Chủ tịch Hồ Chí Minh tiêu biểu cho tinh hoa, trí tuệ Việt Nam. Suốt cuộc đời Người phấn đấu hy sinh cho đất nước được độc lập, giàu mạnh, nhân dân được tự do, hạnh phúc. Người nhiều lần khẳng định chỉ có “một mục đích là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân” và “một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Nhờ mục đích và ham muốn cao đẹp đó, Người đã có một ý chí mãnh liệt, nghị lực kiên cường, vượt qua mọi khó khăn, dẫn dắt đất nước và nhân dân đến độc lập, tự do, hạnh phúc. Khi tuổi đã cao, sức khỏe đã giảm sút không đoán biết có thể phục vụ Tổ quốc, nhân dân, cách mạng được bao lâu nữa, Người đã để lại mấy lời “tuyệt đối bí mật” cho Đảng, nhân dân. Đó chính là Di chúc, những việc Người dặn Đảng cần phải làm để làm tròn nhiệm vụ phục vụ nhân dân của vị lãnh tụ suốt đời hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân.
Trang Di chúc sửa chữa năm 1968 có bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Nguồn: Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
Di chúc được Hồ Chí Minh bắt đầu viết từ ngày 10 đến ngày 15-5-1965. Đây là tác phẩm được Người viết lâu nhất, từ năm 1965 đến năm 1969. Trong mỗi năm đó, vào đúng dịp sinh nhật, Người dành thời gian sửa chữa, bổ sung, khi thì đánh máy, lúc thì viết tay, cẩn trọng, cân nhắc từng câu, từng chữ, từng ý, từng việc rất cô động, xúc tích, sâu sắc. Di chúc “chỉ nói tóm tắt vài việc”, nhưng mỗi việc Người dặn Đảng là những định hướng, tầm nhìn, mong muốn xây dựng một Đảng cầm quyền thật sự trong sạch, vững mạnh; “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”1 để nhân dân có cuộc sống hạnh phúc, tự do.
Chỉnh đốn Đảng
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”2. Suy cho cùng, chỉnh đốn Đảng chính là vì nước vì dân, là đem lại hạnh phúc cho nhân dân.
Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của toàn thể dân tộc. “Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác”3. Trách nhiệm của Đảng cầm quyền khó khăn hơn, to lớn hơn, phức tạp hơn so với trước khi Đảng giành được chính quyền. Người nêu rõ: “Tất cả mọi việc, Đảng phải lo. Việc xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, đấu tranh giành thống nhất nước nhà, Đảng phải lo. Ngay đến cả tương, cà, mắm, muối của dân, Đảng đều phải lo”4. Do một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng đã đoàn kết, lãnh đạo, tổ chức nhân dân hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Để Đảng cầm quyền làm tròn trách nhiệm vẻ vang phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân, được dân tin, dân phục, dân yêu, trong Di chúc, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ những vấn đề cốt yếu của công tác xây dựng đảng, đó là:
Thứ nhất, “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”5. Xây dựng sự đoàn kết nhất trí trong Đảng là nhiệm vụ cốt tử. Bởi đoàn kết trong Đảng là hạt nhân của đại đoàn kết toàn dân tộc, mở rộng đoàn kết quốc tế, tạo nên sức mạnh vô địch giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội mới. Đoàn kết trong Đảng làm nên sức sống, sức chiến đấu, sự tồn tại của một Đảng luôn đặt lên hàng đầu nhiệm vụ “Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc”. Đoàn kết trong Đảng, muôn người như một còn là sức mạnh của trí tuệ và đạo đức cách mạng của toàn Đảng, của từng tổ chức Đảng và mỗi đảng viên. Mọi sự chia rẽ đều là nguy cơ dẫn tới sự thất bại và sụp đổ.
Thứ hai, “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”6. Đoàn kết không thể bằng miệng, mà phải bằng việc làm, đoàn kết thật sự. Để củng cố, phát triển sự đoàn kết, thống nhất của Đảng, vấn đề có ý nghĩa then chốt là phải thực hành dân chủ, tự phê bình và phê bình. Có nhiều cách thể hiện dân chủ, nhưng cách tốt nhất là thực hành rộng rãi. Có nhiều cách thể hiện tự phê bình và phê bình nhưng cách tốt nhất là “thường xuyên và nghiêm chỉnh”. Đảng phải thật thà tự phê bình, thành khẩn phê bình đồng chí và những người xung quanh, để cùng nhau tiến bộ, đi đến đoàn kết hơn nữa. Tự phê bình và phê bình mà không nghiêm chỉnh thì chỉ là sự đấu đá, hình thức, dẫn tới “bằng lòng trước mặt, hục hặc sau lưng”, mất đoàn kết. Như vậy, Đảng nào thực hành dân chủ rộng rãi, thực hiện tự phê bình và phê bình nghiêm chỉnh trên cơ sở có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau thì Đảng đó sẽ đoàn kết thống nhất, động lực cho sự phát triển.
Thứ ba, trong điều kiện Đảng cầm quyền, Hồ Chí Minh rất quan tâm xây dựng Đảng về đạo đức, làm cho “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”7. Chữ “thật”, “thật sự” được Người nhắc nhiều lần trong một đoạn văn để căn dặn mọi cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng trong quá trình tư dưỡng, rèn luyện đạo đức, trong chỉnh đốn Đảng phải làm thực chất, làm đến nơi đến chốn, không được hình thức, qua loa. Đạo đức cách mạng cao nhất mà Người yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần là cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, tinh thần trách nhiệm, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Người ví đạo đức của cán bộ, đảng viên như gốc của cây, như nguồn của sông, như sức mạnh của người gánh nặng đường xa. Người còn nhấn mạnh, nếu thiếu một trong bốn đức cần, kiệm, liêm, chính thì không thành người… Có đạo đức cách mạng Đảng mới thật sự trong sạch, vững mạnh, mới có thể toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân, mới củng cố được mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh vui đón Xuân Mậu Thân với các cháu nhi đồng (30/12/1967) - Ảnh tư liệu/hochiminh.vn
Xây dựng đất nước sau chiến tranh
Xây dựng và phát triển đất nước phải nhằm mục đích cuối cùng là đem lại hạnh phúc, tự do cho nhân dân. Kết thúc chiến tranh, đất nước thống nhất là thắng lợi to lớn, nhưng nếu nhân dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì thắng lợi cũng chẳng có nghĩa lý gì. Hạnh phúc, tự do là thước đo giá trị bền vững và cuối cùng của sự nghiệp thắng giặc ngoại xâm. Hồ Chí Minh khẳng định: “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”8.
Hồ Chí Minh chắc chắn sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước nhất định thắng lợi hoàn toàn. Điều mà Người quan tâm là những vấn đề sau chiến tranh, đất nước độc lập, thống nhất thì công việc của Đảng là “phải mau chóng hàn gắn vết thương nghiêm trọng do đế quốc Mỹ gây ra trong cuộc chiến tranh xâm lược dã man”. Người căn dặn Đảng nhiều việc cụ thể, thiết thực, thấm đượm tinh thần nhân ái và nhân văn cao cả trong việc quan tâm chăm lo đời sống nhân dân. Đây chính là sự chăm lo cho tương lai phát triển của đất nước, cũng là trách nhiệm, đạo lý của Đảng. Đảng mà không chăm lo cho nhân dân thì Đảng đó không có cơ sở để tồn tại, sớm hay muộn nhất định sẽ bị diệt vong. Cụ thể:
Thứ nhất, phải quan tâm tới tất cả mọi tầng lớp nhân dân, “không quên sót một ai” với tinh thần nhân văn cao cả. Đó là những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình, các liệt sĩ, cha mẹ, vợ cơn của thương binh liệt sĩ, những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong, phụ nữ, nạn nhân của chế độ cũ, nông dân.
Thứ hai, phải quan tâm mọi mặt đời sống của nhân dân, có điều kiện phát triển không ngừng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, đóng góp phần tích cực cho xã hội. Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu, Đảng và Chính phủ phải quan tâm đến việc tìm mọi cách cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời hướng tới, trang bị cho họ một nghề phù hợp để “tự lực cánh sinh”, không trông chờ ỷ lại. Đối với các liệt sĩ, Người căn dặn mỗi địa phương cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân. Đối với cha mẹ, vợ con thương binh, liệt sĩ, chính quyền địa phương phải “giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp”. Đối với phụ nữ, phải nhận thức về “một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thực sự cho phụ nữ”, có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách công việc kể cả công việc lãnh đạo. Đối với đồng bào nông dân, miễn thuế nông nghiệp một năm làm cho họ “hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”. Kể cả đối với những nạn nhân của chế độ xã hội cũ, như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu…, Người cũng dành tình thương yêu và chỉ ra những con đường để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện.
Trù tính những công việc Đảng phải làm sau khi cách mạng thắng lợi để nhân dân có cuộc sống hạnh phúc, tự do, Hồ Chí Minh còn nói tới kế hoạch xây dựng lại các thành phố, làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh. Khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế. Phát triển công tác vệ sinh, y tế. Sửa đổi chế độ giáo dục cho hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân như phát triển các trường nửa ngày học, nửa ngày lao động. Bồi dưỡng nguồn nhân lực, đặc biệt bồi dưỡng thế hệ trẻ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Củng cố quốc phòng, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại... Nói tóm lại, Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Hồ Chí Minh đã phác thảo xã hội mới phát triển toàn diện các lĩnh vực, hướng đến mục tiêu độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.
Để thực hiện thành công kế hoạch xây dựng lại đất nước sau một thời gian bị chế độ thực dân, phong kiến cai trị và bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Hồ Chí Minh khẳng định: đây là công việc rất to lớn, nặng nề và phức tạp mà cũng rất vẻ vang, là cuộc chiến đấu khổng lồ chống lại những gì cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi, cho nên cần phải kiên trì, bền bỉ, sáng tạo và cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại toàn dân. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh luôn phát huy các nguồn lực vốn có trong dân để xây dựng cuộc sống tự do, hạnh phúc cho nhân dân, tức là đem toàn bộ sức người, sức của, tinh thần, vật chất, tài năng, tài sản… trong dân để làm lợi cho dân. Người khẳng định: “đem sức dân, tài dân, của dân làm lợi cho dân”.
Bao nhiêu việc phải làm, bao nhiêu người dân phải quan tâm chăm lo đều được Hồ Chí Minh nói đến, nhắc đến. Trong trái tim mênh mông của Người đều có chỗ dành cho tất cả mọi người, mọi cảnh đời và số phận. Trong suy nghĩ, lo toan, định liệu của Người từ việc hôm nay và mai sau, từ chiến tranh đang còn tiếp diễn đến sau ngày thắng lợi đã có hòa bình và thống nhất, từ hiện tại bộn bề gian khó đến tương lai với triển vọng tốt đẹp, tươi sáng... Hồ Chí Minh đều dành tất cả trí tuệ và tâm hồn, sức lực và thời gian để chăm lo cho đời sống của nhân dân.
Nhà sàn Bác Hồ trong Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch - Ảnh: Nguyễn Thanh Hà
Về việc riêng
Sau khi căn dặn Đảng những việc chung hệ trọng của quốc gia, dân tộc, Hồ Chí Minh đề cập đến việc riêng. Đây là một trong số ít lần Hồ Chí Minh đề cập đến việc riêng của Người. Điều này dễ hiểu bởi Di chúc thông thường là những dặn dò việc riêng, là các tâm ý, di nguyện riêng. Tuy nhiên chỉ có vài dòng “nói về việc riêng”, chung quy vẫn là những điều Người nghĩ đến lợi ích chung, lợi ích của nhân dân mà không giành bất kỳ điều gì cho mình. Cái chung, cái riêng hòa quyện vào nhau rất hài hòa và được Người sắp xếp rất khéo léo, giải quyết rất rõ ràng.
Hồ Chí Minh đánh giá tổng kết cuộc đời của mình: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”9. Phải đi xa theo quy luật của tạo hóa, Người không có điều gì phải hối hận vì đã hiến dâng cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Hồ Chí Minh chính là Người tìm đường, mở đường và dẫn dắt đất nước và con người Việt Nam phát triển. Nhưng tiếc thì có. Không phải tiếc vì mình chưa có vật chất đầy đủ, cao sang… mà tiếc là không còn được sống lâu hơn nữa để phục vụ Tổ quốc và nhân dân. Đó là sự tiếc nuối của một bậc đại nhân, đại trí, đại dũng, sự tiếc nuối của người “Anh hùng giải phóng dân tộc”, “Nhà văn hóa kiệt xuất”.
Một đời vì nước vì dân, “nâng niu tất cả chỉ quên mình” nhưng đến khi sắp phải từ giã cõi trần, Người vẫn không dành bất kỳ điều gì cho cá nhân mình, không lưu danh mình nơi hậu thế mà vẫn chỉ nghĩ đến lợi ích của nhân dân, nghĩ tới sự phát triển của đất nước. Hồ Chí Minh dặn dò di nguyện việc an táng rất rõ ràng, cụ thể và chu đáo:
Thứ nhất, “chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”10. Người mất mà vẫn nghĩ cho những người đang sống. Sợ phiền hà nhân dân, sợ nhân dân vì mình mà phải mất thời gian và tiền bạc.
Thứ hai, thi hài của Người được “hỏa táng” và mong rằng “cách làm này dần dần sẽ được phổ biến”. Đây là một quan điểm mới mẻ, hiện đại của Người về cách xử lý thi hài vào những năm 60 của thế kỷ XX ở nước ta, khác xa tập tục mai táng truyền thống của người Việt. Người chỉ rõ: Hỏa táng là cách tốt nhất để bảo đảm vệ sinh, bảo vệ môi trường trong sạch, đồng thời tiết kiệm tài nguyên đất đai vì lợi ích của những thế hệ sau.
Thứ ba, một trong những nét đẹp của người Việt là đến thăm viếng những người đã khuất, những bậc tiền nhân. Hồ Chí Minh lo nhân dân đi lại xa xôi không tiện đến thăm Người nên muốn tro được chia làm 3 phần, bỏ vào 3 cái hộp sành, chia cho đồng bào 3 miền. Mỗi nơi chọn một quả đồi để chôn, không dựng bia đá, tượng đồng mà “xây một cái nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi”11 và khuyến khích mỗi người đến thăm viếng trồng cây trên đồi, có lợi cho môi trường, cho khí hậu. Nhiều cây xanh sẽ giữ đất, giữ nước và có lợi cho sản xuất nông nghiệp.
Những bậc vua chúa trước đây chuẩn bị cho sự ra đi của mình bằng những lăng mộ tốn kém với thiết kế cầu kì. Hồ Chí Minh lại chọn nơi yên nghỉ của mình không chỉ giản dị, tiết kiệm mà còn có cả một chiến lược dân sinh kinh tế thiết thực, lâu dài bằng việc trồng cây không chỉ là để làm đẹp, bảo vệ môi trường mà còn tốt cho nông nghiệp. Đây là sự quan tâm chu đáo của Người dành cho nhân dân. Người đã quên mình, hóa thân vào dân, vào nước. Điều này cho thấy tầm vóc vĩ đại của vị lãnh tụ suốt đời vì nước, vì dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người lãnh tụ vĩ đại và vô vàn kính yêu của dân tộc, tuy đã đi xa nhưng Di chúc cùng những lời căn dặn của Người về việc chăm lo hạnh phúc cho nhân dân, đặt lợi ích của Tổ quốc, lợi ích của nhân dân lên trước, hàng đầu vẫn còn nguyên giá trị đến ngày nay. Di chúc chính là sự kết tinh tư tưởng, đạo đức, phong cách của một vĩ nhân suốt đời phấn đấu hy sinh cho độc lập của Tổ quốc, hạnh phúc, tự do của nhân dân. Đảng và nhân dân Việt Nam đang tiếp tục thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người, đưa sự nghiệp đổi mới đất nước đi đến thành công.
1. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.15, tr.614.
2. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, 2011, tr.15, tr.616.
3. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, 2011, tr.5, tr.290.
4. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, 2011, tr.13, tr.272.
5. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, 2011, tr.15, tr.611.
6. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, 2011, tr.15, tr.611.
7. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, 2011, tr.15, tr.612.
8. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, 2011, tr.4, tr.64.
9. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, 2011, tr15, tr.615.
10. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, 2011, tr.15, tr.615.
11. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, 2011, tr.15, tr.615.
TS NGUYỄN THỊ LƯƠNG UYÊN - Ths ĐINH THỊ HOÀI
Nguồn: Tạp chí VHNT số 579, tháng 8-2024