Nền nghệ thuật Champa đã để lại một khối lượng di tích và di vật rất lớn về kiến trúc, điêu khắc đá, các loại đồ đồng, đồ gốm, đồ thờ cúng bằng vàng và bạc. Các loại hiện vật này phản ánh những nét sinh hoạt trong xã hội Champa xưa, từ đời thường đến tôn giáo và cung đình, chúng có giá trị về nhiều mặt, đặc biệt hơn cả là nghệ thuật chế tác trang sức của cư dân Champa. Trong nghệ thuật trang sức Champa, sự tồn tại và phát triển của nó gắn liền với bối cảnh lịch sử, tạo nên những đặc trưng, ý nghĩa độc đáo về cách tạo hình, về đề tài, hoa văn, kiểu dáng. Sự phát triển trong nghệ thuật trang sức Champa là tiền đề định hình cho sự phát triển trang sức Việt Nam.
Trang sức bông tai tạo hình chim của Champa - Nguồn: tác giả
1. Lịch sử và bối cảnh Champa
Nền nghệ thuật trang sức Champa trong quá trình phát triển, việc tiếp thu nền văn hóa và những yếu tố ngoại sinh để làm phong phú thêm cho nền nghệ thuật bản địa là điều tất yếu có thể thấy thông qua nghệ thuật tạo tác trang sức của hai dân tộc Việt - Chăm. Người Champa sống trên đất Đại Việt giao lưu văn hóa nghệ thuật, là thành phần tham gia lao động trên đất Đại Việt nên sự giao thoa văn hóa qua lại lẫn nhau là điều hiển nhiên. Sự giao lưu này đã góp phần đưa nghệ thuật tạo hình Champa hiện diện trong các tác phẩm nghệ thuật Việt. Những mô típ trang trí hiện diện trên kiến trúc, điêu khắc phù điêu, những tượng trang trí ở góc kiến trúc, mái ngói, bờ nóc, các hoa văn in chìm, in nổi mang dấu ấn dân tộc Champa được tìm thấy rất nhiều ở các di tích kiến trúc chùa Việt Nam như: bệ cột bằng đá ở chùa Phật Tích cũng được khắc những cánh hoa sen đan xen thành từng lớp như đã thấy ở các di tích Chăm. Ở Tháp Mắm, hình tượng trang trí và tạo hình con vật và hoa văn vảy cá có thể thấy hiện diện ở thời Lý, những mảnh trang trí có hình các nhạc công giống với tượng vũ nữ Apsara được chạm khắc trên bệ thờ di tích Trà Kiệu. Ngoài ra đối với nghệ thuật trang trí trang sức Champa, các hình tượng hoa mai, hoa sen, hoa cúc, dây leo, hoa văn hình học là những mô típ quen thuộc của Champa và được sử dụng trong nghệ thuật trang trí trang sức vào TK XVIII - TK XX.
2. Trang sức Champa định hình cho sự phát triển trang sức Việt Nam
Sau nhiều thế kỷ giao thoa với Champa, đây cũng là nguồn cảm hứng, là chất liệu để Đại Việt sáng tạo rồi khẳng định nền văn hóa của riêng mình sau 1000 năm Bắc thuộc. Mặc dù dấu ấn văn hóa nghệ thuật Champa xuất hiện không nổi trội, rõ nét và dễ nhận diện như văn hóa Trung Hoa, nhưng những gì văn hóa Champa để lại cũng đặt được một khuôn diện nhất định trong lòng Đại Việt. Trên bình diện chung của toàn Đại Việt, yếu tố tâm linh Champa đã có cơ hội len lỏi vào hầu hết các vùng, miền, nơi có người Việt cư trú, từ triều đình quan phương (trung tâm Thăng Long) đến dân chúng phi quan phương (ngoại vi Thăng Long), từ những dấu ấn vật chất đến những dấu ấn phi vật chất. Mặt khác, Champa đồng thời tiếp thu những yếu tố văn hóa nghệ thuật khác như: văn hóa nghệ thuật Đại Việt thời Lý - Trần, Khmer và Java. Vì thế, tạo hình trang sức của hai dân tộc Việt - Chăm có sự giao thoa và ảnh hưởng qua lại lẫn nhau.
Dân tộc Champa là một dân tộc sinh sống lâu đời trên dải đất miền Trung Việt Nam. Trong lịch sử phát triển, họ đã đạt được một trình độ cao về tổ chức xã hội, có mối giao lưu rộng rãi, đa chiều với nhiều thành phần cư dân vùng lục địa và hải đảo châu Á. Từ nguồn gốc bản địa, cải biến những yếu tố bên ngoài, người Champa đã sáng tạo nên một nền văn hóa đa dạng và độc đáo. Nghệ thuật tạo hình người Champa để lại di sản kiến trúc đền tháp đồ sộ và những tác phẩm điêu khắc với nhiều họa tiết hoa văn, kho tàng trang sức có giá trị nghệ thuật cao.
Họa tiết hoa văn hình hoa cúc
Họa tiết hoa văn hình hoa cúc được người Chăm thể hiện nhiều trong các kiến trúc đền tháp, trong điêu khắc và trong trang sức Champa. Trên tác phẩm đài thờ Mỹ Sơn E1 (có niên đại TK VII-VIII) hiện đang trưng bày tại Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng với môtíp trang trí đường viền chung quanh phần trên đài thờ là những dải hoa cúc; lá và hoa được cách điệu khá tinh tế, hoa thường thể hiện bốn cánh, chính giữa có nhụy hoa, tuy thời gian và mưa gió đã bào mòn khá nhiều nhưng những nét chạm vẫn còn khá rõ. Hay trên lanh tô của một cửa tháp ở nhóm tháp Mỹ Sơn A1 (TK X), dải hoa cúc lại được chạm khắc một cách sắc sảo hơn, hoa có dạng hình tròn, chung quanh là lá và thân cây được cách điệu một cách mềm mại, mang tính đối xứng, ở chính giữa hoa có nhụy và nhiều cánh hoa lại xếp lại với nhau, giống như hoa đang ở độ búp mới xòe nở.
Họa tiết này còn thể hiện trên hiện vật là đồ trang sức hay trên điêu khắc tượng tròn, phù điêu Champa điển hình như trên tượng Ganesha đứng, tạo hình Ganesha với trang sức vòng cổ và thắt lưng là họa tiết hoa cúc, những hoa cúc đan xen vào nhau tạo thành một nhịp chạy liên tục, với cách tạo hình độc đáo trên toàn bộ hình hoa cúc là điểm nhấn cho tổng thể trang trí trên tượng.
Bên cạnh họa tiết được thể hiện qua kiến trúc, điêu khắc thì họa tiết hoa cúc được thấy nhiều trên nghệ thuật tạo tác đồ trang sức Champa và cả trong tạo tác trang sức Việt Nam như: họa tiết hoa cúc hiện diện nhiều trên các môtíp trang trí trang sức Champa là hiện vật bông tai bằng hợp kim vàng và đá màu tạo hình hoa. Điều này cho thấy sự ảnh hưởng qua lại lẫn nhau trong tạo tác trang sức Việt Nam như: bông tai bạc nạm đá quý, sưu tập cổ vật cung đình triều Nguyễn, TK XIX-TK XX; trang sức vòng cổ bằng bạc triều Nguyễn, TK XIX-TK XX; trang sức trâm cài đầu hình hoa cúc bằng vàng triều Nguyễn TK XIX-TK XX.
Tất cả các loại trang sức trên có họa tiết chính là hoa cúc, hoa cúc với nhiều cánh xếp tầng thành từng lớp, chính giữa có nhụy, với kỹ thuật đổ khuôn, đắp nổi tổng thể đồ án đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật. Đề tài hoa cúc biểu hiện cho sự tương đồng giữa hai nền nghệ thuật, chỉ có điều khác nhau giữa cách tạo hình hoa cúc Champa và hoa cúc Việt. Nếu như tạo hình hoa cúc trên trang sức Champa là bốn cánh vươn dài, chắc khỏe hay tạo hình cúc cánh nhuyễn xếp chồng nhau thì tạo hình hoa cúc trong trang sức triều Nguyễn các cánh lại mềm mại, mảnh mai, nhẹ nhàng uyển chuyển.
Họa tiết hoa văn hình hoa sen, hoa mai
Họa tiết hoa văn hình hoa sen được thể hiện khá nhiều trong điêu khắc và kiến trúc Chăm, gần như có mặt khắp các phong cách nghệ thuật. Trong tác phẩm Đản sinh thần Brahma ở phòng Mỹ Sơn, thể hiện thần Vishnu cầm một cây sen đang nở, phía trên hoa đã nở xòe với nhiều cánh, thần Brahma ngồi trên các cánh sen, hoa sen được cách điệu. Trên các đài thờ như đài thờ Trà Kiệu (TK X), hoa sen được cách điệu bao quanh phần đế các đài thờ với những cánh hoa rất lớn, được chạm sắc sảo, đường nét các gờ nổi rõ. Trên đài thờ vũ nữ Trà Kiệu, hoa sen lại được cách điệu mạnh mẽ hơn, tạo thành các đường gờ lớn nhỏ, nhìn kỹ mới biết đó chính là búp sen, các vũ nữ đứng tựa lưng vào các cánh sen múa hát uyển chuyển, tạo nên một cảnh quan sinh động, có giá trị cao về nghệ thuật. Hình tượng hoa sen là đề tài muôn thuở của tạo hình nghệ thuật các nước Đông Nam Á trong đó có Champa và Việt Nam như: mũ miện Champa thời kỳ Mỹ Sơn E1, bình bằng vàng có hình dáng như bình vôi trang trí nhiều cánh hoa sen, chiếc bát bằng bạc dùng trong cung đình hoặc đồ thờ cũng trong đền tháp Champa, hộp đựng trầu cau trang trí nổi bằng cánh sen, chất liệu bạc thời Nguyễn TK XIX.
Về hình dáng giữa các hiện vật trên có sự tương đồng về hình dáng, hoa văn họa tiết và kích cỡ. Hoa sen trong tạo hình nghệ thuật là hình tượng tượng trưng cho mùa hạ trong tứ quý: xuân, hạ, thu, đông. Đối với Phật giáo, hoa sen thường được gắn với hình ảnh đức Phật tọa thiền hoặc đứng thuyết pháp trên tòa sen. Hoa sen là một trong những biểu tượng quý của Phật giáo, là sự huyền nhiệm của bước chân Phật Thích Ca.
Trong sáng tác nghệ thuật của Việt Nam, đặc biệt là trong sưu tập trang sức triều Nguyễn, có một số trang sức được tạo dáng theo đề tài hoa, lá sen bằng chất liệu vàng và bạc hay là những cơi trầu, hộp trầu, chân nến đã sử dụng mô típ hình hoa sen làm họa tiết trang trí. Có thể nói, đây là một trong những tuyệt tác của kỹ nghệ kim hoàn triều Nguyễn TK XIX-XX.
Qua các hiện vật trang sức và đồ dùng của người Champa và trang sức đồ dùng triều Nguyễn, tạo tác bằng chất liệu vàng và bạc, đã minh chứng đề tài hoa sen là đề tài quen thuộc, được khai thác theo mạch nghệ thuật truyền thống và có sự tiếp nối giữa hai nền nghệ thuật mang nhiều dấu ấn tương đồng với nhau. Với lối tạo hình quen thuộc và chất liệu quý hiếm, các bảo vật này góp phần chứng minh sự hòa nhập của hai dòng chảy mỹ thuật dân gian truyền thống và mỹ thuật cung đình, giữa mỹ thuật Champa và mỹ thuật Việt Nam.
Bên cạnh hình tượng hoa sen còn tìm thấy hình tượng hoa mai thể hiện nhiều trong trang sức Champa và Việt Nam trên hiện vật là đồ trang sức và đồ trang sức thể hiện qua điêu khắc trên tượng tròn, phù điêu Champa như: trang sức bông tai hình hoa mai bằng bạc của Champa, trang sức trâm cài đầu hình hoa mai bằng vàng triều Nguyễn TK XIX-XX.
Họa tiết hoa văn hình hoa dây
Họa tiết hoa văn hình hoa dây được khắc chạm khá nhiều trên các đền tháp, kể cả trên gạch và trên đá, cũng như trong các tác phẩm điêu khắc lớn nhỏ. Hoa dây thường thể hiện trên các trụ cửa và thể hiện trên các tháp ở Khương Mỹ như hình. Sở dĩ mô típ trang trí này gọi là hoa dây vì hoa, lá và thân hòa quyện vào với nhau rất khó phân biệt, các nét chạm khá sắc sảo, tinh tế tạo thành một dải dài từ trên thân tháp xuống đến chân đế tháp, hoặc từ trên xuống dưới của một trụ cửa. Các hoa, lá, thân (loại dây leo), được cách điệu khá cao, tạo nên những áng hoa văn đạt trình độ cao về nghệ thuật chạm trổ. Họa tiết hoa văn dây leo tuy không phải là hoa văn chính trong mô típ trang trí trên trang sức Champa, hoa dây thường là hoa văn phụ trợ cho các hoa văn chính khác như trong trang sức vương miện bằng bạc mô típ bò Nandi kết hợp với hình hoa dây. Trong tạo hình trang trí hoa văn Việt Nam, đặc biệt trong trang sức triều Nguyễn, họa tiết hoa dây cũng được sử dụng khá nhiều như bộ sưu tập trang sức vòng tay của Vương phi.
Họa tiết hoa văn sóng nước hay ngọn lửa
Họa tiết hoa văn hình sóng nước hay ngọn lửa thường bắt gặp nhiều trong các tác phẩm điêu khắc và kiến trúc thuộc phong cách nghệ thuật Tháp Mắm (TK XII-XIV). Trên các lanh tô của các đền tháp ở Tháp Mắm thường thể hiện các diềm trang trí hình ngọn lửa hay hình sóng nước, xen kẽ với nó là hình các mặt nạ Kala hay mặt con khỉ. Họa tiết sóng nước, ngọn lửa là những họa tiết phụ thường kết hợp với mô típ thần, vật thần điển hình như trang sức lược cài tóc của Champa kết hợp cùng họa tiết con khỉ. Thật ra đây cũng là hình ảnh các hoa và lá được cách điệu hóa, đối với mỗi giai đoạn sẽ mang phong cách khác nhau, mạnh mẽ hay uyển chuyển, phức tạp hay giản đơn.
Bên cạnh cách tạo hình trên trang sức Champa, hoa văn sóng nước mây trời còn được thấy trên bác sơn bằng vàng của Vương phi triều Nguyễn. Bác sơn là một dải trang sức, thường làm bằng quý kim, được chạm trổ công phu, trang trí cầu kỳ, để gắn lên mũ của Vua, Hoàng Hậu, quan lại, quý tộc thời xưa.
Họa tiết hoa văn hình con vật
Họa tiết hoa văn hình động vật thường là đề tài trang trí trên tất cả các công trình nghệ thuật Champa, trong đó có mặt nạ Kala, Makara, Garuda, sư tử… Với các họa tiết, đề tài về vật thần, động vật trang trí đã tạo cho các tác phẩm trong nghệ thuật tạo hình Chăm những nét đẹp hiếm thấy, hay biểu tượng con vật Makara trong tạo hình trang trí trên cả nghệ thuật Ấn Độ, Champa và Việt Nam. Từ những nhận diện của Makara có hình dáng con cá sấu, chi tiết bộ mặt sư tử, các ngón chân và vảy của con rồng, đuôi cá hoặc rắn. Makara xuất hiện với nhiều biến thể của nó ở nhiều chi tiết kết hợp với các con vật sống dưới nước (cá he, cá sấu, rồng), trên cạn (sư tử, bò, rắn, voi), trên không (chim). Tại Việt Nam, biểu tượng Makara được du nhập từ rất lâu đời, cùng với quá trình thích nghi với nền văn hóa bản địa, biểu tượng này đã có một số những biến đổi sao cho phù hợp với đời sống văn hóa tinh thần và tâm linh người Việt. Những thay đổi đó có vai trò quan trọng đối với nền văn hóa Việt Nam, đối với tạo hình Makara trong sáng tác nghệ thuật của người Chăm được biến hóa dưới nhiều hình dạng, có mối liên hệ với hình tượng rồng của các nước phương Đông, trong đó có Việt Nam. Sự tương quan của hai con vật này có mối liên hệ lẫn nhau, đều là nhóm trang sức dành cho hoàng cung đó là: Markara trên trang sức mũ miện Vua Po Klaong Mânai, chụp tóc Hoàng hậu Champa TK XVII, trâm tóc hình phượng của Vương phi triều Nguyễn TK XIX.
Từ những nghệ thuật hoa văn trong hiện vật trang sức Champa và trang sức thể hiện trên tượng tròn, phù điêu cổ Champa hay trên nghệ thuật kiến trúc điêu khắc, tạo hình trang sức Champa đã có sự đóng góp lớn đối với nghệ thuật trang sức Việt Nam. Nền nghệ thuật trang sức Champa định hình cho nền trang sức Việt Nam và đóng góp cho nền nghệ thuật trang sức Việt Nam thêm phong phú, đa dạng và sắc màu.
3. Kết luận
Di sản văn hóa nghệ thuật của Champa là vô cùng giá trị, mỗi công trình kiến trúc, điêu khắc Champa, nghệ thuật tạo hình đồ trang sức ngoài chức năng thẩm mỹ còn thể hiện sinh động ước vọng về cuộc sống tốt đẹp, hướng thiện, góp phần quan trọng làm nên sự đa dạng, phong phú và đặc sắc của nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Vì vậy, việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị nghệ thuật ấy là rất cần thiết. Cần nghiên cứu, ứng dụng cách tạo hình và kỹ thuật của nghệ thuật trang sức Champa vào chế tác trang sức hiện đại bởi trang sức là một phần của trang phục, thời trang là cách truyền bá nhanh và hiệu quả, kết nối các dân tộc với nhau. Đó sẽ là hành động tôn vinh, góp phần bảo tồn và phát huy di sản quý báu, làm nên một Việt Nam hội nhập, phồn vinh và đậm đà bản sắc dân tộc.
Trong quá trình đi tìm, khám phá và hình thành cái đẹp, nền nghệ thuật trang sức Champa cổ đã tiếp nhận quan điểm về vũ trụ và nhân sinh quan trọng tôn giáo Ấn Độ. Chính vì vậy, nền nghệ thuật tạo tác trang sức Champa không chỉ là một bộ phận quan trọng trong nền nghệ thuật của Đại Việt mà còn là những bằng chứng cụ thể sinh động thể hiện quá trình giao lưu văn hóa nhân loại nói chung và mối quan hệ giữa nền nghệ thuật cổ Champa với nền nghệ thuật Ấn Độ nói riêng.
Trang sức Champa mang một sắc thái đặc trưng riêng nên nền nghệ thuật này luôn là đề tài thu hút sự quan tâm của các học giả và nhà nghiên cứu, thế nhưng việc đi tìm lại nguồn gốc và phục dựng lại ít được chú ý hơn cả, chỉ có chăng là việc trao đổi mua bán, trưng bày và việc này chưa thực hiện đúng chức năng để nâng cao giá trị nghệ thuật. Vì vậy ,việc bảo tồn các di sản, hiện vật đặc biệt là đồ trang sức cần phải đặt lên hàng đầu.
Qua các hiện vật là đồ trang sức phần nào thấy được quá trình phát triển của nghệ thuật kim hoàn Champa và những ảnh hưởng của nghệ thuật Champa đối với nghệ thuật trang sức Việt Nam. Sự tồn tại và phát triển của nó gắn liền với bối cảnh lịch sử, tạo nên những đặc trưng ý nghĩa độc đáo về cách tạo hình. Những đặc trưng đó thể hiện đời sống sinh hoạt, tôn giáo, phong tục, tín ngưỡng của người Champa trong lịch sử. Tất cả những tác phẩm nghệ thuật trên, qua bàn tay chế tác và điêu khắc của các nghệ nhân, nghệ sĩ Champa đã tạo nên một loại hình nghệ thuật trang sức mang ý nghĩa phồn thực có một không hai của Đông Nam Á.
Việc tạo tác trang sức Champa ảnh hưởng bởi nghệ thuật Hán và phần lớn là Ấn Độ, tất cả đều thể hiện nội dung các câu chuyện trong thần thoại Ấn Độ giáo, kể lại các vị thần mang tính huyền thoại, nhưng những nghệ sĩ Chăm - những nhà điêu khắc, kiến trúc và chế tác trang sức thiên tài, đã thể hiện một cách xuất sắc trình độ tư duy của mình trên những tác phẩm điêu khắc, kiến trúc và đặc biệt là chế tác trang sức với những họa tiết hoa văn đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình. Từ những tác phẩm điêu khắc và trên điêu khắc mới có thể nhận diện, chia giai đoạn phong cách cho từng thể loại trang sức. Từ đó thấy rằng, kiến trúc, điêu khắc và chế tác trang sức có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Người Champa đã vận dụng những gì có trong tự nhiên, như hình ảnh các loài thảo mộc, các con thú hay các đường gấp khúc, các hình lượn sóng… để đưa vào các hình tượng nghệ thuật, cách điệu thành những họa tiết hoa văn đẹp vừa mềm mại, uyển chuyển, vừa mạnh mẽ, từ đó nâng cao nghệ thuật tạo hình Champa lên đỉnh cao cùng với các nền nghệ thuật tạo hình của các nước trong khu vực. Người Champa đã biết học tập kinh nghiệm cũng như tiếp thu có chọn lọc các nền văn hóa nhưng sự sáng tạo của họ mang nét riêng, không lẫn với bất kỳ nền nghệ thuật nào khác trong khu vực Đông Nam Á. Điều ấy phần nào thể hiện bản lĩnh và trí tuệ của người Chăm khi sáng tác nghệ thuật trong môi trường tiếp thu văn hóa.
Tất cả những điều trên có thể thấy đồ trang sức của các cư dân cổ ở vương quốc Champa xưa, là những hiện vật gốc, độc bản, tiêu biểu cho nghệ thuật tạo tác trang sức của các nghệ nhân Champa, đồng thời minh chứng phần nào cho sự phát triển của kinh tế và văn hóa cổ Champa trong lịch sử văn minh nhân loại, là tiền đề cho sự phát triển nghệ thuật trang sức Việt Nam.
____________________
Tài liệu tham khảo
1. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, Cổ vật Việt Nam, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2012.
2. Lê Xuân Diệm, Vũ Kim Lộc, Cổ vật Champa, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1996.
3. Ngô Văn Doanh, Tượng cổ Champa những phát hiện gần đây, Nxb Văn hóa - Văn nghệ, Hà Nội, 2019.
4. Ngô Văn Doanh, Nghệ thuật Champa - Câu chuyện của những pho tượng cổ, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2014.
5. Ngô Văn Doanh, Nguyễn Thế Thục, Điêu khắc Champa, Nxb Thông tấn xã Việt Nam, 2004.
6. Vũ Kim Lộc, Nghề kim hoàn của Champa, Một thế kỷ khảo cổ học Việt Nam, tập 2, Nxb khoa học xã hội, Hà Nội, 2005, tr.719-730.
7. Phạm Hữu Mỹ, Vương Hải Yến, Sưu tập hiện vật Champa tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, TP.HCM, 1994, tr.24.
8. H.Parmentier, Inventaire descritif des monumente C’ams de L’Annam (Thống kê khảo tả các di tích Champa ở Trung kỳ), Paris, 1908-1918.
9. Georges Maspero, Le Royaume de Champa (Vương quốc Champa), Nxb Van Ouest, Paris, 1928.
10. Georges Maspero, Vương quốc Champa, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2020.
11. Trần Đức Sơn, Bộ trang sức của một Vương Phi thời Chúa Nguyễn, anhsontranduc.wordpress.com, 22-1-2015.
NGUYỄN THỊ TRÂM ANH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 554, tháng 12-2023