Nghệ thuật tạo hình tượng thú gốm trang trí tiểu cảnh trong mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại

Nghệ thuật gốm trang trí là một phần quan trọng của văn hóa và nghệ thuật ở Bình Dương, đặc biệt là trong việc tạo ra các sản phẩm trang trí tiểu cảnh thú vị và ấn tượng. Từ những bản sắc truyền thống đến sự đổi mới hiện đại, nghệ thuật tạo hình trên gốm trang trí tiểu cảnh đã trải qua một cuộc hình thành và phát triển đầy sáng tạo, phản ánh tâm hồn và sự đa dạng của người nghệ nhân. Loại hình nghệ thuật này còn được đánh giá cao từ cộng đồng nghệ thuật và người yêu gốm trang trí trên khắp cả nước. Bài viết đi sâu nghiên cứu quá trình sáng tạo để thấy được sự hấp dẫn bởi những xu hướng phát triển độc đáo từ văn hóa truyền thống và hành trình biến đổi đầy màu sắc và đa chiều của nghệ thuật gốm trang trí tiểu cảnh ở Bình Dương hiện nay.

Tượng đàn gà mẹ con (men sứ) - Nguồn: tác giả

1. Nghệ thuật tạo hình trên gốm trang trí và tiểu cảnh

Gốm trang trí nghệ thuật đã có từ hàng nghìn năm trước đây. Bằng khối óc sáng tạo và tay nghề điêu khắc tinh xảo của các nghệ nhân xưa, thông qua chất liệu đất sét, các tác phẩm được nung ở nhiệt độ cao để biến chúng thành các tác phẩm cứng chắc và bền vững. Nghệ thuật gốm trang trí không chỉ được thể hiện qua các loại sản phẩm như bát đĩa, bình hoa, tranh trang trí, đèn trang trí… mà còn đặc biệt được thể hiện bởi các tác phẩm tượng gốm với các chủ đề về muôn thú vật. Các hình tượng nghệ thuật khá phong phú về hình dáng và chủng loại dùng để trang trí tiểu cảnh, góp phần sinh động cho không gian sống. Nghệ thuật gốm trang trí không chỉ mang nét đẹp nghệ thuật mà còn mang đậm nét đẹp của giá trị văn hóa và lịch sử.

Việc trưng bày các tác phẩm gốm trang trí trong các không gian sống là cả một nghệ thuật sắp đặt. Các tác phẩm được sắp đặt thành nhiều dạng bố cục, tạo nên nhiều tiểu cảnh khác nhau rất phong phú, độc đáo. Việc thực hiện các tiểu cảnh là cách tạo ra các tác phẩm minh họa về một phần của thiên nhiên hoặc một cảnh vật nhỏ trong không gian nào đó. Điều này bao gồm sự sắp đặt cẩn thận của cây cỏ, đá, nước và các đối tượng chính. Để tạo ra một cảnh vật tự nhiên hoặc trừu tượng, dù nhỏ hay lớn, ít hay nhiều thì khi được ứng dụng sắp đặt để trang trí trong các không gian nội thất hoặc ngoại thất, môi trường công cộng cũng đều tạo ra những điểm nhấn thú vị, làm sinh động hơn cho không gian sống. Đồng thời, thúc đẩy sự kết nối giữa con người với thế giới xung quanh, mang lại tính mỹ cảm, góp phần làm đẹp quang cảnh và làm thư giãn tâm hồn của con người trong cuộc sống hiện đại ngày nay; đồng thời, tạo ra một môi trường sống hài hòa và nhẹ nhàng nhưng vẫn thể hiện được cái tôi, cá tính riêng của từng người.

2. Nghệ thuật tạo hình trên gốm trang trí tiểu cảnh ở Bình Dương trong mối quan hệ giữa các giá trị truyền thống và hiện đại

Nghệ thuật tạo hình trên gốm trang trí và tiểu cảnh ở Bình Dương đã biến đổi và phát triển theo thời gian, nhưng vẫn giữ vững những giá trị truyền thống. Các chủ đề được phát triển phong phú và đa dạng với những chủ đề quen thuộc, gắn liền với đời sống người dân miền quê rất được chú trọng và phát triển một cách mạnh mẽ. Đặc biệt, là chủ đề về các vật nuôi trong gia đình như: mèo, chó, gà, vịt, chim chóc… gợi nhớ về một cuộc sống miền quê, một tuổi thơ thanh bình và yên ả. Điều đó làm nên giá trị đích thực của những tác phẩm gần gũi này - tuy gần mà xa, tuy xa mà gần. Tất cả vừa có ranh giới, nhưng vừa như không có ranh giới để xác định về thời gian và không gian.

Tượng muông thú trong khuôn viên tiểu cảnh, chất liệu men gốm sứ - Nguồn: tác giả

Cùng với các chủ đề thể hiện sự quen thuộc với cuộc sống của con người miền quê, giá trị thẩm mỹ qua các sản phẩm thú gốm trang trí còn được thể hiện qua chất men và đây cũng là điều tiên quyết của những người yêu gốm đã lựa chọn đối tượng này cho việc trang trí tiểu cảnh không gian nhà mình. Rất nhiều người đã chọn gốm bởi đó là chất liệu đặc biệt, không chỉ đó là chất liệu địa phương truyền thống mà còn bởi chất men truyền thống vô cùng phong phú về màu sắc. Có nhiều loại men khác nhau, như men nung cao (hig - fire glage) thường được nung với nhiệt độ cao trên 12000C để tạo ra bề mặt gốm sáng bóng và chống nước tốt. Men sư (polcelain glaze) là loại men sứ, có độ bóng rất cao, mịn và trong suốt. Men nung thấp (low - file glaze) là loại men nung ở nhiệt độ thấp, tạp, nên bề mặt gốm mềm mịn, thường được sử dụng với các sản phẩm gốm thủ công. Men đất sét tự nhiên (earthenwware glaze) là loại men tạo ra màu đất sét tự nhiên, sản phẩm sử dụng men này được nung ở nhiệt độ thấp. Men nước (water - based glaze) là loại men sử dụng nước làm dung môi, sử dụng cho gốm thủ công. Với nhiều công thức và tính chất riêng biệt có thể tạo nên những bề mặt có vân mặt đa dạng khác nhau và cùng với sự sáng tạo rất độc đáo, có khi theo một công thức nhất định, có khi là sự sáng tạo ngẫu nhiên đã tạo nên những bề mặt trên chất liệu gốm độc đáo thì mỗi bản sản phẩm lại có sự khác nhau. Bên cạnh đó, sự thể hiện cách làm độc bản trên bề mặt chất liệu cũng là để minh chứng phần nào cho các tác phẩm được thực hiện bằng tay theo các công đoạn của các nghệ nhân lành nghề. Tất cả đó, như một sự tinh tế và công phu của cả một quá trình sản xuất để tạo ra các hoa văn và họa tiết độc đáo. Màu sắc trên các tác phẩm ngoài việc được tạo ra bởi chất men, vân mặt và màu sắc trên gốm cũng được tạo ra một cách hài hòa, ngọt ngào, đáp ứng được yêu cầu thẩm mỹ của nhiều khách hàng khác nhau. Những màu sắc này có khi được phủ một độ bóng nhất định của men, có khi được tạo ra thành những bề mặt gốm mờ, có ánh kim, độ xù xì thô mộc cũng tùy thuộc vào hình thức và chủ đề của tác phẩm mà tạo nên sự phong phú về chất liệu. Các yếu tố về chất liệu, màu sắc, vân mặt… được thể hiện rất tinh xảo, chính xác và chuẩn mực. Điều này làm cho tác phẩm sắc sảo và nâng cao giá trị của sản phẩm, cho dù được đặt trong những không gian sang trọng, cao cấp thì các sản phẩm này với độ hoàn thiện cao vẫn cân bằng được giá trị thẩm mỹ.

Cùng giá trị thẩm mỹ mà chủ đề, chất men mang lại sự thành công của loại hình gốm này không thể không kể đến sự độc đáo trong sáng tạo của các nghệ nhân. Ở các tác phẩm hiện đại, chúng vẫn mang trong mình những nét đặc trưng và tinh hoa truyền thống. Cách tạo hình tác phẩm thú gốm trang trí không chỉ phong phú trong chủ đề, đối tượng mà còn rất đa dạng về tạo hình, vừa mang tính đặc trưng của đối tượng, nhưng vẫn mang tính cách điệu cao. Hình dáng quen thuộc nhưng các tư thế sống động đặc trưng của từng đối tượng và ngược lại, tính đa dạng về chủ đề và phong cách nghệ thuật tạo hình linh thú trang trí trên gốm ở Bình Dương này thường rất đa dạng và phong phú. Có thể thấy, cả về cách trình bày các đối tượng với nhiều chủng loại khác nhau như: động vật trong rừng, vật nuôi, gia đình rất độc đáo và mới lạ. Chính vì điều này đã tạo nên sự hấp dẫn cho loại hình thú gốm trang trí này và cho dù cách điệu hay tả thực thì tỷ lệ của các tác phẩm cũng được các nghệ nhân cân nhắc một cách kỹ lưỡng để đảm bảo sự hài hòa cho tác phẩm. Khi thưởng thức các tác phẩm, nhất là các tác phẩm mang tính cách điệu cao, bao giờ người xem cũng cảm nhận được sự hài hòa, cân đối giữa các thành phần trong cùng một đối tượng. Vừa thể hiện được các chủ đề vui nhộn trong các hoạt động của động vật, các trạng thái tình cảm của chúng vô cùng đáng yêu, mang lại cảm giác ấm cúng, gần gũi và đầy yêu thương của hai đối tượng là tác phẩm và người thưởng thức tác phẩm. Các đối tượng cho dù theo chủ đề nào, theo phong cách hiện đại hay truyền thống cũng được sáng tác theo những hình dạng tạo hình đầy sáng tạo mới.

Thời gian gần đây, nghệ thuật truyền thống gốm trang trí ở Bình Dương đã tiếp tục tồn tại và phát triển nhờ vào một số yếu tố quan trọng, đó chính là công tác bảo tồn và truyền đạt những giá trị truyền thống. Người nghệ nhân truyền thống đã truyền đạt kiến thức và kỹ thuật của họ cho thế hệ trẻ; từ đó, các phương pháp sản xuất và kỹ thuật truyền thống được bảo tồn và sử dụng. Các thế hệ luôn luôn ý thức được giá trị truyền thống nếu việc kết hợp giữa truyền thống và hiện đại luôn được đặt lên hàng đầu. Người nghệ nhân thường sử dụng kỹ thuật và phong cách truyền thống, nhưng cũng đưa vào yếu tố hiện đại để tạo ra các tác phẩm độc đáo, cùng với đó sự sáng tạo trong chủ đề và kỹ thuật cũng luôn được chú ý. Nghệ sĩ truyền thống không ngừng sáng tạo trong việc chọn chủ đề và kỹ thuật, mà họ còn tạo ra những tác phẩm mới với các ý tưởng và nguồn cảm hứng đa dạng. Họ luôn luôn học hỏi dựa trên sự nghiên cứu thị trường trong nước và ngoài nước. Luôn luôn tiếp nhận và cải tiến sản phẩm để tiếp cận thị trường và những khách hàng mới. Nhờ vào sự kết hợp giữa bảo tồn truyền thống và sự sáng tạo hiện đại, nghệ thuật gốm trang trí truyền thống ở Bình Dương vẫn tồn tại và phát triển mạnh mẽ, thể hiện sự linh hoạt và bền vững của loại hình nghệ thuật này trong thời điểm giao lưu hội nhập quốc tế như ngày nay.

Tượng sóc thú trong khuôn viên tiểu cảnh, chất liệu men gốm sứ - Nguồn: tác giả

Với sự tiếp nhận từ các thế hệ nghệ nhân sáng tác tiền bối, nghệ thuật gốm trang trí ngày nay còn được thế hệ trẻ tiếp cận các công nghệ tiên tiến để ứng dụng vào sản xuất; tích hợp các yếu tố hiện đại và sáng tạo vào quá trình tạo hình. Các nghệ nhân đã tích hợp công nghệ hiện đại vào nghệ thuật gốm trang trí và tiểu cảnh. Ví dụ như, họ có thể sử dụng máy móc và thiết bị điện tử để tạo ra các yếu tố tự động hoặc chuyển động trong tiểu cảnh, làm tăng tính tương tác và thú vị của tác phẩm. Việc sáng tạo trong chủ đề, nghệ sĩ đã tạo ra các tác phẩm với chủ đề và ý tưởng hiện đại và gắn liền với tính thực tiễn cuộc sống. Đó là, thay vì chỉ tập trung vào cảnh vật tự nhiên truyền thống, họ có thể sáng tạo với các ý tưởng trừu tượng hoặc thể hiện các vấn đề xã hội và môi trường trong tác phẩm của mình. Ngoài ra, họ còn nghiên cứu đến sự kết hợp với nghệ thuật khác, như các nghệ sĩ đã hợp tác với nghệ sĩ từ các lĩnh vực khác nhau như điêu khắc, hội họa và nghệ thuật nhiếp ảnh để tạo ra các tác phẩm đa dạng và phong cách. Vật liệu sử dụng là các vật liệu không truyền thống. Ngoài việc sử dụng đất sét và gốm sứ, nghệ sĩ đã thử nghiệm với các vật liệu khác nhau như kim loại, gỗ và thậm chí như nhựa, để tạo ra các tác phẩm gốm trang trí, tiểu cảnh sáng tạo một cách đẹp và bền. Những sáng tạo này đã làm cho nghệ thuật gốm trang trí và tiểu cảnh ở Bình Dương trở nên đa dạng và thú vị hơn bao giờ hết. Sự tiếp nhận, tích hợp các yếu tố hiện đại và sáng tạo đã giúp nghệ thuật này thích nghi với thời đại mới và thu hút sự quan tâm của nhiều người yêu nghệ thuật.

3. Một số tác phẩm gốm trang trí tiểu cảnh tiêu biểu ở Bình Dương

Các tác phẩm gốm trang trí tiểu cảnh ở Bình Dương thường sử dụng nhiều phương pháp, công nghệ và kỹ thuật để tạo ra những tác phẩm độc đáo và thú vị. Ngoài các kỹ thuật truyền thống như: kỹ thuật gốm truyền thống, kỹ thuật điêu khắc kỹ thuật sơn và glaze, kỹ thuật trang trí, kỹ thuật đúc và làm khuôn, các nghệ nhân thế hệ trẻ còn ứng dụng các giải pháp công nghệ vào quá trình sản xuất như sử dụng công nghệ số như: máy in 3D và máy CNC có thể được sử dụng để tạo ra các phần của tác phẩm hoặc để thực hiện các quy trình phức tạp như cắt, đục để tạo hình. Sử dụng công nghệ 3D Printing: Công nghệ in 3D đã mở ra cơ hội mới cho người nghệ nhân gốm trang trí, để có thể tạo ra các mẫu in 3D chính xác và phức tạp mà trước đây khó có thể làm bằng tay. Điều này, giúp tạo ra các tác phẩm gốm trang trí độc đáo và tinh tế hơn; sử dụng gốm sứ kỹ thuật số: gốm sứ kỹ thuật số là một phát triển mới cho việc sản xuất gốm. Công nghệ này cho phép tạo ra các tác phẩm với độ chính xác cao bằng cách sử dụng máy tính và máy in kỹ thuật số. Điều này giúp tạo ra các bức tranh và mô hình với độ phức tạp cao và chi tiết tinh xảo. Sử dụng năng lượng mặt trời và lò nhiệt điện: sử dụng năng lượng mặt trời và lò nhiệt điện đã trở thành một phần của nỗ lực của người nghệ nhân để làm cho quá trình nung gốm trở nên bền vững hơn với môi trường. Điều này thể hiện tinh thần xanh và bảo vệ môi trường trong việc sản xuất gốm trang trí; sáng tạo trong thiết kế gốm: người nghệ nhân ngày càng táo bạo trong việc thiết kế gốm trang trí. Họ thường tạo ra các tác phẩm có hình dạng và cấu trúc không truyền thống, thúc đẩy giới hạn của kỹ thuật gốm truyền thống và tạo ra những tác phẩm độc đáo và hiện đại; sáng kiến sản phẩm tự động hóa: trong quá trình sản xuất hàng loạt, người nghệ nhân đã sử dụng sự tự động hóa để tăng hiệu suất và giảm lỗi. Các máy móc có thể thực hiện các nhiệm vụ như cắt, nung và sơn một cách chính xác, giúp tạo ra các sản phẩm gốm trang trí đồng nhất và chất lượng hơn.

Những sáng kiến và phát triển này đã tạo ra sự đa dạng và sáng tạo trong lĩnh vực sản xuất nghệ thuật gốm. Người nghệ nhân và nhà sản xuất đã tận dụng công nghệ và các phương pháp mới để tạo ra các tác phẩm gốm trang trí độc đáo và thú vị hơn, thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật này trong thời đại hiện đại. Những phương pháp, công nghệ và kỹ thuật này đều đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các tác phẩm gốm trang trí tiểu cảnh ấn tượng ở Bình Dương. Sự sáng tạo và kỹ thuật chuyên môn của người nghệ sĩ địa phương đã tạo ra một loạt tác phẩm đa dạng và phong cách trong lĩnh vực này.

4. Kết luận

Nghệ thuật gốm trang trí tiểu cảnh là một lĩnh vực sáng tạo kết hợp giữa nghệ thuật gốm và thiết kế tiểu cảnh, thường sử dụng để tạo ra các tác phẩm trang trí trong các không gian sống. Các tác phẩm gốm trang trí luôn mang trong mình nhiều giá trị cho từng thành viên trong gia đình nói riêng và cho xã hội nói chung. Chúng đạt được giá trị thẩm mỹ thông qua giá trị truyền thống thông qua các chủ đề, chất men. Tính hiện đại thông qua các tạo hình, ứng dụng các công nghệ trong quá trình sản xuất. Nghệ thuật tạo hình hiện đại trên gốm trang trí tiểu cảnh tại Bình Dương có tầm quan trọng lớn, đó là bảo tồn và phát triển di sản văn hóa; thúc đẩy du lịch văn hóa. Nghệ thuật gốm trang trí tiểu cảnh trở thành một phần quan trọng của du lịch văn hóa ở Bình Dương; tạo cơ hội kinh doanh và nghề nghiệp, kết nối và hợp tác; thể hiện sự đa dạng và sáng tạo; thúc đẩy tính sáng tạo và tư duy hiện đại. Có thể nói, nghệ thuật tạo hình hiện đại trên gốm trang trí tiểu cảnh ở Bình Dương không chỉ là một biểu tượng của văn hóa và di sản địa phương, mà còn đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy du lịch văn hóa, kinh doanh địa phương và sự sáng tạo trong cộng đồng nghệ thuật. Nó thể hiện sự đa dạng và sáng tạo của người dân Bình Dương và góp phần vào sự phát triển của vùng đất này.

Ths NGUYỄN QUỐC BẢO

Nguồn: Tạp chí VHNT số 560, tháng 2-2024

;