Khu vực quận Tân Bình tại TP.HCM không chỉ là nơi tập trung đa dạng các ngôi chùa có lịch sử lâu đời, mà còn là nơi có nhiều công trình di sản văn hóa có giá trị nghệ thuật tiềm ẩn. Việc nghiên cứu và hiểu rõ giá trị nghệ thuật của hoa văn trang trí truyền thống trên các bộ mái chùa trong khu vực góp phần thấu hiểu sâu hơn về tinh thần tôn giáo và văn hóa cộng đồng; đồng thời, góp phần bảo tồn và phát huy di sản nghệ thuật độc đáo này. Bài viết nghiên cứu, đề cập đến ý nghĩa văn hóa và nghệ thuật truyền thống của một số công trình di sản văn hóa Đông Nam Bộ ở nước ta và bàn về thách thức, cơ hội trong việc bảo tồn giá trị nghệ thuật truyền thống trong kiến trúc chùa; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì, phát triển di sản nghệ thuật trang trí trong việc tạo nên không gian tôn giáo độc đáo và thúc đẩy sự kết nối xã hội và văn hóa trong cộng đồng.
1. Hoa văn trang trí truyền thống và tôn giáo
Hoa văn trên mái chùa thường gồm nhiều loại hoa văn khác nhau, mỗi loại có ý nghĩa và hình dáng riêng biệt. Dưới đây là một số loại hoa văn phổ biến trên mái chùa và mô tả chi tiết về từng loại (xem hình minh họa trang 93).
Những loại hoa văn này thường được sử dụng để trang trí mái chùa, mang ý nghĩa văn hóa tâm linh và nghệ thuật đặc biệt trong không gian tôn giáo.
2. Đặc điểm về văn hóa và lịch sử của chùa khu vực quận Tân Bình
Khu vực quận Tân Bình tại TP.HCM là nơi có một số đặc điểm về văn hóa và lịch sử quan trọng.
Lịch sử phát triển
Quận Tân Bình có lịch sử phát triển lâu đời, từ khi là một vùng nông thôn, ngoại ô Sài Gòn (ngày nay là TP.HCM). Đây là điểm đến của nhiều người di cư từ các vùng khác trong và ngoài nước, tạo nên sự đa dạng văn hóa đặc trưng. Với sự pha trộn văn hóa này, Tân Bình có nhiều di tích, ngôi chùa, nhà thờ và chợ truyền thống. Đặc biệt, còn giữ lại nhiều di sản văn hóa và lịch sử quan trọng, điều này bao gồm các ngôi chùa cổ, nhà cổ và các di tích. Những đặc điểm về văn hóa và lịch sử này tạo nên cho quận Tân Bình trở thành một phần quan trọng của di sản văn hóa của TP.HCM - Việt Nam.
Vị trí và vai trò của chùa trong cộng đồng tâm linh và văn hóa địa phương
Chùa thường được xây dựng là nơi tôn kính và thờ cúng đối với Phật và các thần thánh; nơi để những tín đồ tập trung cầu nguyện, thiền định, tìm kiếm niềm tin và sự an lành; cũng là nơi tổ chức các buổi giảng dạy của những người tu sĩ và giảng viên tâm linh, thường chia sẻ kiến thức về tôn giáo và triết học Phật giáo. Các hình thức nghệ thuật trang trí trong chùa thông qua các thể loại như tranh, tượng Phật và các mô típ hoa văn trang trí để tạo nên một không gian thiêng, yên bình. Những ngôi chùa cổ và kiến trúc truyền thống đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn di sản văn hóa và kiến trúc. Những giá trị tôn giáo như lòng từ bi và tôn trọng đời sống thường được khuyến khích. Những giá trị về nghệ thuật truyền thống được lưu giữ trong các hình hoa văn, điêu khắc, tranh và các kiểu thức kiến trúc của chùa. Có thể thấy, chùa không chỉ là nơi thực hiện nghi lễ tôn giáo mà còn có vai trò quan trọng trong việc duy trì và thúc đẩy các giá trị tâm linh và văn hóa trong cộng đồng địa phương ở đó.
3. Giá trị nghệ thuật của hoa văn trang trí trên các bộ mái chùa
Thành phần và họa tiết trang trí phổ biến
Kiến trúc chùa gồm các thành phần như hệ thống nghệ thuật kết cấu và họa tiết trang trí phổ biến trên mái để thể hiện giá trị tôn giáo và văn hóa đặc biệt. Dưới đây là một số thành phần và họa tiết trang trí phổ biến trên mái của kiến trúc chùa (xem hình minh họa trang 95). Những thành phần này đã tạo nên một không gian tôn giáo độc đáo và tượng trưng cho các giá trị tâm linh và văn hóa.
Nguồn ảnh: tác giả
Sự độc đáo và tinh tế trong thiết kế hoa văn trang trí
Sự độc đáo và tinh tế trong thiết kế hoa văn trang trí trên mái của kiến trúc chùa thường xuất phát từ sự kết hợp giữa sự tôn kính tâm linh và nghệ thuật truyền thống được thể hiện ở một số điểm trên mái của kiến trúc chùa như kỹ thuật trang trí tinh xảo: nghệ nhân truyền thống có kỹ năng đục chạm như chạm lộng, chạm kênh, chạm bong, điêu khắc các hình dạng khối tròn, lắp ghép hoặc nguyên khối, làm gốm, ngọa hình, ke nét trên đá hoặc vôi vữa, xi măng để tạo nên các linh thú, hay tạc tượng các vị thánh… rất tinh tế, sắc nét, hoặc vẽ tranh, làm đồ thủ công tạo ra những chi tiết phức tạp nhưng sinh động và đẹp mắt.
Tính linh hoạt trong sử dụng họa tiết: các họa tiết và biểu tượng trên mái chùa có thể thay đổi tùy theo khu vực, hoặc theo các tầng lớp của mái truyền thống tôn giáo và đặc điểm riêng ở mỗi địa phương. Điều này tạo nên sự đa dạng và sự linh hoạt trong thiết kế.
Tính biểu tượng độc đáo: mỗi họa tiết trên mái chùa thường mang ý nghĩa sâu sắc và tượng trưng. Ví dụ, sen thể hiện sự tinh khiết, rồng tượng trưng cho quyền uy và mặt nguyệt thể hiện sự thanh tịnh.
Tương quan với văn hóa địa phương: hoa văn trên mái chùa thường phản ánh các giá trị văn hóa địa phương và lịch sử. Chúng có thể dựa trên truyền thống nghệ thuật của dân tộc và mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền.
Tạo không gian tâm linh: hoa văn trên mái chùa thường được thiết kế để tạo ra một không gian môi trường tâm linh, nơi các tín đồ có thể tìm kiếm thanh tịnh và yên bình. Sự tinh tế trong thiết kế giúp tạo nên không gian tôn kính và thiêng liêng.
Tạo điểm nhấn kiến trúc: hoa văn trên mái chùa thường là điểm nhấn kiến trúc quan trọng. Chúng làm cho mái chùa trở nên dễ nhận biết và độc đáo trong cảnh quan, là một phần quan trọng của danh lam thắng cảnh địa phương.
Bảo tồn di sản nghệ thuật: sự độc đáo trong hoa văn trên mái chùa cũng giúp bảo tồn, duy trì di sản nghệ thuật và kiến trúc của vùng miền. Những yếu tố này cùng nhau tạo nên sự độc đáo và tinh tế trong thiết kế hoa văn trang trí trên mái của kiến trúc chùa; đồng thời, thể hiện tôn kính tâm linh và nghệ thuật truyền thống.
4. Một số chùa tại khu vực quận Tân Bình
Chùa Viên Giác: tọa lạc số 193 đường Bùi Thị Xuân, phường 1, quận Tân Bình, TP.HCM, ngôi chùa nổi tiếng bởi ngôi tháp bằng gốm sứ cao nhất Việt Nam, với lối kiến trúc và trang trí Á Đông đẹp mắt, chùa được nhiều người dân địa phương đến chiêm bái. Chùa Viên Giác theo Phật giáo Bắc tông do Hòa thượng Thích Hồng Tịnh khai sáng vào năm 1955. Sau nhiều lần kiến tạo quy mô, chùa được đổi tên là Viên Giác, có ý nghĩa là sự giác ngộ tròn đầy.
Nguồn ảnh: tác giả
Kiến trúc chùa Viên Giác có diện tích tuy không lớn, nhưng lại tinh tế, nhẹ nhàng, uyển chuyển với kiến trúc kiểu Á Đông. Cấu trúc với hệ thống kèo cột, rui, mè đỡ mái, tường bao lượn sóng, mái ngói gốm cong nhẹ nhàng, nhấn mạnh trục hoành, gam màu vàng, xanh và nâu trầm, đỏ gạch làm chủ đạo… ngôi chùa được xây dựng theo bố cục hình chữ Sơn, gian chính điện ở giữa và hai gian nhà phụ hai bên. Mái chính lớn, cong nhẹ, mái đao dài ở đầu có điểm nhấn đầu rồng vừa tạo thành những đường lượn mềm mại nhẹ nhàng thanh thoát mang dáng dấp kiến trúc chùa truyền thống. Trong khuôn viên chùa là một ngôi tháp bằng gốm được trang trí dày những mảng trang trí nhỏ và được gọi là tháp gốm Đẳng Quang, xây dựng năm 1996 và hoàn thành sau ba năm. Tháp cao 22m, Trung tâm sách kỷ lục công nhận là chùa có tháp gốm cao nhất Việt Nam. Tháp gốm gồm ba tầng với bảy mái được lợp ngói lưu ly. Phần mái có họa tiết hình cá chép hóa rồng tinh xảo, sinh động. Đặc biệt, tháp được sử dụng hoàn toàn gốm sứ Việt Nam do các cơ sở gốm sứ Minh Long và Bát Tràng sản xuất.
Chùa Khuông Việt: ngôi chùa có bộ mái theo kiểu hình rồng chầu mặt trời (lưỡng long chầu nhật) phổ biến ở bờ nóc của các công trình truyền thống. Chùa xây dựng năm 1956 do hòa thượng Thích Quang Huy theo trường phái Bắc Tông. Chùa rất đặc biệt và dễ nhận thấy các kiểu thức kiến trúc và nghệ thuật trang trí này cũng như trong các cung điện thời xưa; ngày nay đã thấy xuất hiện trong các điện thờ, miếu thờ, chùa chiền. Chi tiết trang trí bên trong chùa là một phức hợp đối xứng, như hai con rồng có hình dáng dũng mãnh ở hai bên và hình ảnh mặt trời đỏ rực ở giữa với các tia lửa rực cháy hướng lên trên. Các họa tiết trên mái đao được cách điệu tối giản với hoa văn đại đồng, tạo được đường nét cong, có nhịp điệu. Tông màu vàng kết hợp với màu nâu đỏ trầm của mái ngói âm dương là những tông màu truyền thống chùa Việt.
Chùa Báo Ân: tọa lạc tại số 53 đường Lê Bình, phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM, được xây dựng năm 1970; đã được trùng tu nhiều lần. Hiện nay, Viện chủ là Hòa Thượng Thích Minh Trí. Chùa được sử dụng lối nghệ thuật trang trí truyền thống, như ở hệ thống mái chùa dùng hoa văn hổ phù với bánh xe luân hồi, lửa mặt trời. Các họa tiết biểu tượng hổ phù vẫn được xem là linh vật thiêng và cách sắp xếp trang trí bao giờ cũng được nhìn chính diện. Hổ phù có mắt quỷ tròn, mũi sư tử, miệng nhe răng lớn, tóc xoắn đuôi nheo, sừng nai, tai thú, má bạnh, hàm nở rộng ngậm mặt trăng hay chữ thọ, chữ hỷ và cũng có khi phun ra là bông hoa. Hổ phù có hai chân bành ra hai bên bám chặt vào những đám mây hoặc một kết cấu nào đó. Ý nghĩa chung của hổ phù thường là để biểu hiện sức mạnh, uy quyền. Tuy nhiên, tông màu của chùa là màu xanh xám với các hoa văn nhũ đồng, cũng tạo nên vẻ đẹp riêng của chùa Báo Ân.
Bên cạnh đó, còn có một số ngôi chùa khác cũng đã được trùng tu lại, có những ngôi chùa một tầng mái nhưng cũng có những ngôi chùa được xây dựng hệ thống mái cao ba tầng kiểu cách. Tuy vậy, các ngôi chùa vẫn mang dáng dấp cổ kính truyền thống của dân tộc, vừa mang sắc thái thiền của Phật giáo. Ngày nay, khuôn viên các chùa không lớn nhưng khang trang, phát triển song song với đời sống tinh thần và vật chất của người dân địa phương, đặc biệt, thể hiện những nét đẹp tinh tế, cầu kỳ hoặc không cầu kỳ lắm nhưng các đường nét hoa văn sắc sảo được kế thừa từ kinh nghiệm của các nghệ nhân xưa. Bởi vậy, công tác bảo tồn và phát huy những giá trị nghệ thuật hoa văn trang trí truyền thống trong kiến trúc chùa tại quận Tân Bình, TP.HCM đang là một thách thức lớn đối với những người làm công tác quản lý văn hóa và di sản ở tỉnh và địa phương.
5. Thách thức và cơ hội
Về thách thức
Sự thất truyền: Trong một số trường hợp, kỹ thuật và nghệ thuật truyền thống có thể đã bị mất dần theo thời gian. Những người thợ thủ công có kiến thức và kỹ năng truyền thống có thể đã giảm đi và việc tái tạo các họa tiết hoặc kỹ thuật phức tạp trở nên khó khăn.
Môi trường và tổn hại: Kiến trúc chùa thường đối mặt với sự phai mờ và tổn hại do thời gian, thời tiết và sự xâm nhập của môi trường. Điều này có thể ảnh hưởng đến các hoa văn trang trí và làm mất đi một phần quan trọng của giá trị nghệ thuật truyền thống.
Thay đổi về văn hóa trong xã hội hiện đại: Sự thay đổi trong lối sống và giá trị văn hóa có thể dẫn đến không còn quan tâm và tôn trọng đối với nghệ thuật truyền thống. Người trẻ có thể thờ ơ với việc bảo tồn và duy trì các giá trị nghệ thuật này.
Về cơ hội
Công nghệ và khoa học: Công nghệ và khoa học ngày càng cung cấp các công cụ và phương pháp hiện đại để bảo tồn và phục hồi nghệ thuật truyền thống. Kỹ thuật số, 3D scanning, và các phương pháp phục hồi hiện đại có thể giúp bảo tồn các tác phẩm nghệ thuật.
Giáo dục và nghiên cứu: Các chương trình giáo dục và nghiên cứu về nghệ thuật truyền thống có thể giúp tạo ra những chuyên gia, nghệ nhân trẻ có kiến thức, kỹ năng để duy trì và phục hồi giá trị nghệ thuật.
Tăng cường nhận thức văn hóa: Tăng cường nhận thức về giá trị văn hóa và tâm linh của nghệ thuật truyền thống trong cộng đồng có thể tạo sự quan tâm và ủng hộ cho bảo tồn.
Hợp tác quốc tế: Hợp tác quốc tế trong việc bảo tồn và phục hồi nghệ thuật truyền thống có thể mang lại nguồn tài trợ và kiến thức từ các chuyên gia trên khắp thế giới.
Như vậy, việc bảo tồn giá trị nghệ thuật của hoa văn truyền thống trong kiến trúc chùa đòi hỏi sự kết hợp của nhiều nguồn lực và nỗ lực từ cộng đồng địa phương, nhà nghiên cứu và các tổ chức quốc tế. Cơ hội và thách thức này cùng đặt ra mục tiêu quan trọng là duy trì và thúc đẩy di sản nghệ thuật và văn hóa của tôn giáo.
Kết luận
Có thể nói, tầm quan trọng của việc duy trì và phát triển di sản nghệ thuật cho tương lai trong kiến trúc chùa nói chung và chùa khu vực quận Tân Bình nói riêng là rất cấp thiết. Kiến trúc chùa thường mang theo lịch sử và truyền thống của nền văn hóa, nên các tác phẩm nghệ thuật trong kiến trúc chùa đã tạo sự kết nối giữa thế hệ hiện tại và quá khứ, giúp con cháu hiểu và trân trọng lịch sử của họ. Đồng thời, cung cấp cơ sở dữ liệu tạo cơ hội cho nghiên cứu và giáo dục về nghệ thuật, kiến trúc và tôn giáo giúp đào tạo những chuyên gia có kiến thức về di sản văn hóa. Chùa thường là trung tâm của cộng đồng tâm linh và văn hóa, ở đó, nghệ thuật trong kiến trúc chùa là một phần quan trọng của không gian này, giúp tạo sự kết nối trong cộng đồng. Trong nhiều trường hợp còn thúc đẩy du lịch tâm linh, đóng góp vào nền kinh tế địa phương và quốc gia.
________________
Tài liệu tham khảo
1. Jeannine Auboyer, (Huỳnh Ngọc Trảng, Phạm Thiếu Hương dịch), Mỹ thuật châu Á quy pháp tạo hình, phong cách, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 1995.
2. Trần Lâm Biền, Trang trí mỹ thuật truyền thống của người Việt, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2000.
3. Đinh Hồng Hải, Những biểu tượng đặc trưng trong văn hoá truyền thống Việt Nam, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2012.
Ths PHAN TRÍ THÀNH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 557, tháng 1-2024