Sự ra đời của đồ họa vi tính là cuộc cách mạng trong giao tiếp giữa người dùng và máy tính. Với lượng thông tin trực quan, đa dạng và phong phú được truyền tải qua hình ảnh, các ứng dụng đồ họa máy tính đã lôi cuốn nhiều người nhờ tính thân thiện, dễ sử dụng, kích thích khả năng sáng tạo của con người và làm tăng đáng kể hiệu suất làm việc. Ngày nay, đồ họa vi tính được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, kinh doanh, quản lý... và lĩnh vực nghệ thuật cũng có sự phát triển không ngừng của các phần mềm cùng nhiều ứng dụng đồ họa đa dạng, phong phú. Bài viết bước đầu chỉ ra vai trò của kỹ thuật số trong sáng tạo hình ảnh đồ họa, từ các thủ pháp xây dựng hình ảnh đồ họa kỹ thuật số, khẳng định đó là một công cụ đắc lực giúp nhà thiết kế sáng tạo ra những hình ảnh tác động đến cảm xúc của người xem.
1. Đặt vấn đề
Một hệ đồ họa bao giờ cũng được hình thành bởi hai phần chính đó là phần cứng và phần mềm. Phần cứng bao gồm các thiết bị hiển thị và các thiết bị nhập, tiêu biểu nhất trong các thiết bị hiển thị là màn hình mà cơ chế hoạt động dựa trên cấu tạo của ống tia âm cực CRT. Các thiết bị nhập dữ liệu thường thấy là bàn phím và chuột. Phần mềm đồ họa có thể chia làm hai loại đó là các công cụ lập trình như các hàm thư viện của C, Pascal, GL… và các ứng dụng phục vụ mục đích thiết kế như Photoshop, Illustrator… Máy tính và các phần mềm thiết kế là công cụ đắc lực, hiệu quả giúp nhà thiết kế thể hiện các sản phẩm thiết kế một cách hoàn chỉnh, chính xác hình ảnh, kích thước, kiểu dáng, màu sắc, chất liệu, bố cục.
Thiết kế đồ họa không còn dừng lại ở in ấn và mặt phẳng nữa, mà còn tham gia vào thiết kế hiệu ứng ánh sáng, không gian ba chiều, bảng điện tử, phim ảnh... Do đó, sáng tạo hình ảnh trong thiết kế đồ họa cũng không dừng ở những thủ pháp đồ họa truyền thống, mà sử dụng ngôn ngữ đồ họa kỹ thuật số, bao gồm xử lý đồ họa ảnh, đồ họa vector, 3D... Các phần mềm giúp nhà thiết kế dễ dàng xây dựng hình ảnh với các tác phẩm đồ họa trong bộ lọc hiệu ứng để đưa vào thiết kế. Tất cả đều được thực hiện bằng phần mềm, phối hợp với kỹ thuật và công nghệ cho phép sáng tạo hình ảnh mới. Tác phẩm đồ họa trong xây dựng hình ảnh với hai phần mềm thiết kế đồ họa hàng đầu là: Photoshop xử lý hình ảnh đồ họa bitmap và Illustrator với đồ họa vector.
2. Sáng tạo hình ảnh với đồ họa điểm - kỹ thuật xử lý hình ảnh
Kỹ thuật đồ họa máy tính là một lĩnh vực của công nghệ thông tin mà ở đó nghiên cứu, xây dựng và tập hợp các công cụ (mô hình lý thuyết và phần mềm) khác nhau để: kiến tạo, lưu trữ, xử lý các mô hình (model) và hình ảnh (image) của đối tượng. Trong đồ họa máy tính, một hình ảnh đồ họa bitmap (raster) sử dụng một lưới hình chữ nhật gồm các phần tử hình ảnh (pixel) để biểu thị hình ảnh. Mỗi pixel được gán một vị trí và giá trị màu cụ thể. Khi làm việc với hình ảnh bitmap, chúng ta chỉnh sửa pixel thay vì chỉnh sửa đối tượng hoặc hình dạng. Hình ảnh bitmap là phương tiện điện tử phổ biến nhất cho hình ảnh có tông màu liên tục, chẳng hạn như ảnh chụp hoặc tranh kỹ thuật số, vì chúng có thể hiển thị hiệu quả hơn sự chuyển màu tinh tế của màu sắc và sắc thái. Ảnh bitmap được lưu trong các tập tin ảnh bằng nhiều định dạng khác nhau (như jpg, bmp, png...). Một hình ảnh bitmap được đặc trưng bằng chiều rộng và chiều cao của hình ảnh theo pixel và bằng số bit trên mỗi điểm ảnh (hoặc chiều sâu màu sắc, mà quyết định số lượng màu sắc nó có thể đại diện). Mô hình gồm các điểm ảnh đứng cạnh nhau tạo nên hình dạng và các yếu tố trên bức ảnh. Đồ họa bitmap có độ phân giải phụ thuộc, nghĩa là chúng không thể phóng lên tới một độ phân giải tùy ý mà không làm giảm chất lượng ảnh. Thuộc tính này trái ngược với khả năng của đồ họa vector, vốn cho phép thu phóng lên bất kỳ kích cỡ nào.
Ảnh bitmap và vector - Nguồn: congthanh.vn
Đồ họa bitmap xử lý tốt hơn đồ họa vector với những ảnh chụp và ảnh thực tế, trong khi đồ họa vector thường phục vụ tốt hơn với việc sắp xếp chữ hoặc cho thiết kế đồ họa có kích thước lớn. Trình chỉnh sửa ảnh dựa trên bitmap như: Painter, Photoshop, GIMP… xoay quanh việc chỉnh sửa các pixels, không giống như các trình chỉnh sửa hình ảnh dựa trên vector, như Coreldraw, Illustrator… xoay quanh chỉnh sửa đường và hình thể (vector). Một hình ảnh bitmap bao gồm hàng triệu pixel và xây dựng hình ảnh dựa trên bitmap hoạt động bằng cách thao tác với từng pixel riêng biệt. Hầu hết các điểm ảnh dựa trên các biên tập hình ảnh bằng cách sử dụng mô hình màu RGB, nhưng một số cũng cho phép việc sử dụng các mô hình màu khác như các mô hình màu CMYK.
Dựa trên những đặc điểm của pixel: có thể thay đổi thuộc tính, các mô hình hình ảnh được hiển thị như một lưới điểm (grid) các pixel rời rạc. Từng pixel đều có vị trí xác định, được hiển thị với một giá trị rời rạc (số nguyên) các thông số hiển thị (màu sắc hoặc độ sáng). Tập hợp tất cả các pixel của lưới cho chúng ta mô hình, hình ảnh đối tượng mà chúng ta muốn hiển thị. Có thể đưa ra những cách xây dựng hình ảnh với mức độ xử lý ảnh cơ bản như sau:
Điều chỉnh độ sắc nét của hình ảnh, chỉnh màu sắc và độ tương phản
Sự sắc nét của một bức ảnh được xác định bởi độ phân giải và độ sắc hiển thị. Để phục vụ mục đích thiết kế ta có thể giảm độ nhòe, tăng thêm độ sắc nét cho ảnh bằng sự trợ giúp của phần mềm. Có nhiều cách khác nhau để làm điều này và tùy thuộc vào quy trình làm việc cũng như ý đồ xây dựng hình ảnh của nhà thiết kế. Có nhiều cách khác nhau để giúp tăng chất lượng ảnh trong Photoshop. Có các bộ lọc khác nhau ở trong danh mục Sharpen, cùng với những công cụ và kỹ thuật của phần mềm. Ba trong số những tính năng phổ biến và hữu ích nhất trong Photoshop cho phép làm rõ ảnh bị mờ chính là: Unsharp Mask, High Pass, và Smart Sharpen. Với những bức ảnh bị rung, hình ảnh nhòe, hay hình ảnh bị răng cưa do chênh lệch độ phân giải khi tải về từ các trang web thì việc điều chỉnh giúp hình ảnh được mượt mà, dễ chịu hơn.
Ảnh được khử răng cưa với phần mềm Photoshop - Nguồn: colorme.vn
Sáng tạo hình ảnh bằng cách loại bỏ điểm ảnh
Đây là công cụ rất hữu dụng giúp cho các họa sĩ thiết kế chỉnh sửa ảnh theo ý đồ của mình. Những hình ảnh khi đưa lên lịch có thể chứa các đối tượng hoặc chi tiết thừa không mong muốn như cây cối, nhà cửa, con người hay vết bẩn… Công cụ trong phần mềm sẽ hỗ trợ xóa sạch các đối tượng đó. Với các bức ảnh được chụp hoặc tải về trên các trang web phù hợp với chủ đề bộ lịch nhưng lại xuất hiện những chi tiết thừa, thì việc loại bỏ là cách xử lý vô cùng đơn giản nhưng đem lại hiệu quả to lớn.
Sáng tạo hình ảnh bằng cách cắt ghép ảnh
Bên cạnh việc xóa điểm ảnh, loại bỏ những chi tiết thừa không cần thiết để giữ lại hình ảnh cần xây dựng, chúng ta cũng có thể thêm, ghép các đối tượng từ bức ảnh này sang bức ảnh khác nhằm phục vụ mục đích thiết kế, sau đó điều chỉnh đối tượng sao cho hài hòa với nền.
Sáng tạo hình ảnh bằng cách chuyển ảnh màu thành đen trắng và ngược lại
Từ một bức ảnh màu, vì ý đồ thiết kế mong muốn biến trở thành ảnh đen trắng hoặc một màu. Chỉ bằng một thao tác vô cùng đơn giản nhưng có thể mang đến sự đồng bộ về thủ pháp đồ họa trong sáng tạo hình ảnh thiết kế. Ngược lại, để biến một bức ảnh đen trắng thành ảnh màu cần nhiều công đoạn khó khăn hơn, đòi hỏi người thiết kế phải nắm vững kỹ thuật, có sự kiên trì, khéo léo và cảm nhận tinh tế thì hình ảnh mới có thể trở nên sống động, tự nhiên.
3. Sáng tạo hình ảnh với đồ họa vector
Nếu như sáng tạo hình ảnh với đồ họa truyền thống sử dụng công cụ sáng tạo hình ảnh là bút, dao khắc… thì ảnh vector, cũng được sáng tạo nhờ các công cụ vẽ nét, hình, đổ màu và bộ lọc các hiệu ứng. Phần mềm cung cấp các nhóm công cụ hỗ trợ vẽ hình tự do như: Pen, công cụ curvature hay công cụ pencil. Khi xây dựng hình ảnh bằng Pen sẽ tạo ra một đường được gọi là đường dẫn (path). Đường path được tạo thành từ một đoạn thẳng hoặc đoạn cong, đầu và cuối của mỗi đoạn được đánh dấu bằng các điểm neo, hoạt động giống như các chốt giữ dây cố định. Có thể thay đổi hình dạng của đường path bằng cách kéo các điểm neo của nó, ở cuối các đường path xuất hiện các điểm neo hoặc điều chỉnh trên chính đường path. Phần mềm cũng cung cấp các chế độ vẽ như: vẽ thường, vẽ phía sau hình, vẽ bên trong hình. Không giống như khi vẽ bằng kỹ thuật truyền thống, đồ họa vector cho phép chỉnh sửa, thêm bớt chi tiết đường path khi đã vẽ xong hoặc quay trở lại thao tác ban đầu với phím ctrl z vô cùng thuận tiện cho các nhà thiết kế trong quá trình sáng tạo hình ảnh.
Chính vì sự thuận tiện trong xây dựng hình ảnh với đồ họa vector nên nhiều nhà thiết kế đã dùng thủ pháp đồ họa này để xây dựng hình ảnh trên các ấn phẩm thiết kế. Từ những thiết kế có phần hình ảnh chiếm ưu thế như thiết kế lịch, poster… hay những ấn phẩm có phần hình ảnh bổ trợ cho phần nội dung như minh họa sách, báo, tạp chí… đều được các nhà thiết kế khai thác triệt để thủ pháp này.
Nhiều bìa sách sử dụng đồ họa vector để sáng tạo hình ảnh - Nguồn ảnh: tiki.vn
Cùng với cách sáng tạo hình ảnh phẳng 2D thì cũng có nhiều nhà thiết kế tìm tòi cách thể hiện hình ảnh mới với hiệu ứng 3D. Sử dụng phương pháp miêu tả vẻ ngoài của các đối tượng ba chiều trong không gian hai chiều (isometric), là một phương pháp vẽ tạo hiệu ứng 3D mô phỏng dựa trên kích thước thực tế.
Đồ họa số đặt công cụ sắp xếp chữ vào tay những nhà thiết kế, và do đó một loạt thử nghiệm đã diễn ra với việc thiết kế các kiểu chữ (typeface) và cách xây dựng hình ảnh con chữ cho hiệu quả mới lạ và độc đáo. Chữ và hình ảnh được xếp tầng, làm cho vỡ vụn, và chia cắt ra thành từng phần; các cột chữ chồng chéo lên nhau và chạy dọc theo hình ảnh trong thiết kế; hay bản thân con chữ được sáng tạo thành hình ảnh cho ấn phẩm thiết kế đồ họa. Tuy nhiên, việc kiến tạo hình ảnh từ chữ số phần lớn mới chỉ diễn ra trong hoạt động giảng dạy thiết kế ở các trường đại học chuyên về thiết kế đồ họa.
Một cách kiến tạo hình ảnh mà nhiều nhà thiết kế sử dụng để giảm bớt thời gian vẽ bằng công cụ đó là: Image Trace - chuyển hình ảnh bitmap sang vector. Image Trace cho phép chuyển đổi hình ảnh bitmap thành tác phẩm nghệ thuật vector. Sử dụng tính năng này, chúng ta có thể dễ dàng tạo một bản vẽ mới dựa trên một hình ảnh chụp bằng cách sử dụng công cụ Trace. Như cách tác giả Nông Quốc Hiệp sáng tạo hình ảnh kêu gọi mọi người không săn bắt chim thú ở poster bảo vệ môi trường dưới đây.
Poster “Hãy bảo vệ môi trường thiên nhiên” - Nguồn ảnh: Nông Quốc Hiệp
Nhờ kết nối mạng internet, quy mô của nghề thiết kế đồ họa đang ngày càng mang tính toàn cầu. Tiến bộ không ngừng của công nghệ sẽ còn thay đổi đáng kể cách thức mà đồ họa kỹ thuật số sáng tạo hình ảnh và truyền tải đến khách hàng.
4. Thủ pháp xây dựng hình ảnh có sự kết hợp giữa đồ họa truyền thống và đồ họa kỹ thuật số
Sự kết hợp giữa nghệ thuật và công nghệ giúp nhà thiết kế tạo ra các sản phẩm dễ dàng hơn. Những người họa sĩ thiết kế là người nắm bắt ý tưởng sau đó thể hiện chúng thông qua những hình ảnh cụ thể, có mục đích mà người xem có thể hiểu và cảm nhận được. Bằng những hình ảnh, màu sắc chất liệu khác nhau, người họa sĩ thiết kế đồ họa sáng tạo ra tác phẩm, họ chính là chiếc cầu nối giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng. Như đã đề cập, các thủ pháp sáng tạo hình ảnh thiết kế thường là hình đồ họa ấn loát hoặc hình ảnh đồ họa số. Ngoài ra, hình ảnh trên các sản phẩm thiết kế đồ họa còn được sáng tạo hình ảnh có sự kết hợp khéo léo giữa đồ họa truyền thống và đồ họa kỹ thuật số.
Sáng tạo hình ảnh kết hợp đồ họa số và xé dán - Nguồn ảnh: incamedia.vn
Trong thời đại công nghệ ngày nay, các nhà phát triển phần mềm đã đưa thêm nhiều tính năng và tiện ích vào các phần mềm ứng dụng. Những hình vẽ trên máy tính không chỉ đơn thuần là những mảng màu, nét, hình thể mà sự vận hành của phần mềm cho phép người sử dụng đưa những hình ảnh chất liệu thực vào tài nguyên tư liệu kỹ thuật số để kết hợp với các hình vẽ trên máy. Do vậy, không chỉ vẽ tay với những chất liệu và phương tiện thể hiện có thực, họa sĩ thiết kế vẫn có thể sáng tạo hình ảnh bằng việc sử dụng các chất liệu và phương tiện đó trên các phần mềm. Những đặc tính, sự thuận lợi và khác biệt của mỗi phương thức vẽ hình kết hợp với nhau đã tạo ra những hình ảnh sinh động, phong phú và phù hợp với sự đòi hỏi của thị hiếu hiện đại và yêu cầu của khách hàng trong thời đại kỹ thuật số hiện nay.
Sự kết hợp của đồ họa ấn loát và đồ họa số giúp cho hình ảnh thiết kế có sức tác động mạnh đến thị giác của người xem. Như cách mà bộ lịch 60 giờ trái đất của Inca media khéo léo kết hợp thủ pháp xé giấy và cắt ghép ảnh để tạo nên bộ lịch có cách nhìn vô cùng sáng tạo về chủ đề bảo vệ môi trường.
Bên cạnh những hình thức sáng tạo hình ảnh truyền thống khai thác chủ đề từ cuộc sống, thì xây dựng hình ảnh lấy chữ làm hình ảnh kết hợp với đồ họa truyền thống cũng là một kỹ thuật được sử dụng trong thiết kế giai đoạn này. Như bộ lịch của Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng khai thác hình ảnh chụp những con tàu sau đó kết hợp với kỹ thuật vẽ sơn dầu cùng với hình vector số tháng khéo léo làm nền mang đến cảm nhận vừa mang tính truyền thống như một bức tranh sơn dầu lại vô cùng hiện đại. Pablo Picasso từng nói: “Nghệ sĩ là một bình chứa đựng những cảm xúc lấy từ khắp nơi: từ bầu trời, trái đất, một mảnh giấy, một hình dáng lướt qua hay một màng nhện nhỏ nhoi”. Việc vận dụng và kết hợp các tác phẩm đồ họa là không có giới hạn, nhiệm vụ của người thiết kế là nắm rõ và sáng tạo ra những cách thức thể hiện phù hợp với ý đồ và nội dung thiết kế nhằm làm phong phú thêm các tác phẩm đồ họa bằng cách sáng tạo hình ảnh.
Xây dựng hình ảnh kết hợp chữ số và sơn dầu - Nguồn ảnh: Phạm Hồng Thanh
Sự phong phú trong sáng tạo hình ảnh thiết kế đồ họa không chỉ ở hình ảnh chụp hình vẽ nghệ thuật hay các hình thể hiện ở dạng chữ mà còn ở kỹ thuật thể hiện để tạo nên hình thức mới. Trước đây, bản thiết kế sau khi được hoàn thiện in ra và gia công tới tay người người sử dụng. Ngày nay, những sản phẩm thiết kế ngoài việc in ra mà còn được thiết kế hình ảnh giàu sáng tạo có hiệu ứng ánh sáng hoặc sự tương tác với người dùng… xuất hiện nhiều trong các sản phẩm thiết kế đồ họa.
5. Kết luận
Bản thân mỗi tác phẩm đồ họa có thế mạnh biểu cảm khác nhau về hình ảnh, với sự đa dạng trong nét vẽ, màu sắc, mảng phẳng hay tạo hình 3D; đồ họa số và sự kết hợp khéo léo của đồ họa ấn loát và đồ họa số đã tạo cho hình ảnh thiết kế có sức tác động mạnh đến thị giác của người xem. Chúng tạo nên cái “chất” của đồ họa trong kỷ nguyên số này khi có độ đanh của công nghệ kỹ thuật số. Có chất cảm của xúc cảm trong những nét vẽ, mảng màu, hình thể và chất liệu của đồ họa truyền thống khi kết hợp với nhau; có sự tính toán và ngẫu hứng; và chúng có tính chất của thời đại, tạo nên đa dạng cảm xúc truyền tải những thông điệp khác nhau cho mỗi hình ảnh. Hiện nay, thiết kế đồ họa có mặt ở khắp nơi; đó là một thành tố quan trọng trong hệ thống in ấn và thông tin điện tử phức tạp của chúng ta. Nó lan tỏa khắp xã hội đương đại, truyền tải thông tin, nhận dạng sản phẩm, giải trí, và những thông điệp đầy sức thuyết phục. Tiến bộ không ngừng của công nghệ đã và đang thay đổi đáng kể cách thức mà thiết kế đồ họa được tạo ra và truyền tải đến khách hàng. Vai trò của đồ họa kỹ thuật số là không thể phủ nhận, mang đến hình thức truyền cảm và sự rõ ràng về nội dung thông qua xây dựng hình ảnh làm thông điệp giao tiếp tác động tích cực đến sự tiện ích của cuộc sống đương đại.
______________________
Tài liệu tham khảo
1. Ambrose, Gavin & Harris, Paul, The Fundamentals of Creative Design (Những nguyên lý cơ bản trong thiết kế sáng tạo), AVA Publishing, Canada, 2003.
2. Ambrose, Gavin, & Harris, Paul, Basics Design 04: Image (Thiết kế cơ bản 04: Hình ảnh), AVA Publishing, 2006.
3. Đặng Thị Thanh Hoa, Nghệ thuật hình ảnh trong áp phích quảng cáo thương mại ở Hà Nội giai đoạn 1997-2017, Luận án tiến sĩ, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Hà Nội, 2019.
4. Hội Mỹ thuật Việt Nam, Thiết kế đồ họa 2006, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2006.
5. Đặng Minh Vũ, Vai trò của hình ảnh trong thiết kế đồ họa ứng dụng, Luận văn thạc sĩ mỹ thuật ứng dụng, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Hà Nội, 2010.
6. White, Alexander W., The Elements of Graphic Design (Các yếu tố thiết kế đồ họa), Allworth Press, New York, 2011.
Ths PHẠM HỒNG THANH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 560, tháng 2-2024