Để có những tác phẩm văn học, nghệ thuật "sống mãi với thời gian"

Bài Tiến quân ca - Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác tháng 12-1944 (Bản viết lại có chữ ký của tác giả năm 1994) - Ảnh: baotanglichsu.vn

4. Những giải pháp thiết thực

Tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ III năm 1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Để làm tròn nhiệm vụ cao quý của mình, đội văn nghệ sĩ cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, giữ gìn thái độ khiêm tốn, phải thực sự hòa mình với quần chúng, cố gắng học tập chính trị, trau dồi nghề nghiệp…” (14). Những lời căn dặn của Người đến nay vẫn còn nguyên giá trị là bài học sâu sắc về nhận thức, tư tưởng và hành động, để văn nghệ sĩ nước nhà phát huy tài năng, sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị, phụng sự đất nước, nhân dân.

Trước đây, trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh, các thế hệ văn nghệ sĩ đã để lại nhiều tác phẩm VHNT có giá trị, đi cùng năm tháng, như các ca khúc: Tiến quân ca (1944), Tiến về Hà Nội (1949) của nhạc sĩ Văn Cao; Chiến thắng Điện Biên (1954) - Đỗ Nhuận; các tác phẩm văn học: Đất nước (thơ, 1948) - Nguyễn Đình Thi; Việt Bắc (tập thơ, 1954) của Tố Hữu; Sông Đà (tập tùy bút, 1960) của Nguyễn Tuân; các tác phẩm hội họa: Hồ Chủ tịch làm việc tại Bắc Bộ Phủ của Tô Ngọc Vân; Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ - Nguyễn Sáng… Các tác phẩm điện ảnh: Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1972) - đạo diễn Hải Ninh; Bài ca ra trận (1973) - đạo diễn Trần Đắc; Em bé Hà Nội (1974) - đạo diễn Hải Ninh…

Ngày nay, đất nước trong thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đời sống người dân được cải thiện, nhu cầu về hưởng thụ VHNT ngày càng cao, đòi hỏi các văn nghệ sĩ cần trau dồi về tư tưởng, nhận thức, bản lĩnh chính trị, nâng cao năng lực sáng tạo để có những tác phẩm “sống mãi với thời gian”.

Dự và phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam (1948-2023), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đảng, Nhà nước luôn khuyến khích mọi tìm tòi, tôn trọng tự do sáng tạo của người nghệ sĩ, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đối với văn học, nghệ thuật và văn nghệ sĩ phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn luôn mong muốn, kỳ vọng và đòi hỏi đội ngũ văn nghệ sĩ có nhiều tác phẩm có giá trị cao hơn nữa về tư tưởng và nghệ thuật; phản ánh chân thực, sâu sắc, toàn diện hiện thực của đất nước trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển” (15). Tổng Bí thư cũng căn dặn anh chị em văn nghệ sĩ trẻ: “ Các đồng chí cần thường xuyên học hỏi, đúc rút những bài học tốt từ các thế hệ đi trước để tiếp tục dấn thân, đi xa hơn, vững vàng hơn. Bài học đó phải chăng vẫn là: Khát vọng lớn lao, lý tưởng cao cả, hòa nhịp đập trái tim mình với nhịp đập trái tim toàn dân tộc, lăn lộn với thực tiễn phong phú, sôi động của cuộc sống nhân dân, chứ không phải chỉ sa vào tâm trạng cá nhân, gặm nhấm tâm tư, yếm thế, lấy tiểu xảo thay cho tài năng, nhìn đời bằng góc nhìn chật hẹp, thậm chí coi văn nghệ chỉ đơn giản như là một thú vui, giải trí hoặc một cuộc chơi, một sự đam mê tầm thường” (16).

Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị, khóa X về Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, đã đề ra các giải pháp: “Tiếp tục đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của văn học, nghệ thuật về đề tài, nội dung, loại hình, phương pháp sáng tác, sự tìm tòi, thể nghiệm, nâng cao chất lượng toàn diện nền văn học, nghệ thuật nước nhà… Tiếp tục đổi mới và nâng cao năng lực, trình độ lãnh đạo của Đảng đối với văn học, nghệ thuật; bồi dưỡng nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, đặc trưng của văn học, nghệ thuật cho cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, cán bộ trực tiếp chỉ đạo, quản lý lĩnh vực này… Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn học, nghệ thuật… Xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ đáp ứng yêu cầu tiếp tục phát triển mạnh mẽ nền văn học, nghệ thuật Việt Nam trong thời kỳ mới… Củng cố, đổi mới hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật ở Trung ương và địa phương nhằm nâng cao khả năng tập hợp, động viên phát huy tiềm năng sáng tạo và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ của hội…” (17).

Trong bài phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo Nhìn lại 15 năm thực hiện nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: “Trong bối cảnh tình hình mới đã và đang đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tiếp tục nghiên cứu, đổi mới tư duy, phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển văn học, nghệ thuật” (18). Đây là cơ sở để các cơ quan, các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương và địa phương đổi mới chính sách, phương thức lãnh đạo nhằm phát triển VHNT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Ngày 24-11-2021, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã kiến nghị Đảng, Nhà nước, quan tâm, hỗ trợ để ngành thực hiện tốt các nội dung trọng tâm trong thời gian tới: “Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tin tưởng và kỳ vọng sau Hội nghị có tính lịch sử này, văn hóa Việt Nam sẽ được đầu tư đúng mức, được phát triển có trọng tâm, có những đột phá mạnh mẽ trong việc thúc đẩy năng lực sáng tạo, giải phóng sức sản xuất, hình thành những giá trị tốt đẹp, có khả năng kết nối mạnh mẽ với các trụ cột kinh tế, chính trị, xã hội và khoa học công nghệ để trở thành động lực, mục tiêu của sự phát triển bền vững…; Chú trọng đổi mới sáng tạo nhằm khuyến khích, phát huy tối đa các nguồn tài nguyên văn hóa, năng lực sáng tạo của toàn dân, đặc biệt là sức sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để ngày càng có nhiều tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật có giá trị cao nhằm thực hiện nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam…; Tôn trọng quy luật riêng của nghệ thuật để có chính sách phù hợp nhằm khích lệ, động viên, hỗ trợ cho các văn nghệ sĩ trong sáng tác, sáng tạo nghệ thuật để tác phẩm được sống mãi với thời gian” (19). Những kiến nghị này được xem là những vấn đề trọng tâm nhằm xây dựng và phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam thời gian tới.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: “Trước những cơ hội và thách thức đổi mới hiện nay, trong xã hội công nghiệp hóa, hiện đại hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa về mọi mặt, các văn nghệ sĩ cần nhanh nhạy và nắm bắt các hình thức chuyển tải nội dung tác phẩm và mở rộng hiện thực của đất nước để văn học, nghệ thuật có được sự đa dạng về chất liệu, phương tiện truyền tải (truyền hình, các trang mạng Facebook, Zalo, Twitter, TikTok…). Đây là con đường đi đến chân lý của dân tộc và cơ hội hòa nhập cùng văn hóa quốc tế. Là lợi thế rất lớn, thể hiện một nền dân chủ của Đảng và Nhà nước mang đến cho người dân Việt Nam” (20).

PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương nhìn nhận: “Trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật nói chung, trong đó có lý luận phê bình văn học, nghệ thuật, cần phải có bước chuyển mới để làm sao vừa phản ánh thực tiễn, nhận ra mặt tốt để phát huy, mặt hạn chế để khắc phục, đồng thời có định hướng. Vai trò định hướng của văn học, nghệ thuật phải rất rõ, ngay cả việc khen, chê cũng phải mạnh mẽ hơn, trực diện hơn và chịu sự thẩm định của giới học thuật cao hơn để khen thỏa đáng mà chê cũng có tinh thần xây dựng” (21).

Để VHNT phát huy đúng với chức năng, vai trò định hướng những giá trị nhân văn trong xã hội, thiết nghĩ rất cần một số giải pháp như: sự quan tâm đầu tư đúng mức của Đảng và Nhà nước; phát huy vai trò sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ có nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc về đời sống xã hội, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đổi mới chính sách đãi ngộ, sử dụng đối với đội ngũ văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa. Tôn vinh tài năng và cống hiến của họ cho sự phát triển văn hóa nước nhà. Bên cạnh việc tập trung nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở, cần phải chú trọng xây dựng và phát triển văn hóa đỉnh cao, phấn đấu có nhiều tài năng lớn ở các loại hình văn hóa, nghệ thuật, có những tác phẩm tầm cỡ, phản ánh được sâu sắc hiện thực đổi mới vĩ đại của đất nước, có ý nghĩa tích cực trong việc xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam hiện nay” (22). Đó là các định hướng, giải pháp mang tính chiến lược để VHNT nước nhà phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

PGS, TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh: “…phải đầu tư đủ mạnh để khuyến khích, cổ vũ phát hiện tài năng, tạo môi trường, không gian nghệ thuật để thúc đẩy nhiều sáng tạo mới; thường xuyên bồi dưỡng kịp thời những kiến thức lý luận cho các tài năng văn học, nghệ thuật theo quy định Hiến pháp, trong đó, cần đưa ra nhiều cơ chế hơn nữa cùng các định mức đầu tư tương xứng với các tác giả và tác phẩm có giá trị nghệ thuật và tư tưởng cao” (23).

Nhà nước cần tiếp tục có sự điều chỉnh chính sách ưu tiên đối với người làm nghệ thuật mang tính đặc thù để bảo đảm họ được hưởng chế độ tiền lương ở mức khá so với mặt bằng chung của xã hội. Chỉ khi nghệ sĩ có thể sống bằng nghề thì họ mới có thể yên tâm cống hiến hết mình cho nghệ thuật, xã hội.

Bên cạnh đó, cần có các chính sách, chủ trương mở rộng các hoạt động phát triển nghệ thuật, như gắn với phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế thông qua các loại hình nghệ thuật truyền thống. Đồng thời, chuyển thể từ tác phẩm văn học sang các tác phẩm sân khấu, điện ảnh…; nâng tầm trên nền tảng khoa học công nghệ hiện đại; chú trọng các yếu tố dân tộc và thời đại.

Đặc biệt, phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ văn nghệ sĩ đòi hỏi phải tự đổi mới bản thân; vừa có bản lĩnh chính trị, vừa có nền tảng văn hóa, tầm nhìn, cách nghĩ và phương thức thể hiện mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn, phát triển của đất nước, từ đó sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật có giá trị.

5. Kết luận

Đất nước ta đang trong giai đoạn đổi mới và phát triển, hội nhập sâu rộng quốc tế. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay vừa là cơ hội, vừa là thách thức, đòi hỏi VHNT có những bước đi bền vững, khơi dậy nguồn lực nội sinh và động lực để phát triển đất nước trong bối cảnh mới.

Hy vọng, trong thời gian tới, với sự tiếp tục quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự động viên khích lệ, cổ vũ nhân dân, đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà sẽ không ngừng hoàn thiện, bám sát hơi thở cuộc sống, đồng hành cùng dân tộc, sáng tạo những tác phẩm có giá trị, phụng sự đất nước và nhân dân.

(tiếp theo số 557 và hết)

______________

14. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.647.

15, 16. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà cần tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu của sự nghiệp chấn hưng văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ mới, nhandan.vn, 25-7-2023.

17. Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, tulieuvankien.dangcongsan.vn, 16-6-2008.

18. Hoàng Hoàng, Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X, qdnd.vn, 19-12-2022.

19. Tập trung thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về phát triển văn hóa, vanhoanghethuat.vn, 24-11-2021.

20, 21, 23. Tác giả phỏng vấn, tháng 7, 8-2023.

22. Ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhandan.vn, 24-11-2021.

Tài liệu tham khảo

1. Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, hungyen.dcs.vn, 31-3-2023.

TS UÔNG THỊ MAI HƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 560, tháng 2-2024

;