Hiện nay, du lịch không chỉ được biết đến là một ngành công nghiệp không khói mang lại giá trị kinh tế cao mà còn là một trong những giải pháp quan trọng để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống của dân tộc. Trong bối cảnh đó, các lễ hội ở địa phương với những nét đặc trưng riêng biệt, vốn có của nó đã và đang trở thành một yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch bền vững. Tuy nhiên, để đánh thức được tiềm năng du lịch từ các lễ hội của địa phương, cần có vào cuộc của các cấp chính quyền, doanh nghiệp, cá nhân và tổ chức trên địa bàn.
Chương trình nghệ thuật “Bảo Lộc - Thành phố hương trà, sắc tơ”
Là trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội phía Nam của tỉnh Lâm Đồng, Bảo Lộc nằm trong vùng Tây Nguyên, nơi có những thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên và các giá trị văn hóa tiêu biểu, thành phố Bảo Lộc được xác định là điểm du lịch phụ trợ của tiểu vùng du lịch phía Đông Nam và là 1 trong 3 cụm du lịch chính của tỉnh Lâm Đồng, trung tâm văn hóa, thương mại dịch vụ, du lịch của khu vực, điểm du lịch trung chuyển có ý nghĩa quan trọng đối với du lịch tỉnh Lâm Đồng, vì vậy tỉnh đã rất quan tâm đến vấn đề phát triển du lịch của địa phương và xem Bảo Lộc là vùng du lịch trọng điểm phía Nam của tỉnh Lâm Đồng.
Bảo Lộc có lợi thế về khí hậu quanh năm mát mẻ, tài nguyên thiên nhiên và nhân văn đa dạng, cảnh quan phong phú với các thác, hồ, suối đẹp như thác ĐamB’ri, thác bảy tầng, Hồ Nam Phương, suối Đá bàn, đèo Bảo Lộc, núi Sa Pung… Bảo Lộc cũng là vùng sản xuất cây công nghiệp truyền thống và chế biến trà, cà phê, trồng dâu nuôi tằm sẽ tạo điều kiện cho phát triển các điểm tham quan du lịch ngành nghề… Nơi đây, là vùng đất xưa của người Mạ gắn liền với huyền thoại B’Lao, nơi sinh sống của 26 dân tộc thiểu số anh em, tạo nên sự đa dạng về bản sắc văn hóa. Bảo Lộc còn gắn với Trịnh Công Sơn, một trong những nhạc sĩ có ảnh hưởng sâu rộng của Việt Nam. Người nghệ sĩ tài hoa này đã từng dạy học tại Bảo Lộc trước khi lên Đà Lạt, sáng tác rất nhiều bản tình ca. Bảo Lộc từ lâu đã được biết đến là vùng sản xuất và chế biến các sản phẩm cây công nghiệp truyền thống như trà, cà phê, trồng dâu nuôi tằm… Thương hiệu “Trà B’Lao” và “Tơ lụa Bảo Lộc” đã khẳng định được tên tuổi và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường cả trong lẫn ngoài nước. Điều này tạo điều kiện để phát triển các điểm tham quan du lịch nông nghiệp, du lịch ngành, nghề, du lịch lễ hội. Vì thế, Bảo Lộc luôn xác định lợi thế phát triển các loại hình du lịch đặc thù như: Du lịch sinh thái, tham quan, nghỉ dưỡng, văn hóa, thể thao, dã ngoại, du lịch lễ hội…
Ca sĩ Tùng Dương biểu diễn trong chương trình nghệ thuật “Bảo Lộc - Thành phố hương trà, sắc tơ” vào cuối năm 2024
Để tạo đà cho sự phát triển của ngành Du lịch địa phương, những năm qua, thành phố Bảo Lộc đã tranh thủ sự hỗ trợ và các nguồn lực của trung ương, của tỉnh, cũng như các nguồn lực của địa phương để tập trung hoàn thiện hạ tầng giao thông của thành phố phục vụ yêu cầu liên kết phát triển du lịch với các vùng và địa phương trong khu vực. Hệ thống giao thông vào các khu, điểm du lịch được đầu tư, nâng cấp; tích cực triển khai, thu hút đầu tư vào một số dự án phát triển du lịch trên địa bàn. Cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân, du lịch thành phố Bảo Lộc đã có sự phát triển mạnh mẽ. Đến nay, trên địa bàn thành phố có gần 200 cơ sở lưu trú du lịch, trong có 2 khách sạn 4 sao, 1 khách sạn 3 sao, 7 khách sạn 2 sao, 7 khách sạn 1 sao, 2 biệt thự du lịch, 18 khách sạn đạt tiêu chuẩn; lượng khách đăng ký lưu trú trên địa bàn trong các năm qua đều tăng; môi trường du lịch văn minh, an ninh, an toàn, xanh, sạch đẹp được đảm bảo, tạo hình ảnh đẹp đối với du khách mỗi lần Bảo Lộc nói riêng, Lâm Đồng nói chung.
Những năm trước, để phát huy hiệu quả thương hiệu Trà B’Lao và Tơ lụa Bảo Lộc, tại địa phương đã diễn ra các lần tổ chức Lễ hội văn hóa trà hay Tuần văn hóa trà sau này. Năm 2006 là năm đầu tiên tỉnh Lâm Đồng tổ chức Lễ hội văn hóa trà lần thứ nhất tại thành phố Đà Lạt và dự kiến cứ hai năm tổ chức một lần. Đến năm 2008, Lễ hội văn hóa trà lần thứ 2 của tỉnh được tổ chức tại thành phố Bảo Lộc. Từ năm 2012, đổi tên Lễ hội văn hóa trà Lâm Đồng thành Tuần văn hóa trà Lâm Đồng, đến năm 2017 đưa tơ lụa Bảo Lộc vào lễ hội, trở thành Tuần văn hóa Trà và Tơ lụa Lâm Đồng trong khuôn khổ Festival Hoa Đà Lạt. Bắt đầu từ năm 2022 đến nay, Tuần văn hóa Trà và Tơ lụa không được tổ chức riêng mà lồng ghép với Festival Hoa Đà Lạt, là một trong các hoạt động hưởng ứng Festival Hoa Đà Lạt được tổ chức hai năm một lần.
Qua các lần tổ chức, dù tên gọi lễ hội có sự thay đổi song đã góp phần tăng cường quảng bá du lịch, giới thiệu về vùng đất, con người thành phố Bảo Lộc, tiếp tục khẳng định về các hoạt động nghành nghề của địa phương, vùng Trà B’Lao và Tơ lụa Bảo Lộc đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Trong những ngày diễn ra các hoạt động của lễ hội, du khách bốn phương được hòa mình vào đêm hội Tơ - Trà nơi phố núi B’Lao; tham quan quy trình sản xuất tại các nhà máy ươm tơ, dệt lụa trên địa bàn; xem trình diễn thời trang với những bộ trang phục tơ lụa do người Bảo Lộc sản xuất. Đây là dịp tôn vinh các giá trị văn hóa của nghề tơ tằm Việt Nam nói chung và Bảo Lộc - Lâm Đồng nói riêng, dịp để các nhà đầu tư, các làng nghề trong nước đến giao lưu, trao đổi, hợp tác để phát triển ngành trà và tơ lụa. Đó cũng là dịp góp phần quảng bá hình ảnh trà B’Lao, tơ lụa Bảo Lộc ra với bạn bè trong nước và quốc tế, cơ hội để sản phẩm lụa tơ tằm Bảo Lộc, trà B’Lao vươn xa hơn nữa ra thị trường khu vực và thế giới. Từng bước xây dựng, phát triển thương hiệu trà B’Lao, tơ tằm Bảo Lộc thành một điểm đến cho du khách trong, ngoài nước mỗi khi đến với Lâm Đồng, đến với thành phố Bảo Lộc.
Thác ĐamB’ri cách trung tâm thành phố Bảo Lộc khoảng 18km
Để phát huy hơn nữa vai trò của ngành Du lịch trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Bảo Lộc, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của thành phố, xứng đáng là trung tâm du lịch phía Nam của tỉnh Lâm Đồng, cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền, doanh nghiệp, cá nhân và các tổ chức trên địa bàn, của những con người làm trà, tơ lụa trên vùng đất này. Lễ hội văn hóa hay Tuần văn hóa trà và tơ lụa Bảo Lộc phải tiếp tục khẳng định được vị trí riêng vốn có của nó nhằm thu hút khách nội địa đến với Bảo Lộc - Lâm Đồng; tổ chức tốt các hoạt động văn hóa trên địa bàn trong đó có Ngày hội Văn hóa - Thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Ngày di sản văn hóa Việt Nam…; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến và thu hút đầu tư phát triển du lịch; tích cực phối hợp với các sở ngành của tỉnh để kịp thời tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm du lịch thế mạnh của địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đi đôi với phát triển, nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn theo hướng nghỉ dưỡng chất lượng cao, cần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, hình thành các tour cho du khách tham quan vườn trà chất lượng cao, tham quan các dây chuyền sản xuất trà, cà phê, nghề trồng dâu nuôi tằm dệt lụa, quy trình công nghệ dệt lụa tơ tằm gắn với các chương trình du lịch dã ngoại. Tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi thu hút, xúc tiến đầu tư vào các dự án du lịch trên địa bàn, tiến hành rà soát quy hoạch phát triển du lịch để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế của địa phương; đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ tốt các hoạt động du lịch…
Hy vọng những định hướng đúng đắn và triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phát triển toàn diện ngành Du lịch trên địa bàn thành phố Bảo Lộc, cùng với thương hiệu Hoa lan Bảo Lộc, trà B’Lao, tơ lụa Bảo Lộc và việc phát huy hiệu quả các hoạt động lễ hội liên quan đến văn hóa trà, tơ lụa và hoa lan, sẽ trở thành là một trong những sự kiện, một sản phẩm du lịch, điểm du lịch hấp dẫn cho du khách mỗi khi đến với Bảo Lộc, Lâm Đồng, với tên gọi quen thuộc “Bảo Lộc - Thành phố hương trà, sắc tơ”.
Bài và ảnh: NGUYỄN ĐÌNH HOÀN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 600, tháng 3-2025