Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024): Đề tài báo chí của Bác Hồ

Trong buổi nói chuyện với các nhà báo tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh chia sẻ: “Về nội dung viết, mà các cô, các chú gọi là “đề tài” thì tất cả những bài Bác viết chỉ có một “đề tài” là: chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Duyên nợ của Bác đối với báo chí là như vậy đó”.1

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Báo Nhân Dân - Ảnh tư liệu

 

Duyên nợ của Bác Hồ với báo chí

Tại nước Pháp, vào ngày 18/6/1919, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi bản Yêu sách của nhân dân Việt Nam tới Hội nghị Versailles. Bản Yêu sách được ký tên là Nguyễn Ái Quốc. Bản Yêu sách đã gây tiếng vang và được Báo Dân chúng (Le Populaire) và báo Nhân đạo (L' Humanité) đăng tải. Đặc biệt, trong bản Yêu sách, Người đã thay mặt toàn thể nhân dân Việt Nam yêu cầu chính quyền thực dân Pháp phải cho tự do báo chí và tự do ngôn luận.

Bởi vậy, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đến cám ơn báo Dân chúng (Le Populaire) thì Người được ông Jean Longuet - cháu ngoại của Karl Marx, chủ bút Báo Dân chúng (Le Populaire) mời cộng tác các tin tức thuộc địa cho báo. Người còn được ông Marcel Cachin, chủ bút Báo Nhân đạo (L' Humanité), mời cộng tác. Ngoài ra, Người cũng được ông Gaston Monmousseau, chủ bút Báo Đời sống thợ thuyền (La Vie Ouvrière), chỉ dẫn cho cách viết báo.

Trong thời gian ở nước Pháp (1917-1923), những bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo cánh tả ở Pháp nên số tiền nhuận bút không nhiều. Tuy nhiên, nó cũng của giúp Người có thêm trang trải trong cuộc sống để hoạt động cách mạng. Vì vậy, ban ngày Người đi làm, tối tham gia vận động cách mạng, đêm lại vẫn ngồi cặm cụi viết báo để lên án tội ác của chủ nghĩa thực dân.

Tại cuộc họp của Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa diễn ra vào ngày 19/2/1922 đã quyết định ra đời Báo Người cùng khổ (Le Paria) làm cơ quan ngôn luận của tổ chức này. Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đó là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp và là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa đã có những đóng góp tích cực để tờ báo này ra đời và phát triển.

Ngày 1/4/1922, Báo Người cùng khổ xuất bản số đầu tiên với tôn chỉ: “Báo Le Paria là vũ khí chiến đấu với sứ mạng đã rõ ràng: Giải phóng con người”. Tờ báo tồn tại trong 4 năm (4/1922 đến 4/1926) với 38 số. Tờ báo đã có ảnh hưởng lớn đối với công luận Pháp và phong trào yêu nước ở các thuộc địa. Tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam (1959), Chủ tịch Hồ Chí Minh kể lại: “Có một thời gian mình làm cả chủ bút, chủ nhiệm, giữ quỹ, phát hành và bán báo của tờ Báo Paria”.

Ông Max Clainvill Bloncourt (Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa) đã nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh như sau: “Anh Nguyễn Ái Quốc đã đóng góp rất nhiều cho tờ báo… Toàn bộ những bài báo của anh là bản án chủ nghĩa thực dân Pháp và là nguyện vọng giành độc lập, tự do cho nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước thuộc địa”.

Tháng 6/1923, theo lời mời của Quốc tế Cộng sản với tư cách là đại biểu của Đảng Cộng sản Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt chân đến Liên Xô và ở lại đây đến khoảng đầu tháng 10/1924. Tại Liên Xô, Người đã cộng tác viết bài cho Báo Sự thật (Pravda), Báo Tiếng còi (Gudok), Tạp chí Nữ công nhân (Rabotnitsa)…

Năm 1927, tại thủ đô Berlin của nước Đức, Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc cho tạp chí Thư tín quốc tế (Inprekorr) của Quốc tế Cộng sản. Người đã viết nhiều bài báo về tình cảnh ở châu Á và về các vấn đề thuộc địa trên tạp chí này.

Có kinh nghiệm tổ chức tòa soạn báo từ thời Báo Người cùng khổ (Le Paria), sau này Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí của mình đã tiếp tục cho ra đời các tờ báo: Quốc tế Nông dân (1924); Thanh Niên (1925); Công Nông (1925); Lính Kách mệnh (1927); Thân Ái (1928); Đỏ (1929); Việt Nam Độc lập (1941); Cứu Quốc (1942). Những tờ báo này có tác động to lớn trong việc kêu gọi nhân dân Việt Nam hăng hái tham gia cách mạng, góp phần dẫn đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Theo thống kê, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại kho tàng đồ sộ với hơn 2.000 bài báo. Theo thống kê, Người có hơn 170 tên gọi, bút danh và bí danh, trong số này, 2/3 được Người sử dụng trong các tác phẩm báo chí của mình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại kho tàng đồ sộ với hơn 2.000 bài báo - Ảnh tư liệu

 

Cách viết báo của Bác Hồ

Trong hành trình tìm đường cứu nước của mình (1911-1941), Chủ tịch Hồ Chí Minh thường đến các thư viện để đọc sách báo, đặc biệt là Thư viện quốc gia Pháp và Thư viện Đại học Phương Đông, Thư viện Trường Quốc tế Lênin, Thư viện Viện nghiên cứu dân tộc và thuộc địa (Liên Xô). Cứ có thời gian rảnh là Người lại đọc sách báo, thậm chí đọc đến nửa đêm. Sau này, nói chuyện với cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chia sẻ: “Bất luận làm công việc gì cũng cần phải đọc… Làm nhà báo, nhà văn lại càng phải đọc”.

Ngày 16/4/1959 tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới thăm, nói chuyện và chia sẻ những kinh nghiệm làm báo của mình tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam. Người chia sẻ: “Có đồng chí hỏi kinh nghiệm làm báo của Bác. Kinh nghiệm của Bác là kinh nghiệm ngược. Bác học viết báo Pháp trước, rồi học viết báo Trung Quốc, rồi sau mới học viết báo Việt Nam. Còn học thì một là học trong đời sống của mình, hai là học ở giai cấp công nhân. Lúc ở Paris, tuy biết nhiều tội ác của thực dân Pháp nhưng không biết làm thế nào để nêu lên được. Một đồng chí công nhân ở tòa báo Đời sống thợ thuyền cho Bác biết báo ấy có mục “tin tức vắn”, mỗi tin chỉ năm ba dòng thôi và bảo Bác có tin tức gì thì cứ viết, đồng chí ấy sẽ sửa lại cho. Từ đó, ngoài những giờ lao động, Bác bắt đầu viết những tin rất ngắn. Mỗi lần viết làm hai bản, một bản đưa cho báo, một bản thì giữ lại. Lần đầu tiên thấy tin được đăng thì rất sung sướng. Mỗi lần đều đem tin đã đăng trên báo so với bài mình đã viết, xem sai chỗ nào. Về sau đồng chí ấy bảo Bác cố viết dài thêm vài dòng nữa, rồi lại vài dòng nữa... Cứ thế kéo dài đến 15, 20 dòng, rồi đến cả một cột dài. Lúc đó đồng chí ấy lại bảo: “Thôi, bây giờ phải viết rút ngắn lại, cũng những việc như vậy nhưng phải viết cho rõ, cho gọn”…”.

Bởi vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh chia sẻ: “Kinh nghiệm của tôi thế này: Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc? Khi viết xong, thì nhờ anh em xem và sửa giùm” (2).

Trong bài “Cách viết” (ngày 17/8/1953), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dẫn cụ thể: “Lấy tài liệu đâu mà viết? Muốn có tài liệu thì phải tìm, tức là: 1- Nghe: lắng tai nghe các cán bộ, nghe các chiến sĩ, nghe đồng bào để lấy tài liệu mà viết. 2 - Hỏi: hỏi những người đi xa về, hỏi nhân dân, hỏi bộ đội những việc, những tình hình ở các nơi. 3 - Thấy: mình phải đi đến, xem xét mà thấy. 4 - Xem: xem báo chí, xem sách vở. Xem báo chí trong nước, xem báo chí nước ngoài. 5 - Ghi: những cái gì đã nghe, đã thấy, đã hỏi được, đã đọc được thì chép lấy để dùng mà viết”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Nhà máy in Tiến Bộ, ngày 13 - 5 -1959  Nguồn: Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
Ảnh: TL

Bác Hồ căn dặn các nhà báo cách mạng Việt Nam

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương nên sớm thành lập tổ chức của những người làm báo. Người đã giao cho nhà báo Xuân Thủy, Chủ nhiệm Báo Cứu Quốc đứng ra tổ chức, điều hành công việc tổ chức thành lập “Hội những người viết báo Việt Nam”.

Ngày 21/4/1950, đại biểu từ các cơ quan báo chí như: Sự thật, Cứu quốc, Độc lập, Lao động, Vệ quốc quân, Văn nghệ, Phụ nữ, Tiền phong, Việt Nam Thông tấn xã, Đài Tiếng nói Việt Nam… đã cùng tề tựu về tham dự Đại hội thành lập Hội những người viết báo Việt Nam. Đây được xem là Đại hội lần thứ I của Hội Nhà báo Việt Nam.

Tại Đại hội lần thứ II (4/1959), Hội Những người viết báo Việt Nam được đổi tên thành Hội Nhà báo Việt Nam và xác định đường lối, nhiệm vụ của những người viết báo trong giai đoạn mới. Trong buổi nói chuyện với các nhà báo tại Đại hội (16/4/1959), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới. Chính vì thế cho nên tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành, v.v.) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng.

Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu” (3).

Tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam (9/1962), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ” (4) và nhấn mạnh “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng” (5).

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động” (3).

Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nền báo chí cách mạng nước ta không ngừng phát triển và trưởng thành, đóng góp xứng đáng trong sự nghiệp phục vụ nhân dân, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

_______________

1. Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 419.
2. Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 465.
3. Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 414.
4. Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 616.
5. Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 616.
6. Hồ Chí MinhToàn tập, tập 13, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 466.

 

NGUYỄN VĂN TOÀN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 573, tháng 6-2024

 

;