Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng: Phản bác luận điệu xuyên tạc về tinh gọn bộ máy

Cuộc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị với quan điểm “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm được xem là “cuộc cách mạng”, tạo bước đột phá. Tuy nhiên, các thế lực thù địch đã tung ra những luận điệu xuyên tạc về chủ trương tinh gọn bộ máy nhằm chống phá Đảng. Chúng ta cần nhận diện, cảnh giác trước luận điệu vu khống, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, lợi ích của đất nước.

Việc sắp xếp tinh gọn bộ máy giúp hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả - Ảnh: hanoimoi.vn

Công tác cán bộ và tổ chức bộ máy là then chốt

Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”(*), “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Đảng ta đã xác định: “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng”. Công tác cán bộ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Công tác tổ chức bộ máy là then chốt của then chốt, đặc biệt là tầm quan trọng của việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Từ Đại hội VII đến nay, Đảng ta liên tục ban hành nhiều nghị quyết, kết luận để lãnh đạo thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả, xây dựng cơ cấu đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất và năng lực xứng tầm. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, có ý nghĩa sống còn nhằm tạo ra sự chủ động, sáng tạo, đột phá đối với sự phát triển của đất nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng một hệ thống chính trị hiện đại, minh bạch, khát vọng vươn mình của Việt Nam trong kỷ nguyên mới.

Ngày 25/10/2017, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Nghị quyết 18). Đến nay, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 18 đã đạt được một số kết quả, song thực sự vẫn chưa được như mong muốn.

Đất nước bước vào kỷ nguyên mới, cần phải có một bộ máy điều hành được đổi mới từ diện mạo đến phong cách lãnh đạo và trách nhiệm làm việc của mỗi cán bộ, đảng viên.

Bài viết “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” ra ngày 5/11/2024 của Tổng Bí thư Tô Lâm, chỉ rõ: “qua nhiều kỳ đại hội, nhất là trong các đại hội gần đây, trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ IX, XII, XIII đều nhấn mạnh các nhiệm vụ cụ thể về tinh gọn tổ chức bộ máy hoặc nghiên cứu xây dựng mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị trong giai đoạn mới”, đã trở thành kim chỉ nam quan trọng cho việc xây dựng một bộ máy nhà nước tinh gọn, phù hợp với yêu cầu phát triển của thời đại. Đây không chỉ là một định hướng cải cách hành chính mà còn là trọng điểm chiến lược để tạo dựng một hệ thống quản lý nhà nước khoa học, minh bạch, tăng cường sức sống cho hệ thống quản lý điều hành đất nước.

Việc tinh gọn lần này tiến hành đồng bộ từ trên xuống, theo đúng phương châm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm: Trung ương phải gương mẫu, các ban của Đảng phải gương mẫu, Quốc hội gương mẫu, Chính phủ gương mẫu. Sắp xếp, tinh gọn bộ máy chính trị giờ đây là xu hướng tất yếu, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và trở thành mệnh lệnh tất yếu của cuộc sống; tinh gọn cho “Nhẹ để cất cánh” hoặc “Thà ít mà tốt”.

Phản bác luận điệu vu cáo, xuyên tạc về tinh gọn bộ máy

Lợi dụng việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết liệt triển khai thực hiện chủ trương tiếp tục thực hiện Nghị quyết 18 nhằm chuẩn bị tốt về mọi mặt tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng vào đầu năm 2026, để đất nước vững tin bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, các thế lực thù địch, tổ chức phản động như Việt Tân, News,… các Đài châu Á tự do, RFI, Việt Nam Thời báo,… vẫn tiếp tục chiêu trò, “lý luận” xuyên tạc cho rằng cuộc cách mạng tinh gọn hệ thống chính trị ở Việt Nam chỉ là dân túy, mục đích nhằm “chia ghế” để “sau này có phiếu thông qua các quyết sách quan trọng”. Chúng rêu rao rằng, việc tinh giản biên chế ở Việt Nam chỉ là hình thức vì “mấy năm gần đây cứ ra rả, nhắc đi nhắc lại khẩu hiệu “tinh giản biên chế”, bởi bộ máy hành chính vừa nhiều vừa vô dụng, kém chất lượng…” nhưng thực ra chỉ là “giảm chỗ này, phình chỗ khác”, còn về bản chất thì “cơ cấu bộ máy, nhân sự không hề khác nhau”.

Thậm chí, chúng bày ra thuyết âm mưu “đấu đá quyền lực, phe nhóm”, vu cáo, bóp méo rằng “tinh giản chẳng qua chỉ là cách hợp thức hóa để hạ bệ hoặc gia cố quyền lực trong hệ thống chính trị”; xảo biện, tung tin thất thiệt: Việt Nam không có tinh giản biên chế, không có tinh gọn bộ máy mà đây chỉ là “miếng bánh phân chia quyền lực”, chuyện của “các phe phái”... Đồng thời mỉa mai, “vì sao ra chừng ấy Nghị quyết rồi mà cải cách chưa hiệu quả? Vấn đề sâu xa nằm ở thể chế. Đảng đóng vai trò độc quyền trong quản lý đất nước, hệ quả là quyền lực của nhân dân hoàn toàn chỉ là hình thức”, “chủ trương tinh gọn chỉ là hình thức bề ngoài, thực chất vẫn chỉ là “bình mới rượu cũ”, tạo cơ hội chạy ghế, chạy chức, gây tốn kém tiền của của nhân dân”.

Nguy hiểm hơn, các phần tử chống đối còn dùng chiêu trò thâm độc, ý đồ đen tối là: Đã kết thúc diễn biến hòa bình, “không còn đối tượng tác chiến” do “Việt Nam đã nhích lại gần phương Tây”, “đã thân thiện với các nhà tư sản khi một số nước phương Tây đã là đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam” và “Việt Nam muốn làm bạn với họ”,… mặt khác dựng chuyện, bịa đặt “Lãnh đạo Việt Nam đã mở rộng cửa để tiếp nhận công nghệ, đồng đôla và các chuyên gia phương Tây vào Việt Nam”, “Tổng Bí thư và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đang khẩn thiết mời chào các nhà tư bản phương Tây vào Việt Nam để đầu tư, phát triển”,… nên “giảm quân, kết thúc hoạt động của một số cơ quan, đơn vị quân đội là yêu cầu cấp bách hiện nay”; do vậy “đây là cơ hội để quân đội giảm quân”, “kết thúc nhiệm vụ của nhiều quân, binh chủng, lực lượng không còn phù hợp”, “giảm tiền đóng thuế của dân để ưu tiên cho phát triển đất nước”.

Đây là những luận điệu vu khống, cố tình bóp méo sự thật, thiếu tư duy lôgic, đưa ra những quan điểm không đồng thuận, đánh tráo khái niệm, phủ nhận bản chất tốt đẹp, tính ưu việt của Nhà nước Việt Nam, gây hoang mang dư luận, với mưu đồ chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá Đảng và Nhà nước, làm mất niềm tin của nhân dân với Đảng, với chế độ.

Trong nhiều năm qua việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy đã được Đảng và Nhà nước ta triển khai với mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giảm chi phí bộ máy, dành nguồn lực cho phát triển đất nước. Điều này thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng ta, chứ không phải “tranh giành quyền lực”, “đấu đá nội bộ” hay “làm cho có”, “mang tính hình thức” như các thế lực thù địch đang cố tình bôi nhọ, xuyên tạc.

Thực tiễn chứng minh, tổ chức bộ máy Nhà nước ở Việt Nam luôn có sự điều chỉnh phù hợp, theo hướng tinh gọn bộ máy, phát huy hiệu lực, hiệu quả; chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của từng tổ chức trong hệ thống chính trị được phân định, điều chỉnh hợp lý hơn, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN).

Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ: Nhận thức và hành động của một số cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu ở một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương chưa đầy đủ, chưa sâu sắc, quyết tâm chưa cao, hành động chưa quyết liệt, việc sắp xếp tổ chức bộ máy chưa đồng bộ, tổng thể, chưa gắn tinh giản biên chế với cơ cấu lại... một số bộ, ngành còn ôm đồm nhiệm vụ của địa phương, dẫn đến tồn tại cơ chế xin - cho, dễ nảy sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực... Chính vì vậy, cho đến nay, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, quan hệ công tác giữa nhiều cơ quan, bộ phận chưa thật rõ ràng, còn trùng lắp, chồng chéo…

 Gần 40 năm đổi mới đang đem đến cơ hội lịch sử đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra định hướng phát triển đất nước đến năm 2030, “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước”.

Giải pháp phản bác luận điệu xuyên tạc về tinh gọn bộ máy

Để đấu tranh phản bác có hiệu quả các luận điệu vu cáo, xuyên tạc về tinh gọn bộ máy cần thực hiện giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường công tác công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức trách nhiệm, quyết tâm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhất là người đứng đầu trong việc thực hiện Nghị quyết 18 và các chủ trương, quy định của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, địa phương. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, thuyết phục, tạo sự thống nhất cao trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội về đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế, không để các thế lực thù địch, các phần tử xấu lợi dụng xuyên tạc, chống phá, chia rẽ nội bộ.

 Thứ hai, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cần trang bị kỹ năng nhận diện những quan điểm sai trái để tránh bị lôi kéo bởi các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc; chủ động nắm rõ tình hình, dư luận xã hội, những thông tin bịa đặt với mưu đồ chống phá của các thế lực thù địch nhằm đề ra giải pháp đấu tranh phản bác các luận điệu vu cáo, chiêu trò bẻ cong dư luận trên các trang mạng xã hội từ sớm, từ xa. Kịp thời vạch trần tính chất nguy hiểm của phần tử chống đối tung tin thật - giả, đúng - sai để chống phá Đảng.

Thứ ba, đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ,… theo hướng việc tìm người; không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong đánh giá cán bộ.

Thứ tư, báo chí và các phương tiện truyền thông kịp thời phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tinh gọn bộ máy để nhân dân thông suốt, hiểu rõ mục tiêu, lộ trình và phương pháp triển khai thực hiện nhằm tạo sức đề kháng “miễn dịch” trước mưu đồ nguy hiểm, thâm độc của các phần tử phản động.

Thứ năm, đổi mới tư duy, phong cách, văn hóa làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức với phương châm trách nhiệm, liêm chính, mẫu mực, tận tụy, phục vụ nhân dân; khuyến khích tinh thần “7 dám” là dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung. Đây vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp của công tác bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ của thời đại mới.

Thứ sáu, tăng cường kiểm tra, giám sát, xác định rõ trách nhiệm giữa trung ương và địa phương, các cấp ủy, chính quyền địa phương, giữa người quản lý và người lao động. Có cơ chế kiểm tra, giám sát cụ thể, rõ ràng, phát huy tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo của các đơn vị, địa phương, đảm bảo tính thống nhất trong quản lý nhà nước.

Thứ bảy, xây dựng chính sách đãi ngộ hợp lý, bảo đảm quyền lợi chính đáng của cán bộ, công chức, viên chức, khuyến khích tinh thần học hỏi, đổi mới thích ứng với sự thay đổi nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của bộ máy tinh gọn và hiệu quả.

Thứ tám, tập trung vào công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ theo hướng chuyên môn hóa cao. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và sắp xếp tổ chức theo mô hình quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, gắn với thực hiện nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện, chịu trách nhiệm chính, đáp ứng các yêu cầu công việc theo công nghệ 4.0.

_________________

(*) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, t.5, tr.309.

NGUYỄN THANH HOÀNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 600, tháng 3-2025

;