Giáo dục là một hiện tượng xã hội diễn ra quá trình trao truyền tri thức, kinh nghiệm giữa con người với con người thông qua ngôn ngữ, chữ viết và các hệ thống ký hiệu khác nhằm kế thừa và duy trì sự tồn tại, tiến hóa và phát triển của nhân loại. Trong đó, giáo dục năng lực thẩm mỹ cho học sinh nói chung, học sinh trung học cơ sở (THCS) nói riêng thông qua học mỹ thuật có tính thời sự và giá trị lâu dài đối với nền giáo dục của mỗi quốc gia. Giáo dục thẩm mỹ cần quan tâm đến các phương diện giáo dục thẩm mỹ như: giáo dục năng lực thể hiện mỹ thuật, giáo dục năng lực cảm thụ mỹ thuật, giáo dục năng lực ứng dụng mỹ thuật. Đây cũng là những mấu chốt trong giáo dục thẩm mỹ thông qua học mỹ thuật.
Cái đẹp đã trở thành một trong những nhu cầu cần thiết của cuộc sống con người. Tất cả những gì phục vụ cho con người đều cần cái đẹp về hình thể và màu sắc. Ngày nay, khi nhu cầu cuộc sống ngày càng cao, cái đẹp càng đóng góp đáng kể vào phát triển nền kinh tế quốc dân. Vì thế, giáo dục năng lực thẩm mỹ cho học sinh nói chung, học sinh THCS nói riêng thông qua học mỹ thuật có tính thời sự và giá trị lâu dài đối với nền giáo dục của đất nước.
1. Một số khái niệm
Giáo dục
Giáo dục là một hiện tượng xã hội diễn ra quá trình trao truyền tri thức, kinh nghiệm giữa con người với con người thông qua ngôn ngữ, chữ viết và các hệ thống ký hiệu khác nhằm kế thừa và duy trì sự tồn tại, tiến hóa và phát triển của nhân loại. Giáo dục là một lĩnh vực quan trọng có ảnh hưởng và quyết định đến sự tồn tại và phát triển của quốc gia và nhân loại.
Về hoạt động, giáo dục là quá trình tác động đến các đối tượng giáo dục để hình thành cho họ những phẩm chất nhân cách.
Giáo dục là sự dẫn dắt của thế hệ trước đối với thế hệ sau, một sự dẫn dắt theo mục đích, có kế hoạch, có phương pháp. Giáo dục là con đường ngắn nhất giúp thế hệ trẻ phát triển bỏ qua những mò mẫm, vấp váp không cần thiết trong cuộc đời của một con người. Giáo dục có thể chia thành: giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường, giáo dục xã hội và tự giáo dục. Khái niệm về giáo dục là một khía cạnh quan trọng trong cuộc sống của con người và xã hội, đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển và tồn tại của cả cá nhân và nhân loại.
Có thể hiểu, giáo dục là một quá trình xã hội, quyết định đối với sự phát triển và hoàn thiện nhân cách con người. Giáo dục không đơn thuần là việc truyền đạt tri thức mà còn là sự định hướng, rèn luyện con người hoàn thiện về nhân cách.
Năng lực thầm mỹ
Năng lực thẩm mỹ là năng lực sáng tạo ra cái đẹp và thưởng thức cái đẹp, là một trong những năng lực cơ bản và đặc thù của con người. Có thể nói, năng lực thẩm mỹ hình thành cùng với toàn bộ cuộc sống lao động, tư duy và phát triển của con người, hay nói cách khác là cùng với chính bản thân con người. Con người luôn yêu cái đẹp, nhưng biết và hiểu được cái đẹp, truy cầu cái đẹp và sáng tạo cái đẹp như thế nào sẽ thể hiện rõ năng lực thẩm mỹ của mỗi cá nhân.
Năng lực thẩm mỹ quyết định chất lượng cuộc sống: khiếu thẩm mỹ, tạo ra khí chất và tính nhân văn của cá nhân, một nhóm người và một quốc gia. Năng lực thẩm mỹ là một khía cạnh quan trọng của tâm hồn và tư duy con người. Cụ thể: thể hiện kiến thức về màu sắc, hình dạng, cấu trúc và cách chúng tương tác trong việc tạo ra sự hài hòa và thẩm mỹ. Năng lực thẩm mỹ gồm việc đánh giá vẻ đẹp trong tự nhiên, nghệ thuật, kiến trúc, âm nhạc và thậm chí là trong các sản phẩm công nghiệp. Năng lực thẩm mỹ phụ thuộc vào việc tích lũy kinh nghiệm và sáng tạo. Con người học từ những trải nghiệm thẩm mỹ và phát triển khả năng thẩm mỹ của họ thông qua việc tạo ra và tiếp tục khám phá cái đẹp. Năng lực thẩm mỹ không chỉ giới hạn trong lĩnh vực nghệ thuật hoặc thiết kế, mà nó cũng có thể được áp dụng trong nhiều khía cạnh của cuộc sống hằng ngày. Năng lực thẩm mỹ không phải là một khả năng cố định, mà nó có thể thay đổi và phát triển theo thời gian. Năng lực thẩm mỹ tạo nên sự kết nối và sáng tạo trong cộng đồng, thúc đẩy văn hóa và nghệ thuật và góp phần vào việc xây dựng một xã hội đa dạng.
2. Năng lực thẩm mỹ của học sinh THCS
Lứa tuổi học sinh THCS là lứa tuổi tràn ngập xúc cảm, trí tò mò, trí tưởng tượng bay bổng và khả năng liên tưởng mạnh, do đó các em dễ sáng tạo. Ở độ tuổi này, cùng với sự hoàn thiện về nhận thức, mỗi học sinh đều tiềm ẩn trong mình năng lực sáng tạo. Học sinh càng được khuyến khích, tự do trải nghiệm với ý tưởng của mình, càng có nhiều cơ hội để phát triển trí tuệ.
Tính sáng tạo thẩm mỹ của học sinh THCS bộc lộ một cách tự nhiên qua việc tương tác với một môi trường thẩm mỹ. Khả năng thể hiện của các em không chỉ qua hình ảnh mà còn qua âm nhạc, văn bản, kịch nghệ, video và các phương tiện khác. Việc khuyến khích học sinh tham gia hoạt động thẩm mỹ sẽ giúp phát triển tối ưu khả năng sáng tạo của các em.
Học sinh THCS thường tìm kiếm cách thể hiện bản thân và thế giới thông qua nghệ thuật và thẩm mỹ. Sáng tạo thẩm mỹ giúp học sinh tự tin hơn trong việc thể hiện và khám phá bản thân. Sáng tạo thẩm mỹ không chỉ là việc làm việc đơn lẻ mà còn là cơ hội để học sinh hợp tác, chia sẻ ý tưởng. Việc này có thể tạo ra một môi trường thúc đẩy sự sáng tạo và học tập xã hội. Kỹ năng quan sát là một yếu tố quan trọng trong sáng tạo thẩm mỹ. Học sinh THCS có thể học cách quan sát chi tiết, màu sắc, hình dáng và cấu trúc để thể hiện ý tưởng một cách tốt nhất. Sự sáng tạo thẩm mỹ của học sinh được thúc đẩy thông qua tiếp xúc và tìm hiểu về kiến thức và nền văn hóa khác nhau.
Lứa tuổi này, các em thường muốn thử nghiệm và thay đổi môi trường xung quanh. Khả năng sáng tạo thẩm mỹ giúp các em tìm cách biến đổi, cải thiện và tạo ra các tác phẩm nghệ thuật trong không gian xung quanh. Điều đó cho thấy, sáng tạo thẩm mỹ cũng phát triển khả năng tư duy linh hoạt của học sinh, khả năng tìm kiếm giải pháp đa dạng cho các vấn đề thẩm mỹ và nghệ thuật.
Như vậy, khả năng sáng tạo thẩm mỹ của học sinh lứa tuổi THCS là một tài nguyên vô giá và việc khuyến khích, hỗ trợ các em trong việc phát triển, thể hiện sự sáng tạo này có thể mang lại nhiều lợi ích cho học sinh trong lĩnh vực nghệ thuật và cuộc sống.
3. Các phương diện giáo dục năng lực thẩm mỹ
Giáo dục năng lực thể hiện mỹ thuật
Năng lực thể hiện mỹ thuật là năng lực có tính chất đặc thù, được bộc lộ ở các mức độ khác nhau, đơn giản chỉ là việc sắp xếp cho gọn gàng, đẹp mắt góc làm việc, nội thất phòng ở, lựa chọn trang phục… đến những công việc chuyên sâu trong lĩnh vực thẩm mỹ như thiết kế, trang trí nội thất, tạo dáng các sản phẩm công nghiệp, sáng tạo các tác phẩm mỹ thuật… Với học sinh THCS, năng lực thể hiện như sau: học sinh tự làm bài tập mỹ thuật của mình ở nhà và ở trường theo sự phân công, hướng dẫn của giáo viên; vận dụng hiểu biết về mỹ thuật vào hoạt động sống đa dạng của từng cá nhân trong cuộc sống; có hiểu biết về mỹ thuật và hỗ trợ bạn cùng thực hiện các bài học mỹ thuật.
Học sinh thể hiện năng lực thẩm mỹ thông qua việc tự quản lý và trang trí không gian học tập tại nhà hoặc trường học: sắp xếp bàn học, làm việc với mô hình, tranh ảnh hoặc các sản phẩm thẩm mỹ khác một cách tự nhiên và sáng tạo. Họ có thể áp dụng kiến thức học được từ giáo viên để biến những góc làm việc thành không gian tràn đầy sự tinh tế và mỹ thuật. Học sinh có thể áp dụng kiến thức mỹ thuật vào cuộc sống hằng ngày như tạo ra những bức tranh, vật trang sức, hay thậm chí cả thiết kế trang phục cho bản thân dựa trên sự hiểu biết và kỹ năng mỹ thuật mà họ đã tích lũy. Điều này giúp học sinh thể hiện cái tôi của mình qua nghệ thuật và thể hiện mỹ thuật trong đời sống.
Đồng thời, bên cạnh việc tự sáng tạo và thể hiện, năng lực thể hiện mỹ thuật cũng liên quan đến khả năng hợp tác và chia sẻ. Học sinh có thể chia sẻ kiến thức và kỹ năng của mình về mỹ thuật với bạn bè, hỗ trợ nhau phát triển khả năng sáng tạo. Năng lực thể hiện mỹ thuật đã đặt nền tảng cho sự phát triển nghề nghiệp trong tương lai. Học sinh có cơ hội tìm hiểu về các ngành nghề mỹ thuật và từ đó định hướng cho tương lai của các em khi bước vào cấp học trung học phổ thông.
Năng lực thể hiện mỹ thuật là một khía cạnh quan trọng của sự phát triển cá nhân của học sinh. Nó không chỉ giúp các em tự sáng tạo và thể hiện mỹ thuật trong cuộc sống hằng ngày, mà còn tạo ra cơ hội học hỏi, hợp tác và khám phá các ngành nghề mỹ thuật trong tương lai. Năng lực này là một tài sản giúp học sinh phát triển sự tự tin và sáng tạo trong hành trình học tập và sự nghiệp của các em.
Giáo dục năng lực cảm thụ mỹ thuật
Năng lực cảm thụ mỹ thuật là biểu hiện phổ quát của con người, được thể hiện qua mọi hoạt động và gắn bó mật thiết với văn hóa, trình độ học vấn của cá nhân hoặc nhóm người trong xã hội. Năng lực cảm thụ mỹ thuật chịu chi phối bởi nguyên lý phát triển. Vì vậy, năng lực này cũng thay đổi theo hướng cao hơn nhờ sự thay đổi của các yếu tố có mối liên hệ với năng lực cảm thụ mỹ thuật như: sự biến đổi về văn hóa, phát triển về học vấn, ảnh hưởng giữa các cá nhân hoặc các cộng đồng trong xã hội.
Năng lực cảm thụ mỹ thuật của học sinh THCS được thể hiện ở các mặt: nhận biết được các trạng thái cảm xúc cơ bản của bản thân ở các mức độ khác nhau với các tác phẩm mỹ thuật thông qua các ngôn ngữ biểu hiện của tác phẩm mỹ thuật; thiết lập và nuôi dưỡng tình yêu mỹ thuật với bạn bè, người thân; biết lắng nghe, chia sẻ và hỗ trợ bạn nâng cao năng lực cảm thụ mỹ thuật để cùng thực hiện tốt hơn các hoạt động hoặc nhiệm vụ mỹ thuật của nhóm; biết thể hiện mối quan tâm và sở thích đối với một số nghề liên quan đến mỹ thuật trong đời sống; thể hiện sự chủ động trong điều chỉnh tư duy thẩm mỹ để phù hợp với năng lực mỹ thuật của bản thân thay đổi do tiếp cận, trải nghiệm và sáng tạo các tác phẩm mỹ thuật; tích lũy kinh nghiệm và kiến thức giúp các em hiểu rõ hơn về các phong cách, thời kỳ nghệ thuật và nguồn cảm hứng khác nhau; khả năng phê bình, biết cảm nhận và yêu thích nghệ thuật, học sinh cần phát triển khả năng phê bình nghệ thuật; sáng tạo ra tác phẩm mỹ thuật hoặc tham gia vào các hoạt động sáng tạo như viết, vẽ tranh, làm thủ công; tư duy thẩm mỹ qua việc thảo luận về tác phẩm mỹ thuật, tham gia vào các khóa học về thẩm mỹ hoặc đọc sâu về lịch sử và triết học nghệ thuật; phát triển nhân cách bằng sự mở lòng, lòng khoan dung, khả năng thấu hiểu và đồng cảm với người khác; khả năng tự quản lý thời gian và tài nguyên để thực hiện các dự án nghệ thuật.
Năng lực cảm thụ mỹ thuật giúp học sinh cảm nhận giá trị không mang tính thực dụng (giá trị tinh thần, tình cảm). Nó vượt ra khỏi khuôn khổ của sự vui sướng chỉ do thỏa mãn những nhu cầu bản năng sinh lý thuần túy. Năng lực cảm thụ mỹ thuật là cảm xúc vô tư, không vụ lợi nên rất quan trọng với sự phát triển tính người trong con người với tư cách là thuộc tính giống loài.
Giáo dục năng lực ứng dụng mỹ thuật
Con người luôn ứng dụng mỹ thuật vào cuộc sống dù vô thức hay chủ động, vì quá trình sống là tiến tới cái đẹp được thể hiện trong mọi mặt đời sống xã hội. Đối với học sinh, bằng hoạt động trải nghiệm mỹ thuật của bản thân qua các bài học mỹ thuật, các em vừa tham gia thiết kế, vừa tổ chức các hoạt động học tập mỹ thuật cho chính mình để tự khám phá, điều chỉnh kỹ năng bản thân, áp dụng hiểu biết mỹ thuật vào cuộc sống. Ở giai đoạn này, mỗi học sinh bước đầu xác định được sở trường và chuẩn bị một số năng lực mỹ thuật cơ bản sau: Tìm hiểu/ khám phá các loại hình mỹ thuật; Rèn luyện kỹ năng thể hiện mỹ thuật ở mức độ khác nhau để đưa năng lực ứng dụng mỹ thuật từ bài học vào cuộc sống, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của mình và cộng đồng; Bày tỏ nhận thức về thẩm mỹ, tư tưởng, tình cảm của các tác phẩm mỹ thuật với bạn bè, người thân và cộng đồng; Giáo dục văn hóa, nghệ thuật và mỹ thuật với các bạn cùng trang lứa; người thân và cộng đồng; Tìm hiểu phong cảnh, di tích văn hóa - lịch sử của địa phương và đất nước trên góc độ mỹ thuật và lan tỏa kiến thức đó cho bạn bè, ngưới thân và cộng đồng; Hình thành phong trào tình nguyện trong các hoạt động giáo dục bảo vệ các di tích văn hóa, lịch sử và mỹ thuật tại địa phương…
Những hoạt động trên giúp các em học sinh được chia sẻ suy nghĩ, tình cảm, sự quan tâm của mình với các vấn đề mỹ thuật, vận dụng những kiến thức đã học của môn học mỹ thuật vào cuộc sống thực tiễn, đồng thời giúp các em quan tâm hơn đến góc độ thẩm mỹ, từ đó giáo dục giá trị cho học sinh như: trân trọng truyền thống, chia sẻ, cảm thông, yêu thích, trách nhiệm, tự hào, giúp các em sống có ý thức thẩm mỹ trong các hoạt động cộng đồng và xã hội rộng lớn.
Kết luận
Thẩm mỹ là một trong những yếu tố góp phần cấu thành nhân cách con người, là cơ sở góp phần hình thành tư tưởng, tình cảm, cách ứng xử, là thước đo đánh giá năng lực thẩm mỹ của mỗi chúng ta. Không chỉ định hướng tư tưởng, quan điểm mà thẩm mỹ còn góp phần thôi thúc khát vọng, lý tưởng, động cơ, hình thành lối sống học tập và lao động có mục đích, hướng đến giá trị chân - thiện - mỹ. Vì thế, giáo dục năng lực thẩm mỹ cho học sinh THCS thông qua học mỹ thuật đã, đang và sẽ là những vấn đề cần được quan tâm, đầu tư nghiên cứu trong thời gian tới.
______________________
Tài liệu tham khảo
1. Trần Lâm Biền, Trang trí trong mỹ thuật truyền thống của người Việt, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2001.
2. Nguyễn Lăng Bình, Dạy và học tích cực một số phương pháp và kỹ thuật dạy học, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội, 2010.
3. Nguyễn Lăng Bình, Phạm Thị Chỉnh, Mỹ thuật và phương pháp giảng dạy, tập III, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2000.
4. Nguyễn Du Chi, Trên đường tìm về cái đẹp của cha ông, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2000.
5. Nguyễn Quốc Toản, Giáo trình phương pháp dạy - học mỹ thuật, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội, 2012.
6. Nguyễn Thu Tuấn, Phương pháp dạy học mỹ thuật, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội, 2011.
TS NGUYỄN VĂN CƯỜNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 557, tháng 1-2024