Ngọc Hồi là huyện miền núi vùng cao, biên giới của tỉnh Kon Tum, có chung đường biên giới với huyện Tà Veng, tỉnh Ratanakiri, Campuchia và huyện Phu Vông, tỉnh Attapu (Lào). Toàn huyện có 7 xã và 1 thị trấn (5 xã biên giới), 68 thôn, tổ dân phố với 17 dân tộc cùng chung sống, trong đó có 3 dân tộc thiểu số tại chỗ là Xơ Đăng, Giẻ - Triêng, Brâu.
Một sự kiện văn hóa dân gian được huyện Ngọc Hồi tổ chức trong năm 2023
Trong những năm qua, chính quyền các cấp luôn quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy không gian văn hóa cồng chiêng và có nhiều giải pháp hiệu quả nhằm cùng đồng hành với người dân trong bảo tồn những di sản văn hóa dân tộc. UBND huyện đã hoạch định những nội dung, nhiệm vụ và phân công cụ thể cho từng cơ quan đơn vị tại Kế hoạch số 3128/KH-UBND ngày 19/9/2021 về Triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng giai đoạn 2021 - 2025”. Trên cơ sở văn bản chỉ đạo, điều hành của UBND huyện, các cơ quan chuyên môn đã chủ động phối hợp với nhau và phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao. Nhìn chung, qua triển khai thực hiện, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa làng truyền thống các dân tộc thiểu số đã đạt những kết quả nhất định.
Huyện xác định, muốn công tác bảo tồn di sản có hiệu quả bền vững, trước hết phải bắt đầu từ ý thức của người dân, của cộng đồng, những chủ thể sáng tạo và thưởng thức văn hóa. Vì vậy, công tác tuyên truyền luôn được tăng cường, thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú như treo băng rôn, pano, đăng tải tin, bài trên trang thông tin điện tử; phát sóng trên hệ thống truyền thanh huyện và cơ sở, tuyên truyền bằng loa xe lưu động đến tận từng khu dân cư. Ngoài ra, huyện còn tuyên truyền trực tiếp tới người dân tại các buổi chào cờ và họp làng hằng tháng. Các ứng dụng mạng xã hội Zalo, Facebook cũng được các cơ quan, tổ chức và cá nhân sự dụng để tuyên truyền, chuyển tải những hình ảnh, video, thông điệp về bảo tồn di sản văn hóa nói chung và cồng chiêng nói riêng, mang lại những hiệu quả tích cực.
Cùng với đó, UBND huyện còn quan tâm hỗ trợ kinh phí mua sắm cồng chiêng cho các làng DTTS tại chỗ chưa có cồng chiêng. Cụ thể, trong 3 năm (2021 – 2023), UBND huyện đã cấp 19 bộ cồng chiêng với tổng kinh phí là 859 triệu đồng. Như vậy, tính đến 31/12/2023, toàn huyện có 66 bộ cồng chiêng, trong đó 25 bộ là của cá nhân, 41 bộ của tập thể. Tất cả các thôn đồng bào DTTS tại chỗ đều có đội nghệ nhân chiêng – xoang. Họ tự hướng dẫn cho nhau đánh các bài chiêng, múa các điệu Xoang truyền thống và cùng nhau tập luyện, biểu diễn khi có sự kiện văn hóa được tổ chức.
Công tác truyền dạy cồng chiêng, múa Xoang cho các thế hệ trẻ được các địa phương quan tâm. Trong 3 năm (2021-2023), đã có 15 lớp truyền dạy cồng chiêng – xoang trong làng đồng bào các dân tộc thiểu số được tổ chức với hơn 300 người tham gia. Trong đó, xã Đắk Ang tổ chức 3 lớp tại thôn Gia Tun, Đắk Giá 1 và thôn Đắk Sút; Xã Sa Loong tổ chức 3 lớp tại thôn Giang lố 1, Giang lố 2 và thôn Đắk Vang; xã Đắk Xú tổ chức 04 lớp tại thôn Đắk Tang, Đắk Long Giao, Chiên Chiết, Phia Pháp; xã Đắk Nông tổ chức 2 lớp tại thôn Nông Nội và thôn Nông kon; xã Đắk Dục tổ chức 1 lớp tại thôn Đắk Răng và thôn Đắk Si; xã Pờ Y tổ chức 1 lớp tại thôn Đắk Mế.
Để các đội nghệ nhân được trình diễn, giao lưu, giới thiệu cái hay cái đẹp và những giá trị đặc sắc trong các bài chiêng, điệu xoang của cộng đồng mình, hằng năm, UBND các cấp đều tổ chức Hội thi cồng chiêng - xoang, Ngày hội văn hóa thể thao, Liên hoan dân ca dân vũ và một số chương trình văn hóa văn nghệ dân gian khác. Ấn tượng nhất trong số đó, có thể kể đến Hội thi cồng chiêng – xoang huyện Ngọc Hồi năm 2023 và Lễ hội đường phố huyện Ngọc Hồi năm 2023. Đây là hai sự kiện văn hóa được tổ chức với quy mô gần 1.000 nghệ nhân, diễn viên quần chúng tham gia biểu diễn và hàng ngàn khán giả xem, cổ vũ. Ngoài ra, huyện thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống, giàu bản sắc, lành mạnh, phong phú và đa dạng; lồng ghép tiết mục cồng chiêng vào các hội nghị, sự kiện có chương trình văn nghệ.
Đóng góp vào những kết quả tích cực trong công tác bảo tồn di sản văn hóa nói chung và bảo tồn di sản cồng chiêng của huyện nói riêng không thể không nhắc đến vai trò của ngành giáo dục huyện. Các trường học đã thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục đến toàn thể đội ngũ giáo viên, học sinh về bảo tồn và phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng thông qua các cuộc họp, lồng ghép khi giảng dạy các môn học, trong giờ sinh hoạt lớp, chào cờ đầu tuần, đưa nội dung về bảo tồn, phát huy di sản văn hoá công chiêng vào chương trình giáo dục địa phương... Tại một số trường học đã tổ chức múa cồng - chiêng - xoang trong các ngày lễ của ngành, của đất nước. Tiêu biểu như Trường Tiểu học Lê Văn Tám, trường Phổ thông dân tộc bán trú - Trung học sơ sở Ngô Quyền. Đặc biệt, tại trường PTDTBT THCS Ngô Quyền đã thành lập được đội cồng-chiêng-xoang của học sinh, đội duy trì tập luyện và thường xuyên biểu diễn tại trường, hằng năm tham gia các Hội thi cấp tỉnh đều đoạt giải cao.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng giai đoạn 2021 - 2025” tại địa bàn huyện Ngọc Hồi cũng bộc lộ một số khó khăn, tồn tại như: các nghệ nhân dân tộc thiểu số am hiểu về di sản văn hóa, nắm giữ kho tàng tri thức văn hóa dân gian của dân tộc mình ngày càng ít đi; số lượng nghệ nhân được phong tặng Nghệ nhân Ưu tú còn ít; một bộ phận thanh niên dân tộc thiểu số có biểu hiện xa rời các phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc mình…
Nói về nguyên nhân tồn tại, hạn chế, ông Bùi Viết Sỹ - Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ngọc Hồi cho biết, có nhiều nguyên nhân, bao gồm cả chủ quan và khách quan nhưng chủ yếu là do ảnh hưởng của mặt trái kinh tế thị trường, đặc biệt là ảnh hưởng văn hóa ngoại lai qua phim ảnh, Internet làm cho những giá trị văn hóa truyền thống bị mai một; những người am hiểu về di sản văn hóa, nắm giữ kho tàng tri thức văn hóa dân gian phong phú chủ yếu là những người lớn tuổi, mặc dù có truyền dạy lại cho con cháu về văn hóa truyền thống nhưng môi trường văn hóa thay đổi, nhiều phong tục nếp sống cũng thay đổi, do đó có nhiều bạn trẻ không hiểu, không thấm và chưa nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc mình.
Cũng theo ông Bùi Viết Sỹ, trong thời gian tới, Phòng sẽ tham mưu cho UBND huyện triển khai thực hiện tốt các giải pháp nhằm phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục những hạn chế nêu trên. Trước mắt, vẫn sẽ tiếp tục duy trì tổ chức Liên hoan cồng chiêng - xoang các cấp định kỳ 2 năm/lần, tổ chức ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc, Liên hoan đàn và hát dân ca định kỳ hằng năm; duy trì việc tổ chức truyền dạy đánh cồng chiêng – xoang cho thế hệ trẻ tại các khu dân cư và nhân rộng ra các trường học có đông học sinh DTTS tại chỗ. Ngoài ra, Ngọc Hồi sẽ chú trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa cấp huyện và cơ sở để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của ngành. Làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng và biểu dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến trong việc bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa nói chung và di sản cồng chiêng nói riêng. Xây dựng, thành lập các câu lạc bộ văn hóa dân gian, hướng dẫn các câu lạc bộ thường xuyên duy trì tập luyện cồng chiêng – xoang, dân ca, dân vũ, dân nhạc tạo thành nếp sinh hoạt văn hóa thường xuyên tại của mỗi cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, sẽ đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, huy động mọi nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số, gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách dân tộc, góp phần nâng cao đời sống nhân dân vùng dân tộc thiểu số. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa cộng đồng, phát huy vai trò chủ động của cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể ở cơ sở trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng.
Hy vọng rằng, thời gian tới, khi những hoạch định được cụ thể hóa bằng những việc làm thiết thực, sẽ mang lại nhiều kết quả tích cực hơn nữa, để di sản văn hóa cồng chiêng ở Ngọc Hồi tiếp tục được gìn giữ, phát huy, luôn trở thành niềm tự hào của mỗi người dân đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây.
NGUYỄN THỊ TÌNH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 561, tháng 2-2024