗi bức tranh được tạo nên bởi những tương quan về các thành tố như: màu sắc, sáng tối, độ sắc nhòe, mối quan hệ giữa hình và màu trong cách xử lý bằng những bút pháp của mỗi họa sĩ mà hiệu quả của chất liệu được làm sáng tỏ theo lối chủ quan của tác giả. Người thì thích bộc lộ chất này, người thì thích bộc lộ chất bằng phương pháp khác để tạo ra chất cảm riêng… Đó là cách biểu hiện tố chất bằng phương pháp trong con người họa sĩ mà khi sáng tác cái hiệu quả ấy sẽ được bộc lộ trên bề mặt tranh. Nhìn chung, hiệu quả của chất cảm xuyên suốt trong quá trình sáng tạo cũng chỉ xoay quanh mấy cách như: dùng một chất liệu để gây cảm giác vẽ nhiều chất, dùng những nét bút hướng bút, độ nghiêng của bút, độ dày mỏng của màu để diễn tả hoặc tạo sự liên tưởng về chất (diễn chất), dùng nhiều chất liệu phối hợp để tạo thành sự phong phú trong cách tạo chất.

Nói tóm lại, sự cảm nhận về chất liệu trong tranh luôn là cảm hứng thúc đẩy nghệ sĩ sáng tác nghệ thuật. Các nghệ sĩ thực hiện công việc đi tìm chất liệu mới để tái hiện lại vật chất, tạo bề mặt cho tranh ngày một phong phú hơn.

______________________

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Quân, Ghi chú về nghệ thuật, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 1990.

2. Nguyễn Quân, Ngôn ngữ của hình và màu sắc, Nxb Mỹ thuật, 2006, Nxb Văn hóa Thông tin.

3. Vương Hoàng Lực, Nguyên lý Hội họa đen trắng (biên dịch từ Hắc bạch họa lý), Nxb Mỹ thuật, 2011.

 Ths VŨ THỊ HƯƠNG QUỲNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 572, tháng 6-2024

;