Huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) - Điểm sáng về giữ gìn “hồn cốt” văn hóa các dân tộc thiểu số

Giữ gìn giá trị bền vững văn hóa các dân tộc thiểu số là một trong những quan tâm đặc biệt của công cuộc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc theo tinh thần của Đại hội XIII của Đảng. Đây chính là “nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế”. Trong những năm qua, huyện A Lưới luôn quan tâm đến công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, tạo được mối quan hệ hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, giữa tăng trưởng kinh tế với các mục tiêu về văn hóa, môi trường cảnh quan, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững, tránh nguy cơ bị mai một do sự giao thoa, du nhập văn hóa từ bên ngoài trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.

Những giá trị truyền thống được bảo tồn thông qua Lễ hội

 

Quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc giữ gìn “hồn cốt” văn hóa các dân tộc thiểu số

Xác định văn hóa là nhân tố quan trọng trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội, nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/HU, ngày 8 - 10 - 2021 của Huyện ủy về “Bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới giai đoạn 2021-2025 tầm nhìn đến năm 2030”, UBND huyện A Lưới đã ban hành Đề án số 08/ĐA-UBND, ngày 8/7/2021 về “Bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”; huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án nhằm huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết.

Để hiện thực hóa các nội dung trong Nghị quyết, đề án, các đơn vị liên quan đã triển khai có hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ của mình, trong đó vai trò của Phòng Văn hóa Thông tin là đầu mối, điều phối triển khai tốt các hoạt động; cùng với đó, ý thức của đồng bào các dân tộc trên địa bàn đã chủ động, tích cực gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa để truyền lại cho các thế hệ mai sau. Vì vậy, hiệu quả công tác bảo tồn các giá trị văn hóa đã thu được những kết quả hết sức quan trọng. Theo thống kê, trên địa bàn huyện có 150 nhà sinh hoạt cộng đồng, trong đó đã khôi phục được 20 nhà Rông truyền thống của dân tộc Tà Ôi; 3 nhà Gươl truyền thống của dân tộc Cơ tu; 1 Moong truyền thống của dân tộc Pa Cô; huyện đã đầu tư xây dựng Trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng các dân tộc, Trung tâm Thông tin Du lịch cấp huyện, 3 Trung tâm trưng bày hiện vật văn hóa và hiện vật chiến tranh. Xây dựng 1 Làng văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số huyện A Lưới, phục dựng thành công 3 khu nhà Piing truyền thống của dân tộc Pa Cô và 1 khu nhà Piing truyền thống của dân tộc Cơ Tu, lắp đặt 118 bảng tên làng bằng 3 thứ tiếng Việt, Anh và tiếng bản địa.

Học sinh tham quan trưng bày

 

Qua gần 5 năm thực hiện đề án giai đoạn 2021 – 2025, Phòng VHTT huyện phối hợp với các nhà nghiên cứu, già làng dịch chuyển lời 25 ca khúc viết về Đảng, Bác Hồ và ca ngợi quê hương A Lưới; Mở các lớp học chữ viết, tiếng nói của các dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, lồng ghép giới thiệu các lễ hội truyền thống, dân ca, dân vũ, dân nhạc vào các tiết học trong chương trình dạy học từ bậc Mầm non đến Trung học cơ sở; Sưu tầm 40 lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc, biên tập, biên soạn, dịch thuật in ấn sách về quy trình tổ chức các lễ hội truyền thống bằng 2 ngôn ngữ. Đồng thời, tổ chức tái hiện các lễ hội truyền thống để bảo tồn văn hoá các dân tộc như: Lễ hội A Da Koonh, tục Đi sim (Pộc Xu), nghệ thuật tắm tiên tại làng du lịch cộng đồng sinh thái A Nôr, lễ hội A Riêu Ngỏi Đung, Lễ hội dâng Dèng, Lễ hội A Riêu Piing; Phục dựng thành công các lễ hội: Âr Pục, Choan Đung, Pia A Sia của người Pa Cô; lễ hội Ân Ninh, Tưch Giàng Coh, Moot Đoong của người Cơ Tu; lễ hội Y Kleeng Tang, Koal, Moot Đeeng và Ka Lirh của người Tà Ôi; Mở các lớp truyền dạy dân ca, dân nhạc, dân vũ của dân tộc Pa Cô tại Làng du lịch sinh thái cộng đồng A Nôr và làng A Roàng 2. Đây cũng là một trong những giải pháp nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, từ đó từng bước xây dựng các sản phẩm văn hóa đặc trưng, gắn với phát triển du lịch địa phương, thu hút và đáp ứng nhu cầu của du khách đến tham quan du lịch tại A Lưới.

Đối với các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn, đã hoàn thành lập quy hoạch, cắm mốc khoanh vùng bảo vệ 4 điểm di tích đã được xếp hạng di tích (Đồi A Bia, Sân bay A So, Động Tiên Công, Địa đạo A Đon). Lập hồ sơ khoa học đề nghị nâng cấp di tích địa điểm chứng tích chiến tranh hóa học của đế quốc Mỹ tại Sân bay A So, xã Đông Sơn từ di tích cấp quốc gia thành di tích cấp quốc gia đặc biệt; công nhận xếp hạng di tích đối với địa điểm Sân bay A Co, xã Hồng Thượng và 300 m đoạn đường Hồ Chí Minh nguyên bản tại thôn Đút 1, xã Hồng Kim. Lập hồ sơ khoa học đề nghị nâng cấp di tích Ngã ba đầu đường 74 đường 14B, xã Lâm Đớt từ di tích cấp quốc gia thành di tích cấp quốc gia đặc biệt; di tích Địa đạo A Đon - trụ sở Đài Phát thanh giải phóng Huế, xã Quảng Nhâm từ di tích cấp tỉnh thành di tích cấp quốc gia; công nhận xếp hạng di tích đối với Địa đạo A Bó, xã Lâm Đớt và Địa đạo Nam Sơn, xã Hồng Bắc. Lập hồ sơ khoa học Lễ hội A Riêu Car đề nghị Bộ VHTTDL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Văn hóa dân gian được phát huy ở các làng, thôn, bản của A Lưới

 

“Bồi đắp” các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số

Nhằm làm tốt công tác bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số, kế thừa những giá trị tinh hoa văn hóa dân tộc, lĩnh hội quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng và Nhà nước, phát huy những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp, riêng có của vùng đất phên dậu phía Tây của tỉnh Thừa Thiên Huế, hằng năm, huyện A Lưới tích cực tham gia tái hiện các lễ hội truyền thống và sinh hoạt hằng ngày tại Làng Văn hóa - Du lịch 54 dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).

Bên cạnh đó, A Lưới còn tham gia các liên hoan, hội diễn quy mô cấp tỉnh và khu vực như: Liên hoan Nghệ thuật quần chúng tỉnh Thừa Thiên Huế, Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên, Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào, Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế, tham gia trình diễn đường phố lễ hội A Da Koonh tại Festival Huế, Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”… Thông qua các hoạt động này góp phần bồi đắp thêm lòng tự hào và tình yêu quê hương đất nước, giáo dục cho thế hệ trẻ trách nhiệm trong việc học tập, ý thức bảo tồn, lan tỏa các giá trị văn hóa mà cha ông đã để lại. Nhiều làn điệu dân ca, dân vũ có nguy cơ bị thất truyền đã được phục dựng qua các kỳ liên hoan, hội diễn, nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống đã được làm mới trên nền tảng di sản nhưng mang hơi thở của cuộc sống đương đại, góp phần đưa di sản đến gần hơn với công chúng. Đồng thời, đây cũng là phương thức hữu hiệu để kế thừa và thực hành các loại hình văn hóa nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch tại địa phương.

Cũng theo Đề án, việc triển khai hiệu quả mô hình bảo tồn và mở các lớp truyền dạy nghề truyền thống như: nghề làm gốm, đan lát, điêu khắc tượng, chế tác cây Nêu,  đến nay đã khôi phục được 5 làng nghề truyền thống, 5 Hợp tác xã và 1 tổ hợp dệt Dèng, xây dựng 1 mô hình trải nghiệm, tìm hiểu nghề dệt Dèng dân tộc Tà Ôi, thôn Paris - Ka Vin tại xã Lâm Đớt. Các sản phẩm được tạo ra từ chất liệu Dèng bền, đẹp, có tính thẩm mỹ cao, được đưa đi tham gia triển lãm trong và ngoài nước, được du khách và các nhà thiết kế thời trang quan tâm và ưa chuộng. Huyện A Lưới cũng phối hợp với Sở VHTT Thừa Thiên Huế xây dựng mô hình trải nghiệm, tìm hiểu nghề dệt Dèng dân tộc Tà Ôi, thôn Paris - Ka Vin, tham gia triển lãm, thao diễn nghề dệt Dèng tại sự kiện “Một số dòng tranh dân gian tiêu biểu của Việt Nam và nghề thủ công truyền thống Huế” và “Nét đẹp văn hóa truyền thống A Lưới qua nghệ thuật ký hoạ”.

Sự phối hợp đồng bộ và nỗ lực của chính quyền, người dân trong thực thi và hưởng ứng chủ trương của huyện đã đem lại những kết quả quan trọng về công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện A Lưới. Qua đó, tiếp tục gìn giữ, bồi đắp những giá trị tốt đẹp để nối tiếp dòng chảy văn hóa chung tạo nên bản sắc riêng, nâng cao ý thức của cộng đồng để hiểu rõ sức mạnh của văn hóa và tự hào về truyền thống văn hóa dân tộc mình, để họ trở thành sứ giả, chung sức khôi phục, gìn giữ, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp vào trong đời sống.

Các học viên tham gia lớp truyền dạy

 

HẰNG NGUYỄN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 573, tháng 6-2024

;