Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về không ngừng học tập, trau dồi kiến thức và tu dưỡng nhân cách thông qua đọc sách
Nguồn: nxbctqg.org.vn
Chủ tịch Hồ Chí Minh thấm nhuần quan điểm “Sách là một sức mạnh lớn lao”, “không có sách thì không có tri thức, không có tri thức thì không có chủ nghĩa cộng sản” (V.I.Lênin), bởi vậy, Người khẳng định “xuất bản sách là một hoạt động văn hóa có ảnh hưởng nhiều đến việc giáo dục tư tưởng cho nhân dân,… phục vụ quyền lợi của Tổ quốc, của nhân dân” (1). Sách có vai trò đặc biệt trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người. Tuy nhiên, trong số rất nhiều công trình nghiên cứu, bài viết “tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí, xuất bản” trên các phương tiện truyền thông đại chúng lâu nay thì “xuất bản sách” luôn là một khái niệm có vị trí, vai trò khiêm tốn, thường chỉ được hiểu trong phạm vi công tác “xuất bản, báo chí”. Mặc dù giữa báo chí và xuất bản sách có mối quan hệ biện chứng, đóng vai trò quan trọng quyết định chất lượng hiệu quả công tác tư tưởng của Đảng và Nhà nước trong mọi thời kỳ, song, xuất bản sách và báo chí là hai lĩnh vực mang nội hàm khác nhau, quy định chức năng, nhiệm vụ và phương thức hoạt động khác nhau. Do vậy, tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về xuất bản sách rất cần được nghiên cứu và hiểu một cách thấu suốt là việc làm có ý nghĩa khoa học, cũng như thêm khẳng định vị trí, vai trò của sách và vai trò của người làm xuất bản - những chiến sĩ thầm lặng trên mặt trận văn hóa tư tưởng.
1. Chủ tịch Hồ Chí Minh: Sách là “mặt trời soi sáng” tìm ra con đường cứu nước, là vũ khí cách mạng giải phóng dân tộc và là công cụ khai trí, phát triển xã hội.
Kế thừa truyền thống hiếu học, ham đọc sách của dân tộc và gia đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh xem sách là công cụ khai mở tri thức, học tập suốt đời giúp Người có một trí tuệ và sự hiểu biết phi thường. Người từng tâm sự tại Hội nghị chuyên đề sinh viên quốc tế năm 1961 “Về văn hóa tôi chỉ học hết tiểu học. Về hiểu biết phổ thông: 17 tuổi tôi mới nhìn thấy ngọn đèn điện lần đầu tiên, 20 tuổi mới nghe radio lần đầu”. Nhưng với phương châm “Học phải có sách” “Sách là thuốc chữa tội ngu”, cộng với ý thức học tập suốt đời “Học ở trường, học trong sách vở, học lẫn nhau và học dân”, “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân” (2). Chính bởi vậy, Người đã có một trí tuệ phi thường, một sự hiểu biết đáng khâm phục “Hiếm có chính sách nào của thế kỷ XX có thể sánh được với Hồ Chí Minh về trình độ học vấn, tầm hiểu biết rộng lớn và sự thông minh trong cuộc đời” (3).
Trong lịch sử tìm đường cứu nước, trước Nguyễn Ái Quốc – Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều sĩ phu yêu nước muốn “tìm đường đi cho dân tộc” nhưng chỉ đến Nguyễn Ái Quốc mới tìm được con đường đúng đắn nhất cho dân tộc thông qua những tháng ngày gian khó miệt mài nghiên cứu sách, báo, tài liệu. Sách giúp Người đến với Chủ nghĩa Lênin, tìm thấy lời giải đáp cho câu hỏi tự do, bình đẳng, bác ái là gì? Sách là ánh sáng tìm thấy con đường cách mạng giải phóng dân tộc, chỉ ra con đường cứu nước, cứu dân “Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng của chúng ta!”, “Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản” (4).
Khi cả dân tộc chìm trong bóng tối bởi chính sách ngu dân, cai trị hà khắc, bóc lột tàn bạo của thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng sách làm “thuốc chữa tội ngu”, “thuốc bổ tinh thần” và là vũ khí cách mạng đánh đuổi đế quốc, phong kiến giành độc lập dân tộc. Người đã sớm tính đến việc xuất bản sách để truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam, vạch ra con đường cách mạng Việt Nam với: Bản yêu sách 8 điểm gửi Hội nghị Versailles (1919), Bản án chế độ thực dân Pháp (1920), Con rồng tre (1922), Đường cách mệnh (1927)… Đây chính là những viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho xuất bản cách mạng Việt Nam và là kim chỉ nam cho tiến trình phát triển xuất bản Việt Nam sau này.
Nền xuất bản cách mạng Việt Nam được xây dựng và phát triển gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của dân tộc. Từ tác phẩm Đường cách Mệnh (1927), Người đã đặt câu hỏi “Cách mệnh trước hết phải cần có gì?” và câu trả lời “Cách mệnh trước hết phải cần có Đảng”. Khẳng định chân lý đó, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời với Cương lĩnh chính trị đầu tiên được Người soạn thảo đã mở ra một thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam.
Để tập hợp sức mạnh đoàn kết toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “Lịch sử nước ta” (1941), đồng thời đưa ra dự báo thiên tài “Năm 1945, Việt Nam sẽ độc lập”. Kết quả Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khẳng định quyền tự do độc lập của nhân dân Việt Nam trước toàn thế giới.
Trong lúc chính quyền non trẻ, vận nước chưa yên, nhân dân còn thiếu cái ăn, cái mặc, đất nước có tới 95% dân số mù chữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” (5). Vì thế, Người sớm quan tâm trước hết đến hoạt động xuất bản như một trụ cột cơ bản để xây dựng đất nước. Xuất bản sách thực hiện mục tiêu xóa mù chữ, phổ cập giáo dục, nâng cao dân trí phát triển xã hội, Người đã ký Sắc lệnh 19/SL và Sắc lệnh 20/SL năm 1945, cùng với Lời kêu gọi chống nạn thất học “Nay chúng ta đã giành được quyền độc lập. Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc lúc này là nâng cao dân trí…” (6). Các quyết định sáng suốt của Người không chỉ tạo nên kỳ tích cho nền giáo dục nước nhà, mà còn là điều kiện nền tảng xây dựng nền móng vững chắc cho hoạt động xuất bản sách phát triển.
Song song với diệt giặc đói, giặc dốt, Người sử dụng sách làm vũ khí đặc biệt để diệt giặc ngoại xâm. Trong điều kiện đất nước khó khăn nhưng Người đã cho thành lập liên tiếp nhiều nhà xuất bản và nhà in từ năm 1945-1951: Nhà xuất bản Lao động (11/1945), Nhà xuất bản Sự thật, Nhà xuất bản Văn hóa Cứu quốc (12/1945), Nhà in Tiến bộ (1945), Nhà xuất bản Quân du kích (1947), Nhà xuất bản Vệ quốc dân (1948)… để phục vụ kháng chiến, kiến quốc.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn sớm tính đến hệ thống lưu trữ xuất bản để gìn giữ, phát triển di sản văn hóa tri thức của dân tộc và nhân loại cho thế hệ mai sau thông qua Sắc lệnh số 13 ngày 8/9/1945 về việc chuyển giao các thư viện công về Bộ Giáo dục quản lý; Sắc lệnh 18 ngày 31/1/1946 đặt thể lệ lưu chiểu xuất bản phẩm, quy định tất cả các xuất bản phẩm đều phải nộp về Thư viện Quốc gia... nhờ đó ngày nay đất nước có một hệ thống xuất bản phẩm được lưu trữ đầy đủ tại Thư viện Quốc gia, góp phần rất lớn cho học tập, nghiên cứu, nâng cao dân trí xã hội, phát triển đất nước.
Để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cần có một tổ chức thống nhất điều hành hoạt động xuất bản nên ngày 10/10/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 122/SL thành lập Nhà in Quốc gia. Đây là lần đầu tiên ngành Xuất bản có một cơ quan vừa là doanh nghiệp quốc gia, vừa là cơ quan quản lý nhà nước thống nhất cả ba khâu: xuất bản, in và phát hành trên phạm vi cả nước, mở ra một thời kỳ mới cho hoạt động xuất bản và cột mốc ngày 10/10/1952 đã trở thành ngày truyền thống ngành Xuất bản Việt Nam.
Bác Hồ tranh thủ thời gian nghiên cứu tài liệu
Ảnh: Tư liệu
2. Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người khai sinh và đặt nền móng cho xuất bản cách mạng Việt Nam, chân dung người cán bộ xuất bản sách vĩ đại
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là Anh hùng giải phóng dân tộc, là danh nhân văn hóa, vị lãnh tụ thiên tài, một nhà báo lỗi lạc mà còn là người khai sinh, phát triển nền xuất bản cách mạng Việt Nam, người cán bộ xuất bản sách vĩ đại. Trong di sản tư tưởng, tinh thần Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho dân tộc, có nhiều tác phẩm vô giá, đánh dấu những bước ngoặt sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc Việt Nam, tiêu biểu là các di sản bảo vật quốc gia: Đường cách mệnh (1927), Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù) (1942), Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (1946), Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước (1966) và Bản Di chúc (1965)… Đây là những tài sản vô giá, là niềm tự hào vô cùng to lớn của xuất bản cách mạng Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người am hiểu tinh hoa văn hóa đông tây, kim cổ và sớm tiếp thu Chủ nghĩa Mác-Lênin. Người đã thấy rõ sức mạnh to lớn, diệu kỳ của sách, báo trong sự nghiệp cách mạng và sử dụng vũ khí đó một cách thiên tài. Để tìm ra con đường cứu nước, sách là ngọn nguồn tìm ra chân lý “Thư giả quốc tri hồng nguyên giả” (người đọc sách có thể tìm ra một chân trời mới tốt đẹp cho đất nước) (Nguyễn Sinh Sắc). Để giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người, sách là vũ khí cách mạng sắc bén “nói cho đồng bào ta biết rõ: (1) Vì sao chúng ta muốn sống thì phải làm cách mệnh. (2) Vì sao cách mệnh là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một hai người. (3) Đem lịch sử cách mệnh các nước làm gương cho chúng ta soi. (4) Đem phong trào thế giới nói cho đồng bào ta rõ. (5) Ai là bạn ta? (6) Ai là thù ta? (6) Cách mệnh thì phải làm thế nào….” và để xây dựng, phát triển đất nước, xây dựng con người mới, xã hội mới, sách vẫn là thiết yếu “Bất luận làm công việc gì cũng cần phải đọc sách…”. “Sách là thuốc chữa tội ngu. Dân Nga ham sách nên mau thuận cường” (7).
Sự hình thành và phát triển hệ thống xuất bản nước nhà luôn gắn bó mật thiết với sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác viết sách, chỉ đạo thành lập các đơn vị xuất bản và đào tạo, huấn thị những thế hệ làm sách đầu tiên của cách mạng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Bác, xuất bản cách mạng Việt Nam đã lập nên những kỳ tích trong giáo dục khai mở tri thức, giác ngộ tư tưởng cho nhân dân và là vũ khí chính trị tư tưởng sắc bén lên án chủ nghĩa thực dân, đế quốc, truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, cổ vũ động viên toàn dân tham gia sự nghiệp cách mạng, mang lại độc lập tự do cho dân tộc.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng trên 170 bút danh, viết trên 2.000 bài viết bằng nhiều thứ tiếng, nhiều thể loại khác nhau (tài liệu cách mạng, sách, báo, truyện, ký, thơ…); trực tiếp chỉ đạo xuất bản các tác phẩm, có khi thực hiện tất cả các công việc chi tiết của người làm xuất bản, ví như năm 1941 Người viết tác phẩm Lịch sử nước ta, khi xuất bản cuốn sách này, Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là tác giả, vừa là biên tập viên, người trình bày, họa sĩ minh họa, đồng thời cũng là người sửa morasse và là thợ in. Vào thời gian cuốn sách được in bằng thạch bản, bên trong sách có hình minh họa (sáu bức tranh: ông Đề Thám cưỡi ngựa, Lý Thường Kiệt cầm kiếm, Hai Bà Trưng cưỡi voi xung trận…) do chính tay Hồ Chí Minh vẽ (8). Bác là một tác gia vĩ đại, người cán bộ xuất bản sách thiên tài.
Những lời huấn thị của Người về xuất bản có giá trị sâu sắc, là tiền đề, định hướng phương châm làm nghề cho các thế hệ làm công tác xuất bản sách: Người làm quản lý lãnh đạo cần phải đọc để quản lý, lãnh đạo tốt hơn; Người biên tập phải chú trọng từng câu, chữ, nội dung thông tin tư tưởng chính trị được truyền đạt trong tác phẩm. Phương pháp đọc không chỉ dừng lại việc đọc rộng mà cần biết cách ghi chép, đánh dấu “Bút ký đọc sách” và “đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu trong sách. Có vấn đề thông suốt thì mạnh dạn đề ra cho vỡ lẽ, đối với bất cứ vấn đề gì đều phải đặt ra câu hỏi “vì sao”, phải suy nghĩ kỹ càng, xem nó có hợp với thực tế hay không, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo một cách xuôi chiều. Phải suy nghĩ cho chín chắn” (9).
Phương châm làm sách phải đảm bảo chất lượng cả về nội dung và hình thức, đạt được mục đích và đúng đối tượng phục vụ của sách. “Sách này chỉ ước sao đồng bào xem rồi nghĩ lại, nghĩ lại rồi tỉnh dậy, tỉnh rồi thì đứng lên đoàn kết mà làm cách mệnh” (10), tránh “Trên các báo, sách, bức tường, thường có những bức vẽ, khẩu hiện, nhiều người xem không ra, đọc không được” (11), đồng thời nắm bắt nhu cầu từ thực tế để xuất bản và phát hành sách hiệu quả, ví như bài học khi làm sách “Người tốt việc tốt” năm 1968 để biểu dương những gương sáng, động viên, cổ vũ các tầng lớp nhân dân đóng góp sức mình cho kháng chiến, Bác đã đề nghị Ban Tuyên huấn Trung ương tập hợp xuất bản sách theo chuyên đề các ngành, các giới, đồng thời cũng chỉ rõ phương thức xuất bản loại sách “Người tốt việc tốt” đó là: “Về loại sách này không nên tham viết dài. Nhân dân ta có truyền thống kể chuyện ngắn gọn mà có duyên… Phải học cách kể chuyện của nhân dân. Nên kèm theo nhiều tranh vẽ dễ hiểu mà đẹp, nhưng đừng vẽ nhiều mà giá thành đắt quá” và loại sách này nên làm khuôn khổ nhỏ để người đọc dễ mang theo xem cho tiện, khi in sách xong cũng phải biết tuyên truyền rộng rãi cho quần chúng đọc (12).
3. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào hoạt động xuất bản sách hiện nay
Xuất bản sách được coi là hình thức thông tin truyền thông cơ bản của con người. Nhận thức rõ vai trò to lớn của xuất bản sách, ngay từ những ngày đầu thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chú trọng đến việc xuất bản các tác phẩm cách mạng, tuyên truyền đến quần chúng nhân dân nhằm mục đích xây dựng lực lượng cách mạng, phổ biến đường lối, chủ trương chính sách của Đảng. Đến nay, dù có rất nhiều kênh thông tin hiện đại ra đời, toàn cầu hóa, xã hội hóa thông tin, internet mở rộng toàn cầu, sách vẫn là kênh thông tin trụ cột, có vị trí, vai trò quan trọng, được xem là tiêu chuẩn, là thước đo phản ánh trình độ phát triển, mặt bằng văn hóa của một quốc gia, dân tộc. Sinh thời, Người từng căn dặn “Số sách vở nhiều hay ít cũng chứng tỏ trình độ phát triển của một dân tộc thấp hay cao”.
Vận dụng và thực hiện lời dạy của Người, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm xây dựng và phát triển hoạt động xuất bản, khẳng định xuất bản là “Lĩnh vực hoạt động tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân, là bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, “hoạt động xuất bản phải coi trọng việc phục vụ nhiệm vụ chính trị, tư tưởng, đáp ứng nhu cầu đọc của nhân dân, đồng thời phải thực hiện tốt nhiệm vụ kinh doanh, xây dựng ngành xuất bản thành một ngành kinh tế - công nghệ phát triển toàn diện, vững chắc”13.
Theo dòng chảy của cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, học tập, vận dụng và phát triển tư tưởng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xuất bản cách mạng Việt Nam không ngừng lớn mạnh. Hiện nay, cả nước có 57 nhà xuất bản, trực thuộc 54 cơ quan chủ quản, trong đó có 15 nhà xuất bản hoạt động theo mô hình doanh nghiệp (công ty TNHH một thành viên 100% vốn Nhà nước và 42 đơn vị sự nghiệp công lập. Phát hành sách có 2.050 cơ sở phát hành. Xuất bản phẩm ngày càng đa dạng, từ sách in truyền thống, đến sách nói, sách điện tử, và sách ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo… được phát hành rộng rãi, giúp cho các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức xã hội và cá nhân tiếp cận được với tri thức thuộc mọi lĩnh vực của đời sống, những giá trị văn hóa của dân tộc và tinh hoa văn hóa của nhân loại, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của dân tộc, nâng cao dân trí, xây dựng đạo đức lối sống tốt đẹp của người Việt Nam, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới.
Công cuộc chuyển đổi số mở ra hướng đi mới cho hoạt động xuất bản, song, cũng do tác động mạnh của khoa học công nghệ, toàn cầu hóa thông tin, khuynh hướng thương mại hóa, cơ chế thị trường, mục tiêu lợi nhuận, áp lực cạnh tranh… đã dẫn đến hạn chế, sai phạm, một số cơ quan xuất bản có biểu hiện thương mại hóa, xa rời tôn chỉ mục đích, chưa làm tốt chức năng nhiệm vụ. Chẳng hạn, từ năm 2022, ngành Xuất bản đã phải thu hồi tiêu hủy hơn 128.467 ấn phẩm và 7 tấn thành phẩm không rõ nguồn gốc, tổng số tiền phạt trên 1 tỷ đồng. Sáu tháng đầu năm 2023, đã có 10 xuất bản phẩm vi phạm về nội dung phải xử lý14.
Đứng trước những cơ hội và thách thức hiện nay, để vận dụng có hiệu quả tư tưởng Hồ Chí Minh vào quá trình hoạt động, xuất bản cách mạng Việt Nam cần quán triệt thực hiện một số giải pháp chủ yếu:
Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, gắn với việc học tập, vận dụng, quyết tâm thực hiện “Định hướng phát triển ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng và hiện đại hóa”, hoàn thành tốt chức năng “là vũ khí xung kích trên mặt trận tư tưởng, lý luận và tổ chức”, góp phần tích cực vào nhiệm vụ tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách phát luật của Nhà nước, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa, xây dựng nền tảng tư tưởng, đạo đức, lối sống và nhân cách con người Việt Nam.
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất bản. Kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, tạo môi trường kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị xuất bản trên cả nước. Hoàn thiện thể chế, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng trong công tác xuất bản; Nghiên cứu sửa đổi, khắc phục các chính sách không khả thi, hoàn thiện, bổ sung chính sách mới kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác xuất bản hiện nay.
Quản lý, quản trị nội bộ, kiểm soát chặt chẽ quy trình xuất bản, quy trình liên kết xuất bản, biên tập cẩn trọng đảm bảo chất lượng nội dung và hình thức của từng xuất bản phẩm, thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật về bản quyền trong hoạt động xuất bản để đảm bảo các xuất bản phẩm đúng với tôn chỉ, mục đích hoạt động của từng nhà xuất bản; đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa tiên tiến, hiện đại, hội nhập quốc tế trong hoạt động xuất bản.
- Tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực làm công tác biên tập xuất bản, phát hành sách vững vàng lập trường tư tưởng chính trị, trau dồi đạo đức cách mạng; giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, áp dụng tốt công nghệ thông tin hiện đại để xây dựng xuất bản Việt Nam vững mạnh, tiến tiến, hiện đại.
Sự nghiệp xuất bản cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là di sản to lớn, tạo nền tảng quan trọng cho sự phát triển hoạt động xuất bản Việt Nam. Người viết sách, làm xuất bản để làm cách mạng nhưng bằng trái tim của người cộng sản yêu nước, thương dân, cộng với tài năng thiên bẩm và bề dày văn hóa, Hồ Chí Minh đã trở thành nhà văn hóa kiệt xuất, danh nhân văn hóa, những xuất bản phẩm của Người đã trở thành di sản bảo vật quốc gia, là tinh hoa văn hóa nhân loại.
Theo dòng chảy lịch sử, tư tưởng Hồ Chí Minh về mọi lĩnh vực vẫn ngày một tỏa sáng, đặc biệt là nghiên cứu về tư tưởng của Người ở lĩnh vực xuất bản sách một cách có hệ thống, có chiều sâu của các nhà nghiên cứu là điều cần thiết và có ý nghĩa khoa học. Bài viết mong muốn gợi mở một góc nhìn nghiên cứu ở lĩnh vực này, góp phần nhỏ hệ thống những giá trị vô giá về tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với xuất bản sách, nhằm quán triệt tinh thần học tập, vận dụng kho tàng tri thức cẩm nang cho những người làm xuất bản trong thời kỳ mới, và với tình cảm muôn vàn kính yêu của những người làm xuất bản đối với Bác.
_______________
1. Chủ tịch Hồ Chí Minh, Sắc luật số 003/SLT ngày 18/6/1957 về quyền tự do xuất bản.
2, 5, 6. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t4. tr.187, 7, 40.
3. Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990, tr.113.
4. Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t12. tr.562.
7, 9. Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t11. tr.47, 48; tr.98.
8. Hoàng Thái Sơn, “Lịch sử nước ta”- Một tác phẩm xuất sắc của Hồ Chí Minh, toquoc.vn.
10. 11. Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t5. tr.345, 346; 340.
12. Nguyễn Văn Dương, Bác Hồ với việc đọc sách báo, hanoimoi.vn.
13. Đảng Cộng sản Việt Nam, Chỉ thị số 42-CT/TW về Nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động xuất bản, ngày 25/8/2004.
14. Mai Lữ, Đổi mới tư duy để phát triển ngành Xuất bản, nhandan.vn.
BÙI THỊ MINH HẢI
Nguồn: Tạp chí VHNT số 576, tháng 7-2024