Những bước đi từ truyền thống đến hiện đại trong nghệ thuật sơn mài ứng dụng của các họa sĩ Hà Nội

Sơn mài được hình thành từ chất nhựa trên cây sơn để đi vào nghệ thuật trang trí từ sau TK XX và làm ra các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng. Đặc trưng kế thừa của nghệ thuật sơn mài ứng dụng là dòng chảy từ truyền thống không đứt đoạn, chỉ chuyển khái niệm từ mỹ nghệ sang mỹ thuật và mỹ thuật ứng dụng. Hơn 80 năm phát triển, cho đến nay, nghệ thuật sơn mài đã có ba lần thay đổi. Đó là các giai đoạn thay đổi từ nghệ thuật sơn truyền thống đến chất liệu sơn mài đi vào hội họa và phát triển các ứng dụng đời sống với các sản phẩm sơn mài rồi hòa trộn các sản phẩm truyền thống với thế hệ số và công nghệ mới.

1. Tiếp cận vấn đề nghiên cứu

Một số người tiếp xúc với nghệ thuật sơn mài dường như chỉ nhận biết sự hiện hữu của các tác phẩm tranh sơn mài, ít khi đặt vấn đề tìm hiểu sản phẩm sơn mài nghệ thuật của các họa sĩ mỹ thuật ứng dụng ở Hà Nội. Đó chính là các họa sĩ của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương từ những năm 1930 đến 1945 và sau đó là các họa sĩ của Trường Trung cấp Mỹ nghệ, Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp và Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp từ những năm 1949 đến nay.

Đặc điểm chung của các sản phẩm sơn mài do các họa sĩ ở Hà Nội sáng tác là vì sự tiến bộ, phát triển của xã hội nên các sản phẩm mang tính thẩm mỹ và có nhiều công năng. Trải qua ba lần tiếp cận với hiện đại, nghệ thuật sơn mài của các hoạ sĩ đã đi tới những con đường kiến tạo nghệ thuật đương đại, trong mỗi thời gian và không gian khác nhau.

Truyền thống và hiện đại ở nghệ thuật sơn mài ứng dụng của các họa sĩ Hà Nội dựa trên khía cạnh lý luận nghệ thuật để phân tích sự vận động từ truyền thống đến hiện đại hay trong đó có những đổi mới theo từng giai đoạn. Chúng tôi muốn đề cập đến yếu tố hiện đại trong các vấn đề đổi mới. Có thể hiểu khái niệm đổi mới ở đây chính là ở khía cạnh tiếp cận và dịch chuyển từ sơn trang trí cổ truyền Việt Nam thành nghệ thuật sơn mài và lĩnh vực cụ thể hơn là sơn mài ứng dụng.

2. Sự đổi mới lần thứ nhất từ nghệ thuật sơn truyền thống

Quay trở lại thời kỳ trước TK XIX, Henri Gourdon, một học giả người Pháp đã rút ra kết luận về loại hình nghệ thuật sơn truyền thống rằng: “nghệ sĩ tạo hình An Nam trước hết là một người thợ trang trí. Toàn bộ lao động nghệ thuật của họ được thể hiện trong lĩnh vực trang trí, nghệ thuật ứng dụng, đó chính là nơi thể hiện rõ nhất phẩm chất tay nghề không thể phủ nhận của họ, cho dù thiếu vắng tài năng sáng tạo. Tất cả những gì hoàn thành từ đôi bàn tay người thợ, từ món đồ xa xỉ đến những vật dụng hằng ngày… đều thể hiện một nỗ lực thẩm mỹ và có vẻ đẹp bắt nguồn từ đòi hỏi phải có sự thích ứng chặt chẽ giữa hình dáng và công năng sử dụng” (1). Bên cạnh đó, Henri Gourdon cũng nhận xét khá kỹ về các sản phẩm sơn mài An Nam: “Tại Huế, người ta sản xuất những chiếc hộp rất đẹp có hình thuôn dài được trang trí bằng những chữ tượng hình được cách điệu để đựng sắc phong. Nhưng ở An Nam không có món đồ nào tương tự như những chiếc hộp nhỏ đẹp mê hồn, rất giá trị cả về chất liệu và cách trang trí, niềm vinh dự của các bộ sưu tập đồ sơn mài Nhật Bản” (2). Qua đây, có thể khẳng định: nghề sơn của Việt Nam được đánh giá với thế mạnh là yếu tố trang trí, gắn với lợi ích và công năng sử dụng, song chưa có sự sáng tạo và dấu ấn cá nhân. Vai trò chủ thể sáng tạo nghệ thuật của họa sĩ ở thời điểm trước năm 1925 chưa xuất hiện, ngoài những người thợ, thực hiện những kỹ thuật truyền nghề và một số ít là những nghệ nhân làm sơn như Đinh Văn Thành và Bùi Văn Vệ ở các làng nghề sơn truyền thống ở Hà Tây (nay là Hà Nội).

Trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương được hình thành từ giai đoạn những năm 1925-1930 là bước tác động cơ bản đến nghệ thuật hội họa Việt Nam và nghệ thuật sơn mài nói riêng. Từ đây, sự khẳng định phong cách cá nhân giúp các họa sĩ Hà Nội bắt đầu có những dấu ấn rất riêng và có thể gọi họ là các họa sĩ hội họa sơn mài Việt Nam. Yếu tố dịch chuyển đến hiện đại lần đầu tiên xuất hiện từ nghệ thuật trang trí truyền thống chính là sự thoái khỏi những hoành phi, câu đối của chất sơn đắp, sơn khảm, sơn trang trí hoàn kim nơi đình chùa, đền miếu và bắt đầu đi vào hội họa tranh sơn mài với sự hình thành những nguyên liệu mới. Các họa sĩ ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương như: Phạm Hậu, Trần Quang Trân, Nguyễn Gia Trí và nghệ nhân Đinh Văn Thành đã tìm cho chất liệu sơn mài có lối đi riêng trong hội họa. Không chỉ dừng lại ở đó, các sản phẩm sơn mài mỹ nghệ truyền thống đã cũ trong muôn hình tạo dáng và trang trí cũng được các họa sĩ đổi mới ngay trong giai đoạn này. Họ ứng dụng chất cảm của sơn mài trong tranh hội họa để trang trí các sản phẩm, đặc biệt là những hộp sơn mài nhỏ như của Nguyễn Ánh, Nguyễn Khang và các sản phẩm bình phong kích thước lớn của Trần Quang Trân, Phạm Hậu và Nguyễn Gia Trí.

Nhà nghiên cứu nghệ thuật Nguyễn Thị Hải Yến cho rằng, kỷ nguyên vàng là giai đoạn từ năm 1930-1945 tại Hà Nội, thời kỳ của Mỹ thuật Đông Dương, khi các họa sĩ đã tạo nên được ấn tượng đặc biệt đối với công chúng, phá bỏ quan niệm nghệ thuật sơn trang trí ứng dụng chỉ đơn giản là những đồ thờ tâm linh, những câu đối, cửa võng, những trang trí đình chùa thì nay, nghệ thuật dùng sơn ta đã có những chủ thể sáng tạo và bắt đầu trên con đường đi đến những giá trị nghệ thuật. Sự đổi mới lần thứ nhất chính là sự chuyển biến từ chất sơn trang trí cổ truyền đơn thuần, các họa sĩ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã sáng tạo và biến nó thành chất liệu của hội họa, đồng thời, cũng làm cho nó sống động và có giá trị hơn rất nhiều ở các sản phẩm trang trí cỡ lớn với sự hoành tráng nhất định.

 3. Sự đổi mới lần thứ hai từ nghệ thuật hội họa sơn mài đến các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng

Sau thời kỳ mỹ thuật Đông Dương (1930-1945) là thời kỳ mỹ thuật Cách mạng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nghệ thuật nói chung và mỹ thuật nói riêng được yêu cầu phải gắn với quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh và phải được biểu hiện rất rõ ở từng môi trường đào tạo. Tinh thần sáng tạo giúp kết nối các họa sĩ cùng phát triển khả năng, phong cách cá nhân và đi sâu nghiên cứu ngôn ngữ sơn mài với mục đích có thể ứng dụng được nhiều nhất trong cuộc sống với những đồ vật hữu dụng hằng ngày và phục vụ sát hơn trong sản xuất và xuất khẩu. Đó cũng là định hướng, là kim chỉ nam cho các hoạt động đào tạo của các trường: Trung cấp Mỹ thuật Công nghiệp giai đoạn từ năm 1959-1964, Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp giai đoạn từ 1964-1985 và Đại học Mỹ thuật Công nghiệp từ năm 1985 đến nay. Vai trò của họa sĩ mỹ thuật công nghiệp được đặt lên hàng đầu với nhiệm vụ là khai thác, phát triển yếu tố mỹ nghệ vốn có ở nghệ thuật sơn truyền thống trong trang trí nơi cung đình, nơi thờ tự và nâng tầm lên một vị thế mới. Và họ đã thành công khi tách biệt được dòng sản phẩm truyền thống ở các làng nghề và tạo nên một dòng sản phẩm song hành được sáng tạo từ tư duy, được đào tạo chuyên nghiệp về mỹ thuật ứng dụng. Như vậy, yếu tố đổi mới lần thứ hai được xác định là đổi mới về chức năng và tính chất sản phẩm sơn mài, thoát khỏi yếu tố mỹ nghệ đơn thuần và nâng cao ở tạo hình, tạo dáng và trang trí của sản phẩm với vai trò là mẫu để phục vụ sản xuất, xuất khẩu, các mẫu này được họa sĩ trực tiếp vẽ và được các nghệ nhân và các người thợ sơn mài thể hiện trong các xưởng sản xuất của nhà nước như các công ty xuất nhập khẩu Artexpo và Artex Thăng Long và chúng ta có thể nhìn nhận đó không còn là những mẫu hàng thuần túy mỹ nghệ như trước, đa dạng hơn về kiểu dáng, màu sắc, chất liệu.

Họa sĩ Hà Nội đi đầu và đã có công đóng góp cho nghệ thuật sơn mài ứng dụng Việt Nam sau thời kỳ Trường Mỹ thuật Đông Dương, từ thời kỳ Trung cấp và Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp chính là Lê Quốc Lộc và ông cùng với Phạm Hậu là một trong những người thày dạy sơn mài đầu tiên cho các lớp học trò Trường Trung cấp Mỹ nghệ những năm 1950-1960 và cũng giữ vai trò là Phó Hiệu trưởng nhà trường, bên cạnh Hiệu trưởng là họa sĩ Nguyễn Khang ở thời kỳ những năm 1960-1970. Vừa là người đi tiên phong sáng tác mẫu sản phẩm, vừa là người đem lại những thành quả cho nền mỹ thuật ứng dụng Việt Nam với các tác phẩm, sản phẩm sơn mài có giá trị độc đáo riêng, họa sĩ Lê Quốc Lộc là một trong những người thày có công dìu dắt các hế hệ họa sĩ sơn mài mỹ thuật công nghiệp và đã đặt những viên gạch vững chắc làm nền móng cho sự phát triển nghệ thuật sơn mài gắn với đời sống lao động và sản xuất. Ông từng có nhiều mẫu sản phẩm góp phần lớn trong những mẫu sơn mài để xuất khẩu sang các nước xã hội chủ nghĩa những năm 1960-1970 và cho đến 1980. Đĩa sơn mài Trâu được sản xuất hàng loạt để xuất khẩu tại Artexpo Trung ương; Lọ sơn mài gắn trứng sơn then của họa sĩ Lê Quốc Lộc cũng là mẫu hàng xuất khẩu đến cho các nước như Nga và Đông Âu ở thời điểm được sở hữu những sản phẩm sơn mài đậm đà bản sắc Việt.

Giai đoạn năm 1960-1970, khi cần đóng góp cho phát triển xây dựng đất nước trong những năm miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam đấu tranh chống Mỹ, các họa sĩ mỹ thuật công nghiệp là những người có công sức tạo nên rất nhiều những mẫu hàng xuất khẩu. Một khối lượng sản phẩm sơn mài rất lớn từ thiết kế mẫu của họa sĩ, sau đó các hợp tác xã thực hiện thành những đơn hàng sản xuất và là nguồn hàng xuất khẩu sang khối các nước xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô cũ và các nước Đông Âu. Những sản phẩm sơn mài được làm ra là các bình phong, hộp, lọ, khay, bàn cờ, bộ văn phòng đã được xuất khẩu rất nhiều từ các mẫu hàng của họa sĩ sáng tác và các cơ sở sản xuất của công ty xuất nhập khẩu Hà Nội là Artexpo hay Artex Thăng Long trong giai đoạn những năm 1970-1986 cho đến trước năm 1990, góp phần lớn trong các đơn hàng xuất khẩu trong giai đoạn đó.

Như vậy, với vai trò là chủ thể của những sản phẩm sơn mài ứng dụng, họa sĩ ở Hà Nội, được đào tạo từ Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp là những thế hệ biết duy trì và kế tục kỹ thuật sơn mài truyền thống song họ dùng ngôn ngữ mới ở chất liệu và nâng tầm giá trị của những sản phẩm ứng dụng trong đời sống. Sau sự tiếp cận với hội họa phương Tây từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ở lần đầu tiên trước năm 1945 và được hình thành hội họa Việt Nam nói chung, hội họa tranh sơn mài nói riêng, bước tiếp cận hiện đại lần thứ hai là tiếp cận với nghệ thuật đời sống với sự sở hữu những vật phẩm sơn mài mang yếu tố nghệ thuật - ứng dụng bằng sự đa dạng của thể loại và loại hình sản phẩm.

Có thể khẳng định đặc điểm chung sản phẩm sơn mài của các họa sĩ ở Hà Nội vì sự tiến bộ, phát triển của xã hội mà sáng tạo những sản phẩm mang tính thẩm mỹ và công năng. Do vậy, sự đổi mới lần thứ hai là trên nền tảng của sơn mài mỹ nghệ, nghệ thuật sơn mài ứng dụng phát triển và được đánh giá là những vật phẩm văn hóa ít nhiều có giá trị nhất định đối với xã hội và cũng tạo nên hành trình nghệ thuật vị nhân sinh để song hành với đời sống và vì sự đa dạng của sống mà phát triển.

4. Sự đổi mới lần thứ ba tiếp cận với công nghệ mới

Sang TK XXI, nhiều thế hệ họa sĩ trẻ được đào tạo từ Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, là thế hệ họa sĩ thứ ba và thứ tư đã tiếp bước thế hệ trước, sáng tạo và vận dụng chất liệu sơn mài truyền thống trong những ứng dụng mới ở một xã hội phát triển về công nghệ, vật liệu và những yêu cầu mới mẻ được đặt ra. Đầu những năm 2000, internet đã mở rộng khắp Việt Nam, sự tiếp cận với công nghệ đã thúc đẩy tư duy sáng tạo và các khuynh hướng mới đòi hỏi một lần nữa các lớp họa sĩ trẻ mới ra trường phải bắt kịp và hoàn thiện các sản phẩm sơn mài ứng dụng ở ngôn ngữ thiết kế công nghiệp hay còn gọi là design công nghiệp. Trong khoảng thời gian này, sơn mài ứng dụng của các họa sĩ tại Hà Nội nói chung và họa sĩ mỹ thuật công nghiệp nói riêng mang nhiều yếu tố của nghệ thuật design, một phạm trù thiết kế mang tính thẩm mỹ - kỹ thuật. Họ đã dựa trên các kỹ thuật truyền thống và áp dụng phương thức làm mới ở các thiết kế tạo dáng hiện đại để đáp ứng những yêu cầu mới. Do thay đổi về yêu cầu không gian cùng các đồ vật phải hài hòa trong không gian đó, nên các ứng dụng của sơn mài truyền thống cũng phải thay đổi. Một mặt, các họa sĩ vẫn khai thác chất sơn ta truyền thống để có những sáng tác độc bản với giá trị nghệ thuật cao, cho những đối tượng nhà sưu tầm, những khách hàng tiềm năng, mặt khác họ cũng vận dụng những kỹ thuật sơn mới để tạo nên những dòng sản phẩm hiện đại, là những mẫu hàng cho sản xuất và xuất khẩu ra nước ngoài. Với sự phát triển của công nghệ trên toàn cầu, các họa sĩ sơn mài thế hệ sau được đào tạo là những nhà thiết kế chuyên nghiệp, có khả năng ứng dụng các phần mềm thiết kế với công nghệ 2D, 3D để sáng tạo các sản phẩm trong không gian ba chiều với tỷ lệ và hình khối giống 90% so với sản phẩm thật sẽ được thể hiện nhờ phần mềm vẽ 3D. Đây là một công nghệ hoàn toàn mới mẻ, đáp ứng được với thời đại công nghệ số và công nghệ 4.0 hiện nay. Để đạt được sự thành công này, sự đổi mới lần thứ ba chính là về công nghệ và chính là sự áp dụng của chuyển đổi số đang được các nhà thiết kế trẻ khẳng định và là điều rất cần thiết trong cuộc sống hiện đại ngày hôm nay.

Truyền thống không phải là một cái gì đó đứng im, cố định. Truyền thống ổn định, mà cũng năng động phát triển vì truyền thống như một quá trình biện chứng, một nguyên lý của tiến hóa. Theo nhận định của nhà nghiên cứu Trần Quốc Vượng, mô hình phát triển năng động của văn hóa Việt Nam là tương quan tam giác tính giữa truyền thống - đan xen - đổi mới (3). Cũng có thể nhìn sang lĩnh vực sơn mài, có yếu tố văn hóa rất rõ trong tam giác truyền thống, đan xen, đổi mới, tuy nhiên cần sự cân bằng cả ba yếu tố đó như một hình tam giác cân giữa kỹ thuật truyền thống đan xen với sự đổi mới về nguyên vật liệu và đổi mới nhưng dựa trên những yếu tố nghệ thuật, kỹ thuật truyền thống mà phát triển.

Định hướng bảo tồn và phát triển sản phẩm sơn mài ứng dụng được dựa trên cơ sở nghiên cứu văn hóa học với các yếu tố cơ bản là nội sinh và ngoại sinh. Trong khái niệm “truyền thống” là đổi mới, cách tân, bao gồm cả những sự đổi mới không theo truyền thống, đứt đoạn truyền thống, tạo mới rồi tạo nên truyền thống mới. Đó chính là yếu tố nội sinh. Bên cạnh đó, tác động của những nguyên tố ngoại sinh là đứng trước một sự đứt gãy truyền thống, sự tác động bên ngoài làm thay đổi cấu trúc, xen vào những cái mới. Do vậy, để bảo tồn sản phẩm sơn mài truyền thống cần thiết là phải từ yếu tố ngoại sinh mà kết hợp với các yếu tố nội sinh sẵn có.

Nhìn từ phía những người làm nghề, chúng tôi thấy để bảo tồn và phát triển sơn mài mỹ thuật ứng dụng, một mặt cần thiết phải gìn giữ các kỹ thuật truyền thống, mặt khác phải áp dụng các công nghệ hiện đại mới, cũng có thể là các nguyên liệu mới cũng cần áp dụng để đạt hiệu quả. Hiện nay, họa sĩ trẻ cần tiếp tục trên nền tảng phát huy các thành tựu và kỹ thuật kết hợp các hình thức tạo dáng và trang trí hiện đại cùng sự học hỏi kỹ thuật sơn mài của các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc để tạo vị trí cho các sản phẩm sơn mài Việt Nam đứng song hành cùng với các nước trong khu vực là điều cần thiết. Nhìn sang Nhật Bản hay Hàn Quốc, họ có công sức bảo tồn sản phẩm sơn mài và tạo thành những bảo vật quốc gia là cách chúng ta cần học tập và tiếp thu.

Nghệ thuật sơn mài phát triển trong một dòng chảy từ quá khứ đến hiện tại, nên trong nó có cả yếu tố lịch đại và đồng đại rõ rệt. Yếu tố lịch đại trên một trục thời gian có sự tiếp nối từ quá khứ đến hiện tại, từ nghệ thuật sơn truyền thống đến sự phát hiện mới là sơn mài và sự đổi mới của sơn mài trong những vật liệu và cách thức mới. Đồng đại là hiển hiện cùng một thời gian và không gian với sự tồn tại của ba mô hình: nghệ thuật sơn truyền thống, sơn mài hội họa và sơn mài mỹ thuật ứng dụng. Sau ba lần đổi mới từ truyền thống, các họa sĩ ở Hà Nội, mà ở đây chúng tôi muốn nói đến là các họa sĩ dẫn đầu từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cho đến các thế hệ họa sĩ mỹ thuật công nghiệp là những người giữ lửa cho sự phát triển sơn mài ứng dụng trong một quá trình liên tục và không đứt đoạn, có hiện đại trong truyền thống và giữ truyền thống trong sự giao thoa và ảnh hưởng của các tác động xã hội, thị trường.

Chính sự đổi mới phụ thuộc vào yếu tố và bối cảnh xã hội đòi hỏi mà họa sĩ cần phải thay đổi về quan niệm sáng tác, qua ba lần đổi mới, đòi hỏi một kỹ thuật vững vàng, nhạy bén của lý trí và ý thức thẩm mỹ… tất cả hòa quyện trong một và trở thành tố chất sáng tạo để tạo nên một dòng nghệ thuật sơn mài ứng dụng được định hình rõ nét trong dòng chảy mỹ thuật ứng dụng của Việt Nam. Sơn mài ứng dụng của họa sĩ ở Hà Nội có thể được xem như là những vật phẩm chứa đựng các giá trị khác về văn hóa, bởi nó bao hàm các yếu tố truyền thống và hiện đại, nét đặc sắc riêng biệt, sẽ mãi là những kỷ vật mang đặc trưng rất riêng của nghệ thuật sơn mài Việt Nam.

_____________________

1, 2. Gourdon, Henri, (Trương Quốc Toàn dịch), Nghệ thuật xứ An Nam, Nxb Thế giới, 2017, tr.103.

3. Nhiều tác giả, Mỹ thuật ứng dụng Việt Nam - Tác giả tác phẩm, Nxb Văn hóa - Thông tin, 2005, tr.171.

Tài liệu tham khảo

1. Mỹ thuật ứng dụng Việt Nam đương đại - Vietnamese Contemporary Applied Arts, Nxb Mỹ thuật, 1997.

2. Trần Quốc Vượng, Trần Quốc Khánh, Trần Thúy Anh, Trần Phương Anh, Phan Quang Anh, Văn hóa Việt Nam những hướng tiếp cận liên ngành, Nxb Văn hóa, 2005.

3. Phạm Gia Yên, Sơn mài Phạm Hậu, Nxb Phương Đông, TP.HCM, 2017.

4. Nguyễn Thị Hải Yến, Hội họa Hà Nội - những ký ức còn lại, Nxb PICTURE Art Foundation, Hồng Kông (Trung Quốc), 2010.

Ths NGUYỄN THANH GIANG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 569, tháng 5-2024

;