“Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, địa chỉ thiêng liêng tưởng nhớ Bác Hồ để tu dưỡng, rèn luyện và làm việc xứng đáng với Bác”

Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là nơi Bác Hồ đã sống và làm việc trong 15 năm cuối cùng của cuộc đời vì nước, vì dân. Khu di tích lưu giữ nhiều kỷ vật, hiện vật gắn liền với cuộc sống và sự nghiệp của Bác, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về con người, tư tưởng và phong cách sống của vị lãnh tụ vĩ đại. Đây không chỉ là nơi tưởng niệm Bác Hồ kính yêu mà còn là một “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống yêu nước, bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ. Trong 55 năm qua (1969-2024), Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch tới nhân dân trong cả nước cùng kiều bào và bạn bè quốc tế đến với Việt Nam, làm dày dặn, phong phú, sâu sắc, sáng tỏa hơn nữa di sản của Người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại và kính yêu của nhân dân Việt Nam, người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, Người đã chèo lái đưa Cách mạng Việt Nam vượt qua muôn trùng gian khó, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Cả cuộc đời tranh đấu, hy sinh không mệt mỏi vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, bằng cuộc sống thanh cao, giản dị, trong sáng và đạo đức cách mạng mẫu mực của người cộng sản, Bác Hồ đã nêu tấm gương sáng cho toàn thể cán bộ và nhân dân, để lại cho chúng ta một di sản quý về tư tưởng, đạo đức, phong cách của người cách mạng trong thời đại mới. Những giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là kết tinh tất cả những gì tốt đẹp nhất của dân tộc và văn minh nhân loại đang soi sáng, dẫn dắt đất nước ta trên con đường phát triển trong quá khứ, đến hiện tại và cả tới tương lai. Nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại bao dấu ấn sâu sắc cùng những kỷ niệm xúc động, thiêng liêng. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, nơi ở và làm việc của Người tại Khu Phủ Chủ tịch được Đảng, Nhà nước quyết định gìn giữ lâu dài nhằm bảo tồn và phát huy di sản Hồ Chí Minh. Trải qua 55 năm, nơi đây đã trở thành “địa chỉ đỏ”, nơi hội tụ và lan tỏa tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc nhiều nơi nhưng Khu Phủ Chủ tịch Hà Nội tại Thủ đô Hà Nội có niềm vinh dự, tự hào là nơi gắn bó lâu nhất của Người - 15 năm cuối cùng của cuộc đời vì nước, vì dân (19/12/1954 - 2/9/1969). Trong 15 năm đó, Người đã cùng Trung ương Đảng và Chính phủ đề ra đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn cho cách mạng Việt Nam và lãnh đạo nhân dân tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ quan trọng: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai, giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ, vì hòa bình và tiến bộ xã hội trên thế giới. Ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, với lòng biết ơn vô hạn vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc, thể theo nguyện vọng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, đặc biệt là đồng bào chiến sĩ miền Nam đang ngày đêm chiến đấu, anh dũng hy sinh để giải phóng miền Nam, thực hiện thống nhất đất nước, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã quyết định kịp thời bảo vệ, bảo quản và giữ nguyên trạng nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch để khu vực linh thiêng này trở thành khu di tích lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh và nay là Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (Khu di tích). Năm 2009, Khu di tích đã được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt đợt 1 theo Quyết định số 1272/QĐ-TTg ngày 12/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Tất cả di tích, tài liệu, hiện vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại nơi này hiện nay vẫn được bảo tồn nguyên trạng như sinh thời Người sống và làm việc.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chụp ảnh với cán bộ nhân viên Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch - Nguồn ảnh: Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

 

Nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch hội tụ những giá trị sâu sắc về tư tưởng, đạo đức, phong cách của người Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh

Suốt cả cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chiến đấu không mệt mỏi để giữ gìn nền độc lập dân tộc, đem lại tự do hạnh phúc cho nhân dân. Kháng chiến chống Pháp thành công, trở về từ chiến khu, Người chọn ngôi nhà nhỏ của người thợ điện nằm trong khu vực dành cho các nhân viên phục vụ của Phủ toàn quyền Đông Dương trước đây để ở và làm việc. Đến tháng 5/1958, sau khi chuyển sang nhà sàn, hằng ngày Người vẫn trở về đây dùng cơm và khám sức khỏe định kỳ. Nơi đây diễn ra những hoạt động quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn miền Bắc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, đưa miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, tiến tới thống nhất nước nhà. Công việc bộn bề nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn nêu gương sáng về tinh thần học tập không mệt mỏi. Người luôn ước mong về một dân tộc thông thái. Với Người, việc đọc sách báo không chỉ là yêu cầu công việc mà còn là nhu cầu tinh thần không thể thiếu. Trong cuộc sống đời thường, Người gần gũi, đồng cam cộng khổ với nhân dân. Ngôi nhà của Người không có chút bóng dáng quyền uy, phú quý mà chỉ thấy hiện hữu một phong cách sống giản dị, khiêm tốn. Cuộc sống của Người nơi đây đã thể hiện đầy đủ, rõ nét, sinh động đạo đức cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Bữa ăn của Người đơn giản, trên mâm cơm thường chỉ có những món ăn mang hương vị quê nhà như cá kho, cà dầm tương. Trời mưa to, nước ao rút không kịp, ngập cả đường đi, Người vẫn tự mình từ nhà sàn sang ăn cơm vì không muốn nhiều anh em phục vụ vất vả. Bác không muốn làm phiền ai một việc gì, dù nhỏ, khi tự mình có thể làm lấy. Trong từng câu chuyện, từ việc hệ trọng của đất nước đến việc hằng ngày của đời sống như ứng xử con người, tăng gia sản xuất, chuyện ăn, chuyện mặc đều hàm chứa những bài học sâu sắc, thấm thía.

Nổi bật trong quần thể Khu di tích là ngôi nhà sàn nằm bên ao cá, xung quanh có hàng rào râm bụt đỏ hoa quê, phía trước có cây dừa phủ mát, phía sau tựa bóng cây vú sữa. Trước nhà trồng những loài hoa thơm gần gũi của ruộng vườn xứ sở như hoa nhài, hoa sói, hoa ngâu, hoa mộc. Tại nhà sàn, Người đã viết tác phẩm Đạo đức cách mạng vào cuối năm 1958, thể hiện mối quan tâm tới chiến lược xây dựng con người mới và bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Trong những năm đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn ở nhà sàn. Năm 1966, Người viết Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước chiến đấu chống Mỹ cứu nước và khẳng định ý chí quyết tâm của toàn dân tộc: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập, tự do”(2). Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh không những cổ vũ cho nhân dân tiến lên giành thắng lợi mà còn trở thành một chân lý của thời đại. Cũng tại nhà sàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt bút viết những lời căn dặn cho mai sau. Trong không khí tháng 5/1965, khi cả nước sôi nổi thi đua lập thành tích chào mừng sinh nhật lần thứ 75 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không ai biết rằng, những dòng đầu tiên của tài liệu tuyệt đối bí mật - bản di chúc lịch sử đã được khởi thảo. Thời gian càng lùi xa, di chúc càng sáng ngời tính chất vĩnh cửu và tầm nhìn xa trông rộng của vị lãnh tụ - người đã hiến cả cuộc đời mình cho dân tộc. Văn kiện lịch sử vô giá này đã kết tinh những tinh hoa đạo đức và tâm hồn cao đẹp, những nội dung cơ bản, những quan điểm cốt yếu của tư tưởng Hồ Chí Minh, vạch ra phương hướng phát triển cho cách mạng Việt Nam cả quá khứ lẫn hiện tại và tương lai.

Khi sức khỏe ngày càng giảm sút, theo lời đề nghị của các bác sĩ không nên lên xuống cầu thang nhà sàn, ngày 17/8/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển hẳn xuống ở nhà 67. Đây là ngôi nhà bê tông cốt thép kiên cố, được xây dựng trong những ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi công tác nước ngoài, nằm ở vị trí phía sau nhà sàn nhằm bảo đảm an toàn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân. Mặc dù Phó Thủ tướng Phạm Hùng đã thưa với Bác việc xây dựng ngôi nhà là nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, đặc biệt là của đồng bào chiến sĩ miền Nam nhưng Người kiên quyết không nhận cho riêng mình mà đề nghị sử dụng làm nơi họp Bộ Chính trị, nơi làm việc với các đồng chí Trung ương và cán bộ phụ trách đầu ngành. Ngôi nhà đã chứng kiến những ngày sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn biến xấu dần cho đến khi Người trút hơi thở cuối cùng. Trong thời gian nằm trên giường bệnh, giữa những cơn đau, khi tỉnh dậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn hỏi về tình hình chiến sự miền Nam, về việc chuẩn bị Lễ Quốc khánh. Người không quên nhắc bắn pháo hoa kỷ niệm, động viên tinh thần đồng bào, chiến sĩ. Trước khi từ biệt thế giới, Người đã uống chút nước dừa như muốn mang về cõi vĩnh hằng hình ảnh miền Nam yêu quý luôn thường trực như “nỗi nhớ nhà”.

Một số nét sơ lược về di tích, tài liệu hiện vật ở nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc 15 năm cuối đời được điểm qua trên đây nhằm khẳng định: Khu Di tích không có những công trình kỳ vĩ như những kỳ quan nổi tiếng trên thế giới, nơi đây chỉ có những cảnh sắc thân thuộc như bất cứ nơi đâu trên khắp làng quê Việt Nam, nhưng nơi đây một vĩ nhân đã sống và khi chạm vào bất cứ đâu, nhìn ngắm bất cứ chỗ nào, ở đó tất lẽ có một câu chuyện lịch sử sâu sắc, lắng đọng. Nơi đây lưu giữ vĩnh viễn hình bóng, ký ức về vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, một nhà văn hóa kiệt xuất của thế giới, một chiến sĩ cộng sản quốc tế, một người bạn thủy chung của nhân loại tiến bộ và yêu chuộng hòa bình. Nơi đây hội tụ tất cả những điều gần gũi, chân xác và cao quý nhất về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Trải dài suốt 15 năm đặc biệt quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tất cả di sản vật chất từ ngôi nhà, vật dụng đến cảnh quan hàng cây, con đường, ao cá… cùng những di sản tinh thần sâu sắc, phong phú Người để lại đã hội tụ thành một “trường ký ức lịch sử - văn hóa” đầy đủ, nguyên gốc, có thể khẳng định là hiếm có trong hệ thống các di tích, lưu niệm về Người. Những điều cao đẹp trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - cái đẹp truyền thống phù hợp tinh thần thời đại, cái đẹp giản dị văn minh, cái đẹp khiêm tốn vĩ đại, cái đẹp của đời riêng phù hợp hài hòa với quy luật của đời chung - đã lắng đọng nguyên vẹn tại nơi đây và gửi lại cho đời sau “bóng râm tỏa mát đường đi loài người”.

Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch - nơi hội tụ tình cảm của đồng bào, đồng chí, bạn bè thế giới và lan tỏa tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Nhận rõ ý nghĩa lịch sử đặc biệt của nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch, Đảng, Nhà nước ta đã chủ trương bảo quản và phát huy giá trị Khu di tích đối với việc giáo dục đạo đức cách mạng cho những thế hệ người Việt Nam. Trong thời gian chưa mở cửa chính thức, Khu di tích đã đón tiếp một số đoàn khách đặc biệt. Đó là những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong sản xuất, chiến đấu và học tập. Đặc biệt, các đơn vị bộ đội trước ngày lên đường vào Nam chiến đấu đã được tổ chức vào thăm nơi Bác sống và làm việc để hiểu sâu sắc hơn tình cảm của Bác đối với đồng bào miền Nam và quyết tâm chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thỏa lòng mong ước của Người. Ngoài các đoàn khách trong nước còn có một số đoàn khách quốc tế được vào thăm. Các chính khách nước ngoài khi vào thăm nơi này đều nhận thấy đây là một di sản quý báu không chỉ của nhân dân Việt Nam mà còn là của nhân loại, rất cần được bảo vệ và giới thiệu cho nhân dân thế giới.

Vào thăm Khu di tích, mỗi người Việt Nam đều gặp nhau trong tình cảm và nhận thức rằng Bác Hồ của chúng ta không mất, Bác Hồ đời đời sống cùng non sông đất nước, trong lòng dân và trong trái tim nhân loại. Chúng ta tìm thấy trong cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh lưu dấu tại đây những điều mình hằng mong mỏi, những giá trị tinh thần mà mình thiết tha, những mục tiêu mà mình khao khát muốn vươn tới. Với tình cảm sâu nặng đã đi vào tiềm thức của cả dân tộc thì niềm mong mỏi được đến thăm nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch dường như trở thành một nhu cầu tự nhiên, bắt nguồn từ đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Đúng vào kỷ niệm 85 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19/5/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất nước nhà, Khu Di tích chính thức được mở cửa đón tiếp đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế đến tham quan, nghiên cứu và học tập. Nhiệm vụ chính trị trung tâm đặt ra đối với Khu di tích là phải đáp ứng tốt nhất tình cảm và nguyện vọng thiêng liêng của hàng triệu người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Những thế hệ cán bộ, viên chức, người lao động của Khu Di tích của Người tại Phủ Chủ tịch nhận vinh dự vẻ vang, trách nhiệm cao cả trong sự nghiệp bảo tồn và tuyên truyền, quảng bá tư tưởng, đạo đức cách mạng của Người để Khu Di tích trở thành nơi hội tụ và lan tỏa những giá trị di sản vô giá mà Người để lại.

Theo UNESCO, văn hóa là tập hợp các đặc trưng tiêu biểu về tinh thần, vật chất, tri thức và xúc cảm của xã hội hoặc một cộng đồng người trong xã hội. Văn hóa không chỉ bao gồm văn học và nghệ thuật, mà rộng hơn, còn là phong cách sống, phương thức chung sống, hệ thống các giá trị được khẳng định qua thời gian, truyền thống và niềm tin... Nơi ở và làm việc của Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch hội tụ đầy đủ tiêu chí của định nghĩa quốc tế này. Bác Hồ đã đi vào cõi vĩnh hằng hơn nửa thế kỷ, nhưng dòng người vô tận vẫn đến bên Người. 55 năm qua, Khu di tích của Người tại Phủ Chủ tịch đã đón gần 90 triệu người từ khắp mọi vùng đất trên lãnh thổ Việt Nam và từ khoảng 160 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đến thăm cùng các đoàn nguyên thủ, các đoàn khách cấp cao. Khu Di tích đã tổ chức đón tiếp Tổng Bí thư và lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ, Ban ngành trung ương, địa phương đến tham quan, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; các nguyên thủ các quốc gia, như Tổng thống Hàn Quốc, Thủ tướng Hàn Quốc,  Tổng thống Myanma, Chủ tịch Quốc hội Srilanka, Thủ tướng Italia, Thủ tướng Australia, Thủ tướng Nhật Bản, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Phó Chủ tịch Quốc hội Lào, Phó Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga, Thủ tướng Luxemburg, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc, Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Bờ Biển Ngà, Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Ấn Độ, Phó Chủ tịch Quốc hội Cuba, Hoàng Thái tử Nhật Bản và Công nương… cùng hàng nghìn đoàn khách cấp cao quốc tế đã đến thăm Khu di tích. Trong dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh như: 30/4, 1/5, 19/5, 2/9, Khu di tích đón hàng chục nghìn khách tham quan, có ngày cao điểm lên đến gần 35.000 khách. Đặc biệt, trong tháng 5/2024, kỷ niệm lần thứ 134 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), Khu di tích đã đón tiếp 152 đoàn sinh hoạt chính trị với 7.321 khách, bằng 40% số lượng đoàn sinh hoạt chính trị cả năm 2023(3).

Khu di tích đã sáng tạo, chủ động phối hợp, xây dựng chuỗi chương trình sinh hoạt chính trị với hệ thống các cơ quan Trung ương như Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Thành ủy Hà Nội, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Thành ủy Hà Nội để tiếp tục khẳng định vị thế là “địa chỉ đỏ” hội tụ và lan tỏa các giá trị về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, trường học đã tổ chức các chương trình học tập thực tế về tư tưởng Hồ Chí Minh, tổ chức lễ báo công, kết nạp Đảng, sinh hoạt chính trị… tại Khu di tích. Khu di tích phối hợp thường xuyên với Trung tâm giáo dục truyền thống lịch sử, các viện điều dưỡng các tỉnh thành, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam... đón tiếp hàng nghìn người có công với đất nước, các gia đình thương binh - liệt sĩ, các đơn vị có nhiều thành tích. Các đài truyền hình trong nước và nước ngoài như Đài truyền hình BBC Ấn Độ, CNN Úc, VTV, Đài Truyền hình Việt Nam, Hà Nội, Quân đội, Thông tấn xã, VOV, Công an Nhân dân… đã thực hiện các chương trình cầu truyền hình trực tiếp, giao lưu nhân chứng, các phóng sự tư liệu tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh và công tác bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích. Kịp thời chuyển mình theo xu xướng mới của ngành di sản, Khu di tích còn tích cực nghiên cứu thực hiện chương trình giáo dục trải nghiệm dành cho đối tượng học sinh tiểu học. Tính riêng giai đoạn 2018-2023, Khu di tích đã tổ chức và phối hợp tổ chức gần 60 triển lãm, trưng bày chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh cả trong nước và quốc tế; xuất bản, tái bản gần 50 cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Khu di tích; cán bộ khoa học đã viết khoảng 800 bài tuyên truyền, giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh và về Khu di tích. Website của Khu di tích được nâng cấp với nội dung phong phú, giao diện hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu và tăng khả năng tương tác với bạn đọc... (4).

Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh, chất đạo đức trong Hồ Chí Minh là những giá trị vĩnh hằng của con người, con người ở Việt Nam cũng như ở mọi nơi trên thế giới, con người thời nay cũng như con người thời xưa và người ta còn bày tỏ niềm tin rằng những giá trị đó sẽ được các thế hệ mai sau trân trọng, kế thừa và phát triển”(5). Tại Khu di tích, những di tích tài liệu hiện vật như nhà sàn, đôi dép cao su, ghế xích đu, chiếu cói, ao cá, vườn rau, cây xanh, ngọn cỏ, sân vườn, đồ dùng của Bác như vẫn lưu giữ hơi ấm tình thương của Người. Đứng trước ngôi nhà sàn nhỏ, chúng ta nhớ về một tâm hồn lộng gió thời đại, một người mà cả cuộc đời để lại muôn vàn tình thân yêu. Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã phát biểu nơi ở và làm việc của Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch là “trường học lớn về đạo lý làm người mà Bác Hồ đã để lại cho chúng ta”, “mỗi người khi đến đây đều thấy thanh thản và mọi bụi bặm trong người như được rũ sạch”(6). Đến với Bác Hồ, người nông dân, công nhân, trí thức hay thanh thiếu niên, nhi đồng… đều có thể tìm thấy thêm ý nghĩa cuộc đời mình trong cuộc đời của Bác. Những tình cảm sâu nặng đó được lưu lại qua những dòng cảm tưởng xúc động của nhân dân và khách quốc tế khi hội tụ về bên ngôi nhà của Bác. Một người con của miền Nam đang công tác tại Công an tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, tham gia khóa huấn luyện gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc khi thăm Nhà sàn Bác Hồ đã bày tỏ tình cảm với Bác Hồ và Khu di tích của Người: “Một buổi sáng mùa thu tại Thủ đô Hà Nội, được theo chân chị cán bộ thuyết minh nhiệt tình đã công tác 29 năm trong nghề, lắng nghe nhiều câu chuyện về cuộc đời và nếp sinh hoạt của Bác Hồ kính yêu những năm tháng Người sống và làm việc trong Khu Phủ Chủ tịch. Càng hiểu hơn về Bác càng khiến bản thân chúng tôi thêm động lực để cống hiến, phấn đấu và tự hào được là thế hệ con cháu của Bác kính yêu. Thiết nghĩ nếu ai cũng học được một phần những lời dạy của Bác thì xã hội và đất nước chắc chắn sẽ phát triển và tốt đẹp hơn rất nhiều”(7).

Với vị trí một nhân vật lịch sử tiêu biểu của TK XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh là niềm tự hào không chỉ của nhân dân Việt Nam mà còn của tất cả những dân tộc yêu chuộng hòa bình và tiến bộ xã hội. Bạn bè thế giới ở khắp các châu lục cũng hội tụ về Khu Di tích để bày tỏ tình cảm yêu mến, kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh. 55 năm qua, những dòng cảm xúc tại đây đều chung niềm ngợi ca người chiến sĩ cộng sản quốc tế, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất. Trong sổ cảm tưởng của Khu Di tích, Tổng thống Myanmar viết: “Tôi rất vinh dự khi được tới thăm ngôi nhà sàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nơi này là một minh chứng rất cụ thể về đức tính giản dị và khiêm tốn của một nhà lãnh đạo cách mạng. Tôi mong muốn gửi lời chúc tốt đẹp nhất của mình tới sự nghiệp duy trì hòa bình và thịnh vượng cho dân tộc Việt Nam và chúc cho khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi trường tồn. Tự hào và hạnh phúc khi được tới thăm nơi ở của Bác Hồ. Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự là một vị lãnh tụ kiệt xuất và là khát vọng cho những ai yêu Tổ quốc mình”. Đại sứ Algeria tại Việt Nam đã ghi vào sổ cảm tưởng: “Tại thời khắc viết những dòng này, tôi thật sự rất xúc động sau chuyến thăm nhà sàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một vĩ nhân đã ghi dấu ấn vào lịch sử của không chỉ riêng đất nước Việt Nam mà còn của lịch sử đương đại của những đất nước và dân tộc đã đấu tranh cho sự tự do, nền độc lập và phẩm giá của họ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra đi nhưng di sản mà Người để lại luôn còn mãi, những tư tưởng, tầm nhìn và triết lí sống của Người luôn sống mãi và còn giá trị đến tận ngày nay”(8).

Trong 55 năm qua (1969-2024), được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ VHTTDL và các tầng lớp nhân dân, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của các thế hệ lãnh đạo cùng sự cố gắng không ngừng của tập thể viên chức, người lao động qua các thời kỳ, Khu di tích đã thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch tới nhân dân trong cả nước cùng kiều bào và bạn bè quốc tế đến với Việt Nam, làm dày dặn, phong phú, sâu sắc, sáng tỏa rạng rỡ hơn nữa di sản của Người. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (1944 - 2024) đánh giá: “Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là một địa chỉ hết sức thiêng liêng. Đây là nơi mọi người dân trong nước và bạn bè quốc tế đến để tưởng nhớ, hiểu biết về công lao to lớn của Bác và đặc biệt là nơi học tập, làm theo tấm gương vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến đây, mỗi người đều lắng đọng suy ngẫm về bản thân để tu dưỡng, rèn luyện và làm việc xứng đáng với Bác”(9). 55 năm nhìn lại, chúng ta vừa khẳng định niềm tin, niềm tự hào vừa góp phần trao truyền ngọn lửa truyền thống của cơ quan Bác Hồ để mỗi viên chức, người lao động luôn cảm nhận sâu sắc niềm vinh dự, trách nhiệm thiêng liêng về nơi mình công tác, nơi cho mình nhiều trải nghiệm trưởng thành, từ đó thêm quyết tâm thực hiện tốt nhất sự nghiệp bảo tồn, giữ gìn lâu dài, nguyên vẹn và tuyên truyền giáo dục sâu rộng, tạo sức lan tỏa về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, về Khu di tích của Người tại Phủ Chủ tịch cho các thế hệ hôm nay, ngày mai và mãi mãi về sau. Chủ tịch nước Tô Lâm (nay là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước) khi đến thăm Khu di tích đã phát biểu về ý nghĩa điển hình của giá trị hội tụ và lan tỏa tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại nơi đây: “Khu di tích đã thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị nơi ở và làm việc của Bác suốt 55 năm qua. Chúng ta luôn luôn tưởng nhớ đến Bác, Bác luôn luôn bên cạnh chúng ta. Tôi đã đến đây nhiều lần, mỗi lần đều cảm thấy xúc động và có thêm bài học gợi mở, suy nghĩ. Tất cả mọi điều về Bác ở nơi đây đều bình dị nhưng rất vĩ đại. Một tâm hồn lớn trong một ngôi nhà nhỏ”(10).

                                               

1. Trích lời phát biểu của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
2. Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, tập 9, tr.346.
3, 4. Số liệu lưu trữ tại Khu di tích
5. Phạm Văn Đồng, Hồ Chí Minh quá khứ, hiện tại, tương lai, Báo Nhân Dân, 1/1/1991.
6, 10 . Tài liệu lưu trữ tại Khu di tích.
7, 8. Trích trong sổ cảm tưởng của khách tham quan Khu Di tích.
9. Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, 50 năm bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (1696-2019), Nxb Giáo dục Việt Nam, 2019, tr.10.

 

KHU DI TÍCH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH TẠI PHỦ CHỦ TỊCH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 582, tháng 9-2024

;