Về mảnh đất Quảng Trị anh hùng

Đã nhiều lần về thăm đất lửa Quảng Trị anh hùng nhưng khi đến thành cổ Quảng Trị, nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang Đường 9..., hình ảnh của 81 ngày đêm rực lửa chiến đấu lại hiện lên trước mắt chúng tôi. Mỗi tấc đất của Thành cổ Quảng Trị đã nhuộm thắm máu đào của các anh hùng liệt sĩ, đồng đội thân yêu của chúng tôi đang yên giấc ngàn thu dưới chân thành cổ anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng.

Các đại biểu tham quan Triển lãm ảnh “Quảng Trị - điểm đến của ký ức” - Ảnh: Trần Huấn

 

Về thăm nghĩa trang quốc gia Trường Sơn, nơi yên nghỉ của 10.263 anh hùng liệt sĩ vào dịp tháng 6, tháng 7, chúng tôi được chứng kiến hàng chục đoàn ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước về đây thăm, dâng hương, thắp nến tri ân, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Nghĩa trang có diện tích gần 40 ha chia làm 5 khu, khu 1 nằm ở trung tâm nghĩa trang trên một ngọn đồi có độ cao 32,4m gồm 395 ngôi mộ liệt sĩ quê Hà Nội, Bình Trị Thiên và các tỉnh phía Nam. Khu 2 gồm 2.268 ngôi mộ liệt sĩ các tỉnh Hà Tây (cũ), Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình và các phần mộ tử sĩ. Khu 3 gồm 2.131 ngôi mộ liệt sĩ các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang. Khu 4 gồm 3.142 ngôi mộ liệt sĩ các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa. Khu 5 gồm 1.187 ngôi mộ liệt sĩ các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc. Những nén hương thơm được thắp lên trên từng ngôi mộ như đem một bình hơi ấm và tình cảm dạt dào của quê hương yêu dấu đến với các anh.

Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9 với 10.087 liệt sĩ yên nghỉ trên quả đồi mênh mông lộng gió. Nơi đây, có tới 210 ngôi mộ tập thể, trong đó có ngôi mộ chứa 105 người. Chiến dịch ác liệt năm Mậu Thân 1968 đã khiến hàng nghìn chiến sĩ hy sinh ở đất Cam Lộ anh hùng. Máu thịt của các anh lẫn vào cát bụi, thấm sâu vào từng nắm đất. Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9, nằm bên cạnh quốc lộ 9, thuộc địa bàn phường 4, cách trung tâm thị xã 6 km về phía Tây, được nâng cấp từ nghĩa trang liệt sĩ thị xã Đông Hà (có từ năm 1983 - 1984).

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đường số 9 là con đường chiến lược nối liền từ biên giới Việt Lào về tới Đông Hà. Dọc trục đường số 9, Mỹ - Ngụy đã cho xây dựng các căn cứ quân sự, các cứ điểm và lô cốt nhầm cắt đứt sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Đường 9 đã đi vào huyền thoại của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ bởi những chiến công hào hùng và oanh liệt và cũng chính nó là nỗi ám ảnh kinh hoàng cho binh lính Mỹ và Ngụy trong những năm 1965, 1972.

Thả hoa tri ân các anh hùng liệt sĩ trên sông Thạch Hãn - Ảnh: Trần Huấn

 

Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9 là nơi an nghỉ của hơn một vạn các anh hùng liệt sĩ với đầy đủ cả ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận đường 9 và ở đất bạn Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ. Bộ đội chủ lực phần lớn là các sư đoàn 308, 304, 312, 968, 324, 320… Nghĩa trang được khởi công xây dựng ngày 2/9/1995 và khánh thành vào dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/1997). Tổng kinh phí đầu tư gần 13 tỷ đồng, có 18 hạng mục công trình lớn, nhỏ được thi công. Trong đó có hai hạng mục công trình lớn mang tính nghệ thuật và lịch sử là tượng đài chiến thắng và khu hành lễ.

Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9 có tổng diện tích 13ha quy tụ gần 9.500 mộ liệt sĩ (con số tương đối vì còn có 210 ngôi mộ tập thể). Trong đó, có 3.227 mộ liệt sĩ được xác định đầy đủ tên tuổi, quê quán, mai táng theo từng tỉnh thành. Có 785 mộ xác định chưa đầy đủ, còn lại chưa rõ tên tuổi. Trong số này, có 8 anh hùng liệt sĩ ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam. Phần mộ liệt sĩ biết đầy đủ họ tên, quê quán được chia thành 14 khu vực liên hoàn theo từng địa phương.

Về Thành cổ Quảng Trị, nơi 52 năm (1972) về trước, mảnh đất này đã hứng chịu 81 ngày đêm mưa bom, bão đạn đỏ lửa. Trung tâm khu thành cổ rộng 16ha là một phần của khu di tích Thành cổ Quảng Trị, được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt của Việt Nam, do mật độ bom đạn rất cao và kéo dài nên hầu hết bộ đội hy sinh trong Thành cổ Quảng Trị đều bị vùi lấp. Nơi đây được xây dựng thành nơi yên nghỉ chung cho những người đã ngã xuống vì Tổ quốc, với nhiều cây xanh, cỏ cây, hoa lá, đài tưởng niệm, bảo tàng.

Do phải gánh chịu một khối lượng bom đạn không nổ trong chiến tranh nên từ sau hòa bình lập lại, Thành cổ chỉ còn dấu vết của một số đoạn thành, cổng tiền đã được tu sửa. Hàng nghìn cây đã mọc xanh ôm che mát  hương hồn các anh hùng, liệt sĩ. Đài tưởng niệm được xây dựng ở chính giữa Thành cổ, được đắp nổi, có hình một nấm mộ chung. Bốn phía gia cố xi măng tạo thành hình 4 cửa : cổng thành cổ, phía trên là nơi để mọi người thắp nhang tưởng niệm. Thành cổ Quảng Trị là địa chỉ đỏ thu hút hàng triệu lượt khách về đây thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho thế hệ mai sau.

Quảng Trị, vùng đất lửa anh hùng mãi mãi tỏa sáng, ghi vào trang sử vàng chói lọi của dân tộc Việt Nam. Kế tiếp truyền thống hào hùng của một thời anh dũng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, ngày nay, tỉnh Quảng Trị đang quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, nhân dân có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc trên con đường đổi mới của Đảng.

 

SƠN TRÀ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 576, tháng 7-2024

;