Nghi lễ cúng bến nước của người Mạ, huyện Đắk G'Long
Xây dựng và phát triển văn hóa có vai trò, vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, là nhiệm vụ thường xuyên của hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Chính vì vậy, sau hơn 20 năm tái lập tỉnh, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Chương trình số 09-CTr/TU ngày 13/9/2004 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 Khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Chương trình số 27-CTr/TU ngày 24/9/2021 về sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các loại hình di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ thất truyền của đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ, giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình số 31-CTr/TU ngày 13/11/2014 triển khai Nghị quyết số 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” và nhiều đề án, dự án, kế hoạch triển khai các nhiệm vụ về bảo tồn, phát triển văn hóa. Trên cơ sở đó, ngành VHTTDL Đắc Nông đã phối hợp với các ngành, các cấp cụ thể hóa triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa phù hợp tình hình thực tế của địa phương, qua đó tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đa dạng, phong phú, góp phần bảo tồn và phát huy văn hóa di sản các dân tộc, đặc biệt chú trọng phát huy vai trò của người dân trong các hoạt động văn hóa tại cộng đồng. Người dân đã phát huy được vai trò của mình trong việc tham gia tổ chức các hoạt động văn hóa tại cộng đồng, chính người dân là chủ thể tham gia gìn giữ, phát huy, đem các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc để quảng bá đến với du khách trong và ngoài nước. Nhờ đó, những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã trở thành sức mạnh nội sinh để gắn kết cộng đồng, là biểu tượng, giá trị chuẩn mực của xã hội; đồng thời là nhân tố gắn kết giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, khơi dậy tình yêu quê hương, giáo dục truyền thống và tinh thần cộng đồng. Nó vừa là kết quả sáng tạo, vừa là sở hữu chung của cộng đồng mỗi dân tộc và nó song hành với cuộc sống của mỗi con người; phản ánh thông tin về nguồn gốc lịch sử, phong tục tập quán, tiếng nói chữ viết của các dân tộc. Chính vì vậy, việc phát huy vai trò của người dân - chủ thể trong các hoạt động văn hóa tại cộng đồng địa phương là rất thiết thực, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống văn hóa các dân tộc nơi đây.
Theo kết quả kiểm kê các loại hình di sản văn hóa tại cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, hiện nay người dân còn lưu giữ 186 bộ chiêng, 1 bộ goong prac, 1 bộ goong pe, 1 bộ đàn đá...; 194 nghệ nhân biết chế tác và sử dụng nhạc cụ dân tộc, 12 nghệ nhân nhớ và hát kể được sử thi Ot N’drong M’nông, 301 nghệ nhân biết và hát những làn điệu dân ca, 698 nghệ nhân biết dệt thổ cẩm truyền thống, 53 nghệ nhân biết làm cây nêu truyền thống, 363 nghệ nhân biết đan lát truyền thống của dân tộc mình; 106 nghệ nhân biết và kể được truyện cổ, 139 nghệ nhân biết kể luật tục và phong tục tập quán truyền thống của cộng đồng… cùng 28 lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ và các dân tộc phía Bắc...
Phát huy vai trò bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có 55 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng và truy tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân. Bên cạnh đó, Dân ca M’nông, nghề dệt của người M’nông và Lễ cúng thần rừng của người Mạ được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; đặc biệt tỉnh Đắk Nông hiện có 2 di sản được UNESCO ghi danh, đó là “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” và “Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông”. Đây là một trong những tiềm năng, cơ hội lớn để phát triển du lịch, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.
Sinh hoạt Cồng chiêng của người M'nông, huyện Đắk Song
Để gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống được như hiện nay, ngoài cố gắng của các ban, ngành, địa phương thì yếu tố quyết định chính là sự nỗ lực, tinh thần bền bỉ của người dân. Chính nhận thức của họ đã giúp công tác bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống được lưu giữ qua thời gian và trước những tác động của xu thế hội nhập, một số hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan từng bước được hạn chế, loại bỏ. Việc phát huy vai trò của người dân - chủ thể trong các hoạt động văn hóa tại cộng đồng những năm qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, tạo được sự đồng thuận, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để tiếp tục phát huy vai trò của người dân - chủ thể văn hóa trong các hoạt động văn hóa tại cộng đồng trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Đối với mỗi người dân là chủ thể, cần phải có trách nhiệm để bảo tồn và phát triển di sản văn hóa truyền thống của địa phương bằng những việc làm thiết thực. Trước tiên, cần phải học và tìm hiểu về văn hóa dân tộc của mình để có thể hiểu và trân trọng các giá trị văn hóa truyền thống; tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, nghi thức lễ hội để phát triển bản sắc văn hóa dân tộc; tham gia các hoạt động xã hội để giúp đỡ cộng đồng trong việc bảo tồn và phát triển di sản văn hóa truyền thống của địa phương; quan tâm và chia sẻ với người khác về văn hóa dân tộc để tạo động lực và giúp đỡ cộng đồng trong việc giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc; khởi tạo môi trường giáo dục văn hóa cho các thế hệ trẻ bằng cách đưa ra các hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, các trò chơi và hoạt động nghệ thuật, qua đó sẽ giúp truyền lại những giá trị truyền thống cho các thế hệ sau và giúp giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc.
Đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền, cần thực hiện các biện pháp bảo vệ và đẩy mạnh công tác tuyên truyền về trách nhiệm gìn giữ, phát huy di sản văn hóa dân tộc; tăng cường quản lý nhà nước đối với di sản văn hóa; tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thành phố xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; vận động các nguồn xã hội hóa của tổ chức, cá nhân tham gia tổ chức hoạt động văn hóa tại cộng đồng địa phương để người dân có cơ hội, điều kiện tham gia; thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa trong cộng đồng, lễ hội, hoạt động văn hóa lấy người dân làm chủ thể văn hóa, gắn với phát triển du lịch phục vụ du khách ở trong nước và quốc tế. Cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở phải năng động, sáng tạo, có kỹ năng, làm tốt công tác vận động; xuất phát từ nhu cầu và phát huy tốt vai trò chủ thể của nhân dân. Các cấp chính quyền phải phát huy dân chủ, tạo điều kiện để cộng đồng làng tự xây dựng chương trình, tự bàn bạc quyết định chương trình cho các hoạt động văn hóa ở cộng đồng, đồng thời phát huy vai trò của các nghệ nhân, già làng, chức sắc tôn giáo trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc; Xây dựng, bồi dưỡng thế hệ nghệ nhân trẻ, nòng cốt làm lực lượng kế cận trong việc bảo tồn và phát huy di sản; thường xuyên tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa truyền thống, kết hợp hài hòa với môi trường văn hóa hiện đại để các nghệ nhân và thanh, thiếu niên người dân tộc thiểu số có điều kiện tham gia các hoạt động, thực hành, hòa nhập với xu thế phát triển chung của toàn xã hội nhưng vẫn gìn giữ được bản sắc riêng của mỗi dân tộc; Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, động viên, khích lệ đối với nghệ nhân thực hiện bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc trên địa bàn tỉnh; rà soát vinh danh các nghệ nhân đã có nhiều công lao đóng góp và có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân; tăng cường, đẩy mạnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở địa phương về công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể.
ĐÌNH TOÀN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 579, tháng 8-2024