Đền tháp Po Klaong Girai là một trong nhóm kiến trúc đền tháp có vai trò quan trọng như điểm mốc đánh dấu lịch sử phát triển phong cách nghệ thuật cuối cùng của hệ thống đền tháp Champa. Nghệ thuật điêu khắc trang trí của đền tháp Po Klaong Girai phong cách muộn chứa đựng những biểu hiện riêng qua các yếu tố nghệ thuật tạo hình trang trí được xem xét trên nền tảng của một quá trình phát triển, chắt lọc, tiếp biến văn hóa dưới sự tác động của cả không gian và thời gian. Trong đó, yếu tố tạo hình có sự phát triển, biến đổi rõ nét nhất chính là nhóm các phiến đá điểm góc trang trí hình Makara ở trên đền tháp. Tạo hình điêu khắc trang trí này nổi bật trên kiến trúc đền tháp Po Klaong Girai với tư tưởng tín ngưỡng của văn hóa Ấn hòa cùng với hệ tư tưởng bản địa để tạo nên kiểu thức trang trí mang đậm sự kế thừa truyền thống của cư dân Chăm xưa.
Phiến điểm góc là loại hình điêu khắc trang trí có mặt nhiều trong các công trình kiến trúc đền tháp Champa, “giữ một vị trí quan trọng và có mối quan hệ chặt chẽ với kiến trúc, điêu khắc không chỉ mang lại giá trị mỹ thuật cao cho kiến trúc đền tháp, mà còn làm rõ công năng sử dụng của các công trình đó” (1). Đây là sự gắn kết hữu cơ giữa điêu khắc và kiến trúc, giữa giá trị thẩm mỹ với giá trị tinh thần mà theo nhà nghiên cứu PhilippeStern đã trình bày trong cuốn L’Art du Champa - Ancien Annam (Nghệ thuật Champa - An Nam xưa) thì “các hình điểm góc đặt ở các góc của các ngôi đền tháp là một trong những trang trí độc đáo nhất của nghệ thuật Chăm” (2). Đền tháp Po Klaong Girai, mặc dù hệ thống trang trí không nhiều, nhưng với những môtíp tạo hình đặc trưng như hình bò bán thân, thiên tiên nữ, tai lửa/ Makara vẫn đem lại một hiệu ứng thị giác cao và khác biệt khi các phiến điểm góc này trở thành một bộ phận trang trí mang đến sự hòa hợp về tổng thể nghệ thuật, tôn thêm vẻ đẹp uy nghi cho công trình kiến trúc.
Quần thể kiến trúc đền tháp Po Klaong Girai thuộc tiểu vùng Panduranga xưa (hiện nay là tỉnh Ninh Thuận) vốn là vùng đất cực Nam của vương quốc Champa, chỉ còn lại ba đền tháp: đền thờ Chính (Kalan), tháp Cổng (Gopura), tháp Lửa (Kosagrha). Các tài liệu của H.Parmentier tiến hành khảo sát năm 1909-1918 cho rằng, quần thể kiến trúc tại tháp Po Klaong Girai bao gồm 6 công trình kiến trúc lớn, nhỏ khác nhau nhưng đã bị hủy hoại, chỉ còn lại ba tháp gạch nguyên vẹn đến nay. Nhóm phiến đá điểm góc tai lửa/ Makara xuất hiện nhiều ở cả 3 đền tháp và chiếm số lượng nhiều nhất trong tổng số các loại hình trang trí có ở quần thể đền tháp Po Klaong Girai.
Phiến điểm góc trang trí Makara đã tồn tại qua nhiều phong cách nghệ thuật Champa ngay từ phong cách cổ đầu tiên. Điểm chú ý có thể nhận thấy rõ ở các đền tháp còn lại, ngày nay là phiến điểm góc này luôn có hai hình thức biểu hiện đi sóng đôi với nhau, có kiểu dáng tạo hình tương đồng, trong đó một kiểu được thể hiện trên chất liệu đá với các chi tiết đầy đủ, rõ nét; kiểu còn lại được thể hiện trên chất liệu gạch với tạo hình đơn giản hơn. Từ nguồn tư liệu hình ảnh bên dưới của H.Parmentier, có thể thấy được quá trình biến đổi của tạo hình này, dù thay đổi khá nhiều nhưng vẫn còn lưu lại một số dấu vết nhận diện kế thừa từ tạo hình Makara ở các đền tháp phong cách trước đó.
Bảng hình thức biểu hiện của tạo hình Makara qua một số phong cách nghệ thuật - Nguồn: H.Parmentier, 1918
1. Quá trình phát triển của phiến điểm góc được tạo hình Makara
Tạo hình Makara rất phổ biến trong nghệ thuật điêu khắc Champa. Makara là thú linh trong thần thoại Ấn Độ và là vật cưỡi của thần Đại Dương Varuna, thần sông Hằng Gangadevi. Cùng du nhập vào vương quốc Champa theo văn hóa Ấn Độ, nó trở thành biểu tượng của tín ngưỡng phồn thực, khát vọng âm - dương, mong ước của cư dân nông nghiệp cho mưa hòa gió thuận để vạn vật sinh sôi, nảy nở “Makara là nguồn gốc của sự sống lẫn cái chết” (3). Trong điêu khắc Champa, Makara được thể hiện phần đầu với khuôn miệng đang há lớn, nhả ra các vị thần, thiên nữ, thú linh, hoa lá... được thể hiện ở trang trí điêu khắc Chánh Lộ, Chiên Đàn (Bình Định).
Vùng đất Panduranga có đặc điểm là vùng đất sa thảo nắng gió và luôn khan hiếm nguồn nước. Đền tháp Po Klaong Girai được xây dựng để thờ một vị vua có công “dẫn thủy nhập điền. Ruộng vườn trước kia khô hạn, nhờ có ngài mà trở nên tươi tốt” (4), do đó, nước mang một ý nghĩa rất quan trọng đối với cuộc sống của người dân nơi đây. Trong thần thoại Ấn Độ, Makara còn là “vật tượng tượng trưng cho nước, sống dưới nước” (5) mang nguồn nước đến cho mùa màng tươi tốt, bội thu và thường được gắn trên nóc, mái của các công trình kiến trúc cổ Đông Nam Á. Hình ảnh của Makara được tìm thấy với nhiều biến hóa đa dạng trên các công trình kiến trúc của Campuchia, Tây Tạng, Nepal và Thái Lan. Có thể xem Makara là linh vật được Đông Nam Á hóa trong văn hóa Campuchia, Lào và Thái Lan. Điển hình Makara trên gờ mái của công trình kiến trúc đền Sala Wat Ton Kwen ở Thái Lan với tạo hình có chức năng như một hệ thống máng nước, máng xối. Ý nghĩa của biểu tượng này phần nhiều liên quan đến tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp lúa nước Đông Nam Á. Sự tương đồng này đã tạo nên một dòng chảy đồng điệu trong tâm thức của người Chăm, khi họ đưa tạo hình Makara trở thành hình tượng điêu khắc phổ biến trong nghệ thuật trang trí ở các vị trí góc tháp trên công trình kiến trúc đền tháp với mong muốn mưa thuận gió hòa, mùa màng được nước tưới xanh tươi, sự sống sinh sôi nảy nở... dù tạo hình này có nhiều sự thay đổi và trở nên tối giản ở đền tháp Po Klaong Girai nhưng vẫn giữ nguyên vẹn sự thống nhất trong tư tưởng tín ngưỡng của người Chăm qua bao thế hệ.
Phiến điểm góc Makara là kiểu tạo hình có sự kế thừa và biến đổi theo từng thời kỳ rất đa dạng, phong phú. Qua các tư liệu hình ảnh để lại của H.Parmentier, có thể thấy được sự thay đổi biến hóa của nhóm tạo hình chi tiết phiến điểm góc này. Với những hiện vật được tìm thấy ở di sản Mỹ Sơn (các khu tháp Mỹ Sơn G, Mỹ Sơn B1, Mỹ Sơn H) thì các phiến điểm góc được tạo hình với phần đầu là thủy quái Makara khá rõ nét: cái vòi uốn cong về phía trước, hàm răng nanh há rộng, chiếc tai vểnh nhọn lên, phía dưới vòm lông mày là mắt mở to hình tròn, bao quanh là dải trang trí mào/ bờm có hình hoa lá hay ngọn lửa. Bên cạnh đó còn cả kiểu thức trang trí giản lược thể hiện với hình dáng, cấu trúc tương tự phần đầu nhưng đã không còn khuôn mặt Makara bên trong, giống như phần đuôi của thủy quái. Nhìn chung, tạo hình trang trí Makara tuy có nhiều sự biến đổi đa dạng về hình thức thể hiện ở các đền tháp khác nhau nhưng vẫn giữ được hình khối điêu khắc rõ nét và đầy đủ các chi tiết bao quanh của thủy quái Makara.
Qua quá trình thích nghi với nền văn hóa bản địa, tạo hình của Makara cũng có nhiều sự thay đổi để phù hợp và tương đồng hơn với đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người Chăm tiểu vùng Panduranga mà ở tháp Po Klaong Girai là minh chứng cụ thể nhất. Tạo hình Makara của đền tháp Po Klaong Girai có sự chọn lọc, giản lược đi nhiều chi tiết vốn có của hình tượng Makara, không còn rõ hình dáng của chiếc đầu với các chi tiết mắt, mũi, miệng mà chỉ còn lưu giữ lại các chi tiết của mào lửa, vòi cuộn và tầng vẩy xếp lớp. Ở đền tháp Po Klaong Girai, phiến điểm góc cũng có hai kiểu dáng được làm từ chất liệu đá và gạch mang nhiều điểm tương đồng với nhau. Loại điểm góc tạo hình bằng đá khi quan sát gần có hình thức giản lược đi hình ảnh chi tiết của đầu thủy quái Makara, chỉ còn giữ lại cái dáng khối tổng thể của đường lượn, đường gờ xoắn ốc kế thừa phong cách điêu khắc tháp Mắm giai đoạn muộn, với sự chuyển động cùng chiều của các chi tiết vây nhọn. Đó là các chi tiết còn lại của chiếc vòi uốn cong, mào, bờm được tạo nên bởi các khối chóp hoa lá hay ngọn lửa. Bề mặt bên trong được khắc chạm nông các lớp vẩy nhỏ cùng chiều. Loại điểm góc còn lại ở phiến trang trí bằng gạch thì mang rõ nét của một khối hoa lá vút nhọn cong ở đầu, đơn giản hết mức có thể nhưng vẫn giữ được tinh thần khối tổng thể vốn có như của loại bằng đá và một số điểm góc trang trí của khu tháp Mỹ Sơn đã đề cập ở trên. Có thể vì mang tạo hình tối giản nên trong quá trình đi điền dã và tìm hiểu tại khu vực cư trú của người Chăm ở Ninh Thuận thì có một số ý kiến nhận định về tạo hình khác nhau. Một số người Chăm cho rằng, đó chỉ là phần đuôi của thủy quái Makara nên họ còn gọi đuôi rồng (một cách gọi khác của Makara) hoặc đưa về tạo hình hoa lửa/ tai lửa - vốn là một biểu tượng linh thiêng trong tín ngưỡng thờ thần lửa Agni của người Chăm Bà La Môn hay nhận định khác là hình tượng của dương xỉ - một loại cây bản địa rất phổ biến tại vùng đất Ninh Thuận.
Và kiểu dáng điểm góc trang trí này vẫn tiếp tục biến đổi tương tự ở tháp Po Ramé giai đoạn tiếp theo sau đó với sự thay đổi khác lạ hơn, chỉ còn giữ lại một phần chi tiết xoắn ốc đặc trưng. Maspero đã nhận định: “Một yếu tố khác đặc trưng cho kiến trúc này là các trang trí ở góc mái: phiến đá được nhúng vào góc và tạo một hình bóng đậm khi nhìn lên trên trời có hình dáng tiên nữ hoặc con thú; hình chiếc cánh, hay những nét cuộn xoắn ốc phức tạp là những họa tiết trang trí thuần túy; có thể là một sự đơn giản hóa, một sự cách điệu dần dần từ hình dáng này sang hình dáng khác” (6).
2. Tạo hình Makara mang tính tối giản có sự kế thừa yếu tố bản địa và các giai đoạn trước đó
Tạo hình phiến điểm góc Makara là một phần của hệ thống biểu đạt nghệ thuật điêu khắc trang trí trên công trình kiến trúc đền tháp Po Klaong Girai với ngôn ngữ truyền đạt riêng, tuy quen thuộc, gần gũi với đời sống của cư dân Champa nhưng lại được thể hiện phong phú, đa dạng, tạo được nét khác biệt, ngẫu hứng, mang đậm tính thời đại theo từng phong cách kiến trúc, góp phần hướng đến làm sáng tỏ các nét đặc trưng của nghệ thuật điêu khắc trang trí trên kiến trúc đền tháp Po Klaong Girai trong dòng chảy mỹ thuật của các dân tộc Việt Nam. Đền tháp Po Klaong Girai có sự kế thừa mỹ thuật truyền thống bản địa nhưng hình thành và phát triển trong giai đoạn lịch sử có nhiều biến động. Nhà nước Champa đối mặt với các bất ổn về chính trị, xã hội, nền nghệ thuật trong giai đoạn thoái trào và tiếp thu thêm những nền văn hóa lớn lân cận, cùng với những điều kiện về nhân lực và vật lực, điêu khắc trang trí đền tháp Po Klaong Girai buộc phải có những sáng tạo riêng biệt để có thể tiếp tục tồn tại ở tiểu vùng Panduranga. Chính sự biến đổi của thời cuộc đã mang lại cho phong cách nghệ thuật đền tháp Po Klaong Girai các ý tưởng mới về tạo hình, cách thức xử lý hình khối mang phong cách tối giản. Phong cách tạo hình tối giản trở nên phù hợp với điều kiện phát triển của khu vực tiểu quốc phía Nam vương quốc Champa và được phổ biến nhân rộng ở các khu vực khác của tiểu vùng, là kiểu tạo hình mới cho các nghệ nhân, các thợ xây dựng Chăm hướng đến. Vấn đề tiếp nối về sự kế thừa hay đứt gãy của không gian và thời gian có ảnh hưởng đến các đặc trưng mỹ thuật tạo hình khi trải qua quá trình tiếp biến và dung hợp lẫn nhau trước đó và sẽ tạo nên một sự phát triển tiếp theo của các giai đoạn sau. Trên cơ sở đó khẳng định giá trị nghệ thuật tạo hình, phản ánh diện mạo của nghệ thuật trang trí Champa của đền tháp Po Klaong Girai và cũng là sự tiếp nối truyền thống nghệ thuật trang trí của dân tộc ở giai đoạn sau trong diễn trình lịch sử có nhiều sự biến hóa đa dạng, năng động. Các đặc trưng về mỹ thuật trang trí trên kiến trúc đền tháp Po Klaong Girai là sự tiếp nối lịch sử mỹ thuật Chăm ở một phong cách nghệ thuật mới, thay đổi cho phù hợp với thị hiếu của người dân nhưng vẫn giữ lại được các giá trị tín ngưỡng truyền thống.
So với các đền tháp trước, tạo hình trang trí chung của tháp Po Klaong Girai đã được giản lược bớt các hoa văn họa tiết trang trí cầu kỳ, phức tạp, hướng về phong cách đơn giản, nhẹ nhàng. Sự liên kết của hình khối kiến trúc và các mô típ trang trí, tạo hình điêu khắc trên chất liệu gạch, đá mang các giá trị hàm ẩn xác định qua các biểu tượng mỹ thuật được chọn lựa, chắt lọc đưa vào kiến trúc đền tháp Po Klaong Girai thể hiện vai trò của hệ tín ngưỡng bản địa đậm nét truyền thống, đại chúng với những nét sáng tạo mới lạ, độc đáo hơn. Có thể thấy Makara đền tháp Po Klaong Girai được tạo hình theo phong cách riêng nhưng nó vẫn nằm trong dòng chảy tư tưởng thẩm mỹ tạo hình dân tộc như gợi nhắc lại các đặc điểm và giá trị đặc trưng đó trong nghệ thuật phong cách muộn sau cùng của Champa. Phiến điểm góc trang trí Makara tạo sự kết hợp khá linh hoạt của các chuyển động nhịp điệu về hình khối và đường nét chạm khắc dù rất đơn giản song vẫn tạo được tính thống nhất, hài hòa và đầy xúc cảm thị giác. Nếu như Makara các phong cách nghệ thuật ở các đền tháp trước đó đều được tạo hình đầy đủ chi tiết và được đầu tư nhiều tâm sức để tạo tác vừa bằng cách đắp khối, vừa chạm khắc cầu kỳ thì ở đền tháp Po Klaong Girai được thể hiện như một sự khác đi của thời đại, mang nhiều hình thức ước lệ hay tối giản đi các chi tiết rườm rà, rối rắm. Sự biến đổi này cũng tạo nên được sự mới mẻ hơn nhưng vẫn đảm bảo được tính thống nhất quy định. Không phải bất kỳ tạo hình nào cũng có thể trang trí họa tiết giống nhau và tùy ý, người nghệ nhân Chăm đã nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm dựa vào tư tưởng tín ngưỡng của dân tộc để tạo hình và trang trí một cách hợp lý, hài hòa, thể hiện được trọn vẹn các đặc trưng riêng của đền tháp mà vẫn đáp ứng được sự đổi thay của thời cuộc.
3. Một số vấn đề bàn luận
Nhà nghiên cứu Uông Chính Chương đã nhận định rằng: “vẻ đẹp của kiến trúc cần phải biểu đạt tư tưởng, tình cảm và thế giới khách quan đang tồn tại bên ngoài vào đó” (7) và có sự đề cập: “nhấn mạnh tính hàm ẩn”. Những thành phần của các chi tiết kiến trúc biến hóa thành những hình khối trang trí thẩm mỹ mang theo các yếu tố “mật, hiển, dụng” thể hiện được sự biến hóa sinh động của nghệ thuật điêu khắc trang trí trên kiến trúc của đền tháp Po Klaong Girai. Các phiến điểm góc có chức năng tạo điểm nhấn, trang trí thêm cho công trình kiến trúc là yếu tố “dụng”, nhưng các cấu kiện kiến trúc này lại gắn liền với yếu tố “mật” ẩn chứa các mong ước, khát vọng về một nguồn nước cho mùa màng, cây trồng, sự sống... thông qua biểu tượng thủy quái Makara mà cư dân nông nghiệp vùng đất Panduranga gửi gắm vào trong các tạo hình trang trí. Sự biến đổi của tạo hình này xét trên khía cạnh Champa có chung cơ tầng văn hóa bản địa Đông Nam Á vốn không hề phai nhạt trong quá trình Champa tiếp thu Ấn Độ giáo, đặc biệt là tại vùng phía Nam Champa. Trong khi cư dân Champa dù chịu ảnh hưởng tôn giáo Ấn Độ nhưng đời sống kinh tế, xã hội của họ chủ yếu là văn hóa bản địa, đó là đời sống của cư dân trồng lúa nước, xã hội vẫn bảo lưu đậm nét yếu tố mẫu hệ và những tín ngưỡng dân gian nên dù văn hóa Ấn đóng vai trò chủ thể thì các cộng đồng của Champa tập hợp vào đó như một sự thuận chiều của văn hóa cùng nguồn gốc. Từ đó yếu tố “hiển” xuất hiện như sự hòa quyện các nội dung truyền tải bên trong với tính thẩm mỹ của nghệ thuật tạo hình được biến hóa đa dạng qua các mô típ trang trí, như nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền đã nhắc đến mỹ thuật truyền thống dân tộc trong cuốn Một con đường tiếp cận lịch sử: “người ta có thể nhận ra từ những nhu cầu của cuộc sống, hoa văn được tiến triển từ chỗ vô thức đến hữu thức, từ kỹ thuật đơn thuần sang nghệ thuật và dần dần chứa đựng những ý đồ trừu tượng, để phản ánh những ước vọng sơ khai gắn với nông nghiệp” (8).
Nghệ thuật điêu khắc trang trí ở phiến điểm góc có quan hệ mật thiết với kiến trúc, nó làm tăng thêm tính thẩm mỹ của hình khối kiến trúc. Hệ thống điêu khắc trang trí hiện diện trong và ngoài các đền tháp, “cõng trên mình” những triết lý, tư tưởng, ước vọng của người dân Chăm, đồng thời còn đóng vai trò làm thiêng hóa và sang hóa hình khối kiến trúc. Các phiến điểm góc trở thành những biểu tượng chứa đựng những thông tin làm rõ nội dung của công trình kiến trúc mà nó gắn kết. Nội dung đó chính là tầng tư tưởng, quan điểm cần được giải mã không thể thiếu được, vì như Bielinski đã giải thích: “hình thức biểu hiện nội dung cho nên nó gắn liền mật thiết với nội dung tới mức mà nếu tách nó ra khỏi nội dung có nghĩa là thủ tiêu bản thân nội dung và ngược lại, tách nội dung ra khỏi hình thức có nghĩa là thủ tiêu hình thức” (9). Các tác phẩm nghệ thuật sẽ được làm rõ hơn qua việc đánh giá những yếu tố nội dung và hình thức tồn tại tương hỗ với nhau.
Tạo hình phiến điểm góc trên kiến trúc đền tháp Po Klaong Girai nói chung và Makara nói riêng, là những tác phẩm nghệ thuật mang cả hình thức biểu hiện và nội dung, có hàm nghĩa sâu xa bởi các tư tưởng thẩm mỹ tạo ra nó. Nhờ có tư tưởng mang tính mỹ học của nghệ thuật điển hình cho nên cái đẹp của hình thức tác phẩm có thể tồn tại lâu dài trong mối quan hệ biện chứng nội dung - tinh thần và hình thức - vật chất. Qua đó, có thể hiểu hoạt động sử dụng các chất liệu tạo nên các hình thức biểu hiện trên mặt phẳng và trong không gian là nghệ thuật tạo hình và những tác phẩm điêu khắc, trang trí được coi là những sản phẩm của lĩnh vực nghệ thuật tạo hình gắn liền với các quan niệm hàm ẩn bên trong đó.
Cũng bàn về mối quan hệ của tạo hình, M.Cagan đã nhận định: “trong nghệ thuật, hình thức vật chất hóa sự thể hiện, kỹ thuật là có tính chất phụ thuộc và lệ thuộc vào nội dung, vào hư cấu tinh thần của các tác phẩm được sáng tạo”. Nghệ thuật tạo hình truyền thống Champa lấy hình thức thể hiện bên ngoài để chỉ hướng về ý thức bên trong, chứa đựng giá trị tinh thần, tư tưởng tín ngưỡng được tiếp nối của cả dân tộc. Tạo hình điêu khắc Makara đã cho thấy các chủ đề trang trí chủ yếu mang nét tạo hình tương đồng về hình dáng lẫn phong cách thể hiện của một quá trình tiếp biến và giao thoa giữa văn hóa Ấn và văn hóa Chăm bản địa. Từ đó cho thấy tạo hình của điêu khắc trang trí trên kiến trúc đền tháp Po Klaong Girai mang tính nhất quán về các cấu trúc cũng như tổng thể về bố cục thông qua biểu hiện các chi tiết đại diện cho giá trị nghệ thuật của điêu khắc trang trí dân tộc Chăm trong diễn trình lịch sử.
4. Kết luận
Mang trong mình sự kế thừa những giá trị truyền thống thời trước, sự tiếp nối và đổi mới trong kỹ thuật và nghệ thuật thể hiện, kiến trúc đền tháp Po Klaong Girai đã cống hiến những giá trị nghệ thuật vô cùng riêng biệt, mang đậm hơi thở dấu ấn dân tộc Chăm xưa. Phiến điểm góc trang trí tạo hình Makara góp phần làm giàu thêm ngôn ngữ biểu hiện trong nghệ thuật tạo hình, mang tính đột phá của các kiểu thức trang trí, trở thành những tác phẩm nghệ thuật tối giản hóa nhưng vẫn sinh động, nhiều biến hóa dù công trình kiến trúc Chăm với quan niệm thẩm mỹ riêng trong dòng chảy nghệ thuật dân tộc vốn bị chi phối bởi các nguyên tắc thẩm mỹ, tín ngưỡng của Ấn Độ giáo cùng với những yếu tố bản địa, tính cách con người Chăm, bối cảnh lịch sử - chính trị - xã hội… Từ đó phát hiện thêm những giá trị thẩm mỹ, ý nghĩa biểu tượng trong những mô típ trang trí của mỹ thuật Chăm mà cụ thể ở đây là những giá trị nghệ thuật của điêu khắc trang trí trên công trình kiến trúc đền tháp Po Klaong Girai đóng góp vào sự phát triển của nền mỹ thuật Việt Nam.
___________________
1. Bảo tàng tổng hợp Bình Định, Gốm kiến trúc đền tháp Champa Bình Định, Nxb Tổng hợp TP. HCM, 2017, tr.7.
2. Philippe Stern, L’Art du Champa - Ancien Annam (Nghệ thuật Champa - An Nam xưa), White Lotus Press, Toulouse, 1942, tr.39-40.
3. Huỳnh Thị Được, Điêu khắc Chăm và thần thoại Ấn Độ, Nxb Đà Nẵng, 2005, tr.124.
4. Ngô Văn Doanh, Tháp cổ Champa, Nxb Văn hóa - Văn nghệ, Hà Nội, 2019, tr.290.
5. Roy C Craven (Nguyễn Tuấn, Huỳnh Ngọc Trảng dịch), Mỹ thuật Ấn Độ, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2005, tr.146.
6. Georges Maspero, Le Royaume De Champa (Vương quốc Champa), G. Vangoet, Paris, 1928, tr.214.
7. Uông Chính Chương (Nguyễn Văn Nam dịch), Mỹ học Kiến trúc, Nxb Xây dựng, Hà Nội, 2001, tr.12.
8. Trần Lâm Biền, Một con đường tiếp cận lịch sử, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2000, tr.363.
9. Lê Văn Dương, Lê Đình Lục, Lê Hồng Vân, Mỹ học Đại cương, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2003, tr.168.
10. M.Cagan (Phan Ngọc dịch), Hình thái học của nghệ thuật, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2004, tr.185.
Tài liệu tham khảo
1. Huỳnh Thanh Bình, Thủy quái Makara, giacngo.vn, 19-8-2022.
2. H.Parmentier, Inventaire Descriptif des monuments Cams de L’Annam (Nhà phát minh mô tả các Di tích Cams de L’Annam) tome II, Paris, 1918.
3. Khuyết danh, Makara đá Chánh Lộ, vi.wikipedia.org, 21-6-2022
Ths NGÔ THỊ THÚY ANH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 554, tháng 12-2023